Tôi không có diễm phúc được học với giáo sư Thoa như bao nhiêu vị đàn anh, đàn chị. Vì khi rời khỏi Việt Nam năm 1978, tôi vẫn còn đang học lớp 12. Nhưng khi biết tin Cô đã từ trần ngày 4 tháng 12 vừa qua, tôi vô cùng xúc động. Đây là một người phụ nữ do tình cờ tôi được quen biết, nhưng lòng kính mến của tôi đối với giáo sư thì vô ngần.
Giáo sư ra đời năm 1925, thời đại mà người phụ nữ vẫn còn chịu nhiều gò bó. Cô thuộc tầng lớp phụ nữ ít ỏi thời bấy giờ được hấp thụ những kiến thức phương Tây; can đảm dấn thân trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn nhiều thành kiến để truyền bá những tư tưởng cấp tiến hầu tạo sự thay đổi cần thiết, phù hợp với xu thế xã hội đương đại.
Cô cùng thời với Bs Dương Quỳnh Hoa, cùng du học Paris. Nhưng Cô đã không tin vào những lời mỵ dân lừa dối của Cộng Sản để đi sai đường. Và như BS Trần Mộng Lâm đã nhận xét: lúc nào giáo sư cũng nghĩ đến dân tộc và đất nước nhưng với một trí tuệ, một suy xét chín chắn.
Giáo sư Vũ Thị Thoa đã từng tâm sự, ôm ấp hoài bão Công Lý, giấc mơ đầu đời của giáo sư là trở thành một luật sư tài giỏi để bênh vực những người thấp cổ bé miệng. Nhưng vào thuở ban đầu, trường Luật chưa được sắp xếp ổn định, nhân duyên đã khiến Cô trở thành một bác sĩ Nhi Khoa, một giáo sư. Cô đã chia sẻ ánh sáng trí tuệ cho bao tầng lớp sinh viên, và đã mang hy vọng, sự sống cho biết bao thiếu nhi Việt Nam. Ngoài ra giáo sư còn là một trong những nhà tiên phong trong công trình Việt Hóa các danh từ Y Học. Giáo sư đã khuyến khích nhiều môn sinh làm luận án về đề tài này thay vì về các căn bệnh lý thú nhưng không phổ biến ở Việt Nam.
Vận nước nổi trôi, cuộc đời giáo sư cũng thăng trầm theo giông bão dân tộc. Người chồng của giáo sư đã bị thiệt mạng trong trại tù cải tạo. Sau đó giáo sư đã qua được Pháp. Tuy theo Tây học, nhưng giáo sư đã giữ phong cách của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa, ở vậy nuôi con.
Với tình mẫu tử bao la, giáo sư đã lo cho người con gái độc nhất của mình du học và ở lại lập gia đình tại Hoa Kỳ. Giáo sư đã tâm tình vì muốn tránh những chuyện bất như ý có thể xảy ra cho gia đình con gái Dung Anh nên giáo sư khuyên ngăn con không nên đi thăm mẹ thường xuyên. Giáo sư chấp nhận cuộc sống trong tuổi già đơn chiếc tại Paris, xa Bắc Mỹ ngàn dặm và vui với hạnh phúc của con và cháu. Giáo sư cũng thường nhắc về cô cháu ngoại Vân Anh với niềm tự hào, thương yêu, cùng với những suy tính về tương lai học hành của cô. Có lẽ Trời cũng động lòng nên tuy sống xa con nhưng giáo sư cũng được sự chăm nom tận tâm của chị giúp việc và họ hàng tại Paris thường xuyên thăm viếng.
Qua những lời giáo sư tâm sự, tôi không khỏi nghĩ đến những câu thơ của Hồ Dzếnh:
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Chưa từng học với giáo sư Thoa, nhưng tôi lại may mắn được Cô chiếu cố. Giáo sư biết tôi qua những bài tôi viết. Chính lòng nhân ái của giáo sư đã kết nên một sợi dây tình cảm giữa giáo sư và tôi. Một ngày, tôi nhận được chi phiếu của Cô do BS Nguyễn Thanh Bình trao lại để giúp các cô dâu Đài Loan, nạn nhân của nạn buôn người. Sau đó Cô nhờ con gái, chị Dung Anh gửi thẳng chi phiếu về địa chỉ tôi.
Cô luôn quan hoài đến những mảnh đời bất hạnh, lo lắng cho số phận những thương phế binh và các nhà đấu tranh dân chủ tại quê nhà. Tuy tuổi đã cao, nhưng Cô vẫn chú tâm theo dõi tình hình thời sự nước nhà. Thỉnh thoảng, tôi nhận được những lá thơ khích lệ của giáo sư. Đây là một vinh dự cho tôi, một kẻ hậu sinh tầm thường mà lại được một vị thầy khả kính của biết bao đàn anh quan tâm đến. Sau đó tôi liên lạc với cô qua điện thoại, nhưng cuộc đời thì tấp nập những chuyện không tên, thêm giờ giấc cách trở cho nên những cuộc đối thoại này cũng không thường xuyên như ý muốn.
Trong một cơn bệnh nặng, 2018, tôi nhận được lá thơ thăm hỏi đầy chân tình của giáo sư, tôi vô cùng xúc động. Khi bệnh lành, tôi đã quyết định đi thăm Cô để một lần trong đời được diện kiến Cô.
Một mình qua Paris trong thời gian ngắn ngủi bốn ngày, tôi đều ở nhà giáo sư. Bốn ngày để cảm nhận được sự tinh tường, ý chí mạnh mẽ, lòng nhân hậu vô bờ trong một vóc dáng mảnh khảnh của một cụ già 93 tuổi. (Trong chuyến đi này, tôi cũng hân hạnh được đến nhà BS Tạ Thanh Minh, vị bác sĩ hiền từ này đã tạ thế năm 2019).
Không ngờ lần viếng thăm này là lần đầu cũng là lần cuối tôi gặp giáo sư.
Tháng 8 năm 2019, nhân dịp người dì đi Paris, tôi nhờ Dì đến thăm giáo sư Thoa. Dì tôi về lại Montréal tấm tắc khen vị cựu giáo sư Y Khoa, với số tuổi 94 vẫn vô cùng đẹp lão với da mặt hồng hào, lời nói uyên bác, đi đứng vẫn còn khá vững. Trong thời gian đại dịch Covid 19, tôi chỉ nói chuyện thăm giáo sư được hai lần, giáo sư vẫn có vẻ khỏe mạnh, tinh anh qua điện thoại. Thế mà, mấy tháng sau, người đã ra đi…
Nhìn về cuộc đời giáo sư Vũ Thị Thoa: Cô ít lên tiếng, sống kín đáo ở Paris nhưng giáo sư tỏa một tấm gương sáng về một phụ nữ Việt Nam trí thức mang nặng tình dân tộc, lòng ái quốc. Một lần hiếm hoi, Cô đã lên tiếng trong Tập San Y Sĩ khuyên tác giả cuốn Bên Thắng Cuộc thận trọng khi viết tài liệu lịch sử.*
Giáo sư là một phụ nữ du học 4 năm bên trời Tây, nhưng vẫn giữ nề nếp Việt Nam, và là một người mẹ, người bà có tình thương và lòng hy sinh vô biên cho con cháu.
Một tấm gương phụ nữ cao quý !
Cầu xin hương linh giáo sư được về cõi Vĩnh Hằng.
Xin thành kính phân ưu cùng chị Dung Anh và gia quyến.
Người rời xa cõi phù vân,
Dương gian còn ngát hương trầm Nữ Lưu.
Viết tại Montréal, ngày 6 tháng 12 năm 2020.
Với tất cả lòng kính thương,
Cấn Thị Bích Ngọc
*(Bài: Vài Ý Kiến Bàn Với Huy Đức, Tác Giả Bên Thắng Cuộc, Gs Vũ Thị Thoa, TSYS số198, tháng 7, 2013)