Địa mạo

1. Dẫn nhập

Từ Bắc vào Nam, dọc theo con đường cái quan với cô thôn nữ bên đường, ta nghe :

Hỡi anh đi đường cái quan,
Dừng chân đứng lại cho em than đôi lời,
Đi đâu vội lắm anh ơi,
Công việc đã có chị tôi ở nhà !

và cũng gặp nào là đèo như đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cả, nào là vịnh như vịnh Cam Ranh, nào là vũng như  vũng Rô v.v. Đèo, Núi, Trũng, Vịnh là các địa mạo (land form) thường gặp ở Viet Nam.

2. Địa mạo khác nhau theo vùng

Khí hậu tác động lên các địa mạo trên Trái Đất : tại vùng ôn đới, có nhiều địa mạo do băng hà như Bắc Canada tác động lên các cảnh quan, vùng nhiệt đới như Viet Nam, Đông Nam Á, ta gặp nhiều vùng đất đỏ với nhiều oxyd sắt, vùng xích đới như Guinée, Zaire ở Phi Châu mưa quanh năm, vùng sa mạc với khí hâu khô khan (Mali, Niger ..) it cây cối nên dễ bị xói mòn do gió sa mạc và làm giảm khả năng sản xuất nông nghiệp.

Môn học tìm hiểu  nguyên nhân thành tạo cũng như trình bày giới thiệu các cảnh quan khác

nhau trên Trái Đất có tên Địa Mạo học (Geomorphology) . Đó là giao điểm giữa nhiều môn học khác nhau như địa chất học, thủy văn, khí hậu, sinh học,  vì địa mạo học  bao gồm mọi thứ liên quan đến bề mặt Trái Đất và sự biến đổi của nó: khí hậu học với nước, gió, băng, cháy rừng,  sinh vật học với các sinh vật sống  trên bề mặt Trái Đất, hoá học đất, địa hình học v.v..

Địa Mạo bao gồm đồi, núi, cao nguyên, lũng sâu (canyon), thung lũng cũng như các đặc điểm của bờ biển như vịnh, bán đảo, các giãy núi ngầm dưới biển, núi lửa và các mảng sâu dưới đại dương. Địa mạo trên Trái Đất là do tác động của nhiều yếu tố tự nhiên như gió, nước, xói mòn và chuyển động của các mảng kiến tạo ngầm dưới đáy biển . Ta gặp các lục địa (Mỹ châu, Úc châu, Phi châu v.v.) cấp vĩ mô và các đồi, núi, thung lũng, vịnh cấp vi mô trên Trái Đất .

Do đó, trong địa mạo học có các chuyên ngành khác nhau như:

  • địa mạo nhiệt đới với những thành tạo laterit, do sự phong hoá  các loại đá,
  • địa mạo sa mạc với các đồi cát và sỏi đá, như tại sa mạc Sahara
  • địa  mạo miền núi v.v.  rất đa dạng vì khác nhau theo độ dốc, theo cao độ, thực vật v.v cũng như sự bóc mòn cùng các trầm tích được vận chuyển và lắng đọng ở những nơi khác.

Ngay tại vùng nhiệt đới, người thường cứ nghĩ là rất nóng nhưng thực ra cũng có những vùng núi cao khí hậu ôn hoà như tại núi Kilomanjaro ở Tanzania và Shimborazo trên rặng núi Andes ở Ecuador .Và tại các nơi đó có nhiều loài thảo mộc đặc hữu vì các vùng này cô lập với các vùng chung quanh.

3. Địa mạo các vùng hàn đới và ôn đới

Những xứ có  khí hậu hàn đới (Bắc Canada) và ôn đới (Âu Châu ..)nhiều địa mạo không giống như các địa mạo vùng nhiệt đới .Ta gặp các tảng băng, các sông băng, esker, các moraine, glacial till. Esker ở tiểu bang Maine Bắc Hoa Kỳ dài cả trăm km .Và có trên 1000 esker ở tiểu bang Michigan ! Và Esker dài nhất ở Michigan gọi là Mason Esker từ DeWitt đến gần Mason, xuyên qua Lansing và Holt, dài trên 22 mile ! Khi một tảng băng di chuyển, nhiều vật liệu trên sông băng bị tan chảy và bị bẻ gãy ( gọi bằng chữ till hay moraine),  tạo thành những đống đá nhỏ, gọi là erratics, bị xói mòn và bị chuyển vận đi.

4. Vài địa mạo nước Việt

Ta  gặp chỗ này là ngọn đèo, chỗ kia là ngọn suối, đây là bãi triều, nọ là ruộng muối :

4.1. nhiều đèo như đèo Ngang, đèo Lao Bảo, đèo Hải Vân, đèo Cả, đèo Ngoạn Mục, đèo Blao trên nước Việt nên thi văn Việt cũng khá phong phú về các đèo:

 Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
(Bà Huyện Thanh Quan )

Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.

(Hồ Xuân Hương)

4.2. nhiều dòng sông suối với  bên lồi,  bên lõm, các cồn trên sông, cắt thành đá gốc, phản ứng với những thay đổi của nước ngọt, nước phèn, nước lợ, nước mặn và tương tác với con người.

Bước lần theo ngọn tiểu khê
Nao nao dòng nước uốn quanh
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
(Truyện Kiều)

4.3. nhiều thung lũng: tại miền Trường Sơn nước Việt, trong phương ngữ Bình Trị  Thiên, có tên là ‘trọt’ , với các nhà sàn cheo leo của các tộc thiểu số với trên là  nhà ở, dưới là chuồng gia súc. Miền Bắc nước Việt giáp ranh với Trung Quốc có nhiều vùng đá vôi lởm chởm với các lũng ở giữa:

Hẹn cùng ta lũng tây năm ấy
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu

4.4. những ngọn suối miền núi . Hãy đọc thơ Nguyễn Bính về Chùa Hương:

Thuyền đi. Bến Đục qua.
 Mỗi lúc gặp người ra, 
Thẹn thùng em không nói:
“Nam vô A-di-đà!”
Réo rắt suối đưa quanh, 
Ven bờ, ngọn núi xanh, 
Nhịp cầu xa nho nhỏ:
Cảnh đẹp gần như tranh.

.. Rồi ngắm giời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.

Dòng sông nước đục lờ. 
v.v.

Đường mây đá cheo veo, 
Hoa đỏ, tím, vàng leo.

Ô! Chùa trong đây rồi! 
Động thẳm bóng xanh ngời. 
Gấm thêu trần thạch nhũ

4.5.Cửa biển, có thủy triều vì triều tác động lên bờ biển với triều lên, triều xuống mỗi ngày :

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xưa

Ta gặp Cửa Tùng, Cửa Việt, Cửa Lò v.v.

4.6. Bãi biển cát trắng như Đồ Sơn gần Hải Phòng, Sầm Sơn ở Thanh Hoá, Thuận An ở gần Huế, các đất mặn ven biển với rừng tràm, rừng đước v.v.

4.7. Vịnh biển (bay, baie) là một phần của biển lõm sâu vào lục địa, có cửa  mở rộng ra phía khơi với chiều rộng đáng kể. Ví dụ: vịnh Xuân Đài ở Phú Yên, vịnh Cam Ranh, vịnh Hạ Long v.v. .

4.8. Ao tại các đồng băng châu thổ

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tỉ teo
(Nguyễn Khuyến)

Tại đồng bằng châu thổ Cửu Long, cũng có nhiều ao: Trà Vinh có ao Bà Om với nhiều du khách.

4.9. Ruộng muối. Vài vùng phía Nam Phan Rang như ở Cà Ná, ta gặp ruộng muối .Muối Cà Ná được xem là chất lượng nhất nước, được ưa chuộng nhờ hương vị đậm đà, và là nguyên liệu chính yếu làm nên một đặc sản trứ danh khác của đất Ninh Thuận – nước mắm Cà Ná.

4.10. Cồn cát duyên hải. Dọc theo bãi biển miền Trung, ta gặp nhiều đồi cát ở mọi tỉnh: cát trắng như Cam Ranh, cát đỏ như vài chỗ Phan Thiết. Trồng cây phi lao Casuarina giúp ổn định được đồi cát, ngăn cản được cát bay vào ruộng.

5. Tác động của biến đổi khí hậu lên địa mạo

Biến đổi khí hậu với bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, nước biển dâng hiện nay khá thường xuyên ở nhiều nước, trong đó có Viet Nam . Riêng bờ biển vùng duyên hải miền Trung dài 1200 km và gồm những tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Thuận. Dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển và gần bờ nên đất trồng trọt được cứ nhỏ dần và lưu vực sông bị thoái hoá do phá rừng, do xói mòn . Sông, suối nhiều nhưng chiều dài những sông hầu hết ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực những sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Các cửa sông lại hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng.

Với các hiện tượng khí hậu như El Nino và La Nina, những trận bão và mưa lớn xẩy ra càng quyết liệt hơn. Vùng duyên hải miền Trung là một nạn nhân chính yếu vì vùng này gần giãy núi Trường sơn nên sông ngòi thường ngắn.Tại đây, mùa mưa và bão thường kéo dãn từ thời điểm tháng 8 đến tháng 11, và trung bình thường niên có 4 cơn lốc. Mưa lớn điển hình là vào năm 1999 với những trận mưa liên tục từ ngày 18 tháng 10 đến ngày thứ 6 tháng 11 đã nâng mực nước những sông lớn ở miền Trung đến độ cao trước đó chưa từng thấy. Với lượng mưa 1384 mm tại Huế trong vòng 24 giờ (từ 7 giờ sáng ngày 2 đến 7 giờ sáng ngày 3 tháng 11) , làm mực nước Sông Hương lên rất cao gần 6 m, cao hơn mực nước trận lụt năm 1953 đến 0.46 m.Lượng mưa vào trong ngày 2 tháng 11 tại Huế là lượng nước mưa lớn thứ nhì trên toàn thế giới, sau kỷ lục 1870 mm đo được tại Cilaos, hòn đảo Réunion vào trong ngày 16 tháng 3 năm 1952. Tiếp đến là những trận mưa lớn đã xãy ra từ thời điểm ngày thứ nhất đến ngày thứ 7 tháng 12, nhất là ở hai tỉnh Quảng Nam và Tỉnh Quảng Ngãi. Lượng nước mưa lên đến mức 2192 mm ở thượng lưu Sông Tam Kỳ và 2011 mm ở gần Ba Tơ. Đặc điễm của trận lụt năm 1999 là nước lũ dâng cao rất nhanh nhưng xuống chậm, làm nhiều nơi bị ngập lụt đến 3-4 ngày.

Sóng biển cũng gây xâm thực các địa mạo ven bờ. Do đó cần trồng cây trên đồi cát như cây phi lao để ổn định các đồi cát duyên hải, trồng cây tăng trưởng nhanh trên các đồi trọc và các thềm duyên hải để vừa có củi dốt, vừa cải tạo đất. Đầu tư củng cố, bảo vệ và tăng cấp đê biển, đê sông. Việc quy hoạch, xây dựng những dự án ở những vùng ven biển, cửa sông đều phải tính tới yếu tố ổn định địa mạo và yếu tố biển dâng một cách rõ ràng.

6. Kết luận

Việt Namcũng như những nước trên toàn thế giới, thiên tai khí hậu là yếu tố khó dự báo một cách đúng chuẩn. Tuy nhiên việc phòng chống, đối phó với tác động của yếu tố biến hóa khí hậu là yếu tố rất là cấp thiết. Vì vậy có hai yếu tố cần nêu lên, thứ nhất là làm giảm tác động biến hóa khí hậu và thứ hai là thích ứng với biến hóa khí hậu.Vừa attenuation, vừa adaptation. Muốn vậy, cần khảo sát đo đạc để xây dựng bản đồ địa hình của các vùng ven biển, vùng đồng bằng để xác lập bản đồ ngập lụt theo từng cấp dự báo để sở hữu phương án bảo vệ thích hợp.Thêm nữa là đẩy mạnh việc thực hiện chương trình bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển.

Thái Công Tụng
Thái Công Tụng
Cựu học sinh Quốc Học Huế, Kỹ sư Nông Học và Cử Nhân Khoa Học tại Toulouse (Pháp). Tiến sĩ Khoa học (1965), Giáo sư các Đại học khác nhau trong nước: Đại Học Khoa học, Đại Học Văn Khoa, Đại Học Nông Lâm Saigon.

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức, bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time


 

 

MỚI NHẤT

183FansLike
0FollowersFollow
20SubscribersSubscribe

X