1. Dẫn nhập
Trong các tiệm thực phẩm ở Montreal, ta thường gặp trái bơ. Trái này từ cây avocat Persea americana, trồng rất nhiều ở Trung Mỹ và các hải đảo như Jamaica, Haiti, Cuba, v.v… Bên Á Châu, thoạt đầu có bên Philippines. Khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm qua thăm Philippines theo lời mời của Tổng Thống Marcos Phi Luật Tân năm 1958 thì Tổng Thống Phi có biếu cây avocat làm kỷ niệm. Thoạt đầu đem trồng tại Trung Tâm Khảo Cứu Nông Nghiệp Eakmat ở Ban Me Thuot ngay sau đó, và khi lúc tôi đến thăm Trung Tâm này, anh Quản Đốc Trung Tâm (tôi vẫn nhớ tên là Hiệp, học Blao ra, vào khoảng 1960, nói với tôi đó là cây trạng sư! (chắc vì avocat cũng có nghĩa là trạng sư!). Sau này, cây này có trồng tại Trung Tâm Nông Sản Bảo Lộc và từ các nơi này, nông dân quanh vùng cũng lấy hột cây đem ra trồng trong vườn nhà.
2. Cây bơ
Cây bơ có tên khoa học là Persea americana thuộc họ Lauraceae. Cùng họ Lauraceae, ta còn có cây quế (rất nhiều trong các nhà vườn miền núi thấp ở Quảng Nam), cây long não, v.v…
Cây bơ có nguồn gốc Trung Mỹ, trồng nhiều ở Haiti, Honduras, Cuba, v.v… Và vì tôi đã từng ở Haiti 5 năm (từ 1976 đến 1981) nên khá quen thuộc với loài cây này! Vùng Plateau Central bên Haiti, trái bơi rơi rụng nhiều dưới đất và không ai đi lượm, chỉ có heo cỏ thả rong đi kiếm trái này để ăn! Nhưng có nhiều xứ cây bơ trồng khoa học, thâm canh nên năng xuất cũng cao hơn.
Về thực vật học, cây bơ có 3 nhóm: cây bơ Mexique (cận nhiệt đới), cây bơ Guatemala (cận nhiệt đới) và cây bơ vùng Antille (nhiệt đới).
Cây bơ cao từ 7 đến 10 mét có lá hình bầu dục, dài 20-30 cm, màu xanh đậm. Ta gặp nhiều loài cây bơ:
- có loài với hoa lưỡng tính, nghĩa là có cả nhi đực lẫn nhụy cái trên cùng một hoa.
- có loài có hoa đực và hoa cái ở hai cây khác nhau.
- và cũng có giống có cả hoa đực và hoa cái trên cùng một thân cây nhưng hoa đực lại phóng phấn hoa sau hoa cái nên hoa không tự thụ tinh được . Do đó người ta phải trồng nhiều cây bơ trong cùng một khu vườn để thụ tinh dễ có kết quả hơn; ngoài ra, loài ong đến hút mật cũng giúp cho sự thụ phấn.
Hạt trái bơ khi ép dầu cũng cho ra dầu, từ 3 đến 30%, dùng nấu ăn.
3. Trái bơ trong ẩm thực
Ngày nay, nhiều người thường có cholesterol cao trong máu, còn thêm bệnh tiểu đường. Ngoài vấn đề thiếu vận động cơ thể, còn thêm vấn đề ăn uống. Nhiều nước thiếu ăn, vì nhiều lý do: không đủ đất canh tác, vì khô hạn, vì dân đông. Cũng có nước dư ăn vì đất nhiều và màu mở và lại ít dân. Hơn nữa trong thực phẩm hàng ngày thiếu chất xơ (fiber) nên dễ sinh ra bệnh đường ruột. Trái lại, trái bơ giúp cho sự tiêu hoá, không có cholesterol.