Đi Tìm Dĩ Vãng

0
128

Nhận thư Bích Ngọc nhờ viết về anh Trác, tôi không biết nên kể từ đâu.

Anh kém tuổi tôi, quê Giao Thủy Nam định, người công giáo, quân y, học sau tôi  vài năm, tôi ngoại đạo y sĩ trừ bị, không có điểm nào giống nhau nhưng sao tôi và anh lại có nhiều kỷ niệm.

Bắt nguồn từ đầu năm 1971 anh Nguyễn văn Thiệu và tôi, khi rời bộ Y tế  tính mở một dưỡng đường tư. Sau hơn một năm nghiên cứu và gọi người chung vốn, chúng tôi có đủ tài chính nhưng nhân lực khu giải phẫu chưa đủ. Anh Tôn Thất Cần cùng lớp với tôi đề nghị mời anh Trác trước đây làm y sĩ Sư đoàn 1, Tổng Y viện Duy Tân rồi Tổng Y viện Cộng Hoà. Bấy giờ tôi mới bắt đầu quen anh và khi tiếp xúc với anh tôi nhận thấy anh sẽ là một trong những y sĩ trụ cột của dưỡng đường Hoàn Mỹ ra đời tháng 03-1971. Dưỡng đường này không có các y sĩ tên tuổi nhưng là một nơi rất được tín nhiệm nhờ luôn luôn có đủ y sĩ bất cứ giờ nào.

Và anh Trác lúc này tuy không làm ở Tổng Y viện Cộng Hoà và Cục Quân Y nữa, anh qua  Nha tổng Thanh tra quân đội nhưng ảnh hưởng của anh còn nhiều và anh gây dựng cho dưỡng đường Hoàn Mỹ một ban giải phẫu thật đầy đủ, y sĩ, y tá, gây mê, đáp ứng với nhu cầu của bệnh nhân trung lưu không tìm tới Grall hay Cơ Đốc. Và anh Trác là một trong những y sĩ gây dựng nên dưỡng đường này.

Tới tháng ba 1975 tin  Việt Nam càng xấu và chúng tôi phải tìm lối thoát. Năm anh em đi thoát theo phương tiện tùy khả năng quen biết hay may mắn. Anh Trác và tôi gặp lại nhau tại Montreal ngày 14 tháng 05 1975. Anh đi từ Wake và tôi từ Guam tới đất này. Và chúng tôi lại cùng nhau tìm lại con đường hành nghề. Anh không gia nhập ban chấp hành Hội y sĩ những ngày đầu vì bận gia đình nhưng cùng chúng tôi hội họp trong nhóm Edouard Monpetit, nơi anh Hồng và tôi cùng trú ngụ. Và nhóm đậu ngay kỳ đầu và hành nghề trở lại.

Anh vì tình trạng gia đình bỏ Montreal lên Sainte Agathe làm việc và năm 1982 tôi mời anh về lại Montreal và bắt đầu nhờ anh viết ít bài trong Nội San Y sĩ và tới 1986 khi Hội Montreal sửa soạn tổ chức Đại hội Y sĩ Việt Nam trong Thế giới tự do  anh trở nên Chủ bút của Nội San từ số 88 với nhiệm vụ liên lạc và mời các đồng nghiệp quân y anh quen biết, trong khi tôi phụ trách mời các vị trong giới dân y và  các giáo sư y khoa đại học.

Nhờ tài liên lạc của anh, các giáo sư y khoa Trần quang Đệ, Trần ngọc Ninh, Đào đức Hoành, Nguyễn thế Minh và các vị khác lớn trong quân y có dịp gặp lại trên 250 đồng nghiệp tới từ các nơi trong thế giới tự do và gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Danh dự hiển nhiên dành cho anh Lâm văn Thạch Hội trưởng ngày đó, nhưng tụ hội được đông người tham dự là công đầu của anh Trác.

Sau đại hội lần đầu thành công anh Trác lên thay anh Thạch làm Hội trưởng và từ đó các hội y sĩ Việt Nam trên thế giới phát triển mạnh và các đại hội được tổ chức  tại Paris, San Jose, Orlando và tới Úc châu. Y sĩ gốc Việt trên thế giới đã tụ hội và gây sức mạnh trên công cuộc bảo vệ nhân quyền và đòi hỏi tự do dân chủ.

Ngoài việc cộng tác với đồng nghiệp trong công tác nặng nề này, anh còn để nhiều thời giờ đi thăm những nơi đã dung dưỡng người tị nạn và buồn tiếc khi thấy những nơi này đã bị nhiều áp lực phải bỏ thành nơi hoang phế. Tiện đường anh cũng có dịp đi thăm điạ danh “The River Kwai” nơi đã quay phim “The bridge on the river Kwai” để hồi tưởng cảnh tù binh chiến tranh ngày trước.

Và mộng “ Thèm đi “ của anh được thực hiện phần nào.

Chưa ngừng bước, anh lại dấn thân lần này vào xây dựng văn hoá và cho ra đời Tập San Truyền thông, nơi hội tụ của một số người thích viết và tìm hiểu những vấn đề đôi khi rất kén người đọc. Tờ Tập San này có danh nhưng không trường thọ vì người viết gắng công nhưng người đọc thường xuyên không nhiều nhưng người tham khảo trên Net lại không ít. Anh không tiếc số tiền lớn khi thực hiện Tập San này nhưng vui mừng vì nhờ vậy quen biết thêm nhiều bạn hữu từ mọi nơi đóng góp nhiều bài vô cùng giá trị.

Những năm sau này sức khoẻ anh kém dần nhưng không ngưng viết, tới năm 2015 anh lâm bệnh nặng và từ trần năm 2018, sau ba năm bệnh nhưng không thiếu bạn bè coi sóc và thăm viếng . Phạm hữu Trác lìa đời nhưng không luyến tiếc vì anh đã thực hiện nhiều điều mà người thường không ai làm được. Từ chuyên môn qua chính trị, văn hóa anh đi trọn đường anh chọn.

Tang lễ anh đã được các bạn từ đủ nơi về tham dự

Tuy nhiên tên anh tới nay có nhiều người còn nhớ tới hay không ?.

Tôi suy nghĩ như vậy khi nhắc tới Nguyễn Du với Thiên hạ hà nhân.

Từ Uyên

18 tháng 05 2020