CHA TÔI…MẸ TÔI
Nguyễn-đại-Thuật
Nhìn thấy cha và mấy người bạn của cha dẫn xe ra khỏi cổng, Danh từ nhà hàng xóm bên cạnh đi về nhà. Vừa nhìn thấy con, cha Danh nói trong hơi rượu: “Thằng cha mày, đi chơi đâu mà đi suốt ngày, lúc cần thì không thấy mặt mũi đâu hết, nhớ dọn dẹp sạch- sẽ chén dĩa nơi bàn ăn..tối đi ngủ, nhớ đừng quên khóa cửa lại “.
Danh nhìn theo cha lắc đầu, rồi tự than: “Chiều nào cũng say…không biết khách nào dám thuê chở? ”
Danh gom chén đũa đem đi rửa, lúc sắp xếp vào tủ, Danh nhìn thấy cái hộp nhựa nằm trên đầu tủ, Danh biết cái hộp nhựa này của cha dành thức ăn cho Danh mỗi khi nhậu. Danh mở hộp để xem hôm nay cha nhậu gì với mấy người bạn?. Một cái đùi vịt nguyên vẹn kèm thêm mấy miếng ức vịt chắc nịch. Danh lại lẩm-bẩm: “Cơm nước không chịu ăn, chỉ nhậu. Nhậu mà ông chịu dùng mồi, sức đâu mà chạy xe? Mồi ngon thì để lại…”. Cha đi làm về rất khuya, có lúc gần sáng mới về nhà, rồi ngủ cho đến chiều hôm sau, trước lúc đi làm, mua đồ về nhậu. Bạn đồng-nghiệp với cha cũng mang rượu và mồi nhậu đến chia sẻ. Từ hai năm nay, sau ngày mẹ chết, cha mới sinh ra uống rượu. Mỗi lúc uống với bạn đồng nghiệp, mọi người hay nói lớn tiếng, chuyện trên trời dưới đất, Danh không chịu được nên thường qua nhà hàng xóm để tránh. Những người nhậu rượu với cha là những chú bác cùng làm nghề xe ôm.. Trước khi cha bắt đầu nói với Danh điều gì thì cha hay mở đầu “Thằng cha mày”. Người ngoài mới nghe tưởng chừng là lời chửi mắng, nhưng với Danh thì đó chỉ là thói quen đáng yêu, chứa những thanh âm âu yếm, thay bằng những cái xoa đầu, vuốt má…có lúc nào đó cha không sử dụng câu nầy khi bắt đầu trao đổi câu chuyện với Danh, Danh cảm thấy buồn buồn, như cha đang ghét bỏ mình vì một nguyên nhân nào đó.
Có một hôm đi ngủ trễ bài vở ở trường quá nhiều, nằm chờ cơn buồn ngủ đến thì cha về. Nghe tiếng mở khóa cửa, Danh nằm im như đang ngủ. Cha đến bên cạnh giường..”Thằng cha mày, nằm ngủ như chó con…không biết trời trăng gì hết…thân thể lớn nhanh như mấy cây chuối sau vườn, năm rồi đi làm về còn nằm bên cạnh một chút, nay thành thân cây chuối, chiếm hết lề giường còn lại nên cha mày không còn chỗ ngã lưng. Trong gần hơn một năm, sau khi mẹ chết, lúc ấy Danh mời mười hai tuổi, đêm đến cha thường cùng ngủ chung giường…rồi đột nhiên cha không còn nằm chung nữa, Danh cảm nhận như thiếu vắng cái gì đó không gọi bằng tên được. Thầm nghe lời cha như vậy, đêm hôm sau, lúc lên giường ngủ, Danh nằm ép sát tường, để giường có một khoảng trống bên ngoài. Khi nghe tiếng động, biết cha về, Danh nằm yên…tiếng bước chân cha đến gần..rồi cha rời đi, Danh nghĩ, chắc trong đầu cha lại: “Thằng cha mày nằm ngủ như chó con,..không biết trời trăng gì hết..thân thể lớn nhanh như mấy cây chuối sau vườn..giường không còn một rẻo nào để ngã lưng…” Rồi Danh nghe bước chân cha nhẹ đến bên giường, tiếng chiếc gối nhẹ để bên cạnh, cha nằm xuống..lưng cha chạm vào lưng Danh.nóng hổi. Mùi rượu nồng nặc, mùi mồ hôi chua lè toát ra từ cơ thể cha khiến Danh muốn ngồi dậy rời đi chỗ khác vì cảm thấy như ngạt hơi….nhưng rồi Danh cảm thấy quen dần cái mùi muốn làm Danh nghẹt thở…cái mùi mà gần một năm nay không còn gặp lại trong đêm..Danh nghe hơi nóng từ lưng cha chuyển qua lưng mình. Danh thấy người mình nhẹ nhàng, thanh-thoát..Danh muốn quay mặt lại ôm cha…nhưng cùng lúc cha rời giường đi về phòng cha…một lúc sau, thoang thoảng trong cơn buồn ngủ kéo sụp hai mắt, Danh ngửi mùi dầu cù-là con cọp tỏa ra.
Chiều hôm sau, một người trong những bạn cha đang uống rượu với cha hỏi cha: “cái vụ đụng xe bữa trước có bị thương tật gì nặng không? “. Danh nghe lén được trả lời của cha: “Thôi, đừng đề cập gì đến chuyện này ở đây, đừng để cho thằng nhỏ nhà tôi nó nghe được nó lo..may mà chiếc xe không bị gì, còn sử dụng làm ăn được..chỉ hơi quẹo niềng xe một chút thôi., người đụng phải mình cũng là dân xe ôm như bọn mình…thông cảm nhau mà…chốc nữa, trước khi chạy vòng tìm khách, ghé qua anh sửa máy quen biết..bỏ vài chục cho người ta kéo cái niềng xe lại..là xong..còn hai cái đầu gối hơi rêm rêm, đêm qua bôi dầu cù-là nên giờ này thấy nhẹ rồi.” Từ nơi góc khuất, nhìn hình hài tiều tụy của cha Danh thấy như tất cả những đau thương và bất hạnh của đời nầy như đang phủ kín lấy cha già, Danh rưng rưng nước mắt.
Có lần bà nội kể cho Danh nghe, trước khi có Danh, cha làm giáo-sư một trường Trung-học phụ trách lớp học tiếng nước ngoài cùng trường với mẹ Danh. Cha mẹ Danh yêu nhau, nhưng ông hiệu trưởng của trường cũng yêu mẹ. Mẹ từ chối mối tình của ông hiệu-trưởng. Ông hiệu-tưởng muốn loại cha ra khỏi trường, với tư-cách là bí thư của đảng cầm quyền và có thế lực, cha bị chuyển dạy ở một bảng làng dân tộc ít người, cha nộp đơn thôi dạy, trở về sống cuộc sống làm nghề lái xe ôm. Mẹ cũng xin nghỉ dạy vì không chịu được những quấy rầy của ông hiệu trưởng vì không được mẹ đáp lại tình yêu của ông, làm tinh thần mẹ suy sup. Mẹ và cha cưới nhau rồi sinh ra Danh. Cha làm nghề lái xe ôm có thu nhập khá, vì cha rành tiếng nước ngoài nên biết cách mời rước khách nước ngoài đồng thời cũng kiêm luôn công việc làm của hướng đẫn viên du-lịch, nên tiền thưởng của du khách nhiều hơn tiền công chuyên chở.
Mẹ mở lớp học dạy thêm toán ở nhà; Lúc đầu học trò ghi tên học rất đông, nhưng vài tháng sau thì không còn ai tiếp tục học. Bà tổ trưởng tổ dân phố nói lớp học của mẹ làm khu phố yên tĩnh trở nên ồn ào, người dân khiếu nại nên bà đã báo cho công-an biết vì vậy công an đã chận những học sinh ghi danh học thêm không cho vào lớp. Một vài em học trò học thêm nói cho mẹ biết, thời gian trước đó không lâu, các em thường thấy ông thầy hiệu trưởng cũ của trường mẹ dạy hay đến tiếp xúc với người công-an phường…
Mẹ ở nhà với Danh cho đến lúc Danh được bốn tuổi, mẹ nói Danh đã lớn, đã đi học lớp mầm non, mẹ rảnh, mẹ muốn làm thêm một công việc gì đó để cùng góp sức với cha để cho cuộc sống gia-đình tốt hơn. Mẹ xin phép mở quán cơm bình dân bán cho người lao động không được, mẹ nấu cháo gà bán ngoài đầu hẻm của khu phố. Khách ăn thường nói mẹ nấu gà công nghiệp thịt không ngon, thịt bở, ăn vào xảm đầu lưỡi, nếu thay bằng gà nuôi thả, gà ta thì thịt sẽ chắt, ngọt thịt, và thơm hương vị gà…
Chìều ý khách, và cũng để bán được cháo gà của mình, mẹ chủ trương bán cháo gà bằng thịt gà ta, gà làm ngày nào bán ngày đó, không làm trước để dành trong tủ đông đá. Cháo gà của mẹ có nhiều khách trở lại. Mẹ chỉ bán cháo từ sáng sớm đến giữa trưa thì nghỉ bán. Thời gian còn lại, mẹ dùng xe đạp đi về các vùng xa thành phố, lặn lội vào các nhà dân để mua gà người ta tự nuôi. Mẹ tự mổ gà làm cháo. Cha không bằng lòng việc mẹ mua gà sống về làm thịt ở nhà. Nhiều lần cha và mẹ cãi vã nhau về chuyện này, Danh chứng kiến được. Cha trách mẹ: “nếu có người bán gà ta làm sẵn thì em mua về nấu cháo bán, chứ nhìn thấy cảnh em mua gà sống về giết thịt anh không cam lòng”. Mẹ nói lại “người làm thịt gà ta bán không nhiều, không đủ cho người khác mua, còn đâu đến phiên mình!”. “Tại sao em không đặt trước để người ta đem đến giao tại nhà?”. “Anh đâu biết, em cũng đã dặt hàng người ta, người ta đã giao cho mình gà ta với gà công nghiệp lẫn nhau…em bị khách ăn qui tội gian dối, anh đâu biết!”. Có hôm cha và Danh chứng kiến cảnh mẹ mổ gà…mẹ cắt cổ lấy huyết con gà xong, mẹ bẻ quặp hai cánh con gà lại cho nó khỏi vùng vẫy trước khi chết hẳn, nhưng con gà dường như tận dụng tàn lực cuối cùng làm tách rời được hai cánh đã bị vặn tréo lại, nó đứng lên, cái cổ bê bết máu vẹo một bên, nhủi tới phía trước hướng về giữa hai chân của mẹ, mẹ tránh qua được một bên, con gà đập toàn thân vào thành bếp…cha thở dài, lắc đầu, dẫn xe ra khỏi nhà…Lần khác, mẹ cầm con gà đã được cắt cổ xong, hai cánh đã được bẻ quặp lại cho vào chảo nước sôi…bỗng con gà kêu lên tiếng “éc “, toàn thân nó vọt tung ra khỏi chảo nước sôi, rơi xuống sàn bếp, dẫy lên đành đạch…Danh vừa tội nghiệp con gà, rùng mình, vừa sợ, chạy ra khỏi bếp. Đêm nằm ngủ với mẹ, Danh hay thì thầm với mẹ “mẹ ơi, mẹ đừng cắt cổ gà nữa mẹ… mẹ đừng nhúng gà vào nước sôi để nhổ lông nữa mẹ…con sợ quá”..Giọng mẹ trìu mến vào tai Danh: “Thời buổi kinh-tế khó khăn, mình phải biết bỏ công để lấy lời, mẹ chỉ bán nhiều nhất ba con gà một buổi, nếu nhờ người ta làm, thì ba con gà mẹ chỉ còn bán được hai con rưỡi, nửa con kia trả công cho người ta…như vậy mẹ đâu lấy được đồng lời nào!”. Từ đó, lúc nào mổ gà, thấy Danh lẫn quẩn gần bên, mẹ đuổi đi nơi khác.
Những khi có lễ, học trò được nghỉ nhiều ngày, cha thường gởi Danh bên nhà bà nội. Mỗi khi cha chở Danh đến, bà nội cười, Danh nghe bà nội nói như cho mọi người cùng nghe: “Gởi thằng nhỏ ở đây nhằm nhò gì, chỉ trừ khi mẹ nó ngừng sát mấy con gà… mấy ngày thằng nhỏ ở đây nó không nhìn thấy, mai mốt hết lễ nó về nhà, nó lại nhìn thấy…vô ích !”
Những ngày được sống bên nhà nội, đêm đến, nội thường hay tụng kinh Phật, Danh thường ngồi bên cạnh nội, nhìn Phật, nhìn ánh nến lung linh, nhìn khói hương cuộn tròn bay lên trần nhà, tỏa mùi thơm, Danh hít mạnh cho căng đầy ngực rồi từ từ thở ra, để tâm hồn hòa lẫn lời giọng kinh buồn, thanh thoát mà Danh không hiểu được, Danh thấy mình chạy theo cơn buồn ngủ.
Năm Danh được mười tuổi, gánh cháo gà của mẹ được biến thành xe cháo gà. Cháo được nấu ngay tại xe, những chiếc ghế, những chiếc bàn phục vụ khách cao ráo, sạch sẽ, đầy màu sắc, xe cháo gà đã có người giúp, việc mua gà, việc làm thịt gà không biết sao mẹ không giao cho người giúp việc phụ trách. Mẹ đòi sửa nhà đang ở cho rộng rãi hơn, cha không bằng lòng. Cha mẹ lại cãi nhau, cha nói:
“Nhà có hai vợ chồng, chỉ có một đứa con, mười năm rồi không có thêm đứa nào nữa,, sửa nhà rộng ra ai ở..? “. Tiếng mẹ hỏi lại: “Thằng Danh nó lớn, nó cưới vợ, nó sinh con, chúng nó ở đâu?”. Cha cười: “cái nhà này thằng con mình nếu có ba đứa con sống chung ở đây vẫn còn rộng”…Ngừng một chút, cha tiếp: ” biết đâu sau nầy nó có tiền, nó mua nhà ở trung tâm thành phố cho vợ con nó ở, chắc gì nó ỏ lại đây, khu lao động ồn ào?.” Mẹ hỏi Danh: “Cha con nói vậy đúng không con, có ý kiến với cha?”. Danh im lặng bỏ đi nơi khác. Danh nói lại cho bà nội nghe chuyện nầy, bà nội: “cháu không biết ý của cha cháu là không muốn mẹ cháu giết gà nhiều hơn để có cháo bán, để có tiền nhiều thêm để làm nhà, để sửa nhà…cha cháu đã không biết bao nhiêu lần khuyên mẹ cháu ngừng bán cháo gà, hãy đổi qua làm một nghề khác nhưng mẹ cháu không nghe, lúc nào cũng trả lời cha cháu là công việc kiếm ra tiền, không nghỉ được, quen rồi, không biết làm nghề gì khác.”.
Danh thường theo nội lên chùa, nhân ngày rằm tháng bảy, sư ông giảng về Ngài Mục-kiền-Liêng đã ăn chay tự làm khổ thân xác của mình để cầu xin chư Phật giải tội cho mẹ mình, để chuộc tội cho mẹ mình là bà Thanh-Đề đã gây ra bao nhiêu việc ác độc trên đời lúc còn sống nên sau khi chết, Diêm Vương xử phạt tội đã tạo ra việc ác bằng cách giam vào ngục lửa, mỗi miếng ăn là mỗi cục than lửa trôi vào cổ, đốt cháy cơ thể đau đớn vô cùng.”. Nghe lời kể của sư ông, Danh nghĩ đến việc giết gà của mẹ, nghĩ mẹ cũng có thể sẽ là bà Thanh-Đề, Danh buồn vô cùng. Rồi tự nhiên Danh cảm thấy từ mẹ toát ra mùi hôi của gà, cái mùi hôi nếu có dip đứng gần chuồng gà sẽ cảm nhận được. Danh không chịu nổi cái mùi hôi đó nên không thích đứng gần mẹ, nhưng mẹ, mỗi khi nhìn thấy Danh thì hay đến bên cạnh xoa đầu, bóp vai, bệu má tỏ lòng yêu thương. Danh bực, nên có lúc mẹ đến gần, Danh đẩy mẹ ra và nói: “mẹ hôi mùi gà lắm”, mẹ chỉ cười hỏi lại: “nhưng thịt gà và cháo gà mẹ nấu con ăn có hôi không? “Danh đưa bàn tay gạt qua mũi rồi lẩn đi.
Thời gian sau đó mẹ hay dùng dầu thơm, không biết có phải mẹ muốn dùng dầu thơm để át đi mùi hôi gà không, nhưng Danh vẫn ngửi phảng phất mùi gà. Có hôm Danh nghe cha và mẹ lớn tiếng nhau, mẹ khóc. Tiếng cha từ tốn: “anh đã nói với em hàng trăm hàng ngàn lần hãy thay đổi việc em đang làm, nếu không làm nghề khác được thì nghỉ, anh chạy xe ôm lo cho em và con được. Sát sinh tội lắm, em cứ giết gà làm thịt, ngày này qua tháng nọ, mùi gà nó thấm vào da thịt, xương máu của em, em đâu biết…chỉ ai đứng gần mới ngửi thấy.,em đang tạo nghiệp để mai sau thành gà cho người ta giết thịt như em đang làm”. Mẹ hỏi: “nhưng anh ăn thịt… “, cha tiếp lời mẹ: ” Người ta bán mình mua ăn, mình không mua người khác cũng mua, vì có người đã giết, cũng như em đã giết, em bán cháo người ta mua, em không giết nấu cháo bán người ta không có để mua ăn, không ai ép buộc em giết cả..không ai bán thịt, bán cá thì ăn rau, ăn hoa, ăn quả, mấy người tu hành trong chùa, mấy người ăn chay ngoài đời, có ai ăn thịt loài vật đâu mà họ vẫn sống ?…nói về đạo về nhân quả cao lắm, mình không đủ trình độ mà lý giải chân tơ kẽ tóc đâu…anh không muốn nhìn sự giết sinh vật ngay trước mắt mình, ngày này qua tháng nọ, anh sợ lắm, nếu có ai nói anh yếu đuối, không có cái bạo dạn của người đàn ông… anh chấp nhận..”.
Cách trang phục và trang sức của mẹ cũng có nhiều thay đổi. Áo quần có màu sắc tươi hơn, phấn sáp làm mặt mẹ như trẻ lại, cổ và tay đeo vòng vàng sáng chói. Và từ đó, xe cháo gà của mẹ thỉnh thoảng có những người đàn bà từ đâu đến gây sự, chửi bới nhau… người ta nói mẹ quyến rũ chồng của họ. Sự việc không biết có đúng như những người đàn bà đến đánh ghen la ó hay không, Danh thấy cha trở nên xa lạ với mẹ, hai người lại cãi nhau. Mẹ giọng biện hộ: “Mình bán, người ta đến ăn, ai cấm họ la cà ngồi lại ăn nhiều ăn ít, chủ nào lại đuổi khách, người ta ghen tương đến la ó ồn ào là chuyện của họ, em đâu giựt chồng, quyến rũ chồng của mấy con mẹ đó!”. Cha nói một câu ngắn gọn: “vậy thì em dẹp ngay cái xe cháo gà của em là ổn!”.
Vào một buổi trưa, Danh nghe mẹ nói với người giúp việc mẹ sẽ thay người giúp việc đi mua gà, đồng thới ghé thăm những người mà mẹ đã từng quan hệ mua gà trước đây vì lâu quá người giúp việc đã đảm trách công việc của mẹ trước đây, mẹ không có dịp gặp lại họ. Đến chiều tối mẹ vẫn chưa về, cha chở người giúp việc đến những nơi mẹ và người giúp việc thường đến mua gà, không một ai nhìn thấy mẹ. Ngày hôm sau công-an phường đến nhà báo cho biết có người nhận ra xác mẹ trong một khúc quanh đầy bụi rậm của một con lạch nhỏ. Không tìm thấy được chiếc xe đạp của mẹ. Không ai tìm thấy vòng vàng trên người mẹ. Nơi nhà xác trong nhà thương, Danh nhìn thấy hai tay mẹ bị trói phía sau lưng, cổ mẹ có một lỗ nhỏ đầy máu tụ lại khô đen…có người nói đó là vết đâm bằng dao…Danh chỉ biết khóc và Danh đã khóc không biết bao nhiêu ngày sau đó vì thương mẹ, vì nhớ mẹ, vì thấy mình không còn mẹ nữa. Nhìn ảnh mẹ trên bàn thờ, Danh thấy như mẹ đang nhíu mặt, như đang chịu đựng một sự đau đớn nào đó, thấy mẹ như đang muốn khóc và Danh lại khóc..Hình ảnh mẹ bị trói hai tay sau lưng, cổ mẹ bị vết đâm máu đen khô lại.. thân thể co quắp trong nhà xác, Danh rùng mình nhớ đến hình ảnh những con gà mẹ mổ thịt..hai cánh bị trói quặp…cổ bị cắt lấy huyết, có sự giống nhau như một bức tranh được sao chép lại.
Rằm tháng bảy năm giỗ mẹ đầu tiên, nội xin sư ông trên chùa cho một cái lễ riêng cho mẹ, nội nói với cha: “lúc sống mẹ thằng Danh gieo nghiệp giết gà nặng lắm, phải có một cái lễ riêng để cầu xin chư Phật giúp mẹ nó sám hối để giải bớt nghiệp đã gieo trồng.”.Nội buộc cha và Danh phải ăn chay một tháng để tăng cường duyên lực hộ trì cho mẹ sớm giác ngộ để sám hối. Từ ngáy đó cho đến nay ba rằm tháng bảy trôi qua…cha và Danh vẫn ăn chay một tháng để góp phần tăng duyên lực cho mẹ, không những vậy, Danh đã tự nguyện ăn chay một tháng hai ngày, rằm và mồng một và cứ mỗi tối thứ bảy Danh qua nhà nội để cùng nội và người thân đọc kinh cầu an và sám hối cho tất cả người thân mà chủ yếu là Danh cầu cho mẹ.
Qua tuổi mười bốn, đang trong tuổi mười lăm Danh học một trường dạy nghề, một cơ sở do thiện nguyện người Pháp thành lập. Danh học nghề in và quảng cáo. Một người Pháp dạy thiện- nguyện của trường là khách xe ôm của cha. Một hôm đi về khuya, lúc xuống xe vào nhà, người khách Pháp bị hai thanh niên chận đánh lấy giấy tờ tiền bạc. Cha đã kêu gọi bạn đồng nghiệp hợp lực bao vây vô hiệu hóa hành động của hai thanh niên đang cướp. Người Pháp mang ơn cha, biết Danh là con của cha, biết Danh học giỏi, có tương lai nên người nầy hứa sẽ tìm cách đưa Danh qua Pháp khi ông hết khế ước làm việc ở Việt-nam, để Danh có phương tiện phát triển nghề đang học, ông chỉ có một điều kiện duy nhất, cha Danh phải lo vé máy bay đi-về, còn mọi thủ tục giấy tờ, chi phí ăn ở bên Pháp ông sẽ lo, vì ông biết nơi sẽ học của Danh được nhà nước Pháp tài trợ bằng học bổng.
Tự nhiên cha ngừng uống rượu. Cha vẫn lái xe ôm như thường lệ. Buổi chiều, những bạn đồng nghiệp trong nhóm của cha không còn ghé nhà nhậu trước khi đi tìm khách để chở như trước. Thay vào những giờ giấc uống rượu trước đây, cha hay đọc sách báo mượn được từ một chùa nào đó. Cha đi làm về sớm hơn, trước khi đi ngủ cha thường xem lại bài vở học ở trường của Danh, sau khi xem xong bài vở của Danh, cha lại nói: “thằng cha mày, học như thế này, nếu mẹ mày còn sống chắc bà ấy vui lắm”. Danh sung sướng bởi ba tiếng “thằng cha mày” hơn là nghe “học như thế nầy, nếu mẹ mày còn sống chắc bà ấy vui lắm”. Nhắc cha những lời nội hay bảo Danh: “Bà nội nói cha nên giới hạn việc rước khách đi xe, tuổi của cha cũng hơi cao, nên qua nhà nội mở lớp dạy thêm, bên nội, những người làm việc trong chính quyền địa phương hiện nay, trước đây cũng đều là học trò của nội, họ không làm khó mình đâu.. cha vừa dạy vùa chạy xe.” Cha cười khì…khì..: “thằng cha mày, nội nói như vậy mà con tin được sao? Cha đã thử xin phép rồi, học trò cũ của nội con nó lắc đầu lia lịa, như con lúc còn nhỏ, bịnh, mẹ cho uống thuốc, lắc đầu không chịu uống.”
Mấy đêm liền nhìn thấy cha đi đi lại lại từ nhà trên xuống nhà dưới nét mặt suy-tư, rồi treo võng ngủ nơi phòng khách, thỉnh thoảng nghe cha thở ra uể oải, Danh nhắc cha vào phòng ngủ, cha nói: “Gần đây đêm nào cha cũng mơ mẹ con mình mẩy đầy máu, đi đâu cũng bị hàng ngàn con gà chạy theo mổ, rỉa, mẹ con chống cự, kêu la đau đớn, gọi cha, gọi con giải cứu trong tuyệt vọng…cha đau lòng quá, thương mẹ con quá…cha không ngủ được… để cha ngủ ở đây, trong phòng ngủ âm-u quá,”. Rồi có đêm Danh cũng mơ thấy mẹ bị hàng trăm con gà vây mổ, máu chảy ướt toàn thân, giống như lời cha kể giấc mơ của cha. Danh không biết hư thật của cơn mơ, không biết có phải bị ám-ảnh vì lời kể những giấc mơ của cha không mà sau cơn mơ Danh biết mình đã khóc.
Danh lại kể cho nội nghe những giấc mơ cùa cha và của mình. Nội kéo Danh đến ngồi một bên, nội nói, giọng nghiêm chỉnh: “Cái nghiệp giết gà của mẹ cháu gây ra lúc còn sống nặng lắm, giờ chắc là đang trả…cháu thương mẹ, muốn cứu mẹ, muốn giải nghiệp cho mẹ thì cháu hãy học theo lời Phật dạy, theo cách ngài Mục-kiền-Liêng đã hành tu cứu mẹ của Ngài.” Nhưng cháu đâu có xuất-gia như ngài Mục-kiền-Liêng mà hành tu được như ngài để cứu mẹ?”. Im lặng một hồi lâu, nội nói “cháu còn nhỏ, ngay cả quy-y cũng chưa thì chỉ cần ăn chay, thành tâm, trì chí cầu xin sám hối cho mẹ hàng ngày thì lần hồi nghiệp của mẹ cháu sẽ nhẹ dần…”
Nghe lời nội, Danh đã lần hồi giảm phần cá thịt trong bữa ăn hàng ngày. Đêm đến, trước khi ngủ, Danh vòng tay nhìn ra bên ngoài cửa sổ, niệm Phật…đọc kinh sám hối…cầu xin cho mẹ không còn bị những con gà bao vây, cắn, mổ rách da thịt, thân người quằn quại, máu chảy, đau đớn, rên khóc…và có đêm Danh nhìn thấy trên bầu trời trong sáng đầy sao, thỉnh thoảng có một hai ngôi sao tách rời, rơi xuống và khuất khỏi tầm mắt…Danh lại chắp tay như một tạ ơn, cho rằng mỗi một vì sao rơi là một con gà đã không còn oán thù mẹ, đã từ giã mẹ.
Chương trình học hai năm về in ấn và quảng-cáo mãn khóa, Danh được cấp bằng. Thầy Claude về Pháp nghỉ hè. Giữ lời, thầy đã lập những thủ tục cần thiết cho một du-sinh…và đưa Danh cùng lên đường với thầy.
Xa quê nhà, Danh nhớ cha, nhớ nội, nhớ người thân và bạn bè…trong nỗi cô đơn Danh chìm đắm trong những đêm nhìn trời, ru hồn mình trong lời tha thiết cầu an cho mẹ cầu xin sám hối cho mẹ. Mùa đông, những ngôi sao trốn lạnh, nhường không gian cho những bông tuyết rơi, Danh không cách nào đếm được hết nhũng bông tuyết như đếm những vì sao rơi lúc còn còn ở quê nhà, nhưng lòng Danh vẫn an bình, an-ủi cho tâm nguyện của mình; những bông tuyết mùa đông cũng là những vì sao của trời hè.
Danh ở Pháp mười năm. Trong thời gian này nội đã ra đi, không đợi Danh về. Cha nghỉ chạy xe ôm, nhà đóng cửa, cha vào chùa làm công quả. Còn Danh chỉ học thêm hai năm thì tốt nghiệp PTS về ngành in. Danh được thầy Claude xin cho làm việc tại nhà in báo Le Figaro. Cha cũng đồng-ý Danh sống và làm việc ở Pháp vài năm để có kinh nghiệm. Nhưng với sự cần cù và óc sáng tạo trong công việc, Danh được ban giám đốc nhà in báo Le Figaro sau vài năm thử thách đã trao cho một giao ước làm việc vô hạn định.
Danh cưới vợ Pháp và có hai con. Sabinne, con gái đầu lòng lúc được sinh ra có một cái vết chàm hình lông gà màu đỏ thẩm bằng hai ngón tay khép lại ngay yết hầu, có người gọi là cái bớt, nếu vô-ý chạm vào thì rất đau đớn. Các bác-sĩ cho biết do bẩm-sinh và vị thế vết chàm không thể giải phẫu vì ngay chỗ hiểm, sẽ nguy đến tính mạng. Nhìn kỹ vết chàm, người ta có thể thấy những mạch máu li ti xếp lại thành hình cái lông gà. Sabinne không thích ăn thịt gà. Lúc còn nằm nôi, buổi sáng cha mẹ đi làm, Sabinne được cho vào xe đẩy đưa đến nhà gởi trẻ, trên đường đi đến nhà gởi trẻ phải đi ngang qua một nhà hàng bán thức ăn nhanh gà KFC là Sabinne khóc thét lên, khi đổi lộ trình, tránh đi ngang qua nhà hàng ăn KFC thì không còn có tiếng khóc nữa. Lúc vào học trường mẫu giáo, nhà trường tổ chức thăm viếng các nông trại và cơ sở chăn nuôi.gia cầm, gia-súc, nếu hôm nào vào thăm viếng một trại nuôi gà thì Sabinne không chịu vào xem cùng bạn học, chỉ ngừng bên ngoài cổng trại, nếu bị cô giáo ép buộc hay bị bạn học xô đẩy kéo vào bên trong thì Sabinne phản ứng, nằm lăn xuống đất cự tuyệt.
Được cô giáo hỏi lý do, Sabinne làm tác động hai tay như xua đuổi những cái vô hình xung quanh mình và nói trong nước mắt : ” em sợ mấy con gà lắm,nó nhìn thấy em là nó mổ da thịt em lủng lổ và chảy máu”. Ai cũng cho là Sabinne tưởng tượng. Trường học cũng dành cho Sabinne một tháng bốn buổi gặp bác sĩ tâm-lý trẻ em.
Sabinne được sáu tuổi, Danh đưa gia-đình về Việt-nam thăm cha. Hơn mười năm xa căn nhà thân yêu mình đã lớn lên, bao kỷ niệm vui buồn chảy về trước mắt., hình ảnh mẹ không còn nữa trong nhà xưa nay cũng trở về như mới một ngày trước đó. Danh bùi ngùi dẫn vợ con tìm lại vết xưa. Sabinne cầm tay mẹ và em trai tách rời cha đi khắp nơi trong nhà một cách tự nhiên và có vài nơi dẫn giải cho mẹ và em như là nơi chốn mình đã từng hiện hữu. Mẹ Sabinne nhìn Danh với ánh nhìn nghi ngờ và dò hỏi. Danh im lặng, trong suy nghĩ cho rằng trẻ con, nhanh nhẩu, cứ nói càn, đâu cần biết đúng sai, nếu có sự trùng hợp nào đó cũng chỉ do ngẫu nhiên thôi. Đến lúc ra sau nhà, Sabinne đi rón rén gấn góc vườn, nơi ngày xưa là cái bếp phụ được mẹ tạm dựng lên sơ sài để làm nơi mổ gà và nấu chào gà, nay không còn nữa, chỉ còn lại là một góc vườn bình thường, lưa thưa vài cây dại mọc, Sabinne đứng lại rồi bước lùi, đưa hai tay đẩy ra bên ngoài như có ai động chạm vào thân thể, miệng la: ” ngừng lại…ngừng lại…tránh ra…tránh ra…hai tay ôm lấy cổ…và từ vết chàm hình lông gà nơi yết hầu Sabinne có những giọt máu rỉ ra. Danh và vợ bàn với nhau sẽ rút ngắn ngày ở Việt-nam, đưa con gái về nước sớm để đi gặp bác sĩ tâm thần.
Ngày hôm sau toàn gia-đình đi dạo phố. Ra đến đầu hẻm, nơi ngày cũ có xe cháo gà của mẹ, nay đã được sửa lại thành một chi nhánh bưu-điện phụ của khu phố, Danh giải thích cho vợ biết nơi mà ngày trước mẹ mình đã có một quán cháo gà đông khách ở đây, trong lúc Sabinne nắm tay em đi vòng quanh như muốn tìm kiếm cái gì đó. Danh hỏi con gái đang tìm gì, Sabinne chỉ lắc đầu. Khi mọi người ra đến ngã tư đường, Sabinne lại hăng hái dẫn em đi về một lộ trình ngoài dự tính của Danh, Danh gọi con dừng lại nhưng Sabinne lại càng đi nhanh hơn. Sabinne ngừng lại trước một nhà có một hồ nuôi cá, bên trên có làm một hòn núi giả. Danh đến cầm tay con gái kéo đi, Sabinne trì lại rồi đưa tay đập mạnh vào cánh cửa ngõ bằng tôn. Một người đàn bà tóc bạc xuất hiện nơi cửa ra vào. Danh nhận ra dì Tư giúp mẹ bán cháo gà trước đây. Sabinne nắm tay dì Tư rất quyến luyến. Mấy ngày sau dì Tư qua thăm gia-đình Danh, cho quà hai cháu nhỏ. Trong lúc mọi người chuyện trò, Sabinne nắm tay dì Tư kéo đến phía sau tủ bàn thờ, Sabinne chạy xuống bếp lấy một chiếc đũa rồi trở lại quì xuống bên cạnh một chân tủ thờ…cho đầu đũa vào một khe nứt, nếu có những ai lau quét nhà cửa, tinh ý mới có thể nhìn thấy khe nứt nầy. Mọi người không hiểu Sabinne đang giở trò gì, chăm chú nhìn…loay hoay một chốc, Sabinne kéo đầu đũa khỏi khe nứt, dì Tư thốt một tiếng ồ thật lớn. Dì không tin vào mắt mình…từ đầu chiếc đũa là sợi dây chuyền vàng có một hình tượng cây Thánh giá. Dì tư làm dấu Thánh giá.. rồi ôm Sabinne vào lòng khóc..rồi trừng trừng nhìn Sabinne, sợ hãi, nghi ngờ, rồi dì kể cho Danh và vợ Danh: “Hồi đến giúp việc xe cháo gà của mẹ Danh, gia tài quý giá của dì có sợi giây chuyền nầy, hai chỉ vàng lúc thời buổi trước có giá lắm, nhưng lại càng vô giá hơn vì là dây chuyền lễ cưới của chồng dì. Lần mẹ Danh đưa dì đi lội các xóm mua gà lần đầu, dì có nhờ mẹ Danh giữ hộ sợi giây chuyền vì sợ đi vào những nơi hẻo lánh sẽ bị cướp…rồi khi…mẹ Danh qua đời đột ngột…dì không biết hỏi ai để có lại sợi dây chuyền này…trời đất nào dẫn dắt cho cháu bé về đây…”. Dì ngừng nói, rồi nhìn Sabinne lắp bắp: “có phải cô Hai hiện về không?. Cám ơn cô Hai “. Bà dì Tư lại thút thít hỉ mũi, rồi khóc.
Còn vài hôm trước khi trở lại Pháp, Danh đưa gia-đình đến chùa lễ Phật và thăm sư Ông. Sư ông năm nay cũng trên chín mươi tuổi, sư ông còn rất minh mẫn, vừa gặp Danh, sư ông nhận ra ngay. Danh giới thiệu vợ con của mình với sư ông rồi tất cả đến điện lễ Phật. Danh gặp riêng sư ông kể cho sư ông thái độ và hành động của Sabinne những ngày gần đây lúc về Việt-nam. Sư ông chắp tay niệm Phật hồi lâu, Danh nghe sư ông lâm râm: “Nghiệp đã gieo trồng…nghiệp đã hết…vãng sinh, nghiệp đã hết, tái sinh…Nam mô A Di Đà Phật “. Lúc Sabinne chắp tay chào sư ông ra về, sư ông nhẹ đưa tay vuốt vào cổ Sabinne nơi có cái bớt hình lông gà, Sabinne đưa hai bàn tay ôm bàn tay sư ông để yên, tươi cười, bình thản không có dấu hiệu đau đớn như trước đây, một ai đó vô tình chạm nhẹ vào. Danh và vợ nhìn nhau…
Khi mọi người rời đi, sư ông chắp tay nhìn theo hình dáng cô bé Sabinne trong chiếc áo đầm trắng nhảy nhót vô-tư khuất sau một khúc quanh, sư ông từng bước khoan-thai đến chánh-điện, đốt một nén nhang dâng lên Phật, chắp tay: “Nam mô A-Di Đà Phật, trong tháng ngày nương nhờ cửa Phật của con, giữa cuộc đời ô-trọc nầy…con đã thấy được một sự tái sinh….cầu ơn tam bảo cho con được tin-tấn trong hành trình còn lại của con..”
Gần một năm sau, trong một lá thư gởi cho cha, Danh viết: “Cái bớt hình lông gà nơi cổ cháu nội của cha đã đần dần biến mất, không còn nhìn thấy một vết tích nào còn lại. Vợ của con sau chuyến công-tác bên Đài-Loan trở về đã có thỉnh một tượng Phật Thích-ca cùng những vật thờ để trang trí cho một bàn thờ Phật. Vợ con là một tín đồ thuần-hành Thiên chúa Giáo, cha đã biết. Hàng ngày, buổi sáng, trước khi đi học, Sabinne được mẹ nhắc thắp một cây nhang lên bàn thờ Phật và gõ ba tiếng chuông.
Những cuối tuần, có dịp về thăm nhà ông bà ngoại dưới quê, Sabinne đã thích thú cho những con gà ăn và không còn sợ…nhưng Sabinne vẫn không ăn thịt động vật như trước đây. Những lần theo vợ chồng con đi siêu-thị, Sabinne không bao giờ đến gần gian hàng bán gà. Trường học đã không còn gởi Sabinne đến bác sĩ tâm lý nữa….Thưa cha, xin cha chuyển cho sư ông biết những thay đổi của Sabinne và xin sư ông không quên cầu an cho cháu Sabinne của cha.”.
Như thường lệ, đêm nay trước khi tìm về giấc ngủ, nơi cửa sổ, Danh chắp tay nhìn trời không một vết mây, những ngôi sao vẫn lấp-lánh.. tắm trong ánh trăng của ngày rằm tháng bảy. Danh nhớ về mẹ. Danh niệm “Nam mô A di Đà Phật.” những lời của bài kính cầu an, những lời của bài kinh sám hối, những lời của bài kính cầu siêu lần lượt trôi ra từ não, từ trái tim….dường như Danh không còn nhìn thấy một vì sao nào rơi…?! Rồi trong mơ hồ, Danh nghe có âm thanh quen thuộc từ đâu rất xa vọng vào: “Thằng cha mày, sao giờ này còn đứng đây, chưa đi ngủ?! ”
Garges-les-Gonesse
Fort de Stains
Ile de France
Le 18-05-2021
Nguyễn-đại-Thuật