Sau khi Hồ Chí Minh qua đời và được ướp xác tại Ba Đình, Hà Nội thì Nhà nước cộng sản xúc tiến mạnh việc tôn sùng Hồ Chí Minh như một vị thánh. Các trang thông tin của chính quyền các địa phương và báo chí Nhà nước có nhiều bài ca ngợi “phong tục” thờ phụng Hồ Chí Minh là một “nét đẹp văn hóa”, báo Nhân dân ngày 22-1-1997 viết “Bác Hồ là Bồ Tát, là vị La hán” … Muốn biến bác Hồ thành vị thần, vị thánh để thu hút người đến chiêm bái thờ cúng thì phải có 2 điều kiện: 1) Hồ Chí Minh phải có vong hồn mà Bác phủ nhận lúc sinh thời, 2) vong hồn phải hiển linh cho người dân cảm nhận được. Vì vậy mà đảng cộng sản đã nghe theo lời khuyên của người xưa là:
“Núi không cần cao, có tiên sẽ linh,
Sông không cần sâu, có rồng sẽ linh,
Chùa không cần to, có người chân tu thì sẽ linh”.
Do đó mà mà chúng ta chứng kiến các hình ảnh sau tại chùa phật giáo quốc doanh:
- Đặt hình hoặc tượng Hồ Chí Minh trước tượng Phật Thích Ca[1],
- Thắp nhang, dâng hoa, vái lạy vong hồn Bác,
- Tắm tượng Bác cùng với tượng Phật ngày Phật Đản,
- Làm lễ “Hô thần nhập tượng” để tượng đồng của Bác từ vô tri trở nên linh thiêng.
Tắm tượng Bác
Nhân ngày Phật Đản, phật tử chùa Cao Linh tại Hải phòng đã tắm tượng Hồ chí Minh cùng với tượng Phật.
Về nguồn gốc, lễ tắm Phật đã có từ xa xưa ở Ấn Độ, dựa vào truyền thuyết hai vị Long vương phun hai dòng nước, một dòng nước lạnh và một dòng nước nóng, tắm cho Thái tử Tất Đạt Đa trong ngày đản sanh[2]. Hai dòng nước biểu hiệu hai cảnh giới nghịch – thuận trong cuộc đời của mỗi con người. Thái tử đã đứng giữa ranh giới của hai trạng thái với cái tâm an nhiên. Đây cũng là một bài học nhân văn, sâu sắc dành cho hết thảy mọi người.
Nghi lễ[3]. Mỗi lần múc gáo nước đổ lên vai tôn tượng Đức Phật đản sanh thì phật tử tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc trái ý, gọi là nghịch cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên. Không biết phật tử nguyện gì khi múc gáo nước đổ lên vai Hồ Chí Minh?
Ý nghĩa. Tu học để chuyển hóa tâm trạng của con người từ phiền não khổ đau thành an lạc và hạnh phúc tiến đến sự thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý của con người. Vậy, khi đã vào nương nhờ cửa từ bi thì tắm tượng Hồ Chủ Tịch cũng mang ý nghĩa này.
Khi nhắc đến nghi thức tắm tượng này, chúng ta thường liên tưởng đến ước mơ của con người. Đó chính là sự thanh tẩy trong tâm hồn, loại bỏ những phiền não cũng như những tư duy lầm đường lạc lối.
Thổi linh khí tức vong hồn vào tượng Bác
Mỗi khi an vị một tượng Phật, tượng Thánh Thần nào đó được tôn thờ trong chùa thì Phật giáo tổ chức rất trang trọng lễ “Hô thần nhập tượng” hay còn gọi là khai quang điểm nhãn. Khi hành lễ, ngón tay vị cao tăng bắt ấn tý, cầm nhang vẽ bùa, “thổi” linh khí vào tượng trước khi được thờ cúng.
Theo đạo Phật, hành trì nghi lễ khai quang điểm nhãn là để nhắc nhở mọi người hằng ngày phải luôn luôn hành trì Phật pháp, tuân theo con đường từ bi của Phật mà tu tâm dưỡng tính.
Còn dân gian thì thường hiểu nôm na nghi lễ này là:
- Lễ “Hô thần nhập tượng” có mục đích khai mở tượng đá hay đồng từ vô tri trở nên linh thiêng,
- Nếu không làm lễ khai quang, tức là thiếu thần lực của Phật an ngự vào tôn tượng của Phật hay của Hồ Chí Minh, thì có những loài ma quỷ sẽ nhập vào đó để hưởng hương khói và sự cúng dường.
Mặc dầu biết rằng “tín ngưỡng” của Hồ Chí Minh là vô thần, nhưng muốn tượng Hồ Chí Minh thờ tại chùa có thể hiển linh để hưởng được những đặc quyền của các vị thần mà nhân dân thờ cúng nên nhân dịp kỷ niệm 130 năm (2020) ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, tại khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng thuộc thôn Đại Độ, xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng Tp. Hải Phòng, thượng tọa Thích Quảng Minh trưởng ban trị sự phật giáo huyện Tiên Lãng đã tổ chức “Lễ hô thần nhập tượng khai quang an vị tượng Hồ Chí Minh”. Tham gia lễ có thứ trưởng bộ kế hoạch đầu tư, phu nhân của Bí thư Thành ủy Hải Phòng, chủ tịch huyện Tiên Lãng, tăng ni phật tử[4].
Hình ảnh Lễ hô thần nhập tượng khai quang an vị tượng Hồ Chí Minh
Tại Ba Lan, nhân dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh nhật Bác, chiều ngày 19-05-2012, Đại đức Thích Đức Đạt làm lễ hô thần nhập tượng cho Hồ Chí Minh cũng được phóng viên Võ Văn Long của Đàn Chim Việt, thường trú tại Varsovie, tường thuật 21 tháng Năm 2012 như sau:
“Trong phần nghi lễ chính, đại sứ Nguyễn Hoằng và phu nhân đã cùng làm lễ hô thần nhập tượng chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nghi lễ, việc ‘mời’ linh hồn Hồ Chí Minh để nhập vào tượng trực tiếp từ Lăng trên quảng trường Ba Đình hay từ hang Pác bó, và Bác sang Ba Lan bằng phương tiện giao thông nào là một điều bí hiểm thuộc ‘bí mật ngoại giao’ mà ông Hoằng đại sứ giữ kín không tiết lộ.”
Một số hình ảnh từ buổi lễ:
Mừng hay buồn?
Ngày nay, cảnh tượng Bác núp bóng từ bi và cán bộ quan chức cộng sản tin vào tâm linh như người dân thường đã gây ra những luồng dư luận vui buồn nhất là trong giới blogger. Về việc đặt tượng, hình Hồ Chí Minh ngang với Đức Phật, người hiểu đạo Phật thì biết rằng trong “Kinh Kim Cang” đức Phật dạy: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị năng hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai — Nếu ai đó muốn nhìn thấy ta qua hình tướng, hoặc tìm cầu ta qua âm thanh. Đó là cách của kẻ tà đạo, người ấy không bao giờ thấy được Như Lai.” Đến với đạo Phật là đến để thấy và biết không phải đến để tin, nơi đâu có sự hiểu biết, nơi ấy có giác ngộ.
Song song với việc an vị tượng Hồ Chí Minh tại chùa để vong hồn Bác nương cửa từ bi, đảng cộng sản xây đền thờ Bác khắp nơi để vong hồn Bác gia nhập vào gia đình thần thánh cổ truyền của Việt Nam.
—
[1] Theo truyền thống của chùa thì « Tiền Phật, hậu Thần » có nghĩa đằng sau điện thờ Phật là hậu cung nơi đây có bàn thờ thần như Chư Vị của Đạo Mẫu rồi sau nữa là các án thờ vong linh phật tử. Nhờ Phật Giáo quốc doanh và thờ hình Hồ Chí Minh trong chùa mà cơ sỏ thờ tự Phật Giáo đã tăng từ 14 048 (1997) lên 18 466 (2017), theo thống kê của Giáo hội Phật Giáo quốc doanh Việt
[2] Theo truyền thuyết khi mới sinh ra, Thái tử Tất Đạt Đa đi 7 bước, dưới chân nở ra 7 đóa hoa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói rằng: “Thượng thiên hạ địa, duy ngã độc tôn” (trên trời dưới đất ta là tôn quý nhất). Cùng khi đó, có chín con rồng phun nước tắm cho Phật sơ sinh.
[3] Khi tiến hành lễ tắm Phật, bài kệ tắm Phật được xướng tụng là:
Ngã kim quán mộc chư Như Lai
Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
Ngũ trược chúng sanh linh ly cấu
Đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân …
[4] Trên internet, lễ hô thần nhập tượng Hồ Chí Minh cũng được tường thuật ở vài nơi, thí dụ như UBND Quận Tây Hồ cùng Đảng ủy phường Phú Thượng tổ chức nhưng trang này bị xóa với hàng chữ Not Found vì một số người « cộng sản thuần túy ! » còn sót lại đã lên tiếng phản đối tính khôi hài của việc làm này