Cái Nhà

Hướng dẫn định hịnh hình văn hóa Việt
Văn hóa trong căn nhà

Ánh sáng văn hóa của căn nhà

Có thì nhà ngói lợp mè
Nghèo thì kèo nứa, cột tre cũng đành

Lạp Chúc Nguyễn Huy

Bài học văn hóa

Cũng như văn hóa ẩm thực của cơm vua, căn nhà được xây dựng sao cho :
– hấp thụ hài hòa thiên khí (dương) trong gió và địa khí (âm) trong đất nước,
– hòa hợp với đại vũ trụ Lão Giáo.

Đó lá ánh sáng văn hóa của căn nhà nông thôn xưa

Một ngày nào đó, bạn về thăm quê xưa trên đồng bằng Cửu Long, có lúc bạn sẽ thắc mắc đặt vài câu hỏi sau khi bước vào thăm một căn nhà xuyên trính xây cất theo kiến trúc cổ phát xuất từ văn hóa cung đình Huế. Các câu hỏi là sao gọi là nhà xuyên trính, nhà chữ đinh, v.v.  rồi thả hồn mơ mộng như văn hào Lamartine tự hỏi :

Objets inanimés, avez-vous donc une âme,
Qui s’attache à notre âme et la force d’aimer?
(Vật vô tri hỡi hồn mi có,
Quần lấy hồn ta luống nặng tình?)

Các vật vô tri đó có « Hồn » chứ, nếu chúng ta hiểu quan niệm cất nhà trên đồng bằng Cửu Long là giúp cho đời sống của con người (tiểu vũ trụ) hòa đồng với đại vũ trụ   theo lý thuyết vũ trụ quan của Lão giáo là Thái cực sanh Lưỡng nghi âm dương, Lưỡng nghi sanh Tứ tượng, Ngũ hành rồi thế giới vật chất hữu hình… và lý thuyết vũ trụ quan này được cụ thể hóa:

–  Trong cấu trúc sườn nhà (đòn dông, cột, kèo, cây trính, bộ chày cối, đòn tay, mái ngói)

– Trên các đồ thờ của bàn thờ gia tiên,

– Qua các thế cây kiểng ở ngoài sân,

– Bởi vị trí của căn nhà trong môi sinh khí âm-dương nhị khí (thiên khí và địa khí).

Tất cả các yếu tố trên đã tạo nên tia sáng văn hóa của căn nhà trong các kiểu nhà dưới đây.

Các kiểu nhà

Trên đồng bằng Cửu Long, các căn nhà nông thôn được đặt tên theo hai tiêu chuẩn sau : cách cấu trúc sườn nhà, số gian và vị trí nhà dưới đối với nhà trên.

Đặt tên nhà theo cấu trúc sườn nhà

Thành phần chính yếu của sườn nhà là các vỉ cột kèo, xuyên trính ấn định cách gọi tên nhà và số gian nhà.

Nhà rội (nhà cột giữa, Nhà nọc ngựa)

Vỉ cột kèo gồm : một hàng cột cái (cột hàng nhất) chống thẳng lên tới đòn dông và có hai hàng cột hàng nhì, hàng ba được kèo kết nối với đầu cột cái.

Nhà đâm trính hay xuyên trính

Vỉ kèo gồm : hai cột chính (cột tiền, cột hậu) được nối với nhau ở gần đầu cột bởi một cây trính xuyên qua (do đó mà gọi nhà xuyên trính); giữa cây trính đặt một bộ chày cối đỡ đòn dông và kèo (nhờ cánh én); tiếp theo cột lớn là hàng cột con được nối với nhau bởi các kèo ngoàm với đầu cột. Nhà cổ truyền thống là một trong những loại hình quan trọng của di sản văn hóa, mang tính độc đáo, đặc trưng, tiêu biểu cao, phản ánh một cách đa dạng, nhiều mặt về truyền thống văn hóa, lịch sử, nhân sinh… của cả cộng đồng dân cư, cả một vùng đất.

Đặt tên nhà theo số vỉ kèo cột

Nhà một gian chỉ có 2 vỉ cột kèo

Nhà anh chỉ có một gian,
Nửa toan làm bếp nửa toan làm buồng.

Nhà ba gian có 4 vỉ kèo cột, nếu có thêm hai chái thì gọi nhà ba gian hai chái bắt vần.

Ba gian nhà lá lòa xòa,
Phải duyên coi tựa chín tòa nhà lim

Đặt tên nhà theo cách sắp đặt nhà trên nhà dưới.

Nhà chữ Đinh sắp xếp nhà trên nhà dưới theo hình chữ Đinh [1]  (nhà ngang cửa dọc) Nếu nhà dưới nằm bên hông phải thì gọi là đinh thuận. Nhà chữ Đinh là dạng nhà phổ biến nhất.  Nhà chữ đinh phân rõ hai khu vực: nhà trên nằm ngang, nhà dưới nằm dọc hông và liền kề sao để hai đòn dông của hai nhà thẳng góc với nhau tạo thành hình dạng chữ đinh hay hình dạng chữ T. Có khi nhà dưới cách nhà trên một thảo bạt hay mái ngang. Nhà chữ đinh và nhà sắp đọi có thảo bạt là nhà có gian thảo bạt xây ngay phía sát trước mặt nhà trên, nhằm tạo thêm một gian để tiếp khách, Ngoài ra, một biến thể khác là nhà chữ đinh có nhà cầu nối. Trong kiều nhà này, nhà trên và nhà dưới nối với nhau qua một gian trung gian là gian nhà cầu, trải dài suốt chiều dài nhà dưới và chiều sâu nhà trên nhằm để tránh khách lạ đi trực tiếp vào nhà trên, nơi thờ cúng của gia đình.

Nhà chữ nhất   tức là môt căn nhà ba gian hai chái đứng môt mình không có nhà phụ;

Nhà sắp đọi hay nhà chữ nhị  (nhà trên nhà dưới nối tiếp nhau);  đòn dông của nhà trên và nhà dưới song song với nhau.

Còn nhà của nông dân nghèo bằng lá chầm gỗ tạp mang  nhiều tên như chòi, nhà đúc dít…

Tia sáng văn hóa : âm dương nhị khí

Đứng trước những căn nhà cổ, các bạn thường có những câu hỏi sau : Tại sao có tấm bình phong, hòn non bộ, ao nước trước nhà? Cổng vào nhà sao đặt chéo bên cạnh?

Xưa kia việc lựa chọn vị trí kinh đô, đình đền cho đến căn nhà ở của dân dã thường dựa theo thuật phong thủy. Tại sao? Căn nhà là viên gạch nối giữa tiểu vũ trụ (con người) và đại vũ trụ bên ngoài cho nên cất nhà thì phải biết chọn cuộc đất theo phong thủy để đặt viên gạch nối đó vào vị trí tiếp nhận hài hòa phong thủy. Vai trò cuộc đất là thu nhận được thiên khí do gió (khí dương) mang đến và địa khí của nước (khí âm) tụ lại. Phong tàng, thủy tụ có nghĩa là như vậy[2].

Cách thu gió (thiên khí dương) và lý do xây bình phong và cổng ngõ để bên cạnh

Gió đến thì phải giữ lại (tàng phong) nhưng phải biết cách thâu gió lành (hòa phong là gió thổi nhẹ vào mặt nhà và Thuận phong gió thổi suôi theo sườn nhà) và tránh gió dữ (cuồng phong gió xoáy, oa phong là gió như nước xoáy) và gió mạnh (bạo phong). Để tránh cuồng phong thổi thẳng vào mặt nhà nên phải xây hay dựng một bình phong (bình phong )[3] trước cửa chính để tản gió ra hai bên chái nhà cho thành hòa phong dễ tụ lại.

 

Cách tụ thủy (khí âm) và lý do xây hòn non bộ, đào ao trước nhà.

Mục đích là hội tụ nước (thủy tụ) tức hội tụ địa khí (khí âm) là đường di chuyển và hội tụ khí âm (địa khí[4]) của đất[5]. thủy đến thì phải tụ lại (phong tàng, thủy tụ). Tại sao lại phải tìm cách hội tụ địa khí? Là vì  địa khí(khí âm của đất)  tác động lên đời sống vật chất và sức khỏe của gia chủ nên nguyên tác căn bản là « thủy tụ ».

Vì vậy mà địa điểm nào có thủy tụ dưới đất thì người ta cất nhà, lên vườn. Đó là hình ảnh cư trú :

– trên các mảng phù sa cổ kiểu « thượng gia hạ điền » ở miền Đông sông Cửu,

– trên các giồng cát cao chứa nước ngọt (thủy tụ) ở Gò Công (dựng nhà, lập vườn ), giồng biển ở Bạc Liêu mà người Tiều gọi là lếnh (long hay rồng) để làm nhà, vườn nhãn, làm rãy…

Bố trí cảnh quan 

Với mục đích « phong tàng, thủy tụ » cho căn nhà đặt giữa khí âm dương, người ta thường bố trí 4 cảnh quan gọi là tứ thần sa[6] được tượng hình bởi 4 động vật:

– Thanh long (rồng xanh), bạch hổ (cọp trắng) : Nhà nằm giữa khí âm bên phải (bạch hổ, màu trắng) và khí dương bên trái (thanh long, màu xanh),

-Chu tước (chim sẻ đỏ), huyền vũ (con chim đen đậm) : Mặt tiền nhà quay về phía dương (chu tước, màu đỏ, hướng nam), mặt hậu tựa vào phía âm (huyền vũ, màu đen, hướng bắc).

Thanh long, bạch hổ

Thanh long tượng trưng cho yếu tố  dương (động ) biểu tượng bởi dòng nước chảy (sông, rạch, đường mương dẫn nước vào vườn sau nhà) ,

Bạch hổ biểu tượng yếu tố âm nên tĩnh tượng trưng bởi vườn cây, đường đi,

Vị trí lý tưởng của căn nhà là nằm giữa hai cảnh quan đó tức là :Tả thanh long, Hữu bạch hổ.

Tiền chu tước, hậu huyền vũ

 Chu tước (chim sẻ đỏ)

Chu màu đỏ đỏ chỉ hướng nam, dương, tước  : chim sẻ. Chu tước là chim sẻ đỏ,  chỉ hướng nam (dương) và cảnh vật phát ra ánh sáng rực rỡ trước nhà như ao, hồ, sông, hòn non bộ, cái sân trống nằm sát mặt tiền của nhà. Ánh sáng đó gọi là « minh đường :  Minh   sáng, Đường rực rỡ ». Nếu không có minh đường tự nhiên thì phải tạo ra minh đường thủy tụ bằng cách  trước nhà đào ao (đại minh đường), xây hòn non bộ trên sân trước nhà (tiểu minh đường). Minh đường là nước tụ trước nhà để nuôi dưỡng khí mạch.

Huyền vũ

Huyền  : đen đậm, vũ : con chim. Huyền vũ nghĩa là con chim đen đậm (màu đen chỉ hướng bắc, âm). Đó là núi, đồi, gò, đống nằm phía sau nhà và nhà phải tựa lưng vào đó để cho  nhà có « hậu chẩm » (chẩm là cái gối).

Cảnh quan này được tóm tắt trong lời khuyên và hình vẽ dưới đây:

Tóm lại vị trí căn nhà phải:

–  Được đặt trong môi sinh khí âm dương : Hài hòa với khí âm (địa khí của sông nước mang đến) và khí dương (thiên khí tức không khí) được gió thổi lại để tiếp nhận tràn ngập hai luồng sinh khí âm dương của trời đất. Sinh khí là luồng khí tiến vào nhà một cách điều hòa;

– Tránh các luồng tử khí dương quá mạnh (bạo phong, đường, sông…) đâm thẳng vào nhà… hoặc tử khí âm (ẩm ướt, âm u, tối tăm) gây bệnh hoạn. Tử khí do gió mang lại là luồng thiên khí ồ ạt xông vào nhà như giặc cướp thí dụ gió dữ (cho nên phải dựng bình phong làm giảm và chia cắt cường lực), con đường, dòng nước chảy hoặc đầu đòn dông nhà đối diện đâm thẳng vào mặt nhà.

Thuận hòa với môi sinh tín ngưỡng

Sau môi sinh âm dương nhị khí, căn nhà còn được đặt vào môi sinh Lão Giáo và tín ngưỡng dân gian.

Môi sinh Lão giáo trong căn nhà[7]

Theo Lão Giáo quan niệm rằng :

– con người là « tiểu vũ trụ » là hình ảnh của đại vũ trụ và sống hòa nhịp với đại vũ trụ,

– căn nhà mang hình ảnh đại vũ trụ để cho con người (tiểu vũ trụ) sống được hài hòa trong đó.

Được xây dựng trên lý thuyết âm dương của Kinh Dịch[8], vũ trụ quan của Lão Giáo quan niệm Thái Cực sanh Lưỡng Nghi (âm-dương), âm dương sanh sanh, hóa hóa mà sanh Tứ Tượng, Ngũ Hành rồi thế giới vạn vật. Hình ảnh vũ trụ Lão Giáo được diễn đạt bởi :

–  Bộ phận sườn nhà,

– Cách sắp xếp đồ thờ,

– Các thế dáng cây kiểng.

Bộ phận sườn nhà

Thái Cực biểu tượng bởi cây đòn dông gác trên đầu vỉ kèo

Âm dương :

– Hai cây đòn tay đỡ mái, gác trên kèo giữa đòn dông và hàng cột cái,

– Cột tròn (Trời, dương) đặt trên tảng đá vuông (Đất, âm).

– « Song môn ». Cửa âm (bên phải) và cửa dương (bên trái) trổ ra hai bên bàn thờ gia tiên[9]

– Mái lợp ngói âm (đặt ngửa) dương (đặt úp),

Các đồ thờ

 Thái Cực : lư đồng   đặt giữa 2 chân đèn biểu tượng âm dương.

Triết lý Tam Tài (Trời, Đất, Người) : 3 chén nước hoặc 3 chén rượu.

Lý thuyết ngũ hành :  Kim (lư đồng, chân đèn), Thủy (nước trà, rượu), Mộc (chân cây nhang, đũa, khung gỗ bài vị), Hỏa (ngọn đèn thắp thường xuyên), Thổ (cát trong bát nhang, đồ băng sứ);

Môi sinh tín ngưỡng dân gian

Ngày xưa, có khoảng chục lễ nghi cất nhà[10] nhưng thợ chánh tổ chức lễ nghi tùy thuộc vào mẫu nhà và tài chánh của gia chủ cho nên mới có câu :

Tậu trâu lấy vợ, làm nhà,
Cả ba việc ấy đều là khó thay.

Lễ nghi quan trọng nhất và không thể thiếu được là lễ gác đòn dông hay lễ thượng lương.

Đòn dông[11] là Thái Cực sanh Lưỡng Nghi (hai đòn tay tiếp theo) được coi như linh hồn của căn nhà nên lễ gác đòn dông là lễ chánh được cử hành trang trọng bởi thợ chánh và gia chủ.

Lễ gác đòn dông (lễ Thượng Lương)

Hình dáng cây đòn dông. làm bằng gỗ tốt bền ( gỗ mật, gõ, cẩm xe, dầu…), hình tròn như thân cây, sơn đỏ, không được ghép nối, bọc vải đỏ 2 đầu tượng trưng cho mặt trời mọc và lặn, bát quái hậu thiên vẽ trên mảnh vải vuông treo ở giữa, 3 lọ nhỏ bịt vải đỏ (lọ gạo, lọ nước, lọ muối) đặt ở trên sau khi gác lên mái với ý nghĩa cầu mong nhà lúc nào cũng đầy đủ 3 nhu yếu phẩm đó.

Kiêng kỵ

Trước khi gác lên đỉnh mái nhà, cây đòn đông được đặt trên hai cái chạng gỗ bắt chéo và phải tránh không ai được bước qua.

Ngày giờ thượng lương

Ngày gác đòn dông rất hệ trọng, nên chọn :

– ngày giờ hạp với tuổi gia chủ hoặc ngày Sát Cống theo câu tục ngữ :« Giá thú Bất Tương, Thượng lương Sát Cống[12]»

– chọn trong 36 ngày tốt như giáp tý, canh thìn..,

– chọn các sao tốt như Thiên Đức Nguyệt Đức,

– gác lúc thủy triều dâng cao lên,

– lúc gác phải kiêng kỵ người mang tang, phụ nữ có thai,

– treo bùa Lỗ Ban, bùa bát quái trên khung cửa trước .

Đúng ngày giờ thượng lương, thợ chánh bày bàn thờ khấn vái tạ lễ Cửu Thiên Huyền Nữ[13], thần hoàng bản địa, ông tổ thợ mộc Lỗ Ban[14]. Lễ vật : xôi gà, rượu, trà bánh mâm ngũ quả, bình hoa trầu cau, cây thước nách Lỗ Ban[15] và ống chỉ mực, …

Các tín ngưỡng thông thường gần như ai cũng biết là : xem tuổi, phong thủy, mái nhà, vườn cây…

Thày địa lý hoặc thợ chánh phụ trách phần tín ngưỡng cất nhà như xem tuổi chủ nhà để làm nhà theo Cửu Trạch gồm 4 trạch tốt (phúc, đức, bảo, lộc) và 5 trạch xấu (bại, hư, khốc, quỷ tử).

Về những điều cấm kỵ theo phong thủy là phải tránh những « mạch khí » gọi là « thỉ xạ » (tên bắn) mang sát khí vào mặt nhà như :

– đường, sông, rạch đâm thẳng vào mặt nhà,

– đầu hồi nhà khác, góc ao, đao đình « Nhất góc ao, nhì đao đình »,

– Cổng ngõ và  đường dẫn vào nhà  phải nằm bên cạnh.

Về mái nhà, số đòn tay luôn số lẻ đếm số lượng đòn tay theo :

–  sanh, lão, bệnh, tử;

– sanh trụ hoại diệt,

– chọn số cát theo tuổi gia chủ thuộc trực nào trong 12 trực: kiến trừ mãn, bình định chấp, phá nguy thành thu khai bế, kiến.

Về vườn cây chung quanh nhà cũng có những kiêng kỵ thí dụ như trước nhà thì trồng cây hoa mang ý nghĩa tốt như bông vạn thọ, bách tuế, cây lựu[16], cây cau (chuối sau, cau trước) những cây như cây chuối[17] thì trồng sau nhà.

Gió đưa bụi chuối sau hè,
Đã ve con chị lại tò vè con em.

 Lạp Chúc Nguyễn Huy

[1] Hình chữ Đinh tượng trưng cho âm (gạch ngang -)và dương (gạch đứng I)

[2] « Khí thừa phong tắc tán, giới thủy tắc chỉ, cổ nhân tụ chi sự bất tán, hành chi sử hữu chỉ » (Khí gặp gió ắt tan, gặp nước ngăn ắt dừng, cổ nhân tụ khí khiến cho nó đừng tan, buộc cho nó phải dừng).

[3] bối : mang điều xấu ; Oa chỗ như nước xoáy, bình là bức chắn ; Phong gió

[4] Địa khí chạy theo các hình thể cao như núi, đồi, gò, giồng cát ở Bạc Liêu, Gò Công …tác động đến đời sống của chủ nhà nhất là về sức khỏe, tinh thần. Địa khí chạy theo nước như sông, rạch, ao hồ, núi đồi… tác động lên đời sống vật chất của gia chủ.

[5] Địa khí linh hoạt, uyển chuyển, lúc ẩn lúc hiện, khi tụ khi tán, lúc cao lúc thấp, lúc thẳng, lúc vòng, chạy xa ngàn dậm chia thành chi nhánh…  Địa khí luôn luôn di chuyển theo nước như sông, rạch, ao hồ, núi đồi, chạy theo các hình thể cao như núi, đồi, gò, giồng.

[6] thần sa  : Cát vàng Kì lạ, huyền diệu, không phải tầm thường, bất phàm

[7] Phần này đã được trình bày chi tiết trong bài « Bàn thờ gia tiên » « cây kiểng »

[8] Cách đây khoảng 5000 năm, các cao nhân quan sát vũ trụ bao quanh mà nhận xét thấy có hiện tượng khí từ trên trời đi xuống như ánh sáng, gió… và khí từ đất bốc lên như hơi nước. Hai luồng khí lên xuống giao nhau không ngừng nghỉ mà sanh ra các hiện tượng vật chất hữu hình trên thế giới. Các cao nhân vẽ một gạch thẳng  tượng trưng cho khí dương[8] từ trời đáp xuống, một gạch đứt đoạn  biểu tượng khí âm[8] đi lên từ đất. Hai gạch âm dương tác động lên nhau mà sanh ra các hiện tượng mà ta quan sát được trong vũ trụ. Từ hai gạch biểu tượng âm dương mà các cao nhân đã viết nên quyển Kinh Dịch không chữ viết diễn tả luật âm dương làm động cơ cấu tạo thế giới và tiến trình của đời người trong đại vũ trụ.

[9] Bàn thờ gia tiên là hình ảnh vũ trụ thu nhỏ được trình bày trong chương 6

[10] Lễ bình cơ (chọn đất), lễ động thổ, lễ phạt mộc (khởi công), lễ tàng giá (lắp cột nhà), lễ thượng lương (cất nóc), lễ nhập trạch (báo tổ tiên cất xong nhà), lễ tân gia, lễ hoàn công (thợ tổ chức để nhận công)…

[11]Vì một đầu quay về hướng đông nên gọi đòn dông vị nhà thường quay về hướng nam

[12] Hôn nhân chọn ngay Bất Tương, Thương lương chọn ngày Sát Cống

[13] Danh hiệu của Đức Thiên Hậu, Đức Phật Mẫu ở tầng trời thứ 9 sâu kín huyền diệu

[14] Tổ sư của nghề kiến trúc về mộc và vẽ bùa Lỗ Ban để ếm căn nhà của người chủ bất nhân, thất đức

[15] Thước lỗ Ban : Thước Lỗ Ban : 52,2 cm để đo kích thước cửa chính, cửa phụ trần nhà, bệ bế, đồ nội thất, bàn thờ, tủ…

[16] Trái lựu nhiều hột tượng trưng cho đông con cháu

[17] Chuối đọc giống chúi, đêm gió thổi thì tàu lá kêu bành bạch như tà am

XEM NHIỀU NHẤT

166FansLike
0FollowersFollow
16SubscribersSubscribe

X