Một chuyến vượt đại dương

Nguyễn Hữu Huấn

Một lần nữa tôi trở lại Singapore. Cái quốc gia nóng nực, chật chội và nhỏ bé không đủ gây trong tôi những xúc động nào đó mỗi khi tôi trở lại. Có chăng là những kỷ niệm của 3 tháng sống trong trại tỵ nạn, sau 4 ngày lênh đênh trên biển cả và được tàu Nhân Đạo CAP ANAMUR I cứu sống vào tháng đầu năm 1980. Chỉ một năm sau, tôi trở lại thành phố này với một trạng thái khác, với những bồi hồi xúc động đặc biệt xen lẫn chút ít kiêu hãnh trong một công tác đặc biệt : tháp tùng tàu CAP ANAMUR trở lại biển Đông tìm kiếm và cứu vớt thuyền nhân Việt Nam vượt biển tìm Tự Do. Cũng từ ngày đó, tôi đã được công nhận trở nên một thành viên của Ủy Ban CAP ANAMUR, một danh xưng mà mãi đến bây giờ trên thế giới vẫn xưng tụng rằng : CAP ANAMUR – một biểu tượng Nhân Đạo của thế kỷ thứ hai mươi.

CAP ANAMUR chỉ là tên một cảng nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trên bờ biển Địa Trung Hải và tự nó không mang một ý nghĩa gì. Người ta đã đặt tên nó cho một chiếc tàu bình thường cũng như những con tàu hàng khác. Nhưng nhiệm vụ Nhân Đạo cao cả của nó đã làm vang danh tên CAP ANAMUR trên thế giới. Từ một “Ủy Ban Một Con Tàu Cho Việt Nam” (1979) đến “Ủy Ban Các Bác Sĩ Cấp Cứu Đức” (1981) và sau cùng, khi con tàu CAP ANAMUR I bị ép buộc phải chấm dứt nhiệm vụ trở về cảng mẹ Hamburg (1982) mang theo 258 thuyền nhân VN – sau khi đã cứu vớt tổng cộng 9.507 thuyền nhân Việt Nam trong 3 năm – thì Ủy Ban đã đổi tên thành “Ủy Ban CAP ANAMUR”.

Tàu Nhân Đạo thứ hai này mang tên đăng bộ REGINE, nhưng đã được gọi là CAP ANAMUR II – nối tiếp CAP ANAMUR I – tiếp tục sứ mạng Nhân Đạo cao cả của mình, và tôi trở lại Singapore để kịp chuyến hành trình cứu người ngoài biển Đông.

Khác hẳn với 4 năm trước, ngoài những nỗi xúc cảm tràn đầy được tìm về lại với Quê Hương Việt Nam, cho dù vẫn còn xa khơi, để được thấy tận mắt người dân mình mang đầy nỗi đớn đau vẫn còn hiển hiện trên nét mặt khô cằn, bờ vai nặng trĩu đau thương, được nhìn lại hình ảnh của chính mình cũng trên những chiếc thuyền sông nhỏ bé chật ních người, bất chấp hiểm nguy và sau cùng được đóng góp như một hạt cát nhỏ bé trong cả một sa mạc thể hiện tình người, tình đồng hương máu đỏ da vàng – tôi còn mang theo trong tâm tư môt chút hãnh hiện của một kẻ ra đi làm chứng nhân cho những cuộc hành trình vô tiền khoáng hậu của Dân Tộc tôi trên bước đường đi tìm một Tự Do thật sự.

Trong suốt cuộc hành trình, tôi đã thấy những khuôn mặt hốc hác xanh xao vẫn còn lo sợ khi vừa được vớt lên tàu, những khuôn mặt Việt Nam thật là Việt Nam, những khuôn mặt chưa xóa bỏ kịp những nhục nhằn khổ ải vì mới chạy thoát khỏi tù đầy chưa đến 30 tiếng đồng hồ. Tôi biết bên tôi còn có 358 người Việt Nam vừa được cứu sống trong chuyến đi của tôi và cả thủy thủ đoàn trên tàu. Họ là người Đức, người Ba Lan, người Thổ Nhĩ Kỳ. Thủy thủ đoàn vỏn vẹn 8 người, 3 quốc tịch, thì có đến 3 người trước kia cũng là dân tỵ nạn. Họ trốn từ Đông Đức, từ Ba Lan và họ cũng là những chứng nhân bên tôi, vì họ cũng đã nhìn thấy hình ảnh của chính họ khi vượt trốn qua bức tường ô nhục năm nào. Tôi chợt thấy mình hăng hái và tự tin hơn nữa….

Trong 6 tuần lễ lênh đênh trên biển Đông, chúng tôi đã cứu được 8 ghe vượt biên với 358 thuyền nhân Việt Nam. Lớn tuổi nhất 66, nhỏ nhất chỉ 17 ngày. Ghe đi lâu nhất 5 ngày, ghe sớm nhất chỉ 20 tiếng đã được cứu sống và biển động có khi lên đến cấp 8….Tôi được thấy tận mắt những giọt nước mắt mừng rỡ không ngăn kịp khi tôi vừa bước lên chiếc ghe nhỏ của những con người Việt Nam ấy. Trong chuyến đi này, tôi cũng không đơn thân độc mã trong khi thi hành nhiệm vụ vì có sự tiếp tay của hai anh Dương Phục và Nguyễn Tất Hiền thuộc Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Việt Biển từ Hoa Kỳ sang. Hai anh đã không nề hà bất cứ công việc gì để phụ tôi săn sóc đời sống cho 358 người Việt trên tàu. Thật ra phải nói rằng 361 người tỵ nạn mới đúng – như tôi thường nói với vị thuyền trưởng như thế – vì cả 3 anh em chúng tôi cũng đã từng lênh đênh trên sóng gió hãi hùng, cũng giáp mặt với bọn hải tặc dã man, cũng đã gào lên những tiếng thét cầu cứu não nề. 358 người Việt vừa được vớt lên không khác cha mẹ chúng tôi, là cô bác chúng tôi, là anh chị chúng tôi, là những đứa em chúng tôi và là những người con yêu quý của chúng tôi. Chúng tôi có cùng một nhịp tim với nhau, nhịp tim của cùng một giòng máu Việt Nam. Cũng chính vì cùng một nhịp tim đó, tôi đã kêu gọi tất cả mọi người trên tàu sống và đối xử với nhau sao cho xứng đáng mình là giòng giống Việt Nam, cho dù ngày tháng lênh đênh trên tàu dài lê thê không đầy đủ tiện nghi cho đến khi tàu cập bến. Mỗi người trên tàu đều có một trách nhiệm cho nhau. Toán nấu cơm ngày 3 bữa, toán vệ sinh trên boong và hai bên tàu, mỗi tuần hai lần tổng vệ sinh, toán trực quan sát phụ với tôi để tìm kiếm ghe vượt biển, toán thông dịch phụ giúp nhân viên y tế săn sóc sức khỏe đồng bào, thậm chí có cả ban văn nghệ, ban múa và đầu lân. Tất cả sống cùng một nhịp sống, chia sẻ vui buồn trong suốt lộ trình dài hơn 3 tháng cho đến khi trở về cảng Hamburg.

Giai đoạn đầu khi tàu còn trong vùng tìm kiếm, vì được lệnh kéo dài thời gian nên lương thực bị thiếu hụt, các bình “gaz” nấu ăn cũng cạn dần, ngoại trừ gạo. Một quyết định nhanh chóng của Ủy Ban : mua cá tươi ngay trên biển Đông, đồng thời câu ghe vượt biên lên tàu mỗi khi vớt được để chẻ ra làm củi nấu ăn. Thế là có các toán đặc trách mua cá, toán làm cá, toán chẻ củi được thành lập. Cưa, đục, búa… được xử dụng tối đa.Tôi đã bắt gặp những khuôn mặt não nề, những đôi mắt rưng rưng ngấn lệ của người dân nước tôi đứng nhìn chiếc ghe của mình đang bị chặt thành những mảnh vụn làm củi hay đang bốc cháy bừng bừng, rồi dần dần chìm hẳn xuống lòng đại dương, cuốn theo biết bao nhọc nhằn bôn ba cho những tháng ngày toan tính vượt biển đã qua. Mỗi chiếc ghe là một hình ảnh của Quê Hương, mỗi chiếc ghe là một linh hồn của gia đ́nh….

Thôi ! ngậm ngùi bỏ lại tất cả, tiếc thương chăng là tiếc thương những thân thuộc ruột thịt, anh em, bè bạn bị bỏ lại đằng sau trên bước đường tẩu thoát. Lòng tôi như co quắp lại khi nghe câu nói đầu tiên của một anh tài công vừa được cứu vớt : “Vợ con em bị lọt lại khi lên cá lớn, không biết bây giờ ra sao ? Bị bắt hay chết ngoài cửa biển….” Tôi nhìn thấy biết bao đôi mắt đỏ hoe, nước mắt tràn trụa ngay mũi tàu, nơi được dùng làm nhà bếp. Dân tôi đã khóc không những vì mấy tấm ván trát đầy dầu chai đen đủi được xẻ ra làm củi nấu cơm, mà cũng đang khóc vì biết rằng mình đã được cứu sống khi thần chết gần kề, vì biết rằng mỗi một phút qua đi là một chút nhích xa quê hương thêm một đoạn đường, để rồi nhắm mắt nuốt đi cơn hận thù.

Mua cá tươi  –  không phải đơn giản như người ta nghĩ. Phải làm sao tìm gặp được những ghe đầy cá đang trên đường trở về bến, ghe không neo lại vì tàu lớn không cặp gần được và quan trọng nhất là ghe phải đi riêng lẻ, không theo hợp đoàn. Những ngư phủ  Việt Nam – Bắc Trung Nam có cả. Họ hỏi tôi những câu thăm dò: “Anh người Việt Nam hả ? Tàu anh chạy đi đâu ? Cho tôi gởi theo thằng nhỏ này nghe…..? “. Tôi nhìn họ chăm chăm,  một thoáng nghi ngờ, một chút thương tâm. Có tiếng nói của một thanh niên đang đứng sau tôi : “Tụi này là công an biên phòng giả dạng đánh cá đó ! Chúng nó  bắt được bọn em  là đời bọn em tàn luôn !!! “. Tôi yên lặng, cái yên lặng của một căm hờn câm nín…Một giỏ táo xanh, vài cây thuốc lá “Marlboro” từ trên tàu bỏ xuống, rồi từng giỏ cá hồng, ca đao…kèm theo tiếng vỗ tay la hét  từ chếc ghe đánh cá phía dưới được kéo lên. Tôi thu góp tiền Việt Nam mà đồng bào mang theo phòng thân trên đường chạy trốn. Hàng bó tiền vô giá trị ấy cũng được ném xuống theo….mua bán không cần trả giá, như một chút gì trao đến niềm an ủi nhỏ bé và dân tôi trên tàu có được thêm chút thức ăn tươi mát.

Có hai ngư phủ lợi dụng trong lúc bán cá đã đu dây lên tàu Cap Anamur. Tôi yêu cầu họ xuống, trả họ về với chiếc ghe đánh cá của họ. Họ là ai ?  Là những người thực sự đi tìm Tự Do hay với một ý đồ nào khác ? Cái gì sẽ đến với họ khi họ trở về bến đậu ? Tôi không tìm ra được câu trả lời cho chính tôi. Tôi cầm loa nói với họ rằng : “Các anh muốn đi với chúng tôi thì cả 8 người các anh phải đồng ý để chúng tôi đục chìm ghe…..Còn không thì bán cá xong, xin các anh cho ghe chạy đi ! “. Ngay lúc đó tôi thấy ba bốn người xúm lại to nhỏ với nhau bàn bạc, rồi bỗng có tiếng máy nổ, có tiếng hô chặt giây và chiếc ghe từ từ tách khỏi con tàu. Cám ơn các anh đã cho tôi một lối giải quyết nhanh chóng nhất. Nếu các anh thật sự là người “bên kia”, các anh hãy trở về với cái mà các anh vẫn gọi là “thiên đàng” của các anh, vì chúng tôi không thể sống được với cái “thiên đàng” đó. Nếu các anh thực sự có cùng một tâm tư, cùng một hoài vọng như chúng tôi, thì xin Trời Phật phù trợ cho các anh trở về đất liền được an bình và xin các anh hiểu cho chúng tôi, vvì luật lệ vẫn là luật lệ.

Tàu được lệnh chấm dứt công tác, trở về Singapore. Tiến Sĩ Rupert Neudeck, người sáng lập Ủy Ban CAP ANAMUR lên tàu, mang theo những nỗi khó khăn vì các quốc gia Tây phương không muốn nhận thêm người tỵ nạn nữa, cho dù họ đã được tàu vớt. Chính quyền Phi không cho phép 358 thuyền nhân trên tàu xuống nhập trại tỵ nạn. Canada hứa nhận 100 người, đến phút chót vẫn không có một văn bản. Úc bác bỏ lời kêu nài nhận thêm người của Ủy Ban và Hoa Kỳ đến giờ phút này cũng vẫn im hơi lặng tiếng. Mọi người trên tàu hoang mang lo lắng. Dân nước tôi bỗng nghi ngờ và ngạc nhiên trước thái độ của các quốc gia mang danh Tự Do. Một vài người đã bi quan nghĩ đến việc sẽ bị gởi trả về Việt Nam vì không quốc gia nào nhận nữa…. Người ta lơ là và chối bỏ một sự thật hiển nhiên là dân tôi thà chết hơn là sống trong cảnh bị áp bức tù đầy. 358 người dân nước tôi vừa được cứu thoát, nay đang bị họ tìm cách làm tiêu tan đi những y vọng mong manh được đến vùng đất hứa của Tự Do. Một thanh niên trong nỗi thất vọng tận cùng đã tự nhào xuống biển Singapore tìm cái chết, bỏ lại người vợ hiền và hai cháu bé. Không biết lúc này thế giới đã bừng tỉnh lại hay chưa ?……. Các anh Dương Phục, Nguyễn Tất Hiền và tôi vừa từ phố trở về tàu, nghe hung tin trong bàng hoàng xót xa. Tôi đã nói với một ký giả Tây Phương rằng : ” Vâng ! Con tàu CAP ANAMUR này đã cứu sống anh ấy và đến bây giờ nhiều quốc gia trên thế giới đã giết chết anh…” Thế rồi Tiến Sĩ Rupert Neudeck đã đi đến quyết định tối hậu : trực chỉ cảng mẹ Hamburg với 357 người còn lại. Đó là ngày 25.7.1986. Cuộc hành trình sẽ kéo dài khoảng 6 tuần, vượt qua Ấn Độ Dương, thẳng đến phía nam Châu Phi, băng qua biển Đỏ, xuyên kinh đào Suez, đi dọc bờ biển Tây Ban Nha, tiến lên phía Bắc….Hơn 18.000 cây số đường biển, con đường ngắn nhất Từ Singapore đến Hamburg, đoạn đường xa xôi diệu vợi của “357 người Việt Nam-Do Thái” đi đến vùng đất hứa, chắc chắn chứa đầy bão táp sóng gió của đại dương. Một chuyến hải hành không hẹn đối với dân tôi trên tàu. Nhưng còn cách nào hơn nữa ? Như vậy có nghĩa lại một lần nữa, con tàu CAP ANAMUR lại bị những áp lực có chủ ý bắt buộc phải quay về và chấm dứt công tác Nhân Đạo của mình.

Hai anh Dương Phục và Nguyễn Tất Hiền cũng chia tay từ giã trở về Hoa Kỳ khi tàu cập bến Singapore. Những giọt nước mắt tiễn đưa của tình đồng hương, biết bao giờ gặp lại nhau hả hai anh ? Cám ơn hai anh đã thổi vào lòng bà con mình những luồng hơi ấm và tình tự Dân Tộc khi họ vừa chân ướt chân ráo được cứu vớt lên tàu. Cám ơn hai anh đã thu vào ống kính những khuôn mặt, những lời nói chân thành nhất của bà con mình để chứng minh cho mọi người biết đến tất cả sự thật hàng ngày diễn ra ngoài  biển Đông này. Xin gởi hai anh một chút gì đó của Quê Hương mình, chúng ta sẽ gặp lại nhau một ngày nào đó, xây dựng lại con đường Tự Do, bồi đắp thêm con đường Công Lý của Sài Gòn thưở nào…. Và rồi tôi ở lại một mình cùng với bà con trên cuộc hành trình về Hamburg. Hàng chục bao đường, hàng trăm bao gạo, từng thùng trái cây, nước mắm, đồ hộp, thịt đông lạnh với hàng chục thùng quần áo do người Singapore hảo tâm sửa soạn cho cuộc hành trình mà đối với bà con đó là cuộc hành trình có một không hai trong đời người.

Thế có nghĩa là đại đa số trong 357 người dân tôi sẽ định cư tại Đức và chính phủ Đức “bắt buộc” phải tiếp nhận số người này, vì họ đă được một con tàu mang quốc tịch Đức cứu vớt, chủ tàu là người Đức và cảng mẹ cũng trong nước Đức. Các tiểu bang trong nước Đức có trách nhiệm san sẻ cưu mang họ và công nhận họ là những người tỵ nạn thực sự. Tất cả 357 người không ai nói và hiểu được tiếng Đức, may ra được vài ba người biết sơ qua về con người và xã hội của Đức qua sách vở. Mỗi tối, tôi đã trò truyện với họ ít nhất hai giờ đồng hồ về quốc gia mà họ sắp đến sinh sống. Từ luật lệ giao thông, trợ cấp xã hội, bảo hiểm xã hội, đến phong tục tập quán, thời  tiết, hệ thống giáo dục, lao động và ngay cả đến những tiết mục giải trí. Tất cả đối với mọi người đều mới lạ, thậm chí có người không tin, hay cho tôi là “lòe thiên hạ !.”. Tôi biết, nhưng chỉ mỉm cười và vẫn tiếp tục hăng say trong nhiệm vụ của mình : nào là cách mở một trương mục, cách xử dụng điện thoại công cộng đến hệ thống lò sưởi trong nhà…và tôi cảm thấy vui thú nhất trong những thời gian này. Có đến 5 lớp dạy Đức ngữ được tổ chức trên tàu. Những ngày đầu tiên đông nghẹt “học trò”, dần dần chỉ còn vài chục. Điều này không lạ cho lắm vì bà con bây giờ mới biết tiếng Đức thật là “khó nhai”, đúng như lời đồn. Thêm vào đó là những chuỗi ngày sóng ngang gió ngược, con tàu lắc lư như chiếc lá trôi trong bão táo của Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.

Phải mất đến hơn 2 tuần lễ mới vượt qua Ấn Độ Dương. Ngày 11.8.1986 tàu chạy dọc theo bờ biển nước Somalia, Phi Châu. Những dãy núi trơ trọc dưới sức nóng thiêu đốt như cháy da  thịt, nhiều người đã chen chân phía trái tàu để xem. Một thanh niên vừa cười vừa nói với tôi : “Dễ gì mà đi đến tận Phi Châu này phải không anh ?”. Tôi nghĩ, dân tôi lưu lạc khắp nơi trên quả địa cầu này, nơi nào có người Việt Nam, nơi đó có một Quê Hương Việt Nam thu gọn, có tiếng nói Việt Nam, có ngọn cờ Việt Nam bay phất phới… Lúc này biển bắt đầu dịu lại, chẳng bù cho thời gian vượt Ấn Độ Dương. Dân tôi đã nửa khóc nửa cười lần mò di chuyển từng bước trên tàu như người say rượu theo nhịp tàu lắc lư quá độ. Những mẹ già, các thiếu nữ say sóng nằm la liệt, ói mửa quanh tàu, thậm chí có người không ăn uống gì nổi trong 2 ngày liền. Tôi mang đến cho bà con mình những trái chanh tươi, khả dĩ xoa dịu phần nào những cơn say sóng dữ dội. Mọi người co ro suốt ngày trong hầm tàu, từng đống chai lọ rơi đổ ngổn ngang mỗi lần thân tàu bị sóng dập mạnh. Anh  chị em còn khỏe thì vừa nấu bếp vừa nhảy theo nhịp sóng  lắc lư của con tàu. Tôi không thể ngờ được sức chịu đựng  dẻo dai của mỗi người dân tôi. Ý chí và lý tưởng Tự Do đã khiến dân tôi sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn trở ngại.  Con tàu vẫn lạnh lùng chạy vào biển đỏ và nhiệt độ lên đến 43 độ C. Vài em bé hỏi tại sao nước vẫn xanh mà gọi  là biển đỏ…? Chúng tôi nhìn thấy hàng chục dàn khoan dầu của Vương Quốc Á Rập cháy sáng đêm ngày (19.8.1986).

Ngày hôm sau tàu chạy đến kinh đào Suez. Tôi báo cho bà con biết là người Ai Cập sẽ kéo lên tàu mình và ở trên tàu cho đến khi tàu chạy ra khỏi kinh Suez. Họ là những con buôn, kể cả các viên chức quan thuế, an ninh hay hướng dẫn viên. Họ bày bán mọi loại đồ giả, kể cả đồng Mỹ Kim giả. Vì lý do đặc biệt, thuyền trưởng yêu cầu mọi người trên tàu giữ kỹ đồ đạc của mình, kể cả giày dép đến quần áo. Các phòng của thủy thủ đoàn và nhân viên của Ủy Ban đều được yêu cầu khóa kỹ lưỡng. Một kỷ niệm khó quên : người Ai Cập dùng thang móc, tự ý leo lên tàu (lúc ấy tàu di chuyển thật chậm khi chạy vào kinh Suez). Họ bày hàng bán ngay trên boong tàu như trong chợ trời. Đây đó có tiếng cãi vả qua lại của người bị mất trộm…Chẳng biết lỗi tại ai, chỉ biết rằng…”vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn…”, mọi người vẫn cười đùa thoải mái như một phút tiêu khiển cho cuộc hành trình chẳng đặng đừng này. Trong thời gian này, nhiều phóng viên báo chí quốc tế cũng theo lên tàu. Họ chụp hình, phỏng vấn liên miên và tôi bôn ba mồ hôi ướt đẫm, khan cả giọng làm nhiệm vụ chỉ dẫn và thông dịch viên. Họ đã chứng kiến cuộc sống của dân tôi trên bước đường tỵ nạn. Họ đã có dịp thưởng thức những giọng hát không chuyên nghiệp nhưng thuần túy Việt Nam… để rồi chỉ vài ngày sau đó, tuần báo “”Die Zeit”” -một trong những tờ báo lớn và rất uy tín của Đức- đã dành hai trang để viết về thuyền nhân Việt Nam rằng : : “…câu chuyện có thật về lòng Nhân Đạo và rất dễ hiểu khi người Đức đã gởi đi một con tàu để cứu vớt các thuyền nhân Việt Nam tại biển Đông.”.

Cũng trong dịp này, tiến sĩ Neudeck trở lên tàu để thăm hỏi bà con mình. Lời đầu tiên ông nói : ”Từ nước Đức, tôi mang đến cho các bạn, những người Việt nam đau khổ một tin vui, chính quyền Đức sẽ đón nhận các bạn trong vòng tay nhân ái và các bạn sẽ được đón tiếp thật nồng nhiệt và tưng bừng tại cảng Hamburg. Chúng tôi đã có sẵn rất nhiều quà bánh dành cho các cháu bé”… Từng giọt nước mắt rưng rưng, hằng loạt tiếng vỗ tay lấn át luồng gió nóng, dân tôi cảm động và biết ơn. Những cánh tay giơ cao như những bó hoa chân thành gởi về nước Đức khi tiến sĩ Rupert Neudeck và các phóng viên báo chí rời tàu tại cảng Port Said – trạm cuối cùng của kinh đào Suez…Tàu đã chạy qua hơn nửa đoạn đường và hôm nay, ngày 22.8.1986, tàu bắt đầu băng qua biển Địa Trung Hải.

Cơn nóng của Phi Châu đã từ từ hạ dần và chung quanh chỉ là biển nước mênh mông. Vài cánh hải âu bay theo từng đàn cá mập bơi đùa trước mũi tàu như thách đố. Mãi đến năm ngày sau trên tàu mới nhìn thấy bờ đất lền từ xa xa. Đây là bờ biển nước Ý. Trong thời gian này, thuyền trưởng Claus Heinrick và cũng là chủ nhân con tàu, có nhã ý mời tất cả bà con đi quan sát mọi nơi trên tàu. Từ đài chỉ huy đến phòng máy, phòng của thủy thủ đoàn cho đến nhà bếp và phòng ăn. Một ngày thoải mái nhất và đầy mới lạ đối với dân tôi. Tôi cũng mời mọi người vào phòng riêng của tôi nghe nhạc Việt Nam quê hương trữ tình, chia sẻ những hộp nước ngọt, chia sẻ cho nhau những điếu thuốc nồng cháy tình người. Tôi được tặng những cánh hoa làm bằng giấy thật đẹp và không quên mang về như những an ủi cho một tâm hồn người Việt Nam xa xứ…. Tàu chuyển sang hướng Bắc chạy dọc theo bờ biển Bồ Đào Nha, qua nước Pháp rồi cập vào cảng Doves của Anh Quốc.

Tám nhân viên của cảnh sát và sở ngoại kiều của Đức lên tàu làm thủ tục tỵ nạn và nhập cảnh ngay trên tàu. Hàng chục phóng viên từ Đức, Hoa Kỳ, Pháp lại lăng xăng bận rộn hành nghề. Dân tôi suốt đêm không ngủ được vì đang hồi hộp chờ đợi những gì mới mẻ nhất sắp đến… Họ suy tư, tụm năm, tụm ba trò truyện bàn bạc không dứt… Năm giờ sáng ngày 05.9.1986, tàu ghé cảng Cuxhaven, cảng đầu tiên của nước Đức. Mọi người ùa ra chỉ trỏ hỏi thăm, những khuôn mặt tin tưởng và hân hoan hiện lên với từng người vì biết đã đến được đích lựa chọn, đã đến vùng đất của Tự Do và Nhân Quyền. Hàng chục thùng quần áo và giày dép mới tinh của hãng Otto Versand, hàng trăm gói quà tặng của hãng máy bay Lufthansa Đức… được chuyển lên tàu. Tôi hầu như kiệt sức để lo phân phát cho bà con mình.

Thế rồi cảng Hamburg quen thuộc với tôi đã hiện ra từ xa trước mắt. Rồi chúng tôi thấy được những cánh tay vẫy chào, những nụ cười tình người của hàng trăm người Đức đang đi dọc theo bờ sông Elbe, vùng Blankenese. Tháp nhà thờ Michael sừng sững, những tiếng reo hò chào đón hân hoan của hàng ngàn người Việt đã đứng sẵn tự bao giờ trên bến tàu. Tôi đã chảy nước mắt thật sự và dân tôi cũng bùi ngùi khôn tả. Thế mới biết tình đồng hương dạt dào biết bao ! Thế mới biết những khắc khoải của người Việt Nam xa xứ vẫn ấp ủ ngày trở về. Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn gần 4 tháng trời trên tàu đã được chia sẻ. Bao nhiêu gian nan đã cùng nhau đồng chịu đựng. Bao nhiêu nỗi niềm đã thố lộ cho nhau trong suốt đoạn đường dài và chúng ta đều là những người bị bắt buộc phải rời bỏ Quê Hương. Hãy tha thứ cho nhau những hiểu lầm đã được  thông cảm. Hãy đến với nhau vì chúng ta cùng chung một cảnh ngộ. Chuyến đi chấm dứt nơi đây, nhưng các nỗ lực vẫn còn và chúng ta hãy cùng nhau tranh đấu cho dân ta, cho nước ta và cho chính bản thân ta. Mẹ Việt Nam ơi ! chúng con vẫn còn đây ……

Nguyễn Hữu Huấn

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

183FansLike
0FollowersFollow
20SubscribersSubscribe

MỚI NHẤT

X