Nhân văn giai phẩm là nhóm văn nghệ sĩ, trí thức sống ở miền Bắc dưới chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chống đối lập trường sáng tác văn hóa của Đảng đề ra. Nhân văn giai phẩm là một trào lưu tư tưởng dân chủ, một trạng thái giao tranh giữa tư tưởng dân chủ với tư tưởng độc tài văn hóa, tư tưởng toàn trị với tư tưởng pháp quyền, phản ánh tình trạng văn học thành văn dưới chế độ văn hóa XHCN.
Thành phần
Thành phần của nhóm bao có khoảng 170 người[1] gồm các nhà thơ, nhà văn tên tuổi với những tác phẩm bất diệt như:
Thi sĩ: Hữu Loan, Màu Tím Hoa Sim; Hoàng Cầm, Lá diêu bông, Bên kia sông Đuống; Quang Dũng, Tây Tiến, Đôi Bờ, Đôi Mắt Người Sơn Tây,
Nhà văn : Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Tử Phác, Phùng Quán,
Nhạc sĩ: Văn Cao
Giới trí thức : Nguyễn Mạnh Tường
Mục tiêu
Mục tiêu của phong trào là đòi “trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ“, phản đối văn nghệ phục vụ chính trị, công nông binh vì họ không muốn bó mình trong cũi sắt để tham gia công tác xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa. Lê Đạt mô tả hiện thực xã hội chủ nghĩa giống như việc đặt các đồn cảnh sát và máy móc thiết bị vào giữa trái tim con người, buộc cảm xúc phải thể hiện theo như một bộ quy tắc mà chính phủ ban hành.
Đường lối làm văn hóa của nhóm
Nhân văn giai phẩm được khởi xướng đầu năm 1955 và chính thức bị đàn áp từ tháng 6 năm 1958 vì văn nghệ sĩ không chịu nhốt mình trong cái khuôn của Đảng đề ra: văn nghệ phải phục vụ công, nông, binh, xây dựng xã hội chủ nghĩa, tuyệt đối phục tùng Đảng.
Thay mặt cho nhóm, ông Trương Tửu giải bày tâm sự:« Nghệ thuật là sáng tạo, là tự do. Sùng bái cá nhân là mù quáng, là nô lệ. Hai thứ đó như nước với lửa ». Ông qui tội cho số lãnh đạo văn nghệ :« Giống như bọn thầy bùa phong kiến, các nhà lãnh đạo văn nghệ của chúng ta yểm tất cả tâm hồn cứng rắn và tự do cho đến trở thành những hòn đất thó tròn méo mặc dầu tay kẻ nặn. Một số văn nghệ sĩ non gan… biến thành những tên thư lại văn nghệ xu nịnh trục lợi. Một số khác trốn vào thái độ tiêu cực, chán nản công tác, tâm tư trĩu nặng hờn oán và uất ức….».
Giải thích của Đảng
Trong một bức thư gửi đến giới nghệ sỹ và trí thức vào năm 1951, Hồ Chí Minh viết rõ rằng “Thực tế không có nghệ thuật vị nghệ thuật, không có nghệ thuật đứng trên giai cấp, không có nghệ thuật tách rời hoặc độc lập với chính trị. Văn học và nghệ thuật vô sản là một phần của toàn bộ lý tưởng đấu tranh cách mạng của giới vô sản”.
Tiếp theo, Tố Hữu nhắc nhở văn nghệ sĩ như sau:“Mỗi văn nghệ sĩ lại phải tự trả lời dứt khoát: ủng hộ hay phản đối đường lối văn nghệ của chủ nghĩa Mác–Lênin, đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh, phục tùng chính trị, theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và phục tùng sự lãnh đạo của Đảng”.
Còn đối với giới trí thức, trong buổi đối chất trước toà án Đảng, người hỏi cung Nguyễn Mạnh Tường nói rõ :“Đồng chí không thể không biết những gì đang chờ đợi. Nhà Nước chỉ chấp nhận một thái độ duy nhất của trí thức. Đó là thái độ theo đúng đường lối chính thống, tin vào Đảng, trung thành với Đảng, suy nghĩ, cảm nhận, hành động, theo chiều hướng và cung cách mà các cấp lãnh đạo đã quy định ».
Đàn áp[2]
Sau khi đi sang Trung Quốc học tập chính sách đàn áp phe hữu, Tố Hữu áp dụng chính sách của Mao Trạch Đông đối với các nhân vật chính của Nhân Văn Giai Phẩm bằng cách: Đi học tập cải tạo, bị cầm tù, bỏ đói, cô lập, cắt hộ khẩu, trục xuất khỏi Đảng[3]…
- Đi cải tạo. Ngày 22/8/58: Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Tử Phác… đi lao động cải tạo ở Chí Linh.
- Phạt tù. Nguyễn Hữu Đang, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Phùng Cung bị giam 12 năm tù.
- Bỏ đói. Thi sĩ Hữu Loan[4], nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường[5], v.v,
Đến thời « cởi trói » văn hóa năm 1986, chính phủ cộng sản trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho một số nhân vật chủ chốt Nhân văn giai phẩm. Đây là hành động chính thức âm thầm nhìn nhận :
- Sai lầm của chính sách nghệ thuật theo hiện thực xã hội chủ nghĩa : Phục vụ chính trị, nông công binh, phục tùng Đảng,
- Cưỡng áp văn hóa xã hội của Đảng để tiêu chuẩn hóa văn hóa của cả dân tộc Việt đã đưa đến hậu quả là sư thất bại của đội quân văn hóa của Tố Hữu kéo theo sư sụp đổ văn hóa XHCN.
—
[1] Lê Hoài Nguyên cho biết: “Số người gọi là tham gia Nhân văn giai phẩm tại Hà Nội do Bộ Công an và Công an Hà Nội quản lý, do tác giả (LHN) thống kê được gồm khoảng 170 người “
[2] Vụ án Nhân văn giai phẩm tượng trưng cho sự « đàn áp tự do tư tưởng, tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, áp bức tư tưởng, quyền uy bất minh, nói điều mình không muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận đúng điều mà mình cho là sai, yêu cái mà mình ghét, ca tụng những điều mình phản đối. Văn hóa giả tạo, phục vụ chính trị. mệnh lệnh, công thức, khinh miệt quần chúng »
[3] Lê Hoài Nguyên cho biết: “Số người gọi là tham gia Nhân văn giai phẩm tại Hà Nội do Bộ Công an và Công an Hà Nội quản lý, do tác giả (LHN) thống kê được gồm khoảng 170 người. Số bị xử lý nặng khoảng gần 100 người, còn số bị đưa vào danh sách để phân loại xử lý tính trên toàn miền Bắc ở tất cả các lĩnh vực phải tới hàng ngàn người ».
[4] Hữu Loan (1916 –2010). Thi sĩ Hữu Loan phải đi học tập chính trị, tiếp đó bị quản thúc tại địa phương. Cuối đời ông về sống tại quê nhà ở tỉnh Thanh Hóa đẩy xe cút kít đi kiếm củ, thồ xe chở đá độ nhật và nuôi cả gia đình
[5] Nguyễn Mạnh Tường (1909 – 1997) là một luật sư, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. Năm 23 tuổi (1932) ông đỗ liên tiếp hai bằng Tiến sĩ tại Pháp, , ông hoàn toàn bị ly khai, không được tiếp xúc với người ngoài, không được dạy học, không cả dạy tư, rơi vào cảnh đói rét, bệnh tật… Trước toà án Đảng. người hỏi cung nói:“Đồng chí không thể không biết những gì đang chờ đợi. Nhà Nước chỉ chấp nhận một thái độ duy nhất của trí thức. Đó là thái độ theo đúng đường lối chính thống, tin vào Đảng, trung thành với Đảng, suy nghĩ, cảm nhận, hành động, theo chiều hướng và cung cách mà các cấp lãnh đạo đã quy định. » được kể lại trong cuốn hồi ký của ông: Un excommunié (Kẻ bị khai trừ), Quê Mẹ, Paris, 1992.