MỘT GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG
VỀ NỀN VĂN HỌC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
Bài của Lê Quốc
Một giai thoại văn chương vô vùng thú vị. Người đời sau, khi đọc giai thoại nầy ắt phải thầm phục một người có một tài năng hiếm có và một sở học uyên thâm, đã làm rạng danh nền văn học Việt Nam trước một cử toạ gồm toàn người ngoại quốc. Thế hệ sau ắt sẽ tỏ lòng biết ơn và hãnh diện về giá trị của nền văn hoá của ông cha lưu truyền lại cho con cháu.
Câu chuyện xảy ra trong bối cảnh một buổi sinh hoạt của hội truyền bá thơ Tanka của Nhật bản tại Paris năm 1964. Buổi họp gồm toàn là người Nhựt và người Pháp. Chỉ một người Việt duy nhứt được mời là giáo sư Tiến sĩ Trần văn Khê. Diễn giả là một ngưởi Pháp. Bước lên diễn đàn, diễn giả mở đầu buổi nói chuyện:
“Thưa quý vị,
Tôi là Thuỷ sư đề đốc đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang nước Nhật, chỉ trong vòng một, hai năm mà tôi đã thấy cả một rừng văn học. Và trong khu rừng ấy, Tanka là một đoá hoa tuyệt đẹp. Trong thơ Tanka, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Chỉ 31 âm tiết mà nói bao nhiêu chuyện sâu sắc, đậm đà. Nội hai điều đó thôi đã thấy các nước khác không dễ có được.”
Phân tích bài phát biểu của ông Đề đốc trên, người ta nhận thấy những điểm sau :
1.- “Sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể” Không thấy, giả định rằng ông đã đọc nhiều văn chương Việt Nam mà không thấy một áng văn nào đáng kể? Điều nầy không đúng vì nếu ông đọc nhiều văn chương Viêt Nam, nhứt định ông sẽ thấy được một hay nhiều áng văn đáng kể. (Thí dụ như truyên Kiều, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc v.v…) Hoặc không thấy vì ông không hề tìm hiểu hay giao du với giới văn học, nên dốt đặc về văn chương Viêt Nam. Vậy mà ông cao ngạo, khoác lác lên giọng nói như người hiểu biết.
2.- “Trong thơ Tanka, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm.” Mặc áo thụng vái thơ Tanka, gián tiếp chê văn chương Việt Nam trong khi mù tịt về thi ca Việt Nam. Quả thật ông nầy là người “dốt hay nói chữ”. Văn học Trung Quốc có câu : “Tri chi vi tri chi. Bất tri vi bất tri. Thị tri giả.” (Biết thì nói là biết. Không biết thì nói là không biết, Ấy là biết vậy). Ông Đề Đốc nấy quả thật là “người điếc không sợ súng”. Đáng tiếc !
3.- “Chỉ 31 âm tiết mà nói bao nhiêu chuyện sâu sắc đậm đà.” : Vì thiếu hiểu biết về văn chương Việt Nam mà chỉ nhìn vào thơ Tanka, nên ông nầy mới ca tụng thơ Tanka như thể không có thơ nào đặc sắc như vậy. Thi ca Việt Nam có hàng ngàn, hàng chục ngàn câu thơ nói về một ngọn núi hay một dòng sông mà chứa đựng bao nhiêu tình cảm sâu sắc đậm đà. Lấy một thí dụ : “Dáng chàng theo lớp mây đưa, Thiếp nhìn ngọn núi ngẩn ngơ nỗi nhà”
4.- “Nội hai điều đó thôi đã thấy các nước khác không dễ có được.” Chỉ biết thơ Tanka thôi mà dám đại ngôn cho rằng các nước khác không dễ có được. Các nhà bình luận lừng danh thề giới khi bình luận thơ Apolinaire, thơ Verlaine, Lamartine cũng không bao giờ dám buông lời ngông cuồng như thế. Điều nầy chứng tỏ ông đề Đốc nầy là người khoác lác, là cái thùng rổng kêu to.
Giáo sư Trần văn Khê là một trí thức, có một sở học uyên thâm, ông chứng minh từng điểm cho ông Đề Đốc thấy cái dốt và cái “dốt hay nói chữ” của mình đồng thời trình bày với quan khách về nền văn học kiệt tác của Việt Nam.
1.- Giáo sư Khê hỏi ông Đề Đốc “Ở Việt Nam ngài chơi với ai mà hỏi không thấy một áng văn nào đáng kể?” Để mắng xéo ông Đề Đốc, giáo sư Khê tự trả lời luôn câu hỏi : “Có lẽ ngài chỉ chơi với những người quan tâm đến sự ăn uống, chơi bời, hút xách…” (Ý nói ngài chỉ ăn chơi, trác táng, truỵ lạc thì làm sao thấy được cái gì gọi là văn chương nghệ thuật.)
Phải chi ngài chơi với giáo sư Émile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục gồm trên 1500 sách báo về văn chương Việt Nam, in trên Tạp chí Viễn Đông bác cổ của Pháp số 1 năm 1934. Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durant thì ngài sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông Durant đã cất công sưu tập… Ông còn hiểu biết thêm về hát chầu văn, ông còn xuất bản sách ghi lại các sinh hoạt văn hoá của người Việt. Nếu ngài làm bạn với những người như thế, ngài sẽ biết rằng nước tôi sẽ có đến hàng ngàn, hàng chục ngàn áng văn kiệt tác.
Mặt khác, giáo sư Khê còn gián tiếp phê phán ông nầy “phách lối” : “Tôi không biết ngài đối xử với người Việt Nam thế nào, nhưng người nước tôi thường rất hiếu khách, sẵn sàng nói cái hay của văn hoá mình cho người khác nghe. Nhưng họ cũng chọn mặt gửi vàng, với những người PHÁCH LỐI, có khi chúng tôi không tiếp chuyện.
Việc ngài không biết một áng văn nào của Việt Nam cho thấy ngài giao du với những người Pháp như thế nào, đối xử với người Việt Nam ra sao. Tôi rất tiếc về điều đó.
2.- Ngài nói về thơ Tanka : “Chỉ cần một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm.” Thi ca Việt Nam chúng tôi cũng có nhiều ca dao, hò vè của giới bình dân, nói về ngọn núi, một con sông, hay dùng hoa lá nói thay tâm sự của mình như :
“Núi cao chi lắm núi ơi !
Núi che mặt trời không thấy người yêu”
Hoặc :
“Đêm qua mận mới hỏi đào ;
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa”
Thật ra, giáo sư Khê chỉ dùng những câu thơ ngắn để so sánh với thơ Tanka vốn là một thể loại thơ ngắn của Nhật. Tanka là “Đoản ca” và chõka là Trường ca. Còn văn chương của ta không thiếu những câu thơ dùng núi và sông, suối còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn nữa. Thí dụ :
“Dấu chàng theo lớp mây đưa
Thiếp nhìn ngọn núi ngẩn ngơ nỗi nhà.”
Về sông :
“Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà không gặp
Cùng uống nước sông Tương.”
Nguyên bản :
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương cố bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thuỷ. (Trường tương tư – Lương ý Nương)
3.- Về 31 âm tiết trong thơ Tanka : Giáo sư Khê kể lại một câu chuyện vô cùng lý thú :
Đời nhà Trần nước Việt Nam chúng tôi vào thế kỷ 13. Nhân lúc một bà phi qua đời. Vua nhà Trần sai Trạng Nguyên Mạc đỉnh Chi đi sứ sang Tàu để chia buồn với vua nhà Nguyên. Bà phi nầy rất được sũng ái, nên vua nhà Nguyên vô cùng thương tiếc. Trong một buổi đại trào gồm bá quan văn võ, các văn nhân, học giả, sứ thần các nước, vua nhà Nguyên muốn có một kỷ niệm với bà phi tần yêu dấu, nên đưa ra một đề tài cho tất cả quan viên và sứ thần có mặt làm một bài ai điếu. Quan Lễ bộ Thượng Thơ bước lên diễn đàn, cầm một bao thơ có chứa đề tài của vua, xé ra đọc :
Đề tài chỉ có : Bốn chữ Nhứt.
Các quan viên văn võ, các sứ thần đều hoảng sợ vì đề tài khó quá. Chỉ 4 chữ nhứt làm sao sáng tác nổi bài ai điếu. Trạng nguyên Mạc đỉnh Chi, sứ thần của Việt Nam, không chút sợ sệt, ung dung bước lên diễn đàn sang sảng đọc bài ai điếu có 4 chữ Nhứt :
“Thanh thiên NHỨT đoá vân
Hồng lô NHỨT điểm tuyết
Thượng uyển NHỨT chi hoa
Dao trì NHỨT phiến nguyệt.
Y ! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết.”
Dịch nghĩa :
“MỘT đám mây giữa trời xanh
MỘT bông tuyết trong lò lửa
MỘT đoá hoa trong vườn Thượng Uyển
MỘT vầng trăng trên mặt nước ao hồ
Ô hô! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết.”
Tất cả có 29 âm tiết, chứ không cần 31 âm tiết như ông Đề Đốc dẫn thơ Tanka.
Khi Giáo sư Trần văn Khê giải nghĩa những cân thơ nầy thì khán giả vỗ tay hoan nghinh nhiệt liệt Ông Thuỷ sư đề đốc đỏ mặt, nói: Tôi chỉ biết ông là một nhà âm nhạc nhưng khi nghe ông dẫn giải, tôi biết mình sai khi vô tình vô tình làm tổn thương giá trị văn chương của dân tộc Việt Nam.Tôi thành thật xin lỗi ông và cả dân tộc Việt Nam.
Kết thúc buổi nói chuyện, ông Thuỷ sư đề đốc gặp riêng Giáo sư và ngỏ ý mời ông đến nhà dùng cơm tối. Giáo sư Khê tê nhị từ chối. Ông Thuỷ sư đề đốc nói : “Vậy là ông chưa tha thứ cho tôi” Giáo sư đáp lời : “Có một câu mà tôi không thể dùng tiếng Pháp mà phải dùng tiếng Anh”. Đó là : “I forgive, but I cannot yet forget” (Tạm dịch : Tôi tha thứ, nhưng tôi chưa thể quên được.)
Mạc đỉnh Chi là một nhà khoa bảng, học vấn uyên thâm, có tài ứng đối nhanh nhẹn, thông minh hơn người. Năm 1308 Mạc đỉnh Chi đi sứ sang Tàu, đối đáp thông tuệ, học vấn uyên thâm. Trong một phiên chầu, sứ giả nước ngoài dâng vua một cây quạt quý.Vua nhà Nguyên sai các sứ thần làm một bài thơ vịnh cây quạt. Mạc đỉnh Chi nhanh chóng làm một bài thơ thật hay, có khí phách lớn, chữ nghĩa đối nhau rất tài tình. Hoàng Đế nhà Nguyên xem thơ xong hết mực ngợi khen và phê ngay vào bài thơ 4 chữ “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên” rồi tự tay trao cho Mạc đỉnh Chi.
Thật là một vinh dự tột đỉnh cho ông và cho cả nước Việt Nam có được một nhân tài xuất chúng.
Viết theo Hồi ký Trần văn Khê do Quang Minh tổng hợp.
Mùa Đông Canada, ngày 11- tháng 12- 2020