Ba tác phẩm của Tổng thư ký đảng Lao Động Việt Nam Trường Chinh làm nền tảng cho việc xây dựng văn hóa mới, làm kim chỉ nam dẫn đường cho các hoạt động của văn hóa, văn nghệ:
« Đề cương về văn hóa Việt Nam[1] » năm 1943,
« Lập trường văn hóa của Đảng » năm 1948,
« Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam » 1948,
Năm 1943, ông Trường Chinh viết đề cương 題 綱[2] văn hoá Việt Nam phỏng theo tư tưởng Mao Trạch Đông thời Diên An đề cao văn hoá công nông, tức là văn hoá phải có tính giai cấp với :
- Ba nguyên tắc cơ bản của cách mạng văn hóa: Dân tộc[3], Khoa học, Đại chúng[4].
- Giữ vai trò một mặt trận xây dựng xã hội chủ nghĩa và nền văn hóa xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo để có thể có được ảnh hưởng đến dư luận mới hoàn thành đươc cải tạo xã hội.
Lập trường văn hoá
Trường Chinh đã chỉ rõ lập trường văn hoá cách mạng là:
“Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc.
Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc.
Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc.
Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc”.
Nền tảng văn hóa: Kinh tế XHCN
Đề cương văn hóa chỉ rõ: “Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội“. Như vậy, văn hóa được xây dựng trên nền tảng kinh tế.
Theo Trường Chinh thì “kinh tế quyết định văn hóa”, kinh tế là nhân tố quyết định chủ yếu đời sống tinh thần của xã hội. Đề cương cũng xác định rõ nền tảng của văn hóa là kinh tế và sức mạnh của văn hóa chính là sức mạnh của tinh thần, phục vụ mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội. Văn hóa là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, luôn luôn gắn liền với cơ sở đó. Văn hóa phục vụ cho những mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội. Nó có mối quan hệ khăng khít với cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa nên « Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường tự chủ », phải « xúc tiến công tác văn hóa để xây dựng xã hội chủ nghĩa »
Về sáng tác
Trường-Chinh khẳng định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ cách mạng chính trị, mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa”.
Để nhập cuộc vào cách mạng văn hóa, Trường Chinh chỉ dẫn cho người làm công tác văn hóa, văn nghệ trong văn hoá mới Việt Nam phái có mục đích, nhiệm vụ, đường lối, tác phẩm như sau:
- Mục đích: Thắng địch, giữ nước;
- Nhiệm vụ: Phải có lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân; phải lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc để sáng tác; phải thâm nhập quần chúng nhân dân, dấn mình trong phong trào cách mạng sôi động của dân tộc để sáng tác và phản ánh.
- Đường lối sáng tác. Phải phản ánh đúng hiện thực đời sống xã hội; phải có khuynh hướng chính trị và tính giai cấp rõ rệt; phải mô tả đúng bản chất và hiện tượng xã hội.
Tác phẩm
Khi sáng tác, văn nghệ sĩ phải hiểu thấu đáo các câu trả lời của các câu hỏi sau.
Sáng tác được Đảng chỉ đạo như thế nào?
Trong một kỳ họp người làm văn nghệ, báo chí, Trương Chinh nói về chỉ đạo sáng tác như sau: « Các đồng chí đã hiến dâng con tim cho cách mạng, cho đảng vậy các đồng chí phải sáng tác theo những điều đã được đảng đề ra. Các đồng chí phải sáng tác theo tinh thần xã hội chủ nghĩa ». Điều này có nghĩa là trong căn nhà văn hóa XHCN, tất cả giới văn nghệ sĩ phải sáng tác theo một cái khuôn định sẵn chứ không phải theo tiếng nói của cá nhân, của con tim.
Tác phẩm bênh vực ai?
Tác phẩm phải đứng về phía cách mạng và bênh vực quyền lợi cho nhân dân lao động. “các chiến sĩ văn hóa chúng ta không thể tìm tự do ngoài cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc và của thế giới dân chủ chống chủ nghĩa đế quốc”.
Văn nghệ phục vụ ai?
Văn nghệ phục vụ chính trị tức là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, phục vụ sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tại sao tác phẩm phải có tính đảng?
Tính đảng của một tác phẩm văn nghệ của ta chính là ở nội dung tư tưởng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội được thể hiện dưới những hình thức nghệ thuật phong phú, sinh động và trong sáng phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân, gây lòng tin tưởng đối với Đảng ta và chế độ ta. “Tác phẩm có tính đảng còn là một tác phẩm mang tính nghệ thuật cao”. Tính đảng là tất yếu đối với văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa, và đối với tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Miêu tả con người mới như thế nào?
Miêu tả những con người mới của Việt Nam phải giống hệt Việt Nam, ném vào bất cứ một nước anh em nào cũng không thể lẫn được như thế mới hiện thực… Đó là tâm hồn và tính cách của người Việt Nam.
Tổng kết lý thuyết văn hóa
Lý thuyết xây dựng văn hóa XHCN tại Việt Nam của hai ông Hồ Chí Minh và Trường Chinh đã chỉ rõ cho mọi người thấy các yếu tố thành bại của văn hóa XHCN là giai cấp cán bộ và kinh tế.
Yếu tố giai cấp cán bộ
Theo Hồ Chí Minh, yếu tố thành bại là do cây cột cái chống đỡ văn hóa XHCN. Cây cột cái đó là giai cấp cán bộ thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không, được diễn tả qua các lời nói của Ông :
- “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. (trong Di chúc Hồ Chí Minh).
- Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Nay, chúng ta chỉ nhìn đạo đức thực tại của giai cấp cán bộ lãnh đạo là hiểu tại sao văn hóa XHCN đã chết âm thầm qua câu nói cảnh báo của Hồ Chí Minh : “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không“.
Yếu tố kinh tế
Còn Trường Chinh thì nhấn mạnh đến yếu tố kinh tế : « Kinh tế nào thì văn hóa đó », có nghĩa văn hóa XHCN phải có hạ tầng cơ sở là kinh tế XHCN. Năm 1986, Đảng đã hủy bỏ kinh tế XHCN (Hợp tác xã và bao cấp) để thay thế bằng kinh tế thị trường tư bản. Hệ quả của sự hủy bỏ kinh tế XHCN là cái chết âm thầm của văn hóa XHCN và sự hồi sinh của văn hóa cổ truyền của Sài Gòn xưa kia đúng như Trường Chinh đã khẳng định: « Kinh tế nào thì văn hóa đó ».
Nay chỉ cần dựa vào lời nói của Hồ Chí Minh và Trường Chinh rồi quan sát hiện tình văn hóa, phong cách giai cấp cán bộ, kinh tế tại Việt Nam, chúng ta sẽ hiểu tại sao văn hóa XHCN và đời sống ước mơ của Mác Lê chỉ là một đám mây đen tối kéo đến bầu trời lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1986.
—
[1], Nội dung được chia làm 7 phần. Phần I: Văn hoá và xã hội; phần II: Lập trường văn hoá Mác -xít; phần III: Văn hoá Việt Nam xưa và nay; phần IV: Tính chất và nhiệm vụ văn hoá dân chủ mới Việt Nam; phần V: Mặt trận văn hoá thống nhất trong mặt trận dân tộc thống nhất; phần VI: Văn hóa Việt Nam trong mặt trận văn hoá dân chủ thế giới; phần VII: Mấy vấn đề cụ thể trong văn học và nghệ thuật nước ta hiện nay.
[2] Giải tự. Ðề 題: đầu đề; đầu bài giải thích cả đại ý trong bài, 綱 cương giềng lưới tức sợi dây to làm đầu mối trong lưới (Manifeste)
[3]Văn hóa dân tộc chủ trương hòa vào trong nhân dân, hướng dẫn và giáo dục nhân dân, nâng cao trình độ nhân dân, phát hiện, bồi dưỡng tài năng trong nhân dân, học hỏi nhân dân, vui cái vui của nhân dân, buồn cái buồn của nhân dân, phục vụ nhân dân, phản ánh trung thực nguyện vọng và ý chí của nhân dân đang ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
[4] Văn hóa phục vụ tuyệt đại đa số nhân dân