Chúng ta bắt đầu du khảo bằng viếng thăm cội nguồn văn hóa Việt trong bối cảnh Đông Nam Á. Tại đây các bạn sẽ tìm thấy bản sắc Việt[1] tức màu sắc nguyên thủy của người Việt thời cổ sử trước khi cộng sinh với văn hóa Trung Hoa. Đó là :
-
- Đời sống được mô tả trên trống đồng và thạp đồng,
- Phong tục tập quán thời Hùng Vương còn truyền lại đến ngày nay như Đạo Mẫu, lên đồng, bánh chưng bánh dầy, trầu cau, mặc váy…
Sắc thái văn hóa của Đông Nam Á
Là địa bàn cư trú người Indonésien và Malayo polynésien, vùng đất Đông Nam Á nằm giữa Ấn Độ – Trung Hoa. Sự hiện diện của các trống đồng cổ đào được ở Việt Nam, Lào, Miên, Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện, Nam Dương, Phi luật Tân, Hoa Nam là ranh giới tương đối của Đông Nam Á. Vùng này cỏ có một nền văn hóa-văn minh riêng biệt ở thời tiền sử với những đặc điểm sau :
-
- Về vật chất làm ruộng cấy lúa nước, dùng đồ kim khí thô sơ, giỏi bơi thuyền,
- Về xã hội coi trọng phụ nữ, mẫu hệ,
- Tôn giáo thờ vật hữu linh, thờ tổ tiên, thờ thần đất, hài cốt chôn trong chum vại,
- Thần thoại liên quan đến đối lập giữa núi- sông, phi cầm- thủy tộc,
- Ngôn ngữ đơn âm Môn Khme.
Trong địa bàn Đông Nam Á, văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ thời Hùng Vương nằm ở vùng trung du, lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả (2000 – 700 tr. CN), các đặc điểm văn hóa Đông Nam Á của người Việt còn nhận được qua :
-
- Ngôn ngữ Việt Mường, Việt Tày,
- Họa tiết trên trống đồng, thạp đồng,
- Huyền thoại (mythologie), huyền tích (légende), tín ngưỡng (đạo Mẫu), tập tục (ăn trầu, mặc váy),
- Nghề nông trồng lúa nước.
Tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ là trống đồng, thạp đồng tìm thấy nhiều nhất ở vùng Phú Thọ, Thanh Hóa. Vì vậy mà khởi đầu của du khảo là đến viện bảo tàng quan sát một di sản văn hóa cội nguồn của người Việt còn được ghi lại trên trống đồng, thạp đồng.
Thăm viện bảo tàng
Trống đồng và thạp đồng là hai cổ vật tiêu biểu nhất cho văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ trong vùng Đông Nam Á. Hai cổ vật này tìm thấy ở Việt Nam là của người Âu Lạc-Lạc Việt bằng cớ là :
- Lịch sử có ghi việc Mã Viện đã tận thu trống đồng của các thủ lãnh địa phương để đúc ngựa, cột đồng trụ và Hậu Hán Thư thì ghi : « Dân Giao chỉ có linh vật là trống đồng, nghe đánh lên họ rất hăng lúc lâm trận »,
- Hai cổ vật tiêu biểu này còn để lại dấu tích trên miền sông Hồng cho đến ngày nay là cái váy và cái khố khắc trên mặt trống đồng, lễ hội phồn thịnh biểu trưng bởi hình ảnh giao phối trên thạp đồng.
Trống đồng
Trống đồng vừa là nhạc khí vừa là biểu tượng quyền lực, tín ngưỡng, đời sống kinh tế, văn hóa… của người Việt cổ.
Dựa vào truyền thuyết và các hình chạm họa tiết trên đồ đồng như mặt trống Ngọc Lũ[2], một số nhà khảo cứu đã đưa ra những giả thuyết về tín ngưỡng tiền tam giáo của người Việt như sau.
Theo Madeleine Colani, người Việt xưa thờ Mặt Trời[3]. Các hình chạm trên mặt trống đồng thời Hùng Vương chứng tỏ điều đó : giữa mặt trống là hình Mặt Trời tỏa tia sáng để vạn vật (người, nhà, chim, súc vật…) quay chung quanh. Mặt Trời được coi như Thượng Đế, cha sanh muôn loài.
Tráí lại, H.Q.Quaritch Wales cho rằng hình chạm trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ biểu tượng cho đạo chaman của người Việt cổ xưa[4]. Hiện nay, đạo chaman[5] còn tồn tại ở vài nơi trong vùng Đông Nam Á như dân Torajas trên đảo Célèbes (Indonésia) hoặc còn để lại vết tích ở nhiều dân tộc khác. Dựa vào nhận xét đó, H.Q.Quaritch Wales giải thích như sau :
- Đoàn người đội mũ lông chim không phải là đoàn vũ công biểu tượng vật tổ Chim Hồng như giả thuyết của Goloubew và Karlgren, mà đó là những chaman cầm giáo sua đuổi ma quỉ và đi tìm hồn người bệnh. Giả dạng chim trong tín ngưỡng là việc thường gặp ở các giống dân Batak (Sumatra), Dayak (Bornéo);
- Ngôi sao giữa mặt trống đồng không phải là mặt trời theo như giả thuyết của M. Colani, mà đó là sao bắc đẩu để vạn vật quay chung quanh như thường gặp trong tín ngưỡng Á Châu;
- Hình thuyền chạm ở thân trống đồng là những thuyền của chaman dùng để đi tìm hồn người bệnh hay dắt dẫn hồn người mới chết giống như các chaman hiện nay ở Indonésia dùng cầu vồng, chim, nai để chuyên chở hồn.
Đời sống kinh tế : nông nghiệp với họa tiết giã gạo;
Y phục : Áo hai vạt ngắn hoặc hai vạt dài[6], đàn ông đóng khố cạo tóc hay búi tóc, đàn bà mặc váy (váy lông chim hay lá kết cho lễ hội), đội mũ lông chim[7].
Nhà ở : người Việt cổ cất nhà sàn mái tròn và nhà sàn mái võng cong hình thuyền,
Kỹ thuật : Luyện kim đúc trống đồng, thạp đồng,
Văn học dân gian : truyền thuyết thần thoại.
Âm nhạc: trống đồng cầu mưa[8] và khèn bầu là hai sáng tạo âm nhạc đặc thù của văn minh Đông Sơn.
Thạp đồng
Sau trống đồng, chúng ta đi xem thạp đồng Đào Thịnh có niên đại khoảng 2500 năm cách ngày nay, tìm thấy ngày 14/9/1961 tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái[9]. Thân thạp được trang trí bằng hoa văn, thuyền, người hóa trang lông chim, cá sấu… rất giống với họa tiết trên trồng đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa…Điểm đặc biệt nhất là tín ngưỡng « phồn thực » (Phồn::nhiều, thực::nảy nở) được diễn tả trên nắp thạp đồng Đào Thịnh bởi 4 khối tượng, mỗi khối là một đôi nam nữ giao hợp, trai xõa tóc, có dao găm đeo ngang hông và đóng khố; gái thì bận váy ngắn. Tín ngưỡng phồn thực có mục đích cầu mong sự sinh sôi nảy nở của con người và tạo vật, lấy dương vật, âm vật, giao cấu trai gái làm biểu tượng.
Thăm di tích văn hóa thời Hùng Vương
Tín ngưỡng và phong tục hời Hùng Vương còn truyền tụng đến bây giờ là:
-
- Thờ thần linh,
- Đạo Mẫu,
- Bánh chưng bánh dầy,
- Trầu cau, nhuộm răng đen,
- Cái váy,
- Đôi đũa
1. Thần linh giáo
Thần linh giáo[10] là tín ngưỡng tiền phật giáo đặc thù cổ xưa nhất của người Việt còn sót lại vì người Việt tin rằng sau khi chết linh hồn vẫn tồn tại ở thế giới bên kia[11]. Thí dụ như nay còn thờ thần linh anh hùng dân tộc Phù Đổng Thiên Vương, Chữ Đồng Tử, Tản Viên,
Tại Bắc Ninh, thờ Tứ Pháp (bốn vị nữ thần : Mây, Mưa, Sấm, Chớp) vẫn còn di tích tại bốn ngôi chùa cổ (nguyên là đền) ở vùng Dâu : chùa Dâu thờ Pháp Vân, chùa Đậu thờ Pháp Vũ, chùa Tướng thờ Pháp Lôi, chùa Dàn thờ Pháp Điện tại Bắc Ninh, được xây dựng vào thế kỷ III, nằm ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu.
2. Đạo Mẫu
Trước năm 1985, Đạo Mẫu với nghi thức lên đồng (đừng nhầm lẫn lên đồng là một tín ngưỡng riêng của dân gian) bị nhà cầm quyền cộng sản cấm đoán và được phục hồi sau khi đạo Mẫu được UNESCO công nhận là tín ngưỡng cổ truyền bản địa Việt Nam có từ thời tiền sử của người Việt.
Trong các tín ngưỡng thời Hùng Vương còn sót lại đến ngày nay thì chỉ có Đạo Mẫu với nghi thức lên đồng là theo chân người Việt tỵ nạn ra cả ở hải ngoại.
Năm 1954, Hội Bắc Việt tương tế của « Bắc Kỳ di cư» đã đem theo Đạo Mẫu vào Sài Gòn thờ trong đền Phủ Giày Vọng Từ xây ở Gia Định.
Sau biến cố 1975, cũng vẫn các lưu dân người « Bắc » đã « di cư » các Mẫu ra hải ngoại, thí dụ điện thờ Mẫu tại số 6681 đường Chabot thành phố lớn Montréal, Gia nã Đại[12], đền thờ Đạo Mẫu và Đức Thánh Trần tại Houston Hoa Kỳ, trên đường Emmora Lane, còn về diện thờ Mẫu tại Pháp thì đọc Simon, P.J et Simon-Barouh [13].
Dấu tích thời Hùng Vương
Đạo Mẫu được tổ chức thành Tam Phủ, Tứ Phủ, mỗi phủ dưới quyền một Thần Chủ tức Mẫu. Dưới mỗi phủ có :
- Nhạc phủ thuộc Mẫu Thượng Ngàn (màu xanh) là một công chúa thời Hùng Vương, trông coi núi rừng;
- Thoải (thủy, nước) phủ cai quản bởi Mẫu Thoải (màu trắng) con của Long Vương ở Động Đình Hồ.
- Ngũ vị quan lớn, Tứ vị chầu bà (hóa thân trực tiếp của tứ vị Thánh Mẫu), Ngũ vị hoàng tử, Thập nhị vương cô, Thập vị vương cậu, Ngũ hổ, Ông Lốt (rắn). Trong bốn vị Thần Chủ thì có hai vị nguồn gốc từ thời Hùng Vương, đó là :
Nghi lễ của Đạo Mẫu : lên đồng, hầu bóng
Lên đồng :Thần linh cưỡi lên thể xác của đồng nhi,
Hầu bóng : bóng là hồn của thần linh nhập vào, hầu : người hầu hạ cái bóng đó.
Hầu bóng là sân khấu tâm linh của dân gian có kèm theo nhạc và cung văn, múa, phát lộc.
Người điều khiển là bà đồng làm tái hiện sự tích và hoạt động của thần linh.
Người tham dự là con nhang, đệ tử, tín đồ đến cầu thần linh độ trì đời sống hàng ngày, xin lộc, xin lời phán truyền…
Người đứng giá hầu đồng gọi chung là thanh đồng nam (gọi là cậu) và nữ (gọi là cô hoặc bà đồng). Thường có 2 hay 4 phụ đồng (gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo thanh đồng để trang bị lễ lạt, trang phục…Trong một buổi lên đồng thì có rất nhiều «giá». Mỗi lần thay giá, người ta phủ lên cậu một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra và lúc này thanh đồng đang ở một giá mới và phải thay bộ trang phục xống áo, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng… sao cho phù hợp với giá này. Nghi lễ thánh giáng phải theo thứ tự từ cao xuống thấp từ thánh mẫu, đến hàng quan, chầu, ông Hoàng, hàng cô cậu.
Thực hành thờ Mẫu chủ yếu qua truyền khẩu và thị phạm từ người này qua người khác nên nhận thức thánh thần một cách tự nhiên không cần một triết lý tôn giáo, lý giảng nào cả. Về bản chất, các Mẫu làm đấng bảo trì cho sức khỏe, sung túc vật chất cho con người, là nơi ký thác những mong ước, khát vọng về đời sống trần thế (tiền tài, sức khỏe, tài lộc, quan tước), là cơ hội gặp gỡ giữa con người và thần linh hòa hợp với nhau. Đây là nghi thức giao tiếp với thần linh qua bà đồng hay ông đồng và tin rằng thần linh nhập hồn vào thân xác ông đồng hay bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh giáng đồng thì lúc đó ông đồng là hiện thân của vị thần linh giáng đồng. Cho nên khi dự buổi hầu bóng tại số 6681 đường Chabot ở Montreal[14], chúng tôi đều cảm thấy Thần linh và tín đồ tạo nên không khí giao cảm và đồng cảm trong trạng thái tâm linh.
3.Trầu cau
Dọc đường du khảo trên quê hương, các bạn sẽ nhìn thấy một sắc thái văn hóa Đông Nam Á của thời Hùng Vương còn tồn tại cho tới ngày nay là tục ăn trầu. Bên Trung Hoa không có trầu cau nên đã phải phiên âm tiếng Đông Nam Á để gọi cây cau là bin lang 檳榔 đọc sang Hán Việt tân lang. Bin lang là tiếng Việt cổ cũng như tiếng Êdê gọi cây cau là pnang, mnang, tiếng Mường gọi là nang[15].
Tục ăn trầu khi cưới hỏi, tiếp đãi khách được ghi trong Nam châu bát quận chỉ và Nam phương thảo mộc trạng (thế kỷ III) và được giải thích trong một truyện cổ tích thời Hùng Vương thứ Tư[16]. Từ đó, trong đời sống văn hóa của người Việt, trầu cau ẩn tàng một triết lý tình nghĩa vợ chồng, triết lý vô ngôn trong đạo lý ứng xử bạn bè, cưới hỏi, tế lễ, lễ thọ, lễ mừng…
Khẩu trầu
Các dụng cụ của ăn trầu là dao bổ cau xẻ lá, khay trầu, bình vôi, cối giã trầu (cho người già), ống nhổ …
Trầu thì có trầu quế, trầu hồi, trầu cay, trầu hôi; cau thì có cau tươi, non, già, khô[17]. Mỗi khẩu trầu là một lá trầu xanh, quệt chút vôi, một miếng cau một lát vỏ mỏng của cây chay (shorea guiso). Khẩu trầu cho vị ngọt của cau, cay cay thơm thơm của lá trầu (tinh dầu trong lá trầu), chát chát của hạt và vỏ (tanin), vị nồng của vôi. Tất cả trộn lẫn với nhau cho cảm giác nong nóng, đầu hơi choáng váng, say say vì hạt cau có chất arecoline kích thích thần kinh. Nếu đệm thêm quế, thuốc lào (trầu thuốc) thì sẽ làm say say, bớt lạnh, hồng đôi má, thêm duyên, câu truyện cởi mở, khí huyết lưu thông.
Muốn có miếng trầu ngon thì phải biết kén chọn nơi cung cấp thí dụ như các bà ở Huế thì :
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu,[18]
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh[19].
Trầu chợ Dinh với cau Nam Phổ,
Non vôi cũng đỏ, thiếu vỏ cũng ngon.
Mùi vị của trầu
Ăn trầu để thưởng thức vị cay, thơm của lá trầu[20], vị chát của vỏ chai (Cortex Shoreae), vị ngọt bùi của cau, vị nồng của vôi… hòa quyện với nhau cho ra mầu đỏ sẫm
Tách riêng thì đắng thì cay,
Hòa chung thì ngọt, thì say lòng người.
Tách riêng xanh lá, bạc vôi.
Hòa chung đỏ thắm máu người lạ chưa.
Biểu tượng tình nghĩa vợ chồng: màu đỏ
Nhìn miếng trầu têm, màu sắc xanh (vỏ cau, lá trầu), trắng (thịt cau, vôi), vàng tươi (hạt) tổng hợp 3 mầu khi nhai thì cho một nước đỏ tươi. Màu đỏ của quít trầu[21] là biểu hiệu cho hạnh phúc, cho tình nghĩa keo sơn vợ chồng.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi. (Hồ Xuân Hương)
Têm trầu
Têm trầu là cả một sự khéo léo rất mỹ thuật như trầu cánh kiến, cánh quế, mũi mác. Cách têm trầu mang dấu ấn văn hóa vùng, miền thí dụ cách têm trầu cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc biểu trưng liền chị-người gái quê Kinh Bắc. Trầu têm cánh phượng têm bằng cau tiễn chũm lòng đào, chọn lá trầu quế vừa tầm để tỉa cánh phượng, chọn vỏ đỏ dày để trang trí phần đuôi (thêm miếng vỏ, cánh hoa hồng cho đẹp, tạo thành đuôi phượng). Trầu cánh phượng được bày trên đĩa có tình cách trang trí, hoặc đầu cau gắn vào một que tre dài 20cm cắm trong lọ hoặc ly thủy tinh (bên trong đựng gạo).
Trầu têm cánh phượng (trầu cô Tấm) là hình ảnh đẹp gợi truyện cổ tích Tấm Cám về ông hoàng tử đi qua quán nước, bà lão mang trầu, nước dâng hoàng tử. Hoàng tử nhìn thấy trầu têm cánh phượng là sáng tạo của vợ hoàng tử ngày trước nên hoàng tử nhận ra được người têm trầu là Tấm, vợ ngày trước của hoàng tử.
Trầu têm cánh phượng xinh xinh,
Chở trao cho thắm môi mình, lòng say.
Ngôn ngữ trầu cau trong hôn lễ
Mâm trầu cau mang tính ước lệ, biểu trưng cho một nét phong tục tập quán đẹp từ thời tiền sử. Trong lễ cầu hôn, chạm ngõ, cưới hỏi, nghi thức bắt buộc của người xưa cũng như nay là mang trầu cau đến nhà gái, và nhận trầu cau là siêu ngôn ngữ của sự nhận lời. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trương Ngọc Tường, tỉnh Tiền Giang, khay lễ trầu cau dùng trong đám hỏi, đám cưới làm sính lễ là cái khay vuông gọi khay trầu rượu, trong đó có 2 cái hộp, cái lớn tượng trưng cho chồng, cái bé cho vợ, trong khay có hai cái chung (chén). Trong lễ chạm ngõ ngoài Bắc, lễ vật là vài gói trà, vài chai rượu, một nhánh cau, xấp lá trầu (tất cả phải là số chẵn). Trong Nam thì trà rượu, bánh mứt, một khay lễ trên bầy hai chung rượu, 1 nậm rượu, 1 cơi trầu têm sẵn 4 miếng để mời anh chi sui.
Lễ vật của lễ ăn hỏi là trầu cau, rượu trà, cặp đèn cày làm lễ gia tiên. Nhà gái chia phần trầu cau, bánh kẹo với họ hàng.
Mâm trầu cau gồm một buồng cau nõn 105 trái tượng trưng cho 100 năm hạnh phúc theo câu chúc « Bách niên giai lão » (100 năm cùng già) hay 60 quả theo ví von 60 năm tức một thế kỷ hạnh phúc; mỗi quả cau đi kèm hai lá trầu xanh nguyên cuống vẹn đuôi cho có đôi.
Ngôn ngữ giao tế
Trong giao tế hàng ngày, « Miếng trầu là đầu câu chuyện » đi đôi với lời chào, đón khách nên người xưa đi đâu cũng có túi trầu, gặp nhau là mời trầu là cách giao tiếp đặc thù của người Việt từ thời Hùng Vương.
Gặp đây ăn một miếng trầu,
Chẳng ăn cầm lấy cho anh bằng lòng.
Xưa kia có biết ai đâu,
Chỉ vì điếu thuốc, miếng trầu nên quen.
Gặp nhau ăn một miếng trầu,
Gọi là chút nghĩa vế sau mà chào.
Từ ngày ăn miếng trầu anh,
Cho nên má đỏ, tóc xanh đến giờ.
Miếng trầu ăn nặng bằng chì,
Ăn rồi em biết lấy gì đền anh.
Ngôn ngữ của têm trầu
Ngày xưa đi xem mặt nàng dâu, nhà trai đòi cô gái ra têm trầu để phán đoán phong cách tính nết, nền nếp giáo dục gia đình. Nhìn miếng trầu biết được tính nết người têm, giản dị hay cầu kỳ, đậm đà hay nhạt nhẽo do lượng vôi bôi trên lá (quệt nhiều vôi là tính hoang phí), đậm quế thơm cay, trầu nhỏ cau to (không biết tính toán).
Ngôn ngữ tỏ tình
Miếng trầu tỏ tình bắt đầu bằng
Vào vườn hái quả cau tươi,
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu.
Rồi cô gái mời chàng ăn trầu với ý nghĩ thầm kín là:
Trầu này trầu tính, trầu tình,
Ăn vào cho đỏ môi mình, môi ta.
Trầu này trầu tính trầu tình,
Trầu loan, trầu phượng, trầu mình lấy ta.
Miếng trầu giao duyên
Miếng trầu thì phải có lá trầu quệt vôi, miếng cau mới hòa quyện làm nên cái mùi vị thơm cay, cái hơi men nóng bừng, cái sắc đỏ đẹp tươi biểu trưng cho tình nghĩa vợ chồng.
Trâu này thực của em têm,
Trầu phú, trầu quí, trầu nên vợ chồng.
Trầu này bọc khăn tơ hồng,
Trầu này kết nghĩa loan phòng từ đây.
Miếng trầu ăn kết làm đôi,
Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng.
Trầu bạn, trầu tình
«Khẩu trầu dải yếm » là miếng trầu được « ém » trong dải yếm đem ra mời người tình.
Khi chàng trai hợp nhãn đến chơi thì cô gái mời trầu để mở đầu câu chuyện.
Trầu em têm tối hôm qua,
Cất trong dải yếm mở ra mời chàng.
Nàng có 3 loại trầu : trầu túi (trầu đựng trong túi), trầu khăn (trầu gói trong khăn), trầu dải yếm (trầu ém trong dải yếm) và hỏi chàng rằng :
Trầu này trầu túi, trầu khăn,
Cùng trầu dải yếm anh ăn trầu nào ?
Nếu chàng trai chọn trầu trong túi trong khăn tức ẩn ý chỉ là bạn hữu. Nếu chàng trai chọn trầu dải yếm tức khẩu trầu dải yếm có nghĩa đã thuận tình nhau mong cùng nàng kết nhân duyên thì cô gái mở gói trầu buộc ở dải yếm đem ra mời chàng. Ăn xong miến trầu thì nàng mới hỏi :
Trầu em buộc dải yếm đào,
Hỏi người tri kỷ ăn vào có say?
Từ ngày ăn phải miếng trầu,
Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu.
Một thương, hai nhớ, ba sầu,
Cơm ăn chẳng được ăn trầu cầm hơi.
Ngôn ngữ tình cảm của trầu yêu, trầu ghét
Cậu trai mời trầu mà cô gái không nhận thì trách móc:
Đi đâu cho đổ mồ hôi,
Chiếu trải không ngồi, trầu để không ăn.
Là vì nhận trầu của cậu trai là tỏ ý ưng thuận theo triết lý vô ngôn của ăn trầu.
Thưa rằng bác mẹ tôi răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.
Miếng trầu ăn nặng bằng chì,
Ăn rồi em biết lấy gì đền ơn.
Tình cảm yêu hay ghét được bày tỏ bằng cách bổ cau.
Yêu nhau cau sáu bổ ba;
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười,
Thi nhân cũng lấy trầu cau để bày tỏ tương tư
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?
Thơ Nguyễn Bính
Yêu nhau mà không lấy được nhau thì chẳng khác gì;
Có trầu, có vỏ, không vôi,
Có chăn, có chiếu, không người nằm chung.
Yêu nhau chẳng lấy được nhau,
Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già.
Ngôn ngữ lịch sử của miếng trầu
Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, họ Trịnh cho người vào dụ dỗ Đào Duy Từ bỏ Nguyễn ra Đàng Trong, Đào Duy Từ trả lời :
Tiếc gì một miếng trầu cay,
Tại sao không hỏi những ngày còn thơ.
4. Bánh chưng bánh dầy
Dù ai buôn bán đâu xa,
Năm năm nhớ lấy tháng Ba mồng mười
(Giỗ tổ Hùng Vương)
Ở hải ngoại, vào ngày Tết, chúng ta vẫn có tục cúng tổ tiên bằng bánh chưng, bành dầy truyền lại từ thời Hùng Vương. Câu truyện truyền tích về bánh chưng, bánh dầy được kể như sau :« Vua hùng Vương thứ sáu đã phá giặc Ân rồi, muốn truyền ngôi cho con, bèn hội hai mươi hai Quan Lang lại, bảo rằng :
Các con, con nào tìm được trân cam, mỹ vị để cuối năm tế Tiên Vương cho hết đạo hiếu thì ta truyền ngôi cho.
Các con thi nhau đi tìm của ngon vật lạ. Duy người con thứ mười tám tên là Tiết Liệu, vì mẹ mất sớm không ai giúp đõ, ngày đêm lo lắng không biết làm thế nào bỗng nằm mông thấy thần nhân đến bảo rằng : Vật trong trời đất không gì quí bằng gạo, gạo là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo làm bánh, hoặc làm tròn hoặc làm vuông, để tượng hình trời đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành… Tỉnh dậy, ông Tiết Liệu bèn chọn gạo nếp thật tốt, gói làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ chõ chưng chín gọi là bánh chưng. Lại giã xôi làm bánh tròn để tương hình Trời, gọi là bánh dầy…
Đến ngày hẹn các ông Quan Lang đều đem cỗ đến…Tiết Liệu chỉ có bánh chưng và bánh dầy : Vua lấy làm lạ hỏi, ông đem thần mông tâu vua. Vua nếm bánh thấy ngon, khen ngợi hồi lâu, bèn truyền ngôi cho Tiết Liệu. Từ đó năm nào Tết đến cũng làm bánh chưng bánh dầy cúng tế. Dân gian bắt chước theo » (Theo Việt Sử Đại Toàn, bản dịch của Trúc Sơn Mai Đăng Đệ).
Theo câu truyện bánh chưng, bánh dầy thì đời sống thời Hùng Vương có đặc điểm sau :
- Về kinh tế, dân sống về trồng lúa là căn bản,
- Về chính trị, khác với Trung Hoa là vua truyền ngôi cho con thứ,
- Về tín ngưỡng, đồ cúng trong các dịp tế lễ thần thánh thời Hùng Vương thì người Giao Chỉ có tín ngưỡng phồn thực (thờ dương vật và âm vật) nên « chắc chắn » có một loại bánh chưng trụ tròn tượng nam tính[22] (giống bánh tét) còn tồn tại ở Cổ Loa (cố đô Âu Lạc), bánh dầy dẹt tượng âm tính[23] biểu tượng cho tín ngưỡng phồn thực. Sau khi hấp thụ văn hóa Trung Hoa, bánh chưng trụ tròn đổi sang hình vuông[24] rồi bánh chưng bánh dầy lấy ý niệm Trời tròn Đất vuông (Thiên viên, Địa phương) để giải thích. Đó là cách hội nhập tư tưởng triết lý Đạo Lão vào tập tục của người Việt.
5. Cái váy, cái khố thời vua Hùng
Theo quan niệm UNESCO , cái váy là di sản văn hóa hữu thể (tangible) nhìn thấy được, còn ca dao, tục ngữ, thi văn chung quanh cái váy là di sản văn hóa vô hình hay vô thể (intangible) không nhìn, sờ thấy được.
Trong địa bàn Đông Nam Á, văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ thời Hùng Vương nằm ở vùng trung du, lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả (2000 – 700 tr. CN) còn được ghi lại trên trống đồng, thạp đồng tìm thấy nhiều nhất ở vùng Phú Thọ, Thanh Hóa.
Các đặc điểm văn hóa Đông Nam Á của người Việt còn nhận được qua:
- Ngôn ngữ Việt Mường, Việt Tày,
- Họa tiết trên trống đồng, thạp đồng,
- Huyền thoại (mythologie), huyền tích (légende), tín ngưỡng (đạo Mẫu), tập tục (ăn trầu, mặc váy)
- Nghề nông trồng lúa nước.
- Về y phục thì đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy.
Trên thạp đồng Đào Thịnh có niên đại khoảng 2500 năm cách ngày nay, tìm thấy ngày 14/9/1961 tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái[25]. Thân thạp được trang trí bằng hoa văn, thuyền, người hóa trang lông chim, cá sấu… rất giống với họa tiết trên trồng đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa…Điểm đặc biệt nhất là tín ngưỡng « phồn thực » (Phồn::nhiều, thực::nảy nở) được diễn tả trên nắp thạp đồng Đào Thịnh bởi 4 khối tượng, mỗi khối là một đôi nam nữ giao hợp, trai xõa tóc, có dao găm đeo ngang hông và đóng khố; gái thì bận váy ngắn. Tín ngưỡng phồn thực có mục đích cầu mong sự sinh sôi nảy nở của con người và tạo vật, lấy dương vật, âm vật, giao cấu trai gái làm biểu tượng.
Theo truyền thuyết và họa tiết hình người trên trống đồng Đông Sơn thời Hùng Vương, thì chúng ta thấy hình váy trong các họa tiết sau :
- Hình người mặc váy dài, có 2 vạt tỏa ra hai phía, vừa đi vừa múa…
- Hình người quay mặt về phía nhà, xõa tóc mặc váy.
- Hình người, tai đeo còng lớn, tóc búi cao, phần dưới mặc váy, trước váy có thêm miếng lá phủ.
Theo chất liệu cấu thành khố thì có khố dây (hay khố rợ), khố mo, khố gai, khố vải… Theo biện pháp kĩ thuật chế tác thì có khố bện (đan thô sơ), khố dệt… Cái khố thời Hùng Vương còn tồn tại ở nông thôn miền Bắc như hình ảnh dưới đây.
Còn cái váy thời vua Hùng thì có hình thù « Cái quần không đáy »,
« Cái trống mà thủng hai đầu,
Bên ta thì có bên Tàu thì không.»
Thì tại Việt Nam, hình ảnh cái váy còn tồn tại cho đến năm 1955 tại Bắc Viêt.
Điểm cần ghi chú ở đây là :
- Vào thời điểm hai Bà Trưng và Bà Triệu, các Bà mặc váy cỡi voi ra trận chứ không mặc quần như trong một số hình vẽ hoặc như trước đây tại Sài Gòn, mấy nữ sinh trường Trưng Vương cỡi voi làm Bà Trưng với y phục thời Nhà Nguyễn.
- Trong các tài liệu chữ nho, nếu viết là quần 裙 có nghĩa là váy vì không có chữ nho chỉ váy nên mượn chữ quần để thay vào; thí dụ như: “trách quần” 窄裙 tức là váy bó sát.; 花裙 váy hoa; 襯裙 váy lót. Vì vậy mà khi tả bà Trưng mặc váy thì viết: « Hồng quần nhẹ bước chinh yên »
Vai trò lịch sử của váy
Trong lịch sử, cái váy đánh dấu nhiều biến cố lịch sử quan trọng như chống đồng hóa, chống thống nhất đất nước.
Cái váy chống đồng hóa
Suốt 1000 năm đô hộ và trong thời kỳ quân nhà Minh xâm lăng, cái váy là khí giới chống sự đồng hóa của người Trung Hoa về mặt y phục (người Hoa mặc quần), Thời nhà Minh đô hộ nước ta (1414-1427), Hoàng Phúc bắt đàn bà mặc áo ngắn, mặc quần như người Tầu. Đến thời tự chủ, năm Ất Tỵ, niên hiệu Cảnh Trị thứ ba (1665), Vua Lê Huyền Tôn bắt đàn bà mặc váy, áo dài trở lại, ai trái lệnh sẽ bị phạt 5 quan cổ tiền.
Cái váy chống thống nhất đất nước
Từ thế kỷ XVI, chúa Nguyễn mưu lập nên một vương quốc riêng biệt phương Nam nên đã thay đổi một số phong tục của Đàng Ngoài. Về y phục, chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1744 bắt đàn bà con gái mặc quần. Và sau khi thống nhất đất nước, mọi việc đều đã thống nhất nhưng vua Minh Mạng còn thấy từ bắc Quảng Bình trở lên đàn bà còn mặc váy. Để thống nhất y phục, năm 1828, vua Nguyễn ép phụ nữ miền Bắc phải mặc quần, bỏ váy. Đến tháng 9-1837, vua lại ra lệnh lần nữa nên mới có những câu ca dao có tính cách lịch sử, oán than cái chiếu vua cấm mặc váy như sau :
Lệnh từ trong Huế ban ra,
Cấm quần không đáy đàn bà phải tuân.
Chiếu vua mồng tám tháng ba,
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Nếu đi thì lấy quần chồng sao đang.
Có quần ra quán bán hàng,
Không quần ra đứng đầu làng trông quan.
Đi chợ mượn đỡ cái quần,
Chồng đành mặc váy che thân ngồi nhà.
Bỗng nghe mõ gọi đằng xa,
Vội vàng đóng khố chạy ra ngoài đình.
Cái váy đánh dấu sự áp đặt văn hóa xã hội chủ nghĩa
Từ năm 1955, sự biến mất cái váy của đàn bà ông thôn tại Bắc Việt đánh dấu thời gian cộng sản hủy diệt văn hóa cổ truyền để thay thế bằng văn hóa vô sản với biểu tượng y phục là quần đen, áo cánh cho phụ nữ, áo đại cán cho cán bộ.
Sau đây chúng ta thấy cả một kho tàng văn hóa (ca dao, thi văn, câu đối, truyện tiếu lâm…) nở rộ chung quanh cái váy chỉ vì cách mặc váy trần không đồ lót của phụ nữ Việt.
Cái váy trần qua ca dao, thi văn
Váy còn gọi là xống, mấn được phân loại váy thành váy kín (váy chui), váy mở, váy đùm (váy buộc túm sau lưng để làm việc), váy đụp (váy vă chằng vá chịt trước sau), váy cạp điều (lưng váy may bằng vải đỏ), váy kép ( hai lớp, lớp ngoài vải mỏng, lớp trong vải thô), váy cửa võng (phía trước trùng xuống với các mép gấp cong), váy quai cồng (váy xắn lên hông lúc làm việc cúi lom khom ngang mông, khi móc cua mò ốc, khi lội qua sông cạn thì phải vén váy lên theo mực nước). Váy của phụ nữ nhà giàu hoặc ở thành thị thì dài tới gần gót chân.
Váy ngoại giao nhìn ngang thì thấy một tấc đất
Nhìn cô gái mặc váy ngắn ngồi xổm thổi lửa nấu cơm thì đó là hình ảnh bà Đoàn Thị Điểm mặc váy trần ngồi ở Đoan Môn (cửa phía nam Hoàng Thanh) đón sứ Tàu sang phong vương. Bà Đoàn Thị Điểm mặc váy cố tình ngồi xổm để lộ cơ đồ trêu ghẹo sứ Tầu. Để trả đũa, sứ Tàu ra câu đố ghẹo rằng:
An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh.
Bà Điểm đối lại:
Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất.
(Nước An Nam chỉ có một tấc đất, mà không biết có bao nhiêu người cày)
Nước phương Bắc hầu hết các quan đại phu đều do cái này mà ra cả.)
Cái váy trong câu đối
Khi bà Đoàn Thị Điểm đang giặt váy dưới sông thì thấy võng lọng quan lớn đi qua, Bà liền ra câu đối:
Võng đào quan lớn đi trên ấy,
Váy rách bà con vỗ dưới này.
Sáng trăng trong váy
Vào đêm trăng thanh sáng tỏ, cô nàng mặc váy ngồi xổm đan sàng khiến cho đôi mắt của anh chàng nhìn thấy ánh trăng mà hỏi rằng:
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng,
Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?
Đan sàng thiếp cũng xin vâng,
Tre vừa đủ lá non chăng hỡi chàng.
Còn đôi mắt của anh chàng mê « cờ tây » thì nhìn thấy lá đa trong ánh trăng.
Sáng trăng em tưởng tối trời,
Em ngồi em để cái sự đời em ra;
Sự đời như cái lá đa,
Đen như mõm chó chém cha sự đời.
Cái váy trong mắt « quáng gà »
Ngày ngày ê a đọc tứ thư ngũ kinh thì hay bị mắt hoa đầu váng. Đó là trường hợp anh đồ nhìn cô gái sắn váy lội nước hái hoa sen, thì mắt hoa đầu váng về nhà thì ngã bệnh ảo ảnh.
Nhân lúc đồ ngồi nhàn hạ,
Ra hồ sen xem ả hái hoa.
Ả hớ hênh ả để đồ[26] ra,
Đồ trông thấy ngắm ngay tức khắc.
Đêm năm canh đồ nằm khôn nhắp,
Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia.
Cái váy trầu cau
Mặc váy ngồi bán trầu cau bị chàng trai trêu ghẹo:
Trầu cau cô bán mấy đồng,
Cô ngồi cô để miệng chồng cô ra.
Cái váy trần mắng lại rằng:
Trầu cau tôi bán hai quan,
Anh ngồi anh để đầu cha anh ra ngoài.
Đôi mắt thần nhìn cái váy lội nước
Chúng ta thường hiểu mắt thần là mắt nhìn thấu mọi việc nhưng ít ai biết mắt thần dị ứng với cái váy. Vì vậy mà mắt thần nhìn vào váy thì thấy « con cúi » rồi nhìn ngược lên trong váy thì chẳng biết là cái gì trong đó.
Mắt của ông Thần nhìn từ trên xuống: con cúi (con lợn)
Tại « Chỗ lội làng Ngang », có đền thờ Ông Cuội và đến đó, các bà các cô sắn váy, vén quần[27] (váy) tới háng để lội qua sông. Thi sĩ Tam Nguyên Yên Đổ mô tả đôi mắt của Ông Thần Cuội nhìn thấy cái gì trăng trắng như con cúi.
Đầu làng Ngang có một chỗ lội[28]
Có đền Ông Cuội cao vòi vọi.
Đàn bà đến đấy vén quần lên,
Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối.
Ông Cuội ngồi trên (đền) mỉm mép cười,
Cái gì trăng trắng như con cúi[29]?
Đàn bà khép nép liền đứng thưa,
Con trót hớ hênh Ông xá tội.
Ông Thần nhìn từ dưới lên thì không biết là cái gi?
Còn đôi mắt của ông Thần Đá Cuội nằm dưới đáy nước ở chỗ lội nhìn lên thì không biết là cái gì nên mới hỏi các bà các cô rằng: cái gì lấp ló bên trong váy?
Làng bên phụ nữ lắm khi,
Váy đùa tới háng lầm lì bước qua…
Ông Cuội thấy cười xòa khoái chí,
Váy giấu chi « lấp ló bên trong »?
Mấy bà xanh mặt vái van,
« Vô tình sơ sẩy, mong Thần bỏ qua. »
Váy quai cồng
Khi làm lụng ngoài đồng, lội qua sông cạn hay tắm rửa bên bờ sông thì các bà sắn váy quai cồng lên tới háng như thi hào Nguyễn Khuyến mô tả:
Con gái nhà ai tắm vệ sông,
Vú vê để hở váy quai cồng
Ước gì ta được mà ta để,
Ta để mà ta lại… để chung.
Cái váy phật tử trong mắt nhà sư
Tuy nhà sư đang đọc kinh Không Không, Sắc Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc… nhưng chưa giác ngộ nên dễ phạm giới sắc dục khi nhìn thấy váy của nữ phật tử đeo giỏ, khom lưng, chổng mông mò cua thì xốn xang nỗi lòng mà bỏ cả kinh kệ như thế này:
Sư đang tụng niệm nam mô,
Thấy cô sách giỏ mò cua bên chùa.
Lòng sư luống những mơ hồ,
Bỏ cả kinh kệ tìm cô hỏi chào.
Cửa từ bi mở toang trong váy
Trong thi văn cái váy thì chỉ có đại thi hào Tam Nguyên Yên Đổ lấy giáo lý từ bi, tế độ của nhà Phật để tả phong cảnh trong cái váy. Nhìn thấy cô tiểu ngủ ngày để váy hớ hênh khiến nhà thi hào nổi hứng mà xuất khẩu thành bài thơ « Cô Tiểu ngủ ngày », lấy giáo lý đạo Phật mô tả cảnh nhìn thấy như sau:
Then cửa từ bi cài lỏng chốt, (váy để hớ hênh)
(từ: yêu thương, bi: thương sót, cửa nhà Phật)
Nén hương tế độ đốt đầy lò.
(tế: đưa qua sông, giúp; độ: cứu giúp, tả cảnh trí trong váy)
Cá khe lắng kệ đầu ngơ ngác,
(kệ: bài kinh ngắn, mô tả con cá trong khe)
Chim núi nghe kinh cổ gật gù
(Kinh: kinh sách, tả thân dục giống như chim núi)
Tìm đâu tiên cảnh bồng lai tại thế?
Nơi các tiên (immortel) tu Đạo Lão ở là những hòn đảo hình trái bầu gọi là Bồng đảo hay Bồng lai trên biển Bột Hà. Trên đảo có lạch nước chảy giữa những cây đào gọi là Đào nguyên. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã dùng thi văn mô tả cõi tiên có đôi gò bồng đảo ở trên, có lạch Đào Nguyên ở dưới, có nương nong (ngực) trên người cô trinh nữ.
Lược trúc lỏng cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương nong.
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.
Cái váy cũng như thờ Thần Linh, đạo Mẫu, trầu cau, bánh chưng bánh dầy, …
là bản sắc tức màu sắc nguyên thủy của văn hóa Việt trong bối cảnh Đông Nam Á còn sót tại đến nay.
6. Đôi đũa từ thời vua Hùng
Hai chiếc đũa cùng nhau chung một ý,
Bữa ăn nào cũng phải có mặt cả đôi.( VMT)
Hai chiếc đũa cùng nhau chung một ý,
Bữa ăn nào cũng phải có mặt cả đôi.( VMT)
« Văn hóa thoát ra từ cách ăn, cách mặc, cách làm, cách nghĩ, cách sống của Việt Nam » (BS Trần Ngọc Ninh). Từ quan niệm đó mà ta thấy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt tỏa ra trong phong cách ăn với đôi đũa, mặc với áo dài truyền thống.
Tại sao nói văn hóa với đôi đũa? Ba cái tách đặt trên bàn thờ Thiên trước căn nhà là biểu hiệu của văn minh; nhưng khi chủ nhà rót nước vào 3 tách, đốt nhang, chắp tay khấn vái Trời Đất. Lúc đó 3 tách nước biểu tượng cho Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân) trở thành vật thể văn hóa cho nên khấn xong thì hất một tách nước lên mái nhà (Thiên), một tách đổ xuống đất (Địa) và môt tách uống vào bụng (Nhơn). Đôi đũa cũng như 3 tách nước trở thành vật thể văn hóa khi biểu hiệu phong tục, tín ngưỡng trong phong cách ẩm thực của người Việt…
Trong cung cách ẩm thực khi ngồi ăn, xử dụng đôi đũa là một« ẩn ngữ vô ngôn » nhưng lại sâu đậm hơn ngôn ngữ vì cách xử dụng đôi đũa diễn tả đậm đà cung cách ẩm thực tức văn hóa của người Việt.
Đôi đũa sanh ra ở đâu?
Về nguồn gốc đôi đũa, người ta chỉ nêu ra giả thuyết hoặc đặt ra truyền thuyết để giải thích nguồn gốc thí dụ như truyền thuyết hoàng đế Hạ Vũ, Khương Tử Nha, Đát Kỷ[30]….Nếu khảo sát các vùng văn hóa thì đôi đũa chỉ hiện diện trong vùng văn hóa Viễn Đông (Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên, Việt Nam) có nghĩa đôi đũa được phát minh tại đây và có lẽ trên vùng văn minh nông nghiệp của Bách Việt miền Hoa Hạ vào thời Hùng Vương, tại sao? Vì dân Việt gốc nông nghiệp, trâu bò dùng để cày bừa, thức ăn chính là ngũ cốc, rau cá. Miếng thịt rất hiếm quí nên nếu có thì phải cắt nhỏ xào nấu cho cả nhà ăn vì vậy phải dùng đôi dũa để gắp. Trái lại, dân du mục chăn nuôi phía bắc Hoa Hạ cũng như người Âu, ẩm thực chú trọng đến cắt, xiên những miếng thịt lớn nên cần có dao và ngón tay, rồi nĩa thay ngón tay khi văn minh hơn.
Loại đũa
Ngày xưa, thông dụng nhất là đũa tre, đũa gỗ vì Việt Nam rất nhiều tre trúc, gỗ. Thường người nông dân tự vót đũa lấy bằng chẻ tre thành thanh vuông rồi vót tròn một phần và phần kia thì giữ hình vuông theo như ca dao dạy.
Đời cha cho chí đời con,
Muốn vót cho tròn thì hãy đẽo vuông.
Đặc biệt là chỉ ở Việt Nam mới có đũa cả dùng để xới cơm từ nồi ra bát. Đũa cả lớn và dẹp làm bằng tre hay gỗ. Đũa cả to và dẹp phải nhúng vào nước trước khi xới cơm cho khỏi dính. Xới xong dùng chiếc nọ gạt cơm khỏi chiếc kia chứ không được gõ vào nhau thành tiếng động. Âm thanh này gọi ma đến nhà.
Đũa của vua làm bằng tre già khẳm lá vót xong thì dùng dăm tre chuốt cho bóng láng, bỏ vào nồi hấp rồi phơi khô trước khi nhập kho. Đũa vua dùng phải thay đổi hằng ngày, loại đũa ngà không tiện dụng vì hơi nặng đối với tay nhà vua. Ngày xưa, vua thường dùng đũa gỗ “Kim giao” [31] ( Podocarpus macrophyllus) để phát hiện các độc tố. Cây kim giao có thân cây cỡ nhỏ mọc nhiều trên núi vùng Lạng Sơn, Cao bằng. Gỗ màu trắng ngà, nhẹ và dai có đặc tính ngả san màu đen nếu gặp chất độc vì vậy mà gọi là « đũa đổi màu hay đũa tiến vua ».
Hiện nay
Kỹ nghệ Việt Nam sản xuất rất nhiều loại đũa gỗ quí như đũa gỗ kim giao, gỗ mun, trắc đỏ, gỗ dừa, đàn hương, căm xe…
Cách dùng đôi đũa
Văn hóa ẩm thực phải bắt đầu từ giáo dục gia đình, từ những chi tiết nhỏ nhoi như cách cầm và xử dụng đôi đũa. Phong cách của người cầm đôi đũa trong bữa cơm gia đình cũng như ngồi ở bữa tiệc biểu hiện trình độ văn hóa giáo dục của người đó.
Khi ngồi vào mâm cơm gia đình, người nhỏ tuổi sẽ so đũa và so trước tiên cho người lớn nhất nhà hoặc khách quí. Người vai vế lớn nhất cầm đũa trước nhất và gắp ăn đầu tiên, con cháu gắp theo những món nào người lớn đã gắp có nghĩa con cháu không được gắp trước ông bà một món ăn.
Đôi đũa gắp thức ăn từ đĩa để vào bát rồi mới ăn, trong bát vẫn còn đồ ăn không nên gắp thêm vào,
Thiếu phong cách văn hóa khi dùng đũa bới đĩa tìm miếng ngon, chọc đũa vào bát canh, vừa cầm đôi đũa vừa chan canh hay chỉ chỏ.
Tránh lấy đũa gẩy gón đĩa thức ăn chọn miếng ngon để gắp, miếng khác đẩy sang bên, không được chọn bằng kiểu gà bới mà phải chọn bằng mắt trước khi gắp, gắp miếng nào ăn miếng đó.
Mỗi mâm có một chén nước mắm chấm chung, nhưng chấm miếng thịt, miếng cá thì phải chấm bên cạnh bát nước mắm, đã cắn ăn rồi thì không được chấm trở lại;
Không được dùng đũa vẽ bét nhát cá ra mà phải chờ người lớn vẽ gọn gàng trước.
Ý nghĩa văn hóa
Đôi đũa mang ý nghĩa văn hóa là vì cầm đũa cho đẹp, cho quý phái, cho ra dòng ra giống:
- Cách cầm đũa theo triết lý,
- Có kiêng kỵ trong phong cách cầm đũa,
- Đũa biểu tượng linh hồn
Cầm đũa theo triết lý của vùng Viễn Đông
Chiếc đũa có phần vuông ở trên tượng trưng cho âm và phần tròn ở dưới tượng trưng cho dương.
Cầm đũa theo vị trí âm dương
Khi cầm đôi đũa để gắp thức ăn, chiếc đũa nằm dưới ở thể tĩnh (âm), chiếc đũa nằm trên thì động để kẹp chặt miếng gắp (dương). Vì vậy mà đôi đũa được ví như cặp khí âm dương, như cặp vợ chồng (âm dương) gắn bó keo sơn :« vợ chồng như đũa có đôi ».
Đôi ta làm bạn thong dong,
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng,
Cầm đũa theo ý nghĩa tam tài : Thiên, Địa, Nhân
Đôi đũa đặt trên ngón trỏ và ngón cái ở trên (Trời), ngón út và ngòn đeo nhẫn ở dưới cùng (Đất), ngón giữa nằm giữa hai chiếc đũa (Người)
Kiêng kỵ theo tập tục, tín ngưỡng
Kiêng kỵ vì phong cách
Khi so đũa thì đôi đũa phải ngay thẳng, dài bằng nhau[32], không đặt đũa chéo, ngậm đũa, đánh rơi đũa khi ăn.
Mối tình đầu cũng như lúc trẻ tập cầm đũa :
Tình mới lớn, phải không em, rất mỏng ?
Cách tập tành nào cũng dễ hư hao
Thuở đầu đời cầm đũa thấp cao
Và nâng chén, dĩ nhiên, đổ vỡ.
Nguyễn Tất Nhiên
Yêu nhau miễn là trông cho sao vừa con mắt như đôi đũa
Ðôi ta như đũa trong kho
Không tề, không tiện, không so cũng bằng.
Vợ chồng phải xứng hợp với nhau như đôi đũa.
Ðôi ta là bạn thong dong
Như đôi đũa ngọc nằm trên mâm vàng
Bởi chưng thày mẹ nói ngang
Cho nên đũa ngọc, mâm vàng xa nhau.
Tối kỵ là so đôi đũa lệch[33] hay vênh đã không đẹp mắt còn mang lại xui xẻo như câu ca dao dưới đây.
Về đôi đũa vênh thì có câu nói « Vợ dại không hại bằng đũa vênh ».
Đôi đũa lệch dài ngắn khác nhau dùng để chỉ vợ chồng không xứng đôi về kích thước hay tuổi tác;
Ví dầu chồng thấp vợ cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa (ca dao)
Khi đôi đũa kia, không bằng mà lệch,
Chắc chắn đau lòng người dự tiệc khi ăn.
Vô duyên lấy phải chồng già,
Ra đường người hỏi rằng cha hay chồng?
Mẹ em tham thúng xôi rền[34],
Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng[35].
Em đã bảo mẹ rằng đừng,
Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.
Bây giờ chồng thấp vợ cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa (ca dao)
Còn vợ chồng không xứng đôi về địa vị xã hội thì lấy đôi đũa mốc mà ví von : Đũa mốc mà chòi mâm son.
Trong mỗi bữa ăn, cách so đũa ngay ngắn trở thành tiêu chuẩn cho cách làm việc thường nhật : « Làm việc ra đầu ra đũa », « Đến đầu đến đũa », « Giúp lời chứ không ai giúp của, giúp đũa chứ không ai giúp cơm ».
Kiêng kỵ vì tín ngưỡng
Tránh gẫy đũa nhất là trong tiệc cưới.
Đũa gãy là điều xui xẻo báo hiệu cho sự đổ vỡ. Cho nên, theo Lê Triều Hình Luật và ký sự du ngoạn của thương buôn, giáo sĩ ngoại quốc đến nước ta thế kỷ XVIII, thủ tục ly dị của đôi vợ chồng trước cửa quan là bẻ đũa. Tục ly dị (bẻ đũa, bẻ đồng tiền cũng được A. De Rhode ghi trong từ điển.
Kiêng kỵ cầm đũa theo phép phong thủy
Tránh những đồ nhọn như đầu đũa, đầu tăm đâm vào người giống như đòn dông nhà khác hay góc ao, đao đình đâm vào mặt tiền nhà mình thì phải kiêng. Vì vậy nên tránh cách cầm đũa để ngón trỏ chìa ra như chỉ vào mặt người khác ( tiên nhân chỉ lộ người tiên chỉ lối). Ngồi vào mâm cơm, đũa và tăm đặt ngay ngắn xuống bàn hay mâm cơm vì tránh không được đưa đũa đưa tăm cho người khác là vì : « Đưa đũa ghét năm, đưa tăm ghét mười ».
Còn bát ăn cơm đi đôi với đũa cũng có những kiêng kỵ có tính cách phong thủy coi bát là biểu tượng của công ăn việc làm. Vì vậy trừ bát mẻ, bát cũ không được vất bỏ mà nên cho người khác.
Liên quan đến sự chết chóc
Cấm dùng đũa xiên miếng ăn, cắm vào bát cơm giống cúng cơm cho người mới chết.
Xếp đôi đũa ngắn dài mang lại xui xẻo vì theo quan niệm của người Trung Hoa « Tam trường lưỡng đoạn (3 dài, 2 ngắn) » là hình ảnh giống quan tài chưa đậy nắp có 3 ván dài, 2 tấm ngắn.
Đụng đến âm hồn
Cấm dùng đũa gây tiếng động vì âm thanh này gọi ma đói đến nhà. Vì vậy mà kiêng không gõ đũa vào bát cơm, không gõ đũa cả vào nhau nhau thành tiếng động nên xới xong dùng chiếc nọ gạt cơm khỏi chiếc kia.
Linh hồn đôi đũa
Trong tín ngưỡng dân gian, « đôi đũa bông » biểu tượng cho :
- linh hồn bà Mụ hình thành bé sơ sinh,
- linh hồn người mới chết.
Linh hồn bà Mụ : « đôi đũa bông »
Đôi đũa bông là đôi đũa có gắn thêm một bông hoa trên đầu đũa. Cúng Mụ hay lễ đầy tháng đứa trẻ để tạ ơn vị tiên đã hình thành đứa bé cho họ. Mâm cỗ cúng Mụ phải có một đôi đũa hoa (đũa bông) mà bà Chúa hay dùng tạo hình một đứa nhỏ. Theo truyền thống tín ngưỡng, vị Đại Tiên (Bà Chúa Đầu Thai) và Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bộ Tiên Nương (12 bà Mụ) nặn ra đứa bé nên mâm cúng có : 12 chén chè nhỏ, 12 đĩa xôi… và một đôi đũa bông.
Linh hồn người mới chết
Trên nắp quan tài, thắp 7 ngọn nến (đàn ông 7 vía) hoặc 9 ngọn (đàn bà 9 vía), một đôi đũa bông vót sơ ra như gai nhọn cắm vào bát cơm úp, cài quả trứng luộc vào giữa đôi đũa bông làm bữa ăn cho người mới chết.
Tại sao đôi đũa bông? Có nhiều giải thích về đôi đũa bông như sau :
1) Đôi đũa bông tượng trưng cho người mới chết còn ở giữa cõi âm và cõi dương nên một đầu trên chẻ chõe ra (bông) biểu tượng dương và đầu âm thì cắm vào bát cơm, làm như vậy để tránh thập đại chúng sanh tranh ăn với người mới mất,
2) Đũa bông gai nhọn tượng trưng cho người lính đi bắt và đâm giặc cướp được dùng làm bùa trừ ma quỉ (cái gai nhọn chữ hán việt là thứ bộ đao có nghĩa đâm chết),
3) Cũng trong chiều hướng sợ ma cũ tranh ăn với ma mới, tại Long An (tiến Giang), trên linh cữu để 3 chén cơm : chén cơm giữa dành cho người mới mất có 2 đôi đũa để ăn được nhanh, 2 chén cơm hai bên mỗi chén chỉ có một đôi đũa (nên ăn chậm) dành cho ma cũ,
4) Tục này còn được giải thich theo Lão Giáo : Đầu đũa bông chẻ ra như bùi nhùi để biểu tượng thời hỗn mang, trong hỗn mang đã tàng ẩn thái cực (bát cơm), từ thái cực sinh lưỡng nghi âm dương (đôi đũa), tác động âm dương mà sanh ra sự sống (quả trứng).
Ẩm thực không những mang vẻ đẹp vật chất (các món ngon) mà còn mang vẻ đẹp văn hóa về tinh thần (cung cách, kiêng kỵ…). Qua ẩm thực người ta có thể hiểu được nét đẹp văn hóa thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc phong tục trong cách ăn uống. Vì vậy mà bản sắc Việt thể hiện trong cách tổ chức bữa ăn với các đặc trưng trên.
Như vậy văn hóa đôi đũa có nhiều điểm thú vị làm cho món ăn thêm ngon. Tuy nhiên, ngày nay ở hải ngoại, khi ăn tiệc cưới hoặc đến cộng đồng hay hội đoàn dùng bữa ăn chung với nhau, nét văn hóa đôi đũa cũng cần được cải thiện là trên bàn tiệc thì dùng đôi đũa chung hoặc trở đầu đũa[36] để gắp thức ăn trên đĩa để chung cho hợp vệ sinh.
Còn nói chuyện đôi đũa với con cháu ở hải ngoại thì việc đầu tiên thì dạy các cháu là biết cầm đũa như đôi khi chúng ta chỉ cho người bạn ngoại quốc theo hình vẽ dưới đây.
Nói chuyện đôi đũa với mấy ông già còn hoài niệm đôi chút những kỷ niêm xa xôi về tổ tiên thì để mấy ông già hỏi nhau xem văn hóa ẩm thực của Bách Việt trồng lúa nước thời Hùng Vương còn truyền lại cho chúng ta cái gì? Chắc chắn là đôi đũa như câu nói: « La culture est ce qui reste, quand on a tout oublié » (văn hóa là cái gì còn sót lại khi người ta quên hết).
Hai chiếc cạnh nhau, luôn là thông điệp,
Gánh vác hết mình cho đến lúc tàn canh.
_____________________
[1] Bản 本 là gốc là của mình; sắc 色 là màu sắc vật có hình tướng thấy được. Bản sắc (本色) là màu sắc nguyên thủy của người Việt, là dấu chỉ, là cơ sở định vị (localisation) nền tảng văn hóa người Việt cổ.
[2] Trống đồng Ngọc Lũ tìm thấy ở làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vào khoảng 1739- 1765, năm 1902 viện Viễn Đồng Bác Cổ mua lại lưu trữ ở Hà Nội
[3] Colani, Madeleine, Vestige d’un culte solaire en Indochine, B11 EH, III, 1940, fasc.1, tr. 37-41
[4] H.Q. Quaritch Wales, Prehistory and religion in South East Asia, London, Bernard Quaritch Ltd, 1957, chap. 3, tr.48-56
[5] Chaman là một tu sĩ, thày pháp và thày thuốc chuyên chữa bệnh về linh hồn. Khi hành lễ, chaman có phép xuất hồn khỏi xác phàm, hồn bay lên trời, chui xuống địa ngục, tếp xúc với các thần, vượt qua các nẻo đi tìm hồn người bệnh đang sống ở trần thế để chữa trị cho người này.
[6] Theo sử Trung Hoa thì tứ di tả nhậm. Tứ di là Bắc Địch, Nam Man, Đông Di, Tây Nhung. Tầu ở giữa Tứ Di nên gọi là Trung Hoa. Aó người Việt (Nam Man) cài nút bên trái (tả nhậm)
[7] Theo Đào Duy Anh, Lạc Việt là giống chim Lạc là một giống chim hậu điểu về loài ngỗng trời trở thành vật tổ và totem cho bộ lạc như trên trống đồng Ngọc Lũ .“Hậu điểu” 候鳥 chim mùa. Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là “hậu điểu”
[8] Ngày nay, người Mường, Tày dùng dùi gỗ cong bịt vải đành vào giữa mặt trống vang lên như tiến sấm hoặc cầm hai bó tre để đứng và buông nhẹ xuống rìa mặt trống nghe như tiếng hạt mưa rơi
[9] Trong tổng só thạp đồng 250 chiếc tìm được thì 235 ciếc tìm được trên mảnh đất Việt Nam. Thạp dùng đựng lúa gạo, xương tro người chết
[10] Tín ngưỡng thần linh hoàn toàn dựa trên sự hiển linh của linh hồn người đã khuất và nó tự hủy diệt khi sự hiển linh không còn được chứng nghiệm nữa. Thí dụ như trong tín ngưỡng Đạo Mẫu qua nghi thức hầu bóng, lòng tin của tín đồ biến thiên thuận theo nhịp độ và cường độ hiển linh giáng đồng của mỗi thánh. Nếu không có hiển linh giáng đồng của thánh thì tín ngưỡng hầu bóng sẽ không còn tồn tại đến ngày nay. Vậy, khi con người cảm nhận, chứng kiến sự hiển linh của linh hồn rồi bắt đầu tin và tôn thờ linh hồn ấy là lúc bắt đầu hình thành thần linh giáo của người Việt.
[11] Cadière, Léopold, Croyances et pratiques religieuses des vietnamiens, 3 volumes, 1e édition, Ha Noi, 1944;
Durand, Maurice, Techniques et panthéon des médiums vietnamiens (đồng), Paris, EFEO, 1959, vol. XLII, tr. 45
[12] Lạp Chúc Nguyễn Huy, Le Lên Đồng trong Documents de recherche, Laboratoire de recherches anthropologiques, No 7, Mars 1990, pp. 21-34
[13] Simon, P.J et Simon-Barouh, 1970. Hau Bong, Un culte vietnamien de possession transplanté en France, Paris, Mouton
[14] Năm 1986, chúng tôi hướng dẫn nhóm khảo cứu người Đông Dương của Đại Học Laval đến quan sát và khảo cứu hầu bóng tại điện thờ này
[15] Cây trầu 扶留 bu liu phiên âm từ tiếng đọc blu bliu hay bù liu
[16] Truyện tích của Trần Thế Phá trong Lĩnh Nam Chích Quái được biên soạn khoảng năm 1370. « Hùng Vương thứ tư có hai anh em rất thương yêu nhau. Người anh là Tân lấy vợ rồi thì ít thương người em nên Lang bỏ nhà ra đi đến bên bờ suối thì chết vì mệt rồi hóa thành tảng đá vôi. Người anh đi tìm em rồi cũng đến bờ suối và chết vì mệt rồi hóa ra cây cau bên tảng đá vôi. Vợ Tân cũng bỏ đi tìm chồng, đến bên bờ suối tựa vào cây cau mà chết. Đi tuần qua đó nghe câu chuyện này, vua Hùng dạy cho dân Việt hãy dùng ba thứ vôi, cau và trầu làm biểu tượng tình nghĩa thắm thiết anh em, vợ chồng». Tục ăn trầu là có thực từ thời Hùng Vương được chép trong sách sử xưa. Trong cách cấu trúc câu truyện trầu cau được kể lại thì có những danh từ Hán Việt chỉ mới có vào thời đô hộ như tên hai anh em là Tân và Lang, nếu ghép hai chữ Tân lang 檳榔 lại thì nghĩa là cây cau. Tập tục tình nghĩa vợ chồng, anh em của đạo Khổng mới du nhập sau này. Đó là một sắc thái của sự đồng hóa văn hóa với Trung Hoa. Từ cậu truyện trong Lĩnh Nam Chích Quái nhiều người đã thêm bớt thành nhiều bản hơi khác nhau.
[17] Ca dao tả thời gian cau đơm hoa kết trai.
Đầu rồng đuôi phượng te te,
Mùa đông ấp trứng, mùa hè nở con
[18] Chợ Quán, chợ Cầu ở huyện Phú Vang
[19] Chợ Nam Phổ, chợ Ding Ông: hai chợ này cách nhau một con đò, chợ Dinh chèo qua sông Hương
[20] Tại Bình Định có trầu nguồn là loại trầu ở trên miền núi cao (Tây Sơn Thượng) có vị cay nồng và thơm ngon quí hơn trầu đồng
[21] Theo giải thích của Thúc Nguyên: Với phản ứng trên những polyphénols thuộc nhóm flavone của lá trầu và miếng cau bằng cách o-xít hóa chúng và biến chúng thành orthoquinones. Sự việc này làm cho nước bọt của người nhai trầu thành đỏ. GS Thái Công Tụng thì giải thích: lá trầu có chất sắt, khi quệt vôi (Ca(OH)2) vào thì trở nên kiềm làm pH cao hơn. Chất sắt của nước lá trầu trong môi trường kiềm nên đổi thành mầu đỏ.
[22] Vào dịp Tết và Lễ Hội Cổ Loa (cố đô Âu Lạc) ngày 6 tháng Giêng có món ăn dân gian là bánh chưng gói theo kiểu bánh tét trụ tròn. « Chết thì bỏ con bỏ cháu, Sống thì không bỏ mồng Sáu tháng Giêng ». Toàn dân Cổ Loa còn có tục « Ăn sêu bà chúa » tức ăn trưa món bún ngan (Lông ngỗng Mỵ Châu) ngày 13 tháng Tám
[23] Ở Hà Tây, người dân còn làm Bánh Dì (dầy) có nhân đậu xanh giã nhỏ và bánh chưng có hình tròn giống bánh tét.
[24] Ở Quảng Đông, Quảng Tây và Tứ Xuyên cũng có loại bánh chưng vuông gọi là Tr’ung ping làm để cúng tổ tông ngày Tết, Nguyễn thị Bảy, Trần quốc Vượng, Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Từ điển bách khoa và Viện Văn Hóa, Hà Nội, 2010,tr.149
[25] Trong tổng só thạp đồng 250 chiếc tìm được thì 235 ciếc tìm được trên mảnh đất Việt Nam. Thạp dùng đựng lúa gạo, xương tro người chết
[26] Đồ chỉ đồ nho hoặc là âm hộ của đàn bà
[27] Thi sĩ dùng chữ quần (chữ Hán) để chỉ cái váy (tiếng Việt) cũng như Hồ Xuân Hương viết : Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới » cũng như tả bà Trưng mặc váy : « Hồng quần nhẹ bước chinh yên »
[28] Đây là con đường từ quốc lộ đến quê hương của thi sĩ (làng Vị Hạ, Vị Thượng), nếu đàn bà đi tắt về nhà thì phải vén váy (quần) lội qua một vũng nước, dọc theo đường qua cánh đồng làng Phú Đa có mả cuội, miếu ông Cuội.
[29] Trong tiếng Việt cổ, cúi là con heo, lợn; dân quê gọi túm rơm thắt chặt lại để um lửa là con cúi, thí dụ như trong bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu viết : Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, Cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;
[30] Đôi đũa bằng kim loại (1600-1046 TTN) được phát hiện tại di tích khảo cổ Ân Khư, tỉnh Hà Nam. Theo thuyết Khổng Tử, trên bàn ăn không để dao, dĩa liên quan đến binh đao nên mới phát minh đũa để thay thế
[31] Còn gọi là thông tre, tùng la hán
[32] Xưa kia với người Nhật, đũa của người trên dài hơn đũa của người dưới, đũa cho đàn ông dài hơn đũa đàn bà.
[33] Theo phép tắc của Khổng Tử, chiếu trải lệch lạc thì không ngồi
[34] Xôi rền (dền) : rền nghĩa là dẻo, ngon
[35] Cảnh Hưng là tiền tệ của Đàng Ngoài thới Lê trung hưng (1593-1789)
[36] Mặc dầu một số người kiêng kỵ vì đũa có hình vuông (đất) tròn (trời) nên đổi đầu đũa để gắp là làm đảo lộn càn khôn