Tiếng vọng từ quá khứ – Một thời chưa xa

« Sẽ có một ngày!!
Sẽ có một ngày
Con người hôm nay
Vất súng
Vất cùm
Vất cờ
Vất Đảng »

( thơ Nguyễn Chí Thiện)

Sàigòn không còn ngày
Buổi tối, tôi leo lên sân thượng. Trời tối đen, có một sư im lặng sâu thẳm. Nhưng trong bóng đêm, tôi đã nghe rõ được tiếng của im lặng. Cái im lặng của cõi đêm, của một trống rỗng, của một hố thẳm, của một mảnh đời đang sống đã khép lại.

Chỉ mới hôm qua, những chiếc trực thăng còn lập lòe trên các mái nhà và biệt tăm ngay sau đó vào đêm tối. Rồi chốc lát đã mất hút. Niềm hy vọng như cạn mòn.

Trưa 30-04-1975, ngồi một mình trên sân thượng thấy tương lai vô định. Lòng buồn vô tả. Nước mắt tuôn trào không ngăn được. Bụng tự nhiên nhói lên từng hồi. Vui chưa thấy, lo thì như ứa tràn. Chẳng hiểu chính quyền mới đối xử ra sao ? Đó cũng là mối lo của tất cả mọi nguời miền Nam sau 1975. Những kẻ thua cuộc.

Chiến tranh đã chấm dứt. Đáng nhẽ phải vui mà hóa buồn. Cuộc chiến bằng bom đạn đã chấm dứt. Nhưng cuộc chiến giửa kẻ thua-người thắng xem ra vẫn còn dai dẳng. Bài học Bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9-11-1989 do Thủ tướng Helmut Kohl dàn dựng cũng như bài học « trận bão dân chủ Đông Âu » xem ra cũng chẵng giúp được gì cho Việt Nam.

Hết rồi cảnh chạy đôn chạy đáo tìm đường thoát thân. Có sự im lặng nặng nề như một con vật chờ chết trong nỗi tuyệt vọng. Ván bài chơi đã xong. Ngoài đường, 8 chiến xa T-54 đã vào thành phố trên đại lộ Thống Nhất. Nhiều nhà đóng cửa rồi từ trong nhà ngó ra xem động tĩnh. Chỉ có một thiểu số người dám ra đường đứng thản nhiên nhìn đoàn xe cộ đi qua. Bộ đội tỏ ra ngơ ngác và kỷ luật. Họ dơ tay vẫy chào ngượng ngập.

Ngoài phố, chỉ còn nghe tiếng xích sắt khô khan của bánh xe nghiến trên mặt đường nhựa. Mặt đất như rung lên bần bật. Sàigòn như oặn mình dưới làn xích sắt đi qua. Tiếng xích sắt như nhắc nhở gợi nhớ về tiếng xích sắt của mùa xuân Praha năm nào. Cái mùa xuân nát úa. Cái mùa xuân hy vọng của tuổi trẻ Prague chưa kịp nhú lên thì đã bị xích sắt xe tăng của Hồng quân Liên Xô đè dập nát khi tiến vào Prague, trên những dường phố lát đá gồ ghề, thẫm màu đen thuở nào.

Praha, Sàigòn, ngạo nghễ một thời nay cúi đầu tủi nhục
Những chiếc chiến xa đang chạy trên đường Tự Do, Catinat cho người ta có cảm tưởng đường Tự Do của miền Nam là đại lộ Champs-Élysées của Paris ngày nào Nhưng Champs-Élysées của Paris vào tháng 8-1944 là cả một biển người đón tiếp De Gaulle. Biển người đó là nỗi vui mừng giải thoát, chỉ có tiếng cười và nước mắt hoan lạc.

Nhưng Champs Élysées thì đẫ hẳn không phải đường Tự Do ở Sàigòn.

Đường Tự Do không có nỗi vui chiến thắng mà chỉ có những ánh mắt lo âu và sợ sệt. Những phòng trà, quán ăn thanh lịch đã một thời nay giã từ quá khứ. Hết rồi, Sài gon ơi- tên gọi thân thương của ít nhất 20 năm miền Nam. Người tiếc của, kẻ tiếc nhà.

Còn tôi, tiếc sau 1975, Saigon vắng những chiếc áo dài con gái. Có thể đó là nỗi buồn của riêng tôi. Đối với tôi chiếc áo dài con gái tỏ bày phái tính: La robe lui permettait de devenir plus feminine. Les femmes seraient faites ainsi. Người con gái sinh ra là để như vậy Nó thức dậy một phái tính như mời gọi. Còn đâu những buổi chiều lượn phố. Một thứ L’engrenage du paraitre..Hôm nay, gặp nhau như trễ một chuyến tàu, lòng như chợt tỉnh, như chấu ủ bếp lửa bừng lên từ đám tro tàn quá khứ.. Gặp nhau muộn màng nên thương hoài ngàn năm.

Tôi đã không biết bao lần quên lối về bởi chiếc áo dài con gái Nha Trang, Huế, Biên Hòa, Sàigon… Để rồi :

« Hôm sau vào lớp
Nhìn em ngại ngần. »

(Phạm Thiên Thư)

Ở một góc phố cạnh hotel Majestic, người ta thấy một nhóm nhỏ người đứng nhìn chiến xa đi qua. Bên kia đường, có một thanh niên mặc quần tây áo trắng bỏ ngoài quần, chắp tay đứng nhìn. Không có biển ngưòi mà cũng không có tiếng vỗ tay reo hò. Và 125 nhà báo ngoại quốc đứng ở đâu đó. Đài phát thanh Sàigòn mở đầu bằng tiếng hát Trịnh Công Sơn. Tiếng hát một thời. Tiếng hát của một đời người.

Anh cất tiếng hát không phải khúc ca da vàng, nhưng lạc lõng với bài : Nối Vòng tay lớn bên cạnh đám bạn bè anh, trong đó có Nguyễn Hữu Thái, một SV tranh đấu.

Dân Sàigòn đã đón tiếp quân Giải Phóng như thế. Một nhúm người người dân ngơ ngác, 125 nhà báo và TCS với Nối Vòng Tay Lớn. 8 chiến xa có trang bị kính nhắm hồng ngoại tuyến dùng cho những cuộc đánh nhau ban đêm? Chả còn gì để dấu diếm nữa. Những chiến xa Liên Xô từ ngoài Bắc chạy thẳng vào chứ đâu phải của mặt trận giải phóng miền Nam?

Trên chiến xa có cắm cờ MTGPMN. Nhưng cắm một lá cờ thì không lẽ đủ để thay đổi nguồn gốc một lịch sử.

Lại còn vấn đề trao cái chính quyền đó vào tay ai ? Chẳng biết nữa, người nói ông Bùi Tín, người nói Chính ủy Tùng. Theo Stanley Karnov, trong Viet Nam viết : “Ngồi trên một chiến xa vào dinh độc lập, Ông Bùi Tin chuẩn bị đóng hai vai trò một lúc: Là nhà báo, ông muốn là nhân chứng cho cuộc đầu hàng. Nhưng là sĩ quan cao cấp trong đơn vị của ông, ông muốn chính ông tiếp nhận sự đầu hàng này. Tôi chờ các ông từ sáng nay để trao quyền hành lại cho các ông, đại tướng Minh đã nói như thế khi ông Bùi Tín vào đến đại sảnh. Bùi Tín đáp lại, không có vấn đề trao quyền hành. Quyền hành của các ông còn đâu để mà giao. Ông không thể giao một cái mà ông không có.” ( Pénétrant à bord d’un char dans la cour du Palais, il se préparait à jouer un double rôle: journaliste, il désirait être témoin de la capitulation, officier le plus élevé en grade de son unité, il avait pour devoir de la recevoir. J’attends depuis ce matin pour vous remettre le pouvoir, annonca le général Minh, quand Bui Tin entre dans le salon. Il n’en est pas question, répliqua le colonel. Votre pouvoir s’est écroulé. Vous ne pouvez donner ce que vous n’avez pas.)

Nhưng có lẽ câu nói quan trọng nhất của Bùi Tín vẫn là câu sau đây : “Cùng là người Việt Nam cả, sẽ không có kẻ thắng người bại. Chỉ có người Mỹ là kẻ bại trận. Nếu ông là người yêu nước, đây là lúc để vui mừng, vì chiến tranh đã không còn nữa trên quê hương của chúng ta ” (Entre Vietnamiens, il n’y a ni vainqeur, ni vaincus. Seul les Américains ont été battus. Si vous êtes patriotes, c’est le moment de vous réjouir. La guerre pour notre pays est terminée”.

Từ đó đến nay, đã 45 năm, người ta vẫn chờ đợi câu nói của Bùi Tín trở thành hiện thực. Nói thì như thế. Nhưng thực tế chỉ là chuyện người Bắc thống trị đất nước miền Nam. Từ nay Saigòn làm. Còn Hà nội ăn.

Hồi mất Điện Biên Phủ, cuộc chiến giữa Pháp và Việt Minh phải mất 56 ngày đêm. Mất Sàgòn nhanh hơn, chỉ có 55 ngày. Ít hơn một ngày. Hồi ĐBP, chỉ mất một nửa. Lần này mất tất cả.

Kể từ nay không còn ai hỏi : « Nắng Saigon còn ấm không em? »

Phía những người thua trận
Không kể những người đã tháo chạy đã là một nhẽ. Không kể những người còn kẹt lại trong gọng kìm lịch sử oan nghiệt.

Còn có những người cất lên tiếng nói cuối cùng. Một lần rồi thôi không nói nữa.

Thiếu Tá Long, Cảnh sát Quốc Gia đã đến đứng trước tượng TQLC trước tòa nhà Quốc Hội ở Sàigòn rồi rút súng tự sát. Ông đã nằm chết ngay dưới chân pho tượng.

Trung sĩ Quân Cảnh Trần Minh, thuộc đại đội một quân cảnh phụ trách an ninh khu vực Bộ Tổng Tham Mưu. Lúc 10giờ 30, sau khi nghe tin đầu hàng, trung sĩ Trần Minh đã dùng súng lục tự tử dưới chân cột cờ Bộ TTM.

Thêm vào đó là những cái chết của Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh sư đoàn 5 bộ binh. Chuẩn tướng Trần văn Hai, sư đoàn 7 bộ binh. Thiếu Tướng Phạm văn Phú, tư lệnh quân khu 2. Thiếu tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh phó quân đoàn 4. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh quân đoàn 4. Những cái chết anh dũng. Nhưng đã thay đổi được gì và có thể đại diện cho những vị khác đã bỏ chạy không ? Đó là những cái chết bằng ngàn lời ca, bằng vạn tiếng nói.

Và kẻ chết cuối cùng vẫn là kẻ có lý.

Và tự sát bao giờ cũng cần được hiểu là một sự hy sinh cuối cùng ( Ultimate sacrifice ) đáng được trân trọng.

Không có cái chết vô ích mà chỉ có những cái sống vô ích.

Đó là số phận những người đã tự chọn cái chết. Để không phải sống nhục.

Còn số phận những người còn lại?
Hình ảnh thứ nhất: Trước hết, xin ghi lại số phận MTGPMN- Mà tôi gọi là một ảo tưởng trí thức. Cái thời mà họ nghĩ rằng : chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại. Tôi đã viết về họ rồi. Không bao giờ viết lại một lần nữa. Họ tưởng họ đứng trong hàng ngũ kẻ thắng trận mà cuối cùng số phận họ cũng không khác gì chúng tôi.

Dưới đây là hình một bé gái chừng 12 tuổi, một cô gái miền Nam, đầu quấn một khăn kẻ ô trắng đang đi trên một bờ ruộng với lá cờ MTGPMN, hai mầu, ở giữa có ngôi sao với lời tiên đoán:* le drapeau du FNL flotte sur le Sud-VietNam. Il sera sous peu remplacé par le drapeau du Nord, devenu celui du Viet Nam réunifié { ảnh của JC Labbé-Gamma}. (Lá cờ MTGPMN tung bay ở miền Nam VN. Nhưng chẳng bao lâu nữa, nó sẽ được thay thế bằng cờ của miền Bắc, trở thành cờ của VN thống nhất).

Cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc đã để lại một di sản thừa như một cục bướu ung thư cần nhổ. Đó là MTGPMN. Mặt trận này đối với trí thức thành phần thứ ba hay đối với sinh viên VN hải ngoại chỉ dẫn đưa họ đến một kết quả là: những ảo tưởng vĩ đại (grandes illusions) và đối với toàn thể thế giới là một âm mưu lừa bịp trắng trợn.

Hình ảnh thứ hai: Tôi ghi lại đây hình ảnh một anh lính VNCH, đi chân đất, hai tay áo rách, đầu gối rách, chắp tay. Đằng sau anh là một bộ dội mặc đồ đen, cầm súng lăm lăm và sau chót là đám đông dân làng, khoảng 6, 7 chục người khoanh tay bất lực với lời ghi chú của nhiếp ảnh viên: « Un avenir qui ne s’annonce pas vraiment radieux pour ce soldat de Thiệu: pendant combien d’années sera-t-il rééduqué.. (ảnh của Abbas. Gamma). Một tương lai không mấy sáng sủa cho người lính này của Thiệu: Người lính này sẽ bị đưa đi học tập cải tạo trong bao lâu?

Hình ảnh thứ ba : Cạnh đó là bức hình của kẻ chiến thắng. Hình một anh bộ đội chống nạng, cụt hẳn một giò đến háng, đi bên cạnh một xe tăng đã bốc cháy với lời ghi:* Après les vingt- cinq années de guerre, une photo qui résume tout (ảnh của Leroy-Gamma).

Sau 20 năm cuộc chiến, hai bức hình nói lên tất cả. Một bên kẻ thua trận là một người lính VNCH bị trói tay dẫn đi như một tên tội phạm. Anh có tội gì? Tội thua trận. Một bên kẻ thắng trận thì bị thương cụt một giò. Đúng như lời nhận xét của Leroy-Gamma, hai bức hình nói lên tất cả ý nghĩa cuộc chiến này. Nó để lại một gia tài rách nát, những thân xác tàn phế và những kẻ mất tương lai hoặc mất tuổi trẻ.

Hình ảnh bức hình thứ tư: Còn bức hình khác cũng mang trọn vẹn ý nghĩa hai chữ chiến thắng. Tôi nhặt được một bức hình xem ra có một không hai của nhiếp ảnh gia Marc Riboud. Nhiếp ảnh gia chụp một anh bộ đôi- kẻ thắng cuộc- theo lẽ thông thường phải chụp trước mặt. Marc Riboud chỉ chụp đằng sau lưng người lính. Có một sự cố tình nào đó. Không cần biết người lính đó là ai. Trên lưng, anh ta đeo một cái balô bộ đội-không có súng ống cũng không có bao gạo vắt chéo lưng như thường lệ. Nhưng trên nắp ba lô, người lính buộc một con búp bê bằng nhựa, bọc ni lông hẳn hoi..Và trên tay phải, ông cầm thêm một cái sắc cầm tay. Cùng với bức ảnh có một lời bình của một face booker Nguyễn Hoàng : « Thằng này coi vậy mà hiền, chỉ lấy con búp bê cho con và cái bóp đầm cho vợ mà thôi. »

Phần tôi nghĩ rằng : Anh bộ đội xa nhà không biết đã bao mùa xuân qua đi. Vợ con ở nhà không biết sống chết ra sao. Nay trở về làm quà cho con chỉ có con búp bê và một cái sắc tay nhỏ xíu. Đó là tất cả số tiền anh dành dụm được trong những năm vào Nam đánh giặc Mỹ. Nghĩ mà tội cho anh, tội cho thế hệ thanh niên miền Bắc. Nhưng anh cũng vẫn còn hơn nhiều người đã bỏ mình mình trên đường Trường Sơn. Anh còn nguyên vẹn hình hài. Phải chăng đó là món quà quý giá nhất mang về cho vợ? cho con? Có thời giờ, xin đọc thêm nhà văn Xuân Vũ với các tác phẩm : Xương trắng Trường Sơn. Mạng người lá rụng. Đường đi không đến…

Kết cục sau cuộc chiến, người lính VNCH sống vất vưởng, làm đủ thứ nghề, trong đó có nghề đạp xích lô, nghề chạy xe ôm sống qua ngày.

Còn anh bộ đội về lại quê nhà, không có việc gì để làm, trở lên thành phố Hà nội làm nghề vạn chài. Nhà văn Tưởng Năng Tiến đã viết lại một cách sâu sắc số phận những bộ đội phục viên, không nghề nghiệp, họ sống ra sao? Tưởng Năng Tiến trả lời bằng cách trích dẫn nhà văn Tô Hoài cho thấy vỉa hè Hà Nội có đông đảo những bộ đội ngồi túm năm tụm ba chờ xin việc. « Mỗi tối thuê cái chiếu nằm gầm cầu, có tiền bạc của nả thì gối đầu, giắt lên ngực. Bốn bên lủng củng người nằm, nói anh bỏ lỗi, nó đéo nhau huỳnh huỵch rồi lại chửi nhau, quát nhau to tiếng hơn ô tô chạy ngoài đường. »( Tô Hoài. Chiều chiều. nxb Hội nhà văn 1999).. Nhưng như thế còn hơn nhiều bạn đồng đội không may khác, thương tật. đang « nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng. ». Xem ra thì giữa người linh thua trận, kê xe ngồi ở góc đường chờ khách của VNCH và người bộ đội thắng trân làm nghề vạn chài ai có tư cách hơn ai?

Hình ảnh thứ năm: Đây là hình ảnh một anh bộ đôi khác. Một anh bộ đội vừa là kẻ chiến thắng, vừa là kẻ hôi của. Lần này không khoác ba lô. Anh tự chế ra một cái hòm thật lớn để chứa được nhiều đồ. Anh cũng đeo lên người. Anh đi hối hả trong đó thu vén được một số của cải từ miền Nam mang về Bắc làm quà. Hình ảnh anh bộ đội này tiêu biểu cho bọn cộng sản tư bản đỏ miền Bắc sau này. Chúng bóc lột. Chúng vơ vét. Chúng hà hiếp dân chúng.

Theo hãng tin France-presse cho biết, ở Hà nội nay có nhiều xe Honda từ Sàigòn chạy trên đường phố. Xe gắn máy dần thế chỗ cho xe đạp. Một nếp sống mới đang thành hình. Người ta còn thấy nhiều loại nước uống sản xuất bởi hãng B.G.I cũng được bầy bán ở đây. Bát nước chè xanh nay thay thế bằng ly nước xã xị hiệu Con Cọp. Sàigòn thì như một thành phố bị chiếm đóng và có nạn hôi của những người thua cuộc để khuân về Hà nội. Nhiều nhất là salon, tủ lạnh, quạt máy, máy hát, vải vóc, thuốc tây và ngay cả bột giặt. Nghĩa là tất cả những gì ở Hà nội không có. Những chiếc xe nhà binh chở lính vào thì nay đầy nhóc những món hàng của kẻ thua cuộc để lại. Một cuộc vơ vét thẳng tay và khá trắng trợn.

Hãng giấy Cogido có 8000 tấn giấy trong kho đã được lệnh chuyển ra Bắc. Tất cả những xe hơi mới của hãng Citroen, Renault, Peugeot cũng được lệnh chở ra Bắc. Hãng Engineco, có 165 xe được tân trang cũng chờ để được chở ra Bắc. Cách mạng bị mang tiếng nhiều về vấn đề này lắm. Những lời mỉa mai, bóng gió không thiếu qua cái câu chẳng thơm tho gì: Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng này

Trước cảnh tồi tệ này, Dương Thu Hương cho là một nghịch lý: ’’Một dân tộc dũng cảm biết bao trong chiến tranh và hèn mọn biết bao trong cuộc sống thời bình’’.

Chiến tranh đã cướp đi tất cả những gì là cao quý, trong sáng chỉ còn để lại bọn khôn ngoan cơ hội, bọn trục lợi, bọn ăn may theo trình tự : Trong chiến tranh, người trẻ chết trước người già, người nghèo cùng khổ bán máu chết thay cho bọn giầu có quyền, có chức. Người ít học chết thay cho bọn có học, chết thay cho bọn đầu cơ chính trị.

Người bắt đầu không ra người. Cái gì đã làm dổi thay cá tính con người như vậy. Những mánh khóe lừa đảo đủ loại ra đời mà không sách vở nào dạy hết được.. Tại sao xã hội lại thay đổi như vậy? Trước đây, cũng không thiếu tầng lớp người nghèo xác xơ, tại sao cảnh đó lại không xảy ra?

Hạt gạo miền Nam đã thiếu hụt nay lại phải cắn chia đôi, chia ba cho miền Bắc. Còn về số phận những người phụ nữ. Sau 45 năm chủ nghĩa xã hội : Đường đi nắng sớm mưa chiều. Số phận những người phụ nữ ra sao? Nhiều người cho rằng, sau hai cuộc chiến, mình còn được sống là may mắn lắm rồi. Còn hơn nhiều người khác.( Tổng cục chính trị cho biết, tính đến năm 2012, toàn quốc chỉ có 1.146.250 liệt sĩ. 600.000 thương binh.) Tuổi trẻ online có kể trường hợp bà Trần Thị M. Hiện nay bà chỉ có thể ở trên giường vì từ ba năm nay đôi chân không còn tự đứng lên được nữa. Nhưng bà vẫn say sưa kể những ngày hoạt động cách mạng, những ngày tù ngục đòn roi tra tấn, thương tích tới 75%( thương binh hạng 2/4). Năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà hy sinh khi bà 30 tuổi. Năm 1964, con trai út của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi được giao trách nhiệm làm giao liên cho các chú cán bộ họp; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu Uỷ, Khu V, hi sinh ở tuổi 16. Còn lại một mình, bà gá nghĩa với ông Thái Văn Thới năm 1974.. Sau đó bà được duyệt đơn xét làm Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Khi duyệt đơn,, bà bị lọt sổ vì không đủ « kiên trinh » nên đã lỡ đi thêm bước nữa. Kết luận, hồ sơ của bà bị xếp lại do đã ..tái giá. »

Cuối cùng cả miền Nam đều buồn
Mẹ tôi không nói ra, nhưng có vẻ héo hắt đi. Đôi mắt hõm sâu thêm vì những đêm không ngủ. Nụ cười úa tàn không còn oang oang như trước nữa. Bố tôi thì bề ngoài thấy như vẫn vậy. Thói quen của mẹ dấu diếm những điều cho riêng mình đã thành tật. Do đó, nó khoét sâu vào tâm khảm, đục khoét cơ thể lúc nào không hay. Người cứ nhẹ đi như bấc. Có những buổi trưa bất ngờ sang thăm mẹ. Mẹ ngồi ngủ gục, ẻo lả một bên. Tôi ngỡ ngàng kinh ngạc, xót xa. Con rể đi học tập, con trai lang thang, lếch thếch ngoài Vũng Tàu tìm đường đi. Con cả ở ngoài bắc vẫn biệt tăm, vẫn mù mịt, không biết sống hay chết. Đã mấy chục năm rồi sao chưa về. Nỗi đau quá khứ trộn thêm nỗi lo hiện tại. Các con tứ tán. Mẹ vẫn không một lời ca thán. Mà mẹ biết trách ai bây giờ.

Chẳng bao lâu sau, mẹ từ giã cõi đời vì gánh nặng cuộc đời không gánh nổi. Từ ngày Cách mạng vào đến giờ, tôi tự hỏi: đã có một ngày, đã có việc gì làm cho chúng tôi vui ? Chưa. Chỉ có những chuyện buồn, hết chuyện nọ đến chuyện kia. Thế giới chia cách từ chỗ đó.

Thứ tư mồng 9 tháng 7-1975, vẫn lại những phụ nữ có chồng đi học tập
Có một nhóm phụ nữ có chồng đi trình diện học tập cải tạo đã tụ tập trước dinh Độc Lập cũ. Họ đòi hỏi cho biết tin tức về chồng con của họ. Bộ đội đã đến giải tán. Có những tin đồn cho biết, có 4 xe nhà binh chở bọn họ bị giết trên đường đi. Chế độ càng bưng bít, tin đồn càng nhiều. Sự lo sợ càng lúc càng gia tăng. Người ta bắt đầu đặt ra nhiều dấu hỏi về số phận những người đi học tập này.

Sau này, vào năm 1979, Việt Trần đã nhắc lại điều ấy trong cuốn sách của ông: J’ai choisi l’exil. nxb Seuil, 1979.

Hai chị tôi cũng nằm trong số những người đàn bà bất hạnh trên. Anh rể tôi, một sĩ quan đại uý an ninh quân đội. Một thứ sĩ quan bàn giấy mà suốt đời chỉ là đại uý. Chưa hề bao giờ biết bắn súng. Vậy mà anh đi biền biệt ra Bắc hơn mười năm sau mới trở về. Chị lớn tôi, một nách 7 đứa con, hai đứa lớn nhất còn ngồi ghế đại học, đứa út chập chững vào trung học. Chị nhỏ cũng không thua, 6 đứa. Gia đình chị lớn trước đây sống bương chải nhờ có thêm hiệu hớt tóc ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Cuộc sống đạm bạc qua ngày, chắt chiu và hà tiện để nuôi các con ra người. Chị tôi cùng lắm là loại đàn bà đảm đang, khéo thu vén như nhiều người khác. Nhưng nay chồng đi học tập. Gánh nặng đè trên hai vai các chị. Bỗng chốc hai chị tôi trở thành những người đàn bà phi thường. Một chị buôn bán kem. Một chị xông xáo, hàng gì cũng buôn, buôn đủ thứ. Đã hai lần, hễ cứ buôn bán có tiền là ‘xuất cảng’ quẳng mấy đứa nhỏ ra biển. Hết lớp này đến lớp kia như lên cơn đồng. Hai lớp đã quẳng chúng ra biển đều thoát và không bị hãm hiếp. Nỗi lo, nỗi mừng cứ như sóng dồi. Các chị tôi như mê, như say điên cuồng không còn biết sợ là gì. Tôi sang trước, năn nỉ, lạy van các chị đừng cho các cháu đi nữa. Vẫn đi. Đi là đi. Đi xong tất cả chừng nấy đứa thì chị nào chị nấy như cái khăn ướt vắt khô nước, cạn kiệt. Chị nhỏ tuổi gục xuống như cây chuối bị phạng ngang lưng như mẹ tôi trước đây, chưa kịp đi đoàn tụ. Bên này, tôi tức tưởi khóc lén một mình. Chị lớn vừa sang ít lâu, gục theo không kèn, không trống. Gục xuống vì công việc đã hoàn tất. Mission accomplie.

In memoriam những dòng này cho hai chị tôi. Những người đàn bà bất hạnh trong một đất nước mà trời đất nổi cơn gió bụi, mà nước mắt như mưa sa, mà lòng người độc ác vô tận, mà hận oán như trời đất bao la.

Một trích dẫn cuối cùng. ’Hai mươi năm làm vợ lính thời chiến, 13 năm vợ tù cải tạo thời bình, là người con gái ở miền quê Bầu Trai. Tôi có làm gì đâu mà suốt đời chỉ sống với nước mắt’’ (Trích Người Bàu Trai. Tháng tư 2004.)

Qua những câu truyện kể trên, hễ mà một chính quyền hành dân, làm dân khổ thì ta sẽ xếp hàng về phía những người cùng thân phận hay đứng về phía kẻ có quyền lực. Sự chọn lựa hẳn đã là rõ.

Thứ hai 22 tháng 9-1975, một ngày không như mọi ngày
Đây cũng là một ngày đáng ghi nhớ. Ngay chiều chủ nhật, người ta đã chờ đợi một thông cáo quan trọng vào lúc 10 giờ tối. Có lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố. Bộ đội canh giữ khắp nơi. Thông cáo cuối cùng được dời đến 5 giờ sáng thứ hai.

Hóa ra có lệnh đổi tiền. Mỗi gia đình được đổi tối đa 100.000 đồng. Một đồng tiền mới tương đương 500 đồng tiền cũ. Và chỉ được lãnh trước 10 ngàn đồng. Số còn lại do nhà nước giữ lại. Để hiểu giá trị tiền mới thì 100.000 đồng tương đương với số tiền 600 đồng quan Pháp hay hơn 100 đô la Mỹ. Số tiền thật là nhỏ nhoi so với một gia đình.

Gọi là bần cùng hóa nhân dân. Chữ dùng cũng không xa lắm.

Việc đổi tiền này áp dụng ngay cả đối với các cơ sở thương mại, các hãng xưởng và các tòa đại sứ như Pháp. Toà đại sứ Pháp có số tiền là 50 triệu đồng cũng chỉ được đổi ra 500.000 đồng.

Tự nhiên, trong một ngày, cả nước trở thành trắng tay
Giá cả ngay từ ngày chủ nhật tăng đến chóng mặt. Giá một con gà nay là 15 ngàn. Một chiếc xe đạp đang từ 60 ngàn lên một triệu đồng. Một xe máy thành mười lăm triệu đồng. Việc đổi tiền trù liệu trong một ngày phải xong. Nó đã kéo dài đến thứ sáu.. Việc kéo dài này ra ngoài trù liệu của giới chức thẩm quyền, vì nạn thiếu tiền mới. Họ không thể ngờ rằng nhà nào cũng đổi một trăm ngàn đồng cho mỗi hộ. Những hộ nghèo không có tiền thì đã có hộ giầu dúi tiền cho để đổi dùm.

Việc đổi tiền này đã tạo ra một cú sốc, một sự oán hận không cách nào bào chữa được. Đây là đòn chí tử đánh vào giới tư bản, giới thương gia của chế độ cũ. Nhiều tin đồn nói có người này tự tử, người kia quyên sinh. Cũng có tin đồn là đám tàn quân trốn lánh tại núi Bà đen, Tây Ninh đã đánh cướp một xe bạc mới dùng để đổi tiền cho dân chúng. Người ta cũng nói tới một lá cờ nền xanh da trời, với ba gạch đỏ và một con rồng vẫn bay phất phới trên núi Bà đen. Chuyện chỉ nghe, chẳng biết đâu là thực hư. Chỉ là loại tin đồn.

Vợ tôi thường có thói quen cất dấu tiền chỗ này, chỗ kia. Chỉ sau khi đổi tiền tình cờ khám phá ra một gói tiền cũng khá lớn, chẳng nhớ là bao nhiêu ?

Không, nay nó không còn giá trị một đồng tiền nữa. Giá trị một mảnh giấy cũng không đáng nữa.

Tết đầu tiên, sau Ngày Giải Phóng. Thứ bảy 31-1-1976
Tết năm nay lặng lẽ khác thường. Thiếu hẳn cái nhộn nhịn, xôn xao, nôn nóng đón tết. Đúng ra là thiếu không khí tết. Mọi người như gượng gạo vui, gượng gạo cười. Tôi có nuôi một đàn gà vài chục con nay vừa biếu tết các anh, các chị hai bên, vừa để nhà dùng.

Xe cộ ngoài đường cũng thưa vắng. Nay thì phương tiện chính là xe dạp. Cũng không có nhiều tiếng pháo nổ.

Những con số làm phiền
Tôi nhắc lại đây như một điều chẳng nên nói như thế nữa. Những con số làm phiền, những con số quấy nhiễu, những con số ảo, những con số mà Tờ Sàigòn Giải Phóng, số 234, nghĩa là sau gần một năm ngày 30-4 cho tin đến ngạc nhiên, không phải miền Nam mà chính miền Bắc cứu trợ miền Nam :* Hà nội đã vắt ruột gửi vào Nam 1.600.000 triệu tấn vật liệu hàng hoá và lương thực như gạo, đường, xăng dầu, trang thiết bị và phân bón cũng như thuốc men. Thêm vảo đó 32 triệu mét vải đủ loại cũng được gửi vào Nam cho dân chúng may mặc. Trong khi đó, miền Bắc chỉ nhận được một con số nhỏ nhoi là 80.000 tấn sản phẩm của miền Nam*.

Thứ bảy 17 tháng tư 1976
Kết quả cuộc bầu cử sắp tới thì như ai nấy đều biết cả rồi. Nhưng người ta vẫn làm như thể không ai biết và báo chí, loa phóng thanh vẫn làm công việc cổ võ tuyên truyền cho việc đi bầu cho đông. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ trong một buổi họp vào ngày thứ ba đã trả lời một câu của một thính giả: Tại sao không có ứng cử viên đối lập. Trả lời: Quyền hành ở trong tay nhân dân, nhân dân là những thợ thuyền, người nông dân, nghĩa là nằm trong tay đa số. Vậy đối lập là đối lập với ai. Không lẽ nhân dân lại đối lập với chính mình. Nhân dân sẽ đi bầu và xác lập cái quyền làm chủ đất nước (ses droits de maitre du pays).

Trong khi đó, tòa đại sứ Nhật chính thức đóng cửa. Tòa Đại sứ Pháp thì kiên nhẫn hơn. Thư từ ngoại giao bị lục tung và bị kiểm soát. Phản đối cũng chẳng ăn thua gì.

Bộ đội thì được thưởng một ngày thứ ba đi coi chiếu bóng miễn phí. Kết quả là trên đường Trần Hưng Đạo có vụ nổ bom với 25 người chết và 80 người bị thương. Rạp Đại Nam gần đó cũng lãnh một vụ nổ Plastic.

Tờ SGP, số 262 hiển nhiên không đăng tải những tin về những vụ nổ này. Nhưng đã chạy bốn cột báo với nhan đề: ’’Dân chúng thành phố đã vui mừng tham gia vào việc giữ gìn an ninh bảo đảm an ninh nhân dịp cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới’’.

Kể từ ngày 30 tháng 4-1975, nay đã gần được một năm. Để kết thúc một năm sau ngày giải phóng, chính quyền quyết định một cuộc bầu cử trên toàn quốc. Danh sách 44 ứng cử viên của thành phố Sàigòn đã được niêm yết. Phần lớn là người trong đảng, điều đó là dĩ nhiên rồi. Có một vài người của MTGPMN, một vài trí thức tiêu biểu của thành phần thứ ba và để tỏ ra dân chủ, có thêm một ứng viên là thợ làm cho công ty CARIC của Tây.

Trong danh sách cử tri, người ta nhận thấy có điều gì không ổn. Ở Hà nội, có 43 vạn đàn ông đi bầu so với 44 vạn đàn bà. Chênh lệch là 10 ngàn người. Một tỉ lệ chênh lệch hiểu được vì số đàn ông đi lính, tử trận. Riêng tỉ lệ cử tri đi bầu ở Sàigòn có khoảng cách khá lớn giữa hai phái. Có một triệu cử chi phái nữ, nhưng lại chỉ có 75 vạn cử tri đàn ông. Có một khoảng cách tỉ lệ giữa hai phái khá xa làm nhiều người thắc mắc, đặt thành câu hỏi. Vậy con số 25 vạn đàn ông ít hơn này, họ đi đâu? Trong các trại cải tạo?

Hay là do không được phép đi bầu ? Điều đó vẫn không ai biết được một cách rõ ràng tại sao.

Chủ nhật, ngày 25-4-1976: ngày bầu cử, kết thúc một năm Sàigòn sau 30-4-1975
Hôm nay là ngày lịch sử. Toàn quốc đã đi bầu. Ngoài đường cấm xe cộ lưu thông. Đường phố vắng vẻ, chỉ trừ các xe phóng thanh đi tuyên truyền. Những người đi xe đạp hoặc xe gắn máy thì có các người gác các nút chặn yêu cầu xuống xe dắt bộ.

Trên đường phố, chỉ còn những đoàn người, phần lớn là phụ nữ thanh niên, thiếu nữ, do các tổ dân phố hay phường khóm hướng dẫn đến các địa điểm bỏ phiếu. Mọi sinh hoạt đình chỉ. Ngay cả những ngưởi buôn bán lẻ dọc đường phố cũng phải tạm nghĩ, tạm lánh mặt.. Không khí vui vẻ và tấp nập.

Có nhiều nơi, như trong Chợ Lớn, 10 giờ toàn thể dân chúng trong các khu phố đã làm xong nhiệm vụ đi bầu.

Sau một năm, thàn phố Sàigòn đã đổi diện mạo. Sàigòn không còn là Sàigòn năm trước nữa.

Đối với người dân thành phố, vấn đề không phải là bầu ai, vì đó là nhiệm vụ của chính quyền. Đối với họ, điều quan trọng là tấm giấy chứng nhận đã đi bầu. Vậy là đủ.

Nếu có điều gì đáng nói trong chuyện bầu cử này như một câu chuyện bên lề. Đó là chuyện “Big Minh” đi bầu. Ông này vừa được chuyển về từ miền Bắc về lại miền Nam cách đây hai tháng. Big Minh đã đi bỏ phiếu tại trường Tây cũ Saint Exupéry trước mặt một số phóng viên ngoại quốc như báo L’humanité của Pháp và L’Unita của Ý.

Xin lưu ý mọi người là các đường Tú Xương, bà Huyện Thanh Quan, nhất là Trương Định là nơi trú ngụ của các nhân vật cao cấp đảng Cộng Sản bây giờ. Mỗi khi vào Sàigòn là họ ở đấy. Nó cũng giống như ở Hà nội, dọc đường Hoàng Diệu đều là dinh thự của các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước. Tôi đã đến thăm nhà bà quả phụ Vũ Đình Liệu ở số 28 đường Trương Định và lúc ra về, bà đã chỉ cho biết bên kia đường, xế phía tay phải là nhà ông Phó Thủ Tướng Dũng, một nhân vật có nhiều dấu hiệu sẽ dành được chức vụ Thủ Tướng trong kỳ sắp tới đây.

Thứ tư ngày 28- 4-1976
Báo chí cho hay chỉ có khoảng 95% dân chúng miền Nam đi bầu, so với 99,82% cử tri miền Bắc đi bầu. Nhưng riêng các tỉnh Minh Hải, bao gồm Cà Mâu và Bạc Liêu, số người đi bầu là 100%. Một tỉ lệ tuyệt đối không đâu sánh bằng.

Ở Sàigòn, có 9 người không đắc cử, trong đó có 6 phụ nữ. Trong số 35 người đắc cử, có 8 phụ nữ, hai nhà sư, một linh mục Thiên Chúa giáo và 6 người thuộc Mặt trận Giải Phóng miền Nam. Mặc đầu kết quả được sắp đặt, người ta vẫn thấy sự sắp xếp có phần lộ liễu. Có thể nào có một sắp đặt ít lộ liễu hơn được không ? Chúng ta muốn lộ liễu hóa một điều mà tự nó đã lộ liễu rồi ? Con số nhiều nơi 100 phần trăm đi bầu, bất kể những trường hợp ốm đau, sinh đẻ hoặc có những lý do bất khả kháng.

Tưởng những con số trên là phi thực lắm rôì, vậy mà gần một phần tư thế kỷ sau, 3 tháng trước ngày bầu cử 14-11-1999, thủ tướng Phan Văn Khải đã tuyên bố: ’’Phải tổ chức bầu cử thật dân chủ’’ ( SGGP ngày 24-8-1999). Dân chủ thật. Số cử tri đi bầu HDNDTP HCM đạt tỉ lể 99, 84%, bầu đủ số 85 đại biểu.

Nhân tiện đây cũng nhắc đến nhà văn Tô Hoài, Ông là nhà văn đi công tác nước ngoài nhiều lần nhất ở ngoài Bắc trước 75.. Ông kể truyện, mỗi lần đi công tác nước ngoài là phải đi mượn quần áo của Bộ tài chánh: ’’…giày không có dây, cả thành phố không đâu bán dây giày và hộp kem. Tôi lại phải đi xin dây giày và mượn cái cà vạt của Nguyễn Văn Bổng’’. Nói về người bạn cũ di cư vào Nam, ông viết với giọng khinh miệt như sau: ’’.. còn cái thằng Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, làm báo Tự Do ở Sàigòn.. Tôi được biết nó ở lại Sàigòn. Có lẽ cũng không ai buồn xách cái tã ấy đi di tản’’. Và viết về bầu cử, ông đã trơ chẽn tả lại một cách tự nhiên như sau: ’’ Chỗ nào cũng tíu tít.. có người đi bầu hộ cả nhà..Khi mọi người đã ra về, chúng tôi bóc miếng giấy dán niêm phong, đổ cả thùng phiếu ra mặt bàn. Hai chúng tôi mở từng cái phiếu rồi lại bỏ vào thùng. Cả phiếu không gạch tên- phiếu trắng cũng bỏ lại vào. Chỉ để riêng ra cái phiếu nào viết vẽ nhảm nhí hay viết phản động. Những phiếu này gói lại, tự tay trưởng ban đem nộp lên khu. Trong những năm nay tôi làm việc, mấy lần bỏ phiếu thành phố hay toàn quốc đều làm như thế theo kế hoạch mật của khu’’. Đặc biệt nhà văn này, chúng tôi giới thiệu tài liệu trích dẫn ở trong cuốn hồi ký Chiều Chiều, của ông do nxb Hội Nhà Văn, dày 562 trang. Hình như ông vào ngụ ở Đàlạt thì phải.

Đó là sản phẩm của những đầu óc chính trị quá mẫn. Người ta vẫn chưa tìm được một sự dung hòa giữa ảo và thực, giữa sự nghiêm chỉnh và sự đùa nghịch. Sự nghiêm chỉnh ( esprit du sérieux mà theo Voltaire cái nghiêm chỉnh thì thiếu cái duyên dáng, đối lại với esprit du ridicule) mà dấn đến mức quá độ, tuyệt đối, nó không chừa cho bất cứ kẽ hở nào của thực tế thì nó biến thành sự khôi hài, kệch cỡm. Tỉ lệ đi bầu 99,82%, đắc cử ở mức độ tín nhiệm tuyệt đối 99.76% là một chuyện quá nghiêm chỉnh trở thành chuyện khôi hài.

Phải có một đầu óc lãng mạn chính trị ghê lắm mới đưa ra được kết quả trên.

Ở Sàigòn, bà Bình dẫn đầu với 97% phiếu bầu. Đáng nhẽ cần minh định rõ hơn tý nữa. Bà Bình đã được tín nhiệm với 97% phiếu trên tổng số 95% số cử tri đi bầu. Nguyễn Hữu Thọ 95% và Võ văn Kiệt 94%, Huỳnh tấn Phát 92%. Một vài ghi nhận là ông Phạm Hùng, nhân vật số 1 ở miền Nam chỉ đạt tỉ lệ đắc cử là 92% ở quận 3. Ngôi sao Phạm hùng đang đi xuống. Bà Dương quỳnh Hoa, bộ trưởng y tế, không phải đi xuống mà có vẻ bị thất sủng chỉ đạt được 81% phiếu bầu ở quận hai. Tỉ lệ 81% là quá thấp như một rẻ rúng.

Vì vậy, có thể xem kết quả bầu phiếu để biết được số phận tương lai chính trị của các nhân vật lãnh đạo nhà nước.

Ít ra thì một cuộc bầu cử về mặt này cũng tỏ ra có ích lợi, nhờ đó người dân biết được ai còn, ai mất.

Có vẻ như bộ máy bầu cử ở trong Nam có điều chi trục trặc. Nó không tuân thủ một tình tự sắp xếp tính toán từ trước.

Ngoài Bắc, riêng ở Hànội, nghiêm chỉnh hơn nên khôi hài hơn. Số người đi bầu là 99,82. Trong khi đó, nhân vật số 1 miền Bắc ông Lê Duẩn, Tổng bí thư dẫn đầu với 99%76, Thủ tướng Phạm văn Đồng 99%73, Trường Chinh 99%60. Tất cả 6 nhân vật cao cấp của chính phủ đều đạt tỉ lệ 99,35% số phiếu bầu. Nhưng theo kết quả công bố, ngay cả những ứng viên không được bầu, nghĩa là rớt không trúng cử, cũng đạt được tỉ lệ 50% số phiếu. Làm sao có thể người trúng cử đạt tỉ lện hơn 90% số phiếu đi bầu và người rớt cũng đạt được 50% số phiếu bầu?

Ở một mặt khác, người ta để ý thấy tỉ lệ số phiếu của bà Bình phải thấp hơn so với tất cả các vị lãnh đạo miền Bắc. Tỉ lệ của Bí thư phải cao hơn Thủ Tướng và cứ thế, cứ thế, sự cao hơn đến độ vô nghĩa cũng cần phải được tôn trọng.

Tin tức báo chí về kết quả bầu cử nghiêm chỉnh, đứng đắn như thế nên ông Hồ Ngọc Nhuận đã có nhận xét như sau về hai nền báo chí Sàigòn trước và sau giải phóng. Ông nhận xét khá chính xác khi nói: Báo chí ngày nay ít dành chỗ cho biếm họa. Mà nếu có cũng ít khi thấy *đã*. Có lẽ là vì báo chí bây giờ* ngay ngắn, đứng đắn* hơn chăng. Người ta nhớ thuở nào làng báo Sàgòn có những họa sĩ ‘’Ớt’’, tức Huỳnh Bá Thành cùng với các họa sĩ Chóe, Diệp Đình vv.. Sau 30 tháng tư, họa sĩ Ớt mới lộ diện là một cán bộ chỉ huy điệp vụ cách mạng. Ông Hoàng Ngọc Nhuận cho biết tiếp như sau về câu chuyện hoạ sĩ Ớt: ’’ Chiều 28-4-75, sau vụ ném bom của Nguyễn Thành Trung, chúng tôi thấy nhóm ông Minh bị cô lập, tôi liền thực hiện ý định. Tôi gặp anh Hồ Ngọc Nhuận và tự xưng là điệp báo của Mặt trận, truyền đạt lời yêu cầu của cách mạng đến ông Minh, rằng ông nên giao chính quyền lại cho cách mạng’’.

Thứ sáu 30 tháng tư- 1976, kỷ niệm một năm sau ngày Sàigòn giải phóng
Sáng nay, tờ Sàigòn Giải Phóng đã chạy một tít lớn như sau : “Cũng ngày nay năm, quân đội chúng ta gồm năm binh đoàn đã tiến vào Sàigòn, trong khi hằng triệu người đã nhất tề đứng lên hưởng ứng cuộc cách mạng thành công”.

Ngày kỷ niệm diễn ra một cách êm ả. Không có mít tinh mà cũng không có biểu tình. Trên trời, có hai nhóm máy bay, mỗi nhóm ba chiếc máy bay chiến đấu, có thể là máy bay phản lực A37 của quân lực VNCH cũ bay lượn nhiều lần và bay sà trên thành phố. Chỉ có điều con số 5 binh đoàn, nay đổi ra là 15 binh đoàn. Đối với người dân, chẳng ai thắc mắc cái chuyện 5 hay 15 binh đoàn. Đó là công việc của nhà nước.

Văn phòng báo chí AFP sẽ đóng cửa vào ngày mồng 8 tháng năm sắp tới loan tin cò có 30 vạn người còn bị giam giữ trong các trại học tập. Bản tin này đã bị nhà cầm quyền kiểm duyệt từng chữ một. Dầu vậy, cũng đánh động được Amnesty International, hội Ân xá quốc tế và các cơ quan bảo vệ nhân quyền trên thế giới để can thiệp.

Bao giờ thành phố Saigòn được đổi tên là Tp Hồ Chí Minh
Saigon xưa nay thay đổi nhiều. Thay đổi đến có thể nói Sai gon không phải là Saigon nữa. Thay đổi mọi mặt, thay đổi mọi thứ. Nhất là con người. Trong số gần 10 triệu người Saìgon hiện nay, còn bao nhiêu người Saigon cũ? Tất cả nuối tiếc, nhìn về dĩ vãng có thể chỉ còn là « vang bóng một thời ».

Kinh nghiệm của tôi trước đây khi về thăm lại miền Bắc, nơi tôi sinh ra. Tôi đã hoàn toàn thất vọng. Khi về, tôi đành viết một bài : « La vie ailleurs « . Cuộc sống như thể ở một nơi khác.Tôi phải đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện đổi tên này là bởi vì hầu như không mấy người Việt trong nước cũng như hải ngoại hiện nay được biết rành rẽ về sự kiện quan trọng này. Tôi xin đi lại tiến trình hành chính hóa, chính trị hóa tên Saigon trở thành tên Hồ Chí Minh như đoạn tuyệt với quá khứ 20 năm miền Nam bằng tài liệu và bằng nhân chứng tại chỗ.

Thành phố Hồ Chí Minh là tên với vóc dáng chính trị áp đặt. Còn Saigon là tên gọi của người Saigon quen thuộc, của tình tự bao đời nay rồi, tên gọi của những tấm lòng và con tim của dân miền Nam và chỉ của dân miền Nam thôi- không có dân nào khác- của tình nghĩa Giáo khoa thư mà sự đổi tên nào cũng trở thành vô nghĩa. Saigon vẫn là Saigon « Saigon đẹp lắm,. Saigon ơi. » Amen.

Chủ nhật, ngày 25-4-1976: ngày bầu cử, kết thúc một năm Sàigòn sau 30-4-1975
Những người giữ trật tự an ninh, đeo băng đỏ, ngồi trên xe phóng lướt nhanh, dáng vẻ khẩn trương của một màn kịch sắp đến hồi kết thúc.Trật tự đạt mức độ an toàn tuyệt đối và hầu như không có một sự cố nào xảy ra, dù nhỏ thôi. Không có phá hoại, không có mất trật tự, tranh dành. Nếp sống văn minh ở tầm cao mà người dân ý thức được?

Sau một năm, thành phố Sàigòn đã đổi diện mạo. Sàigòn không còn là Sàigòn năm trước nữa.

Đối với người dân thành phố, vấn đề không phải là bầu ai, vì đó là nhiệm vụ của chính quyền. Đối với họ, điều quan trọng là tấm giấy chứng nhận đã đi bầu. Vậy là đủ.

Nếu có điều gì đáng nói trong chuyện bầu cử này như một câu chuyện bên lề. Đó là chuyện “Big Minh” đi bầu. Ông này vừa được chuyển về từ miền Bắc về lại miền Nam cách đây hai tháng. Big Minh đã đi bỏ phiếu tại trường Tây cũ Saint Exupéry trước mặt một số phóng viên ngoại quốc như báo L’humanité của Pháp và L’Unita của Ý.

Xin lưu ý mọi người là các đường Tú Xương, bà Huyện Thanh Quan, nhất là Trương Định là nơi trú ngụ của các nhân vật cao cấp nhất của đảng Cộng Sản bây giờ. Ông nào cũng có hai dinh thứ. Dịnh thự ở Hà Nội để làm việc. Dinh thự ở Saigon để nghỉ ngơi. Mỗi khi vào Sàigòn là họ ở đấy. Nó cũng giống như ở Hà nội, dọc đường Hoàng Diệu đều là dinh thự của các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước.

Tôi đã đến thăm nhà bà quả phụ phó thủ tướng Vũ Đình Liệu ở số 28 đường Trương Định để thắp cho ông một nén hương. Và lúc ra về, bà đã chỉ cho biết bên kia đường, xế phía tay phải là nhà ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật có nhiều dấu hiệu sẽ dành được chức vụ Thủ Tướng trong kỳ sắp tới đây.

Thứ tư ngày 28- 4-1976. Kết quả bầu cử
Kiểm phiếu cẩn thận lắm. Mãi đến thứ tư mới có kết quả chính thức. Báo chí cho hay chỉ có khoảng 95% dân chúng miền Nam đi bầu, so với 99,82% cử tri miền Bắc đi bầu. Nhưng riêng các tỉnh Minh Hải, bao gồm Cà Mâu và Bạc Liêu, số người đi bầu là 100%. Một tỉ lệ tuyệt đối không đâu sánh bằng.

Ở Sàigòn, có 9 người không đắc cử, trong đó có 6 phụ nữ. Trong số 35 người đắc cử, có 8 phụ nữ, hai nhà sư, một linh mục Thiên Chúa giáo và 6 người thuộc Mặt trận Giải Phóng miền Nam. Mặc đầu kết quả được sắp đặt, người ta vẫn thấy sự sắp xếp có phần lộ liễu. Kết quả thật sít sao, người nọ theo sát nút người kia chứng tỏ trình độ dân trí cao.

Có thể nào có một sắp đặt ít lộ liễu hơn được không ? Chúng ta muốn lộ liễu hóa một điều mà tự nó đã lộ liễu rồi ? Con số nhiều nơi 100 phần trăm đi bầu, bất kể những trường hợp ốm đau, sinh đẻ hoặc có những lý do bất khả kháng.

Tưởng những con số trên là phi thực lắm rôì, vậy mà gần một phần tư thế kỷ sau, 3 tháng trước ngày bầu cử 14-11-1999, thủ tướng Phan Văn Khải đã tuyên bố: ’’ Phải tổ chức bầu cử thật dân chủ’’ ( SGGP ngày 24-8-1999).

Dân chủ thật. Số cử tri đi bầu HDNDTP HCM đạt tỉ lể 99, 84%, bầu đủ số 85 đại biểu. Nhân tiện đây cũng nhắc đến nhà văn Tô Hoài, Ông là nhà văn đi công tác nước ngoài nhiều lần nhất ở ngoài Bắc trước 75.. Ông kể truyện, mỗi lần đi công tác nước ngoài là phải đi mượn quần áo của Bộ tài chánh: ’’…giày không có dây, cả thành phố không đâu bán dây giày và hộp kem. Tôi lại phải đi xin dây giày và mượn cái cà vạt của Nguyễn Văn Bổng’’. Nói về người bạn cũ di cư vào Nam, ông viết với giọng khinh miệt như sau: ’’.. còn cái thằng Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, làm báo Tự Do ở Sàigòn.. Tôi được biết nó ở lại Sàigòn. Có lẽ cũng không ai buồn xách cái tã ấy đi di tản’’. Và viết về bầu cử, ông đã trơ chẽn tả lại một cách tự nhiên như sau: ’’ Chỗ nào cũng tíu tít.. có người đi bầu hộ cả nhà..Khi mọi người đã ra về, chúng tôi bóc miếng giấy dán niêm phong, đổ cả thùng phiếu ra mặt bàn. Hai chúng tôi mở từng cái phiếu rồi lại bỏ vào thùng. Cả phiếu không gạch tên- phiếu trắng cũng bỏ lại vào. Chỉ để riêng ra cái phiếu nào viết vẽ nhảm nhí hay viết phản động. Những phiếu này gói lại, tự tay trưởng ban đem nộp lên khu. Trong những năm nay tôi làm việc, mấy lần bỏ phiếu thành phố hay toàn quốc đều làm như thế theo kế hoạch mật của khu’’. Đặc biệt nhà văn này, chúng tôi giới thiệu tài liệu trích dẫn ở trong cuốn hồi ký Chiều Chiều , của ông do nxb Hội Nhà Văn, dày 562 trang. Hình như ông vào ngụ ở Đàlạt thì phải.

Đó là sản phẩm của những đầu óc chính trị quá mẫn. Người ta vẫn chưa tìm được một sự dung hòa giữa ảo và thực, giữa sự nghiêm chỉnh và sự đùa nghịch. Sự nghiêm chỉnh ( esprit du sérieux mà theo Voltaire cái nghiêm chỉnh thì thiếu cái duyên dáng, đối lại với esprit du ridicule) mà dấn đến mức quá độ, tuyệt đối, nó không chừa cho bất cứ kẽ hở nào của thực tế thì nó biến thành sự khôi hài, kệch cỡm. Tỉ lệ đi bầu 99,82%, đắc cử ở mức độ tín nhiệm tuyệt đối 99.76% là một chuyện quá nghiêm chỉnh trở thành chuyện khôi hài.

Phải có một đầu óc lãng mạn chính trị ghê lắm mới đưa ra được kết quả trên.

Kết quả bầu cử ở Sàigon
Ở Sàigòn, bà Bình dẫn đầu với 97% phiếu bầu. Đáng nhẽ cần minh định rõ hơn tý nữa. Bà Bình đã được tín nhiệm với 97% phiếu trên tổng số 95% số cử tri đi bầu. Nguyễn Hữu Thọ 95% và Võ văn Kiệt 94%, Huỳnh tấn Phát 92%. Một vài ghi nhận là ông Phạm Hùng, nhân vật số 1 ở miền Nam chỉ đạt tỉ lệ đắc cử là 92% ở quận 3. Ngôi sao Phạm hùng đang đi xuống? Bà Dương Quỳnh Hoa, bộ trưởng y tế, không phải đi xuống mà có vẻ bị thất sủng chỉ đạt được 81% phiếu bầu ở quận hai. Tỉ lệ 81% là quá thấp như một rẻ rúng.

Vì vậy, có thể xem kết quả bầu phiếu để biết được số phận tương lai chính trị của các nhân vật lãnh đạo nhà nước.

Ít ra thì một cuộc bầu cử về mặt này cũng tỏ ra có ích lợi, nhờ đó người dân biết được ai còn, ai mất.

Có vẻ như bộ máy bầu cử ở trong Nam có điều chi trục trặc. Nó không tuân thủ một tình tự sắp xếp tính toán từ trước.

Kết quả bầu cử ở ngoài Bắc
Ngoài Bắc, riêng ở Hànội, nghiêm chỉnh hơn nên khôi hài hơn. Càng nghiêm chỉnh càng lố bịch. Số người đi bầu là 99,82. Trong khi đó, nhân vật số 1 miền Bắc ông Lê Duẩn, Tổng bí thư dẫn đầu với 99%76, Thủ tướng Phạm văn Đồng 99%73, Trường Chinh 99%60. Tất cả 6 nhân vật cao cấp của chính phủ đều đạt tỉ lệ 99,35% số phiếu bầu. Nhưng theo kết quả công bố, ngay cả những ứng viên không được bầu, nghĩa là rớt không trúng cử, cũng đạt được tỉ lệ 50% số phiếu. Làm sao có thể người trúng cử đạt tỉ lện hơn 90% số phiếu đi bầu và người rớt cũng đạt được 50% số phiếu bầu?

Ở một mặt khác, người ta để ý thấy tỉ lệ số phiếu của bà Bình phải thấp hơn so với tất cả các vị lãnh đạo miền Bắc. Tỉ lệ của Bí thư phải cao hơn Thủ Tướng và cứ thế, cứ thế, sự cao hơn đến độ vô nghĩa cũng cần phải được tôn trọng.

Tin tức báo chí về kết quả bầu cử nghiêm chỉnh, đứng đắn như thế nên ông Hồ Ngọc Nhuận đã có nhận xét như sau về hai nền báo chí Sàigòn trước và sau giải phóng. Ông nhận xét khá chính xác khi nói: Báo chí ngày nay ít dành chỗ cho biếm họa. Mà nếu có cũng ít khi thấy *đã*. Có lẽ là vì báo chí bây giờ* ngay ngắn, đứng đắn* hơn chăng. Người ta nhớ thuở nào làng báo Sàgòn có những họa sĩ ‘’Ớt’’, tức Huỳnh Bá Thành cùng với các họa sĩ Chóe, Diệp Đình vv.. Sau 30 tháng tư, họa sĩ Ớt mới lộ diện là một cán bộ chỉ huy điệp vụ cách mạng. Ông Hoàng Ngọc Nhuận cho biết tiếp như sau về câu chuyện hoạ sĩ Ớt: ’’ Chiều 28-4-75, sau vụ ném bom của Nguyễn Thành Trung, chúng tôi thấy nhóm ông Minh bị cô lập, tôi liền thực hiện ý định. Tôi gặp anh Hồ Ngọc Nhuận và tự xưng là điệp báo của Mặt trận, truyền đạt lời yêu cầu của cách mạng đến ông Minh, rằng ông nên giao chính quyền lại cho cách mạng’’

Tiến trình đổi tên thành phố Saigòn
Quốc Hội Việt Nam khóa VI ( 1976-1981). Quốc Hội đàu tiên của nước VN thống nhất được bầu vào ngày 25-4 năm 1976 với 492 đại biểu trúng cử. Cuộc bầu cử Quốc Hội khóa VI cũng chính là cuộc Tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam theo các điều khoản trong Hiệp Định Paris 1973

Kỳ họp thứ I diễn ra từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1976.

Tại kỳ họp này vào ngày 2 tháng năm 1976, Quốc Hội đã đưa ra Nghị quyết của kỳ họp thứ nhất Quốc Hội khóa VI trong đó :

• Quyết định đổi tên nước thành Cộng Hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam

• Thủ dô là Hà Nội

• Quyết định quốc kỳ, quốc huy, quốc ca.

• Đổi tên Saigòn và Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh.

(Trích Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước. Quốc Hội khoa VI. Kỳ 3. Kỳ họp đầu tiên Quốc Hội khóa VI với những quyết định quan trọng hoàn thành công cuộc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Cục văn thư và lưu trữ nhà nước. Lịch sử Quốc Hội, tập 3) Cho đến nay, những gì họ tuyên truyền để phá huỷ, chuỳ dập, phỉ báng, bôi nhọ, kết ánvv thì sau thời kỳ đổi mới kể từ 1986.

Họ làm cuộc cách mạng trở về với cái cũ, cái mà họ từng phỉ nhổ, lăng nhục.

Tất cả các cuộc bầu cử Quốc Hội, đổi tên nước, quyết định quốc kỳ, quốc huy và quốc ca, đổi tên thành phố Saigon chỉ là muốn sóa sạch vết tích cũ, hợp pháp hóa, chính trị hóa một tình trạng ăn cướp công khai. Nhưng như lời thơ của Nguyễn Chí Thiện : Sẽ có một ngày… vất cờ, vất Đảng..

Thay cho lời kết
Nói cho rốt ráo và nếu tin được vào những phát biểu của nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn tiểu phẩm Bên Thắng Cuộc, trong những điều tiết lộ mới đây nhất cho thấy :

Cuộc chiến tranh của Lê Duẩn ở miền Nam cũng không có gì bí mật với Bắc Kinh cả.. Bắc Kinh đã huỵch tẹt ra rằng, từ tháng 6-1965 đến tháng 8-1973, họ đưa sang Việt Nam tổng cộng 320.000 « quân tình nguyện » bao gồm lính phòng không, thợ máy, thông tin, công binh… Quân số lúc đạt mức cao nhất lên tới 170.000 người. Có khoảng 4000 ngàn người Trung Quốc chết trong thời gian đó.

Nhiều tài liệu chính thức cho thấy, trước năm 1975, «phóng viên Tân Hoa Xã» đã vào tận Cử Chi và có mặt tại nhiều chiến trường Nam Trung Bộ. Đến cả một kế hoạch tối mật của Lê Duẩn như cuộc đảo chánh của Đại tá Phạm Ngọc Thảo cũng được Bắc Kinh hậu thuẫn từ năm 1964 bằng cách in một lượng tiền lớn, gọi là «hàng 65» chuyển vào Trung Ương Cục{ Số tiền này được dùng để đổi ở miền Nam trong Chiến dịch X2, 10-9-1975} Khi Lê Duẩn chuẩn bị đánh Mậu Thân, dù rất bí mật với tướng Giáp, Trung Quốc cũng đã in một lượng tiền khác chuyển vào Nam, gọi là « hàng 67».

Chưa kể dầy dép, súng ống, mũ cối, chỉ riêng tiền mặt bằng Dollar, Bắc Kinh cung cấp dư dả tới mức, sau ngày 30-4-1975, trong két các mặt trận còn dư tổng cộng 105 triệu USD tiền mặt. Tiền mặt do Trung Quốc viện trợ trực tiếp, mà Hà Nội sang nhận từng va-li, từ năm 1964-1975 lên tới 626.042.653 U.S.D.

Bên Thắng cuộc chịu ơn « sự giúp đỡ » này và nhiều thế hệ được dạy, nhờ sự giúp đỡ trên « tinh thần quốc tế vô sản » ấy mà có Điện Biên Phủ, « Miền Nam giải phóng ».( Tài liệu được chuyển gián tiếp cho tác giả)

Nếu đúng như thế thì phải gọi tên cuộc chiến 30-4-1975 bằng tên gì?

Nguyễn Văn Lục
30-4-1975 – 30-4-2020

Chú thích của người viết:
Viết để kỷ niệm 45 năm ngày 30/4. Bài viết này mà tính chất là ký như một truyện kể . Để đạt được tính sinh động, nhẹ nhàng và bớt nặng nề của một bài khảo luận. Người viết xin không làm foot note dưới mỗi dẫn chứng và xin chỉ liệt kê một số sách, số tài liệu chính mà người viết đã xử dụng trong bài viết này. Nhiều chỗ, nhiều đọan đã lấy nguyên văn để cho có được độ chính xác và nghiêm túc.

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức, bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time


 

 

MỚI NHẤT

183FansLike
0FollowersFollow
20SubscribersSubscribe

X