Gió Lên

Câu-lạc-bộ Văn-học Oklahoma – Viết lẩn-thẩn trong mùa ly-cách tháng 4-2020.

Tháng này, thân-hữu Phạm-Hữu-Quang giới-thiệu thi-ca, có trích-dẫn hai câu thơ:

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa,
bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh…
 

Mới nghe, có thể tưởng đây là mấy câu thơ tả tâm-tình dân tỵ-nạn 1975; nhưng mà không phải vì thơ được sáng-tác từ 1940 trong Cuốn Thơ Say xuất bản năm 1940

Phương xa
Tác giả: Vũ Hoàng Chương

Nhổ neo rồi thuyền ơi! xin mặc sóng,
Xôi về đông hay giạt tới phương đoài,
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng,
Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi.

Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bẩy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.
Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.

Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt,,
Treo buồm cao cùng cao tiếng hò khoan.,
Gió đã nổi nhịp trăng chiều hiu hắt,,
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy cho ngoan.

Bài thơ năm 1940 kể về một nhóm lạc-loài muốn ra biển cả tìm bến hoang-sơ. Biển cả vô-tận vô cùng cao rộng tương-trưng cho Tuyệt-đối còn con người chỉ là gốc hạn-hữu nhỏ-bé; trong cái xã-hội nhỏ-bé đó thì thi-sỹ (và lũ bạn) lại là phần-tử lạc-loài nhỏ-bé nhất bị ruồng-bỏ và khinh. Nhân-loại có giấc mơ Tuyệt-đối mà những phần-tử nhỏ-bé lạc-loài nhất cũng ôm giấc mộng Tuyết-đối đó. Trong bài thơ, gió chính là động cơ, là cái men đã nuôi nỗi mơ của nhân-loại và giấc mộng của thi-sỹ.

Biển Phương xa là cái đích, thuyền và buồm chỉ là phương-tiện, và chủ-đề của bài thơ là Gió, gió đã nổi làm men cho giấc mơ Say của thi-sỹ trong giấc mộng đi tìm Tuyệt-đối.

o0o
 

Có một bài thơ viết hai mươi năm trước đó, Le Cimetière marin, Nghĩa địa ven bờ biển của thi-sỹ Pháp Paul Valery ngẫu-nhiên trình-bày ý thơ tương-tự. Biển tượng trưng cho vô-tận, tuyệt-đối còn nghĩa-trang nói lên sự hạn-hữu của con người. Paul Valery mơ-mộng thoát ra khỏi cái hạn-hữu để với lấy tuyệt-đối; nhưng rút cuộc, đã trở về với thực tại ở đoạn kết: con người phải nhận số-mệnh của mình:

Le vent se lève!… Il faut tenter de vivre!
L’air immense ouvre et ferme mon livre
 

Hai bài thơ cùng một chủ-đề: gió nuôi giấc mơ, theo gió, với lấy tuyệt-đối nhưng sau cùng thì Paul Valery đã đi xa hơn Vũ-Hoàng-Chương, đúng hơn là đã quay về với định-mệnh của nhân-loại: giấc mơ tuyệt-đối chỉ là một giấc mộng, con người phải đi hết đinh-mệnh của nhân-loại.

o0o
 

Vài năm trước bài thơ Phương xa, Nhất-Linh có viết cuốn Đôi bạn và Đoạn-tuyệt, 1936, và chuyện tình Loan và Dũng; sau Loan lấy chồng và bị ra tòa về tôi giết chồng; còn Dũng thì tham-gia làm cách-mạng, bị cha mẹ từ. Cả hai cùng bị một phe trong xã hội ruồng-bỏ. Nhất-Linh kể chuyện của họ và trong cuốn Đôi-bạn, có viết bài nói đầu là nhặt lá bàng. Nhất-Linh ngồi xuống bàn viết mà chừng như chưa có hứng. Mở cửa sổ nhìn ra ngoài xuống đường thấy hai chị em đang theo gió đi nhặt lá bàng để bán cho khách mua về sưởi ấm. Chúng chờ cho gió thổi mạnh thì lá bàng rụng thế là hai chị em chạy ra đuổi lá bị gió thổi lăn trên đường. Hai đưa bèn la: “Gió lên…lạy trời gió nữa lên.” Qua đêm, nhà văn chưa viết được bao nhiêu. Nhưng nghĩ đến hai chị em cầu xin gió để nhặt lá bàng, nhà văn đã viết tiếp: “Đối với tôi, những cơn gió tôi chờ đón đã có nổi lên, đã khiến tôi đêm qua đã lạnh cả tâm-hồn, nhưng là bàng nhặt được không là bao…”

o0o
 

Cũng khoảng thời-gian đó, 1937, Nguyễn-Mạnh-Tường từ Pháp về nước, mong đem cái học ở phương xa về xây-dựng cho nước nhà thì gặp vấp-váp. Tường đại-diện cho phe tân-học từ Pháp về gặp đối-kháng của phe tân-học tại chỗ, mà tiêu-biểu là Nguyễn-Tiến-Lãng, một nhân-vật tài cao. Khi còn học lớp cuối ban tú-tài, có cuộc thi truyện ngắn, Nguyễn-Tiến-Lãng gửi truyện Euridice, được giải nhất Đông-dương trong khi ông thầy dạy Pháp-văn xếp hạng dưới. Lãng chê Tường là không còn văn-hóa Việt, loại mà sau này gọi là ông Tây An-nam. Một cách khác để gọi là bọn mất gốc bị ruồng bỏ. Tường phản-ứng bắng cách viết bài về sự mất gốc, les déracinés và cả một cuốn sách nhỏ nhan-đề Nụ cười và giọt lệ của một lớp trẻ Sourires et larmes d’une jeunesse.

Ông phản-biện rằng con người không phải là cây-cối mà cần rễ gốc; và văn-hóa đi theo con người; ông cũng phàn-nàn rằng lớp người trẻ chịu bao cố-gắng khó-khăn, miệt-mài học ở Pháp về, nay bị giới trí-thức nội-địa khinh-khi ruồng-bỏ. Nhưng ông có quyết-định chót là vẫn nhất lòng góp công xây-dựng đất nước. Ông viết ở nghĩa-địa bên ven biển, một bên có tiếng mời-mọc của tuyệt-đối, bên kia, có tiếng gọi kêu-gọi của con người, người thi-sĩ bị dằng co nhưng sau cùng, đã ở lại cùng xã-hội người. Gió đã thổi lên, xóa tan những phân-vân ngờ-vực và khiến hắn phải sống (với hiện-tại) Le vent se lève sur la mer, dissipe ses incertitudes et l’oblige à vivre. Tường viết: “Chúng tôi thì-thầm cùng với thi-sĩ: Gió đã lên, mình phải cố thử mà sống; Le vent se lève, il faut tenter de vivre”.

Sau đó, Nguyễn-Mạnh-Tường viết bộ sách: Xây dựng Phương-đông, Đá-quý trời Tây & Sàng khôn Địa-Trung-Hải góp công xây-dựng xã-hội.

o0o
 

Cả ba nghệ-sĩ Việt, nhà thơ Vũ-Hoàng-Chương, nhà văn Nhất-Linh, giáo-sư Nguyễn-Manh-Tường cùng dùng chủ-đề gió lên như động-cơ chuyên-chở giấc mơ và hành-động, giống như Paul Valery đã viết trong bài thơ Le Cimetière marin. Tường dẫn bài thơ của Paul Valery. Nhất-Linh và Vũ-Hoàng-Chương thì không. Vấn-đề có thể đặt ra là hỏi liệu hai người này có chịu ảnh-hưởng—hay lấy hứng—từ ý-tưởng gió lên của văn-học Pháp 15, 20 năm trước hay không. Chắc sẽ không có câu trả lời dứt-khoát bởi vì thế-hệ xưa đã qua, và ngày nay, ít ai còn để tâm phân-tách văn-học Pháp-Việt thời trước.

o0o
 

Lịch-sử oái-oăm lại xếp Nhất-Linh và Nguyễn-Mạnh-Tường ngồi bên nhau tháng 4-5 năm 1946 trong Hội-nghị trù-bị Pháp-Việt ở Đà-lạt để chống lại mưu-toan trở lại xâmchiếm nước ta. Nhà thơ Vũ-Hoàng-Chương không vướng vào nghiệp chính-trị nhưng lại bày tỏ cái dũng của thi-sĩ trong một hoàn-cảnh bi-hùng khác-thường. Sau nạn nước 1975, thi-sĩ không vướng nghiệp tù cải-tạo. Sang 1976, một phái-đoàn văn-nghệ-sĩ phe thắng trận–hình như có Huy-Cận—tổ-chức một đêm văn-nghệ nhằm tuyên-truyền thu dụng văn-nghệ-sỹ miền Nam; phải tham-dự lẽ-dĩ-nhiên có thi-bá họ Vũ. Trong tiệc, “họ” mời thi-bá phát-biểu về câu thơ Tố-Hữu Thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương mình thương một, thương Ông (Stalin) thương mười.

Vũ-Hoàng-Chương phát-biểu đại ý rằng có những khi, trong một giây-phút thoát thần, thi-sĩ có những câu thơ bất hủ để đời; lại có khi mang cái tài che-đậy những thi tứ thi-từ “hoành-tráng” đó bằng cách dùng ngôn-ngữ hàng-ngày bình-thường của nhân-dân; hai câu thơ Tố-Hữu nằm trong trường-hợp này: ý xuất-thần để đời, lời nhân dân bình-dị. Mọi người nhột-nhạt vì câu khen có ẩn-ý chê lời “quê”.

Họ Vũ lại khen thêm rằng tả nỗi đau-thương và tình yêu-mến của Tố-Hữu đối với lãnh-tụ, đó là tình thật nêu vẻ đẹp của thi-ca, vì thơ là sự thực lòng mình. Tuy-nhiên, nếu gán cái tình đó cho các bà mẹ thì không được. Họ Vũ quả-quyết không có bà mẹ nào, kể cả bà Tố-Hữu, có thể dạy con tiếng đầu là Stalin; cái ngoa nơi này làm hỏng cái hay chỗ nọ.

Ít lâu sau, công-an bắt Vũ-Hoàng-Chương, giam vào tù mấy tháng; rút cuộc cũng cho thả ra. Khiêng về nhà được dăm hôm thì chết. Đó là cái dũng của nhà thơ.

Viết lẩn-thẩn trong mùa ly-cách,

Nguyễn-Lê-Hiếu

Xem thêm

X