1. Dẫn nhập
Viết về cây nhãn, nhớ đến bài ca dao nói về nông lịch Việt:
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.
Tháng Tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm.
Tháng Sáu buôn nhãn bán trâm,
Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân.
Tháng Tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng Chín chung chân buôn hồng.
Tháng Mười buôn thóc bán bông,
Tháng (Mười) Một, tháng Chạp nên công hoàn thành.”
cũng như:
Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi
Cây nhãn tên khoa học là Euphoria longana, còn người Tàu gọi là: “long nhãn“; nghĩa là “mắt rồng” vì hạt có màu đen bóng, là loài cây cận nhiệt đới lâu năm thuộc họ Sapindaceae (họ Bồ hòn) có nguồn gốc miền nam Trung Quốc. Cây nhãn ít kén đất và có khả năng chịu rét tốt nên có khả năng sinh trưởng ở nhiều vùng miền khác nhau. Ở nước ta, nhãn được trồng nhiều ở Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Sơn La, Bắc Cạn… Trên thế giới, nhãn còn được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ hay các tỉnh khu vực miền nam Trung Quốc.
Cùng họ Sapindaceae với cây nhãn, ta có cây vải (litchi), cây chôm chôm (ramboutan). Cây nhãn gặp suốt cả ba miền Bắc, Trung, Nam đất Việt, trên đất phù sa sông ngòi . Ta gặp nhãn lồng Hưng Yên, nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng v.v. Cây nhãn có chiều cao trung bình khoảng 5 – 10 mét. Thân cây đứng thẳng, phân thành nhiều cành có lá um tùm. Bên ngoài thân được bao bọc bằng một lớp vỏ xù xì, có màu xám. Lá nhãn dạng kép, mọc so le, màu xanh và có hình dáng tương tự như hình lông chim, .Thân nhiều cành, lá um tùm, xanh quanh năm.
Nhãn cho ra hoa vào mùa xuân. Hoa nhãn màu vàng nhạt, thường mọc thành chùm ở đầu cành hay kẽ lá .Quả nhãn hình tròn, có vỏ ngoài nhẵn và có màu vàng xám. Hạt đen, có áo hạt màu trắng trong .Mùa hoa tháng 2 đến tháng 4, mùa quả tháng 7-8. Cây nhãn tương đối chịu rét so với các cây cùng họ như cây vải. Cây nhãn ít kén đất và có khả năng chịu rét tốt nên có khả năng sinh trưởng ở nhiều vùng miền khác nhau. Quả nhãn kích thước cở như trái vảị. Tuy nhiên trái nhãn màu vàng nhạt và không nhám như trái vải. Loài ong rất thich hoa nhãn vì hoa nhãn có mật hoa rất ngọt.
Cùi nhãn sấy khô (long nhãn) có chỗ dày, chỗ mỏng không đều nhau. Nó có màu vàng cánh gián hoặc màu nâu đậm, mặt ngoài nhăn nheo, mặt trong sáng bóng. Ăn long nhãn có vị ngọt đậm, mùi thơm nhẹ, mềm, dẻo.
2. Các giống
Có nhiều giống: nhãn trơ cùi cùi rất mỏng, nhãn nước nhiều nước. Ngoài ra, còn có các giống nhãn nổi tiếng sau:
Nhãn xuồng cơm vàng
Giống nhãn xuồng cơm vàng là giống có nguồn gốc ở Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, được trồng bằng hạt, cùi dày, màu hanh vàng, ráo nước, dòn, rất ngọt, được thị trường ưa chuộng. Đặc điểm dễ nhận diện là quả có dạng hình xuồng. Quả chưa chín gần cuống có màu đỏ. Khi chín vỏ nhãn có màu vàng da bò. Nhãn xuồng cơm vàng thích hợp trên vùng đất cát; nếu trồng trên đất thịt hoặc sét nhẹ nên ghép trên gốc ghép là giống tiêu da bò.
Nhãn lồng Hưng Yên
Giống nhãn xuất phát từ Hưng Yên từ lâu đã có tiếng là ngon ngọt nên từng được tiến cung dâng vua. Nhãn Hưng Yên có quả to, vỏ gai và dày, vàng sậm. Cùi nhãn dày và khô, mọng nước, hạt nhỏ. Vị thơm ngọt như đường phèn. Cũng vì vậy mà còn được gọi là “nhãn tiến”. Lê Quý Đôn đã ghi nhận hương vị xuất sắc của nhãn xứ Hưng Yên. Tên “nhãn lồng” bắt nguồn từ việc khi nhãn chín phải dùng lồng bằng tre, nứa giữ cho chim, dơi khỏi ăn.
3. Sử dụng
Cùi nhãn khô hay long nhãn nhục (Arillus longanae) dẻo, có màu nâu hoặc nâu đen, được dùng làm thực phẩm đồng thời là một vị thuốc thường được dùng trong Đông y chữa các chứng bệnh hay quên, thần kinh kém, suy nhược, hay hoảng hốt, khó ngủ. Hạt nhãn được dùng để chữa các chứng chốc lở, gội đầu, đứt tay, chân. Theo Đông Y, nhãn nhục có tính ấm, những người có cơ địa nóng trong không nên dùng nhãn nhục quá thường xuyên.
Ngoài ra long nhãn nhục cũng được dùng trong chế biến một số món chè.
Thái Công Tụng