Đầu năm ăn quả thanh yên

1.Dẫn nhập

Ca dao Việt có nhắc đến quả thanh yên như sau:

Đầu năm ăn quả thanh yên
Cuối năm ăn bưởi cho nên đèo bòng
cam cho quýt phải lòng
Vì em nhan sắc cho lòng anh thương”

Quả thanh yên, quả bưởi, quả chanh, quả quýt trong bài ca dao đều là những cây có múi và thuộc về họ Cam Quýt.

Tục ngữ ta cũng có câu: Quýt làm, cam chịu. Nhà thơ Nguyễn Bính cũng nhắc đến cam bưởi:

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng

2. Các loài quả trong bài ca dao nói trên

-Thanh yên hay chanh yên Citrus medica. Ở Việt Nam, cây này được trồng lẻ tẻ trong vườn nhà để lấy quả làm mứt. Cây dạng bụi, quả màu vàng, to nhỏ khác nhau. Cây dễ trồng, có thể nhân bằng hom.Vỏ sần sùi, rất dày, có nhiều túi tinh dầụ. Ruột nhỏ, chua, hơi đắng.Trồng nhiều ở Địa Trung Hải và Hoa Kì để cất tinh dầu.

Bưởi (Citrus grandis), bưởi chùm (Citrus paradisiaca). Có nhiều loại bưởi: bưởi đường hồng, bưởi đường núm, bưởi da láng, bưởi da xanh, bưởi da cóc, bưởi da trơn, bưởi chùm, bưởi ổi,  bưởi Diển, bưởi Đoan Hùng (ngoài Bắc), bưởi Thanh Trà (Huế), bưởi Phúc Trạch, bưởi Nảm Roi (gốc Cần Thơ, Vĩnh Long), bưởi Biên Hoà.  Ca dao Việt nhắc đến cây bưởi:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay

Cam (Citrus sp) với nhiều giống như cam Valencia, cam Washington Navel (cam rốn, vỏ hơi dày, không hạt),  cam Xã Đoài, cam giấy, cam đường v.v.  Có loài cam chua/cam đắng:  Citrus aurantium,

Buôn cam, anh tới Xã Đoài
Quả cam đã ngọt, con ngài cũng xinh
Bây giờ tình đã tỏ tình
Ta thương mình lắm, biết mình thương ai?

Trên thế giới, ta còn  gặp  cam  Mỹ, cam Úc, cam Tây Ban Nha v.v.

Quýt (Citrus reticulata) thì nào là quýt Tàu, Tứ Xuyên, Quảng Đông…

– Quất (Citrus japonica) (miền Nam gọi là tắc, có chỗ gọi là hạnh, tên khoa học: Citrus japonica, đồng nghĩa: Fortunella japonica).  Cây quất thường trồng làm cây cảnh trong nhà hoặc làm bonsai, có quả múi nhỏ.  Quả của nó trông giống quả cam nhưng nhỏ hơn nhiều.

Những loại quả trong ca dao nói trên: cam, quýt, chanh, bưởi, quất là những quả có múi và thuộc họ Rutaceae, có mặt từ miền Bắc đến miền châu thổ Cửu Long.Hoa mọc thành chùm, 6 đến 8 hoa ở nách lá. Hoa màu trắng.

Các loài cây này được trồng từ 45 độ vỹ tuyến Bắc xuống 35 độ vỹ tuyến Nam và dùng để sản xuất ra các loại nước như nước cam, nước chanh, nước bưởi v.v., các loại mứt, như mứt quả nghiền (marmelade) hay dùng ăn tráng miệng. Trên bàn thờ ngày Tết, có mâm ngủ quả trong đó luôn có  bưởi, cam, quít, đu đủ, xoài, mảng cầu, vú sửa. Các loài quýt, bưởi, chanh thich hợp với vùng nhiệt đới hơn cam. Nếu nhiệt độ ban đêm luôn luôn trên 14 độ C thì vỏ quả xanh mãi, không vàng, mặc dù quả chín.

Sắp xếp theo mức độ chịu lạnh từ nhiều đến ít là chanh yên, chanh ta, chanh núm, bưởi, cam, cam đắng, quýt.

Các loài cây này  có khả năng thụ phấn lẩn nhau (interfertile), tự lai giống và từ sự nghiên cứu khoa học, công nghệ  đã sản sinh nhiều giống lai ( cultivars) do sự kết hợp nhân tạo hay biến hóa ngẩu nhiên, tạo ra nhiều thay đổi về hình dáng (shape), màu ruột, có hạt hay không, cũng như vị thơm (fragrance), ngọt chua (taste).

3. Các nhóm thực vật trong họ Cam Quít

Họ Cam Quit có nhiều nhóm như sau:

nhóm Bưởi Citrus maxima (còn có tên Citrus grandis hoặc Citrus decumana) là cây ăn trái, tiếng Pháp là pamplemoussier và trái bưởi là pamplemousse (tiếng Anh “pomelo”). Trái bưởi vỏ dày, màu xanh lợt, vàng hay hồng, có nhiều múi.

nhóm Bưởi chùm Citrus paradisi là cây lai giữa cây bưởi và cam ngọt (Citrus maxima x Citrus sinensis); có quả nhỏ hơn, vỏ giống cam,  mùi bưởi, ruột màu hồng, vị chua hơi đắng, mọc thành nhiều chùm (‘grape’) nên tiếng Anh gọi là grapefruit. Trái bưởi có  nhiều múi, ăn hơi the.

nhóm Cam (orange, Citrus sinensis). Cam trồng khắp Việt Nam. Ta có cam đường (Citrus sinensis), cam đắng/cam chua (Citrus aurantium)

nhóm Quýt (Mandarine, Citrus reticulata) trong đó có loại quýt Satsuma (Citrus (Unshiu)

nhóm Chanh tây/Chanh ta:

Chanh Tây (chanh núm, Citrus limon), Chanh Ta (lime, Citrus Aurantifolia, Citrus Latifolia), Chanh Kafir (Citrus Hystrix)

– nhóm Thanh Yên (Citrus Medica), Tangerine (Citrus Tangerina)

nhóm Clementine (Citrus Clementina).

Trái clementine là trái lai tự nhiên giữa cam ngọt (Citrus sinensis) và quýt (Citrus deliciosa), thoạt đầu gặp trong viện mồ côi của Sư Huynh Clément Rodier bên Algeria nên có danh xưng như vậy từ 1902. Trái clementine giống như các giống cam như satsuma và tangerin. Clementin rất thich hợp với các vùng nóng ở Bắc Phi, vùng ven bờ Địa Trung Hải và Cali bên Mỹ.

 – nhóm Tắc, Hạnh. Trong phân họ này, phải kể đến Kumquat (Citrus Japonica), cũng họ Rutaceae,  trái giống như cam nhưng nhỏ hơn nhiều vì trái cở như trái olive !

– nhóm Chanh ngón tay (Finger Limes) như Chanh Úc (Citrus Australasica) và Phật Thủ (Citrus Medica sarcodactylis).

– nhóm Tangelos : đây là loai lai giống giữa Bưởi và Quýt.

4. Loài Bưởi

Bưởi có nhiều kích thước tùy giống, chẳng hạn bưởi Đoan Hùng chỉ có đường kính độ 15 cm, trong khi bưởi Năm Roi, bưởi Tân Triều (Biên Hòa), bưởi da xanh (Bến Tre) và nhiều loại bưởi khác thường gặp ở Việt Nam, Thái Lan có đường kính khoảng 18–20 cm.

Bưởi tiếng Anh gọi là Pomelo, tuy nhiên nhiều từ điển ở Việt Nam dịch bưởi ra thành grapefruit, thực ra grapefruit là tên gọi bằng tiếng Anh của bưởi chùm (Citrus paradisi) – loại cây lai giữa bưởi và cam, có quả nhỏ hơn, vỏ giống cam, mùi bưởi, ruột màu hồng, vị chua hơi đắng.

Cây bưởi, ở một số còn gọi với cái tên là quả bòng, tên khoa học là Citrus grandis (L.) Osbeck, thuộc họ  Rutaceae, là loại cây có nguồn gốc ở khu vực châu Á. Cây bưởi là loại cây lưu niên thuộc dạng thân gỗ, có chiều cao đạt trung bình từ 3-4 m, thân cành khi còn non có gai và có màu xanh, sau đó chuyển dần sang màu xám. Cành có gai dài, nhọn. Cây thân gỗ,  đôi khi chảy nhựa. có 2 phiến lá, mang màu xanh sẫm, chiều dài lá đạt khoảng từ 11-12 cm. Hoa thuộc loại hoa kép,  mọc thành chùm 6-10 bông; hoa bưởi có màu trắng nhỏ mọc thành từng chùm, có màu trắng đặc trưng, có mùi thơm rất dễ chịu. Hoa bưởi  thường được ướp với chè, hương thơm của hoa bưởi giúp tinh thần thư thái, làm giảm những cơn mệt mỏi, đau đầu. Quả có dạng hình cầu, mọng nước, khi còn non có màu xanh, khi chín thường có màu vàng, có múi dày, tép xốp, có vị ngọt hoặc chua ngọt tùy loại.

Ngày nay, có nhiều loại bưởi xuất hiện tùy theo từng vùng, từng địa phương với  các giống bưởi khác nhau về kích thước, mùi hương, vị ngọt. Đây là một loại cây  không thể thiếu trong mâm ngủ quả ngày tết, trái bưởi có màu vàng tượng trưng cho sự sum vầy, no đủ, ấm cúng, mang lại cho gia chủ tiền tài, dạnh vọng.

Các giống bưởi thường thấy ở Viet Nam có tên khoa hoc là Citrus Maxima, vỏ màu xanh vàng với vỏ bưởi trắng và dày. Không nên lầm với bưởi màu hồng có tên Pomelo, có nguồn gốc Mỹ Châu. Có nhiều loại bưởi da xanh, cơm trái bưởi có màu từ vàng nhạt tới hồng và đỏ, độ ngọt, đắng, có hột hay không, tùy nơi địa phương trồng mà biến thể. Bưởi chùm, tên khoa học là Citrus Paradisiaca, là một giống cây lai tự nhiên giữa cam (Citrus Sinensis ) và bưởi Pomelo, trồng nhiều ở Hoa Kỳ và Địa Trung Hải, đã nhập vào Viet Nam. Cây lá xanh không rụng lá thường cao khoảng 5-6m nhưng cũng có loại cao đến 13-15m, lá xanh đậm láng, cho trái nhiều đường kính khoảng 10-15cm, mọc chùm như chùm nho, trái giống cam nhưng to hơn, vỏ xanh khi chín trở vàng cam, vỏ mỏng, láng, không lột vỏ được, vị đắng, ít ngọt. Cơm bưởi (pulp) có thể có màu hồng, đỏ, trắng, thường cơm đỏ ngọt hơn tuỳ giống lai (cultivars).

Một trái bưởi cỡ  trung bình cung cấp khoảng 200 calori. Bưởi chua có nhiều acid, có vitamin C, A, chất sơ hoà tan pectin, và nhiều khoáng chất như kalium, calcium, phosphore, sắt, folate. Bưởi mầu đỏ và hồng còn có thêm beta carotene chống oxy hóa mà cơ thể chuyển hóa thành vitamin A.

Bưởi ruột trắng vàng

Bưởi ruột đỏ

Vài giống bưởi gặp ở Viet Nam:

– trong Nam, ta thường gặp bưởi Biên Hoà, là  tên chung cho các loài bưởi đặc sản nổi tiếng từ lâu trồng vùng Đông Bắc Sàigòn, nhất là vùng Tân Triều như Bưởi đường, Da láng, Da xanh ruột đỏ, bưởi Thanh  (Thanh Long, Thanh Trà, Thanh Dây và bưởi Ổi),  bưởi da xanh (Bến Tre). Đặc trưng của loại bưởi ổi này là cây vươn thẳng lên cao, trái nhỏ, nặng chỉ khoảng 1 kg trở lại, khi trái bưởi chín thì có mùi thơm như ổi chín nên mới có tên là bưởi ổi.  Mặc dù trái nhỏ nhưng bưởi ổi lại được người tiêu dùng ưa chuộng và bán với giá rất cao. Lý do  là ngoài vị thơm đặc trưng thì bưởi ổi còn để được lâu mà không cần phải dùng tới chất bảo quản.

Mặc dù có vị thơm đặc trưng, giá bán cao và lúc nào cũng hút hàng nhưng trớ trêu thay giống bưởi ổi lại đang dần mai một do bị người dân chặt bỏ chuyển sang trồng những loại bưởi khác,  do đặc tính thất thường của loại bưởi đặc biệt này: bưởi ổi có thể năm nay ra trái xum xuê nhưng hai ba năm tiếp theo lại không cho quả nào nên tính ra hiệu quả kinh tế lại thấp hơn các giống bưởi khác.

Trái cây chuẩn bị cho thị trường tết.

Bưởi là loại trái cây không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên đán, chính vì vậy nhu cầu của người dân đối với loại trái cây này là rất lớn. Để có bưởi bán đúng dịp tết, phải đầu tư chăm sóc, bón phân và tưới nước từ tháng 4. Có hai giống bưởi thông dụng là  giống bưởi đường lá cam Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) cũng luôn hút hàng vì được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hoặc dùng làm quà biếu tết và bưởi da xanh ruột hồng có diện tích  tăng rất nhanh trong vài năm trở lại đây.

Quả bưởi và bòng là 2 loại quả khác nhau. So với quả bưởi, bòng nhỏ và tròn hơn. Nếu đường kính trái bưởi là 18–20 cm thì trái bòng có kích thước trung bình nhỏ hơn khoảng 13–15 cm. Hạt quả bòng nhỏ hơn nhưng lại dày hơn của trái bưởi, tép cũng nhỏ hơn. Về mùi vị, trái bưởi có mùi thơm nhẹ nhàng, ngọt ngào hơn. Ngoài ra, so với trái bưởi, bòng chua hơn nhiều và so với vị thanh và ngọt của trái bưởi.

ngoài Bắc. Tỉnh Phú Thọ có bưởi Đoan Hùng cũng như bao nhiêu đặc sản khác, chỉ có đất Đoan Hùng mới cho những trái bưởi thơm ngon được, và trên đất Đoan Hùng cũng chỉ có 2 vùng mà ở đó bưởi trở nên thơm ngon nhất, đó là bưởi Chí Đám và bưởi Bằng Luân. Bưởi Sửu Chí Đám phát triển phù hợp trên đất phù sa sông Lô, sông Chảy.

miền Trung : bưởi Vinh ngọt, ít nước, trồng ở Hương Sơn, dọc sông Ngàn Phố; bưởi Phúc Trạch trồng ở Hương Khê, dọc sông Ngàn Sâu ; bưởi thanh trà Huế, quả nhỏ, nhiều nước

Bưởi Phúc Trạch

– bưởi Phúc Trạch có hình cầu tròn, bề ngang và chiều cao gần bằng nhau, cuống quả không lồi, đế quả hơi lõm, vỏ không trơn không ráp, màu sắc vỏ quả xanh vàng, cơm màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong, quả nặng hơn  1kg, số múi 14-16 múi/quả, khoảng 50-70 hạt/quả, có mùi thơm nhẹ, có vị ngọt hơi thanh chua.

– bưởi Thanh Trà với ruột trong trắng và ngọt. Cây ra hoa, thường từ tháng 3 đến tháng 5 và mùa quả từ tháng 8 đến tháng 11. Trái bưởi lúc chưa chín màu xanh, gần chín đổi màu vàng, vị ngọt, không the đắng, múi có khá nhiều nước, hương thơm, quả nhỏ khá tròn, da xanh láng, vỏ mỏng, tép bưởi nhỏ, thơm dòn không nhiều nuớc, ngọt thanh. Mùa Thanh trà Huế khoảng tháng 7, 8. Đặc sản Huế, nổi tiếng từ lâu.

Bưởi Năm Roi –Tân Triều Biên Hoà.

– miền Nam. Có loại bưởi Thanh trà ở Biên Hòa.  Cũng là giống bưởi da xanh, nhưng hương thơm có vẽ khác nhau vì trồng ở điạ thổ khác nhau. Dòng Bưởi Biên Hoà  gồm bưởi Thanh long, bưởi Thanh trà, bưởi Thanh dây.

Hiện nay, giống bưởi Ruby, một loại bưởi đặc sản của Thái Lan được nhiều nhà vườn quan tâm bởi cây thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở ĐBSCL.

Nhân nhanh giống bưởi Ruby. Giống bưởi Ruby trồng tại Thái Lan về chất lượng cũng tương đối ngon, hình dáng dẹp.

Lại có bưởi cảnh trồng trong chậu bán vào dịp Tết :

Bưởi da xanh ruột đỏ 

5. Loài Cam (Citrus sinensis)

Cam đươc trồng nhiều nhất trên thế giới từ vùng nhiệt đới (tropical) đến bán nhiệt đới (sub tropical).Cam  là loài cây ăn quả cùng họ với bưởi. Nó có quả nhỏ hơn quả bưởi, vỏ mỏng, khi chín thường có màu da cam, có vị ngọt hoặc hơi chua. Loài cam là một cây lai được trồng từ xưa, có thể lai giống giữa loài bưởi (Citrus maxima) và quýt  (Citrus reticulata). Đây là cây nhỏ, có cành gai và lá thường xanh dài khoảng 4-10 cm. Cam bắt nguồn từ cổ xưa vùng Đông Nam Á, có thể từ  Ấn Độ, Việt Nam hay  miền nam Trung quốc.  Người Tây Ban Nha đem giống này vào Mỹ Châu khoảng giữa thế kỷ 16. Cùng chi họ nhưng trái Citrus sinensis được phân loại là cam đường trong khi loại cam the Citrus aurantium được gọi là loại cam đắng (bitter orange).  Cam được ăn hoặc ép lấy nước, tinh dầu thơm trong vỏ cam. Kể từ 2012 cam đường chiếm 70% tổng số chi họ Cam Quýt (Citrus) sản xuất trên thế gìới, nơi sản xuất nhiều nhất là Ba Tây và Mỹ (California và Florida).

Vài giống cam có tiếng ở Việt Nam:

cam Bù Hương Sơn. Cam Bù Hương Sơn hiện đã có mặt trên khắp thị trường trong nước, từng bước khẳng định và nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương.

Đây là vùng đất Hương Son (Hà Tĩnh),  dải đất hai bên bờ sông Ngàn Phố với đặc sản Cam Bù nức danh cả nước, có sức lan tỏa, đặc biệt trong những dịp tết đến xuân về và trên mâm cúng gia tiên không thể thiếu. Toàn huyện Hương Sơn hiện có khoảng 2.000 ha trồng cam. Trong đó Cam Bù chủ yếu ở các xã Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Trường. Do phù hợp chất đất và điều kiện khí hậu đất đai của vùng núi mà cây được trồng ở nơi đây to và mọng nước hơn trồng ở các vùng khác rất nhiều. Với kỹ thuật chăm sóc tốt nên năng suất cây cam bù Hương Sơn ngày càng cao. Mùa thu hoạch cam bù Hương Sơn bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến qua Tết Nguyên Đán.

Quả cam có hình cầu với lớp vỏ nhẵn và dày. Khi chín quả chuyển sang màu vàng tươi rất đẹp. Trọng lượng mỗi quả trung bình từ 300-500g. Tuổi thọ trung bình của mỗi cây là 10-15 năm, sau đó phải thay mới.


cam Xã Đoài, quả ngon, thơm thoạt đầu trồng ở xứ đạo Xã Đoài rồi sau lan ra cả vùng đất nhẹ huyện Nghi Lộc (Nghệ An).  Chỉ trong mấy năm ngắn ngủi, từ 2014 đến 2018 diện tích trồng cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An gia tăng với tốc độ chóng mặt, từ mốc trên 3.000 ha lên đến gần 6.000 ha, rải rác tại các địa phương như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Thanh Chương hay Tân Kỳ v.v.

cam đường, gần với quýt (Citrus nobilis) hơn cam; tên khoa học Citrus sinensis, trái nhỏ hơn bưởi, vỏ mỏng, khi chín thường có màu cam (vì chất carotene) hoặc vàng rực, có vị ngọt hoặc hơi chua; cây cao 2-3 mét, tán rộng; quả trung bình 100 gram. Ba loại hình chính: a/cam giấy với các giống Cam Hành Thiện (Hà Nam Ninh), Cam Canh (Hà Nội); b/cam chua dễ trồng, vị hơi chua, phổ biến ở Hương Sơn (Hà Tĩnh); c/cam voi với quả to, lai giữa cam bù và bưởi, trồng ở Tuyên Hoá (Quảng Bình).

Miền Châu thổ Cửu Long:  tại Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ  có  cam sành da xanh, nhiều nước, nhiều hột. Đặc trưng là khi chín, vỏ vẫn còn xanh (nóng quanh năm)

– cam Động Đình: cây to, lá xanh nhạt, là giống lai giữa cam và bưởi, trồng ở Hải Hưng

– cam sành: gần với quýt (Citrus nobilis) hơn cam. Giống phổ biến là cam Bố Hạ, trồng ở bãi phù sa, trên đất thoát nước.

Những giống cam phổ biến trên thế giới như Cam Valencia, cam Washington Navel (cam rốn, vỏ hơi dày, không hạt)

Hầu hết các giống cam quýt được chọn lọc từ những đột biến lai giống tự nhiên (interfertile, mutation) và chỉ một tỷ lệ nhỏ được tạo ra từ lai giống công nghệ (hybridization). Cam có nhiều kích thước và hình dáng từ tròn đến bầu dục, thường có 10 múi và có đến 6 hạt, bì trong trắng xốp. Khi chín vỏ ngoài  trở màu từ màu cam rực rở đến vàng. Ở vùng khí hậu nhiệt đới khi chín, da có thể vẫn có màu xanh. Ví dụ: cam sành miền châu thổ sông Cửu Long, khi chín, da vẩn còn màu xanh. Vài giống cam phổ biến hiện nay:

– cam rốn (Navel oranges). Loài cam này có thể diển tả như có một cam thứ hai nhỏ nằm trên đỉnh đầu của quả cam, nhô ra như cái rốn (rúng).

Cam rốn (navel oranges)

Cam rốn (navel oranges)

Cam thích hợp vùng nhiệt đới, bán nhiệt đới với nhiều ánh nắng.

cam Washington Navel. Cây lùn khoảng 6-8ft (như Dwarf  Wahington Navel) hoặc như  Washington Navel cao đến 20 ft có lá xanh, bóng láng. Loài cam này rất phổ thông và rất thành công về phương diện thương mại trên thị trường cam quốc tế. Loại thông dụng gọi là Washington Navel   có lẻ là ngẩu biến tự nhiên, hay thụ phấn lẩn nhau từ loài cam ngọt, phát hiện đầu tiên ở Ba Tây (Brasil) khoảng 1820, phát triển sang vùng Florida (Mỹ) chỉ trong vòng 15 năm. Trái cam chín màu vàng, cơm vàng, rất ngọt, nhưng it nước, không có hột, vỏ dễ lột.

cam Valencia. Đây là một giống lai có nguồn từ California (Santa Ana). Cam Valencia ngọt, hương vị thơm và nhiều nước. Được trồng nhiều vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới, trái nhỏ, vỏ khá mỏng và ít hột.

Cam Valencia

cam sành, cũng gần quýt hơn cam.

Cam sành chưa trưởng thành da xanh đậm miền Tây (Tam Bình, Vỉnh Long)

Cam sành thích nghi tốt vùng đồng bằng sông Cửu Long,  cây cho năng suất cao, phẩm chất ngon, nước nhiều, vỏ khá dể lột. Trái có nhiều hột đã hạn chế phần nào việc tiêu thụ trái tươi. Có tài liệu nghiên cứu đã ghi nhận được nhiều trường hợp có trái không hột hay ít hột (nhỏ hơn 5 hột).

– cam Xoàn. Cam Xoàn là loại cây ít bệnh, ăn rất ngọt, vắt nước uống rất thanh, cơm màu vàng nhạt, vị ngọt đậm, mùi thơm, chắc múi hơn so với các loại cam sành, cam mật. Lúc chưa chín da láng màu xanh, lúc gần chín chuyển sang màu vàng. Cam Xoàn có tác dụng giải khát, nhiều vitamin như vitamin C, vitamin B9. Cam Xoàn là giống cây ăn trái được trồng nhiều và lâu đời ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cây sinh trưởng và phát triển mạnh, thích nghi với nhiều vùng đất cao ráo thoát nước tốt, đất không quá nhiễm phèn- mặn. Cây chống chịu khá tốt với bệnh vàng lá Greenning và một số dịch hại khác.  Sau 30 tháng trồng, cây cho trái. Từ khi ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 8 tháng.

Cam Xoàn

Cây cam Xoàn

cam mật Phong Điền Cần Thơ. Cam mật ở Phong Điền được phát triển từ những năm 1950 – 1960, và trở thành sản vật đặc trưng làm nền văn minh miệt vườn Phong Điền, sánh vai cùng các xứ vườn nổi tiếng khác. Cam mật là loại đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước, hương vị thơm ngon, vỏ sáng óng ánh, màu xanh tự nhiên, múi to hạt nhỏ, năng suất cao.

Cam mật

– cam đường. Cam đường chính là một giống quýt, vỏ mỏng và bóc dễ nhưng vỏ lại dai nên có nơi còn gọi là cam giấy, được trồng nhiều ở Lào Cai, vùng Canh-Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) nên có tên là cam đường Canh. Quả hình cầu hơi dẹt, nhẵn, khi chín có màu đỏ gấc rất tươi. Cam chín vào trước Tết khoảng 1 tháng nên được giữ để bày mâm ngũ quả cúng tổ tiên. Cam đường Canh lại thích nghi trồng được ở mọi nơi. Điều kiện trồng thuận lợi, cam cho năng suất cao.

Cam đường

– cam đắng (Citrus Aurantium)

Cam đắng

Cam đắng (Bitter Orange), cam  Seville (Tây Ban Nha), cam chua, cam làm mức  có tên khoa học là Citrus  aurantium. Loài cam này là giống lai từ bưởi Citrus Maxima (Pomelo) và Quýt  Citrus Reticulata (Mandarin Orange). Da không láng, ít nước vị chua, những loại cam này thường được dùng lấy tinh dầu, pha trong dầu thơm, làm tăng mùi vị trong thức ăn hoặc làm mức. Cam đắng dùng trong thuốc Bắc, Nam như chất kích thích (stimulant) và chống thèm ăn (appetite suppressant).

Cam đắng Bergamot – Citrus Bergamia

Cam Bergamot và Chanh Limetta

Cam Bergamot (Citrus bergamia) là loại cam có nguồn gốc Ý vùng Bergamo, da màu vàng khi trưởng thành, giống màu chanh, được cho là giống lai từ Citrus Limon Limetta và Citrus Aurantium. Cam Bergamot vi chua đắng, được dùng trong công nghệ tinh dầu ở miền Nam Pháp hay làm mức ở  vùng Antalya Thổ Nhĩ Kỳ

Citrus Bergamia cũng đã được phân loại là Citrus aurantium subsp. bergamia (tức là một phân loài của cam đắng).

6. Loài Quýt (Citrus reticulata)

Cây Quýt thuộc chi họ Cam Quýt (Citrus), họ Rutaceae, có nguồn từ Trung Quốc,  Ấn Độ. Ở Việt Nam, quýt được trồng khắp nơi với nhiều giống và chủng loại khác nhau. Cây thân gỗ nhỏ có dáng chắc và đều, thân và cành có ít gai.  Lá đơn, mọc so le; phiến lá hình ngọn giáo hẹp có khớp, trên cuống lá có viền mép. Hoa nhỏ, màu trắng, ở nách lá. Quả hình cầu hơi dẹt, màu vàng da cam hoặc ững đỏ, vỏ mỏng, láng hay hơi sần sùi, múi không dính nên dễ bóc, cơm dịu, thơm. Đơm hoa tháng 3-4, quả tháng 10-12. Ở miền châu thổ Cửu Long, vùng Sadec có quýt hồng trồng trong chậu đã trở thành sản phẩm chưng Tết đắt hàng được nhiều người săn đón.

Thân cây quýt chịu đựng khô dễ hơn trái, trái dễ bị hư hỏng do khí hậu khô hoặc lạnh quá nên chỉ thường trồng ở vùng nhiệt đới hay bán nhiệt đới. Nghiên cứu về phân tử học cho biết Quýt, Chanh Tây (Citron), Bưởi (Pomelo) là tổ tiên của những giống và chủng loại thuộc chi họ Cam Quýt (Citrus) qua cách thụ phấn lẫn nhau (interfertile, natural hybridization) hay lai giống công nghệ (hybrid).

Quýt bán trên thị trường thường được gọi tên theo vùng đia phương trồng, hoặc theo hình dáng và độ ngọt- quýt mật Nam phong, quýt Tàu ( Tứ Xuyên, Quảng Đông…), rồi quýt đường, tiêu, quýt tuyết, quýt lô v.v..Tại thị trấn Dran đã hình thành nhiều vựa thu mua nông sản của người dân. Các loại trái cây như quýt đường, hồng vuông, bơ… được thương lái thu mua đều đặn nên nông dân có được đầu ra khá thuận lợi. Sau khi thu mua nông sản tè vườn, các vựa sẽ sơ chế, đóng gói và cung ứng cho đơn vị thứ 3 là các doanh nghiệp, các tư thương ở khắp nơi trên toàn quốc.Ở Dran, cây quýt đường là giống mới phổ biến và cho năng suất cao. Ngày nay, cùng với cây hồng vuông, quýt là cây đặc sản thứ 2 của địa phương. Một nông dân thổ lộ, người Dran từng gắn với nghề trồng cà phê và ở vào khoảng năm 2005 thì một số hộ đưa quýt đường về trồng xen. Thời điểm này, người dân chọn quýt như một phương án thử nghiệm trong việc cải thiện nguồn thu nhập.

Ở Dran, những vườn quýt hơn chục năm đang cho năng suất cao. Bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 40-50kg/trái.

Vỏ quýt thường xốp hơn cam, dễ bóc, múi có thể dễ dàng tách từng múi, trái nhỏ hơn cam.

– quýt tangerine

Loại tangerine (C. tangerina) liên hệ gần với quýt ngọt (C. reticulata), trái nhỏ hơn cam, da mỏng vàng đậm, dễ lột hơn cam. Ngọt và hương vị mạnh hơn hương vị của cam, múi có hạt.  Lúc chín trái chắc và mềm hơn cam. Rất phổ thông ở Mỹ, tên tangerine được đặt tên từ loại quýt ngọt đươc giới thiệu qua phương Tây qua cảng Tangiers ở Morroco.

quýt Clementines. Là một chủng loại từ lai giống của giống quýt ngọt.  Clementines ( C. Clementina) là loại quýt không hột, khác với tangerines có hột. Da láng, dể lột vỏ, trong có 7-14 múi, ngọt, nhiều nước, ít acid hơn cam.

– quýt Satsuma tên khoa học Citrus Unshiu, giống quýt có nguồn từ Nhật vùng Satsuma thuộc đảo Kyushu, trái dể lột, da vàng khi trưởng thành, vị ngọt và không có hột.

Quýt Satsuma

Cây thân nhỏ chịu lạnh, mọc chậm, tàn lá rậm, thân rất it gai, da mõng nhiều tuyến dầu. Trái chin có 10-12 múi, dể tách, ruột rổng. Trái chín dể rụng nên thường phải hái trước, giữ chứa được lâu.Satsuma thường bị lẩn với tangerine hay Clementine vì là các giống lai liên hệ trong giống quýt.

7. Nói về  các loài Chanh

7.1.  Chanh da nhănCitrus Medica

Chanh da nhăn

Citrus Medica  là một trong ba giống khởi nguồn cuả chi họ cam quýt ( hai giống kia là Buởi Citrus Maxima hay Paradisi và Quýt Citrus Reticulata). Tất cả các giống Citrus khác là do lai giống thiên nhiên (natural hybridization, interfertility) hay nhân tạo (artificial hybridization). Chanh da nhăn ít nước, múi khô, phần chính là vỏ trong dày màu trắng (white rind) dính liền với các múi khó tách ra được- Không lột vỏ được như cam quýt. Thường được dùng lấy mùi thơm (fragrance) hay vỏ ngoài cùng được cạo ra (zest) dùng trong salad hay nấu ăn. Ngày xưa được dùng như y dược trị say sóng, bệnh phổi, dầu từ lớp da ngoài cùng được xem là anti-biotic. Nước (juice) của chanh nhăn (citron) chứa nhiều Vitamin C  được dùng pha chế dược phẩm chống thấp khớp (rheumatism), nôn mửa (vomiting), hơi trong dạ dày (flatulence), trỉ (haemorrhoids), bệnh da, mắt yếu hay ngay cả lợi ích cho tim mạch (cardiovascular benefits)

7.2. Chanh Phật Thủ

Có tên khoa học là Citrus Medica (Citrus medica varsarcodactylis), tiếng Anh gọi là Chanh ngón tay (fingered citron) hay bàn tay  Phật (Buddha’s hand).

Chanh Phật Thủ

Loại thân cao khoảng  2.5 đến 4.5m, thân nhánh có gai, hoa nở vào mùa Xuân, thích nơi có nhiều ánh sáng mặt trời.  Trái có vỏ dày, nhăn nhíu, cũng giống như các loại chanh Tây vỏ cạo ( Zest) trộn làm salad, hoặc làm gia vị nấu ăn vì hương thơm, làm bánh (cake, biscuit) hoặc làm jam hay marmalade.

Chanh Phật Thủ không chua nhiều, ít nước và nhiều khi không có hạt.

7.3. Chanh Tây-Lemon-Citrus Limon

Chanh tây hay chanh vàng, là tên khoa học Citrus Limon.  Thanh yên hay chanh yên Citrus limonimedica hay Citrus medica ssp. bajoura  là cây ăn quả thuộc chi Cam Quýt. Là loài bản địa của Ấn Độ, Myanmar và vùng Địa Trung Hải, tại Việt Nam, giống cây này được trồng từ Lạng Sơn đến Lâm Đồng. Cây thanh yên là cây gỗ nhỏ, cao từ 2.5 m đến 5 m. Hoa thơm, màu trắng pha tím đỏ. Quả ra vào tháng 6, khá to, kích thước (12 – 20) x (8 – 12) cm hình bầu dục, màu vàng chanh khi chín, vỏ sần sùi, dày, mùi dịu và thơm; cùi trắng, dịu, nạc, tạo thành phần chính của quả, thịt quả ít, màu trắng và hơi chua (5-6% citric acid).

Vị chua đặc trưng của chanh làm tăng hương vị cho món ăn, nước uống (lemonade, lemon drink).

Về mặt thực vật học, đây là loài lai giữa C. medica và C. aurantium

Chanh Tây

7.4. Chanh Ta – Key Lime- Citrus aurantifolia

Chanh hay còn gọi là chanh ta vỏ xanh (Citrus aurantifolia) để phân biệt với chanh tây (Citrus Limon), quả hình cầu, đường kính từ 2,5 cm – 5 cm (1–2 inch), khi chín có màu vàng rực (nhưng thường được khai thác khi quả còn xanh). Quả chanh ta có kích thước nhỏ hơn chanh Tây, nhiều hạt hơn, lượng axít cao hơn, mùi vị nồng hơn và vỏ mỏng hơn so với loại chanh không hạt (Citrus latifolia). Chanh ta được ưa chuộng vì mùi vị đặc trưng của nó so với các loại chanh khác – cụ thể là vị chua và đắng nồng hơn.

Chanh Ta

Chanh Ta -Lime – Citrus Latifolia

Chanh ta vỏ mỏng, tiếng Anh gọi là Lime- tên khoa học Citrus Latifolia. Còn gọi là Persian hoặc Shiraz Limoo, Tahiti lime hoặc Bearss lime.  The Persian lime, chanh Trung đông là giống lai giữa key lime (Citrus aurantiifolia) với lemon (Citrus limon) hay citron (Citrus medica).

Chanh không hạt-ít gai là giống chanh được nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây, rất được ưa chuộng, do dễ trồng, cho năng suất cao. Có thân và quả gần giống chanh giấy truyền thống (chanh vỏ mỏng) của Việt Nam, khi cành ở giai đoạn trưởng thành thì các gai bị thoái hoá, cây cho sai quả, một chùm cho 7-8 quả. Năng suất rất cao từ 150-200kg quả/cây/năm, quả to, tròn, cơm màu trắng xanh, không hạt, nhiều nước, chua, thơm

7.5. Chanh Kaffir lime

Chanh Kafir Lime

Kafir Lime Citrus hystrix, tên Anh kaffir lime, là giống chanh bản địa (native) của bán đảo Đông Dương, cũng tìm thấy ở  xứ nhiệt đới như India, Nepal, Philippines, Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Da chanh sần sùi không láng, lá xanh đậm, láng, cơm thơm nhưng ít nước, lá và trái được dùng nấu ăn.

7.6. Chanh lai giống Úc

Úc có 6 giống Citrus bản địa (native), nhưng giống Chanh ngón tay được biết và trồng nhiều nhất. Được tìm thấy trong rừng nhiệt đới ở những dảy núi giữa tiểu bang Queensland và Bắc New South Wales, đây là loại cây thân bụi, có gai, cao không quá 6m, trái có hình dạng ngón tay dài đến 12cm, da màu xanh, lá cây xanh có chút vàng. Cơm chanh gồm bởi những túi nhỏ mọng nước (vesicles) vị chua. Cơm được dùng trong công nghệ làm nước xốt (sauces), mức (jam), thạch (jellies)

Chanh Ngón Tay-Finger Limes

Loại Chanh ngón tay đỏ là một giống lai tự nhiên, cấu trúc bên trong trái cũng giống như giống chanh vỏ màu xanh vàng nhưng cơm có màu đỏ hồng, tên khoa học là Citrus australasica var sanguina. Loại chanh đắt nhất thế giới, trông như trứng cá muối. Với hình dạng đặc biệt, loại quả này có giá thành khá đắt và không dễ dàng mua được.

Có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới vùng thấp ven biển Australia, chanh ngón tay trở thành một trong những nguyên liệu được hầu hết các nhà hàng sao Michelin trên khắp thế giới ưa chuộng. Không phải vì chúng có vị khác hoàn toàn với chanh thông thường, mà vì phần ruột tuyệt đẹp bên trong của chúng có kết cấu như trứng cá muối đã tạo ra sự khác biệt.

Loại chanh này tương tự như bưởi, những quả thon dài bằng ngón tay nhưng chứa những “viên ngọc” lấp lánh nhiều màu sắc. Do vậy, chúng thường được sử dụng để trang trí cho các món ăn sang trọng, đảm bảo sự bùng nổ vị chua khi người ăn cắn vào. Do vậy, chúng còn có một biệt danh khác là trứng cá muối trong thế giới trái cây và có giá rất đắt đỏ.

Chanh ngón tay đỏ Citrus australasica var. sanguinea (the red finger lime)

Chanh đỏ

Chanh đỏ là giống lai giữa giống chanh ngón tay đỏ với giống chanh Rangpur (Rangpur lime *) tên khoa học là Citrus Limonia. Trái màu đỏ đến đỏ thẫm. Tàn cây bụi thấp đến 2-3m, lá bầu dục, láng màu xanh đậm khoảng 25-25mm và rộng khoảng 15mm, nách lá (axils) có kim cứng và nhọn gây khó khăn lúc hái. Trái chanh hình bầu dục, da màu vàng (gold) với đốm đỏ, đến đậm đỏ, kích thước khoảng 30-50mm chiều dài và 20-30mm chiều rộng, có thể thay đổi tùy muà và nơi trồng cũng như thòi gian thu họach. Hạt chanh nhỏ, nước chanh chua.

*Rangpur Lime loại chanh vỏ mỏng, giống lai giữa chanh Tây (lemon) và quýt (mandarin), thịt thơm và cho nhiều nước, hơi chát, còn gọi là chanh Quảng Đông.

8. Nói về các loài Quất

Quất ở Đông Nam Bộ Việt Nam gọi là Tắc, Tây Nam Bộ là Hạnh, tên khoa học là Citrus japonica ‘Japonica’; là một giống kim quất, và là giống hay được trồng nhất trong các giống kim quất. Quất là loài cây xanh cũng thường trồng làm cảnh trong sân hay trong nhà. Cây quất ra đầy trái hay được trưng bày vào dịp Tết vì được xem là biểu tượng của may mắn.

Quất có nguồn từ Châu Á, Trung Quốc và Nhật được xếp vào chi họ Cam Quýt (Citrus) cho đến năm 1915 thì được xếp vào chi họ Fortunella theo sự nghiên cứu của Dr Walter T Swingle. Tên Fortunella (đặc theo tên nhà khoa học người Anh Robert Fortune) đã đem giống này về Âu Châu 1846. Có 4 loài tắc (kumquat): the Hong Kong Wild (Fortunella hindsii), Marumi loài tắc được trồng nhiều ở VN trái vàng tròn (Fortunella japonica), Meiwa (Fortunella crassifolia), and Nagami- trái vàng bầu dục vị thơm hơn Marumi (Fortunella margarita). Loài thông dụng nhất được trồng nhiều nơi là ‘Nagami’ and the ‘Meiwa’. Tắc có thể ăn luôn cả trái nhưng chua, ăn vỏ có vị ngọt.


Bên cạnh đó, quất cũng được trồng trên lưng những nhân vật, biểu tượng mang ý nghĩa may mắn, tài lộc như: ông thần tài, cóc thần ba chân cắn tiền, tượng La Hán…. Trong ảnh là cây quất ôm trọn tượng Phật Di Lặc với ý nghĩa cầu may mắn.

Muôn kiểu quất bonsai độc và lạ để “chiều” khách, thu hút người tiêu dùng. Trong ảnh là 2 chú tễu đang bê túi tiền đầy lộc (ý là những trái quất chín ) và quất tí hon trồng trong bình hồ lô.

Để trồng một cây quất cảnh bonsai mini phải mất ít nhất 2 năm. Cây quất được trồng khi còn nhỏ, bứng lên chậu, chăm sóc, tạo dáng, uốn nắn mới có được một sản phẩm hoàn thiện.

Cây Tắc, thân dẽo, nhỏ cao độ khoảng 1-2m, màu xanh xám, nhiều cành nhánh, lá đơn hình bầu dục, cuốn có cánh rất nhỏ, lá màu xanh thẫm, hoặc có viền trắng như Nagami. Hoa thường đơn độc, nở xòe 5 cánh trắng, rất thơm, chùm nhụy rất ngắn. Đậu thành trái hình cầu hoặc bầu dục (oval như loài Nagami), lúc còn non màu xanh bóng, khi già chín đổi thành màu vàng cam, rất đẹp. Bên trong ruột có nhiều múi màu vàng nhạt, chứa nhiều nước chua gắt, nên thường dùng để làm nước uống với đường rất đã khát hoặc làm mứt (marmalade) để ăn…

Tắc (Quất, KumQuat, Kim Quat)

Tắc Nagami Citrus japonica “Margarita”

Tắc Murami Citrus Japonica or Fortunella japonica

9. Nói về nhóm Tangelo (Citrus tangelo).

Đây là giống lai từ Quýt Tangerine (Citrus Tangerina) với giống bưởi chùm grapefruit (Citrus Paradisi).Trái dể lột vỏ hơn cam, nhiều nước có mùi vị giống tangerine, đặc điểm có núm (nipple) nơi trái dính vào cành.

Tangelos

Minneolas cũng là giống lai giữa tangerine và grapefruit, tựa như tangelos dể nhận ra vì cũng có mủi nhỏ trên đầu trái. Lai giống ở Florida,trái hơi to hơn quýt,  có vị ngọt cuả quýt pha lẩn với vị chua chát cuả bưởi chùm (grapefruit).  Đường kính trung bình 7-8cm, vỏ dể  lột như quýt hay tangerine, it hột.

9. Bệnh các loài cam

Hiện nay, cây cam bị bệnh vàng lá thối rễ quen gọi là greening, còn Trung Quốc gọi là huanglongbing. Bệnh này do một loài sâu làm lá trở nên vàng, quả không chín trên cây và rơi xuống đất. Do một loài côn trùng mang theo vi khuẩn Candidatus Liberibacter, hút nhựa loài cam và đưa vi khuẩn vào mạch libe của cây, làm vàng lá thối rễ, những căn bệnh được liệt vào dạng “nan y” đang bủa vây khắp các vùng cam trọng điểm.

10. Kết luận

Các loài cam, quýt, chanh, bưởi là những loài cây có múi, có nhiều tiềm năng phát triển tại nhiều vùng đất ở xứ ta: đồng bằng phù sa cũng như vùng đất đỏ. Bên cạnh đó cũng có vài chướng ngại như giống không đảm bảo, cộng thêm yếu tố bất thuận của thời tiết khiến sâu bệnh phát sinh.

Thái Công Tụng
Thái Công Tụng
Cựu học sinh Quốc Học Huế, Kỹ sư Nông Học và Cử Nhân Khoa Học tại Toulouse (Pháp). Tiến sĩ Khoa học (1965), Giáo sư các Đại học khác nhau trong nước: Đại Học Khoa học, Đại Học Văn Khoa, Đại Học Nông Lâm Saigon.

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức, bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time


 

 

MỚI NHẤT

183FansLike
0FollowersFollow
20SubscribersSubscribe

X