Bàn thờ của tôi lúc này là giường của người bệnh

(Viết để riêng tặng các bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, y tá, y công đang là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống đại dịch)

Trong trận đại dịch này. Riêng tại Ý, số các linh mục chết vì đại dịch là 67 người. (Theo Paris Match số ra ngày 25-03) Số các bác sĩ cũng khoảng 100 theo đài CNN ở Montreal. Đó là những cái chết mà trong nỗi xúc cảm bình thường, có người gọi các bác sĩ của họ là những người anh hùng, người theo tôn giáo gọi các linh mục là thánh Tử Đạo. Dù gọi là gì đi nữa, họ đáng được vinh danh sau này sau mùa đại dịch.

 Nghĩ tới những con người ấy đã chết và những người đang hoạt động trong tuyến đầu mặt trận mà tôi viết bài này.

 Có một điều đặc biệt nên nói. Hầu như các nhà thờ trên toàn thế giới không có tiếng chuông. Không có thánh lễ ngày chủ nhật. Khung cảnh buồn hiu. Trên cây thập giá. Chẳng hiểu Chúa ở trên kia nhìn xuống có thấy buồn không?

Hình như có một điều gì dó xem ra không hiểu được. Một cụ già nay đã 103 tuổi cho biết suốt cuộc đời- ngay cả thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất- cũng không bao giờ chứng kiến cảnh này.

Phải chăng đây sẽ là bi kịch lớn nhất của thế kỷ này mà con người cảm thấy mình bất lực, trơ trọi và cô đơn?

Nhưng ở ngay trung tâm của trận dịch xem ra vẫn lóe lên một niềm hy vọng và mời các anh chị đọc mẩu chuyện sau đây như một trấn an và một niềm an ủi.

Cách đây hơn một năm, đúng ra là ngày 15/12 năm 2018 thì cộng đoàn giáo phận Reggio Emilia-Guastalla là một ngày vui. Cộng đoàn này chỉ là một tỉnh nhỏ với số dân 15000 người,  trước đây còn thuộc Milan, sau được tách ra. Nó như một mọi phần đất nào trên đất Ý cũng đều có nhiều di tích lịch sử.

Câu truyện tôi kể ngày hôm nay có thể có một ngày sẽ trở thành một địa danh. Nào ai biết được.

 Bởi vì cộng đoàn này họ vừa đón nhận thêm một tin vui. Họ có thêm một tân linh mục. Vào lúc 6 giờ chiều hôm đó, Giám mục Massimo Camisasca đã đặt tay lên đầu một vị phó tế Alberto Debbi.

 Và kể từ nay. Ông là linh mục.

Câu chuyện của ông cũng chỉ là bình thường. Đã bao nhiêu người đã “đỗ cụ” như thế. Khác là người ta đỗ tú tài, ông đỗ cụ. Nhưng hành trình đi đến chức linh mục của Alberto Debbi tôi phải thú nhận là ngòng nghèo, đặc biệt.

 Không một ai chờ đợi ông như thế.

 Có thể ngay cả cha mẹ ông, nhất là người đời theo lẽ thường tình. Nhưng cái không chờ mà đến vẫn là cái đẹp nhất trên đời này!!

Bởi vì năm nay ông đã 42 tuổi.  Nhiều lẽ bởi vì lắm.

 Người theo đạo thì gọi ông một cách trọng vọng là một ơn gọi độc đáo và duy nhất. Chúa ban cho.

Hành trình từ tấm bé đến lúc 42 tuổi

Alberto Debbi sinh năm 1976, con thứ tư trong một gia đình có 6 người con. Đứng thứ tư trong gia đình.  Năm 18 tuổi, cha ông qua đời sau một cơn bệnh nặng..Sau biến cố đau thương này như xoay chuyển cuộc đời Alberto. Ông quyết định học Y khoa để ra giúp đời, giúp những người đau đớn vì bệnh tật.

Học y là để cứu người. Tôi chắc là Alberto đã nghĩ như thế.

 Và chưa bao giờ ý nghĩa trang trọng ấy được tôn vinh như hơn bao giờ hết, như lúc này. Ý nghĩa cao đẹp đôi khi chỉ các người trẻ ấy mới thấm đậm hết ý nghĩa được trong tình huống này. Chứ không chắc hẳn là “người thân” biết được. Nhiều người thân đã vinh danh họ một cách không đúng chỗ chẳng khác gì hạ thấp họ xuống.

Người lính chỉ ra trận mới biết được ai là lính lính thiệt!!!

Alberto bắt đầu theo học y khoa tại đại học Modena. Sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục học nội trú. 2005, anh ra trường.

Như nhiều bác sĩ khác. Anh làm nhiều nơi. Khi thì ở bệnh viện Scandiano. Khi ở khu cấp cứu của Castelnovo Monti. Rồi cuối cùng anh làm ở khoa phổi ở Sassuolo cũng thuộc Modena.

Tổng cộng tất cả những năm tháng này khoảng 7 năm. Và cũng như nhiều bác sĩ trẻ cùng lứa tuổi, anh có bạn gái và đã đi đến quyết định tối quan trọng là kết hôn.

Rất tiếc là tôi không tìm ra được tấm hình nào của bạn gái Alberto. Nhưng ngoài tình yêu dành cho người bạn gái. Có một tiếng gọi khác réo gọi từ bên trong.

Tôi mường tượng ra cuộc xung đột quả là gay go lắm. Đầy bi kịch cũng có? Có những đêm trắng? Chỉ có điều, từ góc độ con người, chọn lựa này có thể làm cho anh có cảm tưởng không trọn vẹn. Tôi không dám nghĩ xa nữa trong sự tôn trọng những quyết định cuối cùng của anh.

Nhưng theo lời tâm sự của anh thì anh đã có một người bạn gái đầy lòng độ lượng, chia xẻ về mong muốn của anh muốn vì người khác thay vì mình. Và cả hai đã đồng ý một thời gian phân định vào năm 2011.

Alberto chia xẻ: “ Nó có vẻ như là mâu thuẫn, nhưng “ bước căn bản chính là, qua tình yêu của vị hôn thê của tôi, tôi nhận ra rằng có một Tình yêu lớn hơn mà tôi được mời gọi đến với tình yêu đó.”.

Hành trình làm linh mục

Quyết định đã xong. Chia tay. 2012, Alberto tham dự năm dự bị của chủng viện như một thử thách đầu tiên và vẫn tiếp tục làm việc ở bệnh viện. Dến tháng 09/2013, anh đã quyết định nghỉ việc tại bệnh viện và tiếp tục theo học Triết và thần học tại Đại chủng viện.

Đây không phải là những năm “ dạo chơi” “cưỡi ngựa xem hoa” mà đầy thử thách như thể một thời gian “ huấn nhục” về độ quyết tâm, kiên cường và rèn luyện sức mạnh tinh thần.

Trong hai năm cuối cùng, thầy Alberto đã ra ngoài giúp các sinh hoạt bác ái cùng với các người trẻ..

Ngày 27-5-2017, thầy Alberto được lãnh chức phó tế.

Trước ngày chịu chức linh mục, cha Abelto chia sẻ: “ Tôi đặc biệt muốn là một người hy vọng.. Một hy vọng không kết thúc với bệnh tật và cái chết…Tôi tin rằng linh mục ỡ giữa dan và vì dân, dấn thân để đưa để đưa con người tới gần Thiên Chúa…Đó là tất cả ân sủng và chúng ta càng trở nên nhỏ bé, thì Chúa càng có thể hành dộng khi sử dụng chúng ta.”:

Bài viết của tôi đã lấy tựa đề: Bàn thờ của tôi lúc này là giường của bệnh nhân mang đầy đủ ý nghĩa trọn vẹn. Làm linh mục là để cứu đời, làm bác sĩ là để cứu người. Còn có gì đẹp hơn trong hai tước vị đó ở đời này.

Lm Alberto đã rời nhà xứ để quay trở lại hành nghề bác sĩ  ngay từ trung tuần tháng hai. Cho đến lúc này , không biết số phận của cha như thế nào? Hy vọng là cha đã qua khỏi cơn đại dịch. Mong thay.

Chú thích:

  • Ở phạm vi cá nhân của tôi, tôi vẫn trước sau nhìn vấn đề đại dịch trong chiều kích tương quan đối đãi giữa con người và thiên nhiên. Như trong các bài Lẽ Trời, Lẽ Người. Cuộc chiến toàn cầu giữa con người và thiên nhiên… Sự tranh giành giữa thiên nhiên và con người. Thiên nhiên có quy luật của nó. Như trong trận đại dịch này, hầu như quy luật của sự tiến hóa với cái mà Darwin gọi là Selection naturelle đang được áp dụng triệt để. Già là bị thải loại. Cao sang thì ta tự gọi là Mệnh Trời. Hèn hạ thì ta đổ cho Số. Tôn giáo thì ta đổ cho Nghiệp hay Ý Chúa.  Nhưng chính các thành tố miễn nhiễm trong cơ thể con người cũng bị già cội theo. Lính già gác cửa sao chống lại được Virus bên ngoài xâm nhập? Trận dịch này nằm trong quy trình của luật tiến hóa. Chỉ đơn giản có vậy. Trời kêu ai người nấy da. Amen.
  •   Bài viết này cảm hứng từ Bản tin của Hồng Thủy. Đài Vatican. Ngày 05-tháng một 2019).

Cập Nhật Tin COVID-19

Nhận tin tức mới nhất, lời khuyên về phòng ngừa, giải đáp câu hỏi về COVID-19.

CẬP NHẬT COVID-19 (CANADA)

Bài Liên Quan

X