CALEXICO, California (NV) – Sau khi treo phần thức ăn vào tay nắm cửa một ngôi nhà có mảnh sân khá bề bộn, vị bác sĩ có nước da ngăm ngăm nhấn chuông.
Ông kiên nhẫn đứng chờ người trong nhà ra nhận.
Sau lời thăm hỏi, chắc chắn sức khỏe họ đang hồi phục tốt do bị nhiễm COVID-19, ông và các thiện nguyện viên người Mexico tiếp tục đi đến các gia đình khác ở Calexico và El Centro, hai thành phố của Mỹ sát biên giới Mexico.
Thoạt nhìn, ai cũng tưởng ông là người Mexico, thực ra, ông là người Việt, tên là Võ Tấn Tiền, chủ nhân hai bệnh xá mang tên “Vo Medical Center.”
Đây là công việc “ngoài giờ” mỗi ngày của ông, và từ Tháng Năm tới nay.
“Ông ấy làm ‘bằng’ trái tim”
Khoảng 5 giờ chiều, Bác Sĩ Tiền rời bệnh xá. Chiếc xe đưa đón bệnh nhân trở thành phương tiện phân phát thức ăn đến những gia đình đang cách ly vì có người nhiễm COVID-19.
Vừa lái xe, Bác Sĩ Tiền vừa kể về đời sống của người dân Calexico, mà theo ông, là một trong những nguyên nhân làm COVID-19 lây lan nhanh nơi đây:
“25 đến 30% là không có công việc làm. Họ ở chung trong một gia đình rất đông gồm có anh chị em, cô bác. Cả dòng họ ở chung một nhà nên COVID-19 nó lan rất nhanh. Một người bị thì gần như chục người trong gia đình bị,” ông giải thích.
Xe dừng lại trước căn nhà nhỏ, sậm màu. Ông treo phần ăn vào tay nắm cửa, sau đó nhấn chuông. Ông nhẫn nại đứng chờ chủ nhân ngôi nhà bước ra. Đó là hai vợ chồng gốc Mexico, trên dưới 60 tuổi.
Với giọng xúc động, người đàn ông đáp lại câu hỏi thăm sức khỏe của Bác Sĩ Tiền: “Chúng tôi xin cảm ơn mọi người. Sức khỏe của chúng tôi đã khá hơn. Vợ tôi là người bị nặng nhất nhưng bà ấy đã qua khỏi.”
Người phụ nữ đứng cạnh tiếp lời: “Chúng tôi vẫn trong thời gian cách ly. May mắn có những phần ăn này mỗi ngày, chúng tôi tốt hơn.”
“Chúng tôi thật sự cảm kích sự giúp đỡ của mọi người. Bác Sĩ Tiền không cần phải làm điều này, nhưng tôi hiểu ông ấy làm ‘bằng’ trái tim,” người đàn ông, từng bị nhiễm COVID-19, đang trong giai đoạn cách ly, vừa nói vừa đặt bàn tay lên ngực trái.
Những người được Bác Sĩ Tiền chữa khỏi đều có chung một lời chia sẻ, đó là: “Ông ấy là như một người trong gia đình của chúng tôi.”
Bà Cecilia Cuevas, từng bị lây nhiễm từ con gái, chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt: “Tôi sống một mình ở thành phố Calexico này. Gia đình con gái tôi ở cách đây 30 phút lái xe. Tôi phải cách ly, hoàn toàn không ra khỏi nhà hơn hai tuần. Những phần ăn của Bác Sĩ Tiền giúp chúng tôi mỗi ngày là điều tuyệt vời nhất mà chúng tôi có được.”
Một bệnh nhân khác, bà Claudia Vargas, cư dân Calexico, nói với giọng xúc động: “Ông ấy không chỉ là một bác sĩ giỏi mà quan trọng là ông ấy luôn có mặt đúng lúc chúng tôi cần, như người trong nhà. Mỗi khi tôi gọi, gửi tin nhắn, là ông ấy trả lời ngay khi có thể. Ở đây, chúng tôi không có vị bác sĩ nào như thế.”
Bệnh nhân nhận phần ăn kế tiếp cư ngụ trong một khu nhà tập thể. “Nhà” nằm san sát nhau, có cấu trúc như những khách sạn trọ dọc đường. Lần này, đứng đợi hồi lâu, nhưng không ai mở cửa. Bác Sĩ Tiền gọi điện thoại và khi biết chắc chắn có người trong nhà, ông mới rời đi.
“Đó là ý Trời!”
Calexico, nghe cái tên là biết ngay thị trấn biên giới, và tất nhiên, đa số cư dân ở đây là gốc Mexico. Ngoài ra, đây cũng là cửa ngõ của dân lao động bên kia biên giới, đến Mỹ cống hiến sức lao động hàng ngày.
Mỗi ngày, tầm 4 giờ sáng, người dân phía bên kia bức tường đi bộ sang bên này để làm việc. Buổi chiều, họ quay về. Cũng như những “lao động khách,” đa số cư dân Calexico làm việc lao động chân tay.
“Tất cả họ, bác sĩ, y tá, đều bỏ đi, đến làm việc ở các thành phố lớn, nơi có nhiều cơ hội,” Bác Sĩ Tiền nói. “Trong khi đó, điều kiện sinh sống ở thành phố này không những thiếu, mà bác sĩ cũng thiếu luôn.”
Vậy thì, một bác sĩ người Mỹ gốc Việt, tại sao lại chọn nơi này làm để sinh sống và phụng sự mà không phải là những thành phố của cộng đồng người Việt hải ngoại khác? Câu trả lời của Bác Sĩ Tiền, đơn giản là: “Ý Trời.”
“Tôi đến đây 10 năm trước, tôi thấy người dân ở đây rất nghèo khổ và cần sự giúp đỡ của mình cho nên tôi quyết định ở lại,” ông kể về những ngày đầu tiên có mặt ở Calexico.
Khi vừa đặt chân đến phi trường LAX ngày 22 Tháng Mười Hai, 1992, cha của ông nhắn nhủ: “Đây là đất nước của cơ hội. Con hãy cố gắng học để trở thành bác sĩ.” Năm đó, vị bác sĩ tương lai mới 16 tuổi.
Để không phụ lòng mong mỏi của người cha, cộng thêm tinh thần vượt khó của người con Bình Định, cậu thanh niên tên Tiền nói rằng dù mình đến Mỹ “muộn màng” với vốn tiếng Anh là con số 0, nhưng đã cố gắng thực hiện ước mơ của cha, đó là trở thành bác sĩ.
Ông tốt nghiệp cử nhân tại đại học UC Riverside, rồi học tiếp lên bác sĩ tại đại học Ross University ở North Brunswick Township, New Jersey, ngành nội khoa.
Từ các bệnh viện ở New York, đến Arizona, và nơi dừng chân cuối cùng là biên giới Mỹ-Mexico, với chức vụ giám đốc bệnh viện El Centro Regional Center.
“Ý Trời” bắt đầu từ đây. Ông kể tiếp câu chuyện của mình.
“Tình cờ, có thể gọi là ý Trời. Có một ông bác sĩ (Mỹ trắng) tên John Strong ở vùng này muốn bán phòng mạch của ông ấy. Nhưng gần ba năm ông không bán được. Rất nhiều người hỏi mua, giá cao, nhưng ông không chịu. Lúc đó, biết tôi cũng có ý định mở phòng khám riêng, thư ký của tôi giới thiệu tôi gặp Bác Sĩ Strong,” Bác Sĩ Tiền kể.
Bác Sĩ Strong là một người rất khó tính, rất kỹ. Ông ấy không bán được phòng khám vì ông nghĩ những người mua sẽ không làm được. Bệnh nhân của ông sẽ không được phục vụ tốt.
Lời hứa về lòng tin
Tuy nhiên, theo lời kể của Bác Sĩ Tiền, chỉ sau nửa giờ nói chuyện, ông bác sĩ Mỹ trắng trao chìa khóa phòng mạch cho Bác Sĩ Tiền, và nói: “Đây là chìa khóa phòng khám của ông. Ông không phải trả đồng nào hết. Ông có thể vào bất cứ lúc nào.”
“Lúc đó tôi ngạc nhiên lắm, tôi nghĩ mình đâu có may mắn dữ vậy. Tôi xin phép ông về bàn chuyện lại với gia đình. Sau đó, tôi và vợ thấy rằng đây không chỉ là một cơ hội, mà là một cơ duyên. Tôi đã nhận lời thì tôi phải làm cho tròn, nên tôi quyết định không đi đâu nữa, phải ở lại đây,” Bác Sĩ Tiền kể lại.
Lý do chọn Bác Sĩ Tiền để trao chìa khóa phòng mạch và gửi gắm cả sự nghiệp của mình được chính Bác Sĩ John Strong nói với phóng viên nhật báo Người Việt tại “Vo Medical Center.”
“Bác Sĩ Tiền là một bác sĩ tốt. Ông ấy hết lòng vì bệnh nhân, chỉ vì bệnh nhân thôi. Rất nhiều bác sĩ có kiến thức, có quan tâm người bệnh, nhưng tôi không nhìn thấy họ thường xuyên có tinh thần đó. Tôi nhìn thấy, đôi khi các bác sĩ làm việc là để giúp cho chính họ, chứ không phải để giúp bệnh nhân. Đối với tôi, tôi không chấp nhận điều đó,” ông Strong kể.
“Sau gần 10 năm, đến giờ tôi đã không hối hận về quyết định của mình,” Bác Sĩ Strong nói.
Một trong những minh chứng cho sự lựa chọn đó, mà các bệnh nhân cũng có nhắc đến, đó là Bác Sĩ Tiền là bác sĩ duy nhất ở Calexico và El Centro cho bệnh nhân số điện thoại riêng của ông. Điều đó giúp ông có thể liên lạc, hỏi thăm, trả lời bệnh nhân bất cứ khi nào họ cần. Hơn nữa, không chỉ là không hối hận, mà Bác Sĩ Strong đã quay lại, làm một cộng sự với Bác Sĩ Tiền ở “Vo Medical Center” để giúp bệnh nhân ở thành phố “bị lãng quên” nơi vùng biên giới này.
Ngược lại, đối với Bác Sĩ Tiền, ông xem ông John Strong như một người cha đỡ đầu.
“Ông giúp tôi rất nhiều. Thời gian đầu tôi không có kinh nghiệm gì về mở văn phòng. Đến giờ tôi biết ông rất vui và hãnh diện vì đã cho tôi phòng mạch của ông ấy,” Bác Sĩ Tiền nói.
Hạnh phúc là cho đi
Khó có thể hình dung sự khô cằn ở thị trấn Calexico và El Centro. Tháng Bảy, Tháng Tám là khoảng thời gian nóng nhất trong năm, khoảng 120 độ F. Với số dân tổng cộng gần 150,000 người, 98% gốc Mexico, cuộc sống của họ vốn đã khó khăn, nay gần như là vùng đất bị lãng quên từ đầu mùa dịch COVID-19.
Thấu hiểu điều đó, thời gian qua, vợ chồng Bác Sĩ Tiền cùng nhân viên của hai bệnh xá làm việc ngày đêm để giúp thành phố Calexico và El Centro.
Một ngày, phòng khám của ông thực hiện gần 300 ca xét nghiệm. Trong số đó, không ít những người không có tiền và không đủ điều kiện nhận trợ cấp từ chính phủ. Tuy nhiên, họ đã không bị bỏ rơi.
Bác Sĩ Venus Vy Nguyễn, hiền thê của Bác Sĩ Tiền, nói về ý nghĩa của những việc mà “Vo Medical Center” đang làm, mà với cô, là” hạnh phúc khi cho đi.”
“Khi mà mình có khả năng để giúp người khác thì mình cảm thấy rất vui, vì có những cái mình muốn giúp mà mình không có khả năng. Mỗi ngày, mình gặp bệnh nhân, mình thấy tận mắt, mình nói chuyện trên điện thoại với họ, mình biết sự khó khăn của họ. Có gia đình cả con và mẹ đều bị bệnh thì lấy ai chăm sóc? Họ rất cần sự giúp đỡ. Họ cần những phần ăn trong lúc không thể đi ra ngoài,” Bác Sĩ Venus nói.
Chính vợ chồng Bác Sĩ Tiền tài trợ chi phí và nhờ nhà thờ Christ Community Church nấu những phần ăn này.
Mục Sư Walter Colace, người đứng đầu nhà thờ này, người đứng ra kêu gọi các thiện nguyện viên chung tay nấu những phần ăn cho bệnh nhân nói: “Điều làm tôi ngạc nhiên và trân trọng là việc Bác Sĩ Tiền tổ chức đưa thức ăn đến cho bệnh nhân COVID-19. Với tôi, đó là việc làm từ tâm khảm của ông ấy. Trong thời gian này, chúng ta thấy rất nhiều người đau đớn vì bệnh, mất hy vọng, bị cách ly… Do đó, mang thức ăn đến cho họ, như mang một thông điệp là chúng ta vẫn bên cạnh họ.”
Khoảng 8 giờ tối, vẫn còn bệnh nhân cuối cùng ngồi chờ ở bệnh xá “Vo Medical Center.”
Bên ngoài, trời đã tắt nắng, nhưng cái nóng 110 độ F vẫn còn trong không khí. Hai bên đường là những căn nhà san sát nhau, cũ kỹ, màu sắc cũng “khô cằn” như khí hậu. Nhìn chung có thể thấy ngay đời sống nơi này khác các thành phố khác của tiểu bang California một mực rất xa. [đ.d.]
—
Liên lạc tác giả: ngo.kalynh@nguoi-viet.com