Người cộng sản thất trận văn hóa như thế nào?

Bài 2. Lý thuyết văn hóa XHCN
Hồ Chí Minh

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh phát động một « Chính sách văn hóa xã hội chủ nghĩa » để xây dựng căn nhà “văn hóa mới” thay thế văn hóa cổ truyền của dân Việt.

Văn hóa xã hội chủ nghĩa mà người cộng sản gọi là văn hóa mới được xây dựng bởi :

  • Ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Mao Trạch Đông lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc.
  • Hai lý thuyết gia : Hồ Chí Minh, chủ tịch nhà Nước và Trường Chinh, tổng bí thư đảng lao động Việt Nam.

Hai ông Hồ Chí Minh và Trường Chinh đặt nền móng cho văn hóa XHCN và các lãnh tụ khác như Lê Duẫn thì căn dặn, chỉ đường để mang những tính như tính đảng[1], tính chiến đấu, với những mục tiêu giai đoạn.

Qua các tài liệu về Hồ Chí Minh như « Tư tưởng Hồ Chí Minh[2] », văn hóa XHCN được trình bày một cách tổng quát về đời sống mới con người mới, ý niệm về văn hóa.

Lý thuyết văn hóa của Trường Chinh thì nằm rải rác trong vài tác phẩm của ông và nổi tiếng nhất là « Đề cương văn hóa » đặt nền móng cho căn nhà văn hóa XHCN và làm khuôn mẫu cụ thể cho các người làm văn hóa noi theo.

Kiến trúc sư văn hóa: Hồ Chí Minh

 Lý thuyết văn hóa của Hồ Chí Minh tập trung vào hai mục đích chính là xây dựng một đời sống mới, một con người mới tức con người xã hội chủ nghĩa.

Theo Hồ Chí Minh, điều kiện xây dựng cần có là:

  • Một “Văn hóa mới soi đường cho quốc dân đi” tạo dựng đời sống mới,
  • Một con người mới tức con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng và chống đỡ đời sống mới.

Văn hóa mới[3]

Trong tập “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, khái niệm văn hóa được hiểu là “toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người[4]”. “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”,“văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”,

Tại sao phải có một « Văn hóa mới »?

 Hồ Chí Minh trả lời rằng văn hóa là:

  • Một kiến trúc thượng tầng và nêu nên qui luật “Xã hội thế nào thì văn hóa thế ấy” có nghĩa là một xã hội mới thì phải có một văn hóa mới, văn hóa mới không thể đứng trên một xã hội cũ, tự do, tư bản.
  • « Văn hóa soi đường cho quốc dân đi »Văn hóa tinh thần, văn hóa chính trị phải soi đường cho quốc dân đi” xây dựng xã hội chủ nghĩa và cán bộ.

Đời sống mới

Thế nào là đời sống mới?

Đời sống mới là đời sống XHCN. Tác phẩm “Đời sống mới” của Hồ Chí Minh đã hướng dẫn cụ thể việc ăn, việc ở, việc thiện, việc nghĩa, ma chay, giỗ chạp theo đời sống mới. Trong xã hội, các hủ tục được cải tạo; ngoài mặt trận, các phong trào sáng tác văn nghệ quần chúng phản ánh cuộc kháng chiến diễn ra khắp nơi[5].

Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi[6] giải thich cái mới đó như sau: “…Nhà ở mới, cách ăn mặc mới sẽ sửa đổi cho giản dị và hợp vệ sinh mà không mất vẻ đẹp riêng của dân tộc ; Ngôn ngữ mới, cử chỉ mới sẽ biểu lộ một tinh thần tự cường và trọng bình đẳng, tự do mà không kém vẻ thanh nhã ; Xã giao mới sẽ giản dị hơn, thành thực hơn ; Lễ nghi mới trong nhà hay ngoài xã hội cũng sẽ trang nghiêm hơn, sơ sài hơn, mạnh mẽ hơn, có ý nghĩa hơn và hợp với điều kiện sinh hoạt mới hơn  “…

 Điều kiện nào để có đời sống mới?

  • Xây dựng xã hội chủ nghĩa,
  • Huấn luyện con người mới tức con người xã hội chủ nghĩa.

Quan điểm xây dựng nền văn hóa mới

Theo Hồ Chí Minh, nền văn hóa mới phải được xây dựng trên 5 điểm lớn sau đây:

1- Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường.

2- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3- Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4- Xây dựng chính trị: dân quyền.

5- Xây dựng kinh tế XHCN.

Nhiệm vụ văn hóa mới

Nhiệm vụ kháng chiến

Ngày 16 tháng 7 năm 1948 Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai chính thức khai mạc tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba (hội nghị diễn ra trong 3 ngày từ 16 đến 20-7), Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ cụ thể của văn hóa mới là: “Văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”, Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng”.

Từ nhiệm vụ kháng chiến của văn hóa mới, Hồ Chí kêu gọi lập mặt trận văn hóa kháng chiến và đào tạo chiến sĩ văn hóa kháng chiến.

Văn hóa kháng chiến «lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường tự chủ » và phải  kết hợp kháng chiến với kiến quốc.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.  Vì vậy, cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật “có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”.  Nghĩa là trong thơ cũng phải có hương vị kháng chiến (thép):

Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Nhiệm vụ đào tạo và sửa đổi

Phải « xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc ». Văn hóa là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, có quan hệ chặt chẽ với chính trị, và cho rằng văn hóa có tác dụng « sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới ».

Con người mới

Trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, “trước hết cần có những con người mới tức con người xã hội chủ nghĩa”. Con người mới là giai cấp cán bộ được rèn luyện cho thấm nhuần đạo đức cách mạng để làm trụ cột xây dựng và chống đỡ ngôi nhà xã hội chủ nghĩa.

Phẩm chất cơ bản con người mới   

 Con người mới xã hội chủ nghĩa của Hồ Chí Minh gồm hai mặt:

  • Kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống (Việt Nam và phương Đông),
  • Thấm nhuần những phẩm chất mới là: tư tưởng xã hội chủ nghĩa; đao đức xã hội chủ nghĩa; tác phong xã hội chủ nghĩa…

Vai trò  

Trong đời sống mới, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lưc của cách mạng.

Mục tiêu cách mang.

Con người là mục tiêu của cách mạng, nên mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, chính phủ đều vì lợi ích chính đáng của con người,

Động lực cách mạng.

Con người là động lực cách mạng là những con người được giác ngộ và động lực chỉ có thể thực hiện được khi họ hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo. Vì vậy, cần có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Huấn luyện  

Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa[7]. Vì vậy mà con người xã hội chủ nghĩa được rèn luyện với mục đích và lý do sau.

Mục đích

Hồ Chí Minh nói rằng cán bộ là cây cột cái chống đỡ xã hội chủ nghĩa:Cán bộ quyết định mọi việc… Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”. Vì vậy thành bại của xây dựng xã hội chủ nghĩa trông cậy rèn luyện, giáo dục con người xã hội chủ nghĩa để trở thành cán bộ có đạo đức cách mạng (cần, kiệm, liêm, chính[8]) tại vìgốc của đạo đức là cán bộ” và phục tùng Đảng để được tổ chức, hướng dẫn, phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân.

Huấn luyên đạo đức mới

Hồ Chí Minh giải thích rằng đạo đức cũ là đạo đức của giai cấp tư sản, của phong kiến, đạo đức áp bức và bóc lột[9]. Còn đạo đức mới là đạo đức cách mạng[10], đạo đức hướng tới giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột, đưa lại cuộc sống ấm no, tự do cho tất cả mọi người[11].

Đạo đức là con đường để lập thân của cán bộ cách mạng. Con đường lập thân đó là đạo đức cách mạng[12] mang các đặc tính sau:

  • Cần: cần cù, siêng năng
  • Kiệm: tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cải vật chất và tinh thần cho nhân dân
  • Liêm:  liêm khiết, trong sáng, không tham của cải vật chất, không tham địa vị
  • Chính: đấu tranh để bảo vệ lẽ phải
  • Chí công: rất mực công bằng, công tâm;
  • Vô tư: không được có lòng riêng, thiên tư đối với người[13].

Các đức tính trên là:

  • Hệ thống các quy tắc, chuẩn[14]  mực mà nhờ đó người cán bộ tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích nhân dân và Đảng,
  • Mực thước của cán bộ để hướng dẫn nhân dân. Hồ Chí Minh nói: “Muốn hướng dẫn nhân dân mình thì cán bộ, đảng viên phải làm mực thước trước cho người khác làm theo. Nói đi đôi với làm, phải nêu gương đạo đức”.

Hồ Chí Minh giải thích thêm:

“Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

“Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn. Không có đạo đức cách mạng thì tài cũng vô dụng”.

“Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần – Kiệm – Liêm – Chính thì dễ trở thành hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”.

“Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. 

“Không có đạo đức cách mạng thì tài cũng vô dụng”.

Hồ Chí Minh tóm tắt đạo đức cách mạng là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”.

Trên đây chỉ là dự phóng hình ảnh con người mới được bởi Hồ Chí Minh phác họa theo giấc mơ xây dựng đời sống mới, con người mới trong xã hội chủ nghĩa.

[1] Tính Đảng có nghĩa đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng trước lợi ích của cá nhân

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011 (gồm 15 tập, dài khoảng 150 trang); Ban tư tưởng văn hóa trung ương, Bộ giáo dục và đào tạo, Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Giáo dục

[3] Khi đọc các tài liệu của cộng sản thì phải nhớ các điều sau : 1)  Ngụy tạo chữ nghĩa mang 2 nghĩa gây hiểu lầm: một nghĩa để tuyên truyền, lường gạt một nghĩa thực chỉ hiểu được qua hành động thí dụ khẩu hiệu: « Không gì quí hơn độc lập, tự do »; 2) Thủ thuật chơi chữ để biện minh cho hành động, thí dụ  trong chính sách tôn giáo, khẩu hiệu « Nước vinh, Đạo sáng » thì Đạo sáng có nghĩa là Đạo được nhà Nước quản lý như Đạo Cao Đài, Phật giáo.

[4] Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

[5] Hưởng ứng điều này có các nhà văn, nhà thơ như Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi…  Các tác phẩm như: Truyện và ký sự của Trần Đăng, Nhật ký ở rừng của Nam Cao, Thư nhà của Hồ Phương, Ký sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Người con gái quang vinh của Nguyễn Khải …

[6] Nguyễn Hữu Đang (1913-2007), nhà văn, nhà báo, 12/1945, nguyên thứ trưởng Bộ Thanh niên (1945)

Nguyễn Đình Thi, (1924-2003), nhà văn, thơ nhạc

[7] Câu này trái với Marx, theo Marx vật chất có trước ý thức

[8] Hồ Chí Minh nói “Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân”

[9] Theo quan niệm của người xưa, Đạo 道 là con đường, Đức 德 là tốt lành, thiện, là hiểu Đạo tức hiểu con đường (Đạo) mình phải đi. Thông thường, đạo đức được hiểu “Là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù họp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội”.

[10] Hồ Chí Minh nói:“Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

[11] Hồ Chí Minh: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”.

[12] Tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn giải thích ý của Hồ Chí Minh

cần có nghĩa là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong học tập, trong lao động, trong chiến đấu và trong sản xuất; cần còn có nghĩa là làm việc có phương pháp, có khoa học và có trí tuệ.

Kiệm là tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cải vật chất và tinh thần cho nhân dân, không lãng phí, tiêu dùng hợp lý nhằm mục đích mở rộng sản xuất và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Liêm là liêm khiết, trong sáng, không tham của cải vật chất, không tham địa vị, không tham sung sướng; không nịnh hót kẻ trên và cũng không thích người khác tâng bốc mình.
Chính là luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, lên án những cái xấu, cái sai trái.

Chí công là rất mực công bằng, công tâm;

vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc.

[13] Ngoài ra Hồ Chí Minh còn thêm 5 tính tốt của đạo đức cách mạng là: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm có ý nghĩa là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân

[14] Chuẩn  (criteria, norme) có nghĩa mẫu mực đạo đức, phép tắc căn bản mà mọi người phải noi theo.

Lạp Chúc Nguyễn Huy
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Cựu Giảng sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức, bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

XEM NHIỀU NHẤT

166FansLike
0FollowersFollow
16SubscribersSubscribe

X