Đoạn đường du khảo 2

Bối cảnh thời Bắc Thuộc

Bài học văn hóa

Tại sao không bị đồng hóa như các tộc Việt khác của Bách Việt? Vì Lạc Việt bảo tồn được bản sắc văn hóa như tín ngưỡng Đạo Mẫu, ăn trầu, răng đen mặc váy, nói tiếng Việt cổ thời vua Hùng …

Khi nói đến 1000 năm đô hộ, chúng ta thường hỏi người Việt chống lại đồng hóa với Trung Hoa như thế nào? Đoạn đường du khảo 2 sẽ trả lời cho các bạn câu hỏi này.

Vào thời kỳ Bắc thuộc 1000 năm  (từ 111 tr.CN đến 938), Trung Hoa đã có một nền văn hóa sáng chói trời Đông với những triết gia Lão Tử, Khổng Tử, triết lý Kinh Dịch… có tổ chức chính trị, quân sự của một quốc gia như đời Tần Thủy Hoàng (246-208 tr. CN). Du khảo thời kỳ Bắc thuộc sẽ giúp chúng ta quan sát hai biến cố văn hóa quan trọng sau :

– Văn hóa Đông Nam Á của Văn Lang-Âu Lạc giao lưu với một sức mạnh chính trị và văn hóa tiến bộ của Trung Hoa,

– Chùa biểu tượng sức chống lại sự đồng hóa với văn hóa Trung Hoa.

Giao tiếp văn hóa
giữa Đông Nam Á và Viễn Đông

Văn hóa Đông Nam Á của người Việt cổ bắt đầu chuyển động thay đổi từ khi nhà Tần sai Triệu Đà xuống giữ đất Việt, làm Lệnh huyện Long Xuyên, sau đánh lấy quận Quế Lâm và Tượng lập nên nước Nam Việt.

Năm 238 (tr. CN), Triệu Đà  lấy thi, lễ giáo hóa nhân dân một ít[1], ép buộc dân ta học Hán ngữ, nhằm đồng hóa người Việt bằng ngôn ngữ. Sách Việt giám Thông khảo Tổng luận do Lê Tung viết năm 1514 có chép việc họ Triệu mở trường dạy người Việt học chữ Hán.

 Thời Tây Hán, chính sách đối với dân Lạc Việt rất thả lỏng, thái thú chỉ lo thu thuế, giữ an ninh, kiểm tra dân đinh, chứ không đụng chạm gì đến việc nội bộ của người Lạc Việt. Thái thú (Hán) cùng một số đạo quan binh sang đóng giữ các miền ở Mê Linh, ở Luy Lâu rồi Long Biên (tại xứ Đoài, xứ Bắc ngày sau) lo thu cống nạp chứ bên dưới vẫn “để Lạc tướng trị dân như cũ”, “dĩ kỳ cố tục trị” (Tiền Hán thư). Và Hai bà Trưng vẫn được ghi là “con gái Lạc tướng Mê Linh” và Thi (hay Thi Sách) là “con trai Lạc tướng Chu Diên”. Thái thú Tô Định tàn ngược định dùng pháp chế Hán thắt buộc hạn chế thế lực thủ lĩnh địa phương cũ “dĩ pháp thằng chi” (Hậu Hán thư) thì lập tức con cái Lạc tướng và các thủ lĩnh cổ truyền đã vì oán giận, nổi dậy chống Hán.

Sau khi đánh bại Hai Bà Trưng năm 43, Mã Viện là người đầu tiên cưỡng bức người Việt đồng hóa với Trung Hoa. Đàn ông ăn mặc làm ruộng giống người Hán, đàn bà lo nuôi tằm dệt vải, học chữ hán.

Đến đời Đông Hán, những thái thú rất dụng tâm về việc du nhập văn hóa Trung Quốc, nhất là Tích Quang, thái thú quận Giao Chỉ, Nhâm Diên, thái thú quận Cửu Chân. Vì có loạn Vương Mãn nên một số tôi trung nhà Hán trốn sang Giao Chỉ, Tích Quang dung nạp hết và nhờ họ khai hóa nhân dân. Đó là dạng văn hóa du nhập hiền hòa do di dân Trung Hoa mang sang, thí dụ các nhân vật trí thức Trung Hoa như Lưu Hy, Hứa Tĩnh, Hứa Từ, Viên Huy chạy loạn sang Việt Nam và phổ truyền văn hóa  Trung Quốc.

Theo Đào Duy Anh « Tích Quang dạy cho dân cày cấy, biết đội mũ đi dày, dạy phép mối lái cho họ biết hôn thú, lại lập các học hiệu (Hậu Hán Thư, Q.116) ».  Cuối đời nhà Hán, Tích Quang dựng nhà học hiệu. Lê Tắc viết :« Đời nhà Đường, nhà Ngu và thời Tam Đại, sự giáo hóa của Trung Quốc đã nhuần thấm đến »[2]. Sĩ Nhiếp thái thú quận Giao Chỉ (187-226) truyền giảng Thượng Thư và Kinh Xuân Thu đã đào tạo nên một tầng lớp Hán học làm thông dịch và có người làm quan với Bắc Triều. Giai đoạn Sĩ Nhiếp cai trị Giao Chỉ còn đánh dấu sự xuất hiện của những người Việt đầu tiên làm việc cho triều đình phong kiến Trung Quốc. Thí dụ như Lý Tiến người Cao Hưng giữ chức Thái Sử đời Hán Linh Đế (183-189), Thời Hán Đường, Giao Chỉ cống những người tiến sĩ minh kinh (học hành thông thái) như Lý Cầm làm quan đến Tư lệ hiệu úy, Trương Trọng, người quận Nhật Nam, làm Thái thú Kim Thành nên chẳng lạ gì thấy lập đền thờ Sĩ Nhiếp coi như Nam Giao học tổ[3].

Đền thờ Sĩ Nhiếp tại Tam A, xã Gia Đồng, Bắc Ninh

Trong bối cảnh văn hóa đó, phong tục, xã hội, kinh tế Lạc Việt bị chính sách đồng hóa của Tầu biến đổi một cách sâu xa, tạo nên một cơ cấu chính trị xã hội mới, nhất là hình thành một lớp người trí thức Hán học (giới quí tộc, trí thức, nhà sư) thâu thái văn hóa ưu thắng của Trung Hoa (đọc kinh sách, học chữ Hán, luân lý Khổng).

Trong thời kỳ ngàn năm đô hộ, các sự kiện văn hóa đáng ghi nhớ là :

  • Người Việt thời Hùng Vương còn bảo tồn vài bản sắc xưa là tín ngưỡng bản địa như Đạo Mẫu với nghi thức lên đồng, ăn trầu, mặc váy, tiếng Việt cổ của Giao Chỉ pha trộn với tiếng hán việt,
  • Biến cố văn hóa quan trọng nhất là sư sáng tạo tiếng Hán Việt từ những ngôi chùa giữ vai trò trung tâm văn hóa của người Việt chống lại sự đồng hóa với Trung Hoa,
  • Biến đổi về y phục : Xuất hiện áo giao lĩnh, trực lĩnh (xem phần lịch sử áo dài) và nhất là áo yếm đặc thù của phụ nữ Việt.

1. Chùa

Trung tâm chống đồng hóa 

Suốt 1000 năm đô hộ, chùa giữ ba vai trò quan trọng về văn hóa :

– Nơi sáng tạo chữ hán-việt, bảo tồn tiếng Việt cổ và hòa đồng Tam Giáo với tín ngưỡng thời Hùng Vương,

– Nơi dạy chữ Hán cho nhân dân và đào tạo giới trí thức Hán học để gieo hạt giống chống Bắc thuộc và người muốn đi thi làm quan thì sang Trung Quốc như Lý Cầm, Lý Tiến, Khương Công Phụ (tiến sĩ đầu tiên),

– Phật giáo tiêu biểu trào lưu tư tưởng và tập hợp những người uyên bác nhất trong nhân dân nhất là các nhà sư thí dụ như Hòa Thượng Đạo Cao, Pháp Minh viết thư tranh luận về đạo Phật với thứ sử Giao Châu Lý Miễu (Thế kỷ 5),

Đạo Phật trên đất Việt xưa

Thời Hùng Vương, vì tranh dành đất đai, các quan lang (hoàng tử) dựng mộc sách (hàng rào bằng gỗ) để phòng ngự, nên từ đó dân Giao Chỉ sống tập họp thành  sách, thôn, trang, phường rồi sau này là  kẻ, chạ, chiềng, làng (tiếng Việt) hay xã (xuất phát từ chữ Hán thời đô hộ). Từ khi Mã Viện sang xâm chiếm, dân tập trung thành xã làm đơn vị hành chánh căn bản của xã hội và Tiết Độ sứ Khúc Hạo lập ra bộ, phủ, châu[4].

Trong thời đô hộ, dân Giao Chỉ tiếp nhận văn hóa Phật Giáo từ Ấn Độ rồi từ Trung Hoa qua bằng con đường hòa bình. Từ đầu công nguyên, nhiều nhà sư Ấn Độ đã đến tại trị sở chính trị kinh tế của Giao châu là Luy Lâu nằm bên bờ phía bắc sông Đuống, cách Hà Nội chừng 30cs. Luy Lâu đã sớm là trung tâm phật giáo quan trọng với sự hiện diện của nhà sư Khâu Đà La đến Luy Lâu khoảng 168- 189 và nhà sư ấn độ Ma ha ki vực (Mahajivaka), khương Tăng Hội. Tiếp theo, các tông phái từ Trung Hoa : Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông được truyền sang vào thế kỷ V-VI.

Trong  thời Sĩ Nhiếp[5] 137-226, nhiều chùa được xây dựng nhất là ở Luy Lâu (Bắc Ninh) tại đây các nhà sư ở lại học chữ Hán trước khi sang Trung Hoa truyền giáo. Năm 247, tăng sĩ Khương tăng Hội đã đến Luy Lâu rồi sang Trung Quốc, thời đó Luy Lâu là trung tâm phật giáo có khoảng 20 chùa, 500 tăng sĩ, dịch kinh phật 15 cuốn.

Trong thời gian đô hộ, về hành chánh chính trị, quân xâm lược chỉ đặt quan cai trị ở các cấp trên như bộ, phủ, châu, nhờ vậy mà xã thôn thì vẫn tự trị sau lũy tre và chung quanh ngôi Chùa. Tuy là một văn hóa tín ngưỡng ngoại nhập nhưng trải dài trên bao thế kỷ nên đã được dân Việt hấp thụ đến mức phật giáo trở thành một bộ phận cấu trúc của nền văn hóa Giao Chỉ. Do đó mà nhiều nhà khảo cứu lấy hình ảnh sữa hòa với nước để mô tả Phật giáo hội nhập vào văn hóa Việt.

Chùa hội nhập vào dân gian như thế nào?

Từ khi đạo Phật vào đất Việt  thì chùa dung hợp Phật, Thánh, Tiên và cả người, cả Trời Đất… không chỉ là nơi hướng thiện từ bi hỉ xả mà sân chùa còn là địa điểm sanh hoạt cộng đồng như hội chùa (như hội chùa Dâu, chùa Keo, chùa Hương), lễ hội vào các dịp lễ tiết. Dân sống quây quần chung quanh Chùa và Chùa được coi là trung tâm văn hóa tín ngưỡng, đời sống tâm linh,  tiếp nhận văn hóa Trung Hoa (Phật, Lão giáo, tư tướng, tập tục…), và bảo tồn bản sắc văn hóa Lạc Việt ( Đạo Mẫu với lên đồng, y phục mặc váy, tục ăn trầu, nhuộm răng đen…).  Dân Giao Chỉ đã sống hòa đồng với Phật Giáo là vì :

– Phật giáo xâm nhập có tính cách hòa bình,

– Từ tòa sen tĩnh lặng, Phật Thích Ca bước xuống sống gần gũi với người dân dưới tên gọi thân thương Ông Bụt[6]. Ông Bụt mang lại từ bi hỉ xả  mà không gây sợ hãi. Đó là hình ảnh biểu tượng mức độ hội nhập sâu sắc của đạo phật vào văn hóa dân gian.

Gần chùa gọi bụt bằng anh,
Trông thấy Bụt lành, cõng Bụt đi chơi,

Hoặc là :

Trông thầy Bụt lành, hạ xuống đất chơi.

– Chùa trở thành chùa của làng, dân làng còn đổi cả tên chùa theo cách gọi của người dân, thí dụ chùa Long Ân ở ngoại thành Hà Nội được gọi chùa Quảng Bá, chùa Pháp Vân ở Hà Bắc thì người dân gọi là chùa Dâu vì tọa lạc trong vùng đất Dâu.

Dù ai đi đâu về đâu,
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.

Trong bài thơ Nhớ cây đa chùa Viên Giác nhà thơ Trần Trung Đạo coi sân chùa như sân nhà mình :

Cây đa cũ chắc đã già hơn trước,
Biết có còn đổ lá xuống sân tôi?

Trong bối cảnh của một ngôi chùa, phật giáo đóng vai trò chủ thể trong sự cộng lưu và hòa đồng các luồng tín ngưỡng. Phật giáo lấy hòa đồng làm cứu cánh nên mối quan hệ cộng hưởng giữa phật giáo, Lão giao, tín ngưỡng bản địa đã diễn ra một cách hồn nhiên do khả năng thu hút, thâm nhập tự nhiên vào nhau chứ không bị một sự áp chế nào cả.

Phật giáo hội nhập vào văn hóa bản địa

Vì văn hóa Giao Chỉ lạc hậu chỉ có những tín ngưỡng bản địa, không có hệ thống triết học, đạo đức cao cấp nên không xem phật giáo như một tôn giáo ngoại lai, cũng không có mặc cảm dân tộc như Đại Hán đã có sẵn tôn giáo riêng Lão giáo, Khổng giáo, tư tưởng Kinh Thi. Ngay từ thời gian đầu, sự hội nhập của phật giáo diễn tiến dưới nhiều hình thức.

Hòa hợp với tìn ngưỡng bản địa

Tại Bắc Ninh, tín ngưỡng dân gian là thờ Tứ Pháp (bốn vị nữ thần : Mây, Mưa, Sấm, Chớp). Theo nhân dân quan niệm Tứ pháp là bốn chị em, trong đó Bà Dâu là chị cả, Bà Đậu là chị hai, Bà Tướng là chị thứ ba và em út là Bà Dàn. Phật giáo đã kết  hợp với tín ngưỡng bản địa Tứ Pháp qua  truyền thuyết Phật Mẫu Man Nương là mẹ của Tứ Pháp, vì vậy mà các đền thờ bốn vị nữ thần thì gọi là chùa tại vùng Dâu ở Bắc Ninh[7]. Chùa Dâu[8] ở Bắc Ninh thờ Pháp Vân là trung tâm Phật Giáo cổ xưa nhất tại Việt Nam, hoàn thành năm 226, nằm ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu.

Bắc Ninh: Chùa Dâu

Tượng Bà Dâu (Pháp Vân)

Tượng Pháp Vũ

Tượng Pháp Lôi

Tượng Pháp Điện

Bảo tồn tín ngưỡng thời Hùng Vương

Người dân thường nói « Tiền Phật, hậu Thần » có nghĩa đằng sau điện thờ Phật là hậu cung nơi đây có bàn thờ Chư Vị của Đạo Mẫu như Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Thánh Mẫu Thoải là các vị công chúa thời Hùng Vương (Đạo Mẫu đã được UNESCO công nhận là tín ngưỡng cổ truyền của người Việt từ thời tiền sử). Bên cạnh bàn thờ Phật, thường có một tòa riêng thờ Mẫu thí dụ như chùa làng Trà Lũ Bắc (Xuân Bắc), phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định có một diện thờ xây bên cạnh để thờ các Thánh Mẫu của Đạo Mẫu với nghi thức lên đồng. Lý do hiện diện Đạo Mẫu tại chùa là vì sự du nhập Lão giáo (phù phép, bùa chú) đã hội nhập vào nghi thức lên đồng của Đạo Mẫu[9].

Ngày nay còn thấy chứng tích thờ Đạo Mẫu tại quần thể chùa Bái Đính [10] (chùa cổ có động Thờ Mẫu) tại Ninh Bình ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư. Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần :

– Nghi thức thắp hương cúng Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không (thiền sư), lễ tế thần Cao Sơn (thời Hùng Vương) và Thánh Mẫu Thượng Ngàn (Đạo Mẫu);

– Rước kiệu ba vị từ chùa cổ ra khu chùa mới. Phần hội có trò chơi dân gian, hát chèo, xẩm …

Chùa bảo tồn tập tục

Đến cửa chùa, các nữ phật tử vẫn mang y phục mặc váy và tập tục nhuộm răng đen, ăn trầu thời Hùng Vương. Theo các họa tiết hình người trên trống đồng Đông Sơn thời Hùng Vương, thì chúng ta thấy  hình người mặc váy dài, có 2 vạt tỏa ra hai phía, vừa đi vừa múa,  hình người, tai đeo còng lớn, tóc búi cao, phần dưới mặc váy, trước váy có thêm miếng lá phủ.

Các họa tiết chứng tỏ váy là bản sắc y phục cổ truyền từ thời Hùng Vương và đã được phụ nữ Việt bảo tồn  chống sự đồng hóa với trang phục (mặc quần) củaTrung Hoa trong suốt 1000 năm đô hộ.

Sáng tạo chữ Hán Việt

Dùng Hán tự mà tại sao người Việt không bị đồng hóa? Câu trả lời thường nêu lên là tổ tiên ta đã sáng tạo ra cách đọc chữ Hán bằng âm Hán-Việt nhằm giải nghĩa chữ Hán bằng tiếng Việt. Bốn yếu tố đóng góp vào sáng tạo tiếng Hán Việt là cách học chữ Hán, phương pháp dạy chữ Hán, người sáng tạo, cách sáng tạo.

Cách học chữ Hán

Khi văn hóa Tầu truyền vào nước ta thì giữa tiếng ta và tiếng Tầu có một bờ thành ngăn cách là vì văn (langue écrite)  và ngôn (langue parlée) của Tầu là hai ngữ thể khác nhau. Ta không phải học theo ngôn của họ mà học văn của họ tức học « Cổ văn » tức văn chương trong kinh truyện và « Kim văn » tức văn chương đời Hán, tống là cái kho tiếng Hán Việt của ta.

Phương pháp dạy học :

Trong thời gian dạy chữ Hán, các cụ đồ dùng tiếng nôm để nghe sách và giảng nghĩa sách bằng cách bình lên một câu chữ nho, giải nghĩa từng chữ ra tiếng nôm, rồi dùng tiếng nôm giảng giải ý nghĩa trong câu sách[11]. Vì phải tìm tiếng nôm [喃] để dịch nghĩa chữ Hán cho đúng nhưng đôi khi thiếu tiếng nôm phải dùng cách vay mượn tiếng Hán Việt xen kẽ vào. Từ đó việc xen kẽ này làm cho tiếng ta dần dần thành lời nói có văn chương.

Những người sáng tạo

Một điều chắc chắn là việc sáng tạo tiếng Hán Việt bắt đầu sảy ra trong thời kỳ đô hộ với hai sự kiện quan trọng sau.

– Nhiều sư sãi học và dạy chữ Hán, mượn chữ Hán để dịch kinh thí dụ như bộ Lục Độ Tập Kinh[12] của Khương Tăng Hội để truyền bá Phật giáo. Vì vậy mà sau này Phật giáo đào tạo ra những người phò tá chính quyền Đại Việt như Khuông Việt, Vạn Hạnh, thiền sư uyên bác Nguyễn Minh Không được phong Quốc Sư được thờ ở đền Thánh Nguyễn gần chùa Bái Đính.

– Hình thành một lớp người Hán học. Đến thời Sĩ Nhiếp (187-226) truyền giảng Thượng Thư và Kinh Xuân Thu đã đào tạo nên một tầng lớp Hán học làm thông dịch và có người làm quan với Bắc Triều, thí dụ như Lý Tiến làm thứ sử Giao Chỉ dưới đồi Hán Linh Đế (168-189).

Cách sáng tạo

Vào thời Hán Đường, khi tiếp xúc với chữ Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta và nhất là các nhà sư thông thạo chữ Hán đã mượn chữ Hán làm chữ viết cho người Việt. Để thông dịch và truyền bá kinh Phật, tổ tiên ta đã sáng tạo ra một giải pháp xuất phát từ ý tưởng là mỗi chữ Hán được  ta quy ước đọc bằng một (hoặc vài, tùy chữ Hán gốc) âm tiếng Việt xác định có gốc là âm chữ Hán. Ngày nay gọi là âm Hán Việt nhằm giải nghĩa chữ Hán bằng tiếng Việt cho tín đồ và học trò dễ hiểu. Âm hán việt là âm việt đọc chữ Hán mà văn tự là chữ Hán cả chữ lẫn nghĩa. Không nói tiếng Trung Quốc nhưng vẫn viết chữ Hán và dùng âm Hán-Việt để đọc chữ Hán.  Thí dụ từ 物 陽,  Hán ngữ đọc Yin Yang,  người Việt biết Hán ngữ đọc “âm dương”; chữ  được đặt tên là chữ Thủy, âm đọc Thủy khác với âm đọc Shuay của người Hán. Nhờ đó mà có thể học được chữ Hán mà không cần đọc âm tiếng Hán[13].

Chữ  Hán hay chữ nho[14] chỉ cùng một thứ chữ. Từ đời nhà Lý (1010-1225), nho giáo và nho học trở thành chính thống nên chữ nho thành quốc gia văn tự ( chữ ta) bởi lẽ Nho  là từ dùng để gọi những người có học.  Vì đọc chữ bằng tiếng mẹ đẻ nên chữ Nho trở nên dễ học đối với người Việt: chỉ cần học mặt chữ, nghĩa chữ và cách viết văn chữ Hán mà không cần học phát âm và học nghe/nói tiếng Hán.

Nhờ nói tiếng Việt[15], viết chữ Hán đọc âm Hán Việt và  sống quây quần chung quanh chùa mà dân Việt học chữ Hán theo âm Việt nhưng vẫn bảo tồn tiếng Việt cho nên :« Tiếng ta còn thì nước ta còn! ».

Tóm lại, sau 1000 năm bị đô hộ, chúng ta có nhận xét gì?

  1. Mất nước chứ không mất làng. Giao Chỉ giống như một tòa nhà chỉ thay đổi mặt tiền ( hình ảnh thực quan cai trị của Trung Hoa) còn nền tảng cấu trúc bên trong là làng xóm vẫn là của người Việt, văn hóa Việt.
  2. Sức mạnh « âm tính » của văn hóa nông thôn. Chùa làng đã trở thành trung tâm văn hóa nông thôn  của Giao Chỉ. Bản chất của nền văn hóa này bó chặt con người vào đồng ruộng, nên có đặc điểm « âm tính » của văn hóa tĩnh tức khép kín, hướng nội để bảo tồn tiếng nói, phong tục tập quán[16] và cất giữ di tích huyền thoại, huyền tích của thời kỳ trước khi bị xâm lăng và đồng hóa. Điều này đủ nói người Việt không muốn trở thành người Trung Hoa dù sau cả ngàn năm đô hộ.
  3. Thấm nhuần văn hóa Tầu mà không vong bản. Vẫn hội nhập và xưng tụng văn hóa Trung Hoa nhưng đồng thời không quên ý chí độc lập của dân Việt. Nhờ vậy mà về sau dân Việt mới tìm thấy một sức mạnh văn hóa, chính trị để đánh đuổi kẻ xâm lăng.

Cột đồng Đông Hán tìm đâu thấy,
Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương.

2. Áo yếm

Chúng ta có thể định hình văn hóa Việt qua áo yếm theo quan niệm văn hóa của UNESCO, cái yếm là di sản văn hóa hữu thể (tangible) nhìn thấy được còn các câu ca dao, thi văn chung quanh cái yếm là di sản văn hóa vô hình hay vô thể (intangible) không nhìn, sờ thấy được.

Cái yếm xuất hiện từ bao giờ? Về nguồn gốc của cái yếm, tài liệu sử gần như không có và không rõ yếm xuất hiện vào giai đoạn nào, nhưng dựa trên các tài liệu lịch sử sau thì yếm xuất hiện thời đô hộ:

  • Vì những cải cách của Tích Quang. Theo Đào Duy Anh « Tích Quang dạy cho dân cày cấy, biết đội mũ đi dày, dạy phép mối lái cho họ biết hôn thú, lại lập các học hiệu (Hậu Hán Thư, Q.116) ».
  • Đến đời nhà Lý (thế kỷ 12) chiếc yếm đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của người phụ nữ Việt nam, từ mệnh phụ công nương chốn cung đình đến bàn dân thiên hạ nơi ruộng đồng lam lũ.
  • Vào thời Lê trung hưng, theo thi phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn (十戒孤魂國語文) của vua Lê Thánh Tông, các hoa nương thường chuộng mặc “yếm chéo cánh, cạnh thêu”, có màu “lục cổ vẹt, đỏ tiết dê, xống dang chân thắt đáy”[17].

Yếm là một miếng vải mỏng manh có khổ vuông, hai đầu nhọn đính dây để nẹp vào cổ và eo cốt che kín từ vú đến rốn, hở nách.

Cái yếm rất thô sơ, thô sơ nhưng lại rất thơ mộng làm nguồn cảm hứng cho thi văn lãng mạn và trữ tình  tạo nên sắc thái văn hóa được biểu hiện qua luồng thi văn bình dân dưới hình thức ca dao rất mộc mạc, dễ hiểu . Thí dụ như :

Hỡi cô yếm thắm đeo bùa,
Bác mẹ có bán anh mua nửa người.

Cái yếm thì gợi tình được diễn tả bằng thi văn tao nhã, tế nhị giữa đàn ông và đàn bà đối đáp văn chương hữu tình với nhau. Đàn ông thường mượn cái yếm để tỏ tình vì vậy mà cái yếm trở thành chủ đề lãng mạn trong thi ca tình tứ của dân tộc.

Cách mặc áo yếm

Áo yếm che hững hờ trước ngực, vừa kín vừa hở rất là gợi cảm nên thơ, để lộ phần lưng thắt đáy như lưng ong, vừa kín đáo nhưng cũng tăng vẻ khêu gợi. Áo yếm thường làm bằng một mảnh vải hình vuông, một góc cắt lẹm đi rồi đính 2 dải vải buộc vào sau gáy. Hai góc trái và phải cũng đính 2 dải vải gọi là dải yếm, dài đủ dài để buộc ra sau lưng thành một cái nút làm ngẩn ngơ những cặp mắt của thi nhân:

Em thắt làm chi giải yếm tơ
Sao không thả lỏng để anh nhờ
Rắc rối cho đời thêm cái gút
Gỡ mãi xuân tàn tóc bạc phơ.

Mùa hè trời nóng bức, áo yếm xử dụng trong nhà, mặc thêm áo cánh khi ra ngoài.  Sự xuất hiện chiếc yếm được ca tụng, tôn vinh cái “lưng ong”, nét đẹp của phụ nữ trong văn hóa Việt Nam. Bên ngoài yếm là áo cánh trắng, mỏng được chiếc thắt lưng giữ với cạp váy. Ngoài cùng khoác áo tứ thân. Cái yếm ở miền Trung thì có hình tam giác. Khoảng thời Lê trung hưng trở đi, thứ có cổ khoét tròn được gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn như chữ V gọi yếm cổ xe, đáy chữ V khoét sâu hơn lại là yếm cổ nhạn. Riêng đàn bà thường kết hợp mặc yếm với váy đụp.

Mầu vải yếm

Hầu hết đàn bà ưa dùng các màu trắng, mỡ gà, điều, bã trầu, hoa cà, nâu, cũng có các màu nõn chuối, cánh trả, gốm nhưng hiếm hơn. Người phong lưu dùng yếm dệt từ lụa hoặc thổ cẩm, dân hạ lưu chọn các loại vải kém bền hơn như bông, tơ chuối. Mặt yếm có thể thêu hoa, bướm hoặc uyên ương, trường hợp đặc biệt hơn là con dơi (phúc), quả ổi (lộc), quả đào (thọ) hoặc các biểu hiện đạo đức.

Yếm của các  bà lao động nghèo thì bằng vải thô, màu nâu. Vào ngày lễ hội thì yếm đủ màu sắc : yếm trắng, yếm thắm, yếm hồng bằng nhiễu, chúc bâu, lụa…

Yếm đào theo gió vờn bay
Quai thao che mặt bàn tay thon mềm.

Hỡi cô yếm thắm lòa lòa,
Yếm nhiễu, yếm vóc hay là chúc bâu.
Hay là luạ bạch bên Tàu,
Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài.

Hỡi cô mặc áo yếm hồng,
Đi trong đám hội có chồng hay chưa.

Yếm điều em hãy còn màu,
Răng đen da trắng, mái đầu còn xanh.

c loại yếm[18]

 Các thi nhân thường phân loại yếm theo đặc tính của yếm : yếm xạ hương, yếm ém trầu, yếm hở lườn, yếm gặp mưa, dải yếm phải gió…     

Yếm đeo bùa xạ hương

Bùa là xạ hương (tỏa mùi thơm như nước hoa ngày nay) đựng trong cái túi buộc vào cổ yếm. Cô gái có cổ yếm  đeo bùa (túi đựng xạ hương) tỏa ra hương thơm ái tình (giống như mọi sinh vật trên trái đất) đứng hàng thứ 5 trong mười thương :

Năm thương cổ yếm đeo bùa.

Dù đọc kinh nhắm mắt bịt tai nhưng mũi phải mở để thở nên nhà sư dễ dàng thất điên bát đảo khi ngửi thấy hương thơm của bùa đeo ở cổ yếm hòa quyện với mùi da thịt.

Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Sư về sư ốm tương tư,
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.

Bùa mùi hương của cơ thể ấp ủ trong yếm  cũng làm cho chàng trai si tình phải thốt lên :

Đêm nằm đắp chục chiếc chăn,
Làm sao sánh được ấm bằng yếm em.

Vào ngày mưa gió giá lạnh, anh chàng si tình đã chiếm được lòng cô gái thì ở nhà ôm dải yếm hít hà mùi hương cơ thể ấp ủ trong dải yếm mà mơ màng.

Trời mưa trời gió kìn kìn,
Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông.

Cái yếm ém trầu

«Khẩu trầu dải yếm »  là miếng trầu được « ém » trong dải yếm đem ra mời người tình.

Khi chàng trai hợp nhãn đến chơi thì cô gái mời trầu để mở đầu câu chuyện.

Trầu em têm tối hôm qua,
Cất trong dải yếm mở ra mời chàng.

Nàng có 3 loại trầu : trầu túi (trầu đựng trong túi), trầu khăn (trầu gói trong khăn), trầu dải yếm (trầu ém trong dải yếm) và hỏi chàng rằng :

Trầu này trầu túi, trầu khăn,
Cùng trầu dải yếm anh ăn trầu nào ?

Nếu chàng trai chọn trầu trong túi trong khăn tức ẩn ý chỉ là bạn hữu. Nếu chàng trai chọn trầu dải yếm tức khẩu trầu dải yếm có nghĩa đã thuận tình nhau mong cùng  nàng kết nhân duyên thì  cô gái mở gói trầu buộc ở dải yếm đem ra mời chàng. Ăn xong miến trầu thì nàng mới hỏi :

Trầu em buộc dải yếm đào,
Hỏi người tri kỷ ăn vào có say?

Cái yếm mưa gió

Nếu bất chợt gặp cô nàng mặc yếm mỏng manh giữa trời mưa gió, thì mắt anh chàng mở to như hai cái tô say mê nhìn cảnh cái yếm chống lại mưa gió như thế nào.

Gió đùa yếm thắm đu đưa,
Mưa rơi ướt yếm,  trái dừa đòi ra.

Đến khi gió nổi to quá, đánh vạt cái yếm thì mắt anh chàng sáng rực tưởng nàng hớ hênh.

Gió đánh yếm nàng, gió đè ngực nàng,
Mắt anh rực sáng vì nàng hớ hênh.

Lúc đó chàng trai mới tán tỉnh:

Trời mưa lấy yếm mà che,
Anh đây đứng gác còn e nỗi gì.

Trời mưa thì mặc trời mưa,
Em đây cởi yếm che mưa anh về.

Cái yếm hở lườn, dải yếm phải gió

Hình ảnh đẹp của nam nữ ở nông thôn là mặc yếm hở lườn đi với đóng khố đuôi lươn.

Đàn ông đóng khố đuôi lươn,
Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh.

Mỗi khi gió thổi, dải yếm tung bay để lộ ra phần lưng và ve vuốt hở hai bên lườn trông thật hấp dẫn và trữ tình nhất. Hình ảnh này làm cho anh lái đò rạo rực lúc nhìn thấy yếm để hở lườn, dải yếm lại phất phơ trước gió, mà cao hứng tán tỉnh cô gái như thế này :

Thuyền anh ngược thác lên  đây,
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo đò.

Cô gái biết anh chàng láu lỉnh ghẹo mình nên trả lời :

Ước gì dải yếm em to,
Để em buộc lấy mũi đò kéo lên.
Ước gi dải yếm em bền,
Để em buộc lấy kéo lên trên bờ.

Mối tình dải yếm bên sông

Cảnh dòng sông cách trở đôi bờ cũng làm chúng ta nhớ đến cô gái mơ tưởng đến người tình mà mơ màng cởi dải yếm làm cầu cho chàng sang chơi.

Ước gì sông hẹp bề ngang,
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.

Còn anh hàng xóm bên kia sông, ngày ngày thấy nàng phơi yếm mà gạ gẫm nàng :

Gần đây mà chẳng sang chơi,
Để anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.

Khi nàng đã thuận tình nghĩ đến việc trăm năm thì cô gái mượn dải yếm mà ấp ủ duyên tình dải yếm bắt đầu bằng câu trả lời :

Mồng tơi chả bắc được đâu,
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang.

Thế là từ ngày nàng cởi dải yếm, duyên tình dải yếm làm anh chàng tương tư cái yếm suốt đời.

Ta về ta cũng nhớ mình,
Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao.

Yếm làm quà tặng

Nhìn thấy cô gái kia mặc yếm hoa chanh, đó là quà tặng của người yêu đấy.

 Anh mua cho em cái yếm hoa chanh,
Ra đường bạn hỏi, nói của anh cho nàng.

Nhưng chẳng may, tình yêu lại ghé bến sầu, dải yếm đổi mầu nay thành lỗi hẹn, khiến chàng dỗi hờn đòi lại cái yếm.

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím,
Em có chồng rồi trả yếm cho anh.

Cái yếm lỗi hẹn thì trả lời rằng.

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh,
Yếm em em mặc, yếm chi anh đòi.

Chiếc áo yếm làm anh chàng xót thương, tiếc nuối mà nguyện ước rằng.

Kiếp sau đừng hóa ra người,
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân.

Có cái gì bên trong yếm?

Nơi các tiên (immortel) tu Đạo Lão ở là những hòn đảo hình trái bầu gọi là Bồng đảo hay Bồng lai trên biển Bột Hà. Trên đảo có lạch nước chảy giữa những cây đào gọi là Đào nguyên. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã dùng thi văn mô tả cõi tiên bên dưới cái yếm có đôi gò bồng đảo ở trên, có lạch Đào Nguyên ở dưới, có nương nong (ngực) trên người cô trinh nữ.

Lược trúc lỏng cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương nong.
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.

Bài thơ « Gái rửa bờ sông » của thi hào Nguyễn Khuyến tả ông Hà Bá nhìn thấy vật đó bên trong yếm có hình thù như thế này.

Thu vén giang sơn một cặp tròn,
Nghìn thu sương tuyết vẫn không mòn.
Biết chăng chỉ có ông Hà Bá,
Mỉm mép cười thầm với nước non.

Đôi khi, chỉ cần nhìn mấy bà chồng con thỗn thện cũng biết ông Hà Bá nhìn thấy gì dưới cái yếm.

Khi xưa ở với mẹ cha
Một năm chín yếm xót xa trong lòng
Từ khi em về nhà chồng
Chín năm một yếm, em lật trong ra ngoài.

Chưa chồng yếm thắm đeo hoa,
Chồng rồi hai vú bỏ ra tày giành

[1] Annam Chí Lược của Lê Tắc soạn TK 14, Viện Đại Học Huế, 1961, tr.110.

[2] Annam Chí Lược, sđd , tr.15.

[3] Sĩ Nhiếp đã thực thi nhiều chính sách tiến bộ nên được hậu thế tôn làm Nam Giao học tổ (南郊學祖), đến Nhà Trần lại sắc phong mỹ tự Thiện cảm Gia ứng Linh vũ Đại vương (善感嘉應靈武大王), một số các sử quan đánh giá cao gọi là Sĩ vương (士王).

[4]Đến đời Tiền Lý, làng xã mới được tổ chức qui củ. Năm 1242, nhà Trần phân biệt đại tư xã và tiểu tư xã, bổ xã quan điều hành.

[5] Được gọi là Nam Giao học tổ

[6] Bụt tiếng Phạn là Buddha nghĩa là Biết đọc là Bụt Đà, ta gọi tắt là Bụt

[7] Năm ngôi chùa cổ Chùa nằm ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu: chùa Dâu thờ Pháp Vân (法雲寺, “thần mây”) còn có tên là Diên Ứng (延應寺), Pháp Vân (法雲寺), hay Cổ Châu, nằm ở xã Thanh Khươngchùa Đậu thờ Pháp Vũ (法雨寺, “thần mưa”), chùa Tướng thờ Pháp Lôi (法雷寺, “thần sấm”) Chùa Phi Tướng (tên chữ là Phi Tướng đại thiền tự) còn gọi là chùa Tướng nằm ở xã Thanh Khương; Chùa Dàn (tên chữ là Trí Quả tự) , chùa Dàn thờ Pháp Điện (法電寺 “thần chớp”)  còn gọi là Chùa Dàn Phương Quan hay Chùa Dàn Câu, xã Trí Quả và chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp. Năm chùa này ngoài thờ Phật còn thờ Tứ Pháp, chùa Tổ thờ Phật Mẫu Man Nương là mẹ của Tứ Pháp. Chùa tổ Man Nương quay về hướng nam, bốn chùa Mây, Mưa, Sấm, Điện quay về phía tây

[8] Còn có tên Diên Ứng, Pháp Vân, Cổ Châu

[9] Lê Thành Khôi, Histoire du Việt Nam, tr. 98

[10] Núi chùa Bái Đính là nơi Đinh Tiên Hoàng Đế lập đàn tế Trời. Thời nhà Lý thiền sư uyên bác Nguyễn Minh Không được phong Quốc Sư được thờ ở đền Thánh Nguyễn.Đền thờ thần Cao Sơn theo thần phả của đền núi Hầu ngài là Lạc Tướng , con thứ 17 của Lạc Long Quân.Chùa Bái Đính tại Ninh Bình ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư mở lễ hội với điển tích lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng Đế, Lễ tế thần Cao Sơn và Thánh Mẫu Thượng Ngàn…thể hiện sự hòa hiệp giữa đạo Phật, đạo Mẫu.

[11] Cũng như những tộc trong nhóm Bách Việt (Po Yue) phía nam sông Dương Tử học chữ Hán nhưng phát âm theo ngôn ngữ của tộc mình

[12] Lục Độ Tập Kinh là 91 bộ kinh truyền trực tiếp từ Ấn Độ qua đường biển đến Luy Lâu

[13] Dĩ nhiên cách đọc tiếng Việt chỉ có thể làm với chữ Hán, là loại chữ biểu ý (ghi ý), chứ không thể làm với chữ biểu âm (ghi âm).

[14] Gọi là nho vì chuyển tải nội dung của nho giáo và nho học,

[15]  Đồng hóa ngôn ngữ là công cụ đồng hóa văn hóa hiệu quả nhất. Mất tiếng nói mẹ đẻ là mất bản sắc dân tộc.  Thí dụ đầu thế kỷ XV, Brazil bị Bồ Đào Nha chiếm, chẳng bao lâu tiếng Bồ trở thành ngôn ngữ chính thức duy nhất của người Brazil. Nhiều thuộc địa Pháp ở châu Phi như Bénin, Togo, Sénegal… dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính duy nhất.

[16] Còn văn hóa du mục, công nghệ thành thị thì « dương tính » tức động, sáng tạo, phát triển

[17] Biếc búp dong, tía rọc ráy, yếm chéo cánh, cạnh thêu,
Lục cổ vẹt, đỏ tiết dê, xống dang chân thắt đáy.
Tiếng thót ẻo à ẽo ợt,
Nết làm chuộng quý chuộng thanh.
Lê Thánh Tông, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Giới hoa nương

[18] Tại số 38 Hàng Đào, Hà Nội, còn giữ lại tấm bia đá ghi lại đây vốn là đình thờ cụ tổ của những người bán yếm lụa có ghi hàng chữ nho « Đồng lạc quyển yếm thị » (Ngôi đình của chợ bán yếm lụa ) tức là xưa kia Hàng Đào là nơi sản xuất và bán yếm lụa và bà Nguyễn thị Riệu Duyên là tổ sư nghề làm cổ yếm được thờ ở phố hàng Đào (Nguyễn Thế Long, Đình và đền Hà Nội, NXB Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội 2005, tr. 28)

Lạp Chúc Nguyễn Huy
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Cựu Giảng sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

166FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

XEM NHIỀU NHẤT

X