À…à…ơi… Điềm lành vươn tới mây xanh
Hương xưa Tết cũ tụ miền Kinh đô
Cây nêu xanh dáng đợi chờ
Gió mây bầu bạn bây giờ thêm xuân
Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè.(ca dao)
Từ cổ xưa, cứ mỗi độ xuân về, dân ta chuẩn bị ăn Tết : sửa soạn cỗ bàn, gói bánh chưng, bánh tét, lau chùi bàn thờ gia tiên… rồi trồng cây nêu trước nhà làm tín hiệu Tết đến. Cây nêu là hình ảnh cộng lưu văn hóa tín ngưỡng trong văn hóa Việt:
- Tín ngưỡng dân gian (dùng vôi, cây xương rồng xua đuổi ma quỉ),
- Đạo Lão (ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng),
- Đạo Phật (huyền tích cây nêu).
Về cây nêu
Dựng nêu vào ngày 23 tháng chạp, hạ nêu ngày 7 tháng giêng.
Hai ba ông Táo về trời
Dựng nêu trước ngõ, ăn chơi suốt tuần.
Vị trí trồng nêu là ở giữa đường chính dẫn vào nhà hoặc giữa sân.
Cây nêu là cây tre cao 5-15 thước, tươi tốt không sâu mọt, không có chim làm tổ, ngọn đầy đủ lá cành được dựng lên ngày 23 tháng chạp, ngày Ông Táo về Trời nên ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, vì vậy phải trồng cây nêu để ngăn ma quỉ. Ngày 7 tháng Giêng triệt hạ, gọi là “hạ nêu”
(1) Dựng nêu báo Tết
(2) Mâm cúng ông Táo có đôi cá chép sống
(3) Táo Quân cỡi cá chép về trời
Mục đích dựng nêu
Cây nêu có 3 mục đích chính là: Xua đuổi ma quỉ, đón tổ tiên về ăn Tết và báo hiệu Tết.
Đối phó với ma quỉ trở về
Từ ngày dựng nêu tức ngày Ông Táo về chầu Trời, không có thần coi sóc nhà cửa nên ma quỉ hoành hành đến phá phách dân vào dịp Tết. Đây là lúc ảnh hưởng tín ngưỡng trừ ma quỉ của đạo Lão rất sâu đậm trong dân gian. Người dân đối phó với ma quỉ bằng cách:
- Trên cây nêu thì treo bùa chú, chuông gió, chuông khánh phát ra âm thanh cho ma quỉ sợ, một hình nộm bằng rơm hay giấy tượng trưng Ông Nêu, một bánh pháo[1]. Dưới chân cây nêu, để các lá có gai như lá dứa, rắc vôi trắng thành hình cánh cung nhằm bắn vào ma quỉ.
- Treo trước nhà vỏ sò, hến, nhánh xương rồng để ma quỉ tưởng là nhà cùng loài, quét vôi trắng, bùa tứ tung ngũ hoành vẽ trên giấy hay bằng tre (4 cây đứng, 5 cây ngang) của Khương Thái Công, vẽ bàn cờ mũi tên, dán hình thần Trà, Uất Lũy[2] cầm bó dây rơm bắt ma quỉ…
Hướng dẫn tổ tiên về ăn Tết
Sau hai ngày “Lên nêu” thì làm lễ Tiễn Ông Vải (tổ tiên) bằng cách đốt hết chân nhang cũ và thay tro mới để làm lễ rước ông bà về vào ngày mồng Một Tết.Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu cùng với lá phướn để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không maỵ.
Tín hiệu cây nêu
Từ trong Hoàng Thành đến nhà dân giã, cây nêu báo hiệu bắt đầu mùa xuân đón Tết:
Tết đến rượu ngon đưa mấy chén,
Xuân về, bút mới thử vài trang.
Nguyễn Khuyến
Đuột Trời ngất một cây nêu tối bữa ba mươi, ri cũng Tết.
Vang Đất đùng ba tiếng pháo rạng ngày mồng một, rứa là Xuân.
Nguyễn công Trứ
Nực cười thay! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết.
Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi.
Tú Xương
Văn hóa tín ngưỡng dưới bóng nêu
Trong đời sống tinh thần của người Việt, trồng cây nêu đón Tết là truyền thống lâu đời biểu tượng thiêng liêng của ngày Tết và chỉ diễn ra ngày đầu xuân đánh dấu :
- Một nghi thức trong đời sống nông nghiệp :
Nhà nông trọng buổi đầu năm,
Cỗ bàn làng xóm đãi đằng mua vui
Trẻ già áo xống hẳn hoi,
Rủ nhau thức dậy lúc trời hừng đông.
- Và đời sống tâm linh dân gian tồn tại từ xa xưa.
Ý nghĩa tâm linh của cây nêu được biểu hiệu qua đạo Lão, đạo Phật …
Sắc thái Lão Giáo trên cây nêu
Chọn cây nêu phải thuận với luật âm dương của đạo Lão :
- Chiều cao của cây tre phải là số Dương tức số lẻ, thí dụ như 9… 15 thước tượng trưng cho sinh khí, vui mừng.
- Cây tre được chọn làm cây nêu phải mọc phía đông của bụi hay lũy tre hoặc ngọn tre ngả về phía đông. Phía đông là Dương, là mùa xuân đầy sinh khí sức sống.
Các vị thần thánh của Lão giáo xuất hiện trong thời gian dựng nêu (23 tháng chạp) đến ngày hạ nêu (7 tháng giêng).
Từ ngày dựng nêu 23 tháng chạp, trên trần gian là một khoảng trống tâm linh vì sư vắng mặt của thần thánh. Theo tín ngưỡng đạo Lão, Ngọc Hoàng Thượng Đế ở trên trời cử thần thánh xuống trông coi trần gian. Ngày dựng cây nêu là dấu hiệu thần thánh về trời chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế, thí dụ như:
- Ông Táo là vị thần do Ngọc Hoàng sai xuống che chở cho mọi gia đình và ghi mọi việc tốt xấu để đến ngày 23 tháng chạp thì trở về trời tâu lên Ngọc Hoàng. Tại sao cúng cá chép? Bay lên trời được thì phải cỡi cá chép là vì khi vượt qua Vũ Môn thì cá chép hóa thành rồng mới tiếp tục bay được.
- Ngọc Hoàng cử quan Hành Khiển (Đương niên chi thần) xuống cai trị dân gian cùng với phụ tá là Phán Quan. Hàng năm, cứ đúng giao thừa là lúc bàn giao giữa quan Hành Khiển mới và cũ nên mới gọi Đêm Trừ Tịch (Trừ là trao lại chức quan, Tịch : ban đêm tức là đêm ngày cuối của tháng chạp là lúc năm cũ kết thúc, năm mới bắt đầu). Cúng giao thừa là cúng ở ngoài trời nhằm đón các thiên binh dưới quyền các quan Hành Khiển.
Giữa trời và trần gian là sự lên xuống của thần thánh vào ngày Tết nên cây nêu tre tượng trưng cho trục vũ trụ nối liền trời với đất và cây nêu là cái thang để thần thánh lên trời, vì vậy mà ngọn cây nêu phải có nhiều túp lá tre trông như mây trời và người dân thi nhau dựng nêu cao.
Thứ nhất nêu cao
Thứ nhì pháo kêu.
Từ bi, bác ái của đạo Phật trong bóng cây nêu
Theo huyền sử trong dân gian thì nguồn gốc trồng nêu rất đậm màu sắc Phật giáo. Từ xa xưa, ma quỉ ỷ đông cướp đất của loài người. Vì bị ma quỉ bóc lột nên loài người khần cầu Đức Phật mở lượng từ bi giúp đỡ. Đức Phật làm phép đẩy ma quỉ đi xa lấy đất giúp loài người. Ma quỉ không còn đất sống nên xin Đức Phật làm sao biết được đất của Phật dành cho loài người? Với lòng từ bi, bác ái ngay cả với ma quỉ, Đức Phật trả lời « Chỗ nào có kẻ vôi trắng », và Ngài dạy người dân dựng cây tre cao treo cờ, chuông, khánh, rắc vôi trắng … để xác định đất của Đức Phật dành cho loài người. Vì vậy mà có câu tục ngữ dạy mua vôi để sua đuổi ma quỉ : Đầu năm mua nuối, cuối năm mua vôi.
Nhiều làng xưa có tục lệ đầu năm đi lễ chùa mua bát muối đầy mong ước tình cảm đậm đà suốt năm trong gia đình, còn cuối năm mua vôi bột về trừ ma quỉ bằng cách :
- Rắc vôi bột quanh nhà, quanh gốc nêu, góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để định ranh giới với ma quỉ và trút bỏ mọi điều xấu trong năm cũ,
- Cây nêu buộc lá dứa, cành đa,
Cành đa lá dứa treo cao,
Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà.
Quỉ vào rồi quỉ lại ra,
Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm. (ca dao)
- Quét lại tường vôi như thi sĩ Nguyễn Bính viết trong bài thơ « Tết của mẹ tôi ».
Sân gạch tường vôi người quét lại,
Vẽ cung trừ quỉ, trồng cây nêu.
Thượng Tiêu trong Hoàng cung Huế[3]
Trước ngày Tết, trong Hoàng Cung làm lễ Thướng Tiêu (thướng hay thượng 上: đưa lên cao, Chữ Tiêu (標) chỉ ngọn cây) tức lễ « Nêu Lên » dánh dấu ngày Tết đã tới. Từ ngày đó dân gian mới bắt đầu dựng nêu. Thơ Tú Xương phản ánh qui định này.
Xuân từ trong ấy mới ban ra,
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà.
Trong Ngự Chế Thi, vua Minh Mạng đề thơ về cây nêu :
Xuân thiên hà vị noãn
Liên nhật chỉ thiêm hàn,
Lãnh vũ lâm kim thắng,
Thê phong hạ trúc can.
(Trời xuân sao chưa ấm/ Ngày tiếp ngày lạnh se
Đồng lạnh thua mưa rét/Gió buốt phủ nêu tre)
Vua Minh Mạng giải thích lễ dựng nêu: Theo cổ tục đến ngày 25 tháng chạp là ngày Trừ nhật (除日) đánh dấu thời gian nghỉ ngơi bắt đầu bằng các động tác cụ thể sau:
- Ngày này làm lễ Khóa Ấn (quan bửu[4]) không tiếp nhận văn thư tức không làm việc nữa rồi mới dựng nêu tức Thượng (Thướng) Tiêu (上標).
- Một số ấn triện ít quan trọng để bỏ vào sọt treo lên nêu mang tính cách tượng trưng của Khóa Ấn.
- Đến ngày 7 tháng giêng, hạ nêu (Hạ tiêu) rồi tiễn thần (tống thần). Đầu Xuân, nhằm vào ngày tốt, giờ tốt, người có chức tước khai ấn[5] (đóng con dấu lần đầu tiên trong năm); học trò, sĩ phu khai bút[6] (viết bài hoặc một đoạn văn, một câu thơ… đầu tiên trong năm); nhà nông khai canh (cày ruộng, làm đất, trồng, cấy lần đầu tiên trong năm); người buôn bán thì khai thương (mở hàng lần đầu tiên trong năm) …
Nghi thức thượng tiêu
Xưa kia, từ cửa Hiền Nhân, đội lính rước nêu khởi hành theo âm thanh của tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung đến cửa chính của khu vực Thế Miếu thì tiến hành nghi thức dựng nêu. Tại Thế Miếu, soạn bày hương án cùng đoàn bồi tự, đội đại nhạc. Nghi thức dựng nêu: lễ bái, nghinh thần, khánh hạ được cử hành trang nghiêm của nhã nhạc cung đình. Tiếp theo là dựng nêu rồi để 2 người lính đứng canh gác cây nêu cho đến ngày hạ nêu.
Ngày nay, tại Hoàng cung Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng Lễ dựng nêu và tổ chức hằng năm vào ngày 23 tháng Chạp, từ 08 giờ 00 đến 10 giờ 00 tại 3 địa điểm: Triệu Tổ Miếu; Hiển Lâm Các – Thế Miếu. Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước nêu được tổ chức trang trọng. 10 lính vác nêu trong trang phục chỉnh tề. Đội rước nêu khởi hành trong âm thanh của tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung, đến Triệu Tổ Miếu, cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu. Tại Triệu Miếu (năm 2019), Thế Miếu, hương án, lễ phẩm cùng đội Đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn. Nghi thức thướng nêu (tức là dựng nêu) được cử hành nghiêm trang. Các nghi thức lễ như nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh của Đại nhạc. Sau phần lễ, 10 lính vác nêu đã tiến hành dựng nêu lên.
Cũng vào ngày 23 tháng Giêng, dân gian bắt đầu dựng nêu, thí dụ Ở Gia Định xưa, sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: “bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là “lên nêu”… có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ“.
Sáng mồng 7 Tết Tân Sửu (18/02/2021), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế đã tổ chức lễ Hạ Nêu tại Thế Miếu, Triệu Miếu (Đại Nội Huế). Mô phỏng theo nghi thức thời xưa, lễ Hạ nêu bao gồm các phần như cúng Nêu, nhạc lễ và tiến hành hạ cây nêu.
Tết Đinh Dậu – 2017, sau lễ Hạ Nêu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức khai ấn Cung chúc Tân xuân vào lúc 09 giờ 00 ngày mùng 6 Tết Đinh Dậu (ngày 02/02/2017) tại Thế Tổ Miếu (Đại Nội Huế).
Vua Nguyễn đón xuân
Tết của vua quan phải diễn tiến theo những nghi thức được ấn định trong Hội Điển Sự Lệ và sự sắp đặt của Bộ Lễ cùng sự chọn ngày tháng tốt của Khâm Thiên Giám. Lễ phải đi đôi với Nhạc vì Lễ là trật tự bên ngoài, còn Nhạc là trật tự bên trong. Mọi tổ chức xã hội ngày xưa đều phải theo đúng Lễ Nhạc, tức là hoà hợp cả ngoài lẫn trong, cả vật chất lẫn tinh thần, nhằm thực hiện được sự điều hòa, cân phân và quân bình trong xã hội. Ngoài ra, cơ quan Khâm Thiên Giám có nhiệm vụ quan sát vũ trụ, thấu đáo Kinh Dịch và Bói Toán để chọn ngày giờ thuận lợi nhất cho sự diễn hành các tiết lễ.
Đúng một tháng trước Tết, nghĩa là nhằm ngày mồng Một tháng Chạp, Bộ Lễ phải tổ chức Lễ Ban Sóc[7] nơi sân Điện Thái Hòa để vua ban lịch mới cho văn võ bá quan, hạng đường quan tam phẩm trở lên, hay là tương đương với võ quan, và cho cả hoàng thân, quốc thích.
Lịch ấn hành có hai loại: một loại cỡ lớn có đóng đại ấn thì để ban cho đường quan; một loại cỡ nhỏ và mỏng có đóng ấn thường thì để ban cho thuộc quan. Viện ấn loát thì do Bộ Khâm Thiên Giám phụ trách; còn việc đóng ấn thì do Bộ Lễ phụ trách.
Cho tới ngày 30 tháng Chạp thì quan Hữu Ty thiết đại triều ở Điện Thái Hòa; thường triều ở Điện Cần Chánh.
Năm mới bắt đầu với hồi trống lớn đầu Canh Năm, giờ Dần.
- Trống nghiêm hồi thứ nhất: viên Quản Vệ giàn bày cờ quạt, nghi trượng theo đúng nghi thức.
- Trống nghiêm hồi thứ hai: các quan văn võ phẩm phục vào chực sẵn trong Điện Thái Hòa.
- Gần rạng đông, trống nghiêm hồi thứ ba: trên kỳ đài quốc kỳ kéo lên cao 80 thước ngang với đỉnh Ngự Bình cùng với các sắc kỳ khánh hỉ. Quan Khâm Thiên Giám báo giờ: Vua đội Mũ Cửu Long, mặc Hoàng Bào, cầm Hốt Trấn Huê ngự ra Điện Cần Chánh.
Quản Vệ quỳ tâu: “Xin Thánh Thượng ngự xa giá”. Vua lên kiệu. Ban tiểu nhạc cử nhạc. Quân túc vệ và ngự lâm quân cầm cờ quạt rước vua sang Điện Thái Hòa. Trên Lầu Ngọ Môn nổi chuông trống. Vua ra cửa Đại Cung Môn tới hiên phía bắc Điện Thái Hòa thì xuống kiệu. Đại nhạc trổi. Trên thành phiá tây nam bắn chín tiếng súng thần công. Vua tiến vào Điện Thái Hòa đến ngai vàng ngự tọa và truyền đọc chiếu chỉ. Mồng Năm Tết, trong cung vua có bày tiệc Khai Hạ [Dân gian Khai Hạ vào ngày mồng Bẩy]. Từ quan chí dân đều đi chùa, viếng đền đài, vườn hoa và thắng cảnh.
Sau cùng, cũng nên ghi nhớ là trong thời gian 1945-1986, dựng nêu ngày Tết bị nhà Nước cấm cùng với văn hóa tín ngưỡng cổ truyền. Sau khi đổi mới năm 1986, cây nêu cùng với văn hóa cổ truyền của cha ông chúng ta đã hồi sinh và cây nêu lại mọc khắp nơi trên quê hương và ngay cả trong Hoàng Thành Huế và trước cửa Đoan Môn thành Thăng Long xưa.
—
[1] Theo sách Kinh Sở Tuế Thời của Tống Lâm, xưa kia ma núi giống như con khỉ (dã nhân) rất sợ tiếng nổ và ánh sáng lóe ra nên người dân đốt những ống tre, nứa cho nổ khiến ma quỉ bỏ chạy. Sau này dùng pháo thay ống tre cho nổ để bày tỏ vui mừng và sua đuổi ma quỉ.
[2] Theo sách xưa, dưới cây đào trên núi Độ Sóc có hai vị Thần là Thần Trà, Uất Lũy cai quản các ma quỉ. Ma quỉ nào trốn đi phá phác dân giân thì bị hai vị thần đó bắt trói bằng dây cói đem cho cọp ăn thịt. Đó là lý do trưng hoa đào,và treo dây rơm, cói trước nhà. Theo tín ngưỡng hoa đào đỏ có quyền lực xua đuổi ma quỉ nhờ uy quyền hai vị thần Trà và Uất Lũy cư ngụ ở cây đào
[3] Vài Nét về Tết Cung Đình Ngày Xưa Trích: Việt Nam Gấm Hoa (Hương Giang Thái Văn Kiểm, nxb: 1997, Làng Văn of Canada, Inc.)
[4] Ấn báu của vua thì gọi là bửu tỉ (từ chung), ngọc tỉ (ấn bằng ngọc), kim bửu (ấn bằng vàng); ấn của các quan gọi chung là ấn triện bằng bạc, đồng
[5] Tại Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa, goi là Lễ Khai sơn (hay Khai hạ, Khai ấn), sau đó hương chức lấy cuốc bổ vài nhát tượng trưng gọi là động thổ cùng ý nghĩa tịch điền của vua
[6] Riêng khai bút thì Giao thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo (giờ tốt trong ngày, trái lại là hắc đạo) không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu, mở cây bút mới. giấy hoa tiên hồng hay đỏ, viết vài chữ hay câu thơ treo lên tường cho đến Tết sau : Minh niên khai bút, bút khai hoa. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một dụng cụ gì đó. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ.
[7] Lễ Ban Sóc lấy ý nghĩa trong chữ sóc là ngày mồng Một (Vọng là ngày Rằm)].