Tin tức báo chí của cộng sản Việt Nam (CSVN) đều viết rằng khi tấn công dinh Độc Lập ở thủ đô Sài Gòn ngày 30-4-1975, chiến xa CS đã ủi sập cánh cổng dinh Độc Lập. Chẳng những thế, bộ Lịch sử Việt Nam do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Việt Nam [cộng sản] tại Hà Nội phát hành tháng 8 năm 2017, cũng viết như thế. Bộ thông sử nầy rất đồ sộ, gồm 15 tập, tổng cộng trên 9,000 trang, do 30 giáo sư, tiến sĩ Sử học CSVN biên soạn. Trong 15 tập nầy, tập thứ 13, do PGS-TS [phó giáo sư tiến sĩ] Nguyễn Văn Nhật chủ biên, chương VI, trang 535 viết nguyên văn như sau:
“Thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm dinh Độc Lập – dinh lũy cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 thuộc Lữ đoàn xe tăng 203 dẫn đầu đội hình tiến công của Quân đoàn 2, húc đổ cánh cổng sắt của dinh Độc Lập …”
Bộ sách nầy được xem là bộ chính sử căn bản của chế độ CSVN, làm nền tảng cho các sách giáo khoa lịch sử của CSVN. Dưới chế độ CSVN thế kỷ 21, các giáo sư tiến sĩ với các loa phát thanh phường khóm làng xã nói cùng một nhịp điệu như nhau, đúng như ý kiến của nhà văn Pháp André Gide vào thập niên 30 thế kỷ trước, cách đây gần 90 năm. Theo lời mời của nhà cầm quyền Liên Xô, Gide đến Moscow (Moscou), thủ đô của Liên Xô, tham dự tang lễ của nhà văn Maxime Gorki. Khi trở về Pháp, ông viết tác phẩm Retour de l’URSS, ấn hành năm 1936 ở Paris. Trong sách nầy, ông đã viết rằng ở nước Nga CS, chỉ cần nghe một người Nga nói gì thì đủ biết 200 triệu dân Nga nói gì. Ngày nay ở Việt Nam không lẽ cũng có thể nói chỉ cần nghe loa phóng thanh phường xã thôm xóm CS nói gì, thì cũng có thể đoán biết các giáo sư tiến sĩ CS nói gì?
Trở lại nguồn tin về cánh cổng dinh Độc Lập Sài Gòn ngày 30-4-1975 do CSVN đưa ra, báo chí thế giới cũng đều viết theo như thế. Tuy nhiên, trên lý luận, xin chú ý mới chỉ trên lý luận cho vui mà thôi, có hai câu hỏi cần được đặt ra là:
1. Lúc đó, cựu đại tướng Dương Văn Minh đang có mặt trong dinh Độc Lập mà theo lời ông là để chờ đợi quân CS đến. Chờ “khách” thì phải mở cổng dinh để đón mời “khách” vào. Nếu đóng cổng dinh, thì “khách” làm sao mà vào được?
2. Những tấm hình hay những đoạn phim về cảnh chiến xa CS ủi sập cổng dinh Độc Lập để vào bên trong dinh, đều được chụp từ bên trong chụp ra. Có hai điểm cần chú ý: Thứ nhứt, cổng dinh phải đóng thì xe tăng mới ủi sập để đi vào. Thứ hai, nếu cổng đóng lại, tức cổng dinh chưa mở, thì người chụp hình hay người quay phim cảnh nầy, làm sao mà vào bên trong dinh Độc Lập trước xe tăng để chụp hình hay quay phim? Hay những người nầy trổ tài chui cổng hoặc trèo tường để vào hành nghề? Đó mới chỉ là nói lý cho vui thôi thưa độc giả.
Trong thực tế, một người tận mắt chứng kiến cảnh chiến xa CS chạy vào dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, kể lại đầu đuôi câu chuyện cho người viết bài nầy rất rõ ràng và hoàn toàn khác với sách vở CS đã viết. Đó là giáo sư tiến sĩ Đỗ Văn Thành, hiện nay đang giảng dạy tại đại học Oslo, Na Uy (Norway).
Lúc đó, vào năm 1975, giáo sư Thành còn trẻ, nhà ở vùng cầu Sài Gòn, ngồi trên yên sau xe vespa của phụ thân, tò mò chạy theo sau đoàn quân của CS, để theo dõi cho biết chuyện gì sẽ xảy ra khi quân CS vào thành phố.. Ông Thành đã chứng kiến tận mắt đầy đủ sự việc tại cổng dinh Độc Lập hôm đó.
Theo lời giáo sư Thành kể lại, sáng ngày 30-4-1975, cổng dinh Độc Lập đã mở sẵn. Xe thiết giáp CS khi đến dinh Đôc Lập, chạy thẳng vào trong dinh, không có gì trở ngại. Vào bên trong rồi, có thể do lệnh trên, tài xế lại lái xe thiết giáp chạy trở ra ngoài. Khi đó, lính CS đóng cổng dinh, quàng dây xích sắt, nhưng không khóa. Xe thiết giáp quay đầu trở lại, chạy đến tông sập cánh cổng dinh Độc Lập, rồi chạy vào bên trong, để cho các nhiếp ảnh viên chụp hình và quay phim.
Giáo sư Đỗ Văn Thành kể lại câu chuyện trên cho người viết tại nhà bác sĩ Phạm Hữu Trác, phụ trách tạp chí Truyền Thông ở Montreal ngày 28-4-2007, nhân dịp ông Thành cùng gia đình từ Oslo (Na Uy) qua Montreal (Canada) tham dự Lễ ra mắt sách Kỷ niệm và suy ngẫm, bản dịch từ sách Souvenirs et Pensées của thân mẫu ông là bác sĩ Nguyễn Thị Đảnh tại TRUNG TÂM SAIM (Service d’ Adaptation et d’Integration de Montréal) do Khối Y giới Cao niên và Cơ sở Truyền Thông Montreal tổ chức. Ngoài lời trình bày trên đây của giáo sư Đỗ Văn Thành, ba tài liệu sau đây cũng trình bày câu chuyện gần như thế:
1. Bài báo “Sài Gòn trong cơn hấp hối 30-04-1975” của Nhan Hữu Mai, cận vệ của cựu thủ tướng Vũ Văn Mẫu, đăng trên http://sucmanhcongdong.info và được luân lưu trên các e-mail group. Trong bài báo nầy, ông Nhan Hữu Mai viết: “Khoảng 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4, xe tăng cộng sản tiến vào dinh Độc Lập mà không gặp một sức kháng cự nào vì cổng chính đã được mở rộng từ trước.”
2. Thứ hai là bài “Dinh Độc Lập, ngày tháng đợi chờ” của Ý Yên, đăng trên DCVOnline.net ngày 10-04-2012, theo đó: “Lúc 11:15 ngày 30-4-1975, toán xe tăng Bắc Việt tới cổng dinh theo đường Thống Nhứt, trương cờ Mặt Trận GPMN. Một người lính trên xe ra lệnh cho lính gác khóa cánh cổng lại; anh lính chần chờ, quay vô hỏi lệnh viên sĩ quan trực, bị người bộ đội trên xe bắn chết tại chỗ. Một bộ đội khác nhảy xuống, khép cánh cổng, lấy khóa xích vòng chặt lại để chiếc T-54 rồ máy húc nghiêng cánh cổng màu xanh, dây xích bung ra. Đại liên trên xe và lính tùng thiết đồng loạt tác xạ dữ dội, làm như có sức chống trả từ trong dinh. Xe tăng tràn vô đến giữa sân cỏ, mấy người lính Bắc Việt nhảy xuống…”
3. Thứ ba, theo tác giả Huy Đức, trong sách Bên thắng cuộc, tập I: Giải phóng, Saigon: Osinbook 2012, chương I: Ba mươi tháng Tư, mục: Sài Gòn trong vòng vây, tr. 32 thì sáng 30-4-1975, cựu tướng Nguyễn Hữu Hạnh đến nhà số 3 đường Trần Quý Cáp [dinh Hoa Lan] tìm tổng thống Dương Văn Minh nhưng không có; tướng Hạnh liền đến dinh Độc Lập, “vào thẳng dinh bằng cổng chính, cổng dinh mở, không có lính gác.” Lúc ông Hạnh đến, cổng dinh Độc Lập mở, không lính gác thì ngay sau đó, quân CS đến, đâu có ai đóng hay gác cổng? Chú ý: đây là tài liệu do một nhà báo CS trong nước viết. Hiện người nầy còn sống và hành nghề trong nước.
Như thế, qua hai câu hỏi đặt ra từ đầu, qua câu chuyện kể của tiến sĩ Đỗ Văn Thành, và qua các bài báo trên đây, nhứt là qua tài liệu của một nhà báo CS, thì rõ ràng vào ngày 30-4-1975, cổng dinh Độc Lập đã mở sẵn, còn việc chiến xa CS ủi sập cổng dinh Độc Lập chỉ là một màn kịch do CS dàn dựng để tuyên truyền, bắt trẻ em học tập trong các sach giáo khoa lịch sử CS. Tài tình quá! Giống như xi-nê-ma Hồ Ly Vọng!
Đây không phải là lần đầu CS đóng kịch. Năm 1954 cũng vậy. Các sách lịch sử CS đều đăng hình cờ đỏ của CS được bộ đội CS cắm trên hầm chỉ huy của thiếu tướng Pháp De Castries khi tấn công Điện Biên Phủ. Trận nầy kết thúc ngày 7-5-1954, kết thúc luôn cuộc chiến 1946-1954. Sau đó là hội nghị Genève, đưa đến hiệp định đình chiến và chia hai đất nước ở vĩ tuyến 17.
Tuy nhiên điện báo Tuần Việt Nam ở trong nước () ngày 07-05-2009 đã đăng bài phỏng vấn thiếu tướng Lê Mã Lương, giám đốc Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (CS), theo đó thiếu tướng Lương đã phủ nhận điều nầy.
Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết tại Điện Biên Phủ, chỉ có một lá cờ duy nhứt được cắm trên đồi mà CS gọi là đồi Him Lam (tức đồi cứ điểm Béatrice), còn lá cờ cắm trên nóc hầm của thiếu tướng De Castries lần đầu tiên xuất hiện trong bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi của nhà quay phim Liên Xô là Roman Karmen, tức cảnh lá cờ CS trên hầm chỉ huy của thiếu tướng De Castries chỉ là cảnh xi-nê-ma mà thôi, không có thật.
Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết : “Sau khi Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ghi nhận chính xác điều đó, chúng tôi đã cất lá cờ tung bay trên nóc hầm Đờ Cát trước đây có trưng bày ở bảo tàng.” Điện báo ViệtLand ở hải ngoại ngày 07-05-2009 đã chụp hình và đăng lại toàn bộ bài của điện báo Tuần Việt Nam (http://tuanvietnam).
Những chuyện tầm thường và rõ ràng như thế mà CS còn thay trắng đổi đen, theo chủ trương của đảng CS, huống gì là những sự kiện lịch sử trọng đại. Sử học CSVN chỉ để phục vị chủ nghĩa CS, phục vụ đảng CS và phục vụ nhà nước CS. Vì vậy, ngày nay, trong nước thầy không muốn dạy sử, học trò không muốn học sử.
Thế đó! “Học sử ngày nay đã chán rồi”. Không ai lạ gì lịch sử viết theo lệnh của đảng CSVN!
Trần Gia Phụng
(Texas, 30-4-2020)