NGƯỜI CHA KHÔNG CHÂN DUNG

Phi Nga

Năm 1975 năm của mất mát chia lìa, của miền Nam tang tóc lại là năm lần đầu tôi gặp người đã tạo cho tôi hình hài sự sống.

Cuối đông 1930, năm Canh Ngọ, ba tôi ra đời tại phường Phú Nhơn, Nội Thành Huế. Thầy bói tử vi nói là ba tôi số long đong“ canh cô mồ quả“. Tuy không tin bói toán nhưng nghiệm lại cuộc đời ba tôi quả có phần đúng. Ông nội tôi nguyên quán huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, về làm quan kinh đô Huế và lập gia đình tại đây. Ông nội về sau, vào thời Pháp thuộc làm công chức và được chánh phủ Nam Triều tặng tước hàm “Hàn Lâm Viện Thị Giảng“. Bên ngoại của ba tôi, ông tôi giữ chức Thông Sự Trường Bá Công thời vua Bảo Đại, ông cố là một trong những người vẽ họa đồ xây dựng lăng tẩm triều đình.

Ba tôi lớn lên trong sự giáo huấn nghiêm khắc của cha và lòng bao dung của mẹ. Cuộc sống thuộc giai cấp trung lưu bên bờ sông Hương trôi trầm lặng, trong căn nhà rộng lớn cây cối um tùm nằm trên đường Tịnh Tâm trong thành nội. Ba tôi đi học trường Quốc Học, các chị em của ba tôi đi học trường Đồng Khánh và được đón đưa bằng xe kéo. Vào trường ông học quốc ngữ nhưng khi về nhà ông nội bắt ba tôi học thêm tiếng Hán Việt trong sách Tam Tự Kinh.

Năm 1944, mùa đông ảm đạm. Những hàng cây nhãn bên vệ đường trút bỏ những lá vàng đầy mặt đường. Mùa đông năm đó lạnh và đói. Kinh thành Huế ủ dột, tiều tụy. Sáng sáng, người phu xe gầy gò còng lưng kéo xe; trên xe là những quan Tây vào làm việc ở đồn Mang Cá hay những quan lại vận áo the, khăn đóng, giày hạ đi làm việc ở Tam Tòa Lục Bộ. Nét mặt họ đăm chiêu suy tư lo nghĩ.

Sáng sáng tiếng rao hàng nghe sao não nuột, trời mưa Huế làm thời tiết lạnh lẽo và các bộ hành mỗi người khoác chiếc áo tơi lá lầm lũi bước nhanh dưới mưa.

Trên đường phố người ăn xin kéo từng đoàn từ miền Bắc vào đi ăn xin. Có nhiều người chết đói nằm các góc đường. Thời đó ngoài Bắc, nạn đói lan tràn vì Nhật bắt dân phá ruộng trồng đay. Dân mất ruộng lúa đói kém dắt díu nhau tràn xuống miền Nam. Giá cả tăng vọt, gạo khan hiếm, dân chúng giành giật nhau để mua từng lon gạo. Trên phố, từng tốp lính Nhật, kiếm dài đeo lưng, nện ủng xuống mặt đường bước nghênh ngang ngoài đường phố. Còn lính Pháp, lính khố xanh khố đỏ thì tiu nghỉu như mèo cắt tai nhớn nha nhớn nhác.

Trong hoàn cảnh đó như các gia đình khác, gia đình ông bà tôi sa sút, đồng lương hưu của ông nội không nuôi sống nổi gia đình. Tài sản được bán dần dần để ăn, bà tôi rất giỏi nữ công gia chánh phải bắt đầu làm bánh thuẩn cho các O, các dì đi ra chợ bán. Quần quật cả ngày bên bếp lửa, bà tôi vốn không quen sự vất vả, bị cảm nặng. Bà đau thương hàn nhập lý và sau một tuần là bà qua đời. Bà con bên ngoại từ An Cựu qua lo tống táng trong khi ông nội, trước sự ra đi quá đột ngột của người vợ hiền, quá buồn chỉ biết lấy rượu giải sầu suốt thời gian tang chế.

Ba tôi và các O từ đó nghỉ học và ba tôi, người con trai duy nhất trong gia đình đi làm đủ nghề như phụ thợ nề, đi bán kẹo dạo, bán báo, viết thư thuê, trèo cây hái cau mướn.

Đầu năm 1945, đời sống càng tàn tệ, nạn đói tràn lan. Bộ mặt kinh thành Huế sao ảm đạm thê lương như những lớp rêu phong phủ mờ trên các thành quách Huế. Những đại thụ trước cửa Ngọ Môn trơ lá và bên dưới là những bộ xương người còm cõi đờ đẫn bước đi vô phương hướng.

Nội các Phạm Quỳnh bắt đầu lung lay. Tòa Khâm Sứ nằm bên hữu ngạn sông Hương nơi các công chức đi đi về về như thường lệ nhưng nét mặt đăm chiêu lo lắng.

Những tốp lính Nhật đi tuần tra, trên đầu là mũ lưỡi trai ngắn cũn cỡn, vai khoác khẩu súng trường Nhật với lưỡi lê sáng quắc mặt nghênh ngang. Có những đụng độ nho nhỏ giữa hai đám lính Pháp – Nhật, có những cuộc dội bom của quân Đồng Minh vào các đồn đóng quân của Nhật.
Tháng ba năm 1945 Nhật đảo chánh Pháp chiếm Đông Dương dưới chiêu bài Đại Đông Á. Sau cuộc đảo chánh Pháp thua, ông tôi mất hết lương hưu, gia đình khánh kiệt. Ông tôi bịnh nặng rồi chết, lúc đó ba tôi 15 tuổi đã mồ côi cha mẹ.

Thời gian đó, những người Cộng Sản len lỏi vào đám thợ thuyền và người nghèo. Ba tôi có một người cậu, người làng Hiền Lương, là một cán bộ Cộng Sản hoạt động ra mặt vào lúc này. Những tờ truyền đơn của Việt Minh kêu gọi phong trào cứu quốc. Đêm đến, từng toán tự vệ vác gậy tre, gậy mác Lào, dao kiếm trên vai tập đi rầm rập theo bước một hai. Đoàn người từ Hương Trà kéo qua cửa An Hòa, dân từ Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy vào Huế. Đoàn người càng đi càng đông, lôi cuốn kích thích thanh niên nam nữ tham gia với những khẩu hiệu cứu nước, đả đảo phát xít Nhật, Việt Nam độc lập muôn năm, Việt Minh muôn năm. Trên sông Hương, đò chở người từ Phú Vang Phú Lộc đầy sông tạo nên một khí thế khiến quân Nhật án binh bất động, bồng súng đứng nhìn.

Huế có câu “Gánh cực mà đổ lên non, cong lưng mà chạy cực còn theo sau”. Đến năm 1952, các O của ba tôi quyết định theo bà con về Nam định cư tại Sài Gòn. Ba tôi là con trai độc nhất trong nhà, dự định phải ở lại trông nom mồ mả, miếng vườn và căn nhà nằm trong thành nội Huế nhưng thời gian sau, theo lời phủ dụ của người cậu hoạt động cho Cộng Sản, ba tôi nhờ người chú họ trông nom đất đai vườn tược, từ giã mọi người. Ông dẫn theo người vợ mới cưới và lên đường tập kết.

Đến thành phố Vinh, đoàn người dừng lại chờ đợi xe lửa và ghe thuyền để di chuyển về phía Bắc. Ba tôi đi trước, mẹ tôi và một số phụ nữ ở lại chờ đi bằng đường thủy. Trong những đêm bơ vơ lạnh lẽo, nhìn vầng trăng vắt ngang bầu trời đầy sao sáng, nỗi nhớ nhà nhớ cha mẹ còn ở Huế chợt dâng trào khiến mẹ tôi bật khóc. Trong đoàn, các chị cũng khóc theo. Cuối cùng mẹ tôi cùng hai người bạn thân tìm cách trốn về. Vất vả lắm mẹ tôi mới sống sót an toàn về lại nhà ông bà ngoại nằm bên thôn Vỹ Dạ. Đó là hè năm 1953.

Đầu năm 1954 tôi ra đời, mẹ tôi sau đó không thể ở lại Huế nên lìa quê đi vào Sài Gòn lập nghiệp và không có tin gì về ba tôi từ đó.

Khi miền Nam thất thủ, đa số dân tập kết được bổ về nguyên quán. Ba tôi về cố đô Huế.
Khi ba tôi về Huế, sau hơn 20 năm ăn măng, ăn sắn, ăn đạn pháo, ăn bom đúng nghĩa đen, sống với sốt rét dọc trên con đường mòn rặng Trường Sơn. Ông giữ chức Tham Mưu Trưởng Thành Đội Huế. Quân hàm là gì thì ông không nói nên không ai biết. Người chú họ giữ căn nhà hương hỏa vào Sài Gòn báo tin cho mẹ tôi hay.

Suốt hơn hai mươi năm chia tay chồng rồi bỏ Huế ra đi, mẹ tôi không có tin tức gì của ông và trong thâm tâm chúng tôi tin rằng ông đã mất. Nay được tin ông, chúng tôi hồi hộp vui buồn lẫn lộn.

Khi hai người chia tay đi hai hướng, mẹ tôi còn rất trẻ và vàoSài Gòn mẹ lập lại gia đình. Tôi sống trong tình yêu thương hạnh phúc của người cha dưỡng nuôi tôi từ tấm bé. Tình cảm về người cha đẻ hoàn toàn không có. Sự tò mò khi nghe tin sẽ gặp mặt ông tại Huế khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Má tôi chuẩn bị dịp này về thăm xứ Huế và dẫn tôi về theo cho ông biết mặt.

Thời đó, tháng 5 năm 1975, xe từ Sài Gòn ra Huế chưa nhiều nên chuyến nào cũng chật cứng dù phải khó khăn lắm mới xin phường khóm được miếng giấy đi đường. Chật vật lắm chúng tôi mới có vé để lên một chiếc xe đò cũ. Trong xe đủ mùi hôi.

Tài xế cứ nhấp thắng gấp khi bất thần có người bên đường giơ tay muốn đi. Tài xế rước thêm khách đón bên ngoài bến xe gọi là khách trả tiền chui không bị ban quản lý vé tại xa cảng thu tiền nên tài xế cứ nhét thêm, có người phải bám vào thành xe trên suốt đoạn đường ra Trung khiến tôi phải bôi dầu xanh liên tục để trấn cơn ói mửa. Bến xa cảng miền Đông, sau tháng 4 năm 75, đầy người nằm ngồi trên mặt xi măng lầy lội bùn đất sình lầy sau cơn mưa để chờ mua vé chờ xe để được về nguyên quán.

Đường xá ra Huế bị hư hỏng, xói lở nhiều đoạn bởi các cuộc đánh phá của Việt Cộng trước đây. Xe chạy đến đèo Cả ( ranh giới giữa Khánh Hòa và Phú Yên) thì trời đã tối, xe chở nặng chạy trên đường chênh vênh bị trượt bánh lăn xuống hố cạnh đường. Người và hàng hóa trong xe dồn ép lên nhau kêu la thảm khốc. Một số người bị dẹp chết trong xe. Mẹ tôi và tôi ngồi hàng thứ ba sát cửa may mắn bị thương nhẹ, đêm đó chúng tôi lôi những người kẹt trong xe ra đem đi cấp cứu và mãi trưa hôm sau chúng tôi mới có xe đi ra Huế.

Chúng tôi trở về căn nhà ông bà nội ở trong Thành Nội chờ ba tôi đến. Lúc đó do tình trạng an ninh nên những đoàn quân tập kết về chưa được đi ra ngoài sinh sống mà phải ở trong cơ quan khu quân sự.

Trong lúc tôi đang ngồi nói chuyện với các chị em họ thì ba tôi và hai người lính cận vệ bước vào. Không ai đeo quân hàm, nên dù được báo tin trước “Ba mi chừ giữ chức to lắm, nhân vật số 1 thành phố Huế.”, tôi không biết ai là ba của mình. Người nào cũng trong bộ quân phục bèo nhèo màu vàng úa, màu da vàng vọt, mang đôi dép quai râu nên trông rất giống nhau. Bộ quân phục làm lòng tôi tự dưng lạnh tanh, có một cái gì ai oán trong lòng khiến tôi nhận ba mà tình cảm lại nghĩ nhiều về người cha trong Sài Gòn. Tôi nghĩ đến lá cờ Vàng trong sân trường, trong các dinh thự tại Sài Gòn bị kéo xuống, biểu hiện nền dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa đã tức tưởi chấm dứt. Tôi nghĩ đến các đống quần áo lính rất đẹp rất oai hùng của các binh chủng quân lực VNCH được tháo trút vội vàng đổ đống bên các lề phố Sài Gòn vào ngày 30 tháng tư. Sắc mặt lạnh tanh của tôi khi gặp ba khiến các người bà con lo lắng. Họ biện bạch khỏa lấp rằng: “Nó còn lạ, phải có thời gian cho nó!“

Thời gian nào cho tôi? Thời gian mười hôm ở Huế quá ngắn làm sao đền bù hơn hai mươi năm xa cách và xa lạ. Người- cha-không-chân-dung dù bây giờ biết mặt, tuy nhiên vẫn như trong quá khứ khi mẹ tôi nhắc đến danh từ này, vẫn không cho tôi một cảm giác thân thương nào. Hơn thế nữa, tôi đã có một người cha lấp đầy trái tim tôi từ hồi tôi còn đỏ hỏn. Tình phụ tử thiêng liêng tôi đã trút hết cho một người dưỡng nuôi thương yêu lo lắng cho tôi từ tấm bé. Người nào đã đưa tôi đi học những ngày đầu? Người nào chờ tôi bước ra cổng trường, người nào đợi tôi trước trung tâm của phòng thi trong các kỳ thi tuyển? Người nào cực nhọc cùng mẹ nuôi tôi cho tôi một cuộc sống trung lưu trong những ngày nắng ngày gió Sài Gòn? Người nào đã nhẹ nhàng khuyên bảo và đã báo tin cho tôi biết là tôi bị người tình đầu đời lừa dối là anh ấy chưa có gia đình? Người cha đó sẽ ra sao trong những ngày kế tiếp? Trong những ngày tương lai sẽ là những ngày tăm tối dưới chế độ mới này?

Trở lại Sài Gòn, tôi chuẩn bị cho cha tôi đi học tập với lệnh tập trung 10 ngày bất bình thường! Nó bất bình thường vì không phải là 24 giờ thường tình như luật định! Họ ấn định 10 ngày thành bao nhiêu năm tùy họ dù ông chỉ là công chức bình thường.

Tôi cũng bị xem là đứa con bất bình thường khi chối từ người cha đẻ. Người mà sau bao nhiêu năm lặn biến giờ trở về đầy quyền lực! Bà con bên nội ở Huế kêu rêu, chì chiết, nói mẹ tôi không biết dạy con! Tôi có bất bình thường khi dồn hết tâm tư đi thương người cha dưỡng dục chăng?
Vài năm sau cha mẹ tôi giúp cho tôi đóng vàng đi vượt biên. Khi định cư nơi xứ người tôi luôn nhớ về cha, người cha dưỡng dục của tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng nhớ về người-cha- không-chân-dung nhưng kèm theo đó chỉ là nỗi buồn sâu thẳm. Ông cũng như đa số lớp thanh niên trẻ trung thời đó ôm ấp nhiệt tình yêu nước chống ngoại xâm và bị một chiêu lừa. May mà ông không bị bỏ xác trong rừng Trường Sơn!

Tôi thầm nghĩ mình may mắn vì mẹ tôi nhớ nhà nhớ thân sinh và quyết định quay về Nam, nếu không, tôi cũng sẽ sống suốt cuộc đời trên con đường mòn trong dãy núi Trường Sơn khốn khổ!
Khi cha dưỡng dục qua đời, tôi vì nhiều lý do không quay về Sài Gòn để đưa tiễn nhưng lòng tôi quặn thắt đau buồn khi nghe tin ông mất! Những ngày tháng tù đày làm ông kiệt sức nên vài năm sau khi được tự do, ông ra đi! Ông mất khi ông chưa qua ngưỡng cửa tuổi 66, tuổi của tôi bây giờ! Khi nghĩ về tình phụ tử, về công ơn Trời Biển hay khi đặt bút viết về tình phụ tử thì luôn luôn đối với tôi, ông là người cha đích thực! Trong đầu và trong tim tôi chỉ duy nhất có bóng hình người cha dưỡng dục.

Tháng 10 năm ngoái, người cha đẻ cũng đã qua đời. Tôi không về dù ai đó có nói nghĩa tử là nghĩa tận! Chỉ cần dăm ba phút cho tinh trùng trở thành mầm sống, công ơn sanh thành có đáng được đề cao? Tôi không giận ông không trách ông, ông thật sự đâu muốn và đâu biết phải chia ly với đứa con đầu. Chỉ là không gần gũi không tình cảm. Chỉ là khi gặp lại, tôi đã trưởng thành và đứng về chiến tuyến đối nghịch với ông. Một thảm cảnh nhiều gia đình trong Nam gánh chịu khi VN bị miền Bắc thu về một mối!

Xin đốt cho ông một nén hương lòng.

Năm nay, qua một người đi VN ăn Tết trở về Đức, tôi nhận được hai cuốn hồi ký của ông, tổng cộng 900 trang và một tập thơ hơn tám chục bài mà ông đã sáng tác suốt thời gian ông về hưu. Nỗi ngậm ngùi dâng trào và tôi hiểu những uẩn ức của một người tưởng mình đã đi theo lý tưởng người trai cống hiến máu xương cho tổ quốc VN! Để rồi thời gian sau đó khi trở về nơi chôn nhau cắt rún, sống tại miền Nam thấy thời thế và những trái khuấy của nhóm cầm quyền trung ương, những đau buồn của xã hội, những đấu đá tranh giành quyền lực và quyền lợi của những người mà quá khứ đã từng cùng nhau vào sanh ra tử! Ông mới biết mình từng là kẻ ngây thơ đến ngây ngô. Kẻ nào không dễ dàng chui luồn vào bánh xe thời thế đang quay! Kẻ đó bị đào thải tức khắc! Vắt chanh bỏ vỏ là quy luật của tình đồng đảng của người CS.

Đọc xong hồi ký của ông tôi bật khóc, giọt nước mắt lần đầu chảy thương ông. Thương cho cả những người cùng thế hệ như ông, đến lúc gục xuống mất xác nơi rừng thiêng nước độc vẫn bị phỉnh gạt khi họ đinh ninh cứ tưởng mình đã vì đất nước hy sinh.

Ông đã về hưu sớm, về hưu non giống như những người khi xưa phản đối triều thần đã treo áo mũ từ quan, nhưng cái triều đại vương quyền đỏ ngày nay khác hẳn xưa. Họ không để ông yên với cái Đảng tịch và bổng lộc ít ỏi là tiền hưu trí. May là ông sống tại căn nhà ông bà nội để lại, không chiếm cứ đất nhà của ai. May là miếng vườn gần chín trăm mét vuông của ông bà nội khá rộng, đất khá tốt cho ông cùng gia đình sau của ông trồng trọt, nuôi sống thêm họ với rau trái hằng ngày.

Sau khi ông mất, căn nhà bề thế với một diện tích vườn khá rộng, nằm tại một vị thế đắc địa cho việc kinh doanh này sẽ bị dòm ngó. Không biết người vợ hiện tại và các em có đủ bản lĩnh để giữ gìn? Trước khi ba tôi mất, dâu rể của ông chú họ, người giữ căn nhà của nội giùm cho ba tôi trong suốt thời gian khi ba tôi đi tập kết, đã xa gần kể công lao để đòi hoặc chia chác hoặc gạ bán lại cho họ với một giá như cho đi phân nửa. Điều khiến chúng tôi lo ngại là những người dâu rể của ông chú họ đó đang nắm giữ những chức vụ cao tại thành phố Huế. Ngày ông mất là 28 tháng 10, chỉ còn hai ngày là lương hưu trí về, vậy mà chánh quyền địa phương chận lại! Coi như ông mất tiêu lương hưu tháng 10 vì chết không đúng ngày trọn tháng. Lương hưu tháng 10 ít ỏi mà còn bị đồng chí của ông ăn chận thì cái gì mà họ không ăn?

Đất nước tiêu tùng, gia đình ly tán. Hồi ký hai tập gần chín trăm trang của ba tôi, ông viết như ghi lại một đoạn lịch sử chiến tranh, một đoạn đời của một con người yêu nước đã lầm đường đồng thời cũng là một cáo trạng về chủ nghĩa Cộng Sản mà một thời ông thần thánh hóa. Tôi chợt nhớ tới ông Nguyễn Mạnh Tường hoặc nhiều nhân tài Việt Nam xuất thân từ miền Nam qua Pháp học thành tài để rồi do bị tuyên truyền bị dụ dỗ với mớ lý thuyết vô tưởng! Một lý thuyết không thể hiện hữu thật sự trên cuộc đời này! Họ đã hăm hở rời ánh sáng để lao vào màn đêm tăm tối! Muốn quay đầu lại cũng khó mà thực hiện. Jean Paul Sartre đã viết, tôi hiểu đại khái ý là khi đã vào đảng Cộng Sản rồi thì khi đi ra chỉ với đôi bàn chân nằm hướng ra phía trước. Có nghĩa là chỉ đi ra bằng chiếc quan tài! Những tấm gương này đến nay tôi tự hỏi sao không thức tỉnh, lay động đến những người trẻ có trí thức vẫn đang sống sung túc trên các đất nước tự do – họ vẫn mang ảo tưởng về một thiên đàng Cộng Sản? Vẫn tin vào câu “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, vẫn còn tin vào Thế Giới Đại Đồng, vẫn tin vào một xã hội không giai cấp, không có người bóc lột người!

Ba tôi nói tuổi Canh Tý của ba “canh cô mồ quả”, nay ông sẽ được an ủi, không buồn vì rõ ràng cùng thế hệ với ông còn biết bao người đồng chí hướng đồng nhận thức, phơi phới tuổi đôi mươi đã xung phong bỏ trường bỏ lớp bỏ người thương để đi B nghĩa là đi vào miền Nam chiến đấu, để rồi cuối cùng bỏ thây bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc không mồ không mả vì bị gạt lừa với lý tưởng mình đang góp phần trong công cuộc chống ngoại xâm, đi cứu nước.

Ba hãy yên nghỉ nhe ba. Từ đây, sau khi đọc xong chín trăm trang hồi ký của ba, trong tim con có chân dung ba rồi đó. “Còn nước Việt Nam chúng ta, họ đã gây ra một đất nước hoang tàn, xã hội băng hoại, lòng dân than oán rồi họ gọi đó là hòa bình!” Câu này là câu tôi tâm đắc nhất trong những nhận định của ông! Với nhận định này, ông đi về hưu non tránh xa guồng máy quyền lực, về để ngày ngày ngắm cây cỏ, để nghe hương sen của hồ Tịnh Tâm thoang thoảng theo gió bay về và viết hồi ký. Cuốn hồi ký ông nhất định phải đưa cho tôi đọc!

PHI NGA

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

MỚI NHẤT

183FansLike
0FollowersFollow
20SubscribersSubscribe

X