Suốt cuộc đời, tôi gọi Giáo Sư là chị, xưng em. Bài viết này, xin trả lại người vừa ra đi chữ Giáo Sư để giữ sự trang trọng vả biết ơn của một môn sinh với người thầy của mình.
Về cuộc đời của cố Giáo Sư, có nhiều điều còn mù mờ, tuy bà là một trong những người nữ bác sỹ Việt Nam đầu tiên, cùng thời với các BS Thuần (Nghiêm Thị) và bà bác sỹ Nhị (Bảo Sanh Viện Hùng Vương), có lẽ dưới các bác sỹ Nguyến Hữu, Phạm Biểu Tâm. Những điều lớp hậu sinh thắc mắc nhưng không dám hỏi là thời gian bà cộng tac với bà Ngô Đình Nhu trong Phong Trào Phụ Nữ liên đới thời thập niên 50. Các anh lớn tuổi như anh Từ Uyên chắc rõ hơn.
Kẻ viết bài này chỉ thực sự được biết GS sau khi nhà Ngô sụp đổ, và bà đã trở về Nhà Thương Nhi Đồng, lầu 3B để trở lại với nghề nhiệp Y Khoa và Giáo Sư. Lúc bấy giờ học trò chỉ có ba ngôi sao trên ngực nhưng chính là năm tôi thực sự được tiếp xúc và săn sóc bệnh nhân vì Y Khoa, năm đầu và năm thứ hai, chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Đối với một kẻ vừa dời mái nhà trường thì Nhi Đồng năm ấy quả thực là địa ngục trần gian. Bị sốc nặng vì quá nhiều trẻ em chết khi 2,3 tuổi, tôi viết bài viết ngắn mang tên “Tại Sao Em Chết” chỉ là để nói lên thắc mắc của mình là nếu như Thượng Đế có thực, thì đời sống ngắn ngủi ngài dành cho các em trong vài năm đó có mục đích gì?? Câu kết luận là: “Để làm gì, hỡi em, cuộc sống??”.
Bài viết vừa xuất hiện, sáng hôm sau gặp tôi, GS nói :
– EM đừng hỏi cuộc sống là để làm gì, hãy sống cho tốt thơi gian có mặt trên trái đất.
Câu trả lời đó, tôi ghi nhận nhưng vẫn còn thắc mắc, cho đến bây giờ tuy ông Mai Thảo nói rằng: “Một mai khi đã nằm trong đất, tìm hỏi sao trời sẽ hiểu thôi”.
Thời gian qua đi, hai năm sau tôi trở lại Nhi Đồng. GS vẫn ở đấy, với các cô y tá tôi không thể nào quên, cô Lụa, cô Len- Tại các lầu khác, cô Gấm, cô Anh….Những người muôn năm cũ, bây giờ họ ở đâu??? Về phía những đàn anh, đàn chị, có anh Trần Xuân Ninh, anh Đinh Hoàng Điệp, anh Nguyễn Minh Tuyên, các chị Lưu Cẩm Châu, Chị Tường Vi, Chị Bạch, Chị Nga, Chị Liên, Chị Gisele HV….Ôi, biết bao kỷ niệm vui buồn…
Lúc bấy giờ, tôi sắp ra trường. Tôi cần làm một luận án. Tại 3B, có nhiều bệnh hiếm rất có giá trị về Y Học. Những bệnh hiếm, bầm sinh về các bắp thịt bị teo lại, hoặc khúc đầu, hoặc khúc cuối. Tôi muốn xin chị cho làm đề tài, nhất là khi đã có các kết quả vể sinh thiết nhờ anh TX Ninh cắt dùm. Tôi không bao giờ quên lời chị khuyên ngày hôm đó:
– Các bệnh đó hay thực nhưng không đi sát nhu cầu của Việt Nam chúng ta. Về Y Khoa, như em đã biết, chúng ta học bằng tiếng Pháp. Sau này, thế nào cũng phải chuyển về Việt Ngữ. Chị và các anh trên trường thấy cần phải có một Tự Điển về các Danh Từ Y Khoa cho Việt Nam, tương tự như cuốn “Danh Từ Khoa Học” của ông Hoàng Xuân Hãn. Một ngươi không thể làm hết, nên chị muốn các em mỗi người một tay, đóng góp vào công tác này.
Đó chính là lý do của sự xuất hiện của một lô các luận án Y Khoa do Giáo Sư Vũ Thị Thoa bào trợ. Chắc mọi người còn nhớ, nhưng không chắc biết được lý do tại sao. Chỉ tiếc rằng những năm về sau, Y Khoa không dùng tiếng Pháp, nhưng lại chuyển sang tiếng Anh . Đó là việc của Lịch Sử, và cũng có cái lý của nó, không dám lạm bàn.
Nay người Giáo Sư khả kính đó không còn nữa nên xin trả lại cho Lịch Sử để ghi lại thiện tâm, thiện chí của các Giáo Sư Y Khoa tiền bối, lúc nào cũng nghĩ đến dân tộc, đất nước trước tiên.
Giáo Sư nay đã về Trời. Học trò thương nhớ chỉ biết ngậm ngùi khi nhắc về thầy cũ. Các bạn tôi sẽ viết về nhiều kỷ niệm đẹp với GS. Phần tôi, chỉ còn lại những băn khoăn, thắc mắc,về triết lý cuộc sống, về những tâm niệm, về những hoài bão không đạt được trong đời. “Từ nay, mãi mãi không thấy nhau”, như một bản nhạc của Phạm Duy.
Trần Mộng Lâm kính bái.