Trước đây, chúng tôi đã có dịp đề cập đến vấn đề “Chúc thư, có cần thiết không?” với nhiều chi tiết được cập nhật.
Song song với Chúc Thư mà chúng ta cần phải nghĩ đến càng sớm càng tốt, hai tài liệu quan trọng khác mà chúng ta cũng cần chuẩn bị là Giấy Ủy Quyền (Procuration), và Khế Ước Bảo Vệ (Mandat de protection/ Protection mandate).
Khi bước vào giai đoạn mùa thu của cuộc đời, chúng ta không biết trước được ngày mai. Ngay như những người còn trẻ, còn làm việc, đối diện với những bất trắc lúc nào cũng có thể xảy đến: tai nạn, stress, đột quỵ, đứng tim bất chợt, và gần đây nhất là… Covid! Cho nên nếu chuyện gì lo được trước thì bạn nên lo, để không gây bất ngờ và phiền toái cho thân nhân nếu như chẳng may mà bạn gặp chuyện gì bất trắc.
Trong bài này, chúng tôi sẽ trình bày hai loại tài liệu nói trên, sự khác biệt giữa hai tài liệu này, và tại sao chúng ta phải cần tới hai tài liệu mà không phải là một trong hai loại đó?
I. GIẤY ỦY QUYỀN
Giấy ủy quyền là một khế ước (mandat/ madate), một văn kiện pháp lý, trong đó bạn ủy nhiệm cho một hay nhiều người thay mặt bạn để giải quyết một số việc, một số vấn đề mà bạn chỉ định rõ rệt trong tờ khế ước. Thí dụ: trong mọi liên lạc với chính phủ, ngân hàng, mua bán bất động sản, thu lợi tức cho thuê nhà, ký các giấy tờ thay cho bạn, v.v.
Ủy quyền trong bao lâu?
Sự ủy nhiệm này có thể là hữu hạn, thí dụ trong 3 tháng mà bạn vắng mặt vì đi xa; hay có thể là vô hạn cho đến khi bạn thay đổi ý, thí dụ bạn bệnh nặng, ủy nhiệm cho người phối ngẫu lo hết mọi việc cho bạn.
Tôi có phải ký giấy tờ ủy quyền không?
- Bạn có thể nói miệng (verbal) để ủy quyền trong trường hợp đơn giản, thí dụ: bảo con sang nhà cô, dì, chú, bác để mượn hay để trả một món đồ. Xong việc thì sự ủy nhiệm hết hiệu lực.
- Trong nhiều trường hợp, cần phải có một giấy ủy quyền chính thức để xác nhận quyền hạn của người được ủy nhiệm. Thí dụ: tưởng tượng việc bạn sai ông con ra ngân hàng rút tiền cho bạn, thì chắc chắn không ngân hàng nào làm việc đó; hoặc bạn bảo con ký giấy bán căn nhà bạn đang ở; hay bạn bảo người phối ngẫu liên lạc với Agence du revenu du Canada/ Canada Revenue Agency để hỏi han về vấn đề thuế má của bạn. Trong các trường hợp đó, không có giấy ủy quyền chính thức thì không làm được.
Trong trường hợp nào thì tôi cần làm giấy ủy quyền?
- Khi bạn không có thể tự mình giải quyết một số công việc, một số vấn đề hay ký kết các giấy tờ vì lý do đi xa, công việc quá bề bộn không thể kham thêm việc khác, bệnh tật, tai nạn, hay già yếu, v.v.
- Tuy nhiên, lúc ký giấy ủy quyền, bạn phải là người hoàn toàn sáng suốt và hiểu rõ hậu quả của việc ủy quyền. Thí dụ khi bạn ủy quyền cho người nào đó được thay bạn trong các giao dịch ngân hàng, thì bạn phải hiểu rõ là ngày nào đó người được ủy quyền có thể rút hết tiền trong trương mục của bạn rồi cao bay xa chạy! Do đó, người được bạn ủy quyền phải là người mà bạn tin tưởng tuyệt đối. Thường thường là người trong gia đình.
Tôi có thể ủy quyền cho ai?
- Bạn có thể ủy quyền cho bất cứ người thành niên nào. Quan trọng phải là người mà bạn hoàn toàn tín nhiệm.
- Bạn cũng có thể ủy quyền cho một người chuyên nghiệp, thí dụ: chuyên viên kế toán, luật sư của bạn. Trong trường hợp này, bạn phải trả chi phí để được nhận dịch vụ.
Giấy ủy quyền cần phải có những chi tiết gì?
Bạn cần ghi rõ những chi tiết sau:
- Ngày tháng và thời hạn bạn muốn ủy quyền.
- Tên họ của bạn.
- Tên họ của người được ủy quyền.
- Quan trọng nhất là những trách nhiệm và quyền hạn mà bạn muốn người kia thực hiện.
- Bạn phải ký trên giấy ủy quyền.
Trách nhiệm của người được ủy nhiệm
Khi đã đồng ý nhận sự ủy nhiệm của bạn, thì người được ủy nhiệm phải có những bổn phận và trách nhiệm đối với bạn như sau:
- Phải thực hiện những gì đã cam kết trong giấy ủy quyền, trừ khi giấy ủy quyền cho phép nhờ người khác làm.
- Có thể nhờ thêm sự giúp đỡ của người khác, trừ khi giấy ủy quyền không cho phép nhờ ai khác.
- Phải hoàn thành trách nhiệm một cách cẩn trọng, siêng năng, thật thà, và trung thành với người đã ủy quyền cho mình.
- Báo cáo mọi diễn trình đã thực hiện.
Trách nhiệm của bạn đối với người mà bạn ủy quyền
Bạn cũng có những trách nhiệm như sau:
- Hợp tác với người được ủy quyền để giúp họ thực hiện nhiệm vụ một cách tốt đẹp.
- Những chi phí liên quan đến công việc thì bạn nên đưa tiền trước cho người được ủy quyền hoặc là bồi hoàn ngay sau khi xong việc. Thí dụ: người được ủy quyền phải thay bạn đi ký giấy tờ với một chưởng khế. Bạn nên trả trước, hoặc là bồi hoàn ngay khi ký xong giấy tờ.
- Trả thù lao cho người được ủy quyền nếu như trong khế ước có quy định là phải trả thù lao để nhận sự ủy quyền.
- Đền bù thiệt hại nếu như sự thiệt hại này không phải do lỗi của người được ủy quyền.
- Quan trọng hơn cả là chính bạn sẽ là người chịu trách nhiệm về mọi giấy tờ ký kết, hay mọi hành vi của người được ủy quyền, nếu như người này tôn trọng quyền hạn mà bạn giao phó cho họ. Thí dụ: bạn ủy quyền cho em trai của bạn sửa lại tay vịn cầu thang trong căn nhà mà bạn cho thuê. Em trai bạn vô ý khiến người thuê nhà bị té và bị thương. Như vậy, trên phương diện trách nhiệm dân sự, bạn cũng có trách nhiệm cho dù bạn đã ủy nhiệm công việc đó cho người em trai.
Thế nếu người nào đó tự nhận là người do tôi ủy quyền, thì tôi có phải chịu trách nhiệm về hành vi của người này không?
Nếu như bạn và người đó chưa bao giờ ký kết giấy ủy quyền thì bạn không chịu trách nhiệm về những việc làm của người đó.
Tuy nhiên nếu đó là người mà trước kia đã từng được bạn ủy quyền, mà nay đã hết hạn ủy quyền rồi, thì bạn vẫn có thể bị trách nhiệm trong những trường hợp sau đây:
- Bạn khiến cho người chung quanh tưởng rằng người này vẫn còn đang làm việc cho bạn, dù trên thực tế không phải thế.
- Bạn quên không thông báo cho những người liên hệ rằng thời hạn ủy quyền đã chấm dứt
Nếu người được ủy quyền vượt quá quyền hạn mà tôi ký kết thì sao?
Nếu người đó vượt quá quyền hạn giao phó thì họ phải tự chịu trách nhiệm về việc làm quá quyền hạn của mình.
Thí dụ: bạn ủy quyền cho ông A đi thu tiền cho thuê nhà. Khi ông A đến thu tiền nhà, thấy trần nhà bị ố nước, tuy không có gì nguy hiểm cũng như không khẩn cấp, ông A tự ý thuê thợ tới làm lại chỗ trần nhà bị ố, và sơn lại. Việc làm này không nằm trong trách nhiệm thu tiền nhà mà bạn ủy quyền cho ông A (lẽ ra, ông A phải báo cho bạn để bạn thuê thợ làm). Trong trường hợp đó, có 2 giải pháp cho bạn chọn lựa:
- Giải pháp hòa giải: bạn đồng ý trả tiền sửa trần nhà để giữ giao hảo, vì trước sau gì thì bạn cũng phải sửa trần nhà.
- Giải quyết theo pháp lý: ông A phải tự lãnh trách nhiệm trả tiền sửa trần nhà, vì ông tự lấy quyết định mà không hỏi ý bạn.
Ủy quyền tự động trong vài trường hợp
- Giữa hai vợ chồng: tuy không ký kết giấy ủy quyền, nhưng coi như người nọ đã ủy quyền cho người kia trong tất cả các việc liên hệ đến gia đình như chợ búa, quần áo, đồ đạc trong nhà, sửa chữa nhà cửa, v.v… Bạn và người phối ngẫu đều liên đới trách nhiệm. Bạn không thể từ chối trả tiền cái tủ lạnh lấy cớ là tui không mua, bả mua thì bả trả tiền, v.v…
Nếu là những ký kết quan trọng như bán nhà cửa, bán tài sản, hay đại diện chính thức trong các giao dịch với chính quyền, thì cần phải có một giấy ủy quyền chính thức.
- Giữa các người cộng sự (associé/ associate): nếu một trong những người cộng sự thay mặt cho xí nghiệp trong một dịch vụ nào thì tất cả các người cộng sự đều có chung trách nhiệm. Thí dụ: mua một máy photocopie cho tất cả nhân viên dùng, thay cái mái nhà bị dột, v.v…
- Người quản lý công ty(administrateur/ administrator): cũng có thể thay mặt công ty để ký kết các dịch vụ, hay mua sắm cho công ty nếu đó là trách nhiệm của ông ta. Trong trường hợp đó, công ty chịu trách nhiệm về các ký kết này.
Khi nào thì sự ủy quyền chấm dứt?
- Khi tất cả các nhiệm vụ mà bạn giao phó cho người kia đã được hoàn tất.
- Khi có một sự kiện xảy đến khiến cho người kia không thể hoàn tất nhiệm vụ. Thí dụ: ông ta bệnh phải nằm nhà thương.
- Khi chính bạn muốn chấm dứt giấy ủy quyền. Thí dụ: ông ta không làm đúng những điều cam kết trong giấy ủy quyền.
- Khi bạn hoặc người được ủy quyền chết.
- Khi bạn hoặc người được ủy quyền bị phá sản (faillite/ bankruptcy).
- Khi giấy ủy quyền đến hạn kỳ.
- Khi chế độ bảo vệ bắt đầu (régime de protection/ protection regime): chúng tôi sẽ đề cập đến chế độ bảo vệ trong phần II.) của bài viết. Lúc đó, chế độ bảo vệ sẽ thay thế giấy ủy quyền.
Nếu tôi muốn chấm dứt giấy ủy quyền trước khi hết hạn thì phải làm sao?
Trong trường hợp người được ủy quyền không làm đúng trách nhiệm giao phó, bạn có thể chấm dứt giấy ủy quyền bất cứ lúc nào.
Để tránh người này tiếp tục thay mặt bạn trong các giao dịch, bạn nên yêu cầu ông (bà) ta giao lại giấy ủy quyền và ký bỏ nó, đồng thời thông báo cho những nơi liên hệ rằng giấy ủy quyền đã hết hiệu lực. Thí dụ: bạn ủy quyền cho ông C trong mọi dịch vụ ngân hàng như ký thác tiền cho thuê nhà, rút tiền để trả các hóa đơn hàng tháng, thì bạn phải báo cho ngân hàng là giấy ủy quyền cho ông C đã chấm dứt.
Nếu giấy ủy quyền được làm trước chưởng khế hay luật sư thì bạn cũng phải thông báo cho các vị này.
Nên chú ý là bạn cần phải có lý do chính đáng khi bạn chấm dứt giấy ủy quyền trước khi hết hạn. Nếu không, người được ủy quyền có thể đòi hỏi bạn bồi thường thiệt hại nếu như sự chấm dứt này làm thiệt hại đến ông (bà) ta.
Tôi có cần làm giấy ủy quyền trước chưởng khế không?
Nếu là giấy ủy quyền toàn diện: thí dụ bạn ủy quyền hoàn toàn cho người phối ngẫu trong tất cả mọi giao dịch như mua bán nhà cửa, công ty, liên hệ pháp lý, ký kết giấy tờ, v.v… thì nên làm trước chưởng khế hay luật sư để được cố vấn về pháp lý.
Chi phí cho giấy ủy quyền khoảng 300 dollars. Nhưng sau đó thì bạn yên tâm, giấy ủy quyền sẽ được chưởng khế lưu trữ và đăng ký và trở thành văn kiện chính thức để người được ủy quyền lấy mọi quyết định cho bạn.
II. KHẾ ƯỚC BẢO VỆ (Mandat de protection/ Power of Attorney)
Khế ước Bảo vệ trước đây được gọi là Khế ước Ủy thác khi bạn bị mất khả năng (Mandat en cas d’inaptitude/ Power of Attorney). Tuy cái tên được thay đổi nhưng bản chất vẫn là một.
Khế ước Bảo vệ là gì?
Đó là một tài liệu pháp lý mà trong đó bạn chọn sẵn một người hay nhiều người để quản trị tài sản hay lấy quyết định cho bạn, kể cả những quyết định về cá nhân và y tế, trong trường hợp bạn bị mất khả năng tự quyết định, mất sáng suốt, một cách tạm thời (tai nạn, coma) hay vĩnh viễn (già yếu, alzheimer, coma nặng). Bạn cần phân biệt rõ trường hợp mất khả năng tự quyết định và trường hợp bệnh tật về thể chất. Bạn có thể bị bệnh, bị tàn tật, mà không hề mất khả năng phán đoán hay quyết định.
Quan trọng là bạn phải làm khế ước này khi bạn còn đủ năng lực, còn sáng suốt. Nếu chờ tới lúc không còn tỉnh táo nữa mới làm thì khế ước có thể bị vô hiệu. Về mặt pháp lý, “tình trạng mất năng lực” được mỗi tỉnh bang định nghĩa khác nhau, dựa trên luật của mỗi tỉnh. Thí dụ: Québec theo chế độ Dân Luật (Code civil du Québec) trong khi các tỉnh còn lại của Canada theo chế độ Common Law.
Những điều cần ghi trong khế ước bảo vệ
- Bạn cần chỉ định một hay nhiều người sẽ thay thế bạn trong mọi quyết định nếu như ngày nào đó bạn không còn khả năng quyết định. Ghi rõ quyền hạn của những người này, cũng như thù lao nếu bạn có ý định trả thù lao. Bạn cũng nên dự trù ai sẽ thay thế nếu như một trong những người này không thể tiếp tục đảm nhận trách nhiệm, thí dụ: người đó bị bệnh, chết, hay không hoàn thành trách nhiệm mà bạn giao phó.
- Chỉ định người bảo hộ con vị thành niên của bạn.
- Chỉ định người này phải làm gì cho cá nhân và sức khỏe của bạn nếu ngày nào đó bạn rơi vào tình trạng mất năng lực.
- Chỉ định cách sử dụng tiền nong và sản vật của bạn, cho nhu cầu của bạn và gia đình.
- Chỉ định cách điều hành xí nghiệp của bạn.
- Đồng thời, bạn đừng quên chỉ định một người để kiểm soát rằng mọi sự được thi hành đúng đắn như ý muốn của bạn. Tại sao vậy? Tại vì khi bạn đã bị mất khả năng rồi thì bạn không thể tự mình kiểm soát người kia.
Người được ủy nhiệm có thể là ai?
- Người đó phải thành niên (18 tuổi hay hơn).
- Người được ủy nhiệm lo về sức khỏe của bạn có thể là người trong gia đình như người phối ngẫu, anh em, hay con cái đã trưởng thành.
- Người lo về tài chánh và tài sản của bạn thì có thể ủy nhiệm cho một chuyên viên như luật sư, kế toán hoặc một cơ quan như ngân hàng của bạn, v.v…
- Nếu bạn ủy nhiệm cho nhiều người, thì nên tính trước cách thức các người này sẽ lấy quyết định ra sao, thí dụ biểu quyết theo đa số, hay mỗi người tự quyết định trong phần việc của mình?
Cách làm khế ước bảo vệ ra sao?
- Nhờ chưởng khế làm: bạn sẽ được cố vấn và được giải thích rõ ràng về mọi hậu quả của khế ước bảo vệ. Đồng thời chưởng khế sẽ lưu trữ và đăng ký khế ước để bảo đảm sự an toàn. Chi phí cho chưởng khế khoảng 300$ tùy theo văn phòng.
Cách tốt nhất là bạn nên làm Khế ước Bảo vệ cùng lúc với Giấy Ủy quyền và Chúc thư, như thế có thể giá sẽ rẻ hơn là làm riêng rẽ 3 lần.
- Làm trước nhân chứng: bạn có thể tự làm, nhờ người khác làm hay nhờ luật sư làm. Bạn có thể tìm trên internet một mẫu có sẵn với những hướng dẫn, dĩ nhiên là bạn phải hiểu và tôn trọng các qui định, nếu không khế ước có thể bị vô hiệu hóa.
Khi điền xong, bạn phải ký trước mặt hai nhân chứng, hai người này cũng phải ký, và phải xác nhận rằng bạn hoàn toàn hiểu những gì bạn đang làm; nhưng bạn không cần phải tiết lộ cho họ biết nội dung của khế ước. Hai người nhân chứng này không thể cùng lúc là người được ủy nhiệm trong khế ước, cũng không thể là người sẽ giám sát các vị được ủy nhiệm.
Khi ký xong bạn có thể trao một bản sao cho mỗi người được ủy nhiệm, đừng quên cho họ biết bản chính được cất giữ ở đâu vì khi cần đến, họ phải có bản chính thì mới thực thi được khế ước.
Khế ước cần được tham khảo đều đặn và nếu cần thì phải thay đổi tùy theo tình trạng của bạn. Bạn cần bảo đảm rằng mọi điều khoản vẫn còn đúng ý định của bạn, cũng như các người được ủy nhiệm vẫn còn khả năng thay thế bạn nếu cần.
Trách nhiệm của người được ủy thác
Người được ủy nhiệm phải tôn trọng các điều khoản trong khế ước hay các quyết định của tòa án:
- Thay bạn để lấy các quyết định về sức khỏe và tinh thần của bạn. Thí dụ: quyết định về nơi ở, săn sóc y tế, ăn uống, quần áo, tang ma trong trường hợp bạn chết, v.v…
- Quản lý tài sản và tiền nong của bạn một cách cẩn trọng.
- Tôn trọng quyền lợi và quyền tự chủ của bạn.
- Báo cáo đều đặn các việc đã làm theo khế ước hoặc theo lệnh tòa án.
- Trường hợp lạm quyền, tòa án có thể bãi nhiệm và thay thế người này. Nếu trong khế ước không tính trước chuyện thay thế thì tòa án sẽ chỉ định cách khác để bảo vệ bạn.
Khi ký khế ước bảo vệ này, tôi có còn tự quyết định điều gì được không?
Đương nhiên là có. Ngày nào mà bạn còn tỉnh táo và minh mẫn thì bạn vẫn tự quyết định mọi việc của bạn (trừ khi bạn làm Giấy Ủy quyền cho người khác như nói trong mục I.) Khế ước chỉ bắt đầu có hiệu lực khi bạn được tòa án xác nhận là bạn mất khả năng tự quyết định.
II.a) QUAN TRỌNG: THỜI ĐIỂM SỬ DỤNG KHẾ ƯỚC BẢO VỆ
Đây là thời điểm quan trọng mà khế ước bảo vệ được sử dụng: bạn rơi vào tình trạng mất tự chủ (autonomie/ autonomy) và mất năng lực (inaptitude/ incapacity). Nhưng khế ước không dùng được trước khi qua thủ tục được tòa xác nhận là bạn thực sự mất khả năng tự quyết. Thủ tục xin phép tòa án (homologation) phải qua từ vài tháng đến nhiều tháng, và phải nộp cho tòa một giấy của bác sỹ hay nhân viên xã hội (travailleur social/ social worker) xác nhận là bạn không còn khả năng tự săn sóc mình. Tùy theo tình trạng mất khả năng mà tòa sẽ phán quyết cho bạn sử dụng khế ước bảo vệ mà bạn có sẵn hoặc là một biện pháp khác nếu tình trạng của bạn chưa cần đến khế ước này.
Có phải trả chi phí tòa án không?
Dĩ nhiên là có, dù là khế ước do chưởng khế làm, bạn vẫn phải trả chi phí để tòa xét và quyết định cho bạn sử dụng khế ước bảo vệ.
Trong khi chờ đợi, ai sẽ lo cho tôi?
Người nhà của bạn sẽ tạm thời săn sóc cho bạn trong khi chờ đợi phán quyết của tòa.
Trường hợp khẩn cấp: luật cho phép người nhà của bạn lấy quyết định khẩn cấp thí dụ mái nhà bị sập thì phải sửa ngay không thể đợi tòa; trả những hóa đơn quan trọng của bạn.
Tiền lãnh từ chính phủ: người nhà cũng có thể thay bạn để lãnh và ký thác vào trương mục của bạn.
Quyết định về y tế: nếu bạn bệnh nặng trong khi thủ tục tòa án chưa xong, thì luật cho phép thân nhân như người phối ngẫu, con cái thành niên, có thể lấy quyết định về tình trạng sức khỏe của bạn.
Nếu bạn có Giấy Ủy Quyền (nói ở mục số I.) thì sẽ giải quyết được mọi vấn đề: người được ủy quyền sẽ tiếp tục nhiệm vụ thay mặt bạn trong tất cả các quyết định cho đến khi tòa quyết định cho phép bạn dùng Khế ước Bảo vệ. Đây chính là lý do tại sao chúng ta cần có cả hai văn kiện này (Giấy Ủy quyền và Khế ước Bảo vệ). Vì nếu thủ tục homologation kéo dài mà nếu không có giấy ủy quyền, bạn lại không có thân nhân ở gần thì rắc rối lắm.
II.b) ÍCH LỢI VÀ BẤT TIỆN TRONG VIỆC LẬP KHẾ ƯỚC BẢO VỆ
Trước khi lập một khế ước bảo vệ, bạn cần biết những lợi ích của nó, cũng như những bất tiện mà khế ước này mang lại, nếu như bạn không cẩn trọng. Do đó, một khế ước làm trước chưởng khế hay nhờ luật sư thảo, bao giờ cũng có lợi vì bạn được cố vấn một cách kỹ càng, không sợ phạm vào những sai lầm hay dùng những từ ngữ chuyên môn không chính xác có thể gây hiểu lầm hay ngộ nhận cho người thực hành khế ước. Chúng tôi xin trình bày những lợi ích và bất tiện để bạn cân nhắc.
Lợi ích của khế ước bảo vệ | Bất tiện của khế ước bảo vệ |
A. Thực tiễn
B. Mềm dẻo
C. Tiện lợi
|
A. Sự lạm quyền
B. Quá nhiều chỉ thị hoặc không đủ cụ thể
C. Không cập nhật
|
III. GIẤY ỦY QUYỀN CHĂM SÓC SỨC KHỎE
Giấy ủy quyền này nằm trong loại đã nói ở mục II. nói trên, tuy nhiên chúng tôi trình bày riêng rẽ vì sự quan trọng đặc biệt của nó. Đó là một tài liệu pháp lý, bạn ủy quyền cho một người khác lấy quyết định liên hệ đến vấn đề sức khỏe và y tế của bạn, kể cả những quyết định liên hệ đến sự sống chết của bạn.
Người được ủy quyền có thể là người phối ngẫu, con đã thành niên, hoặc bạn thân, hay đồng nghiệp được bạn tin cậy. Bạn giao quyền hạn pháp lý cho người này để thảo luận, bàn cãi với bệnh viện, với bác sỹ của bạn, trong trường hợp bạn bệnh nằm đó, không có khả năng nói, hay nghe, hay trả lời, hoặc bạn rơi vào tình trạng coma sau một tai nạn. Tưởng tượng nếu lúc đó không có ai lấy quyết định thay bạn thì thật là tai hại. Giấy ủy quyền sức khỏe cũng tránh cho bạn tình trạng nếu bác sỹ sử dụng các phương thuốc hay cách chữa trị mà bạn không muốn. Thí dụ: một người bị coma nặng, không cứu chữa được, nhưng không có ai lấy quyết định cả, bác sỹ đành để người này sống trong tình trạng thực vật, gây ra gánh nặng cho thân nhân họ trong nhiều năm trời.
Mỗi tỉnh bang đều có những luật lệ khác nhau về vấn đề ủy quyền sức khỏe. Bạn cần tìm hiểu luật của tỉnh mình cư ngụ trước khi ký giấy.
Trong giấy ủy quyền bạn cần cho biết rõ ý định của bạn, thí dụ có muốn bác sỹ tận dụng hết các phương cách hồi sinh không trong trường hợp tim ngừng đập (réanimer/ reanimate). Có muốn rút ống dưỡng sinh không nếu như bác sỹ nói không còn hy vọng cứu chữa, hay có thể rơi vào tình trạng thực vật? Hoặc ý định sẽ chôn cất hoặc hỏa thiêu nếu chẳng may bạn qua đời? Ở đâu? Hay muốn như nhà thơ Du Tử Lê và NS Phạm Đình Chương thì cũng ghi ra:
Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển,
Đời lưu vong không cả một nấm mồ.
Vùi đất lạ thịt xương không tan biến,
Hồn không đi sao trở lại quê nhà?
Dĩ nhiên, làm giấy ủy quyền sức khỏe hay không là quyết định cá nhân của bạn. Nếu bạn còn đầy đủ thân nhân bên cạnh và bạn tin rằng các thân nhân này có thể lo mọi việc cho bạn thì cứ dặn trong di chúc cũng đủ. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có thân nhân ở gần, cho nên cứ nghĩ trước vẫn hơn.
IV. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CHÚC THƯ – GIẤY ỦY QUYỀN VÀ KHẾ ƯỚC BẢO VỆ
Nãy giờ vòng vo Tam Quốc chắc các bạn cũng sắp “tẩu hỏa nhập ma” rồi. Vậy chúng tôi xin kết luận bài viết bằng một bảng so sánh sự khác biệt giữa Chúc Thư (đã đăng từ trước) – Giấy Ủy quyền (Mục I.) – Khế ước Bảo vệ (Mục II và III.)
TESTAMENT | PROCURATION | MANDAT DE PROTECTION |
|
|
|
Lưu ý: Nếu làm cả 3 tài liệu cùng lúc có thể được giảm giá |
Trước thềm Năm Mới, xin kính chúc quí độc giả nhiều sức khỏe để vượt qua giai đoạn khó khăn của mùa đại dịch, và hy vọng vaccin sớm đến với chúng ta để mọi người được trở lại với cuộc sống bình thường.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài… bát canh!