(Bài trích ra từ voatiengviet.com và Reuters 11/7/2020)
Trong lúc giới khoa học thắc mắc liệu sự hiện diện hay vắng mặt của kháng thể chống virus corona có thể quyết định khả năng miễn nhiễm, một số nhà khoa học đang nghiên cứu một thành phần khác của hệ thống miễn nhiễm, được gọi là tế bào T, về vai trò của tế bào này trong việc bảo vệ nhân loại giữa đại dịch.
Những cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy một số bệnh nhân phục hồi từ COVID xét nghiệm âm tính với kháng thể virus corona lại phát triển tế bào T đáp ứng với việc lây nhiễm COVID-19.
Dù các cuộc nghiên cứu đó còn ở quy mô nhỏ và chưa được các chuyên gia bên ngoài duyệt xét lại, nhưng một số khoa học gia giờ đây cho biết những người chỉ bị nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể loại được việc bị lây nhiễm nhờ sự đáp ứng của tế bào T.
Phát hiện này thêm vào những bằng chứng là một vaccine hiệu nghiệm sẽ cần phải bắt tế bào T làm việc cộng với việc sản xuất ra kháng thể. Phát hiện vừa kể cũng có thể có ảnh hưởng đến một vài cách điều trị đang được phát triển. Khám phá này cũng cho thấy sự miễn nhiễm khi bị phơi nhiễm hoạt động như thế nào.
“Ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy những người bị phơi nhiễm COVID có đáp ứng bằng kháng thể trong ngắn hạn, hay có đáp ứng bằng tế bào T, cho dù là không có hoặc có ít đáp ứng kháng thể,” bác sĩ Alessandro Settle, giáo sư và là thành viên của Trung tâm Bệnh truyền nhiễm và Vaccine thuộc Viện La Jolla ở California nói với Reuters.
Khi virus vượt qua được phòng thủ ban đầu của cơ thể – gồm các bạch huyết cầu chống nhiễm trùng – thì một đáp ứng ‘thích nghi’ được phát động, kích thích việc sản xuất những tế bào nhắm tấn công kẻ xâm nhập. Những tế bào đó bao gồm những kháng thể có thể nhận ra được virus và bao vây, ngăn không cho xâm nhập vào tế bào của chủ nhân, cũng như tế bào T vốn có thể giết cả những virus ngoại nhập và những tế bào đã bị nhiễm virus.
Sáu tháng đại dịch toàn cầu với hơn 12 triệu người bị nhiễm COVID, con người vẫn chưa biết được liệu đáp ứng kháng thể đối với chủng virus này có mạnh mẽ và lâu dài hay không.
“Tế bào T thường quan trọng trong việc kiểm soát việc lây nhiễm virus. Chúng ta đang thấy chứng cứ của việc này,” ông John Wherry, giám đốc Viện Miễn nhiễm thuộc Trường đại học Pennsylvania nói với Reuters.
Một cuộc nghiên cứu nhỏ mới đây của Pháp, chưa được các chuyên gia duyệt xét, phát hiện là 6 trong 8 thành viên gia đình tiếp xúc kế cận với người nhà bị COVID-19 phát triển đáp ứng tế bào T, nhưng không xét nghiệm dương tính với kháng thể.
Một cuộc nghiên cứu của Thụy Điển trên 200 người phát hiện đáp ứng tế bào T mạnh mẽ trong hầu hết những người bệnh nhẹ hay không có triệu chứng, sau khi họ bị nhiễm virus corona, dù có hay không có đáp ứng kháng thể.
‘Bộ nhớ’
Chú trọng đến đáp ứng tế bào T cũng có thể mở rộng tầm mắt về tiềm năng miễn nhiễm dài hạn.
Có một số chứng cứ là tế bào T phát triển sau khi phơi nhiễm với các virus corona gây ra cảm cúm thông thường có thể giúp chống lại virus corona chủng mới, được biết dưới tên SARS-CoV-2.
Một cuộc nghiên cứu của Viện La Jolla phát hiện tế bào T phản ứng với SARS-CoV-2 trong khoảng một nửa các mẫu máu được thu thập từ năm 2015 và 2018. Điều này cho thấy là những tế bào của hệ thống miễn nhiễm phát triển sau những lây nhiễm trước đây với virus corona gây bệnh cảm thông thường, và rằng chúng có thể giúp bảo vệ chống lại chủng virus mới.
Các ứng viên vaccine chống COVID-19 hiện đang được thử nghiệm nhằm tạo kháng thể và tạo đáp ứng tế bào T. Những phát hiện mới nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xác định đáp ứng tế bào T trong những thí nghiệm lâm sàng trên người.
Sau khi bị lây nhiễm hay được tiêm vaccine, hệ thống miễn nhiễm giữ lại một số tế bào ‘bộ nhớ’ sẵn sàng tấn công virus đó trong lần bị nhiễm tiếp theo.
Nhiều nước dùng xét nghiệm máu tìm kháng thể để ước lượng có bao nhiêu người bị nhiễm COVID cho dù họ không có triệu chứng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết mức kháng thể có liên hệ đến việc phơi nhiễm virus thế nào hoặc chúng tồn tại bao lâu. Cũng chưa biết là các tế bào nào trong hệ thống miễn nhiễm kết hợp với nhau sẽ mang lại sự bảo vệ đáng kể.
Rất khó đo lường mức độ tế bào ‘bộ nhớ’ T, đặc biệt là nếu những tế bào đó là những hạch hay ở những khu vực khó tiếp cận trong cơ thể. Thêm vào đó, đáp ứng tế bào T có tính đa dạng cao độ.
Bình luận:
Hệ thống miễn nhiễm chống bệnh Covid 19 không chỉ tùy thuộc vào kháng thể (anticorps), mà còn dựa trên những lymphocytes T.
Nếu chỉ xét nghiệm duy nhất kháng thể (anticorps) để xác định hệ thống miễn nhiễm thì nghiên cứu không đầy đủ.
Điều đáng kể là trong một nghiên cứu tại La Jolla institute of immunology (California) phổ biến ngày 25/6/2020, trong 40-60% những mẫu máu của những bệnh nhân cũ từ 2015 tới 2018, (tức là TRƯỚC dịch Covid 19), đã có những tế bào lymphocyte T chống cự lại virus Covid 19.
Đó là vì các bệnh nhân xưa này đã chạm phải những loại coronavirus khác trong quá khứ và đã phát triển ra một hệ thống miễn nhiễm chung cho nhiều loại coronavirus ( immunité croisée).
Có lẽ nhờ immunité croisée này nên đại đa số (80%) những người bị nhiễm Covid 19 hiện nay hoặc không có triệu chứng, hoặc bị bệnh rất nhẹ?
Dương Đình Huy
Nguồn tham khảo : Cell 181, p1489-1501, June 25,2020