Chị Tôi

Tiếng điện thoại viễn liên reo vang vào lúc 10 giờ đêm. Tôi nhấc phone. Giọng nói bên kia đầu dây có vẻ ngập ngừng:

– Allo!.. Allo!… Cho tôi… cho cháu… nói chuyện với cậu Vinh.

Tôi vẫn có “biệt tài” nhớ giọng nói của bạn bè hay người thân qua điện thoại nhưng lần nầy thì chịu thua. Giọng nói của người nầy còn trẻ lắm và có đến 90% là giọng miền Nha Trang hay Phan Rang. Ai cà? Mình có quen người trẻ nào dân Nhatrang ở bên Mỹ không cà? Tôi nhìn lại cái screen của điện thoại. Area code 714. Cali? Cali thì có Quang, Thưởng, Sơn… nhưng toàn là những người trạc tuổi của mình. Hay là con của mấy người nầy? Tôi chấm dứt suy nghĩ bằng câu trả lời ngắn:

– Tôi là Vinh đây. Em là ai?

– Cậu Vinh đó phải không?

– Thì tôi là Vinh đây. Em là ai?

– Con là Nam, con của chị Hai của cậu đó, cậu ơi!

Tôi nghe tim mình đập mạnh. Hơn mấy chục năm rồi tôi chưa bao giờ nói chuyện hay gặp lại chị Hai của tôi cũng như mấy đứa cháu gọi mình là cậu. Tôi nghẹn ngào:

– Nam hả con? Cậu đây. Con đang ở đâu mà gọi cậu vậy? Sao con có số phone của cậu?

Bên kia đầu dây, giọng Nam đã trở nên nghẹn ngào:

– Con đang ở Cali cậu ơi. Má con và tụi con nhớ cậu lắm…

Im lặng bao trùm căn phòng ngủ của vợ chồng tôi. Vợ tôi nhìn tôi, ái ngại, tay chụp lấy cái remote control, tắt TV và bước ra khỏi phòng. Hơn mấy mươi năm lưu lạc xứ người, cộng thêm bốn năm sau 75, ở ngay trong nước nhưng người ở Sài Gòn, kẻ ở Nhatrang mà không dám thăm nhau vì sợ liên lụy về phần lý lịch. Tất cả bao nhiêu năm ròng rã, không gặp gỡ, không thăm hỏi. Trời ơi, chị tôi, chị Hai của tôi, người chị cả hơn tôi 10 tuổi, vẫn thường bồng bế tôi khi xưa! Tôi làm sao quên được cái thời niên thiếu khổ đau của gia đình trong vùng Pháp bỏ cho Việt Minh. Ðó là những năm đầu của thập niên 50. Ba tôi vừa bình phục, bắt đầu đi đứng chập chững được sau 10 năm nằm một chỗ. Khi đó anh chị của tôi đã nghỉ học để phụ mẹ lo cái ăn cái mặc cho gia đình. Em gái của tôi thì được gởi về bên Ngoại để các Dì lo. Tôi thì được đi học trường do Việt Minh quản lý, năm nào cũng có điểm trong những học sinh giỏi nhưng không được lên lớp suốt 3 năm, cho đến khi có hiệp định Genève, vì Ông Nội của tôi là địa chủ, bị đấu tố. Chị Hai, anh Ba của tôi phải gánh gồng bươn chải, phụ Mẹ tôi lo ăn lo mặc cho gia đình. Ngày nào bốn anh chị em tôi cũng diễn đi diễn lại cái hoạt cảnh bi hài. Mặc dù Mẹ tôi thức khuya dậy sớm, làm đủ chuyện trên đời (dĩ nhiên là chuyện lương thiện) nhưng nhà vẫn thiếu ăn. Do đó, Mẹ tôi chia khẩu phần cho từng đứa. Em gái tôi và tôi sức vóc còn nhỏ lại khỏi phải làm lụng nên nhu cầu còn ít, trong khi đó, chị Hai và anh Ba tôi thì sức đang thời trổ mã  lại phải phụ mẹ tôi làm lụng suốt ngày nên nhu cầu về thực phẩm rất nhiều. Bữa ăn trưa nào cũng vậy, em tôi thì nhường phần cơm dư của nó cho anh Ba, còn tôi thì cho chị Hai. Nhưng đến xế chiều thì hai đứa nhỏ bắt đầu thấy bụng bị kiến bò nên đòi phần cơm đã cho. Chị Hai và anh Ba tôi làm sao có cơm để trả lại cho em tôi và tôi. Mà không trả thì hai đứa nhỏ sẽ khóc mà hai đứa nhỏ khóc thì Mẹ sẽ hỏi và sẽ biết thì thế nào hai đứa lớn cũng bị đòn. Thôi thì thà để hai đứa nhỏ đánh đòn còn được “nhàn hạ” hơn. Thế thì chị Hai và anh Ba tôi phải nằm xuống cho em tôi và tôi đánh đòn để trừ cơm. Nói đánh chứ thật ra chỉ gõ nhẹ thôi, vừa gõ vừa cười, vừa giỡn. Dù sao thì cái hoạt cảnh nầy cũng làm tôi hối hận về sau. Chị Hai ơi, em cũng nhớ chị lắm! Anh Ba tôi thì đã đền nợ nước lâu rồi.

Tiếng Nam kéo tôi về thực tại:

– Cậu! Cậu còn nhớ con không?

Tôi làm sao quên Nam được. Khi chị Hai tôi theo chồng vô Nha Trang, gia đình tôi cũng rời Tuy Hòa để vô Nha Trang luôn. Ba tôi nghe đồn là đất nước sẽ bị chia cắt ở Phú Yên nên vô Nha Trang cho chắc ăn. Nhà chồng của chị Hai ở Phủ Diên Khánh, cách thành phố Nha Trang khoảng 10 cây số. Mỗi cuối tuần, tôi đều đạp xe lên nhà chị Hai để học bài vì nhà ba mẹ tôi là nơi buôn bán, quá ồn ào.

Nhà chồng chị Hai tôi nằm đối diện với trường Phủ Diên-Khánh mà cha chồng chị khi còn sống là Hiệu trưởng (khi xưa được gọi là Đốc-học), có vườn cây ăn trái sum sê. Cam sành, bưởi, quít, tắc, thanh long… cho trái ngon và bóng mát êm ả trong những buổi trưa hè nóng cháy. Tôi vẫn thường nằm trên nền xi-măng của hàng hiên nhà chồng chị mà học bài hay đùa giỡn với mấy đứa con của chị. Thời đó, chị đã có 4 con, ba gái đầu và thằng Nam mới bò. Con Nhung, con Thanh, con Bình cả ngày quấn quít với tôi. Thế đó mà giờ cách chia chia cách.

Nói nào ngay, thời đó chị Hai vẫn còn khổ cực lắm, có thể còn hơn thời chưa có chồng. Thời chị chưa có chồng, ở Tuy Hòa, ba của chúng tôi bị bệnh bại 10 năm, nhà sa sút, chị là con cả nên phải làm việc cực nhọc về thân xác nhưng tinh thần thì thảnh thơi, chị em có nhau. Thời có chồng, theo chồng vô Nha Trang là nơi đô hội hơn Tuy Hòa nhưng chồng là con duy nhất chỉ còn mẹ. Mẹ chồng quen nếp sống quan quyền nên rất nghiêm khắc. Chị vẫn thường tìm cách lén về nhà ba mẹ tôi để khóc lóc và đòi bỏ gia đình chồng mà về ở với ba mẹ tôi. Mẹ tôi phải năn nỉ vỗ về chị. Mỗi lần chị xuống Nha Trang thăm gia đình tôi là mỗi lần chị phải khóc ngất trước khi trở về.

Tôi nhớ mãi khi đó tôi hay hái trộm quít trong vườn để ăn với mấy đứa cháu để rồi mỗi lần mẹ chồng về, ra vườn thấy mất, cho dù một trái, cũng gọi chị tôi lên để mắng nhiếc. Tôi còn nhớ chị tôi, sau mỗi lần như thế, đợi bà đi đánh tứ sắc với bạn bè thì chị ôm tôi mà khóc. Em ơi, đừng hái quít của bả làm gì cho khổ chị! Tôi cũng khóc nhưng mấy tuần sau thì tôi lại không thể nào chế ngự được cái bao tử của mình trước sức quyến rũ của những trái quít no tròn, bóng mướt. Rồi cảnh cũ lại tái diễn. Rồi chị lại ôm tôi mà khóc. Chị Hai ơi, em xin chị tha thứ cho em nghe! Hồi nhỏ, em đánh đòn chị vì những hạt cơm thừa. Khi chị có chồng thì em lại làm chị khổ vì những trái quít mà em ăn cắp của người! Chị ơi!

Tiếng Nam nhè nhẹ:

– Cậu!

Hình như Nam khóc. Tôi cũng lưng tròng:

– Nam con, con qua Mỹ hồi nào?

– Con xuất ngoại hoài cậu ơi. Con vẫn thường đi công tác ở nước ngoài. Mỗi năm con xuất ngoại năm, sáu lần.

– Bây giờ con làm gì hả Nam?

– Con làm Tổng Giám Ðốc Công Ty Xuất Nhập Cảng Miền nên phải xuất ngoại công tác hoài.

Tôi nhớ lại trước đây, khi được tin Nam du học ở Tiệp Khắc, tôi có viết một lá thư về cho chị Hai để bắt liên lạc với Nam và lo cho Nam trốn qua đây luôn. Nhưng bức thư của tôi không bao giờ được hồi âm. Tôi đâm ra giận chị vì nghĩ rằng chị đã thuộc về phía những tên chủ mới. Mà chị không thuộc về họ sao được khi gần như tất cả đám con chị đều được “nhà nước” cho đi du học ở Liên Sô, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Ấn Ðộ trong cái thời mà anh Ba tôi phải lê lết trong những trại tù, trong cái thời mà những đứa cháu gọi tôi bằng chú phải lo ăn từng bữa, không đủ vải che thân.

Cuộc đời vẫn có những chuyện không ngờ. Cha chồng chị thời Pháp thuộc, hoạt động cho Việt-minh, bị Tây bắn chết và thế là gia đình bên chồng chị Hai tôi, sau 75, đã trở thành gia đình liệt-sĩ và những đứa con của chị được cộng sản vun trồng, cho du học.

Những năm tháng đầu thập niên 70, gia đình chồng chị sa sút vì đồng lương thư ký của chồng chị vẫn đứng yên trong khi vật giá leo thang. Gia đình ba mẹ tôi thì nhờ buôn bán nên chạy theo kịp với đà lạm phát. Thời đó, mẹ tôi là nguồn tài trợ của chị và gia đinh chị.

Rồi sau 75 thì tình hình gia đình tôi xoay một vòng 180 độ. Ba tôi phải trốn khỏi Nha Trang vì trước 75, ông là đảng viên Quốc-Dân-Đảng, còn anh Ba của tôi thì trốn vô rừng tìm đường phục quốc sau bị việt-cộng bắt, bỏ tù (việt-cộng gọi là cải tạo) và giết chết. Trong khi đó gia đình chị Hai thì được những tên chủ mới ưu đãi.

Nam ngập ngừng:

– Cậu…

– Cậu đây con!

– Sao cậu không về thăm gia đình? Bây giờ tụi con đứa nào cũng… được nên cậu về, tụi con bảo đảm cho cậu!

– Con Nhung, con Thanh, Con Bình làm gì bây giờ?

– Chị Nhung làm Giám Ðốc Công Ty Hải Sản, chị Thanh công tác ở Thành Ủy, chị Bình công tác Bộ Vật Tư…

Không phải là tôi không muốn về thăm chị, thăm cháu nhưng tôi nghĩ tôi đã được Canada thu nhận như một người tị nạn chính trị và chính tôi đã chấp nhận thân phận nầy thì tự tôi, tôi không thể quay lại mà phủ nhận chính cái thân thế của mình. Hơn hai mươi năm, tôi vẫn gởi quà và tiền đều đều về giúp đỡ Mẹ già và những đứa cháu gọi tôi bằng chú nhưng lại không một lá thư cho chị Hai vì sợ liên lụy gia đình chị. Bây giờ gia đình chị là “thế gia vọng tộc” trong cái xã hội mới nầy, nhà có người làm, đứa cháu nào gọi tôi bằng cậu cũng có tài xế, “ô-sin”… Nếu như tôi về để ăn hùa thì chắc sẽ được các cháu cung phụng. Tôi vẫn thương vẫn nhớ chúng đấy chứ nhưng nghĩ lại, trước khi được như hôm nay, chúng đã phải cực khổ trong những năm đầu tiên sau 75. Sự cực khổ ấy tôi không hề chia sẻ với gia đình chị tôi thì bây giờ tôi tự nghĩ mình không có phần trong cái sung túc của gia đình chị.

Tôi đã chọn một con đường và con đường đó sẽ là con đường mà tôi phải đi cho hết kiếp nầy.

Tiếng Nam khẩn khoản:

– Cậu phải về thăm má con. Má con nhớ cậu lắm. Má con nói cậu là người má con thương nhứt đó! Nội con đã mất rồi. Bây giờ má con là chủ nhà với tất cả cái quyền của chủ nhà. Tụi con đã xây lại cái nhà cũ thành hai tầng bằng gạch cho ba má tụi con rồi. Nhà có cả năm, sáu phòng ngủ mà chỉ có ba má con ở thôi. Cậu phải về thăm Nha Trang. Cậu phải về thăm ba má con. Cậu chỉ cần tốn tiền vé máy bay thôi, còn lại tụi con cover hết! Sẽ có xe, có người lái chở cậu đi chơi và thăm lại bạn bè, thăm trường Võ Tánh của cậu, thăm Thầy Cô ngày xưa của cậu. Cậu nhớ mời mợ và các em về lại Nha Trang nghe cậu! Con xin nói lại là Má con nhớ cậu lắm!

Nam nói một hơi dài, cốt lung lạc tôi. Mà tôi bị lung lạc thật! Hình ảnh ngôi trường mà tôi đã trải qua thời niên thiếu của tôi ở đó suốt 7 năm hiện về trong trí óc tôi. Ôi những bóng cây bàng êm mát, những tên bạn thân quen. Những vị Thầy, Cô khả kính của chúng tôi, một số đã thoát được tà quyền, như các Thầy TTT, Thầy VDN, Thầy NĐD, Thầy TTH, Thầy TPH, các Cô KT, TQ… , nhưng vẫn còn rất nhiều Thầy Cô bên kia trái nửa vòng trái đất. Làm sao chúng tôi có thể quên được những vị Thầy đã hết lòng dạy bảo chúng tôi như Thầy Cung Giũ Nguyên, thầy Võ Dự…  Bạn bè thì bên này, ngoài Cẩm Vân đã ra đi vĩnh viễn, còn lại các bạn Nguyễn Ngọc Ðức, Nguyễn Tiến Việt,  Khánh Nhung, Bích Khuê, Tự Tân, Thu Hương, Như Ý, Phùng Văn Nguyên, Ngô Văn Hoá, Lê Thanh Sơn… thì lâu lâu mới liên lạc, lưa thưa như những sợi tóc mong manh trên đầu của những kẻ tha hương đã xấp xỉ đi vào tuổi cổ lai hy. Còn những người bạn khác, những người bạn từng chia ngọt xẻ bùi, vẫn còn ở lại trên quê hương thui chột thì biết đến bao giờ mình sẽ gặp lại được! Hồ Yêm ơi, biết khi nào tao gặp lại mày đây!

Nam lập lại:

– Cậu, má con nhớ cậu lắm!

Tôi cười buồn:

– Còn tụi con có thương nhớ cậu hay không?

– Có chớ sao không hả cậu! Chị Nhung vẫn thường nhắc lại chuyện cậu thường mua cà-rem cho tụi con ăn hồi nhỏ.

– Bây giờ thì tụi con đâu cần cậu cho cà-rem nữa phải không?

Nam cười:

– Con vẫn còn thèm cà-rem của cậu cho!

Tôi nghe lòng mình chùng xuống. Trời ơi, cuộc đời sao oái oăm thế nầy! Chị tôi, cháu tôi, đất nước tôi mà tôi phải vĩnh viễn xa lìa! Khi xưa, cháu tôi còn đói khổ, tôi vẫn nhịn ăn quà để mua cà-rem cho chúng. Bây giờ thì chúng giàu có, thế lực thì tôi lại như thấy không muốn gặp lại chúng. Mà về làm gì khi quê hương của mình không còn là của mình nữa, khi cái gì cũng đổi thay, những con đường đã thay tên, không còn được bao nhiêu những anh hùng thật sự của dân tộc. Thay vào đó là tên những thứ gian manh, tráo trở, “ác với dân mà hèn với giặc”. Mình sẽ tìm thấy gì trên cái quê hương tan tành đó, có chăng chắc chỉ là những ê chề, những nát lòng, đứt ruột!

Tôi dứt khoát:

– Nam à, cậu vẫn nhớ thương mẹ cháu và các cháu nhưng trong lúc nầy, cậu chưa về được. Con về nói lại với mẹ là cậu không bao giờ quên được Phủ Diên Khánh, không bao giờ quên được những bóng mát trong vườn nhà ba mẹ cháu, không bao giờ quên được những múi quít ngọt lịm trong vườn, những múi quít đã làm mẹ cháu phải chảy rất nhiều nước mắt!

– Nhưng cậu không về!?

– Cậu sẽ về. Nhưng trước khi cậu về, cậu muốn mẹ cháu qua đây chơi một chuyến. Tụi cháu lo cho mẹ qua đây chơi được không?

– Dạ được chớ!

– Với nữa, tụi cháu nên lo bảo bọc mấy đứa em, con của cậu Ba của các cháu. Tụi nó bây giờ khổ lắm, cháu biết không?

– Dạ biết.

– Cậu hy vọng rằng cháu sẽ coi trọng lời cậu dặn.

– Dạ.

– Thôi, cháu cúp điện thoại đi kẻo tốn tiền.

– Không sao đâu cậu.

– À, cậu quên mời cháu, nếu cháu có đi công tác ở Canada thì nhớ thăm cậu mợ và các em nghe!

Tôi nghe tiếng “dạ” của Nam trong nghẹn ngào và tiếng máy điện thoại cắt.

Chị Hai ơi, em vẫn nhớ thương chị, nhớ thương mãi mãi suốt đời tị nạn của em!

Hình như có tiếng rì rào trong tai tôi. Là tiếng sóng biển nhẹ nhàng lúc bình minh hay tiếng lá cây sào xạc giữa buổi trưa hè sau vườn nhà chị?

Latest articles

X