Người cộng sản thất trận văn hóa như thế nào?

Bài 6. Đền Hồ

Theo tín ngưỡng dân gian, vị trí cuối cùng của cuộc đời bên kia thế giới là trở thành thần hay thánh. Khi một nhân vật lịch sử được nhân dân đưa lên địa vị đó thì họ xây nhà tức đền cho thần thánh cư ngụ. Muốn đạt được vị trí thần thánh thì nhân vật đó phải hội đủ điều kiện thiết yếu sau:

  • Vong hồn hiển linh làm cho dân chúng cảm nhận được. Thí dụ có vị xuất thân là ăn mày, kẻ cắp nhưng chết đúng giờ thiêng mà trở thành Thần Hoàng của xã vì vong hồn hiển linh được nhân dân công nhận,
  • Vong hồn can thiệp vào đời sống trần gian trên một địa bàn lớn rộng của quốc gia để ban phúc, giáng họa thì được nhân dân tôn thờ là Thánh ở vị trí cao nhất của đời người. Thí dụ như Đức Thánh Trần, Thánh Mẫu Liễu Hạnh …

Sau khi văn hóa xã hội chủ nghĩa sụp đổ năm 1986, tục thờ cúng vong linh thần thánh và vong hồn người chết đã trở lại với tín ngưỡng dân tộc sau mấy chục năm bị cộng sản cấm đoán. Tại Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đảng cộng sản cũng đi theo phong trào đó mà thần thánh hóa Bác bằng các cách sau:

  • Đặt tương Bác trong chùa rồi “Hô thần nhập tượng”,
  • Xây dựng nhà ở cho thờ cúng vong hồn Bác giống như nhà ở của các thần thánh cổ truyền (đền), Đó là lý do tại sao Đảng xây dựng đền thờ Bác khắp nơi trên đất nước[1], từ đỉnh Ba Vì[2] đến đảo cô Tô, Trà Vinh, Bạc Liêu[3] 

Để độc giả hiểu rõ ước mơ và căn nhà của vong hồn Bác, chúng ta xem qua các điều sau:

  • Ý nghĩa của đền,
  • Đền xã hội chủ nghĩa,
  • Ước mơ thành Thánh của Bác.
  • Các hình thức thánh thần hóa Bác.

1. Đền trong văn hóa cổ truyền

Trong văn hóa cổ truyền của cha ông để lại, đền có hai nhiệm vụ tâm linh chính yếu để thuyết phục quần chúng tự động đến sùng bái:

  • Cúng tế vong hồn thần,
  • Vong hồn thần hiển linh cứu giúp dân chúng.

Tại sao thờ cúng vong hồn thánh thần?

Muốn trả lời câu hỏi, chúng ta cần hiểu ý niệm hồn và vía (phách) của người xưa.

Hồn[4] là phần tinh thần của mỗi người rất linh thiêng nên gọi là linh hồn; sau khi chết hồn bay lên trời.

Vong hồn 亡魂 là hồn người chết. Theo truyền thống, khi một người qua đời, vong hồn sẽ về nhà 7 lần trong 49 ngày trước khi đi đầu thai hoặc sẽ tùy nghiệp tái sanh vào một trong những cảnh giới của lục đạo (trời, a tu la, người, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục)

Vía là tiếng Việt đồng nghĩa với tiếng Hán Việt[5] phách [6], Vía là mặt tối của hồn tức mặt âm nên hồn vía hay đi đôi với nhau như cặp âm dương[7].

Lúc sống vía ngụ trong phế (phổi) và cùng hồn quyện với nhau, đến lúc chết thì hồn phách lìa nhau[8]. Sau khi chết, vía (vong hồn) còn ở lại trần thế[9], vía của người thường hiện ra thì ta gọi là ma[10], quỉ[11] còn vía của thần thánh thì hiện dưới hình thức hiển linh chữa bệnh, bắt tà ma (tại đền Kiếp Bạc), phù trợ người sống, làm “kiệu bay” ngày lễ hội … Hiện tượng hiển linh của vong hồn là nguồn gốc của đền thờ thần thánh, của tục lệ thờ cúng giỗ tổ tiên, đốt vàng mã.

Chức vụ tâm linh của đền

Sau vai trò làm nơi thờ thần thánh hay anh hùng dân tộc, sanh hoạt chính của đền là  tổ chức lễ hội  có nghĩa cúng tế vong hồn thần và họp mặt dân làng. Lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. Theo thống kê 2009, hiện cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội[12].

Lễ Hội[13] bao gồm 2 phần: Lễ (tế rước mang màu sắc tâm linh) và Hội (các trò chơi dân gian, vừa thể hiện tính khéo léo vừa nêu cao tinh thần thượng võ, tính đoàn kết của cộng đồng).

Phần lễ

  • Lễ rước kiệu Thần: Đám rước kiệu, nhiều màu sắc của rất nhiều cờ ngũ sắc, trang phục quan lính truyền thống. Tại nhiều đền, lễ rước kiệu là lúc Thần hiển linh dưới hình thức kiệu bay (Cảnh kiệu bay được phổ biến rất nhiều trên internet),
  • Lễ tế cổ truyền[14] gần như giống cảnh tế vua Hùng trong nước và hải ngoại.
  • Lễ dâng hương. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương.

Phần hội

  • Phần Hội là sinh hoạt văn hóatôn giáonghệ thuật của cộng đồng, Phần hội rất phong phú, đa dạng hấp dẫn người dân tự động đến dự. Có nhiều trò chơi dân gian như cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc,  thi gói bánh chưng, giã bánh dày, vật dân tộc… và các hoạt động văn hoá, văn nghệ khác.
Lễ hội đền Kiếp Bạc

Lý do người xưa xây đền

Từ xưa, phần nhiều đền miếu được người dân tự động họp nhau xây nên để thờ cúng ở bất cứ nơi nào có xuất hiện hiển linh của vong hồn mà người dân cảm nhận được thí dụ như chữa khỏi bệnh, dập tắt cháy nhà, giúp cho thi đỗ, hành hạ cho điên cuồng, sẵn sàng che chở, âm phù cho cộng đồng bình an, thịnh vượng …

Dân sẽ tự động họp nhau xây đền, bệ thờ mặc dầu sự hiển linh đó là:

  1. Vong hồn của con chó (thờ linh cẩu ở miền Trung hay chó đá tại miền Bắc),
  2. Ác nhân hút máu đàn bà (thờ phạm Nhan, xã An Bài, huyện Chí Linh),
  3. Thần người Chàm, (thờ Thiên Y A Na ở Huế), người Phù Nam (bà chúa Xứ tại Châu Đốc)

2. Kiến trúc đền XHCN

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh phát động một « Chính sách văn hóa xã hội chủ nghĩa » để xây dựng căn nhà “văn hóa mới” thay thế văn hóa cổ truyền của dân Việt. Đây là thời kỳ cưỡng bách văn hóa lần thứ ba[16] (1945-1986) do chính người Việt ép buộc người Việt tự hủy diệt văn hóa cổ truyền của người Việt để theo văn hóa XHCN gốc lý thuyết Mác-Lenin và Mao Trạch Đông. Trong bối cảnh đó, bản chất vô thần của nhà Nước cộng sản là:

  1. Cấm đoán phần văn hóa phi vật chất như là tập tục, tín ngưỡng (thờ vong hồn thần thánh, tổ tiên, lên đồng), hội làng (lễ hội, ca trù, quan họ …),
  2. Phá hủy phần văn hóa hữu thể. Theo hai quyển hồi ký của nhà thơ Võ Văn Trực (Chuyện làng ngày ấy và Cọng rêu dưới đáy ao) thì ở Nghệ An quê ông, người ta phá đình, đền, thờ cúng tổ tiên, nhiều sách vở chữ nho và chữ nôm, hoành phi, câu đối bị đốt, lễ hội bị đình chỉ[17] vì bị coi là tàn dư của văn hóa phong kiến. đình chùa, miếu mạo, nhà thờ họ, mộ cổ, tập thể hoá cả mồ mả ông bà, sửa đổi phong tục tập quán bị coi là hủ lậu[18].

Từ năm 1986, người cộng sản quay về với văn hóa cổ truyền hữu thần nên nghĩ đến xây cất đền cho Hồ Chí Minh và có tham vọng biến Bác thành một vị Thánh để quan chức và dân chúng đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Bác Hồ; nhưng, vài địa phương lại muốn tổ chức lễ hội đền Hồ Chí Minh quy tụ đông đảo quần chúng nhự tại đền Đức Thánh Trần, đền Mẫu, đền Bà Chúa Xứ … rất tiếc đến nay vẫn thất bại trong dự án này vì không hội đủ 2 điều kiện tâm linh là Bác có vong hồn và vong hồn Bác phải hiển linh cho người dân cảm nhận được.

Dưới đây là hình ảnh Kiến trúc đền Hồ Chí Minh

Đền thờ Hồ Chí Minh ở Tuyên Quang – Ảnh: Mạnh Cường

Tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh)

Đền thờ Hồ Chí Minh tại Quảng Bình (Ảnh: Sưu tầm)

3. Ước mơ  thành Thánh

Sau hình ảnh bề ngoài của Hồ Chí Minh như Tố Hữu mô tả dưới đây.

“Còn đôi dép cũ mòn quai gót
Bác vẫn thường đi giữa thế gian!”

“Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà…”

thì Hồ Chí Minh có ước mơ về ngội vị và sự nghiệp của mình đứng trên các vị Thánh Tổ của người Việt tôn thờ.

Đứng ngang hàng với Đức Thành Trần

Lúc sinh thời, qua bài thơ ghi lại tại đền thờ Vạn Kiếp[19], Hồ Chí muốn đứng ngang hàng (xưng tôi, bác) với Đức Thánh Trần:

Suy ra Tôi Bác cũng anh hùng
Sau trước cùng chung giữ núi sông.

Sự nghiệp vĩ đại hơn Đức Thánh Trần

Trong bài thơ đề tại đền Vạn Kiếp, Hồ Chí Minh ước mơ sự nghiệp của mình vĩ đại hơn Đức Thánh (Nhưng tiếc thay không thành):

Bác đưa dân tộc qua nô lệ
Tôi dẫn năm châu đến đại đồng.

Chiếm ngôi vị cao hơn Đức Thánh Tản

Theo đảng cộng sản, Hồ Chí Minh có di nguyện được trải tro trên núi Vua (1296M) cao hơn núi thờ Đức Thánh Tản Viên (1226M)[20]. Để thỏa mãn ước mơ của Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản cho xây đền thờ Hồ Chí Minh trên núi Vua của Ba Vì (1998-1999).

Ước mơ « Danh nhân văn hóa được UNESCO vinh danh ». Trong một văn bản của UNESCO về kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chí Minh vào năm 1990, UNESCO đã gọi ông là “anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa” (chứ không vinh danh hay công nhận). Từ sự kiện đó mà sách báo, video của con cháu Bác… mập mờ rao truyền Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa[21].

Dãy núi Ba Vì[22] tỉnh Hòa Bình được coi là núi tổ của nước Đại Việt với 3 ngọn, trong đó hướng Đông là đỉnh Vua cao 1.296m so với mực nước biển, trên đó tọa lạc đền thờ Hồ Chí Minh năm 1999. Đối diện về phía Tây là đỉnh Tản Viên, cao 1.226m, nơi có đền Thượng thờ Đức Thánh Tản Sơn Tinh. Tiếp đó là đỉnh Ngọc Hoa (tương truyền là con gái Vua Hùng thứ 18) cao 1.120m. Núi rừng Ba Vì không chỉ gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh huyền thoại mà còn là nơi linh thiêng của xứ Đoài (Ba Vì) xưa của nước Việt Nam[23].

Đền được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống có mái đao uốn cong ở 4 phía, dựng trên những chiếc cột tròn trên chân đá tảng.

Phía sân trước đền thờ là tấm bia đá lớn nguyên khối, mặt trước khắc: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta[24]. Mặt kia khắc bút tích Di chúc của Hồ Chí Minh.

Ở bức tường đầu hồi của đền có hình trống đồng với hình bản đồ Việt Nam và dòng chữ màu vàng của Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi

Trên bệ thờ đá có bức tượng Hồ Chí Minh đúc bằng đồng trong tư thế ngồi, phía trên là bức hoành phi ghi dòng chữ:Không có gì quý hơn độc lập, tự do.  

Gần đền thờ Hồ Chí Minh, năm 2010, Đảng cộng sản dựng Tháp Báo Thiên sao chép lại kiến trúc Tháp Báo Thiên thời nhà Lý (12 tầng)[25], một trong “An Nam tứ đại khí”. Nhưng tháp Báo Thiên mới (13 tầng) cao hơn tháp nguyên thủy (12 tầng) cho hợp tham vọng của Bác.

Người dân mong chờ

Ngày nay thì đền thờ Bác xây dựng khắp nơi, vong hồn bác ngồi cao hơn Đức Thánh Tổ Tản Viên còn người dân nhất là nười cộng sản đang mong ngóng xem vong hồn Bác:

  1. Có linh thiêng hơn Đức Thánh Tản không? Hơn hai ngàn năm nay, đức Tản Viên được suy tôn là vị thánh linh thiêng nhất trong bốn vị “Tứ bất tử” trường tồn trong những giá trị tâm linh. Một số vua, các quan và con dân nước Việt thường đến nơi thờ thánh Tản Viên thắp hương thành kính, Nhà nước và nhân dân thờ Ngài trong nhiều ngôi chùa, đền, đình, miếu…
  2. Có hiển linh không để người dân tổ chức lễ hội tại đền Bác, đến lễ bái xin bùa, xin xâm, cầu tiền tài, tiến chức,

Khi đến tham quan cảnh linh thiêng của núi Ba Vì mà nhìn thấy các phế tích xây cất thời Pháp cùng với sự mong đợi Bác hiển linh tại đền Hồ Chí Minh Chi Minh mới xây trên núi Ba Vì thì sao chẳng làm cho lòng người bâng khuâng suy nghĩ[26]. Núi Ba Vì được dân Việt coi như đất tổ linh thiêng từ ngàn năm nên mọi xây cất bất xứng của kẻ cường quyền đều bị người dân hủy bỏ thí dụ như hiện nay trên núi Ba Vì còn nhiều phế tích thuộc thời Pháp như nhà thờ đạo, trại cô nhi viện, khu hành chính, khu quân sự và khu sinh hoạt của sĩ quan Pháp, trại tù …

1. Làm sao hiển linh?

 Sau năm 1986, việc sùng bái Hồ Chí Minh mang đậm hình thức tâm linh cổ truyền như lễ hội, dâng hương tại đền, rước tượng Bác, lập bàn thờ vong hồn Bác tại đình, đặt hình Bác bên cạnh vong hồn gia tiên. Nhưng vấn đề vẫn đặt ra cho cán bộ là làm thế nào để vong hồn Bác hiển linh cho người dân cảm nhận được?

 Tổ chức lễ hội tại đền Hồ Chí Minh

Sau khi xây đền xong, nhiều địa phương muốn nâng tầm giỗ Bác (ngày 2/9) thành một lễ hội chính thức như các lễ hội cổ truyền, nhưng đến nay chưa địa phương nào thực hiện được giấc mơ đó vì thiếu điều kiện tâm linh thí dụ như vong hồn của Bác hiển linh làm cho người dân cảm nhận được như ban ơn, ban phước, ban bùa trừ tà ma … Vì vậy mà đền thờ Hồ Chí Minh tại Sóc Trang đã quảng cáo lễ hội của đền trên internet rồi lại phải bãi bỏ.

Đền Hồ Chí Minh tại Vĩnh Lợi, Bạc liêu mới chỉ có dự án lễ hội như sau.

Phần lễ: Dâng phẩm vật, dâng hoa, dâng hương, mặc niệm tưởng nhớ về Bác, phát biểu của Trưởng Ban tổ chức …

Phần hội: Liên hoan đờn ca tài tử, ca múa nhạc, biểu diễn cải lương, ca ngợi quê hương Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu; hội thi thiếu nhi vẽ tranh, cắm trại, đốt lửa trại …

Hiện tại, Ban tổ chức nào cũng còn bị ám ảnh bởi sự thực phũ phàng về việc dân đi thăm lăng Bác là để được ăn, được nghỉ làm việc tại hợp tác xã và ngày nay người đến thăm lăng như loan báo ngày 2-9-22 thì được tặng một phần quà  gồm: nước uống hoặc sữa và bánh đã được chuẩn bị sẵn. Việc nghiên cứu lễ hội vẫn còn bàn cãi vấn đề then chốt là làm sao cho nhân dân thấy đền Bác “linh” để tự động kéo đến cầu tài, cầu mệnh.

Người xưa nói: Núi không cần cao, có tiên sẽ linh, sông không cần sâu, có rồng sẽ linh, chùa không cần to, có người chân tu thì sẽ linh.

Chính quyền Hà Nội đã gửi tặng du khách viếng Lăng Bác 20.000 phần quà trong ngày 2-9-22 Mỗi suất quà gồm: nước uống hoặc sữa và bánh đã được chuẩn bị sẵn.

Lễ hội truyền thống theo văn hóa XHCN

Cho đến nay, lễ hội của hầu hết đền Hồ Chí Minh chỉ giới hạn vào lễ nghi dâng hoa, dâng hương của quan chức địa phương trước tượng của Bác. Gần đây có vài địa phương (Hải Phòng, xã Nam Cường, làng Sen) tổ chức lễ hội đền Hồ Chí Minh theo tinh thần xã hội chủ nghĩa.

Sáng ngày 25/3/ năm 2023, Đền thờ Bác tại xã Nam Cường, Yên Bái đã tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua lễ nghi dâng hoa, dâng hương, tiếp theo là mừng thọ các vị cao niên, các hoạt động văn nghệ, thể thao, thi đấu kéo co, bóng chuyền, cờ tướng và các trò chơi dân gian khác.

Lễ hội truyền thống tại đền Chung Sơn năm 2023

Lễ hội diễn ra từ ngày 12 đến ngày 19/5 với nhiều hoạt động sau:

  1. Sáng 12/5, Ban tổ chức Lễ hội làng Sen làm lễ dâng hoa trước tượng đài Hồ Chí Minh tại Quảng trường Hồ Chí Minh
  2. 21 huyện, thành phố, thị xã tham gia Lễ hội đã tổ chức diễn hành từ thành phố Vinh về quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh;
  3. Làm lễ dâng hoa, dâng hương tại Đền Chung Sơn, đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích Kim Liên

21 huyện, thành phố, thị xã tham gia Lễ hội đã tổ chức diễu hành từ thành phố Vinh về quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thần thánh hóa Hồ Chí Minh tại đình làng

Theo tập tục của văn hóa cổ truyền, đình là nơi thờ « vong  » của thần Thành Hoàng. Thờ vong là thờ linh hồn người chết nên không có tượng thờ của Thành Hoàng tại đình làng[27]. Nhưng với văn hóa XHCN thì việc thờ cúng cũng biến đổi là tượng Hồ Chí Minh được thờ ở đình bên cạnh « vong » của thần Thành Hoàng.

Theo chỉ đạo của Quận ủy & UBND quận Tây Hồ, Ban Quản lý đình làng Phú Xá (làng Sù – phường Phú Thượng, Tây Hồ, HN) đưa tượng Hồ Chí Minh vào đình làng này để thờ cùng thành hoàng làng (vốn ngự ở đình đã gần 300 năm). Sau đó, quận chỉ đạo các Ban quản lý đình làng trên địa bàn quận học tập và làm theo để phấn đấu mọi đình làng đều phải có tượng Hồ Chí Minh được thờ cùng thành hoàng làng.

Thần thánh hóa Hồ Chí Minh bằng nghi lễ cổ truyền

Lễ dâng hương, dâng hoa

Sáng ngày 19/5, các quan chức tỉnh Hà Tĩnh đến dâng hương tưởng niệm Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm Hồ Chí Minh và tại Hải Dương.

Lễ rước tượng, ảnh Bác

A. Đoàn rước ảnh Hồ Chí Minh từ quê ngoại sang quê nội của Bác trong Lễ hội Làng Sen 2015. Ảnh:TTXVN

B. Rước tượng Bác nhân ngày lễ hội Tết Nguyên tiêu của đồng bào Hoa tại TP. Hồ Chí Minh 16/02/2022

Thần thánh hóa Bác tại tư gia

Trong văn hóa cổ truyền, biểu tượng của « Đạo Ông Bà » là bàn thờ gia tiên được trịnh trọng đặt nơi danh dự là ở gian giữa. Bàn thờ là hình ảnh vũ trụ Lão Giáo thu nhỏ làm nơi cư ngụ cho vong hồn[29]:Trước bài vị tổ tiên[30] có các đồ thờ sau :

– Bát nhang hình tròn tượng trưng cho « Vô Cực » tỏa hương khói nghi ngút như Khí Hạo Nhiên[31];

– Bộ tam sự[32] quen thuộc : lư đồng tượng trưng Thái Cực đặt giữa 2 chân đèn biểu tượng âm dương[33];

– Đĩa trái cây đặt phía phải (âm) còn độc bình cắm hoa phải để bên trái (dương).

– 3 chén nước hoặc 3 chén rượu hoặc bộ tam sơn[34] biểu tượng triết lý Tam Tài (Trời, Đất, Người).

– Màu sắc chính là màu đỏ biểu trưng ánh sáng dương của mặt trời, màu vàng là ánh sáng âm của mặt trăng.

Ngày nay, thay vì thờ vong hồn tổ tiên thì có một số gia đình theo cộng sản  đặt ảnh Bác, tượng Bác ở vị trí trang trọng trên bàn thờ gia tiên.

Cách xếp đặt bàn thờ Bác (đỉnh đồng, bát nhang chân đèn …) vẫn như cũ, chỉ một khác biệt là bài vị hay hình ảnh tổ tiên để dưới tượng hay hình ảnh Hồ Chí Minh.

Sự thay đổi vị trí này rất quan trọng về tâm linh, là vì từ nay an vị ở vị trí bài vị tổ tiên thì vong hồn Hồ Chí Minh sẽ thay thế vai trò của vong hồn tổ tiên để phù hộ cho con cháu của Bác. Theo tín ngưỡng dân gian, bài vị là nơi cư ngụ của vong hồn người quá cố vì có lòng tin sau khi qui tiên, các vong hồn (phách) còn tại thế và ngự ở bài vị[35], sống chung và hỗ trợ cho con cháu[36].

Vong hồn Hồ Chí Minh trên bàn thờ gia tiên

Kết luận

Trong văn hóa tâm linh cổ truyền, cấp bậc Thần, Thánh, Tiên là do người dân suy tôn lên tùy theo mức độ hiển linh, đạo đức, tu hành. Tại Việt Nam, thần thì có rất nhiều nhưng Thánh được nhân dân tôn thờ nhiều nhất la tứ bất tử  (Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Bà chúa Liễu Hạnh) và ba vị khác là Đức Thánh Trần, Đức thánh Nguyễn, Đức thánh Láng)[37].

Mặc dù người cộng sản muốn đền thu hút dân chúng tự động đến chiêm bái đông đảo như tại nhiều cơ sở thờ tự thần thánh cổ truyền, thí dụ như đền Đức Thánh Trần, đền thờ Mẫu, đền Bà Chúa Xứ … nhưng tham vong đó đều thất bại là vì vong hồn Hồ Chí Minh chưa hiển linh nên chưa được người dân mặc nhiên công nhận là thần hay thánh. Vì vậy mà người xưa nói:

 Núi không cần cao, có tiên sẽ linh,
 Sông không cần sâu, có rồng sẽ linh,
Chùa không cần to, có người chân tu thì sẽ linh. 

Sự thật thì ai cũng nhìn thấy rõ là các cơ sở thờ thần thánh cổ truyền thu hút tín đồ tấp nập đến kính thờ là do những yếu tố thuyết phục sau:

  1. Vong hồn của vị thần có hiển linh dưới nhiều hình thức như trừng phạt những kẻ dám bất kính với Thần,
  2. Vong hồn Thần có thể can dự vào đời sống trần thế như ban phát lợi ích vật chất cho tín đồ cầu xin tiền tài, thăng quan, tiến chức, che chở đời sống…
  3. Có phép lạ chữa khỏi bệnh tật.

Chính nhìn thấy tâm điểm thu hút tín đồ là 3 yếu tố trên mà các đạo Hồ Chí Minh ra đời với một giáo chủ là Hồ Chí Minh được coi như Phật nhưng lại có vong hồn hiển linh can dự vào đời sống tín đồ nhất là người sáng lập cảm nhận được (Chữa khỏi bệnh, tiếng nói của Bác vọng về). Đó là lý do chính mà các đạo Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo người dân tự động xin nhập đạo, tự động thờ cúng vong hồn Bác như là một vị thánh, một vị Phật có vong hồn hiển linh chứ không như một lãnh tụ chính trị hay một ông Phật giác ngộ.

[1] Với tính cách thông tin, soạn giả viết lại ý kiến của vài blogger của “thế lực thù địch chống Đảng” giải thích lý do tại sao xây đền để cho vong hồn Bác được an toàn là vì: Đền là Nhà của Thần mà người dân rất kiêng dè vì sợ bị Thần phạt, không ai dám phá nên đền là hầm ẩn núp an toàn dù có biến cố phá đài kỷ niệm, giật sập tượng lãnh tụ sảy ra như ở Đông Âu, Xô Viết, Vong hồn (với điều kiện có hiển linh) lúc nào cũng có hương khói, đồ cúng do người dân tự nguyện mang đến chiêm bái dù thần linh đó là chó đá, thiên cẩu, Người dân đi qua đều cung kính ngả nón, xuống ngựa, đám ma đi qua thì phải ngừng kèn trống.

[2] Trong đền có tượng thờ Hồ Chí Minh bằng đồng, trước tượng có khắc câu « Không gì quí hơn độc lập và tự do », bên ngoài có bia đá « Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại … »

[3] Đền thờ mẫu thân của Hồ Chí Minh là bà Hoàng Thị Loan tại thôn Vân Nội, Xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, Đền Chung Sơn thờ gia tiên Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An

[4] Theo đạo Giáo, Ba hồn là:

-Thai quang là nguyên thần, không có là chết, ngụ trong tim Tâm, thần

-Sảng linh: thông minh, khôn ngoan thể khí

-U tinh   giác quan, tình cảm yêu ghét, tinh, đói khát

[5] Theo từ điển Thừa Chửu, Vía là tinh khí của con người. Phàm vật gì tinh khí hết kiệt, chỉ còn hình chất lại gọi là phách. Theo đạo Cao Đài, ngày lễ tưởng niệm các vị thánh thần thì gọi là lễ vía.

Trong đạo Cao Đài, Vía là lễ sinh nhựt, lễ kỷ niệm ngày sanh của một Đấng thiêng liêng

Trong đạo Mẫu, Vía là biểu hiện cho oai lực Thần Thánh.Td: Cờ vía: cờ bằng giấy màu của những người đồng bóng thờ Thần Thánh, khi rước đi liền với kiệu.

[6] Đạo Cao Đài: Thất phách 7 dây oan nghiệt nơi khí sanh quang tụ lại tại 7 khiếu sanh ra dòng điện từ. Khi ngủ 7 dậy hợp thành một đưa chân thần ra khỏi xác trở thành giấc mơ, giật mình tỉnh dây  sợi dây lai chia thành 7. Phép đoạn căn là căt 7 sợi dây oan nghiệt

Theo Phật giáo cúng 49 ngày: từ lúc sanh ra 7 ngày có một vía, 49 ngày đủ vía , vía là gây tội lỗi nên sau khi chết vong hồn phải qua 7 lần khám xét , mỗi lần 7 ngày rồi mới được siêu thoát

Theo Đạo Giáo, 7 phách là: thi cẩm (vui) , phục thỉ (tức giận) , tước âm (buồn), thôn tặc (sợ hãi), phi độc (tình yêu), trừ uế (ác ), xú phế (ham muốn) tức là thất tình ái ố hỉ nộ ai lạc cụ.

« Thác là thể phách, còn là tinh anh » (Kiều)

[7] Nên thường nói :“thất hồn lạc phách”  hết hồn hết vía, “hồn phi phách tán”  hồn bay phách tán.

[8] Đoạn trường tân thanh có câu: « Kiều rằng những đấng tài hoa, thác là thể phách còn là tinh anh »

[9] Tại xã Nam Sơn, Bắc Ninh, chùa cổ Hàm Long giúp tín đồ « nhốt vong » những người chết vào « giờ Trùng »

[10] Ma là tiếng Hán dịch từ chữ Mẩra Ấn Độ chỉ thần dục vọng

[11] Quỉ : vong hồn dân thường, tiểu nhân ; Thần : Vong hồn vua quan, quí nhân…

[12] trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%)

[13]Ngày 16/11/2010, tại thành phố Nairobi (thủ đô của Kenya), trong kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên Chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

[14] Lê tế truyền thống đền Kiếp Bạc trước bị cộng sản cấm nay được phục hồi tháng 8, 2006

[15] Tại xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội

[16] Thời cưỡng bách văn hóa lần thứ nhất bởi Hán Đường (43 đến 938) bắt dân Việt theo văn hóa Trung Hoa,

Thời cưỡng bách văn hóa lần thứ hai (1414-1427), quân Minh cưỡng ép dân ta theo văn hóa Trung Hoa được sử gia Trần Trọng Kim mô tả như sau: “Bọn Hoàng Phúc ở lại sửa sang các việc trong nước để khiến cho người An Nam đồng hóa với người Tàu. Lập ra đền miếu bắt người mình cúng tế theo như tục bên Tàu, rồi cách ån mặc cho chí sự học hành, việc gì cũng bắt theo như người Tàu cả. Còn cái gì là di tích cüa nước mình như là sách vở thì thu nhặt đem về Tàu hết sạch… Bắt con trai con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái thì phải mặc áo ngắn quần dài theo như người Tàu cả.”

[17] Từ năm 1950 trở đi những nguyên lý văn hoá vô sản dần dần chi phối nền văn hoá Việt Nam. Theo hai quyển hồi ký của nhà văn Võ Văn Trực (Chuyện làng ngày ấyCọng rêu dưới đáy ao do NXB Lao Động ấn hành tháng 6 năm 1993) thì ở Nghệ An quê ông, người ta phá đình chùa, tập thể hoá cả mồ mả ông bà, sửa đổi phong tục tập quán bị coi là hủ lậu. Ở các vùng khác chưa ai viết ra, nhưng nói chung cũng na ná như vậy. Đến sau 1975, những người lãnh đạo văn hoá ở Thừa Thiên Huế còn dùng nội cung cố đô Huế làm kho giấy và cho phá bỏ Đàn Nam Giao khiến lòng dân bức xúc có nhiều câu ca dao phản đối.

[18] Trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản, trả lời câu hỏi vì sao chủ nghĩa cộng sản xoá bỏ tôn giáo, tín ngưỡng cũ, Marx và Engels viết : “Cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sở hữu cổ truyền ; không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất là  với những tư tưởng cổ truyền” (Nhà XBST, 1974, trang 78).

[19] Bài thơ đề tại đền thờ Đức Trần Hưng Đạo: Suy ra tôi Bác cũng anh hùng/Sau trước cùng chung giữ núi sông/Bác đuổi quân Nguyên thanh kiếm bạc/Tôi xua giặc Pháp, ngọn cờ hồng/Bác đưa dân tộc qua nô lệ/Tôi dẫn năm châu đến đại đồng/Bác có khôn thiêng cười một tiếng/Giúp tôi kháng chiến sớm thành công.

[20] Đức Thánh Tản đứng đầu “tứ bất tử” theo tín ngưỡng của người Việt (Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Bà chúa Liễu Hạnh) sau đó là Đức Thánh Trần, Đức thánh Nguyễn, Đức thánh Láng.

[21] Điều đáng buồn là 6 vị danh nhân Việt (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Hải Thượng Lãn Ông) bị kéo vào vụ lừa dối là đứng cùng với Hồ Chí Minh trong danh sách « tưởng tượng » được UNESCO vinh danh.

[22] Ngài Nguyễn Trãi viết: “Tản Viên là tên núi, núi có ba ngọn cao chót vót… núi ấy là núi tổ của nước ta đó… Thần núi Tản Viên gọi là Trụ Quốc Đại Vương linh hiển có tiếng…” (Nguyễn Trãi, toàn tập)

[23] Theo truyền thuyết, xưa kia vua nhà Đường coi núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tới phương Nam (dãy Trường Sơn ngày nay).

[24] Một đoạn trong điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc trong lễ tang của Hồ Chí Minh năm 1969

[25] Tháp Báo Thiên thời nhà Lý (12 tầng) được xây năm 1057 ở Chùa Báo Thiên, được xếp vào một trong An Nam tứ đại khí, bốn vật báu của đất nước, mà ba vật quý giá khác là tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, Vạc Phổ Minh và Chuông Quy Điền.

[26] Với tính cách thông tin, soạn giả viết lại ý kiến của vài blogger của “thế lực thù địch chống Đảng” giải thích lý do tại sao xây đền để cho vong hồn Bác được an toàn là vì:

  • Đền là Nhà của Thần mà người dân rất kiêng dè vì sợ bị Thần phạt, không ai dám phá nên đền là hầm ẩn núp an toàn dù có biến cố phá đài kỷ niệm, giật sập tượng lãnh tụ sảy ra như ở Đông Âu, Xô Viết.
  • Vong hồn (với điều kiện có hiển linh) lúc nào cũng có hương khói, đồ cúng do người dân tự nguyện mang đến chiêm bái dù thần linh đó là chó đá, thiên cẩu,
  • Người dân đi qua đều cung kính ngả nón, xuống ngựa, đám ma đi qua thì phải ngừng kèn trống.

[27] Đình chỉ thờ vong (không có tượng) của thần còn tượng thần thì để an tọa tại nghè (miếu). Trong các ngày giỗ thần như ngày sinh, ngày hóa (nhân thần), ngày thiện hóa (thiên thần) làng mở tế lễ, mở hội, nghinh rước tượng thần từ nghè hay miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước thần về miếu yên vị.

[28] Đình Thần Tân An được khởi dựng vào năm 1880, là một trong những ngôi đình có lịch sử cổ xưa nhất ở Cần Thơ. Đình được sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng vào năm Tự Đức thứ 5 (1852). Sau nhiều biến cố, đình cũ không còn và được xây mới vào năm 2015 tại vòng xoay cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều.

[29] Vong hồn là hồn người chết tức là phách hay vía

[30] Làm bằng bốn loại thiết mộc : lim, sến, táu, đinh và ngày nay được thay thế bằng hình hay tượng

[31] Giữa bát nhang có trục vũ trụ là khúc trầm hương khúc khủy vươn thẳng lên trong bát nhang. Khí Hạo Nhiên là khí nguyên thủy nguồn gốc của vũ trụ. Về tục đốt hương, vào đời Vũ Hán, người Trung Hoa bắt trước Người Hỗn ở Tây Vực rồi truyền sang nước ta thời Tam Quốc (Bùi Xuân Mỹ. Tục thở cúng của người Việt, NXB Văn Hóa Thông tin Hà Nội, 2001, tr.122)

[32] Đồ thờ tam sự : đỉnh và 2 ống đựng nhang, nếu có thêm 2 cây đèn (nến) thì gọi là ngũ sự. Có tác giả hiểu ngũ sự là bát nhang, 2 cây đèn nến, độc bình, mâm ngũ quả.

[33] Lư hương : Thái Cực; Nhang thắp lên: tinh tú; đôi đèn : nhật nguyệt quang minh

[34] Một cái kỷ gọi tam sơn (tam cấp) : Cấp ở giữa cao hơn đặt bộ đài 3 chén rượu có nghĩa cúng ba tuần rượu mới đủ lễ, hai cấp thấp hai bên, một bên để đĩa trầu cau, một bên để bát nước.Tam sơn có thể là ba hộp xếp như hình chữ sơn, trên để ba đài rượu đặt trên chỗ sơn (núi) tỏ ý nói tổ tiên vui tiên trên cõi sơn thủy thanh cao xuân bất tận.

[35] Bài vị còn gọi là Thần chủ, Mộc chủ, Thần vị, Thẻ vị

[36] Vì vậy mà trong đám tang ngày xưa, trên đường đưa linh cữu đến nơi an táng, hồn người quá cố ngụ trong dải lụa (linh bạch hay hồn bạch). Sau khi an táng rồi, vị đại đức hay ông thầy cúng viết nét chữ cuối cùng trên bài vị để rước vong hồn về nhà và từ đó vong hồn ngụ ở bài vị.

[37] Ngoài ra còn có thánh của các tôn gióa, thí dụ như đạo Cao Đài thờ tam thánh (Tôn Dật Tiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Victor Hugo), đạo Công Giáo có 117 vị thánh Việt tử vì đạo …

Lạp Chúc Nguyễn Huy
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Cựu Giảng sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức, bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

XEM NHIỀU NHẤT

166FansLike
0FollowersFollow
16SubscribersSubscribe

X