Bài này viết trên tạp chí y khoa The Lancet bởi BS Johan Giesecke, người Thuỵ Điển, giáo sư Đại học Karolinska ở Stockholm, cố vấn cho Tổ chức y tế quốc tế (World health organization) và Cơ quan y tế công cộng của Thuỵ Điển trong cơn dịch Covid 19.
” Nhiều quốc gia (và giới truyền thông) rất thán phục chính sách cởi mở của Thuỵ Điển trong cơn dịch Covid 19: các trường học và đa số các trụ sở làm việc đều mở cửa, cảnh sát không ngăn chặn những người đi lại trên đường phố. Một mặt, có nhiều người chỉ trích Thuỵ Điển đang thí mạng những người già để nhanh chóng đạt được tình trạng miễn nhiễm trong đại chúng. Tuy số người tử vong ở Thuỵ Điển vượt xa ba nước láng giềng có chính sách cách ly chặt chẽ hơn (Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan), nhưng tỷ lệ ấy vẫn thấp hơn các nước Âu Châu khác như Anh, Tây Ban Nha và Bỉ.
Thực tế cho thấy rằng những biện pháp cách ly chặt chẽ ngoài xã hội không cứu sống được những người già ốm yếu trong những viện dưỡng lão. Và không giảm được tỷ lệ tử vong, nếu ta so sánh tình trạng ở Anh với các nước Âu Châu khác.
Phỏng đoán theo những thử nghiệm bằng mẫu lấy ở mũi họng (PCR để dò RNA của virus) cho thấy rằng, trong thời điểm này (ngày 29 tháng tư 2020), hơn nửa triệu người trong địa hạt Stockholm (tức khoảng 20-25% dân số) đã bị nhiễm virus. (Thông báo do Hansson D, cơ quan y tế công cộng của Thụy Điển) .98-99% những người ấy không biết hay không rõ mình đã nhiễm trùng, hoặc vì họ có những triệu chứng quá nhẹ để cần khám bệnh, hoặc vì họ không có triệu chứng gì hết. Những thử nghiệm huyết tương (serology) đang xác định tình trạng này.
Dựa trên những dữ kiện này, tôi đi đến những kết luận sau đây. Không ai có thể tránh được virus này và đại đa số sẽ bị nhiễm bệnh. Cơn dịch Covid 19 đang lan tràn như nạn cháy rừng trên toàn thế giới, nhưng chúng ta không thấy – bệnh phần đông lây truyền từ những người trẻ tuối có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Đó là cơn dịch vô hình, âm thầm đang xảy ra, và chắc đang đạt đỉnh điểm tại nhiều nước Âu Châu. Chúng ta có rất ít khả năng để ngăn chặn sự lan truyền này: tuy biện pháp cách ly có trì hoãn nhiều ca bệnh trong một thời gian, nhưng một khi những hạn chế được nới lỏng, sẽ có nhiều ca khác xuất hiện ngay. Tôi tin rằng trong một năm nữa, nếu chúng ta so sánh những tỷ lệ tử vong của tất cả quốc gia, chúng ta sẽ đều thấy những thống kê tương tự, dù chính sách cách ly có khắt khe hay thả lỏng.
Những biện pháp cách ly chỉ trì hoãn những ca bệnh nặng trong một thời gian – nhưng không ngăn ngừa gì hết. Nhiều quốc gia đang ráng hạn chế sự lan truyền để tránh cho hệ thống y tế bị quá tải. Có thể sẽ có những thuốc hữu hiệu sắp được phát minh, nhưng phải được thử nghiệm và sản xuất cấp bách vì cơn dịch này lan truyền rất lẹ. Chúng ta trông mong những vaccins để thoát khỏi cơn dịch, nhưng phải chờ đợi một thời gian dài và không hoàn toàn chắc các vaccins có hữu hiệu không.
Nói tóm lại, bệnh Covid 19 lan tràn rất lẹ, phần đông có ít triệu chứng, nhưng cũng có thể nguy kịch và đưa đến tử vong trong một thiểu số. Việc làm quan trọng nhất của chúng ta, thay vì ráng ngăn chặn sự lan truyền của virus (theo tôi là vô ích), là phải dốc sức chữa trị những người bị bệnh nặng một cách hoàn hảo nhất.
Tôi không có xung đột lợi ích (conflict of interest) khi viết bài này.”
Dịch bởi Dương Đình Huy
Nguồn tham khảo: The Lancet May 2020, tác giả Johan Giesecke
Lời bình luận của người dịch:
Đây là một quan điểm khá độc đáo được áp dụng ở Thuỵ Điển.
Quả thật tỷ lệ tử vong của Thuỵ Điển ít hơn Québec mặc dù có chính sách y tế công cộng thả lỏng hơn.
Nhưng Thuỵ Điển có thể áp dụng chính sách này vì hệ thống y tế của họ vững chắc, chứ không bấp bênh và dễ quá tải như ở Québec.