Người cộng sản thất trận văn hóa như thế nào?

Bài 1. Đôi lời với các bạn trẻ

Trong lịch sử thế giới, sau chiến tranh vũ lực ầm ĩ thường xảy ra cuộc chiến văn hóa giữa hai kẻ địch. Vì tuân theo “Qui luật đồng hóa văn hóa” có nghĩa khi có sự cộng lưu văn hóa thì nền văn hóa thấp sẽ bị đồng hóa với nền văn hóa cao nên cuộc chiến giữa hai văn hóa xảy ra âm thầm, không một tiếng súng, nhưng chiến thắng văn hóa thì dài lâu cả thế kỷ. Theo qui luật văn hóa này, đôi khi kẻ chiến thắng quân sự biến thành kẻ bại trận văn hóa trong cuộc chiến văn hóa. Xin kể vài thí dụ cận đại dưới đây:

  • Tại Trung Hoa, người chiến thắng Mông Cổ và Mãn Châu trở thành kẻ bại trận văn hóa vì bị văn hóa của kẻ thua trận là người Trung Hoa đồng hóa.
  • Tại Việt Nam, sau ngày chiến thắng quân sự ồn ào của ngày 30/4/75, văn hóa XHCN tàn lụi dần và sụp đổ vào năm 1986 cùng với nền kinh tế XHCN. Và ngày nay, dấu hiệu của kẻ chiến thắng quân sự biến thành kẻ chiến bại trên mặt trận văn hóa là hình ảnh hồi sinh của văn hóa truyền thống mà cộng sản ra sức hủy diệt trong 40 năm (1945-1986).

Nay trên tập san Hưng Việt, chúng tôi trình bày với các bạn trẻ văn hóa XHCN được hình thành, tàn lụi rồi sụp đổ như thế nào? Đó là nội dung của các bài viết trong mục này.

Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam không được hình thành một cách liên tục, kế thừa, tự phát từ nhân dân mà được hình thành một cách đặc biệt:

  • Từ tư tưởng văn hóa của Hồ Chí Minh và Trường Chinh dựa trên lý thuyết Mác Lê,
  • Văn hóa XHCN được xây dựng và truyền đạt bởi các cán bộ văn hóa do nhà Nước lãnh đạo.
  • Cưỡng bách[1] nhân dân bỏ văn hóa của tổ tiên truyền lại để theo văn hóa XHCN gốc ngoại lai. Đây là thời kỳ cưỡng bách văn hóa lần thứ hai[2] (1945-1986) do chính người Việt ép buộc người Việt theo văn hóa XHCN gốc lý thuyết Mác-Lenin và Mao Trạch Đông có nghĩa là thời kỳ người Việt tự hủy diệt văn hóa của cha ông truyền lại để đặt lên dân tộc Việt một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa xa lạ.

Năm 1986 đánh dấu sự sụp đổ kinh tế XHCN kéo theo sự sụp đổ của văn hóa XHCN. Như vậy, kinh tế và văn hóa XHCN chỉ là một ánh chớp dài 40 năm (1945-1986) trên bầu trời Việt Nam. Tuy ánh chớp đó đã tắt nhưng vẫn còn để lại hậu quả tai hại lâu dài nhất là trong cách ứng xử giữa người với người và giữa người với xã hội như cổ nhân nói “Làm văn hóa sai lầm thì di hại muôn đời”, đó là lý do thúc đẩy tôi viết loạt bài này đặc biệt cho giới trẻ hiểu cái thời kỳ cưỡng bách văn hóa XHCN, hiểu thời kỳ này sẽ giúp các bạn hiểu nhiều hơn những “vết thương văn hóa” hiện tại đang tàn phá đời sống tinh thần tại nước nhà.

Hình ảnh văn hóa XHCN

Những người lớn tuổi như chúng tôi thì đã nhìn thấy tại miền Bắc, từ năm 1945 đến 1986, văn hóa XHCN hiện lên cụ thể qua hình ảnh :

  • Vắng bóng các sắc thái của văn hóa cổ truyền như tập tục, lễ hội làng, ca trù, hát chèo, thờ Mẫu với lên đồng, thơ văn đầy tình cảm cá nhân…
  • Hiện diện văn hóa vô thể của xã hội chủ nghĩa như ca kịch, văn thơ, ca dao ca tụng Đảng và Bác và tinh thần hy sinh chiến đấu giải phóng,
  • Nhìn thấy hạ tầng cơ sở của văn hóa XHCN là chế độ hợp tác xã và chế độ bao cấp (chương 4 và 5).

Dấu hiệu sụp đổ của văn hóa XHCN

Ngày nay, khi về thăm Việt Nam, các bạn trẻ sẽ nhìn thấy các dấu hiệu cụ thể sau :

  • Sự biến mất hạ tầng cơ sở (kinh tế) của văn hóa XHCN : hợp tác xã nông nghiệp tại nông thôn và chế độ bao cấp trên toàn quốc,
  •  Kinh tế hiện tại ở Việt Nam là kinh tế thị trường tư bản nên cán bộ cộng sản xưa đã biến thể thành các nhà tư bản đỏ và nay cụm từ Việt Cộng tức người Việt theo cộng sản không còn ý nghĩa vì đâu còn ý thức hệ cộng sản nữa,
  • Sự hồi sinh của văn hóa cổ truyền trên toàn quốc với sự sống lại mãnh liệt các hoạt động văn hóa trước kia bị cấm như lễ hội tại làng xã, lên đồng, ca trù, bói toán, áo dài, ăn mặc tự do …
  • Nhạc vàng bolero của Việt Nam Cộng Hòa văng vẳng khắp nơi trên toàn quốc,
  • Đến Sài Gòn trên con đường bán sách Nguyễn văn Bình ở trung tâm quận Nhất[3], thì lại ngạc nhiên nhìn thấy những tác phẩm cũ trước 1975 bị đốt, bị cấm nay bán trở lại như sách Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Lê Tất Điểu…

Để đi tìm các tác giả cộng sản viết gì về văn hóa vô sản, các bạn trẻ thử vào các tiệm bán sách, trên kệ rất nhiều sách khảo cứu về văn hóa Việt Nam dày cộm cả mấy trăm trang của các tác giả uy tín đầy kinh nghiệm khảo cứu[4], nhưng không một cuốn nào nói đến sự hiện diện văn hóa XHCN hiện nay như thế nào. Vậy cả trăm trang giấy viết gi? Chủ yếu là ca ngợi chính phủ đã phục hồi những sắc thái văn hóa cổ truyền mà trước đây chính phủ đã đào tận gốc, trốc tận rễ thí dụ ca trù, đạo Mẫu, lên đồng, lễ hội của làng xã (hát quan họ, chọi trâu….), tín ngưỡng dân gian như  Tứ Bất Tử, văn hóa ẩm thực… Còn viết về thành quả của văn hóa vô sản thì ca tụng thành tích của chính phủ là:

  • Đạt được những công nhận của UNESCO coi hoàng thành Huế, nhã nhạc cung đình, đàn ca tài tử Nam Kỳ, ca trù là di sản văn hóa của nhân loại và đang xin công nhận dân ca quan họ, hát xoan[5] … và di sản văn hóa vật thể: vịnh Hạ Long, thành Nhà Hồ, hoàng thành Thăng Long Hà Nội, động Phong Nha Kẻ Bảng…
  • Trùng tu di tích, phục hồi lễ hội, dân ca, huyền thoại truyền thuyết và năm 2013 thống kê được 3000 di tích cấp quốc gia, 20 di tích cấp quốc gia đặc biệt.
  • Thành tích theo thống kê của bộ GD-ĐT, năm 2017 có 235 trường đại học, học viện (170 công lập, 60 dân lập và tư thục, 5 trường do vốn của nước ngoài), 37 viện nghiên cứu khoa học, 33 trường cao đẳng sư phạm, 2 trường trung cấp sư phạm.

Nội dung các bài viết

Các bài viết có 3 phần, khoảng 32 bài ngắn.

Phần 1. Lý thuyết văn hóa XHCN

Xây dựng lý thuyết văn hóa XHCN : Hồ Chí Minh và Trường Chinh

Tố Hữu lãnh đạo sáng tạo văn hóa vô thể : Văn học thành văn (văn thơ, ca nhạc kịch) và văn học dân gian (ca dao, vọng cổ, chèo…)

Mục đích của nền giáo dục : Đào tạo cán bộ đạo đức để xây dựng văn hóa XHCN

Phần 2. Thực hiện nền tảng kinh tế cho văn hóa XHCN

Nền tảng kinh tế : Hợp tác xã sản xuất, hộ khẩu và tem phiếu

Thời « bao cấp » : Hình ảnh đời sống cụ thể của xã hội lý tưởng theo Mác-Lê

Phần 3. Văn hóa XHCN sụp đổ

Cưỡng áp văn hóa XHCN tại miền Bắc : Bắt đầu bằng hủy diệt văn hóa cổ truyền, rồi hồi sinh văn hóa cũ.

Hình ảnh sụp đổ. Hủy diệt văn học thành văn : Bắt đầu bằng đốt sách bắt nho rồi tiếp theo là là sự hồi sinh của văn học thành văn của Việt Nam Cộng Hòa. Sức mạnh của âm thanh cuồng phong bolero đã hủy diệt nhạc đỏ tranh đấu, ca tụng nhà lãnh đạo, nông, công, binh.

Lạp Chúc Nguyễn Huy

[1] Theo nghĩa Hán Việt, cưỡng  có nghĩa ép buộc. bách nghĩa áp bức, đè ép. Cưỡng bách văn hóa[1]  có nghĩa là sau khi thắng trân, kẻ xâm lăng dùng bạo lực hủy diệt văn hóa tức linh hồn của một dân tộc bại trận và cưỡng ép kẻ bại trân theo văn hóa gốc ngoại lai tức linh hồn của kẻ thắng trận.

Cưỡng bách văn hóa được thực hiện theo tiến trình sau.

  • Xâm lăng bằng vũ lực thiết lập cai trị chính trị, quân sự,
  • Hủy diệt linh hồn tức văn hóa của kẻ bại trận,
  • Cưỡng ép đồng hóa với văn hóa của kẻ thắng trận.

[2] Cưỡng bách lần thứ nhất bởi Hán Đường (43 đến 938), tiếp theo là thời cưỡng bách văn hóa ngắn ngủi (1414-1427), quân Minh cưỡng ép dân ta theo văn hóa Trung Hoa

[3] Đường sách này nằm cạnh nhà bưu điện được khai trương ngày 9-1-2016, tại đây bạn có thể mua các sách cũ trước 1975 như cuốn Mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam, ; ngày 19-3-2017, nhà văn Nguyễn thị Thụy Vũ ra mắt 10 tác phẩm của bà được NXB Phương Nam tái bản…

[4] Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB TP HCM, 1996, 675 tr.

Trần Quốc Vượng,Theo dòng lịch NXB Văn Hóa, Hà Nội 1996, 565 tr.

  • Văn hóa Việt Nam-Tìm tòi và suy nghĩ, NXB Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 1999, 980 tr.
  • Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1998, 309 tr.

Vũ Ngọc Khánh, Nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt Nam, NBX giáo dục, Hà Nội, 2007

[5] Năm 2021, UNESCO đã công nhận 14 di sản văn hóa tại Việt Nam

Lạp Chúc Nguyễn Huy
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Cựu Giảng sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức, bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

XEM NHIỀU NHẤT

166FansLike
0FollowersFollow
16SubscribersSubscribe

X