Chính vì vậy bài viết này không nhằm mục đích níu kéo hay tái tạo cái vốn dĩ không còn hiện hữu. Và người viết cũng không phải chỉ sống với hoài niệm. Cái chính ở đây là nhìn thẳng vào hiện tình đất nước Việt Nam, dựa trên những sự kiện đã qua để nhận thức đúng đắn thực trạng của chế độ đương quyền hiện nay.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thường cứ tự hào vỗ ngực với con số tăng trưởng GDP năm 2019 là 7%, cao nhất khối các nước ASEAN.

Thế ta thử cùng nhau nhận định một cách khách quan con số ấy như thế nào. Đồng thời có những đánh giá đúng đắn hơn.

Phát biểu về tình hình – kinh tế xã hội, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), ủy viên thường trực Ủy ban Tài chánh – Ngân sách của Quốc hội VN, thẳng thắn cho rằng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, “chưa hóa rồng, hóa hổ”.

“Mặc dù tăng trưởng của Việt Nam với 7%, đạt mức cao trong khu vực và thế giới, nhưng xét về con số tuyệt đối, thì khoảng cách với các nước ngày càng cách xa. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm”, ông Hàm chỉ ra. Theo đó, khoảng cách giữa GDP bình quân đầu người của Việt Nam với thế giới năm 2017 là khoảng 8.300 USD, năm 2018 là 8.400 USD.

“Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều nước dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn”, ông Hàm nhận định.

Ngoài ra, ông Hàm còn cho rằng độ mở của nền kinh tế rất lớn, kim ngạch xuất, nhập khẩu khoảng 200% GDP, xuất siêu nhiều năm nhưng người hưởng lợi đa số là doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Investment). Do đó, trong tổng GDP của Việt Nam nên cần phải loại trừ yếu tố này mới nhìn nhận phù hợp thực lực của nền kinh tế và thu nhập của người dân.

Chỉ cần 30 năm là một số các quốc gia trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan đã biến thành rồng, thành hổ. Còn Việt Nam, sau khi bị cộng sản thôn tính trái phép ngày 30/04/1975, vẫn cứ lẹt đẹt cầm cờ theo sau các nước trong khu vực.

Tưởng cũng nên nhắc lại là trước khi bị rơi vào tay cộng sản, Sài Gòn phát triển bậc nhất trong khu vực. Vượt cả Seoul và Singapore. Vậy mà nay nhìn lại mới ngỡ ngàng là đất nước ta đã tụt hậu quá xa. Xét về GDP đầu người, Việt Nam đứng gần cuối bảng trong khối ASEAN. Thua cả Lào.

Thứ tự theo GDP bình quân đầu người (đơn vị: USD/người/năm) 2018:
1. Singapore (61.767)
2. Brunei (33.233)
3. Malaysia (11.237)
4. Thái Lan (6.992)
5. Indonesia (4.052)
6. Philippines (3.095)
7. Lào (2.706)
8. Việt Nam (2.546)
9. Campuchia (1.499)
10. Myanma (1.338)
(Theo công bố năm 2018 của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF – International Monetary Fund))

Từ ngày 30/04/1975, khi đưa đất nước vào hoàn cảnh đói khát và thiếu thốn đủ mọi bề, nay có tăng trưởng 7% thì có gì là tự hào? Dễ hiểu thôi mà. Gã ăn mày có 1 đồng, xin được 50 xu đã là tăng 50%. Bậc triệu phú, dù có thêm chục ngàn, cũng chỉ tăng vài phần trăm. Điều ấy không có nghĩa là gã ăn mày giỏi hơn.

Bốn mươi lăm năm cầm quyền, đảng cộng sản đã kéo nền kinh tế Việt Nam từ đầu bảng xuống cuối bảng. Vậy thì đáng tự hào chỗ nào? Hãy cùng nhau nhìn lại, trong suốt thời gian gần nửa thế kỷ, thực chất những gì đảng cộng sản VN đã làm.

Đó là Sài Gòn nói riêng, Miền Nam nói chúng, đã bị ngược đãi và kéo lùi 30 năm bởi những đường lối và chính sách man rợ.

Sài Gòn và Miền Nam đã bị đánh lên đánh xuống để hầu như không thể nào ngóc đầu lên nổi : Ba lần đổi tiền dã man, một hành vi cướp bóc công khai tài sản của người dân Sài Gòn nói riêng và người dân Miền Nam nói chung.

Lần đầu ngày 22-9-1975, người dân Sài Gòn chỉ có vỏn vẹn 12 tiếng đồng hồ (tức từ 11 giờ đến 23 giờ cùng ngày) để đổi tiền; hối xuất 500đ VNCH = 1đ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam; mỗi gia đình chỉ được đổi 100.000 đồng cũ ra thành 200 đồng mới để tiêu dùng thường nhật, phần còn lại, nhà nước giữ. Không nói đến giới kinh doanh hay bậc thượng lưu, một gia đình công chức thời bấy giờ cũng có hơn gấp ba đến gấp bốn lần số tiền ấy.

Lần thứ hai ngày 3-5-1978, sau khi đảng lao động (tức đảng cs bây giờ) thống nhất Việt Nam năm 1976, hầu xóa bỏ tư sản dân tộc, xây dựng hợp tác xã. Từ sông Bến Hải trở ra ngoài bắc thì một đồng mới trị giá bằng một đồng cũ (tiền phát hành năm 1958); phía nam sông Bến Hải, một đồng mới bằng 0,80 đồng cũ (phát hành năm 1975). Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cận đại cả nước Việt Nam chỉ dùng một mẫu tiền chung.

Dân thị thành được đổi tối đa:
– 100 đồng cho mỗi hộ 1 người;
– 200 đồng cho mỗi hộ 2 người;
– Hộ trên 2 người thì người thứ 3 trở đi được đổi 50 đồng/người;
– Tối đa cho mọi hộ thành phố bất kể số người là 500 đồng.

Dân quê được phép đổi theo ngạch sau:
– 100 đồng cho mỗi hộ 2 người ;
– Hộ trên 2 người thì người thứ 3 trở đi được đổi 30 đồng/người;
– Tối đa cho mọi hộ dưới quê bất kể số người là 300 đồng.
Số tiền đang có trên mức tối đa phải khai nộp và ký thác vào ngân hàng Nhà Nước.

Lần thứ ba ngày 14-9-1985, tỷ lệ 10 đồng tiền Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũ ăn 1 đồng tiền NHNN mới.

Số tiền đang lưu hành khi đổi cũng bị hạn chế theo những số lượng nhất định:
• Mỗi gia đình chỉ được đổi 20.000 đồng cũ lấy 2.000 đồng mới
• Hộ độc thân chỉ được đổi 15.000 đồng cũ lấy 1.500 đồng mới
• Hộ kinh doanh công thương nghiệp thì được đổi 50.000 đồng cũ lấy 5.000 đồng mới

Lần đổi tiền thứ ba này đã thật sự lột sạch tới những đồng bạc ki cóp cuối cùng trong những gia đình miền Nam, trong khi đó miền Bắc không bị ảnh hưởng tí nào vì bao năm đã quen sống với chế độ tem phiếu và bản thân họ cũng chẳng có gì trong chế độ cộng sản Bắc Việt.

Ngay trong thời gian bầm dập với chính sách ngăn sông cấm chợ ngu xuẩn đến cùng cực, người dân Sài Gòn vẫn năng nổ bươn chải ngoi lên. Lương nhà nước trả công nhân viên chức chỉ đủ sống một tuần, nhưng người Sài Gòn đã tiếp nhận từng thùng đồ từ thân nhân ở nước ngoài gởi về rồi đem ra vỉa hè ngồi bán nuôi gia đình. Và cũng nhờ đó mà xã hội Việt Nam mới có được một số thuốc men và mặt hàng cần thiết tối thiểu trong sinh hoạt thường nhật, từ cây bút quyển tập đến cục xà-bông, cái quần, cái áo, cây kem đánh răng. NHƯ VẬY CHÍNH NGƯỜI DÂN SÀI GÒN NÓI RIÊNG VÀ MIỀN NAM NÓI CHUNG ĐÃ CỨU CHẾ ĐỘ ĐIÊN RỒ THOÁT CHẾT CHỨ KHÔNG PHẢI CHẾ ĐỘ XHCN ĐÃ MANG LẠI THỊNH VƯỢNG CHO SÀI GÒN. Đảng ra sức ngăn cản nhưng không được, cuối cùng thấy nhờ Sài Gòn mà kinh tế sáng sủa hơn, mới lạch đạch theo sau. Rồi từ đó rút ra bài học, cởi trói phần nào cho dân Miền Nam, áp dụng đường lối cởi mở hơn trên cả nước mà chúng gọi là “đổi mới”. Nhờ vậy thoát khỏi cảnh đói.

Và hôm nay cũng thế, Sài Gòn luôn đi trước. Thu nhập bình quân của người dân Sài Gòn năm 2018 đạt 5.538 USD/người/năm. Ngoạn mục hơn, Sài Gòn chỉ chiếm 0,63% diện tích và 8,8% dân số cả nước nhưng đóng góp đến 21% GDP và 30% nguồn thu ngân sách quốc gia

Với sự đóng góp như thế nhưng Sài Gòn và Miền Nam, cho tới hôm nay, vẫn luôn luôn chịu nhiều thiệt thòi trong cơ chế quản lý của đảng csvn. Một sự phát triển kỳ thị, lệch pha : Miền Nam nuôi cả nước mà hệ thống đường cao tốc chỉ bằng 30% của Miền Bắc. Như vậy, cần xét lại tính ưu tiên, hiệu quả, khi mạng lưới cao tốc hiện nay đang trong tình trạng nơi cần thì thiếu, nơi kém hiệu quả thì thừa.

“Chỉ cần tăng 10% chất lượng hạ tầng tại khu vực kinh tế trọng điểm phía nam thì sức hút đầu tư sẽ tăng lên tới 24%, đời sống người dân cũng tăng theo tỉ lệ tương đương. Do đó, đổ tiền vào hoàn thiện hạ tầng, cải thiện giao thông khu vực miền Nam sẽ tạo ra các tác động lan tỏa kinh tế lớn hơn nhiều so với các vùng khác.”
(TS Dương Như Hùng, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

Vậy mà bất chấp mọi luận cứ kinh tế, Hà Nội chỉ điên cuồng củng cố quyền lợi thống trị của đảng cộng sản cầm quyền. Dễ nhận thấy, trong danh sách bổ sung các tuyến cao tốc vào quy hoạch, khu vực phía bắc vẫn được ưu tiên với chiều dài chiếm 2/3, còn lại là khu vực phía nam và miền Trung, Tây nguyên. Đây cũng là thực trạng chung “lệch pha” trong đầu tư cao tốc ở VN hiện nay.

Chỉ tính riêng Hà Nội, đã có 5 tuyến cao tốc nối thẳng hình nan quạt tạo thành mạch máu với các vùng kinh tế trọng điểm phía bắc đã đi vào khai thác. Trong khi đó, đánh giá về hiệu quả sinh lời kinh tế theo nghiên cứu VITRANSS 2 (Vietnam National Transport Strategy Study) do JICA (Japan International Cooperation Agency) phối hợp với Bộ GTVT thực hiện trước đây, nhiều tuyến cao tốc phía bắc được đánh giá là suất sinh lời kinh tế thuộc dạng thấp nhất trong hệ thống cao tốc cả nước, như Thái Nguyên – Chợ Mới (5,8%), Hòa Lạc – Hòa Bình (7,3%). Đáng chú ý, nhiều tuyến cao tốc phía nam dù được đánh giá có suất sinh lời kinh tế thuộc dạng cao nhất cả nước như Biên Hòa – Vũng Tàu (24,4%), TP.HCM – Mộc Bài (16,4%), Long Thành – Nhơn Trạch – Bến Lức (15,9%), đường Vành đai 3 TP.HCM (13,7%), tới nay vẫn chưa được thực hiện.

Bị trói tay, trói chân và bị tham nhũng đục khoét vô tội vạ mà còn như thế mà . Cứ nhìn mấy vụ cướp đất trắng trợn của dân ở Thủ Thiêm thì rõ. Thử hỏi, nếu như ngày nay, Việt Nam có một nhà nước pháp quyền, do dân bầu thực sự, trọng dụng nhân tài, có luật lệ nghiêm minh tạo được lòng tin và thu hút các nhà đầu tư phương Tây như Châu Âu, Úc, Mỹ, Canada, v.v. thay vì chỉ lệ thuộc vào Trung Cộng, thì Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung còn phát triển kinh khủng đến mức độ nào ?

Rõ ràng Hà Nội đã hy sinh phát triển đất nước vì quyền lợi hẹp hòi của đảng cs.

“Một quan chức cao cấp của Ban Tuyên giáo T.Ư, ông Vũ Ngọc Hoàng, đã có một phát biểu gây ấn tượng mạnh: “Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng” (trích báo Tuổi Trẻ)

Như thế, với lối cai trị độc tài, đưa con cháu và thân nhân vào nắm các vị trí then chốt trong guồng máy chính quyền cũng như các xí nghiệp quốc doanh và hệ thống ngân hàng mặc dù bất tài, vô đức, đảng csvn rõ ràng là rào cản sự phát triển của đất nước chứ không phải là động lực phát triển như họ cố tình lấp liếm. Chúng ta cần phải làm cho những người đang sống tại Việt Nam nhận thức được điều này. Có nhận thức thì mới có hành động.

Đảng cộng sản VN hãy bỏ đi cái thói ngông cuồng khoác lác, hễ mở miệng là cứ “đất nước ta có bao giờ được như hôm nay”(!) Không nói đâu xa xôi, thử nhìn các nước trong khu vực để có khái niệm về lực cản của đảng csVN đối với sức phát triển của đất nước. Không cần so với Seoul hay Singapore, chỉ so với Malaysia thôi là đủ rõ. Trước 1975, Kuala Lumpur thua Sài Gòn nhiều. Nhưng giờ đây thì tp hcm thua Kuala Lumpur xa lắm. Hãy xem hệ thống chống ngập với đường hầm Smart ở Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia thì biết.