Trao Ngọn Đuốc Thiêng!

Sau hơn 45 năm định cư tại Canada và khắp nơi trên thế giới, các Cộng Đồng (CĐ) người Việt (V), các thế hệ thứ nhất-hai (1-2) bắt đầu thường xuyên đề cập đến vấn đề “tre già măng mọc “ và muốn khuyến khích các con cháu của mình, thế hệ thứ ba-tư (3-4) tham gia vào các sinh hoạt của họ.

Nhưng đây không phải là một chuyện dễ làm vì rất nhiều lý do khác nhau. Những ý kiến và nhận xét sau đây là do chúng tôi đúc kết với những kinh nghiệm bản thân, những khi sinh hoạt với giới trẻ và những điều đã học hỏi được khi sinh hoạt CĐ. Chúng tôi rất cầu mong sẽ được tiếp tục trao đổi ý kiến, trao dồi hiểu biết với tất cả quý vị, xin chân thành cảm ơn.

Một khó khăn đầu tiên hay vướng phải là cách suy nghĩ, cách được giáo dục của con cháu chúng ta, những người được sinh ra và lớn lên ở ngoài lãnh thổ VN. Ngay đến tiếng mẹ đẻ, đối với họ, là Pháp ngữ hay Anh ngữ chứ không còn là Việt ngữ nữa! Chúng tôi đã đọc được trên mạng một bài viết của “Kafe ku Búa” tóm tắt được 10 điểm khác biệt của người V ( hay các thế hệ thứ 1-2) và người Tây Phương (hay là thế hệ thứ 3-4) và tôi xin phép được chia xẻ với quý vị như sau:

1/ người V từ nhỏ được dạy phải vâng lời cha mẹ. Người Tây Phương ( TP) từ nhỏ được dạy phải suy nghĩ một cách độc lập.

2/ người V tới trường thì được dạy phải yêu Nước, yêu dân, hãnh diện với giống nòi. Người TP tới trường để học kiến thức chứ không bị bắt phải yêu ai cả.

3/ người V khi đi học thì được dạy học thuộc lòng. Người TP khi học thì được dạy phải suy luận và đặt câu hỏi.

4/ người V ra ngoài đời thì được dạy phải ôn hoà, sống theo lối “ai sao thì mình vậy “.

Người TP thì được khuyến khích hãy là chính mình, độc lập trong cách suy nghĩ và hành động.

5/ người V về mặt chính trị thì được dạy là phải tuân thủ chính quyền. Người TP thì chỉ coi chính phủ là đại diện cho người dân.

6/ người V khi có ai nói ý kiến khác mình thì cảm thấy khó chịu. Người TP khi ai nói khác mình thì lắng nghe.

7/ người V khi tranh luận thì hay dễ nóng giận và chửi là chính. Người TP khi tranh luận thì nói chuyện có cấu trúc, căn cứ.

8/ người V khi bị ai đó chỉ trích là ghét luôn người đó. Người TP khi bị ai đó chỉ trích thì coi đó là ý kiến để tiến bộ.

9/ người V khi sai thì hay cố chối tới cùng. Người TP khi sai thì nói “tôi xin lỗi “.

10/ người V thì hay tự cao về bản thân. Người TP thì dù có hơn 20 năm kinh nghiệm nhưng vẫn khiêm tốn.

Vì vậy, chúng ta đừng nên quá tự hào để rồi trở nên ảo tưởng về bản thân. Hãy bỏ cái tật chửi ai có ý kiến trái chiều vì việc đó chứng tỏ một trình độ văn hoá thấp kém. Xin hãy bỏ luôn cái thói đả kích cá nhân mà hãy tập trung phân tích ý kiến vừa được nêu lên. (Hết trích bài của Kafe Ku Búa).

Xin hãy bớt chữ “TÔI” để đặt quyền lợi tối cao của tổ quốc lên trước trong mọi sinh hoạt CĐ !

Trở lại với các thế hệ thứ 3-4, tương lai của các CĐ VN trên thế giới, họ là ai, họ đang nghĩ gì, cách hành động của họ ra sao?

Xin trả lời rằng họ là những bạn trẻ với rất nhiều năng lực, nhiều sáng kiến cùng những cách làm việc khác hẳn với cha ông. Chúng ta vẫn thích sách báo, họ thì đọc-nghe trên điện thoại di động. Chúng ta cố gắng hội nhập với điện toán, họ đã được hít thở với kỹ thuật hiện đại ngay từ khi mới chào đời. Tự điển hay những tác phẩm nghệ thuật quý giá ngày xưa, bây giờ thì họ chỉ cần “ Google “ nó !!!…

Với ảnh hưởng của cách giáo dục Đông Phương, họ luôn tôn trọng và nhớ ơn sự hy sinh to lớn của tiền nhân. Tuy nhiên, họ lại rất là bình đẳng: ngưỡng mộ tất cả những nhân tài không phân chia lãnh vực, không liên quan gì đến chức tước hay địa vị, nhất là những ai cùng lứa tuổi với họ.

Đi đôi với sự thành công của những chương trình hội nhập các sắc dân, con cháu của chúng ta biết rất ít, hay có khi không biết gì cả, về lịch sử VN, chế độ VNCH, lá cờ vàng ba sọc đỏ…. Họ rất hãnh diện về nguồn gốc khi nghe khen nước V có nhiều danh lam, thắng cảnh, người V thì cần cù, cởi mở, thông minh….Đối với họ, cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đã chấm dứt hơn 45 năm. Các thế hệ trẻ muốn hướng về tương lai, muốn trao đổi, tìm hiểu, giúp đỡ những người V và gốc V trong cũng như ngoài nước…và ít để ý đến các vấn đề chính trị phức tạp ở phía sau….Họ tự xem mình là công dân của hoàn cầu, nên trên thế giới này, họ cùng tranh đấu cho nhân quyền, tự do; họ chống lại sự hủy hoại môi trường, tệ nạn tham nhũng và bất công xã hội.

Xin các bậc ông bà, cha mẹ hãy nhìn lại mình khi xưa, lúc chân ướt chân ráo định cư trên xứ sở này. Những ai dấn thân cho xã hội, cộng đồng thì thật ít vì chúng ta phải cố an cư, lạc nghiệp và xây dựng những điều kiện sống dễ dàng hơn cho con cháu. Ngày nay, những thế hệ đi sau đã, đang và sẽ được sống trong những hoàn cảnh thuận lợi, không gặp nhiều khó khăn vất vả như xưa. Đôi khi chúng ta cảm thấy chúng sống một cách hơi ích kỷ, chỉ biết vui chơi và đặt quyền lợi của mình lên trên hết. Vì vậy, khi chúng ta có cơ hội gặp gỡ vài con cháu vẫn còn nghĩ đến đất nước VN hoặc có ý định tham gia vào sinh hoạt CĐ thì đó thật là một điều đáng được khuyến khích: họ chính là những hòn đá quý chưa được mài, cắt, đánh bóng !

Nhằm khắc phục sự chênh lệch quá lớn giữa các thế hệ trong cách suy nghĩ và hành động như đã trình bày, trước hết, khi sinh hoạt với các thế hệ thứ 3-4, chúng ta phải cố gắng lắng nghe, phải tin tưởng vào khả năng của họ.

Thông thường ai cũng đi tìm cái ”VUI” thì mới bắt đầu những cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu và dần dần đưa đến những sinh hoạt chung. Đó là cái “MẦM” mà chúng ta phải kiên nhẫn gieo giống để bắt đầu liên lạc với giới trẻ. Chúng ta phải tìm cơ hội chia xẻ với họ những kinh nghiệm đã từng trải, hãy lắng tai nghe họ phát biểu ý kiến, đừng khinh thường họ, bao giờ cũng cố giữ một nhịp cầu liên lạc. Các em hay kể rằng mỗi khi nói về VN với cha ông, họ sẽ dễ bị “chụp mũ” là thiên cộng, họ dễ bị chê là “nhẹ dạ, ngây thơ, khờ dại, dễ tin tuyên truyền của đảng cộng sản…” Họ cũng cảm thấy sự hiện diện của một “tấm chắn vô hình” giữa các thế hệ và cuộc đối thoại sẽ đi đến một bế tắc…

Xin hãy nhớ rằng khi họ đến với ta, với CĐ người V quốc gia, mà ta lại quay lưng, ngoảnh mặt đi thì họ sẽ rất dễ dàng bị một phe nhóm nào đó dụ dỗ đi theo mà thôi !

Giờ đây, hơn lúc nào hết, đã là thời điểm mà chúng ta nên mở rộng vòng tay, trái tim đón tiếp và trao lại dần công việc lèo lái các hội đoàn, các CĐ…cho những em trẻ. Mặc dù họ có làm dở hay sai, không hoàn toàn theo ý của chúng ta, chúng ta vẫn còn đó để sát cánh chỉ dẫn cho họ những cách sửa chữa hoặc làm việc cho thêm hoàn hảo. Sinh sống ở đây, chúng ta hay nghe nói rằng:

“ Những trái táo sẽ không rụng xa gốc cây của nó! “

Nhưng chúng ta cũng đừng nên quên rằng:

“Những trái táo đó sẽ mọc mầm, sinh trưởng thành những cây táo khác…độc lập với cái cây đã sinh ra chúng !!! “

Một lần nữa, xin những người trong thế hệ 1-2 nên tin tưởng vào giới trẻ, nên tin tưởng vào những giáo dục, đạo đức, tinh hoa của Đông Phương mà họ được hấp thụ từ khi mới lọt lòng.

Xin đừng chờ đợi đến 10-15 năm nữa, khi chúng ta đã không còn sức khỏe, kiệt quệ về nhân lực, tài sức và không có thế hệ kế thừa, thì lúc đó, tất cả những hy sinh, công sức của bao nhiêu người đi trước sẽ mất chìm vào trong quên lãng mà thôi !!!

Để tóm lại, thay vì là những HUẤN LUYỆN VIÊN đào tạo con cháu theo cách suy nghĩ và làm việc (có khi đã lỗi thời) của chúng ta, các thế hệ thứ 1-2 nên trở thành những CỔ ĐỘNG / HƯỚNG DẪN VIÊN của / cho các cháu thuộc thế hệ thứ 3-4, để họ trở thành những người lãnh đạo của các CĐNVQG trên toàn cầu, cho “ xứng danh ngàn năm dòng giống tiên rồng “ và cho một nước VN thật sự độc lập, tự do, dân chủ, ấm no.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

183FansLike
0FollowersFollow
20SubscribersSubscribe

MỚI NHẤT

X