Dân tộc VN vốn có truyền thống gắn bó với quê cha đất tổ. Hiểm họa Cộng Sản đã gây kinh hoàng khiến hơn một triệu người dân Việt đã phải từ bỏ đất Bắc di cư vào Nam năm 1954. CSVN tiếp tục vi phạm hiệp định Paris; và với sự viện trợ tối đa của Cộng sản Quốc Tế: Nga, Tàu, chúng đã cưỡng chiếm miền Nam VN. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đánh dấu một bước ngoặc lịch sử đau thương cho dân tộc VN: Sài Gòn thất thủ, giấc mơ hòa bình sụp đỗ, hàng triệu người Việt đã hốt hoảng tìm đủ mọi cách di tản, bằng không vận hay hải vận để trốn chạy Cộng Sản.
Cuộc ra đi này đã mở đầu cho một cuộc di cư vĩ đại và bi thương nhất trong trong lịch sử VN.
Sau khi tiến chiếm miền Nam VN, CS đã cai trị đất nước bằng một thể chế man rợ với những chính sách “học tập cải tạo”, “đánh tư sản mại bản” thực chất là để trả thù, cướp của. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt dưới chế độ độc tài đã, một lần nữa, thúc đẩy người Việt liểu chết ra đi. Lần này họ ra đi trên những con tàu mong manh như mạng sống của họ. Một số khác phải gian khổ băng rừng lội suối tìm tự do. Người Việt tỵ nạn CS chấp nhận lao vào cái chết để tìm sự sống. Theo ước lượng, ngoài những thảm cảnh cướp bóc, hãm hiếp và bắt cóc bởi hải tặc, 500 ngàn người đã bỏ thây nơi biển cả, rừng sâu. Tự do hay là chết. Đó là thông điệp bi thương của người dân Việt Nam làm rung động lương tâm nhân loại.
Thế giới đã không ngoảnh mặt làm ngơ. Dưới sự điều động của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, các quốc gia tự do đã lần lượt gia tăng sự cứu trợ, tiếp nhận thuyền nhân. Lúc bấy giờ Canada là một trong những vùng đất hứa mà nhiều người ao ước. Tuy là một đất nước không có truyền thống đón nhận làn sóng người tỵ nạn, nhưng trước thảm trạng thuyền nhân VN, điển hình là biến cố tàu Hải Hồng với 2654 người sống sót sau cơn bão, bị từ chối không cho vào cảng Mã Lai, chính phủ và người dân Canadien đã tiên phong chấp nhận cứu trợ 600 người. Nghĩa cử này đã thúc đẩy các quốc gia Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Sĩ và Úc theo gương của Canada.
Theo thống kê, vào đầu thập niên 80 tổng số người Việt tỵ nạn tại Canada đã gia tăng nhanh chóng, lên đến hơn 100 ngàn người. Lòng nhân đạo của công dân Gia Nã Đại đã tạo ra trang lịch sử cho quốc gia này do số người tỵ nạn nhập cư kỷ lục trong một thời gian kỷ lục. Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đã trao huân chương Nansen cho Canada để vinh danh những nỗ lực của toàn dân Canadien cho người tỵ nạn Đông Nam Á.
45 năm sau cơn hồng thủy, từ những khó khăn hội nhập ban đầu, người Việt tỵ nạn với bản tính chăm chỉ cần cù đã tạo dựng cho mình và con em một tương lai tươi sáng. Người Việt lưu vong đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế tại Canada.
Để tri ân đệ tam quốc gia đã cưu mang những thuyền nhân, để tưởng niệm những nạn nhân đã nằm xuống vì lý tưởng tự do và để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, người Việt hải ngoại đã xây dựng các tượng đài tưởng niệm tại nhiều nơi trên thế giới tự do. Chúng tôi mong ước Montréal cũng sẽ là nơi lưu trữ chứng tích lịch sử dân tộc này. Xin cảm ơn quý vị đã theo dõi và xin hãy hưởng ứng công trình xây dựng đài tưởng niệm của Việt Heritage Renaissance.