Người cộng sản thất trận văn hóa như thế nào?

Bài 4. Lập trường sáng tác văn hóa của Đảng

Hồ Chí Minh chỉ dẫn “Văn hóa mới là văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”.

Trường-Chinh khẳng định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ cách mạng chính trị, mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa có nghĩa người làm công tác văn hóa, văn nghệ trong văn hoá mới Việt Nam phải có mục đích: “Thắng địch, giữ nước”.

Hai lời chỉ đạo trên là kim chỉ nam cho hướng đi của văn hóa mới, của văn hóa cách mạng, của văn hóa chiến đấu. Từ hướng đi này mà hình thành văn hóa vô thể (intangible) qua văn học thành văn (thi văn, sách báo) và văn học dân gian (truyền miệng) trong văn hóa XHCN trải dài từ năm 1945 đến 1986.

Lập trường của Đảng

Về sáng tác văn nghệ, tất cả giới văn nghệ sĩ phải sáng tác theo lập trường văn hóa của Đảng do Trường Chinh soạn thảo theo quan điểm văn nghệ của Stalin và Mao Trạch Đông, gồm các điểm chính sau :

  • Theo đường lối văn nghệ của chủ nghĩa Mác–Lênin : Văn nghệ phục vụ chính trị,
  • Sáng tạo văn nghệ là phục vụ công nông binh, phục vụ tuyên truyền theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và phục tùng sự lãnh đạo của Đảng,
  • Sáng tác phải theo biện chứng hiện thực chủ nghĩa, đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật mà không tương hợp với hiện thực xã hội chủ nghĩa thì đáng vứt đi.  Stalin đã áp đặt chủ nghĩa ấy làm phương pháp sáng tác chủ đạo cho các bộ môn văn nghệ và cộng sản Việt Nam đi theo.
  • Thủ tiêu mọi ý tưởng thể hiện nghệ thuật và ký hiệu nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Vậy thế nào là sáng tác văn hóa nghệ thuật theo văn hóa vô sản?

Tác phẩm phải theo đường lối hiện thực của xã hội chủ nghĩa, là tuyên truyền, trong thi văn phải có « thép », tân nhạc là cổ vũ chiến đấu[1] thí dụ như bài hát Anh vẫn hành quân (Huy Du), Chào anh giải phóng quân (Hoàng Vân), Lời anh vọng mãi ngàn năm (Vũ Thành), Lá thư hậu phương (Phạm Tuyên) v.v.

Lập trường sáng tạo văn nghệ của Đảng đã chia giới nghệ sĩ thành hai nhóm :

  • Nhóm tuân theo lập trường do Tố Hữu lãnh đạo,
  • Nhóm chống đối, đại diện bởi nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.

Văn học thành văn

Vì trong căn nhà văn hóa XHCN, đặc biệt có sự hiện diện của nhiều, thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ đã thành danh như Hoàng Cầm, Quang Dũng, Xuân Diệu, Tố Hữu, Văn Cao … nên chúng ta cần hiểu thế nào là sáng tác thơ để trở thành thi sĩ (poete) hay thợ thơ (versificateur). Câu nói của thi sĩ André Chenier “Nghệ thuật chỉ làm nên các câu thơ hay, còn trái tim mới làm nên thi sĩ” sẽ giúp chúng ta nhìn thấy chân dung các nghệ sĩ của văn hóa XHCN[2]. Một bài thơ làm nên thi sĩ gồm hai phần:

  • Nghệ thuật: âm điệu, niêm luật, từ ngữ được chọn…
  • Tâm hồn: bài thơ là tiếng nói phát xuất từ rung cảm của trái tim.

Bài thơ có cả nghệ thuật và tâm hồn (hồn thơ) thì làm nên thi sĩ. Còn nhà thơ  được coi như “thợ thơ” nếu chỉ dùng nghệ thuật và đầu óc để làm thơ.

Từ ý niệm về thơ như trên mà các bài thơ dưới đây phản ánh chân dung giới nghệ sĩ của văn hóa XHCN.

Xin nhắc nhở một điều là những thi sĩ lớn (trước năm 1945) của văn hóa XHCN rất rành nghệ thuật cấu tao nên các câu thơ hay và phù hợp với khuôn mẫu sáng tác của Đảng. Sau đây xin giới thiệu vài bài thơ tiêu biểu của các nhà lãnh đạo đội ngũ công nhân xây dựng linh hồn mới cho dân tộc Việt để chúng ta thử hỏi có hồn thơ phát xuất từ TIM (tâm hồn) hay không?

Trường-Chinh năm 1942 chỉ đạo mục đích sáng tác là “chiến thắng và giữ nước với bài thơ mẫu sau[3]:

Là thi sĩ phải là hồn cao khiết,
Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu
Ca tự do, tiến bộ với tình yêu
Yêu nhân loại, yêu hòa bình, công lý
(Là thi sĩ)

Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ
Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền.

Rồi ông Tố Hữu nhắc nhở:

“Mỗi văn nghệ sĩ lại phải tự trả lời dứt khoát: ủng hộ hay phản đối đường lối văn nghệ của chủ nghĩa Mác–Lênin, đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh, phục tùng chính trị, theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và phục tùng sự lãnh đạo của Đảng?”

Từ những bài thơ cổ động của Trường Chinh với sự lãnh đạo văn hóa của Tố Hữu, xuất hiện cả một kho tàng các bài thơ, bài hát được làm nghiêm chỉnh theo khuôn mẫu của Đảng qui định và phản ánh bản chất của chế độ. Xin giới thiệu vài bài của các “thi sĩ” lớn được coi như người tiền phong cầm đuốc đi hàng đầu với những bài thơ khuôn mẫu hướng dẫn giới thi văn đi theo. 

Thơ tình cảm khóc “CHA

Nhà lãnh đạo văn hóa XHCN Tố Hữu[4]« Khóc Stalin » và « Khóc bác Hồ ».

Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Stalin! Stalin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói,
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin.

Ông Stalin ơi, ông Stalin ơi.
Hỡi ơi ông mất đất trời có không?
« Thương cha thương mẹ, thương chồng,
Thương mình thương một, thương ông thương mười »

Hoan hô Xít –Ta- Lin
Đời đời cây đại thọ
Rợp bóng mát hòa bình
Đứng đầu sóng ngọn gió

Bài thơ “Sáng tháng năm” khóc bác Hồ

Bác Hồ, cha của chúng con
Hồn của muôn hồn

………….

Việt Nam có Bác Hồ
Thế giới có Xta-lin
.

Bài thơ “Bác ơi” tiễn bác Hồ về với tổ tiên là Mác – Lênin

Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác – Lênin, thế giới Người hiền.

Từ bài thơ mẫu trên làm theo đúng lập trường văn hóa và bản chất theo Liên Sô của Đảng, các thi sĩ lớn (trước năm 1945) như Chế Lan Viên, Tế Hanh, Xuân Diệu phụ họa “Khóc Cha” theo Tố Hữu.

Chế Lan Viên

Stalin mất rồi
Đồng chí Stalin đã mất!
Thế giới không cha nặng tiếng thở dài

Ở đoạn dưới:

Mẹ hiền ta ơi
Em bé ta ơi
Đồng chí Stalin không bao giờ chết

…Triệu triệu mẹ già em dại,
Đều là súng Stalin để lại,
Giữ lấy hòa bình thế giới,
Tiếng nổ ca vang dội thấu mặt trời.
Stalin mất rồi, đồng chí Stalin đã mất,
Thế giới không cha nặng tiếng thở dài.

Tế Hanh

Hồ Nam xe chạy không dừng bước,
Dãy núi cao liền dãy núi cao.
Quê hương lãnh tụ mây thêu nắng,
Thấy mặt trời lên nhớ bác Mao.

Xuân Diệu

Nghe tin mất mới thấy lòng quyến luyến,
Từ bao lâu yêu Người tận tủy xương.
Tiếng khóc đây là tất cả can trường,

Thơ cổ động giết người

Tố Hữu

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ.
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.

Xuân Diệu

Thắp đuốc cho sáng khắp đường,
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay.
Lơi cổ bọn đó ra đây,
Bắt quì gục xuống đọa đầy chết thôi.

Thơ bẩn

Nguyễn Công Hoan

Khi không thốt được tiếng nói thanh tao, cao thượng của con tim thì thơ của Nguyễn Công Hoan, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam (1954) phát ra tiếng nói của buồng gan ẩn chứa tình cảm giận dữ[5]. Cụ Phan Khôi thượng thọ 70, nhưng không ai dám đến chúc thọ vì sợ liên lụy với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, nên cụ làm bài thơ 2 câu:

Lên bảy mươi rồi mẹ nó ơi
Thọ ta, ta chúc lọ phiền ai.

Nguyễn Công Hoan làm thơ nhắn lại.

Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi!
Thọ mi, mi chúc chớ hòng ai.
Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc!
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài.

Ngày nay, nhiều người tự hỏi tại sao các thi sĩ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên lại có thể làm những câu thơ ca tụng Stalin, Mao Trạch Đông như thế?  Câu hỏi được trả lời trong “Hồi ký của một thằng hèn của nhạc sĩ Tô Hải mô tả chân dung đội quân đi xây dựng văn hóa mới mà ông nằm trong hàng ngũ đó. Cứ theo như lời kể lại thì nhiều văn nghệ sĩ rất sợ bị chỉnh huấn, cải tạo nơi rừng thiêng, nước độc, bị “cô lập”, bị “bỏ đói” bởi chế độ bao cấp[6] và hộ khẩu[7] là hai khí giới mềm nhưng rất hữu hiệu làm cho con người hèn mọn, ty tiện, cong lưng.

Văn hóa là đời sống tinh thần, là linh hồn của dân tộc do chính người dân tạo ra rồi kế thừa, liên tục từ đời này sang đời khác.

Văn hóa XHCN không hình thành một cách tự phát mà được hình thành bởi một nhóm người cộng sản tạo dựng nên dưới sự quản lý và lãnh đạo của đảng cộng sản rồi dùng quyền lực bắt dân theo.

 Đọc qua những bài thơ trên của các thi sĩ đại diện cho  nhóm người xây dựng văn hóa XHCN cũng đủ giải thích tại sao sau ngày 30/4/75, người cộng sản từ người chiến thắng quân sự biến thành kẻ thất trận văn hóa gây ra bao nhiêu là hậu quả tai hại cho đời sống xã hội tại Việt Nam.

[1] Phan Khôi phải than rằng :«…Nhược bằng bắt mọi người viết theo một lối với mình, thì rồi đến một ngày, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết »

[2] Chân dung đội quân văn hóa mới được nhạc sĩ văn công Tô Hải mô tả chân thưc trong cuốn « Hồi ký của một thằng hèn »

[3] Trong”tuyên ngôn” về thơ cách mạng, thơ ca đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc

[4]Tại sao ca tụng Stalin?  Chỉ vì Tố Hữu chỉ biết đến Stalin mà không biết rằng lúc sinh thời, Lenin rất trọng nhà thơ Exenhin viết về Liên Xô rất tự nhiên không mang mầu sắc chính trị. Sau nữa là trong Đại Hội Đảng lần thứ hai tại Tuyên Quang năm 1951, Hồ Chí Minh nói: « Ai có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được ». Tố Hữu có 50 bài thơ viết về Đảng và Bác.

Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ,
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều,
Phần cho thơ và phần để em yêu. (Tố Hữu)

 [5] Theo quan niệm Đông phương tình cảm của tim là vui mừng thương yêu, của can (gan) là giận dữ, của phế (phổi) là buồn phiền, của thận là sợ hãi, của tì  là lo âu

[6] Thời bao cấp là thời Nhà Nước quản lý kinh tế thông qua chế độ “cấp phát – giao nộp” để phân phối qua hình thức tem phiếu nhu yếu phẩm từ cây kim sợi chỉ đến thực phẩm cho người dân có hộ khẩu

[7] Từ năm 1960, mỗi gia đình phải có một sổ hộ khẩu ghi tên các người thường trú để được phân phối thực phẩm. Mục đích chính là quản lý nhân dân trên mọi phương diện, đặc biệt là sổ hộ khẩu đặt chính quyền ở địa vị ban phát quyền sống tức là một người dân được phân phối thực phẩm hoặc trở thành cư dân bất hợp pháp  bị “bỏ đói” nếu không có hộ khẩu.

Lạp Chúc Nguyễn Huy
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Cựu Giảng sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức, bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

XEM NHIỀU NHẤT

166FansLike
0FollowersFollow
16SubscribersSubscribe

X