Lời mở đầu
Trước năm 1975, chúng tôi thường tổ chức du khảo (vừa đi du ngoạn vừa khảo cứu) cho các sinh viên Ban Sử Địa trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Ngày nay tại hải ngoại, nhớ lại kỷ niệm xưa mà chúng tôi đề nghị với Hưng Việt VHR mở mục “Hướng dẫn định hình văn hóa Việt” dưới hình thức du khảo nhằm hướng dẫn các bạn trẻ tại hải ngoại muốn tìm hiểu văn hóa của quê hương mình hoặc có ý về lang thang trên quê cha đất tổ.
Theo cha mẹ đi tỵ nạn lúc tuổi còn thơ hoặc sanh ra ở hải ngoại, đến tuổi trưởng thành, sao chả có lúc suy tư về nguồn gốc Việt của mình và muốn về thăm quê hương mến yêu một chuyến. Trên cuộc hành trình về cội nguồn của các em, mục hướng dẫn văn hóa này mong được giúp chuyến hồi hương của các bạn có một nhận định bằng tai nghe mắt thấy về hiện tình văn hóa Việt để yêu mến dân tộc và quê hương nhiều hơn và nhất là để không rơi vào tình trạng của chàng thanh niên Nhật như trong câu chuyện dưới đây.
Nước Nhật oai hùng của Thế Chiến II đã làm thức tỉnh nguồn gốc Nhật trong lòng người niên Nhật đã sống mấy đời rồi ở Hoa Kỳ. Do đó có một thanh niên Nhật lên máy bay mà lòng hân hoan kiêu hãnh về thăm họ hàng, quê hương mến yêu. Đặt chân xuống phi trường Tokyo, vì không nói được tiếng mẹ đẻ, nên hàng rào ngôn ngữ đã ngăn cách anh với đồng bào anh. Mọi người thờ ơ coi anh như một ngoại nhân không biết nói tiếng Nhật. Rồi anh cũng gặp được bà con thân quyến, nhưng mọi người đều không hiểu anh vì anh chỉ biết nói tiếng Mỹ, suy nghĩ, hành động theo lối Mỹ. Lại một lần nữa anh xa lạ giữa bà con thân thuộc trên mảnh đất quê hương yêu quí đã bao năm anh mơ ước đặt chân lên. Buồn bã trở về Mỹ, lại thêm một lần bực mình nữa là trên máy bay một cô gái Mỹ duyên dáng ngồi cạnh nhưng lại rất vô duyên cứ coi anh như người Nhật 100%, cứ hỏi anh về quê hương Nhật Bản của anh. Nào anh biết gì đâu mà nói. Câu chuyện của anh Nhật Bản này thường được kể lại để diễn tả nội dung « văn hóa chuối » vì trong người anh chỉ còn lại da vàng như vỏ chuối là Nhật Bản còn bên trong đầu óc, ruột gan là màu trắng ruột chuối là của người Mỹ.
Trở lại với các bạn trẻ hàng ngày sống đồng hóa văn hóa với âm thanh tiếng anh, tiếng pháp tại nhà trường, trên TV, Ipad, Iphone… thì câu chuyện trên cũng sẽ sảy ra cho bạn nào về thăm quê hương mà quên tiếng mẹ đẻ, quên văn hóa Việt. Lúc đó các bạn mới ý thức được là bạn vẫn bị xã hội mới cũng như cộng đồng người Việt coi bạn là người Việt không biết nói, biết viết tiếng Việt nhưng có một nếp sống, một tâm hồn như người Mỹ, người Canadien. Bạn vẫn xa lạ với người Canadien về tóc đen, da vàng, lại càng xa lạ với đồng bào ở quê hương vì ngôn ngữ, văn hóa cách trở. Lúc đó mới hiểu rằng bạn là biểu tượng của « Văn hóa chuối » mà buông tiếng thở dài theo vần thơ của Bắc Phong (Montreal):
Bỗng nghe buồn ngây ngất,
Về đâu cũng tha hương.
Chính từ tiếng thở dài của “culture de banane” này mà trang mạng “Hướng dẫn định hình văn hóa Việt” của “Hưng Việt” ra đời.
Trước khi tìm hiểu văn hóa Việt, chúng ta cần có ý niệm rõ rệt về một số danh từ hán việt như Văn hiến, văn vật…
Văn vật
Văn文 là vẻ đẹp, vật 物 chỉ người. Khi nói « Thăng Long ngàn năm văn vật » ý muốn nói từ ngàn năm nay, Thăng Long là nơi tụ hội nhiều người tài giỏi, vua quan, tao nhân mặc khách…
Văn hiến
Văn hiến là khái niệm của phương Đông: Văn 文 là vẻ đẹp, lời văn, có học vấn, lễ phép; Hiến 憲 : pháp luật, phong tục, phép tắc, văn chương… Khi nói « Nước Việt ta có 4000 năm văn hiến » có nghĩa từ 4000 năm, nước Việt ta có phép tắc, phong tục tập quán đẹp, có nhân vật tốt, tài đức… còn để lại cho người sau biết được chuyện cũ. Văn hiến thường được dịch là culture (có nghĩa bao gồm văn minh và văn hóa).
Văn minh
Văn文: Vẻ đẹp, Minh 明 : sáng. Văn minh diễn tả phát minh ra lẽ mới, trình độ phát triển cao, sáng đẹp về đời sống vật chất và tinh thần của một dân tộc.
Khái niệm văn minh (civitas) đến từ phương Tây, nặng ý nghĩa trình độ phát triển vật chất, kỹ thuật, khoa học, tác động lên thiên nhiên để làm chủ thiên nhiên. Khi văn minh thành thị càng bành trướng phát triển thì văn hóa cổ truyền của nông thôn càng lu mờ nhường chỗ cho những luồng văn hóa mới phát sinh từ văn minh thành thị. Lúc đó văn hóa tức là văn minh và văn hóa phát sanh từ văn minh chứ không từ tín ngưỡng như xưa.
Văn hóa
Văn文 là vẻ đẹp; Hóa 化 là thay đổi, giáo hóa. Văn hóa có nghĩa đen là: làm thay đổi cho tốt đẹp hơn[1].
Danh từ văn hóa mới được du nhập từ Âu Châu sang và có cả trăm định nghĩa. Mỗi tác giả có thể chọn một định nghĩa để định hướng cho khảo cứu của mình.
Ở phương Tây, danh từ la tinh cultus, culture (Pháp), kultur (Đức) dùng theo hai nghĩa: cultus agri trồng trọt ngoài đồng và cultus animi là trồng trọt tinh thần bằng giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn con người nên văn hóa gắn liền với giáo dục đào tạo những con người tốt đẹp cung cấp cho xã hội. Khái niệm văn hóa thay đổi qua nhiều thế kỷ, với nhiều tác giả vì văn hóa là tấm gương nhiều mặt phản chiếu đời sống tinh thần.
Văn hóa theo UNESCO
Theo quan niệm UNESCO có 2 loại di sản văn hóa:
– Di sản văn hóa hữu thể (tangible) nhìn thấy được (kiến trúc cung thành Huế, đình chùa, lăng tẩm…),
– Di sản văn hóa vô hình hay vô thể (intangible) không nhìn, sờ thấy được như câu ca, bản đàn, lễ hội, âm nhạc, thi văn, triết lý, múa hát truyền thống, văn chương, phong tục tập quán, văn hóa dân gian (folklore) như ca dao, dân ca, câu hò câu vè, tục ngữ truyện tiếu lâm, truyện cổ tích, tranh Đông Hồ, tập tục mang tính dân tộc, tập thể. Vào những lúc rảnh rỗi các bạn ngồi nghe nhạc, ngâm thơ, đọc trang mạng Hưng Việt… là lúc đời sống văn hóa tinh thần phi vật chất của các bạn đó. Vào ngày giỗ, Tết con cháu cùng với cha mẹ đứng trước bàn thờ tổ tiên để cúng bái, tập tục này biểu hiện đời sống văn hóa trong phạm vi gia đình. Đoàn thanh niên, thanh nữ vùng Montreal đi diễn hành văn hóa ngày 10-6-2018 tại New York cùng với Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montreal, tham dự lễ giỗ tổ Hùng Vương[2] là các bạn tham dự vào đời sống văn hóa cộng đồng của người Việt.
Cựu Tổng Giám Đốc UNESCO Federico Mayor định nghĩa :« Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát và sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành một hệ thống giá trị, truyền thống thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc khẳng định sắc riêng của mình ».
Áp dụng ý niệm văn hóa hữu thể và văn hóa vô thể của UNESCO sẽ giúp chúng ta định hình được văn hóa Việt trong suốt hành trình hướng dẫn văn hóa trên trang mạng của Hưng Việt.
Bản sắc văn hóa
Bản sắc (本色). Bản 本 là gốc là của mình, sắc 色 là màu sắc vật có hình tướng thấy được, là màu sắc nguyên thủy của văn hóa Việt, là dấu chỉ, biểu trưng độc đáo, là cơ sở định vị (localisation) nền tảng văn hóa giúp ta phân biệt được văn hóa Việt với văn hóa khác. Thí dụ nhuộm răng, ăn trầu, xâm mình, mặc váy là bản sắc văn hóa Việt thời vua Hùng trong bối cảnh Đông Nam Á.
Khi văn hóa Việt hòa quyện với môi trường văn hóa Viễn Đông bao gồm Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên… thì sự liên hệ đó làm nảy sinh những nét đặc trưng tức bản sắc văn hóa Việt trong nhiều lãnh vực. Thí dụ từ lễ nhạc sắc thái chung của Viễn Đông, nhạc cung đình mang màu sắc Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.
Tại hải ngoại, đôi khi người Việt có nhu cầu đi tìm Bản sắc dể xác định và hãnh diện mình là người Việt. Việc đi tìm bản sắc văn hóa là con dao hai lưỡi. Về mặt tích cực, khẳng định bản sắc và truyền thống văn hóa sẽ là chất keo gắn bó mọi người trong cộng đồng nhưng trái lại về mặt tiêu cực thì bản sắc văn hóa sẽ gây ra tình cảm biệt lập, khó hội nhập vào xã hội mới.
Còn hỏi về bản sắc văn hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các nhà khảo cứu bản sắc văn hóa cộng sản như Phan Ngọc, PGS.TS Trần Quốc Vượng không đề cập đến hoặc tránh né vì có bản sắc nhưng văn hóa vô sản đã và đang bị đào thải dần dần trước sự hồi sinh của văn hóa cổ truyền mà người Việt tự do vẫn bảo tồn và phát huy[3].
Bảo tồn và phát huy văn hóa
Văn hóa là linh hồn của dân tộc, là cái khung làm chuẩn mực[4] cho sự ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội. Tại hải ngoại, văn hóa Việt cổ truyền là linh hồn, là lãnh thổ tâm linh của người Việt tỵ nạn cộng sản. Để cùng với mọi người gìn giữ lãnh thổ này, chúng ta phải cùng nhau bảo tồn và phát huy văn hóa cổ truyền.
Bảo tồn
Văn hóa cổ truyền là di sản của tổ tiên được coi như ngọn lửa trong đống tro. Bảo tồn có nghĩa cất giữ ngọn lửa trong đống tro của tổ tiên truyền lại.
Phát huy
Phát huy tức là thổi vào ngọn lửa âm ỉ trong đống tro cho cháy liên tục và đôi khi bùng cháy lên cao. Trong tinh thần thổi cháy ngọn lửa văn hóa mà các sắc thái văn hóa cổ truyền thường hiện diện trong gia đình như ẩm thực, phong tục và trong cộng đồng người Việt với những tổ chức lễ hội như cùng nhau «Ăn Tết », cúng tế Hùng Vương…
Qui luật văn hóa
Văn hóa là linh hồn của một dân tộc do chính con người tạo ra để làm khuôn mẫu cho việc ứng xử trong xã hội. Văn hóa là một sự tích lũy các giá trị tinh thần từ đời này sang đời khác nên văn hóa mang tính liên tục, lâu dài và tiến trình tuân theo các qui luật sau :
– Qui luật tự đào thải tự nhiên từ quần chúng tiêu dùng văn hóa. Đó là trường hợp văn hóa xã hội chủ nghĩa bị đào thải ở nông thôn Bắc Bộ và đưa đến sư phục hồi văn hóa cổ truyền tại nông thôn từ năm 1986;
– Qui luật hấp thụ tự nhiên và tự nguyện của người hưởng dụng văn hóa. Ngày nay, hiện tượng dân Việt đón nhận sự hồi sinh áo dài, văn học, nhạc vàng boléro của Việt Nam Cộng Hòa theo qui luật hấp thụ tự nhiên trong giao lưu văn hóa.
– Qui luật đồng hóa. Khi có sự cộng lưu văn hóa thì nền văn hóa thấp sẽ bị đồng hóa với nền văn hóa cao. Thí dụ người chiến thắng Mông Cổ và người Mãn Châu bị văn hóa của kẻ thua trận là người Trung Hoa đồng hóa. Hình ảnh đồng hóa văn hóa này cũng đã và đang sảy ra tại Việt Nam.
Vai trò văn hóa tại hải ngoại
Đời sống là văn hóa, văn hóa là sự sống. Văn hóa tạo nên nếp sống và nếp tư duy, cho ta một trạng thái tinh thần và thái độ giúp mọi sự việc nảy nở và phát huy. Văn hóa là căn bản về mọi kiến trúc của con người nên xã hội loài người đều trưởng thành trong môi trường văn hóa.
Sống tại hải ngoại, chúng ta đều biết rằng văn hóa là :
- Lãnh thổ tâm linh của người Việt tỵ nạn cộng sản,
- Chất keo kết dính các mối quan hệ xã hội, kinh tế, chính trị của các người Việt tỵ nạn cộng sản,
- Cái khung làm chuẩn mực[5] cho sự ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội.
Vậy tại hải ngoại, muốn gìn giữ lãnh thổ tâm linh này thì phải cùng nhau bảo tồn và phát huy văn hóa cổ truyền với điều kiện là các người Việt phải nhận diện được bản sắc Việt của mình thì mới ý thức được bổn phận đối với dân tộc.
Muốn nhận diện bản sắc thì phải có ý thức văn hóa mới có hành động văn hóa. Hành động văn hóa hải ngoại của người Việt tỵ nạn sẽ đồng bộ được với hành động văn hóa quốc nội, tại sao? Lý do là sự tương đồng văn hóa sảy ra là nhờ nhân dân đã phục hồi văn hóa cổ truyền trong xóm làng ngoài Bắc Bộ và sự hồi sinh văn hóa Sài Gòn xưa tại miền Nam.
Chương trình hướng dẫn văn hóa
Hướng dẫn văn hóa được trình bày dưới hình thức một cuộc « du khảo văn hóa » trên 06 vùng văn hóa tại Việt Nam theo thời gian từ thời vua Hùng đến nay. Sau mỗi vùng văn hóa có những bài định hình văn hóa liên quan đến vùng đó, thí dụ văn hóa thời vua Hùng thì có các bài liên quan đến như cái váy, trầu cau, bánh chưng…
Con đường du khảo văn hóa có hướng dẫn gồm các đoạn đường sau:
Đoạn đường 1. Tìm về nguồn cội người Việt trong cái nôi văn hóa Đông Sơn để quan sát di sản văn hóa thời đại các vua Hùng còn sót lại : Trống đồng, thạp đồng, Đạo Mẫu, tục ăn trầu, mặc váy, bánh chưng bánh dầy…
Đoạn đường 2. Du khảo thời 1000 năm đô hộ để hiểu người Việt chống đồng hóa như thế nào.
Đoạn đường 3. Tìm hiểu ảnh hưởng văn hóa Viễn Đông trong văn hóa Việt bằng quan sát hai trung tâm văn hóa : Đình làng và kinh đô Thăng Long.
Đọan đường 4. Trung tâm văn hóa Huế với sự lan tỏa ra khắp đất nước về y phục áo dài, nón Huế, âm nhạc, kiến trúc…
Đoạn đường 5. Về thăm nông thôn miền Bắc Bộ cho biết « thành quả » cách mạng văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Đoạn đường 6. Kết thúc du khảo bằng đi phòng trà nghe nhạc vàng ngay tại Sài Gòn để nhìn thấy, nghe được âm thanh và hình ảnh của văn hóa Sài Gòn hiện tại.
_________________
[1] Ý niệm văn hóa Việt chỉ được sáng tỏ và định hướng rõ ràng vào thế kỷ XV đời Lê bởi Nguyễn Trãi[1]. Trước Ông, nhận thức về văn hóa Việt vẫn lấy văn hóa Trung Hoa làm hệ thống qui chiếu với cái phong thái « Nam nhân Bắc hướng ». Để chống lại khuynh hướng đó, trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi là người đầu tiên khẳng định Đại Việt là một nước có văn hóa (văn hiến) và đứng ngang hàng với Trung Hoa trên địa hạt văn hóa:
Như nước Đại Việt ta,
Thật là một nước văn hiến.
(Duy ngã Đại Việt chi quốc
thực vi văn hiến chi bang.)
Đường lối văn hóa Đại Việt là « Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, dùng chí nhân thay cường bạo » mà cư xử với quân Minh đã đầu hàng.
Từ thế kỷ XV, văn hóa Việt đặt nền tảng trên nhân nghĩa đã tồn tại liên tục qua các triều đại, qua các cuộc xâm lăng ngoại bang. Nhưng tiếc thay, nền văn hóa nhân nghĩa của Đại Việt bị lãng quên sau năm 1975, với sự trả thù kẻ thua cuộc bằng hận thù (Tù cải tạo, đốt sách bắt nho, đốt nhạc cấm hát…) thay cho nhân nghĩa của tổ tiên để lại nên mới có làn sóng Boat people cả triệu người và sự hiện diện của các bạn tại hải ngoại.
[2] Từ xưa, ngày 10 tháng Ba âm lịch, vua cử một vị quan thay mặt vua đến cúng tế tại đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Chọn tháng Ba là tháng Thìn (rồng) còn giải thích ngày 10 là ngày Tiên và theo dịch lý thì chưa được chỉnh.
Dù ai đi ngược về suôi,
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.
[3] Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội, 1998, tr. 6 thì viết : « Vì trình độ có hạn, người đọc chưa dám đề cập tới văn hóa xã hội chủ nghĩa, văn hóa Mỹ, văn hóa hậu công nghiệp ». Trả lời phỏng vấn báo Tia Sáng ngày 24-1-2011, PGS.TS Trần Quốc Vượng nói về bản sắc của văn hóa xã hội chủ nghĩa của Việt Nam như sau :« Bản sắc là cái được xác lập dần qua thời gian trong những điều kiện xác định, do tính chất ít giao lưu và khép kín tương đối, và dần hình thành nên những thuộc tính đủ làm nên đặc trưng của nền văn hóa các cộng đồng, khả dĩ phân biệt nó với những cộng đồng khác ».
[4] Chuẩn mực : tổng số những mong đợi, yêu cầu qui tắc, giáo lý… định hướng cho tín đồ tuân thủ
[5] Chuẩn mực : tổng số những mong đợi, yêu cầu qui tắc, giáo lý… định hướng cho tín đồ tuân thủ
Chương trình hướng dẫn du khảo
Hướng dẫn 1. Du khảo Đông Nam Á
Sắc thái văn hóa của Đông Nam Á
Thăm viện bảo tàng
Thăm di tích văn hóa thời Hùng Vương
- Đạo Mẫu
- Trầu cau
- Bánh chưng bánh dầy
- Cái váy thời Hùng Vương
- Đôi đũa
Hướng dẫn 2. Du khảo thời Bắc thuộc
Giao tiếp văn hóa giữa Đông Nam Á và Viễn Đông
Chùa
Áo yếm
Hướng dẫn 3. Du khảo văn hóa Viễn Đông
Đình làng
Thăng Long
- Nguồn gốc Tết
- Cây nêu
- Bàn thờ tổ tiên
- Vái lạy
Hướng dẫn 4. Du khảo Huế
Huế là di sản văn hóa của nhân loại
Văn hóa cung đình lan tỏa ra dân chúng
- Cơm vua
- Tà áo
- Nón lá nên thơ
- Cầu Trung Đạo
- Căn nhà Việt
- Cây ki
Hướng dẫn 5. Du khảo đồng quê « Bắc Bộ »
Thời kỳ hủy diệt văn hóa cổ truyền
Thời kỳ phục hưng văn hóa cổ truyền
Hiện tình văn hóa ở nông thôn
Hướng dẫn 6. Du khảo Sài Gòn
Thời quân chủ nhà Nguyễn
Thời Pháp thuộc 1884-1945
Thời Việt Nam Cộng Hòa
Thời « Đốt sách bắt nho »
Thời kỳ « Đốt nhạc cấm ca »
Cuồng phong Bolero
Kết thúc du khảo