Người cộng sản thất trận văn hóa như thế nào?

Bài 11. Xây dựng xã hội mơ ước của XHCN

Hợp tác xã

Lạp Chúc Nguyễn Huy

Khác hẳn với các tôn giáo, thiên đàng cộng sản được xây dựng cụ thể ngay trên đất Viêt mà người dân được nhìn thấy tận mắt rồi được sống thực trong thiên đàng đó. Trong phần 2, chúng tôi trình bày:

  • Cách xây dựng xã hội mơ ước của người cộng sản. Trước nhất là thiết lập hệ thống Hợp tác xã làm nền tảng cho kinh tế XHCN. Tiếp theo là tổ chức chế độ bao cấp để điều hành đời sống vật chất trong xã hội ước mơ của cộng sản.
  • Giai cấp cán bộ và kinh tế thị trường làm sụp đổ thiên đàng cộng sản.

Để song hành với văn hóa XHCN do Hồ Chí Minh đề xướng, Trường Chinh hướng dẫn xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của Việt Nam dập theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa Liên Xô hay kinh tế quốc doanh do tập thể chủ đạo được nhà Nước quản lý theo hai chế độ cơ bản:

  • Giao nộp”: Thiết lập hệ thống Hợp-tác-xã sản xuất nông phẩm, kỹ nghệ rồi giao nộp sản phẩm cho chính phủ.
  • Cấp phát”: Với chế độ bao cấp, nhà Nước dùng tem phiếu để phân phối, cấp phát từ cây kim sợi chỉ đến nhà ở cho mọi người dân. Như vậy là tạo lập sự công bằng, bình đẳng, và nhân phẩm cho mọi công nhân lao động.

Hai chế độ kinh tế, hợp tác xã và bao cấp, là hình ảnh đời sống vật chất của xã hội lý tưởng mà cộng sản hứa thực hiện cho toàn thế giới.

Hợp tác xã

Hợp tác xã sản xuất nông công nghiệp làm nền tảng cho kinh tế XHCN và là chìa khóa của thiên đàng hạ giới xây dựng theo chủ nghĩa Mác Lê. Vì vậy mà năm 1927, trong bài “Đường Cách Mệnh”, Hồ Chí Minh đã đưa ra nội dung cơ bản về loại hình HTX rồi tiếp tục chỉ đạo thực hiện tư tưởng HTX vào thực tế Việt Nam. Ngày 11-4-1946, Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia HTX nông nghiệp (đăng trên Báo Cứu Quốc số 229, ngày 1-5-1946). Trong thư, Hồ Chí Minh viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc… nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có HTX”.

Hợp tác xã là gì?

Hồ Chí Minh viết: “HTX là hợp vốn, hợp sức lại với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều”. Trong tác phẩm Đường Cách Mệnh năm 1927,  Hồ Chí Minh viết hợp tác xã là “góp gạo thổi cơm chung” cho khỏi “hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ, và vận dụng tục ngữ Việt Nam “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó”, “HTX là nhà, xã viên là chủ”. Muốn hợp tác xã phát triển và củng cố tốt, Hồ Chí Minh khuyên: “cần luôn luôn ghi nhớ và ra sức thực hiện khẩu hiệu cần kiệm xây dựng hợp tác. Không nên có hiện tượng làm chăm cái vườn riêng của mình hơn là ruộng của hợp tác xã, vì như thế là không ”cần” đối với hợp tác xã”.

Hình thành hợp tác xã

Khởi đầu, nhà Nước lấy số ruộng tịch thu từ điền chủ và phú nông đem phân chia cho tá điền và bần nông. Công việc sản xuất được tổ chức theo trao đổi lao động và lao động tập thể.

Tiếp theo, hợp tác xã nông nghiệp được xây dựng và phổ biến để thay thế hình thức canh tác trên căn bản cá nhân và gia đình.

Việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở Miền Bắc bao gồm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1958. Xây dựng hợp tác xã cấp thấp: sản xuất thực hiện dưới dạng tập thể nhưng phân phối thu nhập còn dựa trên căn bản diện tích ruộng thuộc quyền sở hữu của các hộ[1].

Giai đoạn 1960. Hợp tác xã cấp thấp dần dần được cải biến lên hợp tác xã cấp cao có qui mô lớn hơn và phân phối thu nhập dựa trên chỉ tiêu ngày lao động[2].

Tại miền Bắc (1960-70). HTX có 2 loại chính: HTX nông nghiệp (phổ biến nhất) và HTX của những ngành nghề khác (HTX vận tải, thương nghiệp, tín dụng…). Đến năm 1960, có hơn 50 ngàn HTX ở các ngành.

Trong thực tế, quá trình thiết lập HTX là một đọan đường kinh tế tiến lên xã hội chủ nghĩa. Trên đoạn đường này, cộng sản đã truất quyền tư hữu đất đai và các phương tiện sản xuất khỏi tay nông dân qua hình thức hợp-tác-xã tập thể. Người dân phải sản xuất theo HTX, phải bỏ vốn, bỏ công để bán sản xuất cho hợp tác xã.

Qua hình thức này, nhà Nước kiểm soát được:

  • Mọi ngành sản xuất và thu mua qua hợp tác xã nên tránh được cảnh “người bóc lột người” như lý thuyết cộng sản tố cáo,
  • Việc phân phối công bằng thực phẩm và mọi nhu yếu phẩm cho mỗi người dân để thực hiện được lời hứa của nhà Nước: “Làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu”.

Tiếng nói thầm kín của xã viên qua câu vè, ca dao

Muốn hiểu thành đạt và tâm tình người dân đối với hợp tác xã thì hãy nghe tiếng nói chân tình, thầm kín, gióng lên những tiếng chuông ngân dài, ai oán qua những câu vè, câu ca dao vừa thể hiện khẩu hiệu “lao động là vinh quang” của đất nước thời đó, vừa lột tả được bộ mặt trái của hợp tác xã. Dĩ nhiên những vần thơ “quốc cấm” dưới đây đều khuyết danh, chỉ được lén lút học thuộc lòng rồi thì thầm rỉ tai cho nhau nghe nên được gọi là “thơ chui”.

Một người làm việc bằng hai
Để cho cán bộ mua đài, mua xe.

Một người làm việc bằng ba
Để cho chủ nhiệm xây nhà, lát sân.

Thi đua làm một thành tư,
Để thằng cán-bộ tiền dư, bạc thừa.


Thi đua làm một thành năm,
Để thằng cán-bộ vừa nằm, vừa ăn.

Công nhân giai cấp tiền phong,
Ăn đói vác nặng, lưng còng mắt hoa.
Một người làm việc bằng ba,
Để cho lãnh-đạo xây nhà, xây lăng.
Mọi người thi đua thật hăng,
Để cho lãnh-đạo ăn nằm thảnh thơi.
Công nhân vợ ốm, con côi,
Lãnh-đạo nhà đẹp, xe hơi bề bề.
Bao giờ cho hết trò hề?

Đầy tớ (cán bộ) ăn rồi ngủ trưa
Để cho ông chủ (
nông dân) nắng mưa ngoài đồng.

Chủ nhiệm quần lĩnh, áo the
Nông dân thì để tò te ra ngoài.

Đi làm hợp tác xã mà đói ăn, thiếu mặc.

Đi làm hợp tác hợp te
Không đủ miếng giẻ mà che cái l**

 Ngày xưa tem phiếu vải thô
Em mặc không đủ Bác Hồ lòi ra.

Hình ảnh phong cách làm việc của các xã viên trong HTX.

Thằng làm thì đói,
Thằng nói thì no,
Thằng bò thì sướng,
Thằng bướng thì chết,
Thằng bết thì tôn,
Thằng khôn thì đập.
 

Tại sao hợp tác xã nông nghiệp sụp đổ?

Năm 1976, Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam ra Chỉ thị số 43 “Xóa bỏ bóc lột ở nông thôn, đưa nông dân đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp, tiến lên chủ nghĩa xã hội, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”.

Đến năm 1978, Hội đồng chính phủ có quyết định “Xóa bỏ triệt để các hình thức bóc lột tư bản chủ nghĩa về ruộng đất và xúc tiến điều chỉnh ruộng đất ở nông thôn miền Nam” bằng trưng mua và tham gia hợp tác xã.

Cuối thập niên 1980, nông nghiệp Việt Nam sa sút nghiêm trọng: năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi giảm, sản xuất không đủ tiêu dùng, nhân dân miền Nam phải ăn độn …

Đến cuối năm 1985, Nam Bộ đã xây dựng được 363 hợp tác xã và 36.220 tập đoàn sản xuất, thu hút 74% hộ nông dân. Trên thực tế thì phong trào hợp tác xã thực hiện một cách vội vã bằng cưỡng ép nông dân gia nhập nên dẫn đến 70% số hợp tác xã nông nghiệp thuộc loại trung bình và yếu kém, nhiều hợp tác xã tan rã, nông dân bỏ ruộng, không thiết tha với sản xuất nông nghiệp. Đến năm 1986, Đảng phải chấm dứt hệ thống HTX nông nghiệp, nền tảng của kinh tế XHCN để được thay thế bằng kinh tế thị trường tư bản. Kể từ đó, văn hóa XHCN nằm trên kinh tế tư bản nên biến mất dần theo như lời nói của Trường Chinh “Văn hóa nào thì kinh tế đó”.

[1] Theo tài liệu công bố, vào năm 1958 khi chương trình này bắt đầu thực thi 95 phần trăm hộ nông nghiệp ở Miền Bắc còn canh tác trên căn bản cá nhân và gia đình và chỉ có 4,7 phần trăm hộ gia nhập hợp tác xã cấp thấp

[2] Đến năm 1960, chỉ hai năm sau ngày khởi đầu chương trình tập thể hoá thì tỷ số hộ tham gia hợp tác xã tăng đến 85,8 phần trăm (gồm 73,4% cấp thấp và 12,4% cấp cao). Vào năm 1965 thì số hộ tham gia hợp tác xã đã vượt quá 90 phần trăm với khoảng 2 phần 3 thuộc hợp tác xã cấp cao

Lạp Chúc Nguyễn Huy
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Cựu Giảng sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức, bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

XEM NHIỀU NHẤT

166FansLike
0FollowersFollow
16SubscribersSubscribe

X