Nói đến đề tài này là tôi đã đi vào một điều cấm kỵ rồi, vì người mình kỳ lắm, hễ nói đến chữ “ra đi” thì cho là tối kỵ, sợ xui. Nhưng tôi có một bạn hiền, bạn đồng thanh đồng khí, ở xa tôi lắm, trước khi nhắm mắt, đã viết cho tôi một câu chí lý thế này:
– Sợ một điều mà tự cổ chí kim không ai tránh khỏi, thì nó chỉ làm cho mình hèn người đi thôi.
Cho nên, ta cứ bình tĩnh mà run, khi nào Ổng gọi thì ta “Dạ” rồi vui vẻ mà đi, chả có gì phải sợ cả. Ngoài ra, có nhiều chuyện, nếu được tính toán từ trước, thì lúc ra đi cũng có nhiều cái lợi, như chuyện thuế má chẳng hạn.
Lại nói chuyện thuế má thì có lẽ bạn lại cho là tôi méo mó nghề nghiệp hay là tôi thích đóng thuế lắm thì phải! Nhưng không phải thế đâu. Nếu có ai hỏi tôi có thích đóng thuế không thì tôi là người đầu tiên nói là tôi chẳng thích tí nào, nhất là một người như tôi, đi làm, đi dạy, không lãnh “cash” thì gánh nặng thuế khóa quả là nặng nề lắm, lãnh cái chèque ra thì phân nửa đã vô túi nhà nước rồi!
Nhưng biết sao hơn, khi chúng ta sống trong một xã hội pháp luật, mà trong đó Luật Thuế là một trong những luật lệ đã như là hơi thở ràng buộc chúng ta trong tất cả những bước đi, và sẽ còn ràng buộc chúng ta đến suốt đời. Thậm chí cho đến ngày bạn nhắm mắt xuôi tay, ăn xôi nghe kèn “ò e í e”, nằm ngay đơ cán cuốc ra, đã ngậm cười nơi chín suối rồi, bạn vẫn phải làm tờ khai thuế! Không những phải khai những lợi tức mà bạn kiếm được trong năm cuối cùng của bạn, mà còn phải khai lời lỗ trên những tài sản mà bạn tích lũy cả đời, trước khi chuyển phần còn lại cho thân nhân.
Tại Canada không có thuế trên quyền thừa kế (droits successoraux/ estate tax) như tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tại Canada, khi mình chết thì luật thuế coi như là mình bán hết các tài sản của mình theo giá thị trường (JVM: juste valeur marchande/ FMV: fair market value); để tính xem mình bị lỗ hay được lời. Đây là giả dụ như bạn bán tài sản thôi (disposition réputée/ deemed disposition) chứ không phải bán thật. Người chết sẽ phải đóng thuế trên phân nửa (50%) tiền lời; nếu lỗ thì cũng được khai một nửa số tiền lỗ.
Thí dụ: bạn có một số cổ phần lúc mua giá là 150,000$. Lúc bạn chết, trị giá các cổ phần đó là 350,000$. Như thế tiền lời trên các cổ phần này lúc bạn chết là 200,000$ (350,000 – 150,000). Tiền GC: gain en capital/ CG: capital gain mà bạn sẽ phải khai thuế là ½ của 200,000$, tức là 100,000$.
Người được thừa hưởng các cổ phần đó coi như là đã mua với giá thị trường lúc bạn chết, tức là 350,000$. Sau này người thừa kế bán các cổ phần đó thì tiền lời hay lỗ sẽ tính trên giá vốn 350,000$.
Chời! Thế nếu tôi có nhiều tài sản thì khi chết phải đóng thuế hết rồi, còn gì cho thân nhân nữa?
Đó là mục đích của bài viết này. Chúng tôi sẽ đề cập đến vài phương pháp để bạn có thể giảm tối thiểu tiền thuế phải đóng cho nhà nước khi bạn chết, và như thế những người thừa kế của bạn sẽ được hưởng tối đa những gì bạn để lại. Thuế càng đóng ít thì tiền còn lại cho thân nhân sẽ được càng nhiều.
Chuyển nhượng tài sản cho người phối ngẫu
Cách tốt nhất để người chết không bị đóng thuế trên GC/CG khi chết, là làm di chúc để hết tài sản lại cho người phối ngẫu. Trong trường hợp đó, luật thuế cho phép bạn chuyển tài sản cho vợ hoặc chồng theo giá vốn, tức là không lời không lỗ. Luật thuế gọi sự chuyển nhượng này là ʺsang tayʺ (roulement/ rollover). Chỉ khi nào người phối ngẫu bán tài sản đi hoặc chết đi thì lúc đó mới tính GC/CG để đóng thuế
Tuy nhiên không phải ai cũng thực hiện được cách hoàn hảo này. Bạn ly dị, bạn độc thân, hay bạn góa vợ, góa chồng, thì sự việc lại rắc rối hơn. Hoặc bạn là người sống tình cảm với gia đình, anh chị em, con cái, thậm chí cha mẹ nếu còn sống, bạn cũng muốn để lại cái gì đó để các thân nhân này ʺcòn chút gì để nhớʺ đến bạn. Vậy thì nếu ta không làm được điều gì toàn hảo thì ta phải chọn cách nào tối hảo để vừa thực hiện được ước nguyện của bạn, đồng thời giảm tiền thuế đến mức tối đa.
Nhiều người chỉ vì không tính toán từ trước, lúc chết đi tiền thuế phải đóng quá nặng, người thừa kế không đủ khả năng trả thuế mà phải từ khước phần tài sản mà lẽ ra mình được hưởng. Do đó, bạn nên tính toán sẵn, để đến khi mình ra đi thì thân nhân không bị lúng túng vì chuyện thuế má của mình. Làm sao để tính? Có 2 chuyện mà bạn phải nghĩ từ trước:
- Chọn ai là nguời thừa kế?
- Chọn tài sản nào để cho ai trong số các người thừa kế đó?
Chúng tôi sẽ cố gắng trong bài viết này tóm tắt một vài cách để giúp bạn giải quyết vấn đề thừa kế, những cách mà nhiều chuyên viên thuế vụ đã giúp cho khách hàng, thân chủ của họ.
I. Bạn nên nghĩ đến việc lập tờ di chúc
Dù ở tuổi nào, bạn cũng nên nghĩ đến việc lập tờ di chúc để tránh những phiền phức, đôi co trong gia đình khi bạn mất. Trong một dịp khác, chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề lập di chúc. Chúng ta không nên nghĩ rằng mình còn trẻ, còn nhiều thì giờ, không vội! Sống trong một xã hội đầy dẫy những bất trắc, nguy hiểm này, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, bệnh tật, tai nạn, Covid-19, v.v. Có lên chùa nhìn bài vị của các vị đã mất, hay đọc trong kinh Phật, ta cũng đủ biết là ʺmồ hoang lắm kẻ tóc còn xanhʺ. Việc gì tính được trước thì ta cứ tính.
Cuộc đời như giấc chiêm bao,
Có chăng cũng chỉ tan vào hư không!
II. Lập một Quỹ Ủy Thác (Fiducie/ Trust)
Nếu bạn có con nhỏ hoặc thân nhân có bệnh tật, hoặc người phối ngẫu của bạn không có khả năng quản trị tài sản sau khi bạn mất thì giải pháp lập một Fiducie/ Trust là một giải pháp tốt để bạn chuyển tài sản vào Trust, trong đó có một hay vài người mà bạn tin tưởng và ủy quyền (fiduciaire/ trustee) cho họ điều hành Trust theo những gì mà bạn ký kết. Khi bạn mất, những vị được ủy quyền này sẽ tiếp tục điều hành Trust và phát lợi tức hay tài sản cho những người thừa kế của bạn theo đúng ước nguyện của bạn. Nếu bạn giàu có như ông Bill Gate thì bạn có thể chỉ định Trust phân phối tài sản dần dần cho các người thừa kế chứ không cần phải cho một lúc. Các người được ủy quyền do chính bạn chọn ai thân tín nhất, hoặc cũng có thể là 1 chuyên gia tài chánh mà bạn trả lương để điều hành Trust của bạn.
Nếu bạn chỉ có một ít tài sản không đáng kể hoặc gia cảnh của bạn khá đơn giản, thì việc lập Trust có thể không cần thiết.
Trong một dịp khác, chúng tôi sẽ có bài viết riêng về Fiducie/ Trust.
III. Bạn nên chia tài sản của bạn ra thành từng loại
Các loại tài sản mà bạn có thể có lúc sinh thời là: nhà cửa, xe cộ, vật dụng cá nhân, động sản và bất động sản như đất đai, nhà cho thuê, nhà nghỉ mát, chứng khoán, cổ phần hoặc tiền mặt, và quan trọng nhất cũng như ʺgắc gốiʺ nhất là tiền bạn tích lũy được trong các Quỹ hưu bổng REER/ RRSP, FEER/ RRIF, hoặc CELI/ TFSA.
Luật thuế có những điều khoản cho từng loại tài sản nói trên khi bạn chết. Bạn cần biết để chuyển cho đúng người, đúng cách.
- Căn nhà bạn ở (résidence principale/ principal residence)
Đây là tài sản duy nhất dễ tăng giá với thời gian, mà khi bạn bán đi có lời, hay lúc bạn chết cũng không phải trả thuế. Do đó, bạn có thể chuyển căn nhà ở cho bất cứ người thừa kế nào mà bạn chọn. Dù cho ai thì bạn cũng không phải trả thuế.
Có nên cho căn nhà cho con không?
Nếu người phối ngẫu của bạn dự trù sẽ còn sống trong căn nhà đó sau khi bạn chết, mà bạn lại muốn cho con của bạn thừa kế căn nhà thì bạn nên cẩn thận đề phòng trường hợp người con bán căn nhà sau khi bạn chết, và sau đó thì người phối ngẫu còn sống sẽ ở đâu? Một cách để bảo vệ người phối ngẫu còn sống là bạn hãy ghi trong di chúc là người con phải để cho cha, hoặc mẹ sống trong căn nhà đó cho đến ngày chết, hoặc cho đến ngày người cha, hay mẹ muốn đi ở chỗ khác, chẳng hạn như vào viện dưỡng lão. Sau đó, người con muốn bán nhà thì bán.
- Xe hơi và tiền mặt
Xe hơi bạn đi hiếm khi được tăng giá, cho nên không lo khi chết phải đóng thuế trên tiền lời chiếc xe. Do đó, bạn cũng có thể để cho bất cứ người thân nào thừa kế chiếc xe của bạn. Ngoài ra, khi chuyển nhượng chiếc xe cá nhân trong hoàn cảnh đó thì cũng được miễn thuế tiêu thụ.
Tiền mặt cũng thế, bạn có thể cho con hoặc cháu mà bạn chọn.
- Các bất động sản khác
Bạn có nhà đất, cổ phần, hoặc các hình thức đầu tư khác thì đó là việc đau đầu nhất khi bạn chết, vì các tài sản đó thường tăng giá với thời gian, nhất là trong giai đoạn lạm phát. Và khi bạn chết thì chắc chắn phải đóng thuế trên GC/ CG rồi. Cách hay nhất là chọn các tài sản loại này để chuyển tối đa cho người phối ngẫu bằng cách ″sang tay″ (roulement/ rollover) mà luật Thuế cho phép bạn để được diên trì thuế. Ngày nào người phối ngẫu còn sống và còn giữ các tài sản này thì chưa phải đóng thuế.
[Tôi muốn mở một dấu ngoặc ở đây để giải thích thế nào là ″diên trì″ thuế (différer/ defer). Diên trì không có nghĩa là nhà nước ″tha″ cho bạn hay là cho không bạn số tiền thuế mà bạn phải đóng, mà nhà nước chỉ cho bạn hay người thừa kế hoãn lại, chậm lại thời điểm phải đóng thuế. Có nhiều điều lợi trong việc diên trì thuế: 100,000$ tiền thuế bạn phải trả ngày hôm nay, và 100,000$ tiền thuế mà người thừa kế phải trả trong 10 năm hay 20 năm sắp tới có trị giá không giống nhau. Chưa kể là việc diên trì thuế còn cho phép người phối ngẫu chọn thời điểm nào có lợi nhất để đóng thuế. Thí dụ: năm nào vị thừa kế này còn lợi tức cao thì chưa nên bán di sản vì sẽ phải đóng thuế với thuế suất cao (max. federal + provincial = 53%). Hãy chờ năm nào lợi tức xuống thấp hoặc không có lợi tức nào thì hãy bán để trả thuế với thuế suất thấp (min. fed + prov = 27.5%). Một cách khác là hãy chọn một năm nào mà mình bán tài sản bị lỗ lã (perte en capital/ capital loss) thì lựa bán di sản nào có lời (GC/CG), tiền lời này sẽ được bù trừ bằng tiền lỗ lã, và có thể không bị trả thuế]. Xin đóng ngoặc ở đây.
Bạn cũng có thể chuyển các tài sản này vào một Trust lập riêng cho người phối ngẫu (Fiducie exclusive au profit du conjoint/ Spousal or common-law partner trust), thì cũng được hưởng qui chế ″sang tay″, được diên trì thuế cho đến ngày Trust bán các tài sản này. Muốn được như vậy, Trust chỉ được có 1 người thụ hưởng duy nhất là người phối ngẫu của bạn (exclusive). Chỉ cần có thêm bất cứ một người thụ hưởng nào khác thì Trust không còn là ″exclusive″ nữa, bạn không được diên trì thuế nữa, và bạn phải trả thuế ngay trên CG/ GC vào năm bạn chết.
Cách lập Spousal exclusive Trust cho người phối ngẫu rất tốt cho các chủ công ty. Các vị này nắm giữ một số cổ phần quan trọng của công ty, nhưng có thể người phối ngẫu của họ không có chút kiến thức gì về việc điều hành công ty cả. Điều hại có thể xảy ra là người phối ngẫu đem bán cổ phần ra ngoài thị trường cho những người không có khả năng quản trị, và tự nhiên có một lô các cổ đông ″trên trời rớt xuống″ nhảy vào công ty, không ai quen biết với ai cả, gây xáo trộn trong hàng ngũ cổ đông và tạo trở ngại cho việc điều hành công ty.
- Tiền tích lũy trong Quỹ Hưu bổng REER/ RRSP
Đây mới là ″gắc gối″ vô cùng cho bạn. Trái với các loại tài sản khác, mà khi chết bạn chỉ phải đóng thuế trên 50% tiền GC/CG (tức là phần gia tăng trong trị giá của tài sản); thì với Quỹ REER/ RRSP lúc bạn chết bạn phải khai thuế trên toàn thể 100% tiền mà bạn tích lũy trong đó, cả vốn lẫn lời.
Lấy thí dụ bạn đi làm và đóng tiền REER/ RRSP suốt 40 năm, vừa vốn vừa lợi tức Quỹ REER/ RRSP của bạn tích lũy lên đến 800,000$. Vào năm bạn chết, toàn thể số tiền này phải khai vào lợi tức của bạn, cũng có nghĩa là khoảng 400,000$ trả thuế cho nhà nước. Muốn tránh điều đó, bạn nên để di chúc cho người phối ngẫu được thừa hưởng số tiền này, với điều kiện là ngân hàng phải chuyển trực tiếp vào Quỹ REER/ RRSP của người phối ngẫu. Như thế trong năm bạn chết, bạn không phải gộp 800,000$ này vào lợi tức. Mỗi năm, người phối ngẫu rút bao nhiêu tiền từ Quỹ REER/ RRSP ra thì chỉ phải khai thuế bấy nhiêu thôi.
Cũng thế với Quỹ FERR: Fonds enregistré de revenu de retraite/ RRIF: Registered retirement income fund. Bạn nên yêu cầu ngân hàng chuyển trực tiếp toàn thể tiền trong Quỹ FERR/ RRIF cho người phối ngẫu để được diên trì thuế.
Xin giải thích rằng Quỹ FERR/ RRIF là tiếp nối của Quỹ REER/ RRSP. Vào năm 71 tuổi là năm chót bạn được quyền để tiền trong Quỹ REER/ RRSP. Sau đó, thì phải giải tán Quỹ và trả thuế trên toàn thể tiền tích lũy trong REER/ RRSP. Để tránh điều đó, luật Thuế cho bạn chọn cách chuyển toàn thể tiền trong Quỹ REER/ RRSP sang một Quỹ khác là FERR/ RRIF để tiếp tục được diên trì thuế.
Khác biệt duy nhất giữa Quỹ REER/ RRSP và Quỹ FERR/ RRIF là khi tiền đã nằm trong Quỹ FERR/ RRIF, thì bắt buộc hàng năm bạn phải rút ra một số tiền tối thiểu hoặc nhiều hơn nếu bạn muốn, để khai thuế (Quỹ REER/ RRSP thì bạn không bắt buộc phải rút tiền ra trước năm 71 tuổi).
Tôi có thể cho con hoặc cháu thừa kế REER/RRSP hay FERR/RRIF không?
Vào năm bạn chết, nếu bạn có con hay cháu nội ngoại còn vị thành niên và còn dưới sự bảo trợ tài chánh của bạn (enfant à charge/ dependent child), bạn có thể cho con hay cháu nhỏ này thừa kế một phần hay toàn thể tiền REER/ RRSP hay FERR/ RRIF của bạn, cho dù lúc đó người phối ngẫu còn sống. Điều kiện:
– Đứa bé này phải là một trong những người thừa kế trong di chúc hay trong khế ước REER/ RRSP hay FERR/ RRIF của bạn.
– Người đỡ đầu của đứa bé sau khi bạn chết, phải dùng tiền này mua một Quỹ Niên Kim (rente/ annuity) cho đứa bé cho đến khi đứa bé trưởng thành, tức là 18 tuổi.
Bằng cách này bạn cũng có thể không phải trả thuế vào năm bạn chết. Tiền rente/ annuity được phát cho đứa trẻ vào năm nào thì năm đó đứa trẻ phải khai vào lợi tức của năm đó, và nếu đứa bé còn đi học hoặc không có lợi tức nào khác, thì có thể không phải trả đồng thuế nào. Một cách bình thường, nếu chỉ phát cho đứa trẻ chừng 15,000$ hay 16,000$ mỗi năm thì dưới mức phải trả thuế, thế thì dzui mừng dzui quá dzui rồi.
- CELI/ TFSA (Quỹ Tiết Kiệm Miễn Thuế)
Quỹ này, đúng như cái tên của nó, được hoàn toàn miễn thuế, cả lời lẫn vốn, trong thời gian bạn còn sống. Kể từ ngày bạn chết thì những gì đã tích lũy từ trước vẫn được tiếp tục miễn thuế, nhưng lợi tức sinh ra từ ngày chết trở đi sẽ không được miễn thuế nữa, và người thừa kế sẽ phải đóng thuế trên lợi tức sinh ra.
Trừ khi, nếu bạn chỉ định người phối ngẫu để thụ hưởng Quỹ CELI/ TFSA của bạn thì ngân hàng sẽ chuyển thẳng tiền trong Quỹ của bạn sang Quỹ của người phối ngẫu để tiếp tục được quy chế miễn thuế. Khi người phối ngẫu rút tiền từ Quỹ ra cũng không phải đóng thuế.
Xin lưu ý: lợi tức do CELI/ TFSA sinh ra trong khoảng thời gian tính từ ngày bạn chết đến ngày chuyển sang Quỹ của người phối ngẫu, không được miễn thuế và người phối ngẫu phải khai vào lợi tức của mình. Sau đó, khi tất cả đã được chuyển vào CELI/ TFSA của người phối ngẫu thì lúc đó lại được tiếp tục miễn thuế.
Thí dụ: bạn chết vào ngày 1/1/2020, lúc đó trong CELI/ TFSA của bạn cả vốn lẫn lời có 100,000$. Theo di chúc thì 6 tháng sau, vào ngày 1/7/2020, ngân hàng chuyển trực tiếp hết vào CELI của người phối ngẫu của bạn, lúc đó là 103,000$, vì trong vòng 6 tháng, CELI đã sinh lợi thêm 3,000$. Người phối ngẫu sẽ phải khai thuế trên 3,000$ lợi tức này. Kể từ ngày 1/7/2020 trở đi thì tất cả tiền đã trở thành CELI của người phối ngẫu, và vị này lại tiếp tục được miễn thuế.
Do đó, bạn nên ghi trong di chúc thế nào để CELI/ TFSA của bạn được chuyển sang CELI của người phối ngẫu trong thời hạn ngắn nhất sau ngày bạn chết, để giảm tiền thuế cho người phối ngẫu, thay vì chờ 6 tháng sau mới chuyển.
Thế nếu tôi chuyển CELI/ TFSA cho con hay cháu thì sao?
Câu trả lời là 100,000$ trong CELI của bạn được miễn thuế hoàn toàn. Lợi tức sinh ra sau ngày bạn chết, người con hay cháu sẽ phải khai thuế, không được ưu quyền như trường hợp người phối ngẫu.
**********
Chúng tôi vừa tóm tắt những loại tài sản chính mà bạn cần cân nhắc tính toán cho cái ngày bạn ra đi, để người thừa kế được thảnh thơi mà nhận gia tài của bạn.
Dưới đây, chúng tôi lại tiếp tục bàn thêm vài cách để bạn giảm thuế khi chết.
IV. Bảo hiểm nhân thọ (assurance-vie/ life insurance)
Nếu bạn có nhiều tài sản trước khi chết thì bảo hiểm nhân thọ là biện pháp tốt nhất để chuyển lại cho người thừa kế. Tiền bảo hiểm mà thân nhân bạn nhận được sau khi bạn chết hoàn toàn miễn thuế, thông thường được dùng để trả thuế cho bạn, hoặc các món nợ khác mà bạn chưa trả xong. Kế đến, nếu còn thì sẽ chiếu theo di chúc mà phân phối cho các người thừa kế. Bằng cách này, người thừa kế sẽ yên tâm mà nhận phần di sản của họ, không phải lo lắng đến món nợ thuế mà bạn phải trả cho nhà nước. Nếu bạn mua bảo hiểm nhân thọ càng sớm thì số tiền phải trả hàng năm sẽ nhẹ hơn là chờ lớn tuổi mới mua. Càng lớn tuổi, cơ hội ″ra đi″ của bạn càng cao, hãng bảo hiểm sẽ đòi hỏi một giá đắt hơn gấp bội.
V. Tặng cơ quan từ thiện
Càng ngày việc các người già đơn thân không có con cái hoặc các người quá giàu, họ chỉ dành một phần tài sản cho con cái, phần còn lại cho cơ quan từ thiện dùng vào các mục đích nghiên cứu, giúp kẻ nghèo khó, đã trở thành thông dụng. Các tặng dữ này có thể là tiền, bất động sản hoặc các đầu tư và chứng khoán, v.v. Khi tặng như vậy, người quá cố phải khai GC/CG, nhưng đồng thời có thể được một bồi hoàn thuế khoảng 45% của trị giá món quà tặng, bù trừ cho tiền thuế mà người quá cố phải trả trên GC/CG.
Thí dụ: Ông A không có vợ con gì cả, thì ông có thể tặng ngôi nhà của ông cho nhà thờ trong khu phố với di chúc dùng ngôi nhà đó để có chỗ ở cho những người gặp khó khăn. Ông cũng có thể tặng cổ phần cho nhà chùa, với di chúc dùng lợi tức cồ phần để trang trải chi phí cho nhà chùa, v.v.
Nhà nước rất khuyến khích việc này, do đó đã cho bạn credit thuế khi bạn tặng từ thiện. Những công ty lớn tại Canada cũng tham gia rất tích cực vào việc tặng từ thiện. Thí dụ như công ty làm ra chiếc điện thoại Black Berry tặng những số tiền lên đến nhiều chục triệu cho 2 đại học tại Toronto, và cho 1 bệnh viện tại Toronto để xây một trung tâm nghiên cứu. Công ty Dollarama cũng góp phần không nhỏ vào các công tác từ thiện. Các công ty này cũng tặng cổ phần của chính công ty của họ cho một số cơ quan bất vụ lợi. Khi các cổ phần này sinh lợi tức thì các cơ quan được tặng sẽ dùng lợi tức để làm công tác từ thiện. Thật đáng quý.
Nếu bạn độc thân và không có thân nhân thừa kế thì đây là giải pháp vẹn toàn.
VI. Tận dụng các lợi tức mà nhà nước cho miễn thuế
Có nhiều loại lợi tức mà bạn phải khai, nhưng sau đó lại được miễn thuế, giúp bạn giảm được rất nhiều tiền thuế khi bạn chết đi. Bạn cần bàn tính trước với các chuyên viên kế toán, tài chính của bạn để tận dụng tối đa.
- Đầu tiên phải kể đến tiền GC/CG trên căn nhà ở của bạn: nếu bạn và gia đình cư ngụ trong căn nhà đó thì khi bán đi hoặc khi bạn chết, tiền lời được miễn thuế một phần hay toàn thể, tùy theo số năm bạn cư ngụ trong căn nhà đó.
- Nếu bạn bán các loại tài sản dưới đây hoặc là vào năm bạn chết, thì cũng được miễn thuế trên GC/CG:
- Cổ phần của vài loại công ty tư (actions admissibles de petites entreprises/ qualified small business corporation shares): bạn được miễn thuế trên GC/CG cho đến mức 883,384$ (2020). Nếu trên mức đó thì 50% GC/CG phải tính thuế.
- Các tài sản nông nghiệp hay ngư nghiệp: mức GC/CG được miễn thuế lên đến 1,000,000$ (một triệu đồng). Trên mức đó thì 50% GC/CG phải tính thuế.
Do đó nếu bạn có một trong các loại tài sản này thì phải nói rõ với người phụ trách kế toán của bạn hay với người sẽ thi hành di chúc của bạn để mà tận dụng các loại miễn thuế vừa kể.
VII. Nếu người quá cố có nhiều nợ?
May mắn là nhà nước cho chúng ta thời hạn 6 tháng để kiểm kê tài sản của người chết. Nếu như người chết có quá nhiều nợ hơn là tài sản, cộng thêm với tiền nợ thuế nữa thì người thừa kế phải làm sao?
Nếu bạn là người được thừa hưởng một phần hay toàn thể gia tài của người quá cố thì trong trường hợp đó bạn phải lãnh vừa gia tài vừa… lãnh nợ luôn. Bạn có thể thoát nợ bằng cách từ khước lãnh gia tài. Việc này bạn nên ra chưởng khế làm giấy tờ từ khước toàn thể những gì bạn được quyền thừa kế. Bạn không thể nhận thứ này, từ khước thứ kia. Làm như thế bạn có thể bị kẹt với… đống nợ của người chết đấy.
Bạn chỉ có thể nhận những vật lưu niệm như hình ảnh, kỷ vật của gia đình, v.v.
VIII. Thuế trên quyền thừa kế tại Hoa Kỳ (droits successoraux/ estate tax)
Tôi không thể không nhắc nhở các bạn rằng ngoài thuế phải đóng cho Canada vào năm bạn chết, có thể bạn cũng phải đóng thuế trên quyền thừa kế cho Hoa Kỳ nếu bạn có tài sản tại Mỹ. Thuế này sẽ tính trên giá thị trường của các tài sản mà bạn có tại Mỹ. Một số bạn lớn tuổi, có khuynh hướng mua nhà tại California, Florida, để hàng năm sang đó trốn lạnh mùa đông; hoặc trực tiếp mua cổ phần của các công ty lớn như IBM, Microsoft, vừa chắc chắn lại vừa có lợi nhuận cao. Ít người nghĩ đến chuyện khi mình chết, có thể phải trả thuế cho Hoa Kỳ, nếu các đầu tư này có giá trị quan trọng. Thuế này gọi là ″droits successoraux/ estate tax″.
Sau đây là vài cách thức để giảm estate tax của Mỹ:
– Mua bảo hiểm nhân thọ đủ để trả thuế Mỹ khi bạn chết.
– Bán các tài sản này trước khi bạn chết, nhưng đừng quên là ngoài thuế phải trả cho Hoa Kỳ, bạn cũng phải khai thuế tại Canada khi bán tài sản, cho dù là tài sản Mỹ.
– Nếu tài sản có giá trị quan trọng, thì bạn nên nghĩ đến giải pháp lập một công ty Canada, và để công ty làm chủ các tài sản đó. Khi bạn chết thì không ảnh hưởng gì vì tài sản là của công ty chứ không phải của cá nhân bạn.
– Giảm các tài sản đó xuống dưới mức mà Hoa Kỳ cho bạn được miễn thuế khi chết. Những năm gần đây, Thỏa hiệp Thuế (convention fiscale/ tax treaty) giữa Canada và Hoa Kỳ đã nâng mức được miễn thuế lên để giúp cho nhiều người Canada được miễn thuế Mỹ khi chết.
– Đầu tư vào các Quỹ hỗ tương (fonds mutuels/ mutual funds) tại Canada, và yêu cầu Quỹ hỗ tương đầu tư vào các tài sản tại Hoa Kỳ như IBM, Microsoft. Như thế tiền đầu tư vào Fonds mutuels/ mutual funds là tài sản Canada, mặc dù là trong số vốn đầu tư đó có cổ phần của các công ty Mỹ.
– Sở hữu chung các tài sản này, với người phối ngẫu hoặc với anh chị em. Bằng cách này, lúc chết bạn có thể được diên trì thuế cho đến khi người kia cũng chết, với điều kiện là người kia có bỏ tiền ra mua phần của họ, chứ không phải chỉ cho mượn tên.
IX. Khi chết, bạn được làm tới 4 tờ khai thuế!
Vào năm bạn chết, bạn có quyền làm tối đa 4 tờ khai thuế, nếu bạn có nhiều nguồn lợi tức khác nhau.
- Một tờ khai thuế cuối cùng (déclaration finale/ final tax report) để khai các lợi tức bình thường của bạn.
- Một tờ để khai các lợi tức mà bạn đã có nhưng chưa nhận được: thí dụ như tiền lương nghỉ hè, lợi tức cổ phần đã được công ty công bố nhưng chưa phát.
- Một tờ để khai số tiền mà bạn được thừa kế từ một người quá cố khác.
- Cuối cùng là một tờ khai lợi tức nếu bạn có hùn vốn với một số người khác, hoặc là lợi tức từ xí nghiệp cá nhân của bạn, thí dụ một cửa hàng, một tiệm ăn.
Khi bạn làm nhiều tờ khai thuế, điều này rất có lợi, vì trong mỗi tờ khai thuế, bạn được coi là một người khác nhau, và bạn được hưởng tất cả các miễn trừ cá nhân, miễn trừ cho tuổi già, v.v… Có nghĩa là, nếu bạn khai thuế 4 lần, bạn được hưởng 4 lần các miễn trừ kể trên. Hơn nữa, nếu chia lợi tức ra làm 4 phần để khai thì thuế suất cũng nhẹ hơn là khai tất cả lợi tức gộp chung vào làm một.
X. Kết luận
Việc chuẩn bị cho sự ra đi của mình không bao giờ là một chuyện vui cả. Nhất là lại phải tính toán làm sao cho người ở lại không bị kẹt vì vấn đề thuế má của mình. Nhưng nếu chúng ta bình tĩnh bàn trước với chuyên viên, chắc chắn bạn sẽ tìm được những giải pháp tốt. Không có giải pháp nào hoàn toàn cả, nó tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của mỗi người. Bạn nên bàn với chuyên viên của mình.
Tuy nhiên bạn cũng đừng quên rằng chuyện giảm thuế khi chết không phải là yếu tố duy nhất để chúng ta quyết định trao tài sản cho ai, mà còn nhiều yếu tố khác phải nghĩ tới, yếu tố gia đình, yếu tố nhân bản, lương tâm, và yếu tố tình cảm cá nhân nữa. Dung hòa được tất cả các yếu tố này thật không phải là một chuyện dễ.
Chúng tôi mong bạn tìm được giải pháp tốt đẹp nhất cho chính bạn và cho những người ở lại, những người sẽ phải chịu nỗi đau khi bạn ″mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời″.
Hải Phong