Not dying alone- Modern compassionate care in the Covid-19 pandemic
Dr Wakam: Trong giờ thứ 5 làm việc tại phòng cấp cứu của một nhà thương ở Detroit, tôi nhận được kết quả thử nghiệm máu của một bệnh nhân. Ông ta bị chẩn bệnh Covid 19 và đã nhập viện từ 3 ngày nay. Trong vòng 12 giờ qua, bệnh tình của ông càng lúc càng nguy kịch, cần đến máy trợ thở, 100% oxygène và phải nằm xấp. Kết quả thử nghiệm quá xấu: Ph 7.19, pCO2 71, pO2 63.7, HCO3 26. Độ oxygène trong máu của ông đã xuống rất thấp khi ông nằm ngửa, và tim ông bắt đầu có những dấu hiệu suy yếu với những loạn nhịp tim. Ông đã bị từ chối không được chữa trị đặc biệt bằng ECMO (extracorporeal membrane oxygenation) (vì bệnh tình quá nặng, chữa cũng vô ích). Bây giờ 11 giờ đêm, tôi thật sự lo rằng ông không qua khỏi đêm nay.
Tôi gọi điện thoại cho vợ ông để báo tình trạng nguy kịch. Bà ta hoảng hốt và xin vào bệnh viện thăm chồng ngay lập tức, nếu không được lại gần, ít nhất là được nhìn thấy ông qua cửa kính. Nhưng tiếc thay, điều lệ nhà thương tuyệt đối cấm thăm viếng những bệnh nhân bị Covid-19.
Ai cũng sợ chết trong cô đơn, xa cách với người thân, đó là điều chúng tôi, những bác sĩ cấp cứu, biết rõ. Vì vậy nhiều khi chúng tôi ráng hết sức giữ bệnh nhân sống lâu thêm một chút, để họ có cơ hội chia tay với gia đình. Tiếc thay khi chăm sóc bệnh Covid 19, thay vì hứa với gia đình “Chúng tôi ráng làm đủ mọi cách để cứu bệnh nhân sống cho đến khi gia đình vào thăm “, chúng tôi lại phải nói ” vì điều lệ của bệnh viện, chúng tôi không thể cho phép thăm viếng”. Chúng tôi phải bàn cãi với gia đình trước cửa phòng cấp cứu, qua điện thoại, hay trước cửa nhà thương, khi gia đình cầu khẩn xin gặp bệnh nhân lúc hấp hối. Một yêu cầu rất đơn giản, đáng khuyến khích trong những thời điểm khác, nay lại trở thành một vấn đề khó xử trên phương diện vệ sinh và y đức.
Bấy giờ là 12 giờ đêm, tôi ráng xin phép người y tá quản lý cho bà vợ vào thăm chồng lần cuối. Mọi chuyện càng rắc rối hơn khi bà vợ khai rằng bị nhức đầu và đau cổ họng, tuy bà không ho hay bị sốt. Vì không có điều lệ rõ ràng khi người vào thăm có triệu chứng, chúng tôi phải gọi điện thoại cho giám đốc nhà thương, và ông ta tức khắc từ chối không cho phép. Chúng tôi đã điều đình qua lại khá lâu, giải thích đây là trường hợp đặc biệt, có thể cho phép một người duy nhất thăm viếng. Nhưng vì bà vợ có vài triệu chứng và chưa thử nghiệm bệnh Covid 19, ông giám đốc bệnh viện quyết định từ chối. Tôi gọi điện thoại lại báo tin cho bà vợ. Bà ta lúc đầu giận dữ, doạ thưa kiện, nhưng sau đó xuống nước và kêu nài: “Cho tôi vào 5 phút thôi, sau đó tôi sẽ đi ngay”
Vấn đề này khá phức tạp. Trong nhiều trường hợp, vì đã chung đụng ở nhà với người bệnh, gia đình có nhiều khả năng đã bị lây. Hiện giờ bệnh viện đang thiếu những trang bị vệ sinh (khẩu trang đặc biệt, áo choàng, găng tay) mà phải phát cho nhiều người thăm viếng thì không đủ cho nhân viên y tế. Ngược lại, nếu gia đình chưa bị lây, mà vào thăm một nơi nhiều bệnh Covid 19, thì sẽ rủi ro bị nhiễm bệnh nểu không quen xài những trang bị vệ sinh.
Để giải quyết vấn đề này, các y tá giúp bệnh nhân liên lạc với gia đình bằng cách cầm điện thoại đến tai, hoặc bằng những ứng dụng trên mạng như Skype, Whatsapp hay Facetime. Nhưng nhiều khi họ không làm được vì quá bận rộn, vì làn sóng internet không đủ mạnh hoặc vì ngại không muốn xen vào đời tư cùa bệnh nhân. Mặc dù có liên lạc được qua điện thoại hay qua mạng, gia đình và người bệnh vẫn có cảm tưởng không được chia tay một cách thoả đáng, và chúng tôi cũng đồng ý như thế.
Bà vợ người bệnh vừa nhào tới bệnh viện lúc 1 giờ 30 đêm mặc dù không được cho phép. Tôi chạy xuống gặp bà ta và báo cáo tình trạng nguy kịch của chồng bà. Nhưng trong lúc đang nói chuyện, tôi nghe tiếng loa báo là có ngừơi bệnh đang đứng tim. Tôi chạy lên phòng cấp cứu và thấy mọi người đang ráng hồi sinh chồng bà.
Sau 90 phút cấp cứu hồi sinh, chồng bà vẫn không cứu vãn được, tôi đành buồn lòng loan báo là ông đã chết. Trong suốt thời gian đó một cô y tá đã tháp tùng bà vợ ở ngoài hành lang và vừa báo hung tin cho bà. Cô bật Facetime lên để bà có thể nhìn chồng một lần cuối. Khi bà nhận thấy hình ảnh não nề của chồng, bà bật khóc. Trong khi bà đang từ biệt chồng bà, tôi lại phải chạy qua phòng khác lo cho một người bệnh Covid nữa đang lâm vào tình trạng nguy kịch.
Chúng tôi là những bác sĩ nội trú làm việc rất nhiều thời giờ trong những tuần qua ở phòng cấp cứu của các bệnh viện tại Detroit, một trong những ổ dịch ở Mỹ. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều tình cảnh tương tự. Trong vòng 3 tuần, chúng tôi đã thấy nhiều người chết hơn là trong mấy năm tập sự. Tiếc thay những thảm trạng này càng ngày càng thông thường và rất khó xử cho chúng tôi, khi chúng tôi ráng phục vụ người bệnh trong tinh thần nhân bản.
Chúng tôi nghĩ rằng hệ thống y tế của Mỹ có thể cải cách. Với những ứng dụng cập nhật trên mạng, người bệnh và gia đình phải có phương tiện liên lạc với nhau mặc dù cách ly. Những máy vi tính (computer) cho phép gặp mặt qua video phải được cung cấp cho bệnh nhân. Ngoài những chữa trị y tế dựa trên khoa học, những biện pháp giao tiếp này sẽ xoa dịu rất nhiều không những người bệnh, mà cả gia đình và người thân của họ. Tuy không thể cầm tay hoặc ôm chầm lấy nhau trong lúc người bệnh lâm chung, họ có thể giữ được liên lạc một phần nào nhờ sự tận tâm và cảm thông của các nhân viên y tế.
Tác giả: Glenn K Wakam et al
New England Journal of Medicine June 11, 2020
Dịch bởi Dương Đình Huy