Cách đây khoảng 40 năm, hơn một triệu người Việt bỏ xứ ra đi trên những ghe thuyền mong manh để tìm tự do. Những hiểm họa của hành trình này ai cũng biết rõ: chết đuối chết đói khát trên biển, bị hải tặc cướp và hãm hiếp, bị bắt bớ bởi công an, bị lừa và mất hết tài sản… Thế nhưng hàng triệu người thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội vẫn liều chết ra đi. Thuở đó có câu châm ngôn là:
- Con nuôi Má (tức là con trốn thoát ra ngoại quốc và gửi tiền về nuôi má)
- Con nuôi cá (tức là chết đuối trên biển)
Hay má nuôi con (tức là bị công an bắt vào tù, má phải thăm nuôi)
Quả thật, 25% những thuyền nhân, từ 250.000 đến 500.000 người đã tử nạn trên đường tìm tự do.
Đây là một cuộc di dân vĩ đại nhất trong thế kỷ thứ 20 và cũng đặc biệt nhất. Trong khi những cuộc di tản khác trên thế giới xảy ra vì chiến tranh bom đạn, vì nạn đói hoành hành, thì người Việt tự do lại bỏ nước ra đi trong lúc quê hương được “thanh bình”. Trong suốt cuộc chiến tranh Quốc cộng máu đổ thịt rơi, người dân miền Nam vẫn bám víu quê cha đất tổ, để kiên trì chiến đấu cho tự do, cho dân tộc. Nhưng một khi chiến tranh chấm dứt, khi thế giới thở phào, thì người Việt lại ồ ạt ra đi! Họ ra đi không phải vì sợ bom đạn, không phải vì chết đói (tuy rằng tình trạng kinh tế lúc đó rất bi đát), họ ra đi vì họ tuyệt vọng, vì không có tương lai, vì không có quyền làm người, vì không có tự do. Họ ra đi không phải để cầu an. Họ ra đi mặc dù biết là có 25% rủi ro sẽ chết trên biển.
Đó là một quyết định thật liều lĩnh có thể nói là táo bạo. Đúng là lao vào chỗ chết để đi tìm sự sống.
Thử tưởng tượng ngày nay, nếu tại quốc gia chúng ta định cư, có đảo chính và độc tài cộng sản lên nắm quyền, có bao người dám thanh toán tài sản, đưa gia đình ra đi mặc dù biết có 25% hiểm hoạ sẽ chết? Có mấy ai dám làm? Nhìn từ khía cạnh này chúng ta mới thấu hiểu được nỗi tuyệt vọng và sự can đảm của các thuyền nhân.
Trong lịch sử Việt Nam, cách đây hơn 700 năm, anh hùng Trần Bình Trọng đã thốt lên:
“Thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc” khi quân Nguyên dụ dỗ chiêu hàng. Với tinh thần bất khuất ấy, hàng triệu Trần bình Trọng của thế kỷ thử 20, già trẻ lớn bé, đã ồ ạt ra đi với tâm niệm, tuy không nói ra nhưng rất kiên quyết: “Thà làm quỷ đại dương, còn hơn sống trong “thiên đường”cộng sản”.
Nhờ lòng quyết chí, nhờ những hy sinh vô cùng lớn lao của các thuyền nhân, hàng triệu người Việt đã tìm được bến bờ tự do. Con cháu của họ, như những giống tốt nẩy mầm trên đất lành, đã thành công trên mọi lãnh vực trong quê hương mới. Nhưng những thành tựu hội nhập ấy đã làm quên đi phần nào trang sử kiêu hùng của tiền nhân 40 năm trước. Một mặt, các tay sai CSVN luôn dùng thủ đoạn xóa bỏ lý tưởng tự do của chúng ta, hầu biến chúng ta thành những dân tị nạn kinh tế, đang chết trôi trên biển, được cứu vớt bởi lý do nhân đạo. Một mặt khác, chúng ta cũng có lỗi là không giải thích ngọn ngành cho các con em ý nghĩa của cuộc vượt biên lịch sử đó.
Mỗi cộng đồng muốn trường tồn, muốn đoàn kết phải có những tiền sử chung, những giá trị tinh thần cùng chia sẻ và cùng tuyên dương. Chỉ khi nào các con em chúng ta cảm thấy TỰ HÀO về tinh thần bất khuất của thuyền nhân thì nền tảng của các cộng đồng người Việt tự do mới vững chắc. Xin đừng quên những Trần Bình Trọng của 40 năm trước đã chống chọi với tử thần trên đại dương để mở đường tự do cho bao thế hệ.