Tổ chức Bao cấp (1954-1986)
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Bao cấp có nghĩa đời sống vật chất (công việc, sản xuất, nhà ở, quần áo, bữa ăn hàng ngày …) của mỗi người dân đều đươc nhà Nước đảm nhiệm từ A tới Z. “Xã hội được bao cấp” là biểu tượng cho xã hội lý tưởng mà cộng sản muốn đạt đến. Từ năm 1956, hình ảnh cụ thể của xã hội lý tưởng đó được bày ra ngay trên mặt đất dưới hình ảnh thời bao cấp.
Trong thời bao cấp hầu hết sinh hoạt kinh tế đều được nhà Nước quản lý theo “cấp phát – giao nộp”:
- Các tài sản, thiết bị, hàng hóa và mọi sản vật tư … đều do nhà Nước quyết định giá trị[1], như vậy là hết cảnh “người bóc lột người”,
- Hàng hóa từ cây kim sợi chỉ đến lương thực hàng ngày nằm trong tay nhà Nước và được phân phối tới người dân theo nhu cầu của mỗi người, thế là tạo nên công bằng xã hội.
Trên đường tiến lên xã hội chủ nghĩa, nhà Nước thiết lập hai chế độ đặc thù là:
- Sổ hộ khẩu
- Tem phiếu
Chế độ hộ khẩu
Lược sử
Năm 1955, sổ hộ khẩu bắt đầu bằng sổ gạo nhằm:
- Bảo đảm đời sống cho bộ đội, những người làm công ăn lương, học sinh trung cấp, sinh viên đại học…,
- kiểm soát số người từ nông thôn về Hà Nội, Hải phòng.
Năm 1964, theo Nghị định 104-CP, mỗi công dân phải đăng ký nhân khẩu thường trú trong một hộ nhất định, hộ này là nơi ở thường xuyên của mình. Công an khu vực lập sổ hộ khẩu cho từng hộ trong khu vực mình phụ trách.
Cuối năm 1989, Nhà Nước bỏ chế độ gạo cung cấp cùng tem phiếu nhưng hộ khẩu thì vẫn giữ nguyên song không còn giá trị như thời kỳ trước đó. Sự bãi bỏ sổ hộ khẩu được thể hiện qua Nghị định 112, ngày 30.7.2017. Ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức không còn tồn tại sau hơn 60 năm.
Công dụng
Trước thời kỳ đổi mới, công dụng của hệ thống hộ khẩu là:
(1) Thủ tục hành chánh[2] như: khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, đăng ký hộ tịch, xác nhận tình trạng hôn nhân, sơ yếu lý lịch, giấy ủy quyền/ủy nhiệm …
(2) Gắn chặt với việc phân phối đất đai, nhà cửa, giáo dục, y tế, việc làm và nhất là phân phối gạo cung cấp hàng tháng, tem phiếu thực phẩm, chất đốt và nhu yếu phẩm thiết yếu khác.
Ngoài các công dụng kể trên, sổ hộ khẩu có mục đích chính là :
- Bao tử người dân lệ thuộc hoàn toàn vào nhà Nước qua miếng ăn nhất là gạo.
- Cô lập và bỏ đói những người chống đối bằng cắt hộ khẩu có nghĩa không có gạo mà ăn, không có nhà để ở. Đó là trường hợp các văn nghệ sĩ nhóm Nhân văn giai phẩm ở miền Bắc, và sau 30/4 là các tù nhân cải tạo, tù vượt biên được thả về.
- Về an ninh thì mạng lưới « công an nhân dân » nắm trọn mọi hành động và sự chuyển dịch của người dân tại nơi cư ngụ; thí dụ như có người đến thăm viếng phải báo cho công an ngay dù mưa bão như hí họa và ca dao mô tả dưới đây.
Dù cho bão táp mưa sa,
Khách lạ đến nhà phải báo công an.
Uy quyền giết người âm thầm của sổ hộ khẩu
Do công an ở mỗi địa phương (xã, phường…) cấp phát nên sổ hổ khẩu là văn bản biểu tượng uy quyền của công an bảo vệ chế độ :
- Quyền phân phối thực phẩm theo tem phiếu,
- Quyền trừng trị và giết âm thầm những người chống đối bằng cách « cắt hộ khẩu» có nghĩa cắt mọi nguồn cung cấp thực phẩm (bỏ đói) và trở thành người vô gia cư (bị cô lập).
- Quyền ăn hối lộ.
Việc cắt hộ khẩu đã đến với :
- Văn nghệ sĩ của nhóm Nhân văn giai phẩm chống độc tài đảng trị tại miền Bắc trước năm 1975 (Xin đọc hồi ký, ký ức của nhóm này),
- Sau ngày 30/4 là những người tù cải tạo hay bị bắt vì vượt biên được thả về mới thấy rõ vai trò kiểm soát nhân dân của công an khu vực như phải trình diện hàng tuần có khi hàng ngày,
Về quyền tham nhũng qua sổ hộ khẩu
Sổ hộ khẩu kèm theo hối lộ chỉ sảy ra trầm trọng tại miền Nam sau ngày 30/4. Mọi người đều biết nhất là người tù cải tạo, tù vượt biên là muốn có hộ khẩu phải biết hối lộ công an khu vực.
Tiếng chuông của sổ hộ khẩu
Mục đích chính của sổ hộ khẩu và tem phiếu là kiểm soát bao tử của nhân dân để nhân dân chỉ biết nghe lời Đảng nếu không muốn bị bỏ đói (không được cung cấp lương thực nhất là gạo), bị tách khỏi cộng đồng tức bị cắt hộ khẩu.
Sau ngày 30/4, sổ hộ khẩu là chìa khóa tham những của công an và đồng thời cũng là tiếng chuông báo tử của văn hóa XHCN như Hồ Chí Minh đã nói rõ rằng : « Cán bộ là gốc của đạo đức, nếu cán bộ không đạo đức cách mạng (cần, kiệm, liêm, chính) thì văn hóa XHCN sụp đổ ».
Chế độ tem phiếu
Nhớ thời bao cấp nghĩ mà vui
Giữ gìn tem phiếu tựa con ngươi
Nếu mà đánh mất là như đói
Sổ gạo to hơn cả lệnh giời. (Thơ Sinh Hoàng)
Qua hệ thống hợp tác xã, nhà Nước độc quyền thu mua các loại hàng sản xuất rồi độc quyền phân phối hàng hóa đến mọi người dân qua chế độ tem phiếu do nhà Nước điều hành, nắm toàn quyền. Tem, phiếu là những mảnh giấy nhỏ, ghi tên những mặt hàng, số lượng thiết yếu cho cuộc sống được nhà Nước phân phối cho mỗi người dân[3].
Trong việc phân phối tem phiếu, Hồ Chí Minh chỉ dạy cán bộ cách mạng chí công vô tư thì phải: “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Nhưng trong thực tiễn thì như thế nào?
Tem phiếu mua nhu yếu phẩm hàng ngày tùy thuộc vào:
- Tiêu chuẩn dựa vào chức vụ, cấp bậc mà không theo nhu cầu tối thiểu của con người[4], có nghĩa là vị trí công việc, nghề nghiệp mà cán bộ công chức nhà Nước và người dân lao động được phát khác nhau theo chế độ riêng như Hồ Chí Minh đã chỉ ra câu nói rất hay và rất đúng của nhân dân là “Nhân dân thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
- Số đầu người, xét theo hộ khẩu. Do đó, chế độ hộ khẩu được hình thành. Nổi bật nhất là sổ gạo, trong đó có ấn định số lượng và các mặt hàng được phép mua dựa trên số khẩu trong một gia đình.
- Trường hợp đặc biệt như sanh đẻ, ma chay…
Tem phiếu A, B, C
Đó là loại tem phiếu dành cho cán bộ cao cấp được hưởng tiêu chuẩn đặc biệt.
- phiếu A dành cho chức vụ Bộ trưởng,
- phiếu B cho Thứ trưởng.
- phiếu C cho Cục, Vụ, Viện Trưởng,
Một số các cửa hàng phục vụ riêng cho thành phần ưu tiên này tọa lạc tại phố Tôn Đản, Nhà Thờ, Vân Hồ (Hà Nội) … như câu vè của nhân dân mô tả dưới đây.
Tôn-Đản[5] là chợ vua, quan
Vân-Hồ là chợ những gian, nịnh-thần
Đồng-Xuân là chợ thương-nhân
Vỉa hè là chợ “nhân-dân anh-hùng”.
Tem phiếu đặc biệt
Sau các loại tem phiếu là các loại giấy có giá trị để mua hàng là: giấy giới thiệu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy báo tử, bệnh tật, sanh đẻ…
Có giấy khai sinh: được mua vải làm tã lót, chậu tắm. Năm 1970, mỗi cán bộ phụ nữ khi sinh đẻ được nhà Nước ưu tiên phân phối 1 lít nước mắm, 2 kg đường và 3 kg thịt.
Giấy báo tử cho phép chủ hộ mua một quan tài theo giá cung cấp kèm theo một số vải tang (người dân tộc: 10m/người; người Kinh: 6m/người) ….
Giấy chứng kết hôn được thuê nhà cưới, mua thuốc lá, chiếu cói hoặc màn đôi, bánh kẹo[6]…
Sữa[7] chỉ dành cho trẻ em và người ốm.Theo thông tư 345-NT ngày 25-5-1968, trẻ em sơ sinh thành thị dưới 1 năm tuổi nếu mẹ mất sữa toàn phần hoặc trẻ em mất mẹ dưới 3 tuổi hưởng loại phiếu A, mỗi tháng được 8 hộp sữa đặc. Trẻ sơ sinh nông thôn và trẻ sơ sinh thành thị mà mẹ mất sữa một phần hưởng loại phiếu B, mỗi tháng được 4 hộp sữa đặc[8].
Trong các dịp lễ tết thì được mua các loại chè, thuốc, bánh, mứt, kẹo…
Ngày Quốc khánh (2/9), được cung cấp các “bìa[9]…” mua bánh, kẹo, thuốc lá, chè.
Ngày tết Trung thu, được cung cấp bánh nướng, bánh dẻo.
Ngày Tết Nguyên đán được cung cấp phong phú hơn cả về thực phẩm nhất là thịt lợn và mỗi hộ được mua 1 túi hàng Tết[10].
Các hình thức tem phiếu
Hiện nay, nhờ các mẫu tem phiếu cất giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội, chúng ta có thể tìm hiểu dễ dàng chế độ tem phiếu và các loại tem phiếu thời bao cấp như dưới đây.
Gạo
Gạo được đặt lên hàng đầu như câu vè : Nhất gạo nhì rau – Tam dầu tứ muối. Hàng tháng, người dân thành phố được mua một số lượng gạo và chất độn nhất định tùy theo tiêu chuẩn được ghi trong sổ gạo[11]. Sổ này do Sở Lương thực cấp, căn cứ vào tên, tuổi, nghề nghiệp đăng ký trong sổ hộ khẩu chính thức. Để nhận lương thực, người dân mang sổ lương thực và xếp hàng tại cửa hàng lương thực. Mỗi gia đình được cấp một sổ gạo, lấy sổ hộ khẩu làm gốc để xét duyệt và phân phối theo diện lao động.
Mỗi tháng :
- cán bộ được mua 13 kg,
- lao động nặng được mua 13-19kg,
- bộ đội được mua 21 kg,
- nông dân được mua 11-13kg,
- trẻ em dưới 3 tuổi được mua 3kg.
Do số lượng gạo nhà Nước cấp phát quá ít nên địa phương đã phải trách nhiệm về phần thực phẩm độn như ngô, khoai, sắn nên người dân Quảng Bình nhại ca từ của Hoàng Vân trong bài hát Quảng Bình quê ta ơi: “Quảng Bình… khoan khoan hò khoan” thành “Quảng Bình… khoai khoai toàn khoai”.
Còn cơm độn với bo bo[12] thì có những câu ca dao :
Hoan hô độc lập tự do
Để cho tớ nhá bo bo sái hàm
Nhân dân thì chẳng cần lo
Nhà nước lo sẵn bo bo mỗi ngày
Hãy chăm tay cấy tay cầy
Nhịn ăn nhịn mặc chờ ngày vinh quang.
Đảng béo mà dân thì gầy
Độn bắp, độn sắn biết ngày nào thôi?
Rau muống nửa bó một đồng
Con ăn bố nhịn, đau lòng thằng dân.
Thịt, đường
Sau gạo, thịt lợn là lương thực quí hiếm, nhất là vào dịp Tết nên nhiều hộ nuôi lợn ngay trong nhà để bán cho nhà Nước vào dịp Tết. Trước năm 1975, thịt heo, đường mỗi tháng cũng được phân phối theo giai cấp :
- Cán bộ cấp đặc biệt hưởng từ 7,5 kg thịt, 3,5 kg đường/tháng;
- Bộ trưởng hoặc tương đương có phiếu A, hưởng 6 kg thịt, 3 kg đường,
- Cán bộ cấp nhỏ tiêu chuẩn phiếu D hưởng 1 kg thịt, 0,5kg đường/ tháng
- Công nhân lao động nặng tiêu chuẩn phiếu I, hưởng 1,5 kg thịt, 0,75 kg đường/tháng
- Nhân dân phiếu N với 0,3 kg thịt và 0,1 kg đường/tháng. Ngoài thịt, còn có ô đậu phụ, ô nước mắm.
Là một quốc gia nặng về nông nghiệp mà rau tươi cũng chỉ được mua theo tiêu chuẩn mỗi người từ 3 đến 5 kg mỗi tháng.
Tình trạng yếu kém của thực phẩm cả về lượng cũng như phẩm dưới thời bao cấp được diễn tả qua câu vè:
Nhất gạo nhì rau – Tam dầu tứ muối – Thịt thì đuôi đuối – Cá biển mất mùa – Đậu phụ chua chua – Nước mắm nhạt thếch – Mì chính ‘có đếch’ – Vải sợi chưa về – Săm lốp thiếu ghê – Cái gì cũng thiếu.
Tem phiếu nhu yếu phẩm
Vải
Câu vè tâm sự về vải
Một năm hai thước vải thô
Nếu đem may áo cụ Hồ ló ra
May quần thì hở lá đa
Chị em thiếu vải hóa ra lõa lồ
Vội đem cất ảnh bác Hồ
Sợ rằng bác thấy tô hô bác thèm.
Hoặc là:
Tay cầm hai thước vải thô
Rưng rưng nước mắt em nhờ Đảng ta
May quần thì để vú ra
Nếu như may áo thì ra hở… đồ
Vội đem ảnh bác chụp vô
Nếu không cứ để tô hô bác them.
Thông tư số 119-TTG ngày 21-12-1963 công bố định lượng phân phối một năm như sau: Cán bộ công nhân viên 5 mét/người, nhân dân thành phố và thị xã 4 mét/người/năm, dân nông thôn 3 mét/người/năm. Người dân nghĩ sao về phân phối vải? Câu ca dao dưới đây trả lời:
Áo rách chờ vải được phân
Mỗi năm vài mét ai cần mới chia
Cũng phải tem phiếu phải bìa
Chứ đâu được chọn vải kia vải này.
Có áo mà chẳng có quần
Lấy gì hạnh phúc hỡi dân cụ Hồ?
Phiếu vải cũng chia ra hai loại, nam và nữ. Phiếu vải nữ có quyền mua 2 mét lụa đen hay các loại vải tương tự để may quần. Vải cung cấp cũng không có nhiều loại, trong nước có vải phin, popelin 8-3 (Nhà máy Dệt 8-3 sản xuất), vải thô, kaki Nam Định (Nhà máy Dệt Nam Định sản xuất) và chỉ có hai màu cơ bản là xanh công nhân và tím than..
Mỗi công nhân viên được phân phối mỗi năm từ 5 đến 7 mét vải, nên quần áo vá chằng vá đụp là chuyện thường thấy trong xã hội, nhất là thành phần lao động nặng hay các nông dân tại vùng quê vào mùa đông tháng giá nên nhân dân thở than qua câu vè :
Một năm hai thước vải thô
Nếu đem may áo cụ Hồ ló ra
May áo thì hở lá đa
Chị em thiếu vải hóa ra lõa lồ.
Xe đạp
Từ năm 1965, Nhà Nước quy định mỗi cán bộ, công nhân được phân phối 1 chiếc xe đạp trong cả đời công tác. Ai đã có xe đạp thì đăng ký để xin sổ mua phụ tùng. Việc phân phối này khá phức tạp, phải bình xét hay gắp thăm. Xe phân phối chủ yếu là xe Thống Nhất của Việt Nam, xe Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu của Trung Quốc.
Về chất đốt
Tiêu chuẩn cho dân ngoại thành là củi, than, còn nội thành ban đầu là củi, sau là dầu hỏa, tiêu chuẩn của cán bộ và nhân dân bằng nhau, 4 lít/tháng.
Hình ảnh xếp hàng, mua, bán
Năm 1986 chấm dứt chế độ hợp tác xã nông nghiệp và chế độ tem phiếu tức là đánh dấu sư sụp đổ kinh tế quốc doanh (hợp tác xã, chế độ bao cấp). Biến cố này đã tạo nên một hình ảnh quái dị tại Việt Nam : Văn hóa XHCN (thượng tầng kiến trúc) ngồi trên kinh tế thị trường định hướng theo tư bản trông giống hình ảnh “đôi đũa lệch” mà người Việt rất kiêng kỵ. Hình ảnh đôi đũa lệch chẳng tồn tại được bao lâu vì là điều nghịch lý với lý thuyết của Trường Chinh là: “Văn hóa nào thì kinh tế đó”.
—
[1] Lương tháng cho cán bộ đa phần tính bằng hiện vật và một ít tiền mặt. Quan hệ tiền tệ-hàng hóa không được coi trọng, lý do là dù có tiền cũng không thể xử dụng do nguồn hàng hạn hẹp, không được bầy bán tự do ngoài thị trường,
[2] Khi một cuốn hộ khẩu giấy gánh trên vai 39 thủ tục hành chính chính thức. Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, 39 thủ tục hành chính là 390, hay 3.900 lần người dân phải đi lại với cuốn sổ hộ khẩu giấy trên tay trong suốt cuộc đời của họ. Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà, xin việc, xin học… có cái gì quan trọng trong đời chúng ta mà có thể thiếu cuốn sổ đó? Có nỗi ác mộng nào đáng sợ như việc nếu ta lỡ đánh mất sổ hộ khẩu?
[3] Dù có tiền cũng không thể xử dụng vì nguồn hàng hạn hẹp, không được bầy bán tự do ngoài thị trường. Vì sản xuất không đủ cho nhu cầu nên bán theo kiểu nhỏ giọt, có nhiều bán nhiều có ít bán ít, không đáp ứng nhu cầu cần thiết cho mọi gia đình.Tất cả các mặt hàng mua bằng tem phiếu chỉ có giá trị trong tháng, ai đi công tác không kịp mua chỉ còn cách bỏ đi.
[4] Điều nghịch lý là trong xã-hội chủ-nghĩa, một mặt đảng tuyên bố đấu tranh cho công bằng xã hội thì mặt khác, các nhà lãnh đạo lại tự cho mình hưởng những quyền-lợi đặc-biệt
[5] Cửa hàng 17 phố Tông Đản chỉ dành riêng cho cán bộ cấp tiêu chuẩn phiếu A, B chuyên bán thực phẩm, rau quả, thịt cá bao giờ cũng tươi ngon còn rau quả không bao giờ có rau héo. Tiêu chuẩn phiếu C mua ở phố Nhà Thờ, Đặng Dung
[6] Sau khi đi đăng ký kết hôn chú rể được phòng Thương nghiệp cấp một phiếu mua hàng cưới có nhiều ô số, mỗi ô được mua một mặt hàng. Có thể liệt kê như sau: 2 kg kẹo, 1 kg chè, 2 tút thuốc lá Tam Đảo hoặc Trường Sơn, 1 đôi chiếu hoa, vải xô đủ may một chiếc màn, mấy mét vải hoa để làm cái ri-đô che gường nằm, 1 cái gường giẻ quạt, 1 cái chạn bát, 2 bánh pháo. . . Cô dâu chú rể sẽ đi từng bàn mời thuốc lá. Thời ấy, quà mừng cưới đa phần đều là hiện vật. Cơ quan mừng cái phích nước, cái mâm nhôm. Bạn bè thì mừng cái áo gối, quần áo trẻ em, rồi xoong nồi nấu cơm, ấm nấu nước, chậu giặt, chậu rửa bằng nhôm Hải Phòng
[7] Sữa trong nước có Thảo Nguyên, sản phẩm của Nông trường Bò sữa Mộc Châu, sữa hộp Trung Quốc, Liên Xô
[8] Sanh đẻ thời bao cấp, một nhà thơ đã viết đại ý: khi con sinh ra, bố phải chạy xin mười mấy con dấu vuông, tròn. Đầu tiên là xin giấy chứng sinh ở trạm xá xã, rồi lên Uỷ ban nhân dân làm giấy khai sinh. Tiếp đó, xin thêm mấy cái giấy giới thiệu của cơ quan người mẹ, rồi mang từng ấy thứ giấy lên công an huyện và các phòng Thương nghiệp, phòng Lương thực… để nhập hộ khẩu và xin cấp tiêu chuẩn lương thực, tiêu chuẩn mua vải làm tã lót cho trẻ sơ sinh và các tiêu chuẩn khác của sản phụ, kể cả vải màn, cùng các loại tem phiếu thực phẩm cho trẻ
[9] Theo thống kê tại Bảo tàng quốc gia Hà Nội, hiện nay đang lưu giữ 18 bìa mua hàng các loại. Trong thời kỳ bao cấp, các hộ gia đình (kể cả thành thị và nông thôn) được cấp bìa mua hàng để được mua các mặt hàng như: chiếu, xà phòng, diêm, kim chỉ…
[10] Túi quà Tết có 2 loại: 1) Hộp mứt,chai rượu hồng,, bao thuốc, gói trà, pháo, hoặc 2) miến, bóng bì, mộc nhĩ, nấm hương, mì chính, tiêu, gói trà Hồng Đào.
[11] Chỉ có cán bộ cao cấp mới không phải ăn độn
[12] Hạt bo bo hay Ý dĩ là hạt của cây lúa miến (Sorghum), tên khoa học: Coix lachryma jobi L được Liên Xô viện trợ. Do không lên men được, hạt bo bo rất dai và cứng nếu so với cơm gạo. Để dễ ăn, người ta độn bo bo với cơm. Ngô Minh kể: “Thời đó, mấy bà nhà bếp nuôi heo vất vả nhất vì heo không chịu ăn bo bo. Họp cơ quan, bà Liên, tổ trưởng bếp ăn tập thể, nêu ý kiến: “Gần Tết rồi mà heo không lớn vì không chịu ăn bo bo. Tôi đề nghị để bo bo cho thầy cô ăn, ưu tiên gạo cho heo như vậy mới vỗ béo được”. Cả cơ quan cười ồ nhưng đằng sau đó là nỗi buồn nặng trĩu”.