Sự sụp đổ của văn hóa XHCN năm 1986 đã gây ra một khoảng trống văn hóa tín ngưỡng thờ vong linh các vị thần thánh và sự khao khát tín ngưỡng tâm linh trong dân chúng. Chính trong cái bối cảnh đó mà đạo Phật biến thể thành “phong tục” thờ phụng Hồ Chí Minh tức “tín ngưỡng hóa[1]” một nhân vật chính trị, được chính quyền cộng sản cổ võ và ca tụng như một “nét đẹp văn hóa” trong báo chí[2]. Cũng chính trong cái bối cảnh văn hóa-xã hội đó mà từ sự sùng bái cá nhân chuyển đổi sang thần thánh hóa Hồ Chí Minh qua hai thời kỳ.
- Thời kỳ hữu thể hóa sự tôn sùng thần tượng Hồ Chí Minh. Sự hữu thể hóa được thực hiện bằng cách:
- Đặt tượng hoặc hình ảnh Hồ Chí Minh trên bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên tại tư gia,
- Xây đền thờ Hồ Chí Minh tại mỗi tỉnh thành.
- Tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa Hồ Chí Minh.
- Thời kỳ tín ngưỡng hóa vong hồn Hồ Chí Minh. Sau khi nhận thấy rằng lăng Bác, tượng Bác tại chùa và đền thờ không được người dân không tự động đến kính bái tại là vì lý do thiếu yếu tố tâm linh (tức vong hồn Hồ Chí Minh hiển linh), Phật giáo quốc doanh tìm cách làm sao cho người dân cảm ứng được là có vong hồn Hồ Chí Minh trong tượng thờ ở chùa và đền bằng cách:
- Mời vị hòa thượng làm phép “Hô thần nhập tượng” để vong hồn Hồ Chí Minh nhập vào tượng thờ tại chùa,
- Tổ chức (nhưng đều thất bại) lễ hội tại đền thờ Hồ Chí Minh,
- Chùa quảng cáo các yếu tố tâm linh như cúng sao giải hạn, làm lễ thỉnh vong, giải oan gia trái chủ như tại chùa Ba Vàng.
Cho đến nay, đạo Phật XHCN ẩn bóng trong cửa Phật dưới hình thức Phật giáo quốc doanh vẫn không thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân cộng sản. Đó là lý do mà từ năm 1990, việc sùng bái vong hồn Hồ Chí Minh đã làm nảy sinh ra các đạo thờ vong hồn Hồ Chí Minh như Đạọ Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Đạo Hoàng Thiên Long.
Chùa xã hội chủ nghĩa
Theo gương chính sách phật giáo của Trung Quốc, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) sanh hoạt như một tổ chức quốc doanh dưới sự quản lý của nhà Nước. Điểm mới lạ nhất đối với dân Việt là GHPGVN thực hiện một hình thức “kinh tế nhà chùa” (monastic economy). Với sự hậu thuẫn của nhà nước, các quan chức liên kết với doanh nhân và các nhóm lợi ích, GHPGVN tiến hành xây chùa mới với những đặc tính sau:
- Xây cất những ngôi chùa bề thế, hoành tráng như chùa Tam Chúc – Ba Sao[3] (Hà Nam), chùa Ba Vàng Quảng Ninh, chùa Bái Đính[4] tại Ninh Bình.
- Chùa biến thể thành sàn giao dịch kinh doanh vì chùa được thực hiện dưới hình thức công ty cổ phần,
- Buôn bán tâm linh.
1. Tổ chức Phật giáo quốc doanh
Nhằm “hiện đại hóa” Phật giáo để thích ứng với môi sinh xã hội chủ nghĩa, Giáo hội phật giáo Việt Nam hoạt động theo tôn chỉ mới “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội[5]” có nghĩa là:
- Tuân theo theo Điều 7 của Hiến chương:”Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo đúng Giáo pháp, Giáo luật Phật chế và Pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, tức là: hồn của giáo hội vẫn là lời Phật dạy nhưng được bọc bên ngoài bởi cái xác chủ nghĩa xã hội mà các thầy Phật giáo Ấn Quang gọi là « Hồn Trương Ba da hàng thịt [6]».
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một công cụ chính trị thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sơ đồ tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam không khác gì sơ đồ của một đảng phái hay hội đoàn dân sự, với những cấp trung ương, tỉnh thành, quận huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh.
Hội đồng Trị sự,
Hội đồng trị sự cũng hàng giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ trung ương đến địa phương đều là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam[7]. Hội đồng trị sự là cơ quan điều hành phật sự của giáo hội trong 2 lãnh vực chính:
- Hoạt động theo đạo pháp của đạo Phật (tụng kinh, hành lễ, thuyết pháp ….),
- Hoạt động như một tổ chức chính trị theo sự hướng dẫn của đảng cộng sản, thí dụ như ra ứng cử làm đại biểu quốc hội[8], gia nhập Mặt trận tổ quốc (Tổ chức chính trị ngoại vi của đảng cộng sản), kinh doanh tâm linh.
Quản lý chùa
Năm 1977, chính phủ ra Nghị quyết 297-CP kiểm soát hoạt động tôn giáo và được duy trì cho đến năm 1999. Trong nghị quyết này, việc mở các lớp giáo lý, các cuộc họp nội bộ trong các tôn giáo, phong chức hay thuyên chuyển các chức sắc và kể cả tuyển dụng những tín đồ giúp việc đều phải được chính quyền cho phép.
Ban trị sự Giáo hội từ trung ương đến địa phương là thành viên Mặt trận Tổ quốc được tổ chức như một cơ quan của chính phủ nên lẽ đương nhiên đặt dưới sự quản lý của bộ công an, do Ban tôn giáo chính phủ trực tiếp điều khiển cả về nhân sự tăng ni lẫn cơ sở tôn giáo chùa[9] có nghĩa là xuất gia, thọ giới phải có sự chấp thuận của nhà nước. Các hình ảnh bổ nhiệm sư trụ trì, tấn phong giáo phẩm dưới đây đủ diễn tả điều này[10].
2. Xây chùa mới
Từ sau thời đổi mới 1986, nhằm mục đích kinh doanh, các chùa lớn được xây dựng theo các tiêu chuẩn sau để thu hút du khách và phật tử:
- Cảnh quan chùa nằm trên một diện tích lớn,
- Có nhiều cái “nhất” nổi tiếng của chùa để quảng cáo trên youtube, báo chí tour du lịch.
Quần thể “siêu rộng”
Quần thể khu Bái Đính có diện tích 1.700ha, nhưng quần thể chùa chỉ chiếm diện tích 80ha.
Chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự 寶光寺) là một ngôi chùa tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc Phường Quang Trung, Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Dự án Chùa Tam Chúc (Hà Nam): Chùa chiếm 144ha trên tổng thể rộng tới 5.000ha có mục tiêu khi hoàn thành sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới.
Dự án khu du lịch tại chùa Hương đề xuất rộng 1.000ha, với vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng. Và gần đây là dự án Tam Đảo II với diện tích quy hoạch khoảng 300ha, được Tập đoàn Sun Group đầu tư với số vốn khoảng 25.000 tỷ đồng.
Dự án Cái Tráp rộng 450ha bao gồm khu tâm linh chiếm 88,7ha và hàng loạt các bất động sản dành cho nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp … “song hành” cùng nhà Phật.
Dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) rộng 18.940ha sẽ có bảo tháp lớn nhất thế giới với sức chứa lên tới 10 nghìn người.
Trước cảnh hùng vĩ của chùa biểu dương niềm hãnh diện của đạo Phật XHCN thì cũng có người như giáo sư Trương Quốc Bình, cựu Cục phó Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch được báo Dân Việt tự hỏi: “Việc xây dựng các khu chùa đồ sộ là chưa từng có trong lịch sử phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Từ thời Lý, Trần đến thời Nguyễn, chúng ta không có các chùa với quy mô hàng hécta, kỷ lục nọ kia như thế. Các ngôi chùa của ta là các công trình tôn giáo, tín ngưỡng hòa nhập với thiên nhiên, là bao gồm sông, núi, đất đai và con người ở trong công trình đó, với cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên chứ không phải ở trước một thứ đồ sộ và cảm thấy mình thật nhỏ bé.”.
Nhưng nay thì đạo Phật đã biến thể cho thích nghi với môi trường xã hội chủ nghĩa thì chùa chiền không còn là không gian để các tăng ni tu hành thanh tịnh, để nghe tiếng chuông chùa vào buổi sáng, tiếng gõ mõ lúc hoàng hôn, đọc kinh thờ Phật dưới ánh đèn le lói. Chùa cũng không còn là nơi để người thuộc đủ mọi giai tầng trong xã hội đến tĩnh tâm, tìm kiếm sự an nhiên và thờ cúng ở đó.
Những “cái nhất”
Nhằm thu hút khách du lịch, mỗi chùa phải có một hay nhiều cái “nhất” nổi tiếng của chùa để quảng cáo trên youtube, báo chí tour du lịch … Thí dụ chùa Khai Nguyên Sơn Tây có tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á, chùa Giác Hoa Bạc Liêu có tượng Dược Sư lớn nhất Việt Nam, chùa Bái Đính có 9 cái “nhất”. 1) Đứng nhất Châu Á: Bảo tháp, hành lang La Hán, tượng đồng dát vàng, 2) Đứng nhất Đông Nam Á: Tượng Phật Di Lặc, 3) Đứng nhất Việt Nam: Số lượng La Hán, Giếng Ngọc, diện tích chùa, chuông đồng, số lượng cây bồ đề.
Thu lợi
Nguồn lợi du lịch
Các ngôi chùa đã bị biến thành các địa điểm du lịch vì lợi ích kinh tế, trở thành sàn giao dịch tâm linh. Tất nhiên du khách tới đây lễ Phật, vãn cảnh thì không có gì là miễn phí cả. Dù không bị buộc phải chi tiền, nhưng hầu như du khách nào tới chùa Tam Chúc cũng đều phải xử dụng vài dịch vụ được niêm yết như sau: Vé thuyền:200 000 đ, du thuyền 270 000, du thuyền cao cấp trọn gói 400 000, combo thuyền+xe điện 240 000, combo du thuyền+xe điện 290 000, combo hòa hảo 450 000, du thuyền+buffet 420 000, buffet 200 000, xe điện vip +hướng dẫn viên 100 000, tours Tam Chúc về đêm 300 000.
Dịch vụ của chùa Bái Đính: gửi xe ô tô 40.000đ, xe máy 15.000đ, vé xe điện 2 lượt 60.000đ, vé lên bảo tháp 50.000đ, thuê hướng dẫn viên 300-500.000đ và ngay cả… đi vệ sinh cũng mất 2.000đ/lượt. Đó là chưa kể đến vô số hòm công đức rải rác khắp nơi trong khuôn viên Bái Đính.
Nguồn lợi công đức
Theo báo cáo của chùa Ba Vàng gởi UBND TP Uông Bí, trong hơn một tháng, từ 19-3 đến 30-4-2023, tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội (không bao gồm tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo) của chùa Ba Vàng là hơn 4,1 tỉ đồng.
Nhiều người nghĩ rằng, đến chùa chỉ cần bỏ tiền vào hòm công đức là đã “có công đức” và càng bỏ nhiều nơi, nhiều ban, thậm chí nhiều tiền thì “đức” sẽ càng nhiều
3. Kinh doanh tâm linh
Nguồn thu hoạch lớn nhất của chùa là kinh doanh tâm linh[11] nhằm kiếm tiền từ các phật tử mê muội, dốt nát bằng cách: tổ chức du lịch tâm linh, cúng sao giải hạn[12], giải oan trái chủ, v.v.
Trước đây, nhu cầu “tâm linh” chưa cao, các chùa cùng với chính quyền sở tại chỉ lập những trạm thu phí mỗi lần có lễ lớn để thu tiền cúng bái của người hành hương. Từ những năm 2000, nhu cầu tâm linh của quần chúng và ngay cả quan chức công an tăng cao quá nhanh thí dụ như:
- Dân chúng nhất là vào ngày Tết đến chùa dâng sao giải hạn, cầu siêu, cầu an xóc thẻ, viết sớ, xin làm phép tróc ma trừ quỷ …,
- hiều cán bộ âm thầm tổ chức cúng “giải hạn” ngay tại cơ quan.
- Vài đơn vị công an len lén mời thầy cúng đến “hòa giải” với các oan hồn đã chết tại đồn,
- Trung tướng Công an Hữu Ước cũng cho biết vừa bỏ tiền túi xây xong một khu văn hóa tâm linh, có tên Tâm Linh Ước, bao gồm đình, chùa, nơi thờ tự, suối giải oan, và tháp giải oan,
- Đại tướng công an kiêm chủ tịch nước Trần Đại Quang, trong thời gian trị bệnh hiểm nghèo, đã cúng chùa Vĩnh Nghiêm một cặp đèn và lư hương trị giá 19 tỷ đồng. Chân đèn còn khắc dòng chữ: Gia đình Đại tướng Trần Đại Quang tiến cúng.
Các loại lễ cúng sao, giải hạn, cầu an, tụng niệm tang lễ, cầu siêu, đưa vong lên chùa, bán khoán, … vốn không có trong giáo lý nhà Phật, giờ được nhà chùa làm “mềm hóa” theo kiểu tín ngưỡng dân gian, và được chúng sinh hưởng ứng, tạo nên một “thị trường” nhộn nhịp chưa từng thấy trong những năm gần đây.
Thế nên, mới có chùa nổi tiếng về cúng sao giải hạn, có chùa được biết đến với “dịch vụ” gọi vong, có chùa chuyên làm lễ cầu duyên, và cũng có ngôi chùa mà quan chức tấp nập đến vì “linh thiêng” trong việc đem đến cho họ quyền lực…
Theo báo Lao động (19/2/2019) viết “Bị từ chối giải hạn vì “thiếu lễ” 50 nghìn đồng” gây “bão” mạng, sư thầy Thích Minh Đức, thay mặt cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết – trụ trì của chùa Phúc Khánh đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trả lời: “Việc thu tiền lễ dâng sao giải hạn có từ hàng chục năm nay và tôi là người kế tục toàn bộ các công việc của các vị tiền tổ để lại. 150.000 đồng là tiền phục vụ, giấy sớ, dầu đèn cho Phật tử trong 12 tháng trong một năm. 150.000 đồng chia cho 12 tháng, có năm có cả những tháng nhuận. Tính ra như vậy là cũng rất ‘hạ’ rồi.”.
Cũng theo báo Lao Động, 150.000đ là khoản phí dâng sao giải hạn, còn nếu ai muốn “cầu an” cho gia đình sau đó thì lại phải chi thêm 150.000đ nữa; nhà chùa có những “gói dịch vụ” hẳn hoi theo nhu cầu của “khách hàng”. Với hàng ngàn người lấp kín sân chùa, tràn kín lòng đường xì xụp khấn vái, vái vọng cả từ bên trong và bên ngoài chùa Phúc Khánh trong lễ dâng sao giải hạn vào mỗi 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người ta có thể tính sơ được số tiền nhà chùa thu được về là bao nhiêu sau mỗi khóa lễ đó.
Hối lộ Phật
Ngày nay, vì người dân mất lòng tin vào cõi dương đi tìm chỗ dựa ở cõi âm nên đang tăng dần hiện tượng người dân đến chùa dùng tiền mặt của ngân hàng hối lộ Phật để cầu tài, cầu chức, làm lễ cầu an, giải hạn, cúng bái.
Tiêu biểu là ngày Tết cả biển người dân đổ đến các đền chùa miếu mạo để đi lễ, cúng bái cầu an, chen chân xin lộc. Điều ghi nhận là trong biển người đến chùa, đền có cả cán bộ nhà nước đến dự lễ cầu an hoặc xin ấn ở đền Đức ThánhTrần mặc dù có Điều 19 của Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm: ‘Mê tín, hoạt động mê tín, ủng hộ hoặc tham gia các tôn giáo bất hợp pháp hoặc lợi dụng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi’“.
Dưới đây là hình ảnh hối lộ Phật bằng cách dúi tiền vào cả tay chân tượng Phật[13]
Chùa Ba Vàng
Về việc đầu tư tâm linh, chúng ta lấy hình ảnh Phật sự của chùa Ba vàng tại tỉnh Quảng Ninh nổi tiếng nhất Việt Nam làm thí dụ minh chứng.
Chùa Ba Vàng có tên gọi từ xa xưa là Bảo Quang Tự (ánh sáng quý), tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.Theo di chỉ từ các nhà khảo cổ thì ngôi chùa có thể được xây dựng vào thời Trần thế kỷ thứ 13.
Năm 2007, khi đại đức Thích Trúc Thái Minh về trụ trì, chùa được xây dựng lại bằng tiền công đức và trở thành nổi tiếng nhất Việt Nam là nhờ:
- Chùa có nhiều kỷ lục,
- Đạo sự thỉnh vong, gọi hồn.
- Phật tử nổi tiếng.
Kỷ lục nổi tiếng
Theo báo Thanh Niên, hôm 21 Tháng Năm, chùa Ba Vàng đã tổ chức đại lễ Phật Đản 2023, tại buổi lễ, Liên Minh Kỷ Lục Thế Giới (WorldKings) đã chính thức công nhận “Kỷ lục thế giới” cho công trình này của chùa Ba Vàng với nội dung: “Chùa Ba Vàng – Nơi có tòa đại giảng đường Phật hai tầng nằm trên núi, với tổng diện tích sàn lớn nhất thế giới.”
Ngoài ra, Hiệp Hội Kỷ Lục Thế Giới (World Record Association) cũng chính thức ghi nhận chùa Ba Vàng là ngôi tự viện “có tòa đại giảng đường Phật giáo trên núi hai tầng với diện tích lớn nhất thế giới.”
Đạo sự nổi tiếng:Thỉnh vong gọi hồn
Trước năm 2019, theo báo VNExpress, chùa Ba Vàng nổi tiếng với đạo sự:
- “Thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ” thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
- Để giải nghiệp, chùa Ba Vàng cho rằng cần cúng dường cho chùa để hồi hướng cho vong.
- Cúng dường cả triệu đồng cầu xin tiền tài, quyền lực, thăng chức (mà có kết quả mới lạ chứ !) …
Tháng 3 năm 2019, một số báo chí phản ánh hoạt động “thỉnh vong”, “gọi hồn” tại chùa Ba Vàng. Ai muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức cúng dường (công đức) hoặc làm công quả cho nhà chùa. Cứ mỗi tháng 3 đợt, mỗi đợt 2 ngày tại chùa Ba Vàng sẽ diễn lễ thỉnh vong giải nghiệp thu hút hàng ngàn người tham dự/đợt. Mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều được lý giải là bởi oán hồn gây ra.
Lễ thỉnh vong, giải oan gia trái chủ được thực hiện theo phép “gọi hồn” theo qui trình sau:
- sư thầy trong chùa “thỉnh vong linh”
- để “vong linh kể tội người đến thỉnh”
- Nếu có oan gia trái chủ, vong sẽ cho biết “cần bao nhiêu phúc” thì người thỉnh ứng lại bằng tiền để trả nợ cho những tội lỗi đã làm từ kiếp trước.
Số tiền trả nợ gọi là “tiền giải nghiệp” lớn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng Việt Nam. Vong có thể “nhận tiền” bằng hình thức gửi tiền mặt vào hòm công đức hoặc chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của nhà chùa, thậm chí có thể trả góp, trả dần vào ngày rằm hàng tháng. Những người không có tiền thì có thể “làm công quả” tức làm lao động không công tại nhà chùa[14].
Dưới đây là hình ảnh Chùa Ba Vàng thỉnh vong của oan gia trái chủ để chữa bệnh tại chính điện chùa Ba Vàng.
Phật tử nổi tiếng: Phạm Thị Yến
Bà Phạm Thị Yến, pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán, là chủ nhiệm một câu lạc bộ tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Dù không nắm giữ chức vụ nào cụ thể tại chùa Ba Vàng nhưng bà thường xuyên xuất hiện tại các buổi tọa đàm và trong các tài liệu tuyên truyền của nhà chùa.
Trên mạng xã hội lan truyền video clip của bà Phạm Thị Yến rao giảng vong báo oán, tức những ác nghiệp trong kiếp trước nên kiếp này phải trả, liên quan đến vụ nữ sinh giao gà bị giết chiều 30 Tết vừa qua ở tỉnh Điện Biên. Bà Phạm Thị Yến rao giảng tại chùa Ba Vàng: Cao Mỹ Duyên, cô gái giao gà bị hãm hiếp, sát hại là do “ác nghiệp từ tiền kiếp“[15].
Nhờ các hình thức kinh doanh trên mà kinh tế nhà chùa đã mang lại bạc tỉ cho:
- Các vị sư trụ trì, thí dụ Đại Đức Thích Thanh Toàn sở hữu 300 tỉ khi hoàn tục[16].
- Các nhà đầu tư tâm linh hưởng lợi rất nhiều vì nganh nghề này được ưu đãi, an toàn nhất Việt Nam[17].
- Các quan chức công an bảo kê và chính quyền địa phương được chùa trực tiếp chia tiền theo một tỷ lệ thỏa thuận đôi bên.
Phật tử chân chính đều biết trong học thuyết Phật giáo không có chuyện kinh doanh tâm linh, không có chuyện thỉnh vong, giải oan gia trái chủ như Chùa Ba Vàng và lời lý giải của Phật tử Phạm Thị Yến cũng không đúng với giáo lý nhà Phật, trái đạo đức xã hội vì “Chỉ có con người mới làm chủ việc chuyển hóa nghiệp, tu là chuyển nghiệp và giải nghiệp, không hề có chuyện thỉnh, nhờ ai đó giải nghiệp. Giải nghiệp chỉ có thể nhờ vào tu thân, tích đức.” Biết vậy, nhưng bây giờ Đảng cộng sản gọi những điều trên là dạng văn hóa dân tộc, tín ngưỡng nhân dân, tự do phát triển theo đường lối tự do tôn giáo của đảng đề ra.
—
[1] “Bác Hồ là Bồ Tát, là vị La hán, bởi vì Người đã dành tất cả cho mọi người, không giữ gì riêng cho mình cả. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ như đóa sen giữa rừng hoa dân tộc Việt Nam, hội tụ đức tài của đất nước”. (Báo Nhân Dân ngày 22-1-1997)
[2] Báo chí nhà nước. Báo Quân đội Nhân dân ca ngợi “nhân dân các dân tộc” tỉnh Gia Lai thờ phụng Hồ Chí Minh; Báo Giao thông của Bộ Giao thông có bài ca ngợi một số người dân ở Bạc Liêu lập bàn thờ Hồ Chí Minh trong nhà; Báo Dân tộc, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc, cũng có bài ca ngợi một số gia đình người dân Khmer lập bàn thờ Hồ Chí Minh … Về các trang tin điện tử của địa phương tỉnh Trà Vinh, Gia Lai, Long An, Quảng Nam, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hà Tĩnh… có nhiều bài ca ngợi một số người dân trong tỉnh thờ Hồ Chí Minh
[3] khu dự án tâm linh này có tổng diện tích lên tới 5.100ha (bằng kích thước gần 300 sân vận động quốc gia Mỹ Đình cộng lại)
[4] Quần thể chùa này có diện tích 1.700ha bao gồm khu chùa Bái Đính cổ, khu chùa Bái Đính mới và các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh…
[5] Thay cho tôn chỉ cũ “Hộ Pháp, Hộ Dân, Hộ Quốc”
[6] Theo sự tích hồn Trương Ba được vua cờ Đế Thích cho sống lại trong xác thân anh hàng thịt mới chết để diển tả đạo Phật có hồn Phật giáo trong thân xác XHCN
[7]Trong Mục II, phần 4 nghị quyết số 25-NQ/TW (12/3/2003), Trung ương đảng CSVN nhấn mạnh rằng “Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.”.
[8] Ngày 10/6/2021, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách 5 chức sắc tôn giáo trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 15: Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Hòa thượng Lý Minh Đức và Linh mục Nguyễn Văn Riễn
[9] Về đào tạo cán bộ Nhà nước để quản lý tôn giáo, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội có ngành tôn giáo học đào tạo: Giúp họach định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham mưu về quản lý Tôn giáo trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị và các tổ chức kinh tế – xã hội khác có kiến thức nền tảng về lĩnh vực Triết học Mác- Lê nin,.
[10] Trước khi tiến hành việc bổ nhiệm, phong chức … người đại diện cơ sở phật giáo có trách nhiệm gửi văn bản thông báo đến ủy ban nhân dân cấp xã sở tại, trong đó đồng Chứng minh, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư của đạo Phật Việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiêm, bầu cử, suy cử phải được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan Quản lý nhà nước về tôn giáo ở trung ương.
[11] Ngày nay, các trạm thu phí đã không đủ sở hụi cho những cơ sở hoành tráng như Ba Vàng, Bái Đình, Tam Chúc… nên nhà chùa và tư nhân kinh doanh buộc phải lập ra “kinh doanh tâm linh” mê tín dị đoan
[12] Bà Trần Ngọc Mai, một giáo viên ở quận Đống Đa, gần chùa Phúc Khánh, cho nhật báo Người Việt biết: “Bây giờ ai ở Hà Nội mà không biết chùa Phúc Khánh ăn nên làm ra thế nào, cứ gọi là thu bộn mỗi dịp ngày rằm và mùng Một Âm lịch. Theo thông lệ, mỗi lần có người đến làm lễ giải hạn, cầu an, thì chùa này thu 70,000$/người. Nếu nhà có bốn người thì cứ thế nhân lên, đó là chưa kể các ‘hạng mục’ đặt lễ. Bàn thu phí của nhà chùa cứ gọi là ghi không ngớt tay phiếu đăng ký làm lễ cầu an và cúng sao giải hạn.
[13] Tục lệ này phát xuất từ nghi thức lên đồng của Đạo Mẫu
[14] Báo Lao Động hôm 22/3 trích chia sẻ của ông N.K.V (60 tuổi, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết cách đây 3 tháng đã đi thỉnh “vong” tại chùa Ba Vàng:”Lúc mới vào, ‘vong’ phán 80 kiếp trước, tôi có nghiệp sát sinh, muốn ‘vong’ giải oán thì phải cúng dường 2 tỉ. Khi tôi bảo quá cao, ‘vong’ nói sẽ giảm xuống 1 tỉ rồi tiếp tục giảm xuống còn 500 triệu. Khi tôi bảo không đủ khả năng, ‘vong’ nói thôi thì 60 triệu và làm công quả một tháng cũng được”.
[15] Trong phóng sự báo Lao Động, có đoạn ghi âm cho thấy một người phụ nữ cầu xin có con được bảo rằng đó là do “nghiệp của cô từ kiếp trước làm phù thủy… Vong linh nó bảo nó không lấy tiền mà nó lấy mạng của cô đấy”, nhưng sau đó được bảo cúng “5 triệu và làm công quả 24 ngày” để giải vong. Cũng theo phóng sự này của báo Lao Động, trung bình mỗi tháng có khoảng 5000-7000 người đến Chùa Ba Vàng để thỉnh vong, và mỗi người bị vong “đòi” từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
[16] Tin từ Vĩnh Phúc, ngày 10/10/2019: Đại đức Thích Thanh Toàn, sư trụ trì chùa Nga Hoàng ở Vĩnh Phúc muốn hoàn tục sau khi bị tố cáo sàm sỡ phụ nữ. Ông này mong muốn được đem theo khối tài sản trị giá 200 tỷ-300 tỷ đồng nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam không đồng ý. Đại đức Thích Thanh Toàn và chùa Địa Ngục, sau khi được Giáo hội Phật giáo chấp thuận cho xả giới hoàn tục đã công khai với báo chí ông có khối tài sản khoảng 200-300 tỷ đồng gồm tiền, vàng, xe, nhà đất, trang trại…
[17] Luật Sư Phùng Thanh Sơn ở Sài Gòn viết trên Facebook cá nhân cho thấy “Kinh doanh thần thánh là ngành nghề được ưu đãi và an toàn nhất Việt Nam.” Nghề này được ưu đãi “vì được miễn tiền sử dụng đất, không đóng thuế thu nhập, không bị thanh tra, kiểm tra thuế, không bị nhà nước kiểm toán, không bị xử lý nếu sử dụng tiền (cúng dường) sai mục đích.”