Đoạn đường du khảo 3

Văn hóa Viễn Đông

Văn hóa Đại Việt

Bài học văn hóa

Qua cộng lưu với văn hóa Viễn Đông, nước Đại Việt đã dựng nên một nền văn hóa Việt với trung tâm văn hóa của làng là đình, của quốc gia là Thăng Long. Cơm làng, chó đá, con nghê sẽ định hình văn hóa đình; còn văn hóa Thăng Long được định hinh qua cây nêu, Tết, bàn thờ, cơm Tết

Lời giới thiệu

Hướng dẫn định hình văn hóa Việt

Cộng lưu văn hóa Việt với văn hóa Viễn Đông tạo dựng nên văn hóa của Đại Việt với hai trung tâm văn hóa : Đình và Thăng Long

Vùng văn hóa Viễn Đông bao gồm Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn, Việt Nam, Tây tạng… Cả vùng văn hóa này được phủ lên trên một lớp « vernis » dày của văn hóa Trung Hoa như:

  • Tam Giáo (Phật, Lão, Khổng) trong văn hóa tín ngưỡng,
  • Triết lý Kinh dịch và triết lý vũ trụ quan của Lão Giáo (Thái cực, lưỡng nghi âm dương, ngũ hành, tam tài Thiên Địa Nhân), hiện diện hầu hết trong lãnh vực văn hóa (văn học, kiến trúc, y học, tín ngưỡng dân gian, quân sự, âm nhạc… )
  • Chữ viết xuất phát từ chữ Hán,
  • Phong tục tập quán như ăn Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu…

Vì cùng mang nhiều  sắc thái văn hóa Viễn Đông nên các nước trong vùng này có nhiều điểm văn hóa tương tự. Đó là hậu quả của sự hỗn dung  văn hóa (acculturation) diễn ra dưới nhiều hình thức. Riêng đối với người Việt, sự đồng hóa văn hóa (assimilation culturelle) mang hai hình thức :

  • Đồng hóa cưỡng bức thời đô hộ. Nhiều quan lại Trung Hoa đã cưỡng bức dân tộc Việt sống như người Hán, học chữ Hán, tư tưởng triết lý, phong tục, tập quán của dân tộc Hoa.
  • Đồng hóa tự nguyện hay tự nhiên dưới thời tự chủ (từ năm 938) do giới lãnh đạo thực hiện và do cộng sinh giữa văn hóa Lạc Việt (lạc hậu và thấp kém) và văn hóa Trung Hoa tiến bộ hơn vì đã có chữ viết, tư tưởng triết lý và tổ chức chính trị xã hội;

Các sắc thái văn hóa Viễn Đông trong văn hóa Việt có thể nhận được bằng cách tìm hiểu :

  • Tổ chức hai trung tâm văn hóa : Đình làng và kinh đô Thăng Long theo khuôn mẫu Khổng Giáo,
  • Vũ trụ quan của Lão Giáo theo triết lý âm dương, ngũ hành trong ý nghĩa văn hóa của Tết Nguyên Đán, cách thờ cúng tổ tiên, cung cách tổ chức cơm làng, cơm nhà, thuật phong thủy…

Đình làng

Trung tâm văn hóa nông thôn

Đình làng rêu kín tường vôi
Ngói nghiêng mãi giữ góc trời sớm trưa
Đình làng che nắng che mưa
Giữ tâm thôn xóm vọng chùa từng cao

Minh Tuấn 

Lễ hội và ngày Tết thu hút khách du lịch và những đứa con xa quê hương. Đến trước cổng làng xưa hay cổng đình, các bạn còn có thể nhìn thấy đôi chó đá canh giữ làng và đôi nghê ngồi trên trụ cột đón tiếp bạn với nụ cười « cười như nghê ». Chó đá và con nghê là hai linh vật thuần Việt có một lịch sử chưa rõ ràng với nhiều giải thích sai lầm đáng tiếc. Ngoài lễ hội, ngày Tết ra, văn hóa của Đình Làng miền Bắc còn được định hình qua chó đá, con nghê và cơm làng. Đến nay ba sắc thái văn hóa này của đình làng chỉ được đề cập phớt qua trong các khảo cứu về đình.

Cho đến Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, chùa và đình là hai trung tâm của văn hóa nông thôn :

  • Chùa là trung tâm thờ Phật và trong thời gian Bắc thuộc, đã giữ vai trò bảo tồn văn hóa bản địa từ thời Hùng Vương (Đạo Mẫu với nghi thức lên đồng, tập tục ăn trầu, nhuộm răng, mặc váy…) và văn hóa du nhập từ Trung Hoa  (Phật giáo, Lão giáo phù phép…),
  • Còn đình là của cộng đồng làng xã Việt Nam, thờ các vị anh hùng thần thoại hay lịch sử,  là trung tâm hành chánh đồng thời là trung tâm văn hóa bảo tồn tập tục của dân làng qua lễ hội, thờ chó đá, con nghê.

Từ thế kỷ XIV, đình phát triển mạnh song song với giai cấp sĩ phu nho học làm lu mờ vai trò lịch sử của chùa xưa kia. Từ đó chùa là nơi sanh hoạt văn hóa chính của phụ nữ (lễ Phật, cầu an, hội chùa, cầu xin thánh thần…) và đình của đàn ông (quản trị làng, tế lễ, phân ngôi thứ…). Hai trung tâm văn hóa này có chiều dày lịch sử cả ngàn năm đã tạo nên nếp sống văn hóa cổ truyền tại nông thôn Việt.

Khi giới  nho gia phát triển như Phạm Sư Mạnh (thờiTrần thịnh), Lê quí Đôn (lúc Lê suy) thì giới sĩ phu lấy văn hóa tư tưởng Trung quốc làm hệ thống qui chiếu với phong thái « nam nhân Bắc hướng ». Vì vậy mà sắc thái Khổng Giáo in đậm trong tổ chức của đình làng và kinh đô.

Lược sử

Năm 823, quan Trung Hoa Lý Nguyên Gia xây La Thành và dựng đền thờ Tô Lịch làm thành hoàng La Thành. Năm 866, Cao Biền phong Tô Lịch làm Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân[1].

Thời nhà Đinh, dựng đình ở cố đô Hoa Lư để sứ thần nghỉ chân. Ngay khi lập đô Thăng Long năm 1010, vua Lý phong thần Bạch Mã, thần Tô Lịch là Quốc đô Thăng Long Thành Hoàng đại vương.

Đến đời Trần, đình là trạm nghỉ chân của vua quan, nơi đình trạm đưa tin tức của triều đình, sau đó trở thành nơi thờ thành hoàng và công sở của chức dịch. Vua Trần xuống chiếu :« phàm chỗ nào có đình trạm đều phải tô tượng Phật để thờ » (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Dần dần đình phát triển thành một loại hình kiến trúc công cộng dân gian để cho các hoạt động của làng xã và thờ cúng Thành hoàng

Từ thế kỷ XV, nhà Lê trọng nho giáo nên đình làng được xây dựng khắp nơi để làm trung tâm điều hành mọi việc trong làng.  Chức năng thờ Thành Hoàng mới bắt đầu và được định hình vào thời nhà Mạc[2].  Khi du nhập đình vào làng xã Việt thì người Việt đã có sẵn tín ngưỡng nguyên thủy thờ thần nên kết hợp dễ dàng với thờ thành hoàng du nhập từ phương Bắc chỉ việc rước thần nhân bản địa vào đình giữ vai trò thành hoàng của làng. Đình là một phạm trù ngoại lai nhưng lại mang một nội hàm bản địa Việt Nam. Trong bối cảnh Nho học bành trướng, Khổng giáo được trọng dụng thì trung tâm văn hóa Đình được định hình bên cạnh trung tâm văn hóa Chùa trong các làng xã.

Tổng thể kiến trúc

Tại miền Bắc nhiều ngôi đình cổ từ thế kỷ 16 vẫn còn tồn tại ở làng quê Việt Nam đến ngày nay[3].

Vị trí

Vị thế đất để xây cất đình: « tụ phúc tụ thủy » được chọn theo phong thủy, thường trên một gò cao, trước có sông hồ ao và phải quay ra hướng tốt nếu không thì :« Toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt riêng mình em đâu ». Hướng đình thường là hướng nam, trở thành hướng qui hoạch theo kiêng kỵ của các ngôi nhà dân :«kị thứ nhất góc ao, thứ nhì đao đình ».

Đồ án

Tại miền Bắc, hai bên cổng vào đình thường có đôi chó đá ngồi canh giữ hoặc đôi nghê trên hai cột trụ cao vút. Những sắc thái văn hóa chính của đình như tín ngưỡng, lễ hội đã được nghiên cứu khá hoàn chỉnh nhưng chó đá và con nghê là hai linh vật thuần Viêt không được nghiên cứu nghiêm chỉnh về nguồn gốc và tục thờ cúng. Đó là lý do bổ túc định hình văn hóa đình làng với bài cơm làng, tục thờ chó đá và con nghê ở các trang sau.

Mặt bằng đình có thể là kiểu chữ Nhất (一) (đình cổ nhỏ ở thế kỷ XVI), chữ Đinh (丁), chữ Nhị (二), chữ Công (工), chữ Môn (門)…

Kiến trúc đình làng có thể chỉ 5-7 gian, hoặc có thể có tới 7 gian hai chái như ở đình làng Đình Bảng.

Nhìn từ xa, điểm nổi bật nhất của đình là Mái đình đồ sộ gồm 2 mái hoặc 6 mái lợp hai lớp ngói, sà xuống thấp, 4 góc có 4 đầu đao cong vút lên như đuôi chim phượng uốn cong, nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt (lưỡng long chầu nguyệt).

Bao năm thương nhớ tròn vo
Mái đình trăng đậu, câu hò đong đưa

Bố cục của đình

Bố cục của đình có 3 không gian chủ yếu là : Hậu cung, bái đình, sân đình

Hậu cung

Hâu cung là cung cấm của vua làng, là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của làng.  Bàn thờ, bài vị, sắc phong của vị thần làng được đặt tại hậu cung. Xung quanh hậu cung thường được bít kín bằng ván gỗ, không trổ cửa sổ, tạo không khí uy nghiêm và linh thiêng.  

Bái đình

Tòa đại đình (đại bái), là nơi hội họp triều đình của làng. Đại đình bao giờ cũng là tòa nhà lớn nhất trong quần thể, bề thế, trang trọng, tại đây diễn ra các hoạt động hành chánh, hội họp, ăn khao, khao vọng, phạt vạ… của dân làng. Khung cảnh nội thất đại đình thường được sắp xếp cao thấp nhằm phân chia thứ bậc chức sắc như sau :

  • Nền bên trong chính điện thường có dạng kiểu lòng thuyền: gian chính giữa thấp, các gian hai bên có sàn cao cách nền khoảng 0,6m, là nơi các quan viên trong làng ngồi bàn việc họ và dự cỗ bàn.
  • Sàn đại đình có 3 tầng sàn lát ván cao độ khác nhau (tại đình cổ lớn có hậu cung)
  • Cách trải chiếu trên, chiếu dưới (đình chưa có hậu cung) (xem phần cơm làng dưới đây).

  • Sân đình.  Phía trước đình làng thường có sân rộng được lát gạch làm nơi dành cho mọi sanh hoạt tín ngưỡng (lễ hội), văn hóa xã hội (trò chơi giải trí) của dân làng. Đình lớn còn có phương đình và nghi môn gồm 2 hoặ 4 cột trụ có đôi nghê ngồi trên cột trụ canh giữ đình.

Sân đình vài lá vàng 
Lá cuốn bay theo gió
Đời vô định
(LC, haijin)

(1) Đình Chèm với phương đình trước đại đình của làng Chèm (Thủy Phương), xã Thụy Phương, huyện Từ LiêmHà Nội(nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

(2) Nghi môn gồm 4 trụ làm tam quan, Hai trụ biểu tại giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng; Hai trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Cả 4 trụ biểu đều có thân trụ phía trên là các ô lồng đèn, phía dưới trang trí hoa văn, giữa là ô trang trí câu đối. Giữa trụ biểu cao và trụ biểu thấp là cổng phụ

Cách mở rộng đình

Kiến trúc đình làng thường phát triển cả phía sau, phía trước và hai bên, với nhiều hạng mục: hậu cung, ống muỗng (ống muống), tường cánh gà, tiền tế, các dãy tả vu, hữu vu, tam quan, trụ biểu, hồ nước, thủy đình…

Cơ cấu tổ chức

Qua cơ cấu tổ chức dưới ảnh hưởng của đạo Khổng, đình là triều đình[4] của làng[5]:

  • Thành Hoàng là vua của làng,
  • Các chức sắc chức việc là quan lại sắp xếp thứ bậc theo khoa bảng, chức tước vua ban, tuổi tác,
  • Luật pháp là lệ làng ghi trong hương ước,
  • Sanh hoạt tại đình làm mẫu mực cho dân làng theo (xem cơm làng, cơm nhà).

Vua của làng : Thần Thành Hoàng ngự trong hậu cung

Đình là nơi thờ « vong[6] » tức không có tượng thờ của Thành Hoàng[7]. Thần được thờ cúng là Thành Hoàng, vị vua tinh thần, thần hộ mạng của làng. “Thành Hoàng là môi giới của tất cả phần tử của đoàn thể, Ngài kết thành khối, như là một thứ nhân cách tinh thần mà tất cả thuộc tính cốt yếu đều có thấy ở mỗi cá nhân[8]”.  Thành Hoàng có thể là :

  • Thần tự nhiên được khoác áo nhân thần và tiểu sử thế tục như Sơn Tinh (thần Núi), Thủy Tinh (Thần sông biển),
  • Thiên thần (nhân vật thần thoại),
  • Nhân thần là các nhân vật có thật trong lịch sử như Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, tướng của hai bà Trưng, người có công khai phá đất mới, lập làng…

Năm 1572, vua Lê Anh Tông giao cho Nguyễn Bính soạn ra thần tích của Thành Hoàng để sắc phong thần theo 3 cấp (thượng, trung, hạ đẳng thần).

Từ đời Lê Thánh Tôn, triều đình thường xuyên sắc phong thần. Thần phả và thần tích được ghi lại trong các bia hay văn bản.

Sắc phong Thần dựa trên hai tiêu chuẩn: phò vua và giúp dân nên sắc phong nào cũng có câu: « Thần rất anh dũng, thông minh tài giỏi, đánh giặc phù hộ đất nước, cứu giúp cho dân được bình an ». Nếu Thành hoàng là các vua triều trước thì không có sắc phong.

Chức năng

Đình là trung tâm văn hóa tín ngưỡng  biểu tượng cho tính cộng đồng, tự trị dân chủ của làng xã. Vai trò văn hóa của đình thể hiện cô đọng nhất là lễ hội. Đình là ngôi nhà có ba chức năng chính : hành chính, văn hóa, tín ngưỡng.

Chức năng hành chánh

Trung tâm quyền lực hành chánh của làng xã : Hội đồng kỳ mục, Hội đồng lý dịch (giải quyết mọi công việc làng) kết hợp với hương ước qui thành văn gọi là lệ làng, nhà họp của hội đồng làng, nơi thờ tự, tế lễ, nơi xử kiện, nộp sưu thuế…

Chức năng văn hóa

Trung tâm văn hóa của cả làng. « Cây đa, bến nước, sân đình » đã ăn sâu vào tâm hồn dân làng. Đình là trung tâm bảo tồn:

  • Phong tục tập quán như ngày hội làng, ngày giỗ Thành Hoàng làng, nghi lễ tế thần, phong tục tập quán, lề thói, kiến trúc điêu khắc, âm nhạc, dân ca, trò chơi dân gian,
  • Di sản văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của đời sống làng xã như diễn xướng, lễ hội, huyền thoại, thần tích, truyền thuyết về thành hoàng, tục thờ chó đá gắn bó chặt chẽ với dân làng. Vì vậy mà hàng năm, mỗi làng đều tổ chức lễ hội để tế lễ thần Thành Hoàng, lễ thượng điền (mở đầu vụ mùa), hạ điền (kết thúc).
  • Mỹ thuật điêu khắc. Bên cạnh kiến trúc tổng thể không gian đình làng…thì   hoành phi câu đối, cửa võng, cột kèo các bức chạm khắc hoa văn rồng phụng, con nghê, cá chép hóa long, ông già ngồi đánh cờ, uống rượu …

Hoa văn [9]  trong đình   

Đình là kho tàng mỹ thuật điêu khắc biểu tượng đời sống tâm linh và thường nhật của nông thôn. Kho tàng này đã được viết thành nhiều sách rất giá trị nên chúng tôi chỉ giới thiệu vài điểm nhỏ của kho tàng này qua các hoa văn.

Các hoa văn là những bông hoa đẹp có vân vằn được chạm khắc (chạm lộng) trong đình rất đa dạng, thí dụ như:

  • các loài linh vật như long, ly, quy, phụng, đến các con vật như hươu, nai; các loài vật gần gũi với người như ngựa, heo, cá …đều được chạm khắc sinh động trên các đầu dư, xà, bẩy.
  • họa tiết trang trí cây cỏ, mây cuộn (vân xoắn)
  • các bức chạm thể hiện sinh hoạt đời thường của các tầng lớp quan lại, sĩ, nông, công, thươngvới những cảnh sinh hoạt đông vui như hội hè, săn bắn, đấu vật, chèo thuyền, đánh cờ, uống rượu
  • những bức chạm đầy tính phồn thực trong đình như trai gái tự tình, đàn bà khỏa thân…

Lễ hội       

Lễ hội tại đình là đỉnh cao sanh hoạt văn hóa của làng. Rất nhiều sách khảo cứu giá trị viết về các lễ hội miền Bắc. Lễ hội gắn với truyền thống lịch sử (sự tích thần đánh giặc, lập làng, dạy nghề), gắn với lễ nghi nông nghiệp (lễ rước nước).  Lễ hội có 2 bộ phận:

  • Lễ : Nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng thờ Thành Hoàng. Nghi thức được thực thi trong lễ hội thường theo điều lệ của triều đình qui định khi nào dâng rượu, khi nào dâng trà, dâng oản, dâng thức ăn mặn.
  • Hội : Hoạt động mang tính thế tục (sân đình trở thành sân khấu diễn xướng các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian: đu quay, đánh vật, ca hát quan họ, chèo…) và tâm linh (cầu mùa, cầu mưa) như trò diễn mang tính nghi lễ, diễn lại hoạt động của nhân vật phụng thờ được rước từ đình làng đến điểm kết thúc gọi là nghè (miếu).

Các chức năng của Đình đã tạo nên đặc trưng cơ bản của làng là tính cộng đồng và tính tự trị.

Tính cộng đồng là liên kết chặt chẽ các thành viên qua hình ảnh quen thuộc của nền văn hóa nông thôn.

Tính tự trị về lệ làng qua bản hương ước, quản trị độc lập về kinh tế, sưu dịch nên mới có câu « Phép vua thua lệ làng » và có nhận xét của một nhà khảo cứu Pháp là Việt Nam được cấu tạo bằng cả ngàn Nhà Nước.

Trước năm 1945 ở Miền Bắc, làng nào cũng có đình chùa, miếu mạo. Sau 1945, trong thời gian áp đặt văn hóa xã hội chủ nghĩa thay thế cho văn hóa cổ truyền, nhiều đình chùa, miếu mạo và nhiều cổ vật như pho tượng, đồ tế lễ, văn tự trong đình làng bị phá sạch vì bị coi là tàn dư của phong kiến. Từ năm 1986, sắc thái văn hóa cổ truyền của đình đang dần dần được phục hồi.

Để định hình văn hóa của đình, chúng tôi chọn chó đá, con nghê, cơm làng nhằm bổ túc các sắc thái văn hóa lớn của đình là lễ hội, mỹ thuật điêu khắc đã được nghiên cứu rất nhiều.

Đình làng mái ngói cong cong
Ngát hương hoa đại rêu phong bậc thềm
Giếng đình em múc trăng lên
Tiếng gàu sóng sánh ngả nghiêng mái đình

[1] Đình thờ Thành Hoàng đã có từ thời cổ đại Trung Hoa. Thành hoàng có nghĩa vị Thần bảo hộ thành trì, châu huyện… Sách Trung Quốc thần bí văn hóa viết:« Thành hoàng tức là thành hào, hào có nước gọi là trì, không có nước gọi là hoàng. Đắp đất làm thành, đào hào làm hoàng » Nguyễn Thế Long, Đình và đền Hà Nội, NXB Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội 2005, tr.14

[2] Đình Thanh Hà (Hà Nội) có bia xưa nhất đề năm Thuận Thiên thứ ba (1433), nhiều ngôi đình xưa nhất còn bảo tồn đến ngày nay đều có niên đại thời nhà Mạc. Các đình có niên đại thế kỷ XVI chừng 6 đình (đình Phù Lưu ở Bắc Ninh, Tây Đằng ở Hà Tây….). Đến Thế kỷ 17-18 dình xuất hiện gần như khắp nơi

[3] Đình Thụy Phiêu (Ba Vì, Hà Nội) dựng năm 1531, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) dựng (1566 – 1577), đình Là (Thường Tín, Hà Nội) dựng (1581) hay đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) được xây dựng vào thế kỉ XVI

[4] Triều là hướng lên (vua, Thành Hoàng), đình là sân (sân chầu, sân đình)

[5] Một tác giả Pháp nói Việt Nam gồm cả ngàn Nhà Nước

[6] Cúng vong tức cúng hồn người chết (vong hồn), Thờ vong là thờ linh hồn người chết nên không có tượng thờ.

[7] Ở một số nơi, trong các ngày giỗ thần như ngày sinh, ngày hóa (nhân thần), ngày hiện hóa (thiên thần) làng mở tế lễ, mở hội, nghinh rước thần từ nghè hay miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước thần về miếu yên vị.

[8] P. Giran, Magie et religions Annamites, 1918 trang 334-335

[9] Hoa văn. Hoa là bông hoa đẹp, văn có đường vân, vằn, sóng gợn

[10] Ở đình Phù Lão, Làng Phù Lão, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, ngay lối vào gian giữa, còn bức chạm cảnh một đôi trai gái đang làm tình và cảnh đàn bà để ngực trần nằm tênh hênh trên râu rồng, ai vào cũng đều có thể nhìn thấy.

Lạp Chúc Nguyễn Huy
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Cựu Giảng sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

166FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

XEM NHIỀU NHẤT

X