Liên nói với người lái xe ôm đang cố gắng tránh những ở gà một cách khó khăn :
– Chú Tư, chú lái cận thần một tí, nếu không cháu bị rớt xuống đường đó!
– Cô Ba, cô chịu khó ngồi để chân hai bên đi. Đường xấu qua, tui không lách, không tránh thì cả hai chúng ta sẽ té xuống đường, chưa kể là xe của tụi sẽ hư bét, làm sao kiếm cơm được nữa!
Nói xong, không chờ Liên đồng ý, chú Tư đã dừng lại và nhìn Liên :
– Cô Ba chịu khó ngồi để chân hai bên di. Đường đi Tây Ninh bây giờ xấu lắm, mấy ông ấy đâu có ngó ngàng gì đến đường xá đâu!
Thật ra chú Tư không xa lạ gì với gia đình Liên. Chú ở cùng khu phố với gia đình Liên nhưng phía bên trong nơi những con hẻm dành cho những người lao động nghèo khổ. Người con gái đầu của chú Tư trước 75 là người làm trong gia đinh Liên. Gia đình Liên đối xử rất tốt với con gái chú Tư nên ân nghĩa rất sâu đậm. Sau 75, thỉnh thoảng mẹ Liên cũng giúp đỡ gia đình chú Tư.
Liên không còn chọn lựa nào khác nên cũng nhích xuống xe rồi lên ngồi lại, để chân hai bên. Cũng may, Liên mặc quần jean nên không thấy kỳ. Vả lại, thời buổi người làm khỉ, khỉ làm người thi còn gì mà kỳ với chẳng kỳ.
Đây không biết là lần thứ mấy Liên đi lên Tây Ninh để thăm nuôi chồng đang ở tù cải tạo. Thật ra, chồng Liên, Độ, cũng chẳng có tội gì nhiều đối với cách mạng nên thay vì bị đày ra Bắc, chàng chỉ bị đưa đi «học tập cải tạo» ở biên giới Tây-Ninh & Cao Miên. Trước 75, Độ là trung úy huấn luyện viên khóa sinh ở Trung Tâm Huấn Luyện Thủ Đức chứ chẳng cầm súng trực diện với việt cộng. Do đó, đối với cộng sản, chàng cũng có tội nhưng không phải tội nặng. Tuy nhiên, cán bộ quản giáo mỗi lần lên lớp đều lập đi lập lại:
– Các anh, đã mang bộ đồ lính ngụy là có tội rồi. Người cầm súng trực diện với cách mạng thì tội không thể chối cãi được nhưng những người làm trong các trung tâm huấn luyện như anh Độ thì cũng có tội. Các anh biết tội gì không? Chưa ai trả lời thì hắn ta tiếp:
– Tội dạy người khác học cách giết cách mạng! Gián tiếp nhưng cũng có tội!
Sau mấy lần đi thăm chồng về, Liên đã tính đến chuyện tìm cách lo cho chồng vượt ngục rồi tìm đường cho chồng vượt biên. Gia đình Liên thuộc loại khá giả trước 75 nên vẫn còn của cất của giấu khả dĩ có thể lo cho chồng vượt biên. Lo cho Độ vượt biên thì không khó những tìm cách cho Độ vượt ngục thì nguy hiểm thật, bởi, vượt biên mà bị bắt thì còn có đường lo, còn vượt ngục mà bị bắt thì chỉ có chết! Nghĩ là nghĩ vậy, lo là lo vậy nhưng Liên thấy chồng phải lao động khổ sai mỗi ngày, ăn uống thiếu thốn, người càng ngày càng gầy yếu nên Liên buồn khổ quá. Cuối cùng, trong lần thăm nuôi trước đây, Liên đã bàn với Độ và cả hai đều quyết định đánh một ván bài liều. Cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu!
Thế rồi, sau khi tìm hiểu, mua chuộc một gia đình trong xóm gần nơi các tù cải tạo ra lao động, Liên đã mang vài bộ áo quần cũ của Độ cất giấu ở đó rồi một hai tuần, Liên đều ghé thăm gia đình đó, vừa để thăm dò, vừa để lấy cảm tình, khi tặng cái này, khi biếu cái kia. Thật ra, hai năm sau ngày “giai phóng”, dân chúng không ai là không ghét công sản, ngoại trừ những gia đình nằm vùng thật sự cho chúng từ trước 75. Cũng may là gia đình Liên nhờ giúp đỡ, gia đình bác Sáu, cũng có một người còn trong quân đội trước 75, chức vụ trung úy nhưng là trung úy biệt phái làm bộ tài chánh và đang bị tù cài tạo tận ngoài bắc. Trung úy, tội không lớn lắm nhưng biệt phái thì tội lớn lắm, bị cộng sản xem là xịa. Chính vì vậy mà hai vợ chồng bác Sáu rất thông cảm cho Liên, thương Liên thân nữ nhi mà không ngại khổ cực để lo cho chồng.
Rồi một ngày phải đến đã đến.
Ngồi sau xe, Liên cầm chặt hai bên yên xe, suy nghĩ những tình huống có thể xảy ra nay mai. Nàng sẽ ngủ lại nhà bác Sáu một đêm, thậm chí hai hay ba đêm gì đó để chờ đoàn tù ra lao động. Liên đã dặn chồng cố gắng tìm cách lao động ở gần đường lộ, lén bò ngang con lộ rồi chui ngay xuống ruộng, bò càng xa càng tốt và cuối cùng băng qua hàng rào chạy vô nhà bác Sáu. Liên đã mô tả cái nhà của bác Sáu cho Độ rất kỹ trong lần thăm nuôi trước đó. Nàng phơi một số quần áo phụ nữ trước nhà để làm ám hiệu.
Buổi trưa hôm đó, Độ trốn thoát được, vô đến nhà bác Sáu thì lập tức chạy vòng ra phía sau, lấy mấy bộ đồ cũ mà Liên đang để sẵn, thay vào và chú Tư chở Độ băng qua đường hẻm phía sau rồi lái một mạch về Saigon, phía chợ Cũ, đến một nhà người bà con đã sẵn sàng đón tiếp và giấu Độ trong nhà.
Phần Liên thì nàng thay áo khác, tà tà đi bộ ra con lộ lớn, tìm xe ôm thuê chạy về Thánh Thất. Đến nơi, Liên vô bên trong Thánh Thất, lễ Phật, lễ Chúa một hồi, nghe ngóng xem có ai theo dõi hay không. Khi biết chắc chắn không ai theo dõi thì Liên nhẹ nhàng ra khỏi Thánh Thất bằng cửa sau, đi bộ ra chợ Hòa Thành rồi thuê xe ôm khác chạy về Gò Dầu Hạ. Đến Gò Dầu Hạ, Liên vô chợ mua qua loa một vài món đồ, nhìn tới nhìn lui để chắc chắn không ai theo dõi rồi từ đó, nàng thuê một xe ôm khác nữa, chạy một mạch về đến chợ Cũ, cách nhà người quen vài trăm mét rồi đi quanh quẩn một hồi mới trở hướng tìm đến nhà quen mà nàng đã dặn chú Tư đã chở Độ về.
Khoảng 8 giờ chiều thì Liên đến nhà người quen. Một bà đứng tuổi chạy ra đón vào :
– Độ đâu hả mợ?
– Ô, chú Tư chưa chở Độ đến sao?
– Chưa!
Liên òa lên khóc. Thôi rồi! Thôi rồi. Người bà còn nghiêm giọng:
– Từ từ, chớ khóc lớn. Từ từ, mình ăn ở lành thì gặp lành! Chắc xe chú Tư có vấn đề thôi!
Liên ngưng khóc nhưng nước mắt vẫn tiếp tục chảy ràn rụa trên má, trên môi. Tội nghiệp người con gái hai con, nõn nà trong tuổi trên dưới ba mươi mà phải trăm đắng ngàn cay trong buổi giao thời!
Cả nhà im phăng phắc, không ai nói với ai lời nào trong suốt gần một giờ đồng hồ thì có tiếng xe honda dừng trước cổng. Người chủ nhà vén màn của số nhìn ra, nét mặt vui mừng :
– Cậu Độ đến rồi.
Bên ngoài, chú Tư chờ Độ bước xuống xe rồi quay đầu xe, chạy biến mất trong màn đêm tháng chạp. Sắp đến Tết rồi. Tết sắp đến rồi nên nhà nào cũng lo chuẩn bị ăn cái Tết thứ hai của “cách mạng” trong cảnh chật vật lo lắng nên chẳng ai để ý đến ai.
Người chủ nhà nhẹ nhẹ mở cửa, để một khỏang nho nhỏ đủ cho Độ bước vào rồi đóng lại, tiện tay quay ổ khóa. Liên chạy ra ôm chầm lấy Độ.
– Anh! Anh! Sao trễ quá vậy?
Độ ôm Liên vào lòng, nước mắt cũng chảy quanh. Không ai nói ai, cả nhà người quen từ từ biến mất khỏi căn phòng, nhường cho Liên và Độ cái không gian ân sủng! Độ nhỏ nhẹ:
– Xe bị nổ bánh. Chắc em lo dữ.
Một tuần sau, Liên lo mua thẻ cử tri giả cho Độ và lo cho Độ chuyển từ nhà quen này đến nhà quen khác để tránh vết tích. Trong giai đoạn đầu, sau 75, một mặt, cộng sản chỉ hù doạ là nhiều chứ chưa kiểm soát được thật sự dân Saigòn, mặt khác dân chúng mạnh ai lo thân nấy nên chẳng ai để ý đến Độ. Nhà người quen cuối cùng mà Độ tá túc là nhà cậu Tám của Liên. Nhà cậu Tám ở khu Tận Định. Sau một tháng nằm dài, xem sách trong căn gác nhỏ trên lầu, Độ nghe buồn và lần lần đi ra các khu chợ Trời cho khuây khỏa. Rồi nhờ có vốn, nhờ có trình độ, nhờ mặt mày sáng sủa, lanh lợi nên Độ quen nhanh với nghề mua đi bán lại ở chợ trời. Độ chuyên về buôn bán các chai serum (nước biển). Độ làm ăn khá lắm, lại biết hối lộ cho các công an phường nên cuộc sống kể như yên. Dĩ nhiên chàng cũng thay hình đổi dạng một tí, để một bộ râu mép trông rất lôi cuốn! Trong thời gian nầy, Liên chỉ ngấm ngầm theo dõi và hỗ trợ Độ chứ không bao giờ xuất hiện cùng lúc với Độ.
Chính vì sự lôi cuốn này mà nhiều bà nhiều cô chạy hàng ở chợ trời để ý. Một cô chạy hột tên Liên tìm cách làm quen với Độ.
Rồi chuyện phải đến cũng đã đến! Mối tình của Độ và Liên chợ trời đã chín mùi lúc nào mà Độ không ngờ. Cũng may, cùng tên nên nhiều khi nói lộn, nhìn người này mà nghĩ đến người khác cũng không ai biết! Mối tình của Độ và Liên chợ trời càng ngày càng thắm thiết.
Cuộc tình vụng trộm của Độ và Liên chợ trời không giấu được Liên. Chú Tư xe ôm, người tình báo của Liên, một hôm đến nhà Liên, hỏi thăm:
– Cô Ba, cậu Ba lúc nầy yên chưa? Khi nào thì cô và cậu ra đi?
– Tui cũng đang tính đây nhưng chắc tui lo cho anh Độ đi một mình trước.
– Sao được cô Ba! Tui nghe nói hình như cậu ấy đang quen với một cô nào đó ở chợ trời. Cô Ba coi chừng mất cả chì lẫn chài đó!
Liên cũng đã biết chuyện Độ lăng nhăng với Liên chợ trời nhưng nàng luôn luôn tin ở Chúa, nghĩ rằng mình ăn ở hiền lành thì sẽ có những cái kết tốt đẹp. Vả lại nàng đang tính lo cho chồng vượt biển nên chẳng còn hơi sức đâu để ghen tuông. Nàng cũng buồn nhưng nghĩ rằng Độ chỉ chơi qua đường mà thôi vì nàng tin vào tình yêu của Độ dành cho nàng và cho hai đứa con nhỏ. Liên cố chịu đựng và nghĩ rằng một khi nàng lo cho Độ vượt biên xong, rồi sau đó đến lượt mẹ con nàng, khi đó thì đâu cũng sẽ vào đấy. Liên thở dài:
– Không sao đâu chú Tư. Tội nghiệp anh ấy đã ở tù khổ cực, bây giờ cho bay bướm một chút có chết chóc ai đâu!
– Nói vậy sao được cô Ba. Tui là đàn ông, tui biết tính đàn ông hay lạt lòng với đồ mới lạ lắm. Coi chừng hai người đó rủ nhau vượt biên thì cô Ba và hai đứa nhỏ ở đó mà hóng gió đó!
Liên nghe nhói trong lòng nhưng cố gượng:
– Không sao đâu chú Tư ơi, Papa tui hồi xưa cũng bay bướm nhưng có bỏ mẹ tui đâu! Chú Tư ơi, đàn ông con trai mà, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ! Mà chú Tư đừng cho mẹ tui biết nghen.
Liên nói cứng như thế nhưng trong lòng làm sao không đau cho được! Nhưng vì con, vì gia đình, nàng phải lo cho Độ vượt biển trước để sau này bảo lãnh hai đứa nhỏ, lo cho tương lai của chúng. Nàng tự an ủi một khi Độ đã vượt biển được thì đâu cũng sẽ vào đó! Đâu cũng sẽ vào đó, nàng tự nhẩm một mình.
Rồi một ngày, Liên cũng tìm được một chỗ cho Độ trên một con tàu nhỏ đi theo diện bán chính thức từ Mỹ Tho. Độ lẳng lặng ra đi, không báo cho Liên chợ trời biết.
Mấy tháng sau, Độ đã được Mỹ nhận cho định cư suông sẻ vì chàng vốn là sĩ quan “ngụy”. Độ xin cư ngụ tai Washington D.C. và một cách tình cờ, vài tháng sau, Độ đi lang thang trong chợ Eden thì gặp Liên chợ trời. Liên chợ trời rất giận khi Độ chào. Liên chợ trời bĩu môi:
– Xin lỗi ông, tui đâu có quen ông!
– Thôi mà Liên…
– Liên nào, thưa ông?
Độ chai mặt, cầm đại bàn tay của Liên chợ trời. Nàng cố dằng bàn tay ra nhưng Độ cầm chặt quá. Rồi từ từ tay nàng yếu dần như mấy giọt nước mắt tủi thân từ từ rơi trên má.
– Anh nhẫn tâm lắm!
– Thôi đi em. Em cho anh xin.
– Còn vợ anh đâu?
– Anh chỉ đi một mình.
Sau đó, tình cũ không rủ cũng tới, nhất là trong cảnh tha hương ngộ cứ tri. Hai người hẹn hò nhau đi chơi va cuối cùng rủ nhau thuê nhà ở chung. Chuyện này Liên không biết, hoàn toàn không biết cho đến mấy năm sau, khi Độ bảo lãnh Liên và con qua Mỹ thì nàng mới biết. Lúc đầu, Liên bị sốc nặng nhưng vốn bản tính nhẹ nhàng, trầm lặng, thương con nên dần dần Liên cũng chế ngự được những cơn tức giận. Khi đó, Độ thuê một căn apartment cho mẹ con Liên còn mình thì vẫn ở với Liên chợ trời rồi chạy đi chạy về. Liên vẫn nhẹ nhàng:
– Một mình em, em không lo cho hai đứa nhỏ nổi anh Độ ơi.
– Em tính sao?
– Hay anh ở với con mỗi tuần vài hôm đi!
Độ nghe cũng có lý và xiu lòng nên điều đình với Liên chợ trời là chàng sẽ ở với vợ con một tuần một ngày. Liên vui lắm nhưng cả tháng đầu nàng không chịu chung giường với chồng vì muốn cho chồng biết rằng sỡ dĩ nàng đề nghị Độ về mỗi tuần một ngày là vì con chớ không phải vì nàng. Và nhờ vào lòng tin, nhờ sự kiên trì, Liên đã thuyết phục được Độ ở với gia đình từ một ngày rồi hai ngày, rồi ba ngày mỗi tuần. Liên vận động hai con nhõng nhẽo, mè nheo với Độ. Cha nào không thương con, nhất là khi con còn trong tuổi ấu thơ.
– Anh ạ, mình là con của Chúa mà mình không nghe lời Chúa thì sau này làm sao dạy con được!
Và cứ thế, hết muỗng đường nầy đến muỗng mật khác, Liên dần dà kéo được Độ nghiêng về phía nàng và hai con nhỏ. Liên rất ngoan đạo, rất tin ân sủng của Thiên Chúa nên tuần nào cũng nài nỉ Độ đi Lễ với mẹ con nàng vào sáng Chủ Nhật. Rồi Cha Xứ, rồi bạn bè, mỗi người một câu, riết cũng làm Độ xiu lòng. Sự kiên trì nhẫn nại của nàng tưởng như không có gì lay chuyển được. Nàng nhẹ nhàng, vỗ về, lo từng cái ăn cái uống cho Độ, khi thì đem Chúa ra hù dọa Độ, khi thì mang con cái ra thuyết phục Độ.
– Anh ạ, em thấy mỗi tuần anh ở với con 3 ngày không đủ dạy tụi nó đâu. Tụi nó đã bắt đầu học hết bậc tiểu học rồi, mình em không kham nổi đâu anh ơi!
– Anh ạ, tuần rồi em yếu nên em không đưa con đi học được hai ngày thứ năm và thứ sáu, khiến tụi nó phải ở nhà, khi vô lớp học lại, không theo được các bạn!
– Anh ạ, tối qua, có người là đứng trước nhà dòm vào hoài làm mẹ con em một mình lo sợ quá!
Cứ thế, từng giọt mật ngọt, từng viên xí muội thấm vào trái tim vẫn còn chan chứa của Độ khiến chàng bớt đi hứng thú khi ở bên Liên chợ trời. Liên tiếp tục con đường mà nàng tin tưởng là Chúa đã vạch ra cho nàng, cho những người mang bổn phận làm vợ, làm mẹ. Bạn bè có ai nói gì bênh vực nàng, bày vẽ gì cho nàng thì Liên cũng chỉ cười cười, không cãi mà cũng chẳng nghe lời. Cho đến một hôm, Liên chợ trời sẵng giọng với Độ :
– Anh quyết định đi, tôi hay là vợ cũ của anh?
– Mình đã thỏa thuận nhau rồi mà!
– Thoả thuận! Thoả thuận! Từ từ rồi chỉ có mình tôi là thiệt thòi thôi. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày. Chắc mai mốt sẽ bốn ngày, rồi năm, rồi sáu, rồi bảy ngày chớ gì! Anh quyết định đi! Tôi chịu hết nổi rồi! Mụ đó nhẹ nhàng chứ gì? Ừ, tui cộc cằn thế đó nhưng tui thành thật hơn, anh biết không?
Rồi cứ thế, cái không khí trong căn nhà của Liên chợ trời và của Độ mỗi ngày mỗi căng thẳng dần cho đến một hôm, Độ quyết định trở về với vợ con vĩnh viễn. Cho hay, khi mình còn yêu thương thì hãy dẫn dụ người mình thương chọn lựa theo ý của mình chớ đừng dồn người mà mình còn thương vô chân tường. Khó đó, sự lựa chọn sẽ là việc phá vỡ bức tường mà mình đã dựng lên ngay mũi.
Rồi Độ quyết định về nói với Liên.
– Em ạ, anh nghĩ lại, không phải anh đã có lỗi gì với em, chỉ là vì hoàn cảnh thôi…
Độ chưa dứt lời thì Liên đã nắm bàn tay chàng, nhẹ nhàng:
– Có ai nói anh lỗi lầm gì đâu…
Độ so sánh thái độ giữa Liên và Liên chợ trời, bỗng dưng chàng cảm thấy mình có lỗi rất nhiều với vợ con:
– Không, anh có lỗi với em và các con nhiều lắm! Em chấp nhận anh về lại vĩnh viễn với em và hai con nghen!
Liên ứa nước mắt. Những giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc từ từ chảy trên đôi má của nàng. Nàng ngả đầu lên bờ vai của Độ. Bỗng tiếng xe bus đưa hai đứa con đi học về đậu trước nhà. Liên chùi vội nước mắt:
– Anh! Anh ra đón con đi, để em xuống bếp làm cơm cho anh và con nha!
Tiếng hai đứa nhỏ vang lên khi thấy Độ :
– Ba về! Ba về rồi!
Từ trong bếp, Liên nói vọng ra:
– Ba về mãi mãi với chúng ta đó các con! Lạy Chúa tôi! Xin cảm ơn Ngài!
Trần Vinh Ba