1. Nhập đề
Xin mượn lời ca trong một bài hát nọ làm tựa đề cho bài viết. Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn và những con mắt buồn phiền cũng là phản ánh tâm trạng lo âu, buồn bực, trăn trở của con người. Thực vậy, khổ đau luôn luôn là một vấn nạn muôn kiếp. Bài thơ sau đây của Alfred de Musset cũng văng vẳng hai câu : ‘L’homme est un apprenti, la douleur est son maitre, Et nul ne se connait tant qu’on n’a pas souffert’. Sự khổ đau nếu ta không có/Biết thân ta thật khó muôn bề/Ta là ngưòi thợ học nghề/ Có đau mới biết rõ về thân ta.
Suy rộng ra, nhà văn hào Dostoyevsky gọi Sự Sống, Đau Khổ và Sự Chết là những ‘vấn nạn muôn thuở’ mà con người khó tháo gỡ một cách trọn vẹn.
Truyện Kiều cũng có câu :
Đau đớn thay, phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Hoặc những vần thơ nói về tính chất vô thường, bất định của đời người như :
Kiếp hồng nhan có mong manh
—
Phận sao phận bạc như vôi
Cũng đành nuớc chảy, hoa trôi lỡ làng
Phật giáo cũng nêu khổ trong Tứ Diệu Đế : Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Như vậy, tiền đề khổ đau luôn luôn có mặt trong ta, xung quanh ta, trước đây, hiện nay và về sau. Nhưng ngoài cái khổ đau, trong thế giới ngày nay, với sự toàn cầu hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, con người còn bị một hiện tượng khác chi phối : đó là stress cũng thường trực hiện diện trong mọi hoàn cảnh : học đường, xí nghiệp, sở làm và ở mọi lứa tuổi.
2. Stress ngoài đời, trong nhà, trong trường, trong sở làm
Ngày nay, hiện tượng stress hoặc căng thẳng tâm thần có mặt trong mọi nơi: trong sở làm, trong học đường, ngoài đường phố, nếu so sánh với đời xưa. Tại sao ?
Môi trường sống bị thay đổi qúa nhanh ảnh hưởng đến điều kiện sống; điều kiện sống dẫn đến thay đổi về tập quán sống, lối sống nên con người không thích nghi kịp với các biến đổi xung quanh sinh ra mất cân bằng về tâm lí . Hiện nay, tình trạng Stress càng ngày càng xâm phạm đến nhiều lãnh vực và với mọi lứa tuổi nên trường học, xí nghiệp luôn luôn có counseling trong các Trung tâm tư vấn tâm lý. Bệnh viện nào cũng có Trung Tâm Sức khoẻ tâm thần (Santé Mentale).
Người trẻ dễ bị stress hơn người già vì đi học phải học nhiều, luyện thi, bị áp lực cha mẹ, ra trường, chạy nộp đơn xin việc làm, vào sở thì lu bu công việc, đua tranh, về nhà nếu có con cái thì lại dạy học cho chúng.
Môi trường xã hội cũng vậy: nạn nhân mãn, gây ra phá hủy môi trường, tạo mọi loại ô nhiễm từ ô nhiễm nưóc đến ô nhiễm tiếng động vớI xe cộ ngổn ngang, ô nhiễm bụi bặm gây ra dị ứng, hắt hơi. Sự toàn cầu hoá, khu vực hoá kéo theo sự cạnh tranh; con người trong nền kinh tế thị trường phải bôn ba để dành thị trường.
Môi trường gia đình : sự sa sút của đạo đức gia đình và đạo đức xã hội có tác động mạnh đến giới trẻ như li thân, li dị, bạo hành và điều đó cũng ảnh hưởng đến tâm hồn các em.
Và các loại môi trường như trên của thời đại ngày nay đã tác động mạnh mẽ trên tâm lí con người, gây ra stress và stress là một kiểu phản ứng tâm lý và cơ thể để mong lập lại một sự quân bình trong cơ thể và nội tâm trước một tác động của môi trường.
Và cứ thế, lâu dần các stress ở trạng thái tiềm ẩn, chìm sâu trong tâm thức như ở dưới phần ngầm của băng sơn trên biển, trôi lờ lững. Stress dễ xảy ra khi con người cố kềm hãm không để thể hiện ra ngoài những ý nghĩ, mong muốn và tình cảm của bản thân nhưng đến một lúc nào đó có một chấn thương tâm lý, một sự cố như thất nghiệp, người thân chết, li dị v.v thì bệnh trầm nhược (depression) sẽ phát hiện. Trầm nhược hiện ra dưới nhiều hình thức và có thể nêu ra đây các triệu chứng:
Về mặt tư tưởng: thiếu tập trung, khó nhớ, mau quên, muốn tự vẫn.
Về mặt thể chất: biếng ăn, mất ngủ liên miên, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, uể oải.
Về mặt tình cảm: buồn rầu, trăn trở, trống vắng, lo âu, chán nản.
Về mặt hành vi : không muốn trò chuyện với ai, nói không đầu đuôi, ngồi trầm ngâm, nhìn mọi sự vật với một màu sắc ảm đạm và thê lương : ‘ người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ‘.
Và cứ mỗi trạng thái tâm lý (buồn, giận, ghét, thương ..) lại tương ứng với mỗi trạng thái sinh lí khác nhau trong não bộ . Khi stress kéo dài lâu, cơ thể sẽ suy yếu vì khi lo âu, não bộ với hàng tỷ neuron sẽ hoạt động sai lạc không bình thường và trở nên rối loạn.
Theo Aaron Beck, một nhà tâm thần học nổi tiếng, không phải cái thực tại làm cho mình bị trầm nhược, mà chính là cái nhận định, cái giải thích về cái thực tại đó mới làm ta bị trầm nhược. Và chính cái nhận thức đó lại bị ảnh hưởng bởi các định kiến cơ bản nhưng sai lầm như: đời người dễ qúa, ta không thể thất bại, thế nào mình cũng thi đậu với hạng cao, ta không bao giờ làm sai v.v., do đó một khi gặp cảnh ngộ éo le (thất nghiệp, tình phụ, lổ lã làm ăn ..) thì tâm hồn dễ bị chấn thương, đưa đến trầm nhược.
Trong thi phẩm Chinh phụ ngâm, có đoạn thơ nói về nỗi buồn của người thiếu phụ:
Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ
Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai
Há như ai hồn say bóng lẫn
Bỗng thơ thơ , thân thẩn như không
Cái ‘thơ thơ thẩn thẩn như không’ đó chính là dấu hiệu của trầm nhược, cùng với :
‘mặt biếng tô, miệng càng biếng nói
Sớm lại chiều ròi rõi nương song’
Có 3 yếu tố ảnh hưởng lẫn nhau trong qúa trình trầm nhược:
Yếu tố sinh học trong đó có phần di truyền
Yếu tố tâm lý như cảm xúc, nhận thức, tri giác, tuệ căn
Yếu tố xã hội như thất nghiệp, làm ăn thua lỗ, gia đình có người thân chết hay như nàng chinh phụ chờ chồng như nói ở đoạn thơ trên.
Chỉ cần một trong những yếu tố đó bị ảnh hưởng cũng kéo theo các ảnh hưởng kia.
Sau đây là mô hình sinh-tâm-xã (modèle biopsychosocial) của trầm nhược, cho thấy sự tương quan chặt chẽ và thường trực của các yếu tố nói trên.
3. Xin cấy lại niềm tin
Niềm tin là một thứ ciment tinh thần nối kết mọi phần tử trong xã hội. Do đó trong Nho giáo có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Chữ Tín là một trong 5 yếu tố căn bản. Không có niềm tin, mọi tổ chức đoàn thể sẽ trở thành giả tạo, phù phiếm . Trong gia đình, cha mẹ cãi cọ nhau thì hỏi con cái tin vào ai ? Trong đời sống lứa đôi, khi vợ chồng lừa dối nhau để không tin nhau nữa là sẽ đổ vở. Với niềm tin tôn giáo, ta tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Ánh sáng niềm tin là yêu thương phục vụ tha nhân. Khi con người biết quên mình, sống cho người khác thì con người sẽ tìm thấy Lý Tưởng và Ý Nghĩa cho cuộc sống.
Trong cuộc sống xô bồ hiện nay, con người dễ vấp váp nhiều tình huống khó xử, dễ sinh trầm nhược. Trầm nhược cắt ngang mọi lứa tuổi ( già, trẻ); mọi giai cấp (giàu, nghèo); mọi nơi chốn ( thôn quê, thành thị).
Ngày nay, nhiều phương pháp trị liệu để hoá giải stress như:
động vật trị liệu: nuôi mèo, chim, chó trong nhà;
âm nhạc trị liệu : nghe âm nhạc êm dịu, nhạc Thiền;
hoa kiểng trị liệu: trồng hoa và ngắm hoa..
Tuy nhiên, các phương pháp trên chỉ mới là đề cập đến phần trên của băng sơn. Một biến cố lớn gây ra nhiều mối khổ tâm, không chỉ vì tình trạng hiện hữu mà lắm khi khuấy dậy lên nhiều mối đau khổ mặc cảm đã qua nhưng còn ẩn náu tiềm tàng trong vô thức tức phần chìm của băng sơn. Do đó, chỉ có tôn giáo mới đặc biệt giúp về mặt tâm lý: cầu nguyện mãnh liệt, tin tưởng vào một sợi giây vô hình nối mình với một mãnh lực tối cao như Phật Thế tôn, Phật Bà Quan Âm v.v…
Ta thưòng nghe danh từ kép Đau Khổ. Đau như đau đầu, đau bụng, đau ruột, đau khớp, nhưng cái Đau kéo theo cái Khổ như buồn bực, uất cảm, chán nản. Vào bệnh viện, bác sĩ chữa cho cái Đau, nhưng không chữa cho cái Khổ mà hai cái này lại liên quan với nhau vì nếu giảm đi cái Khổ (do thời cuộc, do gia đình xáo trộn, do thất nghiệp..) thì cái Đau cũng thuyên giảm đi . Đau là thuộc về thân thể, Khổ là thuộc về tâm lý . Có bệnh đau ít, khổ nhiều; có bệnh khổ ít, đau nhiều.
Trong truyện Kiều, ta thấy nàng Kiều khổ nhiều vì buồn, vì trăn trở, vì băn khoăn, vì nhớ nhà:
Nhớ cha mẹ:
Xót thay huyên cỗi, xuân già,
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi
Trăn trở trong lúc tưởng nhớ người yêu :
Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai ?
Tuy nhiên , nhờ tôn giáo,-trong trường hợp câu chuyện là nhờ nương nhờ cửa Phật-,mà các nỗi khổ chồng chất trong tâm thức dần dà được giải toả và nguôi dần:
Gửi thân được chốn am mây
Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong
Khi con người bị khổ thì:
- Cầu nguyện làm tăng sức mạnh tâm lý, tìm lại nguồn vui trong tôn giáo và sức mạnh tinh thần để dễ đối phó với các nghịch cảnh, giúp khả năng hồi phục nhanh hơn. ‘Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều’.
- Cầu nguyện mãnh liệt làm thay đổi hoá học của não bộ, kích hoạt các neurone, tăng cường hệ thống miễn dịch.
- Cầu nguyện giúp ta hoá giải với stress hiệu qủa hơn, giúp ta làm việc trong chánh niệm, tập trung tư tưởng, trong hơi thở.
Cầu nguyện có thể ở bình diện vĩ mô như cầu cho Quốc Thái Dân An, cho Hoà Bình Thế Giới và cũng có thể ở bình diện vi mô như cầu cho tai qua nạn khỏi, cầu an cho người đau ốm, cầu siêu cho vong linh người chết sớm siêu thoát.
Trong vũ trụ, gió, dầu hoả tạo ra năng lượng ; kho năng lượng này có thể biến đổi thành điện năng, cơ năng, hoá năng .. Tương tự con người cũng là kho năng lượng; nếu chuyển hoá thành Từ, Bi, Hỉ, Xả thì tốt, tích cực nhưng chuyển hoá thành tham lam, sân hận thì xấu, tiêu cực.
Tiếng chuông ngan vang, tiếng mõ nhịp đều với tiếng kinh ngâm nga trầm bổng Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm, Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm, kết hợp hài hoà với lòng tin mãnh liệt, ru hồn người thanh thản giúp quên đi các cung bậc yêu, ghét, vui, phẫn nộ, sợ, ngạo mạn, thói quen xấu cũng như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp , để vươn tới cái vô ngã, mà vô ngã nghĩa là không có một thực tại biệt lập và thường hằng mà tất cả đều chuyển biến (vô thường) hang giờ hàng phút. Cái vô ngã giúp ta khiêm tốn và khi ta đạt tới cái thấy vô ngã thì những khổ đau như giận, ganh tỵ, sợ hãi, thù hận, tủi hổ, phiền muộn sẽ được chuyển hoá, giúp ta nhiều an lạc trong cuộc sống. Mà muốn đạt tới cái vô ngã trong khi cầu nguyện, thì niệm, định và tuệ là 3 nguồn năng luợng cần để chuyển hoá các phiền muộn, khổ đau .
Niệm như trong chánh niệm: niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, rửa chén, thiền hành, làm việc, đưa tâm về lại với thân để ta có mặt đích thực trong giây phút hiện tại, bớt tiêu thụ chỉ gây thêm ô nhiễm, lo chạy đua theo tiền tài và danh vọng, không biết rằng:
Vèo trông lá rụng ngoài sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi (Tản Đà)
Định có nghĩa là chú tâm, chú tâm tìm thấy bản chất và cội nguồn của sự khổ đau, trong trường hợp này là trầm nhược, biết được nguyên do xa gần của trầm nhược
Tuệ (tuệ giác) sẽ chuyển hoá các trầm cảm thành năng lượng hoá giải các hội chứng của trạng thái căng thẳng tâm trí.
Nhờ cầu nguyện sâu xa, lòng thành đã thấu đến Trời, con người dễ tìm thấy An Lạc trong con tim vì hiểu sâu nội tâm, bỏ dứt Tham, Sân, Si vốn là các thông số của phương trình Khổ Đau. Không có niềm tin thiêng liêng thì tôn giáo không thể phát triển. Nếu một người không tin vào Phật thì Phật tánh không khởi ở trong họ. Tâm linh chính là vec-tơ (vecteur) đưa đến tôn giáo .
Cầu nguyện để đi sâu vào nội tâm hầu có thể phá chấp . Phá chấp có nghĩa nôm na là không cố chấp vì cố chấp là cho ta cái gì cũng đúng, của người khác là trái. Vì cố chấp nên nảy sinh ra thanh kiến, nảy sinh ra kỳ thị, phân biệt chủng tộc khiến xung đột địa phương, chiến tranh, chém giết gây thêm đau khổ cho nhân loại. Khi ta cho mình là đúng, người kia cũng cho mình là đúng thì dĩ nhiên không đối thoại, không truyền thông, ta nẩy sinh ra hờn giận, ghen ghét, khó chịu và đó là nguồn phát sinh ra stress.
Thái độ trong khi cầu nguyện cũng quan trọng:
‘đừng để tư duy đưa hỏng anh lên không gian,
bàn tọa anh hãy chấm chặc vào mặt đất,
anh hãy cùng đất hợp nhất,
đã trở về với đất, anh hãy mĩm cười
thì đất sẽ truyền cho anh sự vững chãi
sự bình yên sự thảnh thơi
hơi thở tinh chuyên
nụ cười an nhiên’ ( Địa Xúc, thơ Nhất Hạnh)
Hơi thở tinh chuyên, nụ cười an nhiên là gì nếu chẳng phải là tinh thần Thiền học ?
- hơi thở tinh chuyên giúp ta dễ chánh niệm, thở vào, thở ra điều hoà chứng tỏ ta hiện hữu
- nụ cười an nhiên để có được thái độ phá chấp, thoát được ngã mạn, bớt đi cái Ngã (ego), để bình thản tiếp nhận sáng suốt những gì xảy đến để bình tĩnh giải quyết
- nụ cười an nhiên là bình thản, vô tư, để cho tâm hồn có chỗ rỗng để có thể tiếp nhận cái mới. Và nhờ hơi thở tinh chuyên, nụ cười an nhiên, con người mới có thể tháo bỏ mọi sự vật chung quanh để cho tâm hồn ta trở về cái Nhất Nguyên huyền diệu nguyên thủy của Trời Đất. Tìm lại những hình tượng uyên nguyên này, chúng ta sẽ có khả năng khám phá ‘bộ mặt đích thực của mình’, tức cái ‘bản lai diện mục’. Trái lại khi bỏ quên hay chối từ những bộ mặt uyên nguyên ấy, chúng ta sẽ chỉ như một thân cây không có gốc rễ bám chặt vào mãnh đất.
- nụ cười an nhiên là lòng Từ Bi . Điều ấy có nghĩa là chào đón người lạ với sự đồng cảm và con tim rộng mở, từ những người tị nạn phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh tàn phá, đến những người nhập cư phải rời bỏ nhà cửa để đi tìm cuộc sống tốt hơn. Điều ấy có nghĩa là diễn tả sự cảm thông và tình yêu với những người chịu thiệt thòi và bị gạt ra bên lề, với những người chịu đau khổ, với những người đang tìm sự cứu độ.
4. Kết luận
Một câu tục ngữ Tây phương có nói: ‘Ngày nào còn sự sống, ngày ấy còn hi vọng’ (Tant qu’ il y a de la vie, il y a de l’espoir). Hình như nói ngược lại cũng thấy đúng: ngày nào còn hi vọng, ngày ấy còn có sự sống.
Cuộc sống đầy biến động hiện nay làm rối loạn đồng hồ sinh học của con người, gây ra nhiều rối nhiễu tâm lý. Như vậy, dưỡng tâm bằng nhiều phương pháp, trong đó cầu nguyện trong tĩnh lặng, trong thiền định giúp con người xử lý stress (stress management) hiệu qủa hơn.
Thực vậy, khi ta cầu nguyện sâu dày, các bệnh trầm nhược có cơ giảm bớt, có thể vì kháng thể trong người nhiều hơn, chống chọi với bệnh tật dễ hơn. Cầu nguyện sâu dày giúp ta quán chiếu nội tâm, biết mình là ai, biết mình cảm xúc cái gì, biết mình cảm nhận ra sao, rèn luyện tâm tính cho vững chắc trước cuộc đời đầy cung bậc yêu thương hờn giận để phá bỏ các sai lạc tư duy vì các sai lạc tư duy (false beliefs) sẽ làm cho trầm nhược nặng hơn.
Và trên một bình diện rộng hơn, trong một thế giới nhiều bất trắc đau thương với bao người nghèo khổ, ta hãy, mỗi ngày như mọi ngày, thành tâm cầu nguyện trong tĩnh lặng không những cho bản thân mà còn cho chúng sanh quanh ta, ước gì ta có thể làm một con tàu cho những ai đang phải vượt qua biển cả, làm một nhịp cầu cho những ai phải vượt qua sông, làm một ngọn đèn cho những ai cần ánh sáng, làm nơi nương tựa cho những ai cần chốn trú ẩn, làm người nô bộc khiêm tốn cho những ai trong tình trạng khốn quẩn. Cầu nguyện cho thế giới hoà bình, nhân dân an lạc vì hoà bình không phải là không có chiến tranh mà còn là hoà bình trong tâm linh nữa.