Hình minh hoạ

Lê Thị Nhị

Tôi vốn là một người yêu đời, yêu mình, yêu người và yêu cuộc sống.

Tâm trạng này của tôi càng tăng gấp bội khi tôi biết mình mang căn bệnh ung thư hiểm nghèo, vô phương cứu chữa!

Lần đầu vào năm 1978 tại Việt Nam, lần thứ hai năm 1984, lần thứ ba năm 1986 và lần thứ tư, mới cách nay ba tháng, khi tôi viết những dòng chữ này (Tháng 4 năm 2014, tại Mỹ).

Tôi không giống như những bệnh nhân ung thư khác. Thường thường những bệnh nhân ấy họ “chết” ngay khi họ còn “sống”. Có nghĩa là, khi được biết là mình có bệnh, những người này buồn rầu, không ăn, không ngủ được và lúc nào cũng lo ngay ngáy về cái chết sắp đến.

Tất nhiên, lần nào khi biết mình bị ung thư, tôi cũng nghĩ là mình sẽ ra đi vĩnh viễn vào một ngày rất gần. Nhưng thay vì âu lo, buồn khổ, tôi lại sống thật vui, thật trọn vẹn vì thấy rằng thời gian mình còn tại thế quá ngắn ngủi. Tôi không muốn phung phí môt giờ, một phút, một giây nào cả.

Có lẽ nhờ ở một phép mầu nhiệm nào đó cùng cách sống của tôi mà tôi đã vượt qua được bốn cuộc giải phẫu khó khăn với bao lần hóa trị, xạ trị…

Tôi xin chia sẻ cùng những người đồng bệnh về việc Vượt Thoát và Vui Với Ung Thư của tôi. Những mong quý vị cũng có thể sống bình thản và chống lại được với căn bệnh hiểm nghèo này.

Sài Gòn 1978:

Mấy ngày tôi cảm thấy mệt nhiều và cứ mỗi lần ăn vào là lại nôn thốc nôn tháo ra ngay! Bác sĩ cho tôi uống thuốc đau bao tử và thuốc nôn nhưng bệnh tình cũng không thuyên giảm! Tuy vậy, tôi vẫn đi học đều tại trường Cao Đẳng Sư Phạm vì ngày thi tốt nghiệp đã gần kề!

Ở vào lứa tuổi 36 với ba đứa con nhỏ, 8, 7 và 3 tuổi mà mỗi ngày còn phải gửi con cho bố mẹ chồng để đi học thì quả là cũng khó khăn lắm!

Nhưng với viễn ảnh, nếu gia đình không có người đi làm cho nhà nước thì phải đi kinh tế mới cũng như không được mua gạo và nhu yếu phẩm thì tôi phải cam chịu mà thôi, vì chồng tôi là một kỹ sư, được họ giữ lại làm việc, nhưng đã bất mãn với những người chỉ huy “vừa ngu, vừa đần” từ miền Bắc vào, cho nên đã tự ý xin nghỉ việc cả hơn hai năm nay rồi!

Ngày đầu tiên đến trường học, tôi phải cố gắng lắm, nước mắt mới không trào ra khi đứng trước lá cờ đỏ sao vàng và miệng thì phải ong óng hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao. Tôi cũng vô cùng khổ sở khi ngồi dưới hàng ghế cùng các sinh viên trẻ khác để nhìn, để nghe những giáo viên từ miền Bắc vào, giảng về Văn, Sử, Chính trị cùng những điều khoác lác về chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa!

Ôi! Tất cả những điều mình không muốn biết, không muốn nghe mà bây giờ phải học cho thuộc, phải làm bài cho giỏi thì quả thật là một cực hình!

Nhưng tôi không thể làm gì khác được! Nếu vượt biển không thành, tôi phải có việc làm để được ở lại thành phố, để có gạo cho các con ăn. Cũng vì ý nghĩ đó, tôi đã vượt qua được biết bao khó khăn để chờ hai tháng nữa là ra trường và bắt đầu đi dậy học. Vậy mà bây giờ tôi lại bị bệnh như thế này, thật là phiền phức quá!

Một ngày, tôi mệt lả mà cô con út thì cứ bám lấy mẹ, bắt mẹ bồng ẵm! Tôi nảy ra một ý định khá liều lĩnh là gửi các con cho bố mẹ chồng và vào nhà thương Saint Paul để nghỉ ngơi.

Tôi không nghĩ vào đấy để chữa bệnh mà chỉ là trốn các con mà thôi! Tôi nói đó là một ý định liều lĩnh bởi vì ngày ấy, chỉ còn nhà thương Saint Paul là bệnh viện tư nên vào đấy, sẽ phải trả một giá rất đắt! Nghĩ là làm, chiều hôm ấy, một người bạn đưa tôi vào bệnh viện Saint Paul.

Sau thủ tục nhập viện, tôi được đưa vào phòng khám của một bác sĩ rất trẻ. Ông ta hỏi han bệnh trạng và các thứ thuốc mà tôi đang uống, đo nhiệt độ, áp huyết, thử máu…Ông bảo tôi nằm xuống, nắn nắn cái bụng của tôi rồi nói với một vẻ nghiêm trọng:

– Bụng bà cứng ngắc và mặt bà tái mét, chắc bị mất máu nhiều. Ngày mai phải chụp quang tuyến thì mới biết rõ được.

Sau khi chụp quang tuyến, vị bác sĩ trẻ tuyên bố chắc nịch:

– Bà có cục bướu trong bao tử, phải chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy để mổ gấp. Bây giờ thì phải truyền máu ngay vì bà bị mất máu nhiều lắm, qua đường đại tiện.

Tôi bàng hoàng, tưởng như mình đang trong cơn ác mộng! Nghe đến phải mổ, tôi nhớ ngay đến bác sĩ Phạm Biểu Tâm, bạn của chị Hảo, chị họ của tôi. Tôi hỏi vị Bác sĩ:

– Thưa Bác sĩ, Bác sĩ Phạm Biểu Tâm có làm ở bênh viện Chợ Rẫy không ạ?

– Không, Bác sĩ Phạm Biểu Tâm làm ở bệnh viện Bình Dân.

– Thế thì tôi xin chuyển sang bệnh viện Bình Dân có được không?

– Tôi làm giấy chuyển sang thì được, nhưng không chắc bà sẽ được Bác sĩ Tâm mổ. Bây giờ, nhiều Bác sĩ ở ngoài Bắc vào lắm!

– Vậy thì xin Bác sĩ cứ chuyển cho tôi sang bệnh viện Bình Dân, tôi sẽ liên lạc để nhờ bác sĩ Tâm giúp xem sao.

Vị Bác sĩ đi rồi, tôi vào văn phòng của bệnh viện, xin gọi điện thoại nhờ. Đầu dây bên kia có tiếng Huế chọ chẹ:

– Allo! Đây là nhà Bác sĩ Tâm, ai ở đầu dây đó?

Tôi mừng rỡ:

– Dạ thưa chị, em là Nhị, em của chị Hảo đây!

– À em! Có việc chi mà gọi chị đó?

– Dạ thưa chị, em đang nằm nhà thương Saint Paul. Em bị bướu ở bao tử, ngày mai họ sẽ chuyển em sang bệnh viện Bình Dân để mổ gấp. Em muốn nhờ anh lo cho em. Em sợ mấy ông Bác sĩ từ miền Bắc vào lắm!

– Tội em quá! Ừ, để lát nữa anh về, chị sẽ nói với anh.

Sáng sớm hôm sau, tôi được chuyển qua bệnh viện Bình Dân, nằm phòng số 5.

Đến 8 giờ thì Bác sĩ Phạm Biểu Tâm vào thăm, xem hồ sơ và hỏi han bệnh tình của tôi rồi đi họp.

Hai tiếng đồng hồ sau, Bác sĩ Tâm trở lại phòng tôi và nói:

– Họ bảo em yếu, chờ vài ngày cho khỏe lại rồi mới mổ, nhưng anh bảo phải mổ ngay vì càng để lâu chỉ yếu thêm mà thôi và họ đã đồng ý nên sáng mai anh sẽ mổ cho em.

Hai vị Bác sĩ trẻ khác cũng bước vào phòng.

Bác sĩ Tâm giới thiệu:

– Ngày mai Bác sĩ Điền và Bác sĩ Tường sẽ là phụ tá của anh cho ca mổ của em.

Tôi cảm ơn cả ba vị bác sĩ và cảm thấy mình vô cùng may mắn vì đã được chữa trị bởi một Bác sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam.

Hôm sau, trước khi lên bàn mổ, tôi niệm Phật rồi nhắm mắt lại. Lúc ấy, hình ảnh các con tôi hiện ra thật rõ, thật gần. Tôi thầm cầu Trời Phật cho tôi qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, tiếp tục sống, để nuôi các con vì chúng còn quá nhỏ, lại còn phải sống dưới chế độ Cộng sản và một ông bố luôn sống “trên mây”, rồi mai này, thêm bà dì ghẻ nữa!

Khi tỉnh lại, tôi mờ mờ nhìn thấy những người thân vây quanh mình. Cái ống cho vào lỗ mũi thông tuốt vào cổ họng, vướng vướng, làm cho tôi vô cùng khó chịu. Tôi định lấy tay giật ra, nhưng tay tôi bị giữ lại. Tiếng nói của Vĩnh, cậu em chồng của tôi, thoảng nhẹ bên tai:

– Chị ráng chịu đựng! Cái dây này không lấy ra được!

Tôi cố nín thở, nước mắt ứa ra.

Tiếng bố chồng tôi hỏi Vĩnh:

– Liệu chị có qua khỏi được không con? Hôm qua mới đổi tiền. Nhà mình đổi được 200 đồng mà bây giờ một bịch máu truyền cho chị phải mua 50 đồng! Làm sao có tiền bây giờ hả con?

– Con nghĩ, nay mai mình sẽ bán được vàng bố ạ! Bệnh của chị chữa không dễ đâu! Nhưng mình sẽ chữa đến cùng, nếu cần phải bán nhà cũng phải bán!

Mẩu đối thoại của bố chồng tôi và Vĩnh khiến tôi vô cùng cảm động và sung sướng. Lúc này tôi mới hiểu là tôi được những người thân thương quý tôi đến mức nào!

Thời gian tôi nằm tại bệnh viện, chồng tôi luôn luôn ở bên cạnh, anh không đi đây, đi đó để nghe ngóng tin tức thời sự như thường lệ. Chị Trung của tôi, bị đánh tư sản, đuổi đi khu kinh tế mới Xuyên Mộc cũng đã trốn về để thăm nuôi tôi.

Ngày ngày, tôi được gia đình ân cần chăm sóc với tình thương vô bờ bến. Mẹ tôi luôn mang vào bệnh cho tôi những món ăn thật ngon mà tôi thường ưa thích.

Thỉnh thoảng, mẹ chồng tôi mới mang các con tôi vào thăm vì bà bảo không muốn cho chúng phải thấy cảnh nhà thương và những người bệnh.

Mỗi lần nhìn thấy các con, tôi lại nghĩ ngay đến cái đám tang của tôi, ba đứa bé, đầu quấn khăn tang, lẽo đẽo đi sau chiếc quan tài!

Tôi thường cắn môi cho khỏi bật khóc khi những chiếc kim chích to và cũ kỹ mà cô y tá Hồng cứ dùi mãi, dùi mãi mà chẳng vào được mạch máu!

Hai cánh tay tôi tím bầm và nát bấy nên cô y tá nào cũng sợ phải chích và lấy máu cho tôi. Những sợi dây truyền nước biển, những cái kim chích, được dùng đi, dùng lại, nhiều khi làm cánh tay tôi sưng phồng lên! Đôi khi, cô y tá Hồng thấy thương tôi, cô lại la to, hỏi cô Huệ ở phòng bên:

– Chị Huệ ơi! Chị có kim chích nhỏ và mới không? Cho em mượn để em chích cho bà Nhị. Thấy bà ấy sợ, tội nghiệp quá!

Những tiếng rên la luôn luôn vang dội bên tai tôi. Đôi khi có tiếng rên rỉ, van nài:

– Các con ơi, cho bố về nhà bố chết! Mấy ông Bác sĩ giải phóng có mổ gà mổ vịt chứ làm sao mổ được người ta! Đằng nào thì bố cũng chết, để cho bố chết nguyên vẹn các con ơi!

Có những lúc, các phòng bệnh đều vắng hoe vì y tá và các nhân viên bệnh viện vừa nghe loa phóng tanh báo tin đã đến giờ chia thịt, cá… Ai nấy hối hả chạy đi ngay vì họ sợ nếu chậm trễ, sẽ hết được chọn phần ngon. Những người nghèo, không thích thịt mà chỉ mong được chia cho phần mỡ để dùng được lâu.

Một tuần lễ dài lê thê ở bệnh viện và những ngày nghỉ ngơi ở nhà rồi cũng qua đi. Tôi bình phục và đi học trở lại để kịp thi ra trường.

Buổi chiều, sau khi đi học về và những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, tôi góp mặt với các bạn hàng “Chợ Trời” Trương Minh Giảng. Tôi mang miếng ni lông lớn, trải ra lề đường, bày quần áo cũ và những vật dụng linh tinh trong nhà để bán. Những lúc Công an ùa tới để tịch thu hàng hóa thì tôi và những người bán hàng túm tấm ni lông, ôm vào lòng và chạy tán loạn vào những con hẻm nhỏ.

Rồi tôi thành cô giáo, dậy trường Nguyễn Bỉnh Khiêm gần Sở Thú. Mỗi ngày, tôi đi xích lô đi dậy học và lương tôi khi ấy được 50 đồng một tháng! Tôi yên tâm, vì như vậy gia đình tôi sẽ được ở lại thành phố, không bị đuổi đi kinh tế mới.

Mỗi tháng, tôi vào bệnh viện Bình Dân 5 ngày để làm hóa trị. Truyền nước biển và thuốc xong, tôi lại ra về. Cứ sau khi làm hóa trị là tôi mệt lả, phải ăn uống tẩm bổ đầy đủ thì tháng sau, thử máu, mới có đủ số lượng hồng cầu và bạch cầu đề làm hóa trị tiếp tục. Thuốc hóa trị thời đó ở Sài Gòn rất đắt, 50 đồng một ống và rất hiếm. Anh Xương của tôi ở Úc gửi về cho tôi đều đặn và còn gửi cho tôi nhiều hơn số thuốc tôi cần để tôi có thể bán đi lấy tiền mà tẩm bổ.

Sau này, khi sang đến Mỹ, tôi mới được biết rằng những thứ thuốc như thế không dễ dàng mua được nhưng vì chị dâu tôi làm ở nhà thương nên các bác sĩ quen mới cảm thông và cho toa mua thuốc đó.

Cuộc sống của tôi vẫn nặng nề trôi theo vận nước! Nhưng tôi vẫn không quen được với nếp sống mới! Tôi vẫn không nghe được những bài hát của người miền Bắc mang vào! Tôi vẫn không đọc được những tờ báo, những quyển sách của những người Cộng sản. Tôi cảm thấy đau đớn trước những đổi thay tồi tệ của đất nước.

Duy có một điều biến chuyển trong tôi, đó là tôi không còn nhìn những người từ miền Bắc vào với một con mắt nghi ngờ, khó chịu nữa! Tôi cảm thấy thương cảm cho họ vì họ đã phải sống suốt đời trong sự đói nghèo, giả dối và chưa bao giờ biết đến hai chữ tự do!

Tôi đã dám nói cả chuyện tôi chuẩn bị vượt biển với những người họ hàng, quen thuộc, có địa vị trong chính quyền Cộng sản. Mỗi lần gặp tôi, có người còn nói: “Tưởng cô đi rồi, ai ngờ vẫn cứ lù lù ở đây!” Có người, tưởng tôi an phận, thành thật khuyên nhủ: “ Tìm đường vượt biên đi! Cô không sống được với họ đâu! Chúng tôi không bay lên trời, không lặn xuống biển được thì phải theo họ đó thôi!”…

Tôi vẫn sống như bao nhiêu người Việt Nam đang sống. Tôi vẫn mơ như bao nhiêu người việt Nam đang mơ: Vượt Biển!

Tôi tìm đường vượt thoát như một người điên! Đặt vàng chỗ này, họ chưa gọi đi, tôi đã lại tìm thêm đường dây khác. Tôi bị lừa khá nhiều! Mọi người thấy một mình tôi mà tính chuyện mang ba đứa con nhỏ đi vượt biển thì tìm cách…giúp đỡ tôi với những lời lẽ thật êm tai: “Tàu sẽ đi từ Vũng tàu sang Nam Dương nên không sợ hải tặc Thái Lan. Chuyến này có cả Bác sĩ đi cùng nữa nên chị yên tâm! Gia đình tôi sẽ lo cho chị và các cháu.”  “Tàu bè, bãi bến đã lo xong cả rồi chị ạ. Bọn Công an ở cần Giờ sẽ làm lơ cho mình vì tôi đã chi cho họ 10 cây rồi!”…

Tôi tin những người thân và cả những người không quen biết! Tôi tự nhủ, nhất định, nhất định tôi phải đưa các con tôi trốn khỏi cái “ Thiên Đường Xã Hội Chủ Nghĩa” này trước khi tôi chết vì căn bệnh ung thư.

Khi biết tôi có ý định đi vượt biển, bố chồng tôi đã vô cùng lo lắng và khuyên:

– Đừng đi con ạ! Con đừng mang con đi bỏ chợ! Sức khỏe con như thế, cho dù may mắn có thoát đi nữa, rồi ai sẽ nuôi các con của con? Cứ ở lại, mấy chục triệu người, người ta sống được, mình cũng sống được, con ạ!

Tôi nói để cụ yên lòng:

– Bố đừng lo! Bên Mỹ thì đã có chị Ý , bên Canada thì đã có chú Bình và ở cô nhi viện bên Mỹ cũng sướng hơn ở với Cộng sản, bố ạ!

Lúc sau, thấy bố mẹ chồng tôi quá lo âu về sự vượt biển của con dâu và các cháu nên tôi giả vờ như bỏ ý định ấy, không nói năng, bàn tán gì nữa.

Buổi sáng ngày 21 tháng 11 năm 1980, tôi dắt ba đứa con ra cửa và chào mẹ chồng:

– Con xuống nhà mẹ con ăn giỗ Mợ nhé!

– Mẹ nhớ hôm nay bên nhà đâu có giỗ?

– Có mà Mợ, giỗ chị con, Mợ không biết đâu!

Mắt tôi cay cay, đưa tay khép vội cánh cửa sắt màu xanh lá cây như khép một phần đời mình trên quê hương yêu dấu.

Giấc mơ vượt biển của tôi đã trở thành hiện thực sau hai ngày trốn ở Hải Sơn và ba ngày ba đêm lênh đênh trên biển cả trên một con tàu nhỏ bé cùng 150 người nữa. Nhưng giấc mơ của tôi không được trọn vẹn! Bởi vì chỉ có tôi, Bích Thu cô con gái lớn 10 tuổi và Hồng Thái, cậu con trai 9 tuổi là đến được bến bờ tư do, còn cô út cưng 5 tuổi thì kẹt lại Viện Nam đến 7 năm sau tôi mới đón được sang Mỹ qua chương trình ODP.

Sở dĩ bé Thuận bị kẹt lại, vì đêm hôm ấy, cháu Thư, con của chị tôi, 16 tuổi cõng Thuận chạy ra ghe nhỏ thì cái ghe nhỏ đó bị chìm. Cháu Thư bơi giỏi nên đã mang được em lên bờ và trở lại Sài Gòn!

Vui Với Ung Thư 1984

Thấm thoát, tôi và hai con đã ở Mỹ được 3 năm! Bích Thu đã 14 tuổi và Hồng Thái 13 tuổi.

Cuộc sống của ba mẹ con tôi tương đối đã ổn định.

Ngoài chị Ý, các cháu Vinh, Thi, Tùng và anh chị Phạm Tuân-Hỷ Nguyên, ông anh con của cô tôi, tôi đã có những người thân mới.

Đặc biệt nhất là bà bác sĩ người Tàu, bà Marian Chung Pinkham, người mà tôi gặp gỡ ngay từ những ngày đầu tiên đến Mỹ, khi đi khám sức khỏe tổng quát.

Sau này, bà trở thành bác sĩ gia đình và cũng là ân nhân của mẹ con tôi.  Chồng bà đã dạy kèm toán cho Hồng Thái mỗi thứ Bảy. Bà Chung đã lo mua sắm, may quần áo cho hai con tôi vào những ngày khai trường, Giáng sinh, Sinh nhật, hoặc những lần chúng đi đàn biểu diễn.

Những ngày sinh nhật của tôi, dù là ngày giữa tuần, bà cũng làm bánh sinh nhật rồi buổi tối, cả gia đình bà tới nhà tôi, ăn bánh, uống trà.

Tôi đã tậu được một chiếc xe khá tốt chứ không còn lái cái xe cà rịch, cà tang mua hồi mới sang với giá 600 Mỹ kim nữa!  Cái xe mà tôi nhớ đời với những lúc nó nằm lăn quay giữa đường hay trên xa lộ, không chịu nhúc nhích!

Nhờ cảnh sát, nhờ người qua đường gọi xe kéo dùm và kiên nhẫn ngồi đợi trong xe, dưới ánh nắng chang chang của mùa hè hoặc cơn tuyết đổ mùa đông, đó là “nghề” của tôi!

Tôi cũng đã sắm được cho các con một cây dương cầm hiệu Balwin mới tinh và cho chúng đi học đàn trở lại.

Sức khỏe của tôi cũng khá, chẳng phải thuốc men gì nên tôi yên tâm, vừa đi làm thêm vừa đi học vào buổi tối ở trường Montgomery College, Rockville, Maryland.

Tôi cũng bắt đầu để ý đến các sinh hoạt của cộng đồng người Việt tỵ nạn. Tôi đã hăng hái tham gia những buổi gây quỹ giúp đồng bào tỵ nạn, con tàu vớt người vượt biển, những buổi văn nghệ, những dịp Tết Trung Thu do Tổng Hội Phụ Nữ Diên Hồng (thuộc mặt trận Hoàng Cơ Minh), nhóm sinh viên Bách Việt, nhóm thanh niên thiện chí ở Maryland hoặc sinh viên các trường đại học trong vùng tổ chức.

Cuộc đời tôi đang êm ả  trôi, thì một hôm, bà bác sĩ Chung gửi tôi đi chụp Memmogram thử Pap Mear…

Sau các cuộc thử nghiệm, bác sĩ chuyên môn cho biết tôi bị ung thư cổ tử cung, cần phải giải phẫu!

Nghe tin chẳng lành, tôi nghỉ học, lo chữa trị và chuẩn bị…từ giã cõi đời!

Lúc đó vào khoảng đầu tháng ba,  mùa Đông giá lạnh của vùng Đông bắc nước Mỹ đã trôi qua và mùa Xuân đã tới với nắng vàng ấm áp, cỏ cây hoa lá bắt đầu đâm chồi nẩy lộc khắp nơi, khắp chốn.

Tôi thích ngắm hai hàng cây cao với tàn lá xanh non bên đườngWashington Park Way vào những buổi sáng sớm, khi tôi một mình lái xe để đến bệnh viện George Town.

Tôi thường gọi con đường này là “Con Đường Tình Ta Đi”, mặc dù là tôi đi…một mình! Đối với tôi, con đường này thật tuyệt vời vào mùa Thu! Một rừng cây lá vàng, lá đỏ, màu sắc đậm, nhạt, đẹp như tranh vẽ, đã làm say đắm lòng người.

Đôi khi, sau khi ở bệnh viện ra, tôi vòng xe ra bờ sông Potomac để ngắm những cây hoa Anh đào mới nhú những nụ be bé, xinh xinh. Những khoảng đất gần đó, trồng nhiều loại hoa, nhiều nhất là hoa Tulip, đang đua nhau khoe sắc thắm cùng những thảm cỏ xanh mướt cũng đã khiến tôi ngơ ngẩn và quên đi mình đang mang một chứng bệnh hiểm nghèo.

Tôi không nói với anh chị Tuân-Nguyên là tôi bị bệnh, cho đến khi Bình, cậu em chồng của tôi ở Canada, gọi sang nói với anh Tuân:

– Phải một tuần nữa em mới sang được, nhờ anh chị trông nom chị Nhị dùm em nhé!

Chị Nguyên biết chuyện, trách tôi sao không cho anh chị biết, nếu tôi có làm sao thì anh chị ân hận biết là chừng nào!

Bình sang thăm tôi, cả nhà cùng nhau đi DC ngắm cảnh mùa Xuân và chụp hình thật nhiều!

Nhìn từng tấm ảnh, tôi nói đùa với các con:

– Như vậy thì mẹ không chết được đâu, vì tấm  ảnh nào mẹ cũng cười toe, cười toét! Thành ra …chẳng có tấm nào có thể bày lên bàn thờ được cả!

Tuy nói như vậy, nhưng trong lòng, tôi nghĩ, lần này tôi không thể thoát khỏi cái chết vì thường thì người mắc bệnh ung thư có thể cầm cự  tối đa được năm năm, mà tôi thì đã sang đến năm thứ sáu!

Nghĩ mình sẽ chết, nhưng tôi vẫn hy vọng ở một phép lạ.

Tôi ngỏ ý với chị Quỳnh Hoa là tôi muốn chị giới thiệu cho tôi với ông Trần Quang Quyến để được ông xem tướng.

Chị dẫn tôi đến bến Metro ở gần Ngân Hàng Thế Giới, nơi ông Quyến làm việc. Tan sở, ông gặp chúng tôi, nhìn tôi, ông bảo:

– Dao kéo, mổ xẻ thì có nhưng không chết đâu. Chị về bán đất nghĩa trang đi, mời tôi đi ăn cơm Tàu!

Tôi muốn tin lời ông Quyến nói lắm, nhưng cũng vẫn nghĩ là ông nói vậy cho mình đỡ sợ mà thôi!

Ngoài việc ra vào bệnh viện George Town như đi chợ, tôi lo chuẩn bị đi xa, đi thật xa!

Tôi bàn với bà bác sĩ Chung:

– Tôi phải sắp xếp mọi việc, chứ tôi mà chết, thì chị tôi chỉ có ngồi đó mà khóc thôi!

– Cần nhất là bà phải làm cái di chúc. Bà Dudley (bạn của bà Chung) đã hứa với tôi, Thứ Năm này bà ấy đưa bà đến Luật sư và bà ấy sẽ trả lệ phí cho Luật sư luôn, bà khỏi phải lo!

Tôi cười:

– Tôi làm gì có tài sản mà phải làm di chúc?

Bà Chung giải thích:

– Thì hai đứa nhỏ đó! Bà phải làm di chúc giao cho ai nuôi dưỡng chứ. Tôi đề nghị, chị bà là người thứ nhất và tôi là người thứ hai nhé!

Đất nghĩa trang, tôi mua ở gần nhà. Nghĩa trang Gate Of Heaven ở góc đường Georgia và Aspen Hill.

Ngày ngày đi ngang qua đó, tôi ngậm ngùi tự hỏi: “Không biết chừng nào mình phải nằm dưới tấm thảm cỏ xanh mượt kia đây?”.

Rồi một hôm, cao hứng, tôi làm một bài thơ mà cho đến bây giờ tôi chỉ nhớ được một đoạn:

Mộ Ta

Mộ ta ở giữa nghĩa trang
Xanh xanh thảm cỏ với hàng thông cao
Hoa thơm trên lối đi vào
Những pho tượng đá đứng chào khách qua
Đâu đây tiếng khóc thiết tha
Tiễn người yêu dấu đi xa không về
Người đời thực lắm u mê
Khóc chi thảm thiết? Đi về nhà thôi.
Ở đây gió thoảng mây trôi
Có trăng sao sáng có đồi thông reo
Ở đây đời sống không nghèo
Bình yên, hạnh phúc, ai theo ta cùng?
Ở đây tuyết phủ mùa đông
Cỏ non hoa huệ hoa hồng mùa xuân
Mùa hè nắng đẹp tuyệt trần
Lung linh ấp ủ trên thân thể này
Mùa thu có gió heo may
Lá vàng lá đỏ bay bay lưng trời
Đừng thương đừng tiếc người ơi
Trần gian cõi tạm, về nơi vĩnh hằng

Cuối cùng thì ngày tôi phải vào bệnh viện George Town để giải phẫu cũng đã đến.

Trước ngày nhập viện, tôi nói với chị Ý và anh chị Tuân-Nguyên:

– Trưa mai, em sẽ tự lái xe đi nhà thương, rồi hôm sau, mọi người đi thăm em thì mang xe về!

Anh Tuân phì cười:

– Hay nhỉ, cái cô này đi bệnh viện mổ mà cô làm như đi chơi! Nhà cả đống người, không ai đưa cô đi được à? Ngày mai, để anh bảo thằng Pim đưa cô đi (Pim là tên ở nhà của cậu con trai lớn của anh).

Sau khi nhận phòng tại bệnh viện, tôi được Bác sĩ Barnes cùng vài ba bác sĩ thực tập vào thăm hỏi và giải thích cho tôi nghe những điều ông sẽ làm cho cuộc giải phẫu sáng sớm ngày mai.

Rồi suốt từ lúc đó cho đến khuya, những cô y tá thay phiên nhau vào phòng tôi để đo nhiệt độ, áp huyết, truyền nước biển… Các cô ân cần giảng giải và dặn dò đủ thứ. Đôi lúc, tôi nghĩ thầm như muốn trả lời với các cô bằng câu nói của nhà văn Vũ Trọng Phụng:

– Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Sự tiện nghi, bác sĩ tài giỏi của Lombardi Cancer  Center và những tiến bộ về y học của một bệnh viện nổi tiếng thế giới mà tôi đang được chữa trị, đã đưa tôi trở về với bệnh viện Bình Dân của những ngày xưa cũ.

Bác sĩ Barnes khiến tôi nhớ đến bác sĩ Phạm Biểu Tâm hiền hòa, khả kính. Những cô y tá tóc vàng, mắt xanh, xinh đẹp làm tôi nhớ đến nét mặt khắc khổ, thiếu vắng nụ cười của  các cô y tá Hồng, Huệ, năm xưa.

Căn phòng của bệnh viện với khăn trải trắng tinh, máy truyền hình cùng những dụng cụ y khoa tối tân khiến tôi không thể nào quên căn phòng nhỏ hẹp, dơ bẩn và những sự thiếu thốn của bệnh viện Bình Dân!

Những bữa cơm đầy đủ chất bổ dưỡng hàng ngày mà tôi được ăn, khiến tôi liên tưởng đến những bệnh nhân gầy còm, chỉ còn xương bọc da, đang cố nuốt bát cơm trộn với bo bo với chút muối mè hoặc sang lắm thì là một, hai con cá kho mặn, nhỏ bằng ngón tay!

Buổi chiều, sau khi đi học về, Hồng Thái, con trai tôi, gọi điện thoại cho mẹ :

– Con để cái điện thoại bên cạnh rồi con đánh đàn cho mẹ nghe nhé.

Nói dứt lời, Thái bắt đầu đàn. Tiếng đàn vụng dại của con và phải nghe qua điện thoại, vậy mà tôi thấy con tôi đàn hay như chưa bao giờ hay như thế!

Đêm hôm ấy, tôi ngủ thiếp đi trong cơn mệt mỏi về tinh thần và thể xác!

Sáng sớm hôm sau, chị Ý, cháu Thi, Bích Thu và Hồng Thái đã có mặt tại bệnh viện. Tôi  bùi ngùi nhìn hai con và nhớ đến Bích Thuận, con gái út của tôi còn kẹt lại ở Việt Nam.

Những giây phút được nhìn ngắm và chuyện trò với các con và những người thân, sao quá ngắn ngủi!

Khi người y tá đẩy chiếc băng ca, đưa tôi vào phòng mổ, nước mắt tôi ứa ra khi nghĩ rằng mình và các con sẽ chẳng bao giờ gặp lại!

Nhưng rồi tôi lại vui ngay vì các con tôi đã được sống tự do trên xứ Mỹ.

Đối với tôi, nước Mỹ không phải là đất tạm dung mà là quê hương thứ hai của những người Việt tỵ nạn vì quê hương Việt Nam đã xa cách nghìn trùng!

Trong phòng mổ, tôi thấy bác sĩ Barne và nhiều người khác nữa, đi qua, đi lại trong bộ quần áo đồng phục màu xanh lơ nhạt hoặc màu trắng và đang chuẩn bị những dụng cụ bằng kim khí, như dao, kéo…trên cái bàn kê ở góc phòng.

Sau khi được chụp thuốc mê, tôi mơ hồ nghe những tiếng nói lao xao, nhỏ dần, nhỏ dần… Và rồi tôi không còn biết gì nữa.

Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong phòng hồi sinh với bịch nước biển treo trên một cây sắt cao đang nhỏ từng giọt, từng giọt xuống cái ống bằng ny lông nhỏ, truyền vào mạch máu, nơi cánh tay tôi. Chị Ý, cháu Thi và hai con tôi cũng có mặt ở đó. Các con tôi reo lên mừng rỡ:

– Mẹ tỉnh lại rồi!

Lúc đó, tôi mới biết là mình còn sống! Nhưng vì còn quá mệt nên tôi chỉ nói chuyện được vài ba câu ngắn ngủi.

Hôm sau, vợ chồng bà bác sĩ Chung vào thăm tôi với một bó hoa hồng đỏ thắm.  Bà  ân cần hỏi han và khuyên tôi phải cố gắng ăn uống để lấy lại sức khỏe.

Khi sắp ra về, bà Chung bỗng hỏi tôi về cách nấu Phở. Bà lấy giấy bút ghi chép cẩn thận.

Mấy ngày hôm sau, bà vào thăm tôi với cái phích nước và một cái tô nhỏ đậy giấy bạc. Thì ra bà đã nấu phở để mang vào cho tôi ăn!

Những ngày nằm trong bệnh viện rồi cũng qua đi! Tôi xuất viện, trở về mái nhà xưa, một căn chung cư hai phòng ở đường Georgia, Silver Spring

Các con tôi vẫn học hành ngoan ngoãn. Chị tôi bớt lo âu vì tôi đã dần dần khỏe lại. Cháu Thi mướn cho tôi hầu hết những bộ phim có cô tài tử Audrey Hepburn để tôi xem cho đỡ buồn.

Đúng hai tháng sau cuộc giải phẫu, tôi khỏe hẳn, có thể lái xe đi đây, đi đó và mọi sinh hoạt của gia đình tôi trở lại bình thường.

Thế là, thêm một lần nữa, tôi thoát khỏi lưỡi hái của Tử thần trong đường tơ, kẽ tóc!

Vui Với Ung Thư 1986

Mấy tháng sau cuộc giải phẫu năm 1984, tôi cứ nghĩ là sức khỏe của mình yếu lắm nên tôi chỉ chừng mực trong mọi sinh hoạt.

Tôi không đi học nữa, chỉ ở nhà lo cơm nước, đưa đón các con đi học đàn, thư viện và những sinh hoạt trong trường.

Lúc nào tôi cũng nghĩ thương các con, chúng thiếu thốn mọi bề bởi vì một mình tôi không thể chu toàn được nhiệm vụ của một người mẹ và một người cha, nhất là với sức khỏe của tôi hiện tại.

Một hôm, cháu Thi và người bạn, đề nghị lái xe, đưa ba mẹ con tôi đi New York chơi, sáng đi, tối về. Tôi ngần ngừ vì sợ mệt nhưng rồi cũng quyết định đi cho các con vui.

Chuyến đi đã khiến tôi tự tin hơn, bởi vì đi từ 5 giờ sáng, đến khuya mới về mà tôi chẳng mệt chút nào cả!

Biết mình đã hoàn toàn bình phục, tôi lại tham gia các sinh hoạt như xưa và còn bày thêm ra nhiều chuyện để làm nữa.

Tôi giúp Ủy Ban Cứu Trợ Đồng Bào Tỵ Nạn Đông Nam Á trong các cuộc gây quỹ. Tôi cũng luôn luôn có mặt trong những buổi văn nghệ của sinh viên các trường Montgomery College, Maryland, George Mason.

Bất kỳ đi đâu, tôi cũng mang theo các con, để mẹ con được gần gụi nhau và để cho các con quen dần với không khí Việt Nam. Tôi mong ước các con tôi có một tâm hồn Việt Nam và biết nhớ đến cội, đến nguồn.

Con gái Bích Thu của tôi đã lớn, mười sáu tuổi rồi và có rất nhiều bạn. Bích Thu lại làm chủ tịch hội học sinh Á Châu của trường nên ngoài việc học, Bích Thu còn bận rộn với những sinh hoạt trong trường và tiệc tùng sinh nhật liên miên của bạn bè.

Thấy các con có ít bạn Việt Nam quá, tôi đề nghị với chị Kim Oanh, cựu giáo sư của trường Gia Long, thành lập nhóm Thiếu Nhi Lạc Hồng.

Vào những ngày cuối tuần, tôi từ Maryland, đưa các con sang Virginia, đến nhà chị Kim Oanh hoặc nhà của một người nào đó, cũng có con trong nhóm, để cho các em họp mặt, ăn uống, tập hát, tập múa, tập đàn tranh, tập kịch, tập nấu ăn…

Các con tôi đã tìm được niềm vui bên những người bạn mới và đã quen dần với những bài hát, câu hò của người Việt Nam.

Các em gặp nhau và tập dượt hàng tuần nên lúc nào nhóm Thiếu Nhi Lạc Hồng cũng sẵn sàng có tiết mục văn nghệ để tham gia những ngày Lễ Hai Bà Trưng, Giỗ Tổ Hùng Vương…

Với sự giúp sức của một số thân hữu, trong năm 1985, nhóm thiếu nhi Lạc Hồng đã tổ chức được hai buổi văn nghệ khá thành công: Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán ở trường Kenmmore.

Vào dịp Tết Nguyên Đán, tôi và chị Kim Oanh cũng làm một bữa tiệc với bún thịt nướng và bánh chưng để đãi các em trong nhóm Lạc Hồng và những em bé Việt Nam không thân nhân, ở với các gia đình người Mỹ, tại cơ quan Connection.

Tôi không bao giờ quên hình ảnh những em bé Việt Nam, chạc bằng tuổi các con tôi, mắt sáng lên khi vào phòng ăn, thấy nhiều bạn và các món ăn Việt Nam.

Món bún thịt nướng được các em tận tình thưởng thức, có em húp hết cả chút nước mắm còn lại trong tô và nói:

– Lâu lắm con mới được ăn nước mắm!

Những cái bánh chưng be bé mà  tôi gói vụng về ngày hôm trước cũng được các em ăn một cách ngon lành!

Buổi tiệc thật vui với tiếng cười nói rộn rã và tiếng hát vang vang của các em.

Khi ra về, nhìn nét mặt các em buồn hiu với cái bánh chưng nhỏ xíu và xấu xí trên tay, tôi thấy thương các em thật nhiều!

Một ông người Mỹ cao lớn đã chở một số em không thân nhân đến và ở lại dùng tiệc, đến bên tôi nói:

– Cám ơn bà đã cho các em một ngày vui! Khi nào có những sinh hoạt của các trẻ em thì xin bà cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ cho các em đến tham dự.

Nói rồi ông đưa cho tôi  tấm danh thiếp, tên ông là Thomas Doubble Day.

Từ đó, tôi thường liên lạc với ông qua điện thoại và cũng gặp lại nhiều lần khi có những buổi sinh hoạt cho các trẻ em.

Năm 1985 tôi sống thật vui vẻ và trọn vẹn! Các con tôi học giỏi và ngoan, biết nghe lời mẹ. Những sinh hoạt trong cộng đồng đã cho tôi cơ hội gặp gỡ và quen biết nhiều người thân mới, đa số là các em trẻ.

Ngày vui qua mau! Ngày buồn bỗng dưng lại đến!

Tháng ba năm 1986, tôi lại phải lên bàn mổ, vì mặc dù lần trước đã cắt cả buồng trứng nhưng bây giờ phải giải phẫu để nạo cho hết những phần ung thư mới phát hiện!

Vẫn bệnh viện George Town! Vẫn Bác sĩ Barnes thân quen! Vẫn con đường George Washington với hai hàng cây lá non xanh nõn! Vẫn những cây hoa Anh đào nhú nụ be bé, xinh xinh và rất nhiều loại hoa đang đua nhau khoe sắc thắm bên bờ sông Photomac hiền hòa, thơ mộng!

Các con tôi, những người thân của tôi còn đó! Nghĩa trang Gate Of Heaven vẫn còn kia!

Một lần như hai lần trước! Tôi trải qua sự đau đớn về tâm hồn và thể xác!

Các con tôi chưa khôn lớn! Con gái út của tôi vẫn còn kẹt ở Việt Nam, giấy tờ bảo lãnh chưa đi đến đâu!

Tôi lại tham lam, cầu Trời, Phật, cho tôi qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo một lần nữa!

Và rồi Trời phật lại cho tôi toại nguyện sau cuộc giải phẫu và những ngày hóa trị, xạ trị!

Tôi lại được nấu nướng cho các con ăn hàng ngày! Tôi lại được đưa các con đi thư viện, học đàn, đá banh, đá bóng…

Tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc!

Mùa Xuân qua đi, mùa hè đã đến! Tuy mới mổ được 3 tháng nhưng tôi cũng quyết định cho các con sang California chơi để thăm Disneyland, thế giới thần tiên của tuổi thơ!

Một ngày, ông Thomas Doubble Day gọi điện thoại cho tôi. Tôi nói với ông rằng tôi mới bị mổ vì bệnh ung thư lần thứ ba và tôi đã gửi thư cho hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, xin họ can thiệp với chính quyền Hà nội để chồng và con tôi được sang đoàn tụ.

Đầu giây bên kia, ông nói ngay:

– Thế thì bà cũng gửi cho tôi một lá thư như thế, xem tôi có giúp gì được không.

Tôi hỏi lại:

– Thế thì tôi phải đề tên ai nhỉ?

– Bà đề tên tôi!

Trước khi cùng hai con đi Cali, tôi bỏ cái thư gửi cho ông Day vào thùng thơ.

Ba mẹ con tôi đến Los Angeles, ở tại nhà Yến, một người bạn rất thân của tôi và được gặp lại rất nhiều bạn cũ.

Tôi hạnh phúc tràn trề khi nhìn các con tung tăng khắp nơi khắp chốn trong thế giới thần tiên Disneyland cho tới mãi khuya mới về.

Các bạn tôi đã dẫn ba mẹ con tôi đi chơi những nơi nổi tiếng nhất của Los Angeles:

Một tuần ở Los đối với ba mẹ con tôi thật tuyệt vời!  Có lẽ chẳng bao giờ tôi  quên được cái tình cảm bạn bè nồng ấm và những cái hay, cái đẹp của một thành phố nổi tiếng trên thế giới.

Rời Los Angeles, ba mẹ con tôi lên xe đò đi San Jose.

Gia đình hai người bạn tôi là Hoàn và Gia Vinh đã đón ba mẹ con tôi với sự chân tình. Các con của Hoàn và Vinh cũng cùng lứa tuổi với các con tôi nên ba gia đình đi chơi chung rất là vui vẻ.

Hoàn giao hẹn ngay từ đầu:

– Mọi chi phí tao và con Vinh chia nhau, đãi mẹ con con Nhị. Đừng chơi cái kiểu nhà quê mà giành nhau trả tiền nhé!

Hoàn và Vinh cũng đưa ba mẹ con tôi đi thăm các danh lam thắng cảnh của San Jose và San Francisco

Một buổi sáng, trước khi đi chơi, tôi cầm tờ báo Việt Nam lên đọc. Tôi bỗng giật mình trước một cái tin trên trang  nhất của tờ báo: Ông Thomas Doubble Day, đã đại diện chính quyền Mỹ, ký kết với chính quyền Hà nội, mở lại chương trình ODP ….

Đọc xong bài báo, tôi nói với Vinh và Hoàn:

– Tao trúng số rồi! tao quen một ông Mỹ mà không biết là ông ta làm lớn! Trước khi tao sang đây, ông ấy bảo tao gửi cho ông ấy cái thư giống như cái thư gửi cho hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, nhờ can thệp để cho gia đình tao đoàn tụ. Bây giờ đọc báo, mới biết ông ấy vừa đại diện chính quyền Mỹ ký kết với Việt Cộng để mở lại chương trình ODP. Vậy là tao có hy vọng rồi!

Hoàn và Vinh cũng nghĩ như vậy và mừng cho tôi.

Gia đình Vinh, Hoàn đã cho ba mẹ con tôi một tuần lễ tuyệt vời! Những cuộc đi chơi vui vẻ, những món ăn lạ miệng  trong các tiệm ăn sang trọng cũng như những món ăn thuần túy Việt Nam mà các bạn đã trổ tài ở nhà, khiến tôi nhớ hoài, nhớ mãi!

Về lại Maryland, tôi nhận ngay được một bức thư của tòa đại sứ Mỹ tại Thái Lan với nội dung:  Chúng tôi đã liên lạc với chính quyền Hà nội để can thiệp cho chồng và con bà sang đoàn tụ.

Chúc bà mau bình phục và sớm được đoàn tụ.

Mấy tháng sau, gia đình tôi ra phi trường Dulles để đón cha con Bích Thuận, cô út cưng của tôi. Gặp lại con sau tám năm dài xa cách, tôi khóc vì sung sướng!

Cảm ơn Trời Phật, cảm ơn ông Thomas Doubble Day, đã cho gia đình tôi được đoàn tụ!

Nỗi lo lắng sẽ chết vì căn bệnh ung thư của tôi đã không xảy ra! Tôi lại sống thật khỏe mạnh, vui vẻ bên các con. Trời Phật đã cho tôi thời gian để bù đắp cho cô út cưng của tôi những tháng năm dài thiếu vắng mẹ!

Rồi mười năm sau, năm 1996, các con của tôi tốt nghiệp Cử nhân, Bác sĩ, Luật sư.

Mỗi khi đi dự Lễ ra trường của các con, lòng tôi vui như mở hội, nét mặt tôi rạng rỡ!

Các con tôi nhỏ bé, đội mũ, đội mão trong bộ áo màu đen rộng thùng thình hòa lẫn trong đám đông sinh viên tốt nghiệp, đa số là người ngoại quốc, cao lớn, dềnh dàng.

Tôi là một người mẹ vô cùng hạnh phúc khi thấy các con của mình đã thành danh, thành người, trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn: Một người mẹ bệnh hoạn, vất vả nuôi con trên xứ lạ quê người!

Vui Với Ung Thư 2014

Sau lần giải phẫu năm 1986, bệnh ung thư đã cho tôi sống bình yên hạnh phúc trong hai mươi tám năm!

Những sinh hoạt của Hội Văn Hóa Vùng Hoa Thịnh Đốn với trại hè Về Nguồn, những buổi đi cắm trại ở bãi biển, những lớp dạy Tiếng Việt , những buổi văn nghệ…từ năm 1990 cho đến năm 2000 đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui bên các con và những người bạn trẻ.

Trại hè Về Nguồn cũng đã cho Bích Thu, con gái  tôi, kén được một người chồng Việt Nam thật giỏi giang và hiền hậu!

Tôi là người  ham vui, cho nên năm 2000, khi mọi sinh hoạt của Hội Văn Hóa có vẻ chậm lại vì các em trong hội đã trưởng thành và có đời sống riêng, tôi lại tham gia Câu Lạc Bộ Văn Học Vùng Hoa Thịnh Đốn để cùng sinh hoạt với các nhà văn, nhà thơ.

Nguyệt san Kỷ Nguyên Mới do các văn thi hữu trong hội chủ trương đã cho tôi việc làm thường xuyên (không lương!)  và cơ hội để đọc, để viết, để trau giồi tiếng Việt.

Trong bốn năm trở lại đây, Sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Văn Học Và Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn có vẻ khởi sắc và đa dạng hơn, nhờ sự tham gia của các em trẻ.

Hội không chỉ thu hẹp trong những buổi thơ nhạc và  giới thiệu sách mà còn có nhiều sinh hoạt khác nữa.

Từ đó, tên chính của hội trên giấy tờ là Câu Lạc Bộ Văn Học Và Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn nhưng còn có thêm một cái tên thân mật là Nhà Việt Nam.

Nhà Việt Nam với những sinh hoạt, tủ sách Tiếng Quê Hương, in ấn và phát hành sách và nguyệt san Kỷ Nguyên Mới đều là  ba bộ phận của Câu Lạc Bộ Văn Học Và Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn.

Những buổi tiệc gây quỹ, giới thiệu sách, nhạc thính phòng, văn nghệ Tinh Hoa Nước Việt,  Hội Tết, Phát giải thưởng cuộc thi Em Viết Tiếng Việt, đi phát cơm trưa cho những người vô gia cư…đã được rất nhiều thân hữu và các bạn trẻ tham gia.

Trong mọi sinh hoạt của hội, lúc nào tôi cũng có mặt. Tuy làm việc chẳng được bao nhiêu vì khả năng hạn hẹp, nhưng khi tham gia các sinh hoạt, tôi thấy tôi vui  hơn là nằm nhà xem phim bộ hoặc lang thang đi phố mua sắm áo quần!

Thời gian dài hai mươi tám năm, sau cuộc giải phẫu năm 1986, những tưởng tôi đã có thể hát bài “Ung thư ơi! Chào mi!” rồi chứ!

Nhưng không phải thế! Một ngày trong tháng 9 năm 2013, tôi đến bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, chỉ với mục đích xin cái toa mua thuốc rỗng xương, vì tôi vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng bác sĩ Hà lại nói:

– Cô xuống cân nhiều quá! Vậy thì bộ đồ lòng của cô, con phải rà lại hết mới được!

Bác sĩ Hà đưa cho tôi mấy cái toa để đi chụp quang tuyến.

Ngày hôm sau, vừa ở phòng chụp quang tuyến ra, độ 5 phút, tôi còn đang lái xe trên đường về nhà, văn phòng bác sĩ Hà đã gọi điện thoại:

– Ngày mai, xin cô lại văn phòng gặp bác sĩ  Hà gấp, bác sĩ cần nói chuyện với cô về kết quả chụp quang tuyến ngày hôm nay!

Tôi biết là sức khỏe của mình lại trục trặc chi đây!

Hôm sau, vừa gặp tôi, bác sĩ Hà đã phán:

– Cô bị ung thư ruột rồi cô ơi!  Cô sẽ phải mổ. Con sẽ gửi cô đến Fairfax Oncology để họ lo cho cô nhé. Mấy ông bác sĩ ở đây giỏi lắm!

Bác sĩ Hà giảng giải cho tôi nghe những điều tôi cần biết.

Trước khi tôi ra về, bác sĩ Hà  đưa cho tôi tấm check và dặn dò:

–  Con ủng hộ chương trình Tinh Hoa Nước Việt. Nhưng cô lo chữa bệnh đi nghe cô! Cô đừng lo Tinh Hoa Nước Việt nữa nhé!

Tôi cười, đáp:

– Chữa bệnh là chữa bệnh! Tinh Hoa Nước Việt là Tinh Hoa Nước Việt!

Tinh Hoa Nước Việt là một chương trình văn nghệ do Nhà Việt Nam tổ chức từ ba năm nay với sự tham gia của các sinh viên, học sinh trong vùng.

Năm nay, các em đang tập dợt và chỉ còn hơn một tháng nữa là đến ngày trình diễn.

Tôi biết tôi ham vui như Lão Ngoan Đồng, trong truyện Chưởng của nhà văn Kim Dung, nên khó mà nghe lời bác sĩ Hà lắm!

Thế là tôi vừa lo chữa bệnh, vừa đến xem các em tập dợt vào mỗi ngày Chủ Nhật tại Cafeteria trường Nova hoặc Nhà Việt Nam.

Ngày các em trình diễn, mới sáng sớm, Bích Thu, con gái tôi đã ra lệnh:

– Mẹ cần mang sách Tiếng Quê Hương, hoặc những thứ để triển lãm thì để con mang ra trước. Các anh các chị ở ngoài đó sẽ sắp xếp. Gần giờ khai mạc, mẹ mới được đi!

Tất nhiên là tôi phải tuân lệnh con gái tôi rồi!

Khoảng một giờ trưa, khi tôi ra đến trường Nova thì mọi việc đã sắp xếp xong xuôi đâu vào đấy dưới sự chỉ huy của các anh chị: Nguyễn Tấn Phước, Hoàng Đức Long, Hoàng Vi Kha, Công Xuân Tùng, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Thu Thủy, Bùi Thị Đoan Trang…

Tôi hài lòng khi nhìn khu triển lãm sách Tiếng Quê Hương, tranh ảnh của nhóm Việt Toon và những bàn giới thiệu các cơ sở thương mại bảo trợ cho chương trình Tinh Hoa Nước Việt… được sắp xếp thứ tự và rất đông người qua lại, hỏi han.

Tôi thật sung sướng khi thấy trong Hội Trường từ dưới nhà cho đến trên lầu, các hàng ghế đều không còn chỗ trống!

Vào phía trong hậu trường sân khấu, tôi thấy các anh chị lớn đang chạy tới, chạy lui, mướt mải “điều binh khiển tướng”.

Các tài tử trình diễn, xúng xính trong những bộ y phục lộng lẫy, oai vệ, của các Vua, Quan, Công chúa, Binh lính thời xưa hoặc thướt tha, dịu dàng trong những tà áo dài, áo tứ thân, chiếc áo bà ba…

Suốt ba tiếng đồng hồ của chương trình văn nghệ, gần một trăm em sinh viên học sinh và các bạn trẻ, đã  mang đến cho khán giả những nụ cười và nước mắt!!

Những màn hoạt cảnh Vạn Thắng Đại Vương, Trường sử ca Đại Việt với Hội Nghị Bình Than, Hội Nghị Diên Hồng, Công Chúa An Tư, Bên bến Đò Rừng, Vạn Kiếp, Tiếng Sóng Vân Cừ… đã đưa khán giả về với những trang sử oai hùng nhưng đầy gian nan của dận tộc!

Những bài hát, câu hò, những màn múa, đầy tình tự dân tộc, được các em người Mỹ gốc Việt trình bày, khiến cho khán giả tưởng như mình đang sống trên quê hương Viêt Nam yêu dấu!!

Màn hoạt cảnh “Mưa Hôm Qua, Cho Nắng Hôm Nay”, nói về thế hệ những người di tản thứ nhất, khi ra nước ngoài đã phải làm việc cực khổ để nuôi dưỡng các con. Để ngày nay, các con của họ trở thành những người hữu dụng trong xã hội với đủ mọi ngành nghề.

Và với truyền thống văn hóa Việt Nam “Ăn Quả, Nhớ Kẻ Trồng Cây”, các em đã cùng nhau đứng trên sân khấu, mỗi em ôm trước ngực một chữ để xếp thành tiếng: Cám Ơn Cha Mẹ, Cám Ơn Nước Mỹ.

Tôi đã thực sự xúc động với tiết mục Mưa Hôm Qua, Cho Nắng Hôm Nay!

Tất cả những hình ảnh trên sân khấu, sao mà gần gũi với tôi quá!

Tôi khóc, vì thương những phụ huynh đã sớm lìa đời, không thấy được sự thành công của con mình, hoặc những người còn sống, nhưng các con của họ đã không hề biết đến sự hy sinh cao cả của mẹ cha!

Tôi khóc, vì tôi đã may mắn thoát được căn bệnh ung thư trong ba mươi sáu năm qua để được nhìn thấy các con khôn lớn, thành người!

Buổi văn nghệ chấm dứt trong tiếng vỗ tay vang rền và những lời khen ngợi của khán giả.

Tôi vào sau hậu trường sân khấu, ngỏ lời cám ơn các em.

Anh Nguyễn Tấn Phước, người anh cả của các em, choàng tay, ôm lấy vai tôi nói:

– Con làm quà cho cô Tinh Hoa Nước Việt đó!

Tháng mười một, tôi bận rộn với hóa trị, xạ trị để chờ ngày 23 tháng giêng  thì lên bàn mổ!

Hồng Thủy, bạn tôi, sợ tôi bị rụng tóc, mang ngay đến ba bộ tóc giả, cho tôi chọn và đội thử để Thủy còn sửa sang lại cho đẹp!

Tuần lễ đầu làm hóa trị và xạ trị, tôi mệt lả! Đi bệnh viện về là nằm suốt ngày!

Tôi không được lái xe! Đi đâu, chị và con gái tôi phải đưa đón!

Điều này khiến tôi cảm thấy thật khổ sở, vì thường ngày, tôi lái xe khá nhiều! Nhiều đến nỗi các văn thi hữu trong Câu Lạc Bộ gọi tên tôi là Nữ Hoàng Xa Lộ!

Tuần thứ hai, tôi bắt đầu uống bột nấm Linh Chi và lá đu đủ!

Tôi thấy tôi khỏe hẳn ra. Tôi bắt đầu làm những công việc nhẹ nhàng trong nhà.

Tóc tôi không rụng và bộ tóc giả Hồng Thủy cho, tôi vẫn chưa dùng đến!

Tôi cũng thử lái xe đưa các cháu đi học.

Rồi tôi lái xe xa hơn một chút!

Mừng quá! Tôi đã lái xe được để đi chợ, đi bệnh viện, không cần phải chị tôi và con gái đưa đón nữa!

Bột nấm Linh chi và lá đu đủ đã giúp tôi chăng?

Thời gian này, cũng là thời gan Thu Thủy, cô thư ký của Nhà Việt Nam, bàn với tôi về việc tổ chức Hội Tết Giáp Ngọ vào ngày 18 tháng 1 năm 2014.

Một hôm, Thu Thủy gọi điện thoại hỏi tôi lần chót:

– Cô quyết định năm nay có làm Hội Tết không để con còn đặt tiền mướn Nova. Nếu để trễ quá, không có ngày giờ mình muốn đâu!

Câu hỏi này, Thu Thủy đã hỏi tôi nhiều lần nhưng tôi cũng chưa biết phải trả lời làm sao. Thoáng nghĩ đến Hội Tết, năm nay là năm thứ tư, mọi chuyện đã vào nề nếp, bây giờ mà bỏ đi thì cũng tiếc lắm!

Ngần ngừ một lúc, tôi nói:

– Sức khỏe của cô không khá! Chỉ sợ bày ra rồi một mình Thủy phải lo nên cô không dám quyết định! Tùy Thủy đấy!

– Cô không nói, nhưng con biết cô bệnh mà! Nhưng cô có muốn Hội Tết không? Cô muốn thì con làm. Con làm được! Những người giúp mình bây giờ nhiều lắm mà cô!

Anh Phước làm quà cho cô chương trình Tinh Hoa Nước Việt, con làm quà cho cô Hội Tết.

Sau khi Thu Thủy đặt tiền mướn trường Nova để tổ chức Hội tết vào ngày 23 tháng 1 năm 2014, ngày nào tôi và Thu Thủy cũng nói chuyện với nhau vài ba lần, bàn định chuyện này, chuyện nọ sau khi đã hội ý với một vài người thân trong nhóm.

Việc chuẩn bị Hội Tết còn đang tiến hành và bữa tiệc Mừng Lễ Tạ Ơn do Nhà Việt Nam tổ chức vào ngày 24 tháng 11 cũng gần kề thì trong một buổi gặp nhau ở Nhà Việt Nam, anh Võ Thành Nhân, Hoàng Đức Long, Thu Thủy và tôi lại quyết định tổ chức bữa cơm và bán thức ăn gây quỹ giúp nạn nhân bão ở Phi Luật Tân ngay tại Nhà Việt Nam.

Hai ngày sau, tờ quảng cáo được gửi điện thư đi khắp nơi, đăng trên các báo, loan báo trên đài phát thanh, truyền hình với nội dung mời bà con đến ăn trưa, ăn tối, mua thức ăn mang về, ủng hộ thức ăn và tiền cho quỹ cứu trợ nạn nhân bão Phi Luật Tân vào  ba ngày, Thứ Sáu, Thứ Bảy và trưa Chủ Nhật, 22, 23 và 24 tháng 11.

Sáng ngày thứ Sáu, tôi đi hóa trị và xạ trị!

Ở bệnh viện ra lúc 11 giờ, tôi ghé chợ Đại Hàn, mua vật liệu để nấu một nồi bò kho cho khoảng một trăm người ăn, với ý định sẽ bán vào tối thứ Sáu và trưa thứ Bảy.

Sau khi đặt nồi bò kho vĩ đại lên bếp, tôi thấy còn dư thời giờ, nên lại “chơi” thêm một chõ xôi vò!

Đúng năm giờ chiều, tôi đã có mặt tại Nhà Việt Nam cùng với Thu Thủy và nhiều thân hữu khác để sắp xếp mọi việc!

Nhìn  hai nồi bò kho và một khay lớn xôi vò tôi mang đến, một thân hữu lắc đầu:

– Trời đất! Cô bệnh mà cô làm dữ vậy nè:

Tôi cười hì hì:

– Con gái tôi bảo tôi khùng! Người bình thường cũng chẳng làm như thế này nữa là mẹ đang bệnh!

Mà có lẽ tôi khùng thật! Một người bệnh như tôi, thay vì phải nghỉ ngơi thì lại làm việc còn hơn những lúc bình thường nữa!

Có lẽ, vì tôi sợ cái ngày mà tôi không thể làm được việc gì nữa sẽ đến rất gần!

Những đêm, thấy tôi ngủ trễ vì ham đọc sách hoặc viết lách vớ vẩn, con tôi bắt tôi đi ngủ. Tôi nghe lời con, nhưng lại thầm nghĩ: “Rồi một ngày, mình sẽ ngủ luôn, không bao giờ dậy nữa! Bây giờ mà ngủ nhiều, uổng phí thời gian quá!”

Tối thứ Sáu, trời trở lạnh! Chúng tôi cứ tưởng thực khách sẽ chỉ là những thân hữu được mời, được năn nỉ mới đến, nhưng không ngờ, bà con vùng Thủ đô hưởng ứng lời kêu gọi của ban tổ chức nồng nhiệt quá sức tưởng tượng!

Ngoài những món ăn chính mà ban tổ chức chuẩn bị, nhiều khay thức ăn, bánh trái được bà con mang đến tặng, bày la liệt trên mấy cái bàn dài.

Chị Kim Oanh, Thu Thủy, Hoàng Đức Long và mười em trong hội Kết Đoàn cùng những thân hữu đến giúp, loay hoay trong bếp hoặc chạy tới chạy lui, mỗi người mỗi việc, trên môi luôn nở những nụ cười vì quá vui!

Một phần ăn đơn sơ, không phải ở một khách sạn, một nhà hàng Tàu sang trọng, Cũng không có ca sĩ nổi tiếng và ban nhạc… Nhưng các thực khách đã vui vẻ ký check, bỏ tiền  mặt như bươm bướm vào cái hộp “Ủng Hộ” để trên cái bàn nhỏ, nơi cửa ra vào.

Bên ngoài, trời tối đen và thật lạnh! Nhưng trong căn phòng nhỏ, trụ sở quá khiêm nhường của Nhà Việt Nam, nổng ấm tình người, chan hòa niềm vui.

Cảnh tượng ấy được tiếp tục vào suốt ngày thứ Bảy và buổi trưa Chủ Nhật.

Chỉ trong ba ngày thôi mà chúng tôi đã được gặp hầu hết những khuôn mặt thân quen và rất nhiều khuôn mặt mới của đồng hương sinh sống trong vùng.

Có những khuôn mặt mới, chỉ sau một lúc chuyện trò với những người trong ban tổ chức, đã vui vẻ cho số điện thoại với lời nhăn nhủ: Chừng nào cần gì, cứ gọi nhé!

Mấy ngày hôm sau, thủ quỹ Hoàng Đức Long và Thu Thủy đã đại diện Nhà Viêt Nam, trao cho ông đại sứ Phi Luật Tân tại Mỹ một tấm check trên 12 ngàn Mỹ kim, một đóng góp nhỏ nhoi, nhưng chan chứa tình người!

Sau buổi dạ tiệc Mừng Lễ Tạ Ơn, tổ chức tại nhà hàng Harvest Moon ngày 24 tháng 11, tôi ngưng hẳn mọi sinh hoạt bên ngoài.

Ngoài những lúc phải đi bác sĩ hoặc làm những cuộc thử nghiệm, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, thu xếp những việc lặt vặt.

Coi vậy mà cũng khá nhiều việc! Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu? Việc gì  phải làm trước, việc gì phải làm sau?

Tôi gom góp những tấm ảnh cũ của tôi cùng với gia đình, bạn bè để Bích Vân, cô cháu gái của tôi, làm cho một cuốn DVD.

Vân đã lấy tựa đề cho cuốn DVD là Dòng Thời Gian và nhạc nền cho cuốn DVD, Vân chọn toàn những bản nhạc Việt Nam và Ngoại quốc mà tôi thường ưa thích!

Vân còn làm thêm cho một cuốn DVD ba năm sinh hoạt của Nhà Việt Nam.

Tôi ngao ngán nhìn cái nhà xe và cái basement mà tôi đã chiếm trọn của các con, các cháu!

Gia tài của tôi là những sách báo, những cuốn album, những thùng băng nhạc, phim,  quần áo, biểu  ngữ, phông cảnh dùng trong các chương trình văn nghệ của Nhà Việt Nam, những đồ đạc linh tinh… từ thuở xa xưa nào đó mà tôi chẳng bao giờ dám vứt bỏ. Bây giờ, tôi phải tính làm sao đây?

Sau nhiều ngày dọn tới, dọn lui, đành đoạn mà cho vào thùng rác mà “gia tài” của tôi cũng chẳng suy chuyển được bao nhiêu!

Dọn mệt và mất nhiều thời giờ quá mà nhà xe và cái basement vẫn… mất trật tự như tôi chưa từng dọn!

Chán quá! Tôi bỏ cuộc và yên tâm khi nghĩ “ Mai mốt, khi mình đi rồi, các con mình chỉ việc quăng vào thùng rác thôi mà! Dễ òm!”

Thời gian qua thật nhanh!

Ngày 18 tháng 1 năm 2014 tôi được tham dự Hội Tết, thật vui!

Đoàn Lân khai mạc Hội Tết được bà con hưởng ứng nồng nhiệt! Các em nhỏ chạy theo, reo hò và thưởng Lân những bao lì xì màu vàng với hình trống đồng do Viện Việt Học ở California phát hành.

Ban tổ chức không muốn dùng bao lì xì màu đỏ với những chữ và hình ảnh rất Tàu nên đã lo mua rất nhiều bao lì xì của Viện Việt Học và bày bán ở ngay gian hàng sách Tiếng Quê Hương, nơi cửa ra vào.

Những gian hàng bán thức ăn, bánh trái, những trò chơi ngày Tết dành cho trẻ em, khu triển lãm tranh ảnh, sách báo, những bàn tròn thực khách vừa ngồi ăn vừa xem văn nghệ  trước cái sân khấu ở trên lầu…Lúc nào cũng đông nghẹt!

Trong Hội trường chính, gần 600 khán giả ngồi say mê thưởng thức chương trình văn nghệ do các sinh viên, học sinh và các ca sĩ trong vùng trình diễn.

Những bản nhạc Xuân vui tươi, những điệu múa lả lướt, những bộ áo dài tha thướt trong màn trình diễn thời trang, những màn hoạt cảnh, vở kịch táo quân… Tiết mục nào bà con cũng hoan nghênh với những tràng pháo tay vang vang!

Để chấm dứt chương trình văn nghệ, tất các tài tử, những người phụ giúp trong hậu trường và ban tổ chức, đều ra sân khấu, hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang.

Thu Thủy cũng mời tôi ra để tặng một bó hoa hồng đỏ thắm. Tôi đứng trên sân khấu, lòng tràn ngập niềm vui!  Cùng với các em, tôi cất cao tiếng hát:

“Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn

Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang…”

Những ngày cuối cùng, trước khi vào bệnh viện, gia đình tôi ngày nào cũng xum họp, tiệc tùng, ăn uống, rất là vui vẻ.

Tôi nói đùa với các con:

– Ngày thường, mấy đứa cứ mải lo làm ăn và săn sóc con cái, quên để ý đến mẹ, nên mẹ “dọa” mấy đứa đó mà! Mẹ không chết đâu, đừng có lo!

Những lúc mệt hoặc rảnh rang, tôi lại nằm xem hai cái DVD Dòng Thời Gian và Ba Năm Sinh Hoạt Nhà Việt Nam mà cháu Vân đã làm để tặng cho tôi với lời kể: “Cháu làm mất nhiều thời gian lắm vì cứ vừa làm vừa khóc!”

Xem DVD, tôi không khóc! Tôi thấy thật vui vì những tấm ảnh của tôi với gia đình và bạn hữu, đã cho tôi sống lại một thời êm đềm, hoa mộng xa xưa…

Những bản nhạc nền mà cháu Vân lồng vào cuốn DVD Dòng Thời Gian cũng đưa tôi về với khung trời kỷ niệm của những mối tình nhẹ nhàng như cánh bướm non, lãng đãng như mây lang thang trên bầu trời xanh thẳm!

Buổi sáng ngày 23, vào lúc 9 giờ, tôi rời căn nhà thân yêu, cùng các con, ông anh rể Bích Hoài từ Texas và bà Bác sĩ Chung từ CharlotVille lên,  để đến bệnh viện Inova Fairfax.

Đến phòng đợi, tôi đã thấy các chị và các cháu tôi ngồi chờ sẵn ở đó. Chúng tôi chỉ còn đủ thời giờ chụp năm ba tấm ảnh và quay một đoạn phim ngắn để làm kỷ niệm.

Có điều lạ là tất cả mọi người, kể cả tôi, ai nấy luôn luôn nói cười vui vẻ, cứ như là mọi đang tiễn tôi đi du lịch chứ không phải tiễn tôi lên bàn mổ với căn bệnh hiểm nghèo!

Rồi tôi ôm mọi người từ giã, khi có nhân viên của bệnh viện ra đón, đưa tôi và các con tôi vào một căn phòng nhỏ, sát ngay phòng mổ.

Ở đây, năm, sáu Bác sĩ sẽ có mặt trong phòng mổ, đã ghé thăm tôi trước khi tôi được chụp thuốc mê.

Hình ảnh cuối cùng trong tôi là khuôn mặt lo âu của các con khi nắm tay tôi lần cuối và nét mặt hiền hậu, dáng vẻ “Lương y như từ mẫu” của Bác sĩ Otchy, vị Bác sĩ chính cho cuộc giải phẫu đầy khó khăn của tôi.

Tất nhiên, tôi không thể biết được diễn tiến của cuộc giải phẫu, nhưng với thời gian từ 12 giờ trưa cho tới 7 giờ chiều và sự có mặt của năm, sáu vị Bác sĩ đã cho tôi biết rằng đây không phải là một cuộc giải phẫu dễ dàng!

Khi tỉnh lại, tôi thấy tôi được nằm trong căn phòng số 7, tầng 11. Căn phòng thật đẹp với một giường cho người bệnh và một ghế Sofa lớn dành cho thân nhân ở lại.

Tôi có cảm tưởng đây không phải là bệnh viện, mà là một khách sạn năm sao!

Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy trời xanh, mây trắng. Tôi thấy bệnh viện Inova Fairfax rộng mênh mông. Xa xa là một khoảng không gian quen thuộc với những ngôi nhà, những khu thương mại trên đường Gallows mà tôi thường qua lại, lui tới.

Những ngày đầu sau cuộc giải phẫu, tôi được chăm sóc rất chu đáo! Cứ chợp mắt được một chút là đã lại thấy Y tá vào đo nhiệt độ, áp huyết, tim mạch và cho nhiều thứ thuốc để uống.

Tất cả các Y tá, nhân viên của bệnh viện, dù họ đến từ những Quốc gia khác biệt, ai nấy đều dịu dàng, ân cần và tươi cười với bệnh nhân trong mọi tình huống.

Tôi thắc mắc, không hiểu bệnh viện Inova Fairfax đã huấn luyện được những nhân viên tuyệt vời như thế hay là những người này đã như thế khi họ chọn cái nghề xoa dịu những nỗi khổ đau của bệnh nhân?

Một máy Computer ở góc phòng để Bác sĩ, Y tá ghi giời giấc, các thứ thuốc men và diễn tiến của bệnh nhân để những người sau và Bác sĩ có thể theo dõi.

Hai cái túi đựng rác thật lớn, thoáng một cái là đã đầy ắp, bởi vì trước khi vào phòng tôi, ai cũng phải mặc chiếc áo choàng bằng giấy, khi ra khỏi phòng lại cởi ra, cho vào túi rác.

Những hộp bao tay màu xanh được mọi người dùng tối đa.

Những chiếc khăn mềm mại, nóng ấm được các nhân viên bệnh viện lau mặt, lau người cho tôi mỗi ngày.

Khăn trải giường chưa nhàu đã được thay khăn mới.

Những phương tiện y khoa tối tân nhất được mang vào phòng tôi ngay lập tức mỗi khi cần thiết. Chụp hình phổi, đo tim, nhân viên bệnh viện cũng mang máy móc vào tận nơi.

Truyền nước biển, truyền máu, truyền thuốc trụ sinh, truyền thức ăn, truyền những thứ thuốc…luôn luôn được nối vào những cái ống nho nhỏ gắn sẵn vào mạch máu nơi cánh tay gầy guộc của tôi.

Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, thường có Bác sĩ vào thăm. Hai cô con gái của tôi, một cô ban ngày, một cô ban đêm, ở hẳn trong bệnh viện để săn sóc mẹ.

Ngày xuất viện, tôi được bệnh viện cho mang về nhà rất nhiều thuốc và những vật dụng linh tinh, cần thiết cho một người bệnh.

Một cô bé người Việt Nam tên là Nina, làm việc thiện nguyện, đẩy chiếc xe lăn tôi ngồi. len lỏi qua các lối hành lang dài của bệnh viện để ra cửa chính, nơi có sẵn xe của con gái tôi đang chờ đón mẹ.

Tôi thầm cảm ơn Trời, Phật đã lại một lần nữa, cho tôi vượt qua được cuộc giải phẫu khó khăn, để lát nữa đây, tôi còn thấy được trời xanh, mây trắng, những giọt nắng vàng lung linh trên cành cây, ngọn cỏ, những ụ tuyết còn đọng ở ven đường và những người thân yêu đang chờ đợi tôi trở về từ cõi chết!

Sự tận tình chăm sóc và chữa trị của các Bác sĩ, Y  tá và nhân viên bệnh viện Inova Fairfax cũng như những phương tiện Y khoa tối tân mà tôi được hưởng trong những ngày qua, đã cho tôi một ý nghĩ: Bệnh viện Inova Fairfax là Thiên Đường Của Những Người Bệnh!

Lời cuối:

Những tháng năm dài, một mình nuôi các con nhỏ với căn bệnh ung thư và những cuộc giải phẫu, hóa trị, xạ trị, không phải là một sự dễ dàng đối với tôi trong cuộc sống nơi xứ lạ!

Nhưng tôi đã vượt qua được tất cả để sống vui trong sự vất vả và bệnh tật!

Làm việc, yêu đời, yêu mình, yêu người. Đó là cách sống đã làm cho tôi cảm thấy mình là một người hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh!

Tôi xin chia sẻ tâm tình và kinh nghiệm bản thân của tôi với những người đang mang chứng bệnh ung thư và tất cả những người đã tình cờ đọc được bài viết “Vui Với Ung Thư”, một tựa đề không bình thường, do một người không bình thường viết.

Ước mong rằng quý vị sẽ quẳng gánh lo đi, sống thật vui, kẻo uống phí thời gian còn lại trên cõi đời này!

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

MỚI NHẤT

183FansLike
0FollowersFollow
20SubscribersSubscribe

X