Tại miền Bắc Việt Nam, đã tồn tại từ bao đời tục coi chó đá như linh vật đặt ngồi trước cổng nhà, cổng làng, cổng lăng như là linh vật để canh cổng với ý nghĩa trừ tà và đặt trên bệ thờ để cầu cúng, thờ phụng, cầu phúc như hình ảnh diễn tả dưới đây.
Theo người dân, tục này có từ lâu đời do cha ông truyền lại, nhưng nếu hỏi nét đặc thù văn hóa tín ngưỡng này của người Việt có từ bao giờ? Câu trả lời thì chưa có mà chỉ có một di tích lịch sử duy nhất đánh dấu thời gian xa xưa về sự thờ chó đá là thời vua Lý Công Uẩn cho dựng đền Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch (Hà Nội) đầu thế kỷ 11.
Nếu hỏi về nguồn gốc tục thờ chó đá thì không có tài liệu lịch sử và nghiên cứu hoặc theo truyền thuyết để trả lời câu hỏi. Vậy bài này có mục đích đóng góp giải thích nguồn gốc tục thờ chó đá bằng dựa trên lý lẽ, quan sát và khảo cổ. Trước nhất chúng ta tìm hiểu ngoại hình của chó đá sau đó sẽ tìm hiểu tại sao chó đá linh.
Tương quan chó đá với hình chó trên trống đồng
Trước nhất chúng ta nhìn hình chó trên trống đồng, tượng hình chó đá trong dân gian rồi đối chiếu hình hai con chó với nhau.
- Quan sát họa tiết con chó trên trống đồng Ngọc Lũ, rìu Việt Trì và Quốc Oai
- Nhìn tượng hình chó đá trong dân gian
- Rồi so sánh tượng hình chó đá trong dân gian và họa tiết chó trên trống đồng
Sau 3 bước quan sát trên, chúng ta thấy rõ ràng họa tiết chó trên trống đồng và tượng hình con chó đá trong dân gian rất giống nhau về hình dáng: mình tròn, chân thấp, đuôi cộc, mõm nghếch về phía trước. Lý lẽ này làm chúng ta tin rằng về hình dáng, tượng chó đá bắt nguồn từ hình chó trên trống đồng Ngọc Lũ.
Tại sao chó đá linh?
Từ xa xưa, theo tập quán của dân Việt, lý lẽ thông thường của sự thờ kính một nhân vật hay động vật nào đó là vì lòng tin vật ấy linh thiêng có thể phù trợ cho con người. Với lý lẽ này thì người dân tin là chó đá linh vì chó đá đã thăng hoa sang lĩnh vực tâm linh nhờ các yếu tố sau tạo nên sự linh thiêng của chó đá trong dân gian:
- Chó đá phát xuất từ chó linh (trên trống đồng) đi theo ông Chaman[1]trừ tà, đi tìm hồn người bệnh,
- Trên bình diện quốc gia, chó cũng được vua Lý công nhận là Thần Khuyển có nghĩa là linh nên cho xây đền để thờ (đền Cẩu Nhi tại Hà Nội),
- Tại làng xã, tin rằng chó đá linh thiêng phù trợ cho dân làng nên các bô lão và chức sắc thờ chó đá tại nhiều đình làng ở Bắc Việt,
- Sự linh ứng của chó đá được lưu truyền trong nhiều truyền thuyết dân gian.
Chó linh trên trống đồng
Nhằm giải mã các hình trên trống đồng, nhiều nhà khảo cổ đã đưa ra giả thuyết hình người mặc áo lông chim có con chó đi theo là hình Chaman đi trừ tà ma.
H.Q. Quaritch Wales cho rằng hình chạm trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ biểu tượng cho đạo Chaman của người Việt cổ xưa[2]. Hiện nay, đạo Chaman còn tồn tại ở vài nơi trong vùng Đông Nam Á như dân Torajas trên đảo Célèbes (Indonésia) hoặc còn để lại vết tích ở nhiều dân tộc khác. Dựa vào nhận xét đó, H.Q. Quaritch Wales giải thích như sau:
- Đoàn người đội mũ lông chim không phải là đoàn vũ công biểu tượng vật tổ Chim Hồng như giả thuyết của Goloubew và Karlgren, mà đó là những Chaman cầm giáo sua đuổi ma quỉ và đi tìm hồn người bệnh. Giả dạng chim trong tín ngưỡng là việc thường gặp ở các giống dân Batak (Sumatra), Dayak (Bornéo);
- Ngôi sao giữa mặt trống đồng không phải là mặt trời theo như giả thuyết của M. Colani, mà đó là sao bắc đẩu để vạn vật quay chung quanh như thường gặp trong tín ngưỡng Á Châu;
- Hình thuyền chạm ở thân trống đồng là những thuyền của Chaman dùng để đi tìm hồn người bệnh hay dắt dẫn hồn người mới chết giống như các Chaman hiện nay ở Indonésia dùng cầu vồng, chim, nai để chuyên chở hồn.
Nhìn vào tín ngưỡng chamanisme còn hiện diện ngày nay tại Đông Nam Á thì giả thuyết của H.Q. Quaritch Wales giải thích rất hợp lý là họa tiết người mặc áo lông chim trên trống đồng Ngọc Lũ là Chaman[3] cầm giáo sua đuổi ma quỉ và đi tìm hồn người bệnh thì có Chó đi theo. Từ họa tiết đó, chúng ta có thể suy đoán là người Việt từ thời xa xưa có thể từ thời vua Hùng tin rằng chó trên trống đồng[4] của Chaman rất linh trừ được tà ma nên tạc chó đá theo hình dáng chó của Chaman đặt trước cổng làng, cổng nhà để canh giữ vì tin rằng chó nhìn thấy tà ma, « chó sủa ma ».
Giả thuyết của H.Q. Quaritch Wales rất đúng với tín ngưỡng của người Indonésien trong bối cảnh Đông Nam Á. Nếu tin như vậy thì tục thờ chó đá bắt nguồn từ trên trống đồng và giải thích tại sao họa tiết chó trên trống đồng và tượng hình con chó đá trong dân gian rất giống nhau về hình dáng: mình tròn, chân thấp, đuôi cộc, mõm nghếch về phía trước
Vua cũng tin chó đá linh
Vua nhà Lý tin thần cẩu, vua nhà Trần và nhà Lê đặt tượng chó đá canh giữ lăng mộ. Xưa kia, hễ vua quan tin là dễ dàng dân tin theo.
Đời nhà Lý
Vua Lý Công Uẩn tin vào thần khuyển nên cho xây đền thờ thần chó Cẩu Nhi 狗 兒 (đền Thủy Trung Tiên Từ[5]) được cất trên một hòn đảo nhỏ tại hồ Trúc Bạch (Hà Nội). Sự tích đền Cẩu Nhi liên quan đến truyền thuyết ở chùa Ứng Thiên Tâm trên núi Ba Tiêu, châu Bắc Giang có con chó mẹ đẻ ra một con chó trắng nhỏ mang lông đen hình chữ vương 王 trên lưng. Thiên hạ tiên đoán: người sinh năm Tuất sẽ lên ngôi vua. Quả nhiên về sau, Lý Công Uẩn (sinh năm Giáp Tuất – 974) đã được trăm họ tôn lên ngôi hoàng đế.
Tại đền, sự tích đền Cẩu Nhi được ghi trên một văn bia soạn theo Đại Việt sử ký toàn thư và Tây Hồ chí, ở cuối có đoạn: “… đến năm Canh Tuất có việc dời đô, Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi đều hóa. Vua bảo đó là Chó Thần, bèn xuống chiếu cho dựng miếu thờ Cẩu Mẫu trên núi, dựng miếu thờ Cẩu Nhi trong hồ này”. Đền thuộc địa phận làng Trúc Yên, ở trên bến Châu Chử tại góc hồ (Đời Trần gọi đây là bến Thần Cẩu).
Chó đá canh đền
Kẻ vào người ra
Đối diện vô cảm.
LC, Haijin
Đời nhà Trần
Tại lăng vua Trần Hiến Tông (1329 – 1341), còn gọi là lăng Ngải Sơn[6], thuộc xã An Sinh (thị xã Đông Triều) phủ Kinh Môn, tỉnh Quảng Ninh có đặt tượng chó đá gác cổng hàm ý để gác cửa, trừ tà ma nhưng đã bị đập vỡ bởi cách mạng vô sản[7].
Đời nhà Lê
Về chính điện Lam kinh của vua Lê Thái Tổ tại Thanh Hóa, quyển Hoàng Việt dư địa chí của Phan Huy Chú viết: “Điện chi cực cao, lưỡng dịch khai hoằng đình. Hạ thiếp thủy tượng thị triều tiền điện. Hậu môn ngoại, nhị thạch ngao cực linh. Điệp tam liên vi vương tự, mỗi dạng tượng kinh sư miếu chế”[8].
Câu nói về chó đá là: “Hậu môn ngoại, nhị thạch ngao cực linh”. Câu này nên dịch là ngoài cửa phía sau được trấn giữ bởi hai chó đá cao lớn rất linh[9].
Đình làng và các bô lão cũng tin là chó đá linh
Đình làng thờ chó đá thì dân làng cũng noi theo thờ chó đá là lẽ tự nhiên. Là vì, trong thời quân chủ, tự trị xã thôn về nhiều mặt khiến cho làng trở thành một tiểu Nhà Nước, đình làng là trung tâm quyền lực, Thần Thành Hoàng là vua, chức sắc quan viên là quan lại, có lệ làng mà phép vua thua lệ làng… Với tổ chức như thế, đình làng và quan viên là tấm gương ứng xử giữa người với người để dân làng noi theo có nghĩa đình làng thờ chó, coi chó đá linh hiển thì dân làng cứ thế noi theo. Xin đơn cử dưới đây vài đình làng tiêu biểu thờ chó đá.
Đình làng Thượng Mỗ
Trước cửa đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) có một bệ thờ chó đá được gọi là Thần Cẩu, Hoàng Thạch Cẩu, Quan Hoàng hoặc Quan Hoàng Ba.
Ông Hà Văn Gia (82 tuổi), Trưởng ban di tích làng Phù Trung cho biết: “Mỗi khi làng có việc, các chủ tế xướng tên vị thành hoàng làng rồi sau đó là xướng đến Thần Cẩu. Nhiều đời nay, vị thần cẩu này cùng với các vị thành hoàng làng được dân thờ cúng cẩn thận, không dám lơ là”.
Đình làng Địch Vĩ
Ngay cạnh đình và sau chùa, người dân làng Địch Vĩ (xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội) lập một bệ thờ chó đá gọi là Quan lớn Hoàng Thạch, Chó đá ở đây là cả một nhóm, ngồi giữa là chó lớn, cao 1,4m, quây quần hai bên là đàn chó nhỏ kích cỡ khác nhau được đẽo bằng đá xanh. Nhóm chó đá này “ngồi” trên một bệ thờ xây bằng gạch, rộng 10m2, xung quanh bệ thờ có tường bao, ở giữa trang trí khá đẹp. Trước mặt chó lớn đặt một bát hương rất to.
Cách thờ cúng chó đá tại đình: Hương khói vào ngày rằm, mùng một, cầu xin thần phù hộ nếu gặp trắc trở, nỗi oan khuất, biện lễ ra trình Ngài để được che chở, may mắn, đám tang hễ đi qua chỗ Ngài ngự, đều nghiêng mình kính cẩn, tạm ngưng lễ nghi, khóc lóc thổi kèn, đánh trống cho đến khi đi khuất hẳn.
Hình ảnh thờ cúng chó đá tại vài đình làng khác
Chó đá linh trong truyền thuyết dân gian
Trong xã hội xưa, rất nhiều cuộc đời của vua chúa, thánh thần… và cả chó đá được truyền tụng bằng truyền thuyết qua dân gian. Xin kể vài truyền thuyết nổi bật của chó đá.
Trong truyện xây kinh đô
An Dương Vương chọn vùng Uy Nỗ làm nơi xây dựng kinh đô, nhưng đàn chó của vua lại kéo nhau sang vùng Cổ Loa lót ổ đẻ con, trong đó có cả Kim Ngân Cẩu – con chó được vua yêu thích nhất. Với quan niệm từ xưa: “đất chó đẻ là đất quý” nên An Dương Vương mới quyết định xây dựng thành trì cho mình tại vị trí này và lấy tên là Cổ Loa Thành.
Sự tích đền Cẩu Nhi
Theo Ngọc phả cổ lục cũng có ghi, bà Phạm Trị Trinh là mẹ của Lý Công Uẩn, khi đến làm việc tại chùa Tiêu Sơn, đêm đến nằm mơ thấy thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra vua Lý Công Uẩn. Khi ngài sinh thành thì con chó đồng trước cổng chùa Tiêu Sơn tự dưng mở mõm sủa inh ỏi, không những thế ngài còn sinh vào năm Tuất. Chính vì cuộc đời huyền thoại của vị vua này mà khi định đô tại Thăng Long, thì cho lập miếu thờ chó thần Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch, Hà Nội để canh giữ, bảo vệ kinh thành.
Chó đá biết nói
Một cậu học trò đi qua con chó đá thấy nó vẫy đuôi và nói lần này đi thi cậu sẽ đỗ. Cha mẹ nghe tin trở nên hống hách, đe dọa dân làng nên qua kỳ thi cậu học trò rớt và chó đá cho biết lý do là vì cha mẹ của cậu. Nghe thấy vậy cha mẹ cậu học trò hối hận đi xin lỗi dân làng. Ba năm sau, người học trò đi qua chỗ con chó đá, lại thấy nó đứng dậy mừng rỡ như trước. Con chó đá bảo: “Nhà thầy tu nhân tích đức đã ba năm nay, đủ chuộc lại những lỗi lầm trước rồi nên sổ Thiên Tào lại định cho thầy khoa này thi đỗ”.
Thần Cẩu làng Địch Vĩ
Đây là điển tích lưu truyền về anh em Ngọc Trì và Hoàng Thạch sống ở làng Hát Môn (Đan Phượng). Vì nghi ngờ người em tư tình với vợ mình nên Ngọc Trì giết oan người em Hoàng Thạch. Hoàng Thạch biến thành hòn đá trôi sông không làng nào vớt lên được. Trôi đến làng Địch Vĩ thì dân làng mới vớt lên được, tạc thành tượng Thần Cẩu, lập hương án thờ cúng rất là linh thiêng cho đến ngày nay.
Lòng tin của dân gian
Tất cả các yếu tố trên đã nung đúc tục thờ chó đá bằng:
- Chôn hay đặt chó đá trước cửa nhà, cổng làng, đình, miếu, lăng,
- Đặt lên bệ thờ mà hương khói cầu xin che chở.
(1)(2) Chó đá canh giữ trước cửa nhà,
(3) Bệ thờ,
(4) Thôn Thượng (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội), nằm sát con đường lớn trải nhựa. Ở ngay lối vào làng là một cặp chó đá án ngữ sừng sững hai bên, hướng nhìn thẳng ra đường. Dân làng kể rất nhiều câu chuyện linh thiêng của cặp chó đá này.
(1) Chó đá canh giữ lăng,
(2) Tượng chó đá lăng Quận Nghi, thế kỷ 17, Đông Sơn, Thanh Hóa,
(3) Đôi chó đá ở Từ chỉ Quận công Ngô Đạt Dụng, xã Hoàng Ninh (Việt Yên),
(4) Chó đá canh trước phủ quận công Nguyễn Ngọc Trì (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội)
Chó đá giữ lăng
Vong hồn qua lại
Tĩnh lặng
LC, Haijin
Chó đá ngày nay có “khóc đứng khóc ngồi” không?
Sau năm 1955 là thời kỳ “Nam nhân Bắc hướng”, Nhà Nước cộng sản miền Bắc đi theo con đường cách mạng văn hóa của Trung Hoa hủy bỏ văn hóa cổ truyền của tổ tiên để lại. Với phong trào phá hủy tàn tích xưa như đình, miếu và bài trừ mê tín dị đoan như Đạo Mẫu với nghi thức lên đồng[10], ca trù… người dân mê muội đã thẳng tay vứt bỏ chó đá xuống giếng, xuống sông. Tệ hại hơn nữa là nhiều di vật cổ bằng đá tại Ngải Sơn lăng nhà Trần (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) gồm tượng chó đá, ngựa đá, voi đá, trâu đá … không còn nguyên vẹn[11]. Các tượng đá này đều được chạm bằng khối đá nguyên, thể hiện trong tư thế nằm, mình to, dáng khoẻ, đều là những tác phẩm nghệ thuật tài hoa của các nghệ nhân xưa với những nét rất đặc trưng thời Trần còn tồn tại khá ít trên cả nước.
Từ năm 1984 của thời kỳ đổi mới, là thời kỳ “Nam nhân Tây hướng” có nghĩa trên bình diện kinh tế giáo dục thì theo kinh tế thị trường, con cái của cán bộ sang Mỹ du học, còn trên bình diện văn hóa thì phục hồi văn hóa cổ truyền của tổ tiên để lại, thí dụ như Nhà Nước cộng sản đã phục hồi chó đá qua hai chuyện:
- Cho tân tạo đền chó đá Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch Hà Nội; trước cổng đền dựng đôi chó đá; trong phương đình có văn bia bằng đá giải thích vì sao có đền thờ Cẩu Nhi và đền thờ này do ai lập nên. Trên văn bia cũng ghi rõ, việc trùng tu tôn tạo phương đình này được Trung tâm Bảo quản và Tu bổ di tích thuộc Bộ Văn hóa; ở mặt sau của văn bia là tượng thờ Ngọc Hoàng và một chú chó đá nho nhỏ. Bên phải phương đình có thờ cô Chín và quan ngũ hổ. Đền đã được khánh thành vào ngày 20/8/2017.
- Tu bổ lăng vua Trần Hiến Tông, chính quyền đã phục hồi một số tượng linh thú nhưng tính nghệ thuật, thẩm mỹ rất yếu.
Ngày nay, tục thờ chó đá còn tồn tại ở một số đình làng và người Việt một số nơi không còn chôn chó đá ở trước cửa nhưng vẫn mua chó gốm về để bày trong nhà hoặc mua chó theo lời khuyên của phong thủy để xua đuổi tà ma, ếm bùa hướng nhà xấu.
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Con Nghê
Con Nghê cổng làng
Nhìn người đi về
Cười
(LC, haijin)
Hy vọng bài này sẽ góp ý với Viện Bảo Tàng
Mỹ Thuật Việt Nam và nhà khảo cứu Trần Hậu Yên Thế
Con Nghê và chó đá là hai linh vật thuần Việt của văn hóa nông thôn Việt Nam. Từ thời nhà Lý, việc xây dựng đình, miếu, lăng mộ phát triển khắp nơi khiến cho các nghệ nhân kiến trúc và trang trí cần có một linh vật ngồi trên trụ biểu nghi môn tam quan, bìa mái đình miếu và ngồi trước lăng mộ ngang hàng với tứ linh (long, lân, qui, phụng). Từ nhu cầu đó mà nghệ nhân chọn con chó đá linh thiêng hiện dân chúng đang thờ để cho thăng hoa thành con nghê có nghĩa là con nghê ra đời từ sự thăng hoa của con chó đá vào lãnh vực tâm linh.
Con nghê xuất hiện khắp nơi, trên các nghi môn tam quan của đình, ngay trước cổng làng, lăng mộ, dưới nóc mái, bờ đao trong kiến trúc đình chùa, nhà ở… Tượng nghê tạo nên một cảm giác thân thiện, gần gũi, thân thương mỗi lần đi đâu về nhìn vào con nghê ở cổng làng, trước đình. Nhưng nếu hỏi con nghê là con gì?
Câu giải thích đang lưu hành dựa trên chữ Nghê 猊 là tiếng Hán Việt (gồm bộ cẩu (khuyển) và chữ nhi 兒 (nhỏ) và hiểu nghê trong Toan nghê” 狻猊 chỉ con sư tử[12] của từ điển chữ Hán[13] rồi nhìn tượng nghê mình chó, đầu “hơi giống đầu sư tử” mà đưa ra giải thích con nghê là chó đá “thăng hoa” hay “linh hóa” thành con sư tử, con lân.
Theo chúng tôi, giải thích trên có phần sai lầm nếu dựa trên các lý lẽ (argument) sau:
- Ngoại hình con nghê có liên hệ với một con của con rồng,
- Quan sát và so sánh ngoại hình con nghê, rồng toan nghê và con sư tử,
- Tính linh và ngoại hình của con nghê được giải thích bởi ý nghĩa và nguyên tắc “thăng hoa”.
1. Liên hệ con nghê với con rồng toan nghê
Trong kiến trúc, điêu khắc, chúng ta chịu ảnh hưởng nhiều về các linh thú hư cấu Trung Hoa nhất là rồng. Theo thuyết Long sinh cửu tử (龙生九子) của người Trung Hoa thì rồng sinh ra mười con:
- Nhưng chỉ có một con là rồng thường dùng làm biểu tượng cho vua,
- Chín con còn lại có nhiều hình dáng, sở thích khác nhau (long sinh cửu tử bất thành long – 龙生九子不成龙), không phải là rồng nhưng vẫn được coi thuộc giống rồng[14]. Yếu tố tạo nên sự “dị dạng” của chín đứa con nói trên là do các hữu sở hiếu (各有所好 mỗi con đều có sở thích riêng – theo Hán – Việt từ điển trích dẫn).
Trong số 9 con của rồng, chúng ta đặc biệt chú ý đến ngoại hình của con rồng toan nghê số 8 để biện minh cho lời giải thích chó đá thăng hoa thành con rồng toan nghê vì cái đầu con nghê và đầu rồng toan nghê giống hệt nhau.
Muốn giải thích vị trí các con của rồng trong kiến trúc, điêu khắc (chân cột cung điện, ngai vua, long ấn, cán gươm, đỉnh bia đá…) thí dụ như trong hoàng thành Huế, thì phải hiểu rằng nghệ nhân đều chọn vị trí theo cá tính của 9 loại rồng theo sự mô tả của Lý Đông Dương[15], Dương Thận[16], Trần Nhân Tích[17]. Dưới đây là bảng tóm tắt hình ảnh và vị trí của 9 con của rồng.
Tên gọi 9 con của rồng | Vị trí |
1. Bi Hi 2. Li Vẫn 3. Bồ Lao 4. Bệ Ngạn 5. hao Thiết 6. Công Phúc 7. Nhai Ti 8. Toan Nghê 9. Tiêu Đồ |
Chân cột, chân bia Đầu nóc mái cổ Quai chuông Chính diện kiến trúc Đò đựng thức ăn, uống Cầu cống, tầu bè Khắc trên đao, gươm Đinh trầm, lư hương Cửa ra vào |
2. Suy đoán bằng quan sát, so sánh
Với hình ảnh con thứ tám toan nghê[18] của giống rồng theo truyền thuyết Trung Hoa “Long sinh cửu phẩm”[19], chúng ta quan sát, so sánh tượng hình con nghê với con rồng toan nghê và tượng đá sư tử bằng cách đặt tượng hình 3 con cạnh nhau (nghê, rồng toan nghê và sư tử). Chúng ta thấy gì? chúng ta nhìn thấy ngay:
- con nghê có mình chó, chân chó, đuôi chó ngắn hoặc dài vắt lên, mõm dài, hai chân trước thường đặt song song nhau như chó đá cổ truyền nhưng có răng nanh, mõm cười và cái đầu giống đầu con rồng toan nghê.
- Con nghê chẳng có điểm nào giống con sư tử. Sư tử Việt Nam cũng như sư tử Trung Quốc thì béo tròn, cơ bắp, mặt dữ tợn, mõm ngắn, đuôi ngắn, lông đầu xoăn tít, đặt chân lên trái cầu.
Sự quan sát và so sánh này cho thấy rõ ràng về ngoại hình con nghê Việt là chó đá trong tín ngưỡng của người Việt thăng hoa thành con nghê mang mình chó, đầu rồng toan nghê.
(1) Sư tử đá Việt (Chùa Thông-Thanh Hóa- Thời Trần)
(2) Sư tử đá Việt, Bảo tàng Thanh Hóa
(3) Tượng sư tử đá Trung Quốc
3. Ý nghĩa và nguyên tắc thăng hoa
Khi nói chó đá thăng hoa có nghĩa chó đá đi vào tín ngưỡng tâm linh và biến đổi tiến lên một cấp bậc cao quí hơn. Khi vẽ hay tạc tượng một động vật hay sinh vật thăng hoa thí dụ như cá chép hóa rồng, mai hóa long, chó đá hóa con nghê, nghệ nhân phải hiểu rõ ý nghĩa thăng hoa và nguyên tắc thăng hoa của động vật hay sinh vật trong nghệ thuật tạo hình của dân gian.
Ý nghĩa thăng hoa. Thăng 升: bay lên, thăng cấp, Hoa 化: biến đổi, cải biến.
Nguyên tắc thăng hoa. Qua các tác phẩm thăng hoa, nghệ nhân luôn luôn tôn trọng 2 nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc 1. Thăng hoa là bay lên địa vị cao hơn và biến đổi, thí dụ cá chép phải vượt qua Ngũ Môn, bay lên trời rồi mới hóa rồng. Chó đá thăng hoa cũng phải theo qui ước đó tức phải bay lên trời để biến đổi thành một linh vật trên trời là con rồng (toan nghê) hay con phụng bay trên trời.
Chó đá và sư tử đều phục dưới đất trước nhà, lăng mộ, canh giữ chống tà ma nên nói chó đá thăng hoa để thành sư tử là điều trái với nguyên tắc thăng hoa.
- Nguyên tắc 2. Sau khi thăng hoa thành rồng thì chỉ có cái đầu cá chép biến đổi thành đầu rồng còn thân hình cá chép vẫn giữ nguyên. Nguyên tắc này cho ta nhìn thấy khi tạo tượng hình chó đá thăng hoa thành con nghê thì nghệ nhân vẫn giữ thân hình chó đá ở dưới và chỉ có đầu chó đá biến thành đầu con rồng toan nghê[20].
Nguyên tắc này cũng phản ánh cách thức của người Việt đồng hóa với văn hóa Viễn Đông mà vẫn giữ lại một phần bản sắc văn hóa Việt thí dụ về y phục vẫn giữ lại cái váy, về ngôn ngữ bên cạnh tiếng Hán Việt vẫn giữ lại tiếng Việt cổ của vua Hùng, v.v.
Vài hình ảnh thăng hoa làm thí dụ
Cá chép hóa long
(1) Hoa văn tại đình làng: cá chép vờn sóng trước khi vượt Ngũ Môn
(2) Cá chép vượt Ngũ Môn
(3) Hình cá chép hóa rồng, chỉ có đầu cá chép là hoa tức biến đổi thành đầu rồng
(4) Hoa văn cá chép hóa rồng chạm trổ tại đình làng,
(5) Tượng cá chép hóa rồng tại Đà Nẵng, tọa lạc đoạn giữa cầu Rồng và cầu sông Hàn thuộc bờ Đông của sông Hàn.
Mai hóa rồng
Tượng hình con nghê trong lịch sử
Về tài liệu hình ảnh nghê làm bằng đá, gỗ, gốm, đất nung, phần lớn đều do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nam Định cung cấp.
Con nghê được định hình vào thời nhà Lý trong các công trình kiến trúc nghệ thuật và trên văn bia “Minh tịnh tự bi văn” (tìm thấy ở nghè thôn Tế Độ, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Từ đó con Nghê hiện diện ở nhiều nơi miền Bắc nhất là trước cổng làng, cổng đình miếu, ngồi trên bình hương trầm, các nậm rượu.
Về hình dáng, từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn, con nghê vẫn giữ được những nét cơ bản ngoại hình của mình chó đá, đầu rồng toan nghê:
- Nét chó đá: mình thon nhỏ, chân chó, đuôi ngắn gọn hoặc dài vắt ngược lên lưng
- Nét rồng toan nghê: đầu có kỳ mà không có sừng, mõm dài mở rộng như cười có răng nanh của rồng.
(1) Nghê đá đền vua Đinh Tiên Hoàng. Đền vua Đinh (Trường Yên, Hoa Lư) có hai cặp nghê đá, một cặp trước nghi môn ngoại và một cặp nghê đá trước bái đường.
(2) Nghê gỗ thời Lý,
(3) Nghê – Đình Giá, tỉnh Nam Định – Thế kỷ XVIII – gỗ – H: 58cm – Sưu tập Bảo tàng Nam Định
(4) Nghê đền vua Lê Thánh Tông – Thanh Hóa, gỗ, TK 17, hiện vật Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
(5) Cặp Nghê – Đình Lâu Thượng, Phú Thọ – Thế kỷ XVIII – Gỗ – H:68,5cm – Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
(1) Nghê – Thế kỷ XVII – Đá – H: 46cm – Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
(2) Nghê – Thôn Hồng Tâm, Nam Định – Thế kỷ XVII – Đồng – H: 67cm – Sưu tập Bảo tàng Nam Định
(3) Nghê – Chùa Cổ Chất, Nam Định – Thế kỷ XVII – Gốm – H: 37cm – Sưu tập Bảo tàng Nam Định
(4) Nghê gỗ chùa Xổi Thượng, tỉnh Nam Định, thế kỷ XVII – XVIII
(5) Đôi nghê điêu khắc tại đền vua Đinh, thế kỷ 17, tại Hoa Lư Ninh Bình
Sang thời nhà Nguyễn ở Huế, con nghê mình chó đầu rồng toan nghê không còn mà con nghê mang hình ảnh của con rồng toan nghê giống tượng hình sư tử có nhiều răng, đuôi xòe như ngọn lửa thật oai vệ thí dụ như con nghê trên ấn vua, hai con nghê trấn giữ trước cửa Hiển Nhơn, Đại Nội Huế, lăng Tự Đức …
(1) Tượng rồng toan nghê trên ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” bằng vàng, thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709).
(2) Tượng rồng toan nghê trên các ấn làm bằng ngọc, cẩm thạch, thủy tinh thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20, nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.
Hình ảnh các con nghê được sáng tạo theo làng nghề và nghệ nhân
Nhiều tượng nghê được làng nghề và nghệ nhân trang trí thêm vào các chi tiết sau: tai hình dẻ quạt, có gân, bờm xoã xuống lưng, có dáng ngồi với chân trước thẳng, phía dưới bụng có hai lớp lông dài xoắn vân mây rồi đến hàng vẩy bụng rắn chạy dài ra phía đuôi, chân nghê không có vảy nhưng được trang trí bằng các lớp đao lửa bay về phía sau.
Vị trí con nghê
Con nghê trên cổng làng, đình, miếu
Cổng làng, đình miếu có thể mang dạng cổng tam quan (tam môn) có 3 cửa và 4 trụ biểu để đặt đôi nghê và tứ phượng trên đỉnh. Chó đá, sư tử bao giờ cũng ngó nhìn ra đàng trước trong tư thế canh giữ còn điểm đặc thù của đôi nghê là ngồi chầu vào nhau ngó lên tứ phượng trên hai cột giữa như để chào đón nên có câu nghê chầu phụng múa.
Mỗi người đều có một nghề
Con phượng thì múa, con nghê thì chầu.
Con Nghê cổng làng[21]
Nhìn người đi về
Cười
(LC, haijin)
Tại đình, đôi nghê tọa trên trụ cột của nghi môn tam quan[22]
Nghê chầu cổng đình
Ngó nhìn phụng múa
Vô tư
LC, haijin
(1) Nghê trên cột trụ biểu bên ngoài ở đền Trấn Vũ, đỉnh 2 cột trụ biểu bên trong là tứ phượng, nghê cặp đôi với phượng hoàng nên dân gian có câu: “Làm Phượng thì múa làm Nghê thì chầu”
(2) Tương nghê trên trụ cột biểu
(3) Dàn Nghê chầu trước Thái miếu nhà Lê ở Thanh Hóa
Vị trí con nghê trong điêu khắc, trang trí
Con Nghê còn được điêu khắc trên gỗ dùng để trang trí trong các ngôi đình cổ ở Việt Nam và đồ gốm.
- Nghê được đạt trên đầu đao (sống mái chạy từ đỉnh nóc nhà xuống, cong lên như hình cây đại đao (mã tấu) nên gọi là đầu đao) như đầu đao đình làng Phù Lão (Bắc Giang), làng Trung Cần (Nghệ An), làng Tây Đằng (Sơn Tây) …
- Nghê được chạm trên cốn (xà ngang từ cột ra để đỡ xà dọc ở mái ngoài), như trên cốn đình làng An Hoà (Hà Nam), Phất Lộc (Thái Bình), cột đình làng Hội Thống (Hà Tĩnh).
– Con Nghê thường được trang trí trên các món đồ gốm cổ như: Tượng con Nghê, Bình đốt trầm hương trên bàn thờ, Nậm rượu hình con Nghê, Chân đèn hình con nghê, Đĩa trang trí hình con nghê[23].
Con Nghê còn cười hay khóc?
Từ năm 1954, cách mạng xã hội chủ nghĩa với phong trào bài trừ mê tín, hai linh vật thuần Việt con nghê cũng như chó đá cùng chung số phận với một số đình, đền miếu, bị đập phá. Sau khi Đổi Mới năm 1984, văn hóa cổ truyền của tổ tiên được phục hồi, một số sanh hoạt như lễ hội, ca trù, lên đồng trước bị cấm nay thì lại được hồi sinh rất mạnh mẽ. Nhưng, tiếc thay, tục thờ chó đá và linh vật nghê thuần Việt thì vẫn bị thất thế bởi:
- Người khảo cứu quên lãng vì thiếu tài liệu lịch sử[24],
- Người dân và ngay cả một số quan chức chăm lo văn hóa không được hướng dẫn bảo tồn văn hóa Việt nên đã chạy theo linh vật Trung Hoa; sư tử, kỳ lân Trung Hoa thay thế con Nghê ngay cả ở những di tích cổ lịch sử.
- Ở Non Nước, Đà Nẵng-Hội An, các nhà khắc chạm cẩm thạch cũng như các lò gốm đâu đâu cũng chỉ sản xuất toàn sư tử, con Lân mà không có con Nghê[25].
Trước sự ô nhiễm văn hóa Việt bởi xâm lăng của các vật thể văn hóa ngoại lai, may thay một số quan chức đã thức tỉnh nhưng phản ứng rụt rè.
Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triễn lãm, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản 2662/BVHTTDL-MTNATL cảnh báo về xâm lăng văn hóa Trung Quốc.
Tổ chức triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” (diễn ra từ ngày 7-17/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) rất là hữu ích cho sự hiểu biết của người dân.
Tháng 8/2013, trang web Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã nêu chuyện “Loạn sư tử đá” ở đền chùa, doanh nghiệp khiến Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch khuyến cáo nhiều đình chùa phải dọn những đôi sư tử đá theo mẫu Trung Quốc. Ngày 9/12/2013, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết sau khi kiểm kê di tích, Sở sẽ kiên quyết loại bỏ những hiện vật như đèn lồng, sư tử đá kiểu Trung Quốc… ra khỏi các di tích cổ truyền. Vậy là dân Việt đã đi theo con đường của Dominica, République dominicaine Trung Mỹ[26].
Lạp Chúc Nguyễn Huy
[1] Chaman là một tu sĩ, thày pháp và thày thuốc chuyên chữa bệnh về linh hồn. Khi hành lễ, Chaman có phép xuất hồn khỏi xác phàm, hồn bay lên trời, chui xuống địa ngục, tếp xúc với các thần, vượt qua các nẻo đi tìm hồn người bệnh đang sống ở trần thế để chữa trị cho người này.
[2] H.Q. Quaritch Wales, Prehistory and religion in South East Asia, London, Bernard Quaritch Ltd, 1957, chap. 3, tr.48-56
[3] Nguyễn Huy, Le Thờ Mẫu, un chamanisme vietnamien? Anthropologie et Société, Université Laval, Québec, 1998 *Chaman là một tu sĩ, thày pháp và thày thuốc chuyên chữa bệnh về linh hồn. Khi hành lễ, Chaman có phép xuất hồn khỏi xác phàm, hồn bay lên trời, chui xuống địa ngục, tếp xúc với các thần, vượt qua các nẻo đi tìm hồn người bệnh đang sống ở trần thế để chữa trị cho người này.
[4] Trống đồng vừa là nhạc khí vừa là biểu tượng quyền lực, tín ngưỡng, đời sống kinh tế, văn hóa… của người Việt cổ.
[5] Gọi là Đền Thủy Trung Tiên Từ nghĩa đền Bà Chúa Nước là vì đền Cẩu Nhi đã được tân tạo trên nền đền Bà Chúa Nước (Mẫu Thoải) và khánh thành ngày 20/8/2017
[6] Ngải Sơn lăng còn có tên gọi là An Lăng, hiện nay tọa lạc tại chân đồi khu Ao Bèo, thôn Trại Lốc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh nằm trong Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều có một tượng chó đá dài khoảng 60cm, nằm khoanh tròn chân, thu vào trong lòng, đầu gục xuống, đuôi công kéo dài xuống dưới.
[7] Vào thời cách mạng xã hội chủ nghĩa “bài phong”, vì nhận thức mê muội của cách mạng mà toàn bộ những tượng đá ở lăng Trần Hiến Tông đã bị đập vỡ, trong đó, tượng chó đá bị đập vỡ làm nhiều mảnh.
[8] “Hoàng Việt dư địa chí”, Phan Huy Chú, NXB Thuận Hóa ấn hành năm 1997. Bản dịch do Phan Đăng thực hiện,
[9] Phan Đăng dịch, ngoài cửa có tác hai con chó đá dáng rất linh hoạt (nên dịch là hai chó đá lớn rất linh).
Trong Tuấn Công Thư Phòng, Hoàng Tuấn Công dịch:Ngoài cửa phía sau có hai con chó ngao bằng đá rất thiêng. (Dịch là chó ngao không chỉnh vì ngao là một danh từ chung chỉ con chó cao lớn chứ không chỉ một loại chó đặc biệt)
[10]Trước năm 1985, Đạo Mẫu với nghi thức lên đồng (đừng nhầm lẫn lên đồng là một tín ngưỡng riêng của dân gian) bị nhà cầm quyền cộng sản cấm đoán và được phục hồi sau khi đạo Mẫu được UNESCO công nhận là tín ngưỡng cổ truyền bản địa Việt Nam có từ thời tiền sử của người Việt.
[11] Sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại: “Lăng Ngải Sơn: lăng Trần Hiến Tông, ở dưới núi xã An Sinh, người đá và voi đá, ngựa đá, hổ đá, dê đá, trâu đá nay vẫn còn”.
[12] Dấu vết sư tử còn được tìm thấy trong cả hai từ điển của Taberd và Huỳnh Tịnh Của. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của định nghĩa: Nghê [猊] là “loại thú giống sư tử” nhưng khi lý giải “con nghê” thì lại dẫn “tại sông Đồng Nai có gộp đá lớn giống hình con trâu, người ở đó gọi là con nghê”. Còn Dictionarium Anamitico Latium (Từ điển Annam – La tinh) của J.L.Taberd thì chú giải về “nghê” là “quocddam animal leoni simile” (động vật như con sư tử). Từ điển Thiều Chửu cũng cho rằng “toan nghê” tức là con sư tử.
[13]Vì hiểu sai là sư tử nên sách ngoại quốc cũng dịch sai con nghê là lion, foo dog (dịch từ phúc khuyển của Trung Hoa).
[14] Tên gọi thì có nhiều khác biệt. Chẳng hạn, theo “Hoài Lộc Đường Tập”(懷麓堂集), tên của “Long Sinh Cửu Tử” lần lượt là: Ngưu Tù, Nhai Xải, Trào Phong, Bồ Lao, Toan Nghê, Bí Hí, Bệ Ngạn, Phụ Hí, Li Vẫn.
Còn theo “Thăng Am Tập” (升庵集) thì đó là: Bí Hí, Li Vẫn, Bồ Lao, Bệ Ngạn, Thao Thiết, Công Phúc, Nhai Xải, Toan Nghê, Tiêu Đồ.
[15] Theo “Hoài Lộc Đường Tập” của Lý Đông Dương (李东阳, 1447-1516), tên của “Long Sinh Cửu Tử” lần lượt là: Tù Ngưu, Nhai Xải, Trào Phong, Bồ Lao, Toan Nghê, Bí Hí, Bệ Ngạn, Phụ Hí, Li Vẫn/Si Vĩ.
[16] Còn theo “Thăng Am Ngoại Tập” của Dương Thận (杨慎, 1488-1559) thì đó là Bí Hí, Li Vẫn/Si Vĩ, Bồ Lao, Bệ Ngạn, Thao Thiết, Bá Hạ (, thường bị viết sai thành Công Phúc (蚣蝮)), Nhai Xải, Toan Nghê, Tiêu Đồ Long (Rồng)
[17]Quyển Tiềm Xác Loại Thý 潛確類書 của Trần Nhân Tích 陳仁錫 liệt kê 9 loại con cháu của rồng tùy theo cá tính của chúng
- Rồng Triều phong 朝風 hay đương đầu với giông tố nên được đúc, chạm lên nóc đền miếu để chống sụp đổ;
- Rồng được khắc chạm vào ngai, long sàng, trường kỷ, trang trí trên lư hương trầm vì cá tính rồng Toan nghê 狻猊 mình sư tử, đầu rồng thích nghỉ ngơi, ngắm cảnh;
- Rồng Bí hí 贔屭 có đầu dáng rồng, thân dáng rùa có cá tính yêu thích văn chương nên rồng Bí Hí được khắc hay đúc các vật liên quan đến văn chương thí dụ hình rồng Bí Hi khắc trên bảng rồng đề tên tiến sĩ trúng tuyển và đúc thành tượng trên bia đá . Vì tượng rồng Bí Hi giống dáng con rùa nên có người cho rằng rùa đội bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu chính là con rồng Bí Hi
- Trên chuôi gươm, đao khắc rồng Nhai xải 睚眥 vì giống này thích giết chóc;
- Khắc chạm rồng trên chuông, mõ vì rồng Bồ lao 蒲牢 có tiếng kêu lớn;
- Vì thích hút nước nên hình rồng Li vẫn 蚩吻 hiện diện ở chân cầu hay nóc đền đài để chống hỏa hoạn;
- Hình rồng chạm trên trục lên dây đàn là do khiếu thẩm âm của rồng Tù ngưu 囚牛, 8. Tượng rồng khắc ở chân cột, chân các công trình kiến trúc vì rồng Bá hạ 霸下 có thể mang vác nặng;
- Có khi trên cửa ngục tù có chạm hình rồng Bệ ngạn 狴犴 vì rồng có dáng giống hổ, răng nanh dài, sắc mặt uy mãnh giống như hổ cọp.
[18] Theo “Hoài Lộc Đường Tập” của Lý Đông Dương (李东阳, 1447-1516), tên của “Long Sinh Cửu Tử” lần lượt là: Tù Ngưu, Nhai Xải, Trào Phong, Bồ Lao, Toan Nghê, Bí Hí, Bệ Ngạn, Phụ Hí, Li Vẫn/Si Vĩ. Còn theo “Thăng Am Ngoại Tập” của Dương Thận (杨慎, 1488-1559) thì đó là Bí Hí, Li Vẫn/Si Vĩ, Bồ Lao, Bệ Ngạn, Thao Thiết, Bá Hạ (, thường bị viết sai thành Công Phúc (蚣蝮)), Nhai Xải, Toan Nghê, Tiêu ĐồLong (Rồng)
[19]Trừ nhà nghiên cứu Huỳnh Thiệu Phong thừa nhận chỉ “tạm xem chữ “nghê” trong cách gọi linh vật này là cách rút gọn từ chữ “nghê” trong tên gọi của một trong những đứa con của rồng. biến đổi hoàn toàn về ngoại hình, chức năng và đặc điểm của nó để biến đổi thành một con vật thuần Việt
[20] Chó đá thăng hoa thành con rồng toan nghê khác với “ lý ngư hóa long” là không có truyền thuyết trong dân gian. Cá chép hóa rồng thì truyền thuyết dân gian cá chép phải vượt ngũ môn để hóa rồng
[21] Cổng làng dạng tam quan gồm 4 trụ, Hai trụ biểu tại giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng; Hai trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Cả 4 trụ biểu đều có thân trụ phía trên là các ô lồng đèn, phía dưới trang trí hoa văn, giữa là ô trang trí câu đối
[22] Cả 4 trụ biểu có thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, giữa là ô trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng. Giữa trụ biểu cao và trụ biểu thấp là cổng phụ
[23] Tiêu biểu như: Nghê thời Lý thế kỷ 17 làm bằng gốm ở chùa Cổ Chất, tỉnh Nam Định; Nghê đá, thế kỷ 17, lăng Họ Ngọ, Hiệp Hòa, Bắc Giang; Đôi nghê đá, thế kỷ 18, lăng Dinh Hương, Hiệp Hòa, Bắc Giang; Nghê đá, thế kỷ 17, đền Gióng, Gia Lâm, Hà Nội;
[24] Một cuốn sách có lẽ duy nhất của Trần Hậu Yên Thế, Phác Họa Nghê, NXB Thế Giới
[25] Mới đây có Công ty Vạn Bảo Ngọc (trụ sở tại Ninh Bình) đã tiên phong đi đầu trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất linh vật thuần Việt.
[26] Năm 2012, Trung Quốc giúp vốn xây cầu Hữu Nghi Dominica – Trung Quốc ở Dominica, Trung Mỹ rồi đặt đôi sư tử tại đầu cầu, người dân phẫn nộ cùng nhau kéo đến đập bỏ đôi sư tử để vạch ra một ranh giới rõ ràng về văn hóa.