Chuyện tôm gà heo

Lời tác giả: Kỷ niệm 15 năm sống chung với những “đỉnh cao trí tuệ” loài người và ngủ chung với heo gà để “tăng gia sản xuất” và “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội”. Tên nhân vật và cơ quan đã được thay đổi.

1. Chăm lo đời sống: Chuyện con tôm càng

Phân cục đường sắt thành phố Hồ chí Minh 1979….

Cô cán Chi hồ hởi đưa bộ răng “Thưa cô rằng” (nói lái) bật ra đàng trước vừa làm mái hiên che mát anh chị em phòng Tài vụ, vừa làm loa oang oang loan báo: ” Ngày mai xin các đồng chí phòng Tài vụ nhớ đem túi, xách để đựng…đầu tôm nhé !”.

Thật là một tin vui vì từ bao năm nay, những con tôm càng xanh tươi mát vẫn nhảy tanh tách ở chợ trời Hàm Nghi từ trước 75, bỗng nhiên biến mất trên thị trường vì được xuất khẩu cho các đồng chí Liên Xô; nay được hồi hương.. cái đầu ! Có lẽ các đồng chí Liên Xô không mua vì chê đầu tôm ăn đau cổ họng, nên chi cái thủ cấp mới được làm Việt kiều hồi hương để gả bán cho các đồng chí công nhân viên nhà nước Việt Nam ta…ăn theo.

Vân Sổ Cái, trước kia hành nghề luật sư, nghe tin vui hân hoan đến nỗi khi tan sở vào nhà xe rồi, vẫn không ngớt bàn tán với các đồng chí gái. Riêng tôi thú thật cũng thấy thèm thèm làm sao!. Lâu rồi không nếm cái đầu con tôm càng nướng thơm phưng phức với gạch tôm đỏ chót, cuộn sà lách, giá sống trong miếng bánh tráng chấm nước mắm ớt; thật là tuyệt… cú mèo. Lại thêm chai bia vào nữa thì trời có đánh cũng không nhả mà. Tuy nhiên với sự dè dặt thường lệ tôi tự nhủ thầm : ” Ngày mai ăn đầu tôm, không biết ngày mốt có phải ăn xương cá không?”

Chiều về đến nhà, mồ hôi còn nhễ nhại, tôi lật đật dặn bà xã sửa soạn sẵn giỏ để đựng đầu tôm, sợ để đến tối quên mất. Bữa cơm bo bo chiều hôm đó thật phấn khởi hồ hởi hết sức. Tôi nói chuyện râm ran với vợ con, hân hoan không thua gì Vân Sổ Cái. Thằng nhóc con tôi chẳng hiểu gì, thấy bố mẹ vui cũng vui lây, cười nói huyên thuyên. Vợ tôi tìm đựơc cái giỏ thật kiên cố. Không những thế lại còn “đô con” nữa. Chục kí lô đầu tôm chứ bộ chơi sao. Tôi thận trọng lấy bút lông tô lên giỏ Họ, Tên, Địa chỉ, nơi làm việc vv.. y như làm Sơ Yếu Lý lịch trong trại học tập cải tạo vậy, chỉ sợ thằng đồng chí nào trong sở cầm nhầm thì tiếc lắm.

Sáng hôm sau, tôi đi làm hơi muộn vì đêm qua háo hức, trăn trở mãi ngủ không đựơc. Vừa đến cổng, tôi liếc vào nhà bếp xem chúng nó đã chia đầu tôm chưa. Chúng nó “mánh” lắm. Đứa nào lấy muộn thì chỉ còn của ôi thúi mà thôi. May quá, chưa! Ngoài sân các đồng chí cán bộ Công Nhân Viên đang sửa soạn ra tập thể dục đầu giờ. Tôi vội vàng cất xe đạp rồi lén vác cái giỏ giấu kỹ trong ngăn kéo bàn viết, cùng với đống hồ sơ kế toán và chồng “Báo cáo Nhanh”. Hôm nay mọi người tập tành thật hăng say . Các đồng chí công nhân viên nữ hai bên nách áo ướt nhem. Đi đến đâu xực nức mùi nước hoa Thiên Hương đến đó.

Tới giờ làm việc hàng giờ rồi, áo các nàng cũng đã khô, thế mà mùi nước hoa Thiên Hương vẫn xực nức, thế mà.. đầu mấy con tôm càng vẫn chưa hiện về.

” Ê mạy ! Ra nhà bếp coi chị nuôi nóí có đầu tôm về chưa, và chia ở đâu, có bắt thăm xem phòng ban nào xuống lấy trước không? “. Cán Chi giục cán Diệp. Cán Diệp ỏn ẻn xuống nhà ăn hàng giờ , bỏ cả một đống hóa đơn công nợ đó mà vẫn chưa thấy lên. Mãi đến chiều tan sở mới thấy một đồng chí từ ngoài ngõ hớt hải chạy về loan báo : ” Tôm về rồi ! Tôm về rồi ! “. Thật là bõ công chờ đợi. Chị Sáu Giới, phó chủ nhiệm Phân cục, kiêm bí thư chi qủy, đang ngồi eo xèo kiểu nước lụt trên chiếc ghế salon, bỗng bật hẳn dậy, hãnh diện ngổng cao đầu, động viên anh chị em:

” Các đồng chí thấy không ? Tui nói có là có mà !. Kỳ này phải cấp bằng khen cho đồng chí Chi phòng Tài Vụ nhe ! Nhờ đồng chí năng nổ chăm lo đời sống anh chị em Công Nhân Viên chu đáo, sau bao đêm trăn trở mới liên hệ được với “CÔNG TY ĐÁNH BẮT HẢI SẢN ĐÔNG LẠNH XUẤT KHẨU RA NƯỚC NGOÀI CẤP HAI THUộC QUẬN MƯỜI MÔT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH” mà giờ đây các đồng chí ta mới có được bữa cơm ngon đó!”. Cán Chi lại được dịp nhe cái “Thưa ông rằng” của nàng ra mà cười hãnh diện. Anh chị em vỗ tay đôm đốp tán thưởng đồng chí để tỏ lòng biết ơn. Biết ơn Bác, Đảng, Nhà nước, Phân cục đường sắt thành phố và đồng chí Chi. Cũng nên biết ơn cả các đồng chí Liên Xô vĩ đại đã không ăn đầu tôm; vì nếu các đồng chí biết ăn đầu tôm thì chắc chúng tôi chỉ còn ăn xương cá !!.

Chiếc xe camion to tổ bố từ từ lăn bánh vào Phân cục đường sắt thành phố Hồ chí Minh vào đúng 8giờ 03 phút 20 giây tối ngày 13/09/1979. Nó lăn đến đâu là mùi hôi thúi bay theo đến đó. Chị Sáo (Sáu) Giới thân hành ra tiếp đồng chí lái xe. Sau một hồi thương lượng, chiếc xe chạy thẳng đến….phòng Tài vụ, nơi tôi làm việc, vì dãy nhà bàn cạnh nhà bếp đã được chăng đèn kết hoa để làm tiệc chiêu đãi các đồng chí trên Tổng cục xuống liên hoan mừng đón lẳng hoa.. giấy của bác Tôn. Thế là từng bọc thủ cấp những con tôm càng xanh be bét những máu, nước thúi được kéo lê lết từng vệt dài trên nền gạch bông, lên từng bậc cầu thang và đóng đô ở phòng Tài vụ 2, trên lầu. Nơi đó người ta bắt đầu cuộc rút thăm xem phòng ban nào được chia trước. Có một số phòng ban xin được rút lui vì nghi ngờ tôm rữa, hư thúi rồi, không ăn được. Chị Sáu Giới phải trấn an:

” Các đồng chí đừng nghĩ là tôm thúi, hư hỏng. Tôm cua mùi nó nặng như dzậy thôi. ”

Thế là từng phòng ban lần lượt xách giỏ ra lãnh phần mình. Tôi đứng nín thở chờ đến phiên mình vì bây giờ là phòng Tài vụ. Chợt tôi cảm thấy như có cái gì nhão nhẹt, âm ấm, và tanh còn hơn tôm thúi chảy xệt trên bàn chân phải đang mang dép râu của tôi. Thì ra cái chất đó từ chiếc miệng xinh xắn của con nhỏ Thu thủ quỹ. Nó không chịu nổi mùi tôm thúi nên cho phóng ra tất cả những gì nó ăn từ bữa cơm trưa ra để gọi là ” dĩ độc trị độc “. Nó cho chó ăn chè !. Khiếp hãi, tôi phải quăng cái giỏ mang tên QUÁI (biệt danh của tôi) xuống đất, chạy thục mạng vào buồng tắm rửa chân. Nhân cớ đó tôi định “dzọot” luôn, không lãnh phần mình nữa. Tôi đi xuống dãy nhà bàn, trà trộn vào đám quan khách đang chè chén say sưa để trốn, đồng thời kiếm chác một bữa nhậu ké chơi. Đang say sưa men rượu rắn được độ nửa tiếng, bỗng tôi nghe tiếng chị Sáu Giới thét oang oang trong loa phóng thanh, nghe như trách móc, giận dữ : ” Xin mời đồng chí Hoàng chủ nhiệm Phân cục đường sắt và đồng chí Ngụy khắc Quái ( là tôi, họ Ngụy, bà con cụ Ngụy khắc Đản ngày xưa đi sứ sang Pháp đấy) phòng Tài vụ tranh thủ lên lãnh khẩu phần đầu tôm gấp.” Thế là đồng chí Sáu Hoàng bỏ cái lẳng hoa giấy của bác Tôn lăn lông lốc trên bàn ăn, cùng tôi tạm thời rời đám quan khách đó, hộc tốc chạy lên phòng Tài vụ lãnh phần. Cán Chi đứng chia đầu tôm nãy giờ, nước hoa Thiên Hương lại được dịp bốc mùi hăng hái hơn nữa, hòa điệu với mùi tôm thúi thành một tổng hợp hóa chất mà nhân loại chưa từng được biết đến bao giờ. Tôi đành nín thở, rụt rè cầm cái giỏ to tổ bố, có lẽ to nhất Phân cục vì tôi đã đăng ký mua đến mười kí lô, đưa ra cho cô cán Chi hốt từng đống đầu tôm rục rữa trên nền gạch vào. Thế là tôi đành bỏ dở bữa tiệc ăn lậu dưới nhà bếp mà vội vàng xách giỏ tôm cùng cái cặp da đựng hồ sơ kế toán tài sản Phân cục xuống nhà xe, đạp vội về nhà vì sợ mang xuống nhà bếp quan khách sẽ chạy hết mà để lâu hơn nữa thì nó lại càng thúi hơn chuột chết.

Đạp xe ngoài phố một lúc, tôi đã quen dần với mùi tôm thúi nên không thấy chi lạ. Nhưng thỉnh thoảng thấy có người đạp xe qua mặt mình, họ có vẻ cố phóng cho nhanh và không quên quay lại nhìn mình mà nhăn mặt, kể cả mấy ông du khách Liên Xô vĩ đại da trắng mặc quần short đang chạy bộ tập thể thao. Đi một đỗi chính tôi phải nhăn mặt. Mùi hôi thúi nồng nực bao quanh, lan ra cả một góc phố. Tôi không cần quay mặt lại nhìn cũng đoán được từ đâu ra. Nó từ các đồng chí của Phân cục chúng tôi không hẹn mà cùng gặp ở cái góc phố vô phúc này. Góc phố mang tên vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. May mà nó chưa mang tên những vị anh hùng hiện đại, như Nguyễn Văn Chổi chẳng hạn.  Thì ra họ tụ tập nhau lại để bàn nhau cách thanh toán cái của nợ. Kẻ bảo đem cho ăn mày. Người bảo vứt đại xuống đường. Có nàng lại bảo đem về kho thật mặn, cho thật nhiều nước mắm vào là…hết thúi !. Riêng tôi, tôi có cách của tôi.

Tôi cố đạp xe cho nhanh để tránh cái đám đông hôi thúi này. Tôi cũng phân vân không kém. Dù sao tiền cũng đã đóng cho nhà nước XHCN rồi, tôm đã lãnh rồi, vợ con đang nóng lòng chờ đợi bữa nhậu đầu tôm ngon lành hạnh phúc. Thế mà mình đành “Xù”, đi về tay không hay sao? Nhưng mang cái của nợ thúi hoắc này về thì ai mà chịu nổi?. Nhất là từ ngoài ngõ vào đến nhà tôi phải đi qua bao nhiêu nhà lối xóm thân thương?.

Tôi đạp xe qua cầu Trình minh Thế cũ. Gió trên cầu lồng lộng thổi. Tóc tôi rối bù. “Chân tôi nặng nề, lòng tôi nức nở…”. Nhưng tôi phải quyết định ngay vì khi xe đã xuống dốc cầu rồi, tôi không còn có dịp quay trở lại nữa. Tôi mệt lắm rồi. Tôi dựng xe trên cầu. Đi đi lại lại trên lan can cầu, tôi tần ngần nhìn xuống giòng sông Nhà Bè nước chảy cuồn cuộn. ” Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định Đồng Nai thì về….”. Ở đầu kia cầu là nơi Bác của tôi ( không biết có họ hàng từ bao giờ) đã lên tàu nấu cơm cho Tây tìm đường cứu nước. Nhiều khách bộ hành đi trên cầu nhìn tôi ái ngại. Có lẽ họ tưởng tôi thất tình, sắp sửa nhảy xuống cầu để hẹn cùng ai đó ở kiếp sau. Tôi lại nhìn xuống sông lần nữa. Nhiều người đạp xe ngang qua nhìn tôi. Chán quá, tôi đành móc cái giỏ tôm vào tay cầm, đạp xe đi tiếp một đoạn; rồi xuất kỳ bất ý, tôi giả vờ buông tay nhẹ nhàng cho chiếc giỏ rơi xuống đường. Chiếc giỏ rơi đánh bộp . Thế là thoát nạn rồi!. Vừa mới khom lưng phóng lẹ đã có người đạp xe đuổi theo kêu ơi ới, trả lại chiếc giỏ tôm yêu quí, vì họ có lòng tốt, tưởng tôi vô tình đánh rơi, qua cầu tình tình tình gió bay, qua cầu tình tình đánh rơi. Mặc kệ, tôi giả vờ không nghe co giò đạp tiếp. Thằng cha khốn kiếp lại cũng không buông tha. Hồi trước chắc nó là tay kiện tướng đua xe đạp hay sao mà chỉ một lúc nó đã bắt kịp tôi để giao lại cái của nợ. Tôi lí nhí cám ơn nó, lòng vừa buồn vừa tức…cười, vừa chửi thầm thằng cha Cù lần.

Thế là tôi đành đạp xe ngược lên cầu trở lại, chờ cả tiếng đồng hồ sau, khi hết giờ cao điểm, đường vắng người rồi mới lại đóng vai người thất tình lần nữa. Tôi ra lan can cầu nhìn xuống giòng sông Danube bleu Giao chỉ chảy theo điệu Valse lả lướt. Hình như có một con tôm nhỏ xinh xắn đang lội giữa dòng. Nó ngước mắt nhìn tôi. Tôi trừng trừng nhìn nó. Bỗng nhiên nó như bắn bổng khỏi mặt nước. Khi nó rơi trở lại, định thần nhìn kỹ, nó lại được thêm một phen hồn phi phách tán: một chiếc giỏ to tổ bố, đựng chừng mười ki lô toàn những chiếc đầu lâu to tướng của cả ông, cha, chú, bác nhà nó, từ trên lan can cầu vừa rơi xuống suýt đưa hồn nó về theo ông Bác của tôi lên tàu đi cứu nước ở một nơi cách đó không xa: Bến Nhà Rồng. Nó nhắm mắt nhắm mũi bơi thục mạng ra biển. Theo sau nó là một đoàn tôm tép khác. Chúng vừa bơi ra biển vừa cất tiếng hát. Hát rằng :

” Từ thành phố này, người (người) đã ra đi….”

Trên bờ, ông Trần hưng Đạo cầm gươm chỉ xuống sông như thúc giục chúng bơi nhanh hơn nữa.

2. Tăng gia sản xuất: Chuyện con gà

Ba tháng trôi qua… Dư âm vụ đầu tôm đã lắng. Nếu thời gian là liều thuốc nhiệm mầu chữa bệnh thất tình cho những ai lỡ yêu mà tình yêu lại chắp cánh bay xa, thì thời gian cũng đủ nhiệm mầu để làm quên đi mùi tôm thúi của Phân cục đường sắt thành phố HCM.

Sáng hôm đó… Cái đầu lâu “Bác” Hồ bằng thạch cao trắng bóc được phủi bụi sạch sẽ và do hai công nhân viên tiên tiến Hiển và Tích khệ nệ khiêng lên để trên bục cao. Chúng nó vừa khiêng vừa cười khúc khích. Hỏi sao thì tụi nó bảo vừa khiêng vừa gõ đầu vuốt râu. Trời đất!. Trên tường, phía sau bục là lá cờ Năm Chỉa vàng choé xòe ra năm nhánh trên nền đỏ chói lọi màu máu. Phía trên lá cờ là hàng chữ “Đại hội thi đua sản xuất Công Nhân Viên Phân cục đường sắt thành phố Hồ chí Minh năm 1979″. Hàng trăm cán bộ, CNV từ các phòng ban, quận huyện lục tục kéo nhau tụ tập về phân cục để dự đại hội. Khí thế thi đua bừng bừng.

Đến giờ khai mạc, Sáu Hoàng chủ nhiệm đại diện phân cục dứng lên phát biểu và phát động đợt thi đua. Anh nói thật hùng hồn. Đầu húi cao mốt bộ đội, quần áo kaki bạc màu từ ngày đi bộ đội trong rừng, lâu lâu châm vài quả 120ly vào Saigon hay giật mìn vài chiếc xe đò. Đôi mắt anh hừng hực nhiệt tình cách mạng, cằm anh bạnh ra cương nghị. Anh vừa nói vừa vung tay như búa bổ. Vài cô bé công nhân viên ngồi hàng đầu thỉnh thoảng cứ phải nghiêng người sang một bên để né tránh những đợt pháo kích bằng nước bọt của anh. Tôi nhìn anh mà không khỏi thầm phục con người này. Giản dị, trong sạch, đầy nhiệt tình Cách mạng. Cả Phân cục nghe anh mà máu trong người như trào sôi. Anh nói: ” Nếu người dân Việt Nam, mỗi người nuôi một con gà thì chúng ta sẽ sản xuất được hàng triệu con gà trong vài tháng. Nếu mỗi người nuôi một con heo thì chúng ta sẽ có hàng triệu con heo trong một năm.”. Câu nói đó làm tôi nhớ mãi. Ừ, giản dị chỉ có thế mà từ mấy chục năm qua chẳng có ai, kể cả mấy ông giáo sư thạc sĩ kinh tế của tôi ngày còn học ở trường Luật Saigon trước 1975, nghĩ ra nổi mà cứ phải chạy theo ăn mày nước ngoài để mang tiếng ” phồn vinh giả tạo ” . Tại sao mỗi người trong chúng ta không chịu khó “lao động vinh quang , lang thang chết đói” một chút ?. Chỉ trong vài năm là đất nước sẽ giàu mạnh. Heo gà lúc đó sẽ như Alain Delon chạy nhông nhông khắp nẻo đường đất nước. Dân số gà heo sẽ còn đông hơn dân số 60 triệu người Việt Nam lúc ấy nữa. Có thể chúng sẽ ăn thịt người Việt mình cũng không chừng. Nhớ hồi “Cách mạng” mới thành công, báo Tin Sáng của ông Ngô công Đức (đọc lái) đã tiên đoán: trong mười năm nữa người dân Việt Nam từ thành thị đến thôn quê, nhà nào, từ thành thị đến thôn quê, cũng sẽ có tủ lạnh,TV, xe gắn máy. Bây giờ đã bốn năm. Chỉ còn vài năm nữa thôi. Ráng lên!!

Sau khi Sáu Hoàng chấm dứt bài diễn văn cả Phân cục vỗ tay không ngớt. Thế là đợt thi đua bắt đầu. Kỳ này cả Phân cục phải đăng ký nuôi gà. Phòng này sẽ thi đua với phòng kia. Có giải thưởng lớn. Khí thế thi đua thật hào hứng. Tôi đăng ký mua chục con gà con, loại gà đẻ, nghe đâu là gà GOTO gì đó. Nuôi lớn lên sẽ giống gà hoa mơ của ta, đẻ sai lắm. Tha hồ ăn trứng đến đau gan thì thôi. Thằng tài xế Châu được cử đi liên hệ với Công ty CHĂN NUÔI GIA CẦM thành phố HCM để mua hàng mấy trăm con gà loại GOTO này. Mua cả thực phẩm cám gà với thuốc men đầy đủ.

Đến chiều tối chiếc xe tải của Phân cục đã chở gà về. Hàng trăm con gà con xinh xắn kêu chim chíp như chim được đậy trong những chiếc lồng bằng mây. Trông chúng thật dễ thương. Con nào con nấy lông đen thui. Tôi chọn được chục con nhanh nhẹn và khỏe mạnh nhất. Cán Chi sau khi bỏ lũ gà vào giỏ cho tôi còn không quên cân cám dư ra cho “chú ” Quái vài ký mang về. Tới tối tôi tạm để lũ gà ở nhà dưới bếp trong cái thùng bằng carton. Tôi lấy tạm một ít cám cho chúng ăn và một tí nước hoà trụ sinh, đổ trong cái dĩa nhỏ cho chúng uống. Thằng Hòa con tôi thích quá. Nó xách từng con gà lên xem, cười khanh khách. Tôi chỉ sợ nó bóp chết mấy con gà. Chúng kêu chim chíp, chạy lăng xăng trong thùng. Từ đó thằng con tôi gọi gà con là gà chíp.

Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, gom góp mấy chục thanh gỗ thông dùng đóng thùng thuốc mà mấy hôm trước đã phải giành giựt với mấy thằng đồng chí trong sở đem về nhà để đóng chuồng gà. Tôi lấy kìm, búa, đinh đóng thành một cái chuồng thật xinh xắn. Bên trong tôi gắn đèn 60w để úm cho gà ấm. Dưới đáy chuồng tôi đóng bằng lưới mắt cáo để cho gà có đi WC thì tất cả, kể cả cám, nước đều đổ xuống phía dưới. Tôi đóng chân chuồng cao lên một chút. Nhà thủy tạ mà. Phía dưới chuồng tôi lót một miếng ván. Tất cả được bưng lên đem vào cầu tiêu bỏ hoang từ lâu không sử dụng. Mỗi ngày tôi chỉ phải dời cái chuồng gà sang một bên, dội nước lên tấm ván thì tất cả sẽ trôi chảy xuống cầu, chỉ giật nước một cái là sạch boong. Tôi thầm phục ” trí tuệ ” của mình, chẳng thua gì trí tuệ của ” Đảng ta ” cả. Thằng Hòa thức dậy từ hồi nào, nhìn thấy bố bên cạnh chục con gà con trong cái chuồng xinh xắn, phục bố quá, nó thích chí cười như nắc nẻ. Nó nhìn đàn gà rồi thình lình chộp một con. Nó bóp con gà mạnh quá, con gà đau kêu thảm thiết. Tôi phải giật lại, bỏ con gà xuống. Nó khóc. Nó bảo: “con thích con gà đó nhất vì trông nó lanh, đẹp và đen tuyền”. Tôi bảo : ” Ừ, thì bố cho con con gà đó nhưng con phải đặt tên và đeo bảng tên cho nó để phân biệt với những con gà khác. “. Nó sung sướng quá, ôm bố hôn.

” Con sẽ đặt tên nó là PELÉ. “. Tôi nghĩ :” Đàn bà con gái mà biết đá banh gì ! “. Thế là nó làm một cái thẻ bài bằng carton nhỏ có chữ PELÉ, chỉ thiếu số quân, xỏ chỉ rồi nhờ tôi đeo vào cho con PELÉ. Tôi cột như cái nơ yểu điệu cho cô cầu thủ, chắc chắn lắm, khó mà rơi ra được.Từ đó, chiều nào mỗi khi mẹ đèo nó về từ trường mẫu giáo là thằng con tôi xà ngay đến chuồng gà để thăm con PELÉ. Nó phụ tôi cho gà ăn, uống, rửa chuồng. Những con gà GOTO này ăn đến khiếp. Có lẽ chúng hợp với thứ cám này. Chẳng mấy chốc đã gần một tuần. Chúng phát triển thấy rõ. Bây giờ con nào con nấy đã cao hẳn lên, lông mọc dài ra và béo tròn, tròn và to nhất là cái…phao câu. Đàn bà con gái có khác. Hông nở. Con nào con nấy phao câu trông sexy như mông của cô đào Marilyn Monroe. Những chiếc mông này chắc chắn sẽ ” mắn ” lắm, đẻ sai lắm. Mông chúng to đến nỗi đôi chân chúng như chịu không muốn nổi. Chúng bước đi mà đầu như chúc xuống đất. Phen này chắc chắn tôi sẽ đoạt giải thi đua của Phân cục : một chiếc mùng cho hai người và ít nhất giải an ủi là một cái quần xà lỏn, cũng cho hai người mặc chung. Tôi chia với con nhỏ thủ quỹ

Buổi sáng chủ nhật hôm đó…. Thằng con tôi đã lẻn đậy sớm xuống nhà thăm đàn gà con chắt chiu lúc nào không biết. Tôi và mẹ nó đang ngáy khò khò thì thằng bé hớt hơ hớt hải chạy lên gọi bố dậy. Nó khóc bù lu bù loa. Hỏi gì cũng lắc đầu. Nó chỉ xuống nhà dưới, mếu máo.

Tôi ù té chạy xuống, thẳng vào cầu tiêu nơi để chuồng gà, bụng nghĩ chắc mấy con gà đã bị chuột cống ăn thịt hoặc cắn chết hết rồi. Trước kia, nuôi mấy con gà ta cũng bị chuột cống cắn chết, có con bị chúng ăn thủng cả phao câu vẫn đi đứng được mà ruột lòi ra lòng thòng. Đến nơi, tôi vội mở chuồng ra coi mới thấy một quang cảnh còn hãi hùng hơn nữa. Một chục con gà đầu chúi xuống đất, mông chổng lên trời, mắt nhắm nghiền, hai bên khóe miệng là hai dòng máu đen chảy ra. Chúng ” xịt tương ” rồi. Chúng đã GOTO… HELL hết rồi !!. Con PELÉ chết ở tư thế ” đẹp ” nhất, cứ như cầu thủ PELÉ cắm đầu xuống đãt, hai chân chổng lên trời như đang đá móc vào gôn đối phương. Thằng Hòa dậm chân đành đạch, khóc tức tưởi. Nó cầm con PELÉ lên xem, vuốt đầu rồi vuốt mắt con gà chíp mấy cái rồi bỗng nó ném xác con gà đáng thương xuống đãt, chạy lên nhà trên, leo lên giường, úp mặt vào gối khóc nức nở. Tôi đứng sững sờ một lúc mới tỉnh người, quan sát kỹ mấy con gà đáng thương. Không một vết cắn. Không một dấu hiệu chuột. Tại sao mới hôm qua còn sống, còn sexy như vậy mà hôm nay đã ra gà thiên cổ?. Tại sao ?. Bây giờ tôi phải làm gì với đám gà này đây?. Tôi chán nản, bỏ cha nó lũ gà nằm đó, trở lên nhà trên, leo lên giường ôm thằng con an ủi nó một lúc rồi cố ngủ tiếp cho quên đời. Trăn trở mãi không ngủ được, bỏ cả cơm trưa, chiều, tối, cho đến….

Sáng thứ hai. Tôi đạp xe hộc tốc vào Sở. Từng nhóm từng nhóm đã họp nhau bàn tán xôn xao. Tôi dựng xe chạy ra hỏi thăm. Nhóm này Sổ cái Vân làm tổ trưởng, nhóm kia thằng Tích, thằng Hiển, nhóm nọ Cán Chi…Ai nấy mặt mày nghiêm trọng, phẫn uất. Tôi lò dò đến nhập nhóm Tài vụ của cán Chi. Nhờ thế mới được biết các đồng chí của mình cũng đồng…thuyền với mình luôn. Những em bé gà GOTO của họ, mới ngày nào còn tung tăng GOTO SCHOOL nay cũng bắt chước mấy con gà của tôi mà GOTO HELL, chẳng con nào chịu sống GOTO HOSPITAL hay đến xưởng đẻ TỪ DŨ để làm thiên chức làm mẹ, đẻ trứng cho chúng tôi ăn. Chẳng ai biết được nguyên do, hay cái sự cố kỹ thuật gì cả . Thôi đành lên sở làm việc vậy. Mặt đồng chí nào đồng chí nấy ỉu xìu, xụ xuống như mấy con gà Xù.

Đang ngồi làm thầy đồ, đồ đi đồ lại mấy tờ báo cáo tài sản để câu giờ, tôi bỗng giật mình vì có tiếng chân người chạy thình thịch từ dưới cầu thang lên. Ồ, thì ra con bé Tuyết, biệt danh Tuyết voi, thủ kho Kho 2. Làm gì mà vội thế em ?. Nó thở hổn hển, gọi mọi người bu lại. Nó chìa ra cái bao cám trống không, giơ cao cho mọi người xem. Tôi cũng nhào đến, kiễng chân lên nhìn hàng chữ trên bao :” THỰC PHẨM SỐ X DÀNH RIÊNG CHO GÀ ĐẺ TỪ 8 TUẦN TRỞ LÊN “. Trời ơi đất hỡi ! Thế mà thằng tài xế Châu nó tha về cho chúng tôi nuôi gà mới nở. Mọi người ùn ùn chạy đi lùng thằng Châu. Nó ” dzọt ” mất tự bao giờ.

Trong khi đó…Tại Cty ” CHĂN NUÔI GIA CẦM ” tp HCM. Cán Thu Cúc thủ quỹ phòng Tài vụ, hỏi cán Mai Liên phòng Nghiệp vụ :” Ê mạy !. Thằng Châu bồ mày bên Phân cục đường sắt thành phố đã đến lấy gà chưa và chừng nào mới chịu thanh toán tiền cho tao đây?”.

” Bồ với bịch gì mậy? Thằng này tính chuyện Sở khanh với tao. Tao điều tra nó đã có vợ con rồi. Thằng đểu đó tao chưa giết là may. Kỳ này sơ sơ tao mới bán cho nó đám gà mà đồng chí Bảy Khạp lựa ra và liệt vào hạng phế thải rồi đó.”

” Thế còn mấy chục bao cám số X mày bán cho ai ? “.

” Thì cũng thằng bồ Châu của tao lãnh búa chứ ai.”.

Hai cô cán bộ ôm nhau cười rũ rượi.

4. Kết luận: Chuyện con heo

Bầy heo nghe theo lời di chúc của một con heo già trước khi chết trăn trối , đã làm một cuộc cách mạng cùng với các súc vật khác trong trang trại, đã lật đổ và đuổi vợ chồng người chủ ra khỏi trại. Lũ súc vật lên thay chủ, dưới quyền lãnh đạo của những con heo. Chúng soạn khẩu hiệu, đặt bài quốc ca mới. Bọn heo cấm các súc vật khác không được làm bất cứ cái gì giống loài người. Khẩu hiệu của chúng là: ” Loài người Xấu, loài vật Tốt.”. Chúng thi đua nhau sản xuất tận lực, lao động dưới sự lãnh đạo của hai con heo trùm tên là Napoléon và Snowball. Đời sống của chúng được bọn heo hứa hẹn chăm lo đầy đủ. Chúng tự túc mọi thứ, lương thực được phân chia đồng đều. Không ai được hơn ai cả. Thế rồi hai con heo này tranh giành quyền hành. Một con đã phải chạy trốn sang trại khác. Trong các súc vật, có con ngựa tên là Boxer là phấn đấu hơn cả. Mồm lúc nào cũng lãnh đạo là đúng, phải tuyệt đối tuân theo lãnh đạo, phải tận lực lao động. Nó làm việc tận tuỵ, hi sinh quên mình, trung thành với bọn heo hơn bất cứ con vật nào khác . Đến khi chết, nó được lũ heo truy điệu trọng thể và xác của nó được…bán cho tiệm thịt ngựa. Bọn heo nuôi một lũ chó săn mà chúng đào tạo ngay từ khi mới đẻ để làm bảo vệ cho chúng. Lũ chó được tách khỏi chó mẹ ngay từ khi mới đẻ. Xuỵt đâu là cắn đó. Thế rồi xảy ra mất mùa, xảy ra trận chiến giữa bọn súc vật trại này với loài người ở các trại bên. Loài người bị đánh lui. Bao nhiêu súc vật đã hi sinh anh dũng. Nhưng… sau cùng thì…một hôm lũ súc vật đi công trường lao động trở về trại thì chúng thấy một quang cảnh hết sức lạ lùng làm chúng sững sờ: những con heo đang uống rượu (một việc mà chúng tuyệt đối cấm không cho ai làm trong trại) say sưa đú đởn nhảy nhót với mấy tên loài người ở những trang trại lân cận.

Câu chuyện về bọn heo này, nếu không nhầm chi tiết, tôi đã đọc trong quyển Animal Farm (Trại súc vật), một quyển sách của George Orwell, đã được xuất bản từ nửa thế kỷ trước. Thoạt đầu, cầm quyển sách tôi cứ ngỡ là chuyện trẻ con vì có vẽ hình mấy con súc vật ngoài bìa nên tôi không thèm đọc. Quyển sách nằm trong tủ sách nhà tôi hồi nào và của ai mua về tôi cũng không nhớ. (Sau này mới biết của bà Xã tôi học khi còn ở trường Sư Phạm Saigon trước 1975). Nhưng mới cách nay vài tuần thôi, tôi tò mò đọc thử. Lạ quá, sao mà giống thế. Giống “y chang”. Tôi thầm phục tác giả đã thấy những chuyện đó từ trước tôi đến hơn nửa thế kỷ.

Xin nhắc lại chuyện mấy con gà của tôi. Buổi chiều khi khám phá ra lý do mấy con gà chết, tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện mấy con heo này. Ở sở, Tôi trông đến giờ về để giải quyết lũ gà chết. Nếu không, chúng sẽ thối cả nhà lên, mất vệ sinh lắm.

Chuông reo. Tôi nhảy phóc xuống nhà xe, phóng lên chiếc xe đạp. Đường về nhà tôi phải đi ngang qua nhà Sáu Hoàng. Hôm nay tôi không thấy Sáu Hoàng đi làm. Nghe nói bịnh gì nặng lắm. Tình cờ khi đạp xe ngang qua nhà Sáu Hoàng, tôi nghe có tiếng nhạc rập rình, rậm rật. Lạ quá, tôi dựng xe bên cây me, trèo lên bờ tường đổ, nhìn vào sân. Ô kìa ! Sáu Hoàng đang nhảy đầm với một em mặc Sườn Xám, khoe cặp đùi trắng hếu. Mấy bàn ngoài sân đầy những người. Thịt, cá, rượu ê hề. Có cả mấy con tôm càng xanh còn “nguyên vẹn hình hài”, béo nung núc. Những người đàn ông trắng trẻo, mặt phúng phính, cằm có nọng, bụng bự, ăn mặc sang trọng, Tàu phù có, giai cấp mới Ta có, đang cụng ly ca hát nhạc vàng, tán thưởng anh Sáu. Sáu mới tập nhảy nhưng cũng ra điệu “Făng te zi ” ghê lắm, chân bước tới bước lui ” líu lên. Sáu cũng không quên bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở, lòn tay vào những chỗ hở của cái Sườn Xám. Đôi khi chân hắn dẫm cả lên chân người đẹp, làm em kêu oai oái. Nhưng không sao, người đẹp vẫn khen hắn nhảy bay bướm lắm và lại còn cười rinh rích. Hồn Sáu bay đến tận mây xanh. Sáu càng nhảy lả lướt, cứ như Ichabod Crane trong The legend of Sleepy Hollow của Washington Irwing vậy.

Tôi chán ngán, bước xuống bờ tường, xách xe đạp vội về nhà. Đầu tôi cứ nghĩ mãi đến cảnh Sáu Hoàng nhảy đầm uống rượu,” hủ hóa” với mấy người Tàu mà hồi trước hắn đã từng đánh tư sản và đuổi họ đi Kinh tế mới. Trời ơi sao mà càng lúc càng giống lũ heo trong Animal Farm quá vậy? “Thần tượng” của tôi đã sụp đổ rồi sao? Tôi tự nhủ: ” Thôi, quên đi. Lo về mà làm ma cho mấy con gà! “.

Về đến nhà, tôi thắp vội mấy nén nhang, đốt chút hương lòng, vái mấy con gà mấy cái cho hồn chúng được phiêu diêu miền cực lạc. Tôi đâu có tội lỗi gì về cái chết của chúng. Xin chúng đừng đóng phim ” Hồn gà báo oán ” với tôi. Tội ở thằng tài xế Châu cả đấy. Tôi nhờ bà Xã xịt hết lọ dầu gió xanh (từ bên Mỹ, quê hương của mấy con gà GOTO này gởi về ) vào một chiếc khăn rồi dùng khăn bịt chặt mũi. Tôi bỏ từng con gà vào bao bố rồi lấy dây bịt kín miệng bao xong ràng bao vào xe đạp, hộc tốc đạp ra khỏi nhà mà cũng không biết đi về đâu, trước sự ngơ ngác của vợ con tôi.

Sáng thứ ba. Mới độ bốn giờ sáng. Khi tiếng con gà cồ Việt Nam ta từ đầu ngõ gáy vang thì Sáu Hoàng, đầu còn choáng váng vì men rượu men tình đêm qua đã thức dậy, vò đầu, bứt tai, xục xọi khắp nhà từ phòng khách đến nhà bếp cũng chẳng tìm thấy con chuột chết nào. Hắn đi về phía sân trước. Mùi hôi thúi càng lúc càng rõ hơn. Hắn bật đèn ngoài sân. Dưới ánh sáng lờ mờ, hắn nhìn thấy ở bờ rào có đến dăm cái bao bố. Sinh nghi, hắn lò dò đến mở thử một bao xem sao. Hắn khỏi phải nhọc công vì bao đã được mở sẵn tự bao giờ cho mùi hôi thúi dễ thoát ra. Nhìn vào mấy cái bao hắn thấy toàn là gà chết, sình thúi không chịu nổi. Nhìn kỹ hắn thấy có một con gà cổ có đeo cái gì như tấm thẻ bài. Một tay bịt mũi, một tay hắn tò mò lật tấm thẻ lên xem. Tấm thẻ mang chữ PELÉ. Hắn chẳng hiểu gì cả. Mặt tái mét hắn lảo đảo bước vào nhà, tay ôm bụng, miệng nôn thốc ra tất cả những sơn hào hải vị mà hắn vừa đớp đêm qua.

Trong khi đó, ở nhà tôi, sau mấy ngày mệt mỏi vì gà, tôi ngủ như điên. Trong giấc mơ, tôi lại thấy mấy con heo trong Animal Farm đang nhảy đầm uống rượu với mấy thằng người bụng bự mặt mâm. Chỉ lạ một điều là những con heo này lại… đội nón cối, mang dép râu.

Điềm báo mộng này làm tôi tỉnh giấc mơ hoa. Tôi bò dậy, trang trọng lấy quyển Animal Farm bọc bìa cẩn thận rồi nhét nó xuống chiếc gối đầu giường… ./.

Nguyễn Văn Khiêm
Nguyễn Văn Khiêm
Xuất thân từ ngành Luật tại Việt Nam, sở hữu 4 certificates về programming & analysis của IBM, từng là deputy director of Department of EDP & Accounting của Ngân Hàng Quốc Gia VN trước 1975.

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức, bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time


 

 

MỚI NHẤT

183FansLike
0FollowersFollow
20SubscribersSubscribe

X