Giấc mơ của vũ sư Lưu Bình

Trường Kỳ

Đây là giấc mơ của một nghệ sĩ lão thành vào 2 bộ môn : trống và vũ dân tộc. Giấc mơ của một đời người. Nó đeo đuổi Lưu Bình từ khi ông còn là một chú bé người Việt gốc Hoa cư ngụ trên đường An Bình, thuộc khu Xóm Dọc, Chợ Lớn. Lúc đó tiếng trống và động tác của những đám múa lân đã làm ông mê mẩn. Ông đã từng tâm sự: “Tôi không bao giờ quên những tiếng trống múa lân vào mỗi dịp Tết. Nó lôi cuốn tôi vô cùng. Mỗi lần nghe tiếng trống múa lân là tôi mất tích vì ham chạy theo đoàn múa lân. Lúc về nhà đương nhiên là mình mẩy bị đòn, đầy những lằn roi mây!.” Cả những tiếng trống đám ma hay trong những buổi nhạc lễ cũng là những gì rất quyến rủ đối với một cậu bé lúc đó mới hơn 10 tuổi này. Lưu Bình thú nhận “thấy người ta đánh cặp trống chiến, trống cơm, những tuồng tích, những tiếng trống phụ họa cho những diễn viên trên sân khấu, tôi thích thú vô cùng”” Giấc mơ của ông bắt nguồn từ đó.

Người vũ sư và tay trống cự phách với trên 70 năm mê mải trong hai lãnh vực này sinh năm 1932 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, thân phụ ông là người Hoa lai Việt, một nhạc sĩ vĩ cầm, thân mẫu là người Việt Nam. Ông bắt đầu đến với ngành vũ bằng bộ môn thiết hài năm 1947,  một bộ môn vũ mới lạ của Tây Phương.

Cùng với người anh là Lưu Hồng, và em gái là Mỹ An, đoàn vũ bộ Mỹ An đã được thành lập. Ba anh em họ Lưu đã được quái kiệt Trần Văn Trạch đưa đi trình diễn thiết hài tại nhiều nơi với lần ra quân đầu tiên rất thành công trong tiết mục “Orsay””vào khoảng năm 1949. Sau đó ba anh em họ Lưu còn theo học vũ Ballet với một nữ giáo sư Pháp. Bộ môn múa do đó càng ngày càng thấm nhập vào tâm hồn Lưu Bình, nhất là sau những thành công của vũ bộ Mỹ An tại nhiều vũ trường Sài Gòn, Chợ Lớn.  Sau khi Mỹ An lập gia đình vào năm 60, tuy chỉ còn hai anh em, nhưng họ  vẫn tiếp tục hoạt động dưới tên Vũ bộ Lưu Bình Hồng cũng rất nổi tiếng sau đó.

Tuy là một trong những người tiên phong đem các vũ điệu tây phương vào sân khấu, vũ trường Việt Nam và nhờ có cơ hội đi lưu diễn đó đây, Lưu Bình đã có dịp gặp gỡ  vũ công của nhiều quốc gia,  nhưng Lưu Bình luôn trăn trở muốn  gầy dựng nên bộ môn múa của việt Nam. Ông nhận thấy quốc gia nào cũng có nghệ thuật vũ múa của riêng họ, tại sao Việt Nam lại không? Từ câu hỏi đó, một giấc mơ đã nhen nhúm nơi ông. Và từ đó ông đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu về ngành vũ dân tộc xoay quanh những điệu múa Đình, múa Sanh Tiền, múa Bông Sen, múa Cung Đình…Lưu BÌnh công nhận những điệu múa đó đều mang ảnh hưởng phần nào của nền văn hóa Trung Hoa hay Ấn Độ. Tuy nhiên ông dùng đầu óc nhiều sáng tạo của mình để bổ sung hầu tạo được bản sắc  dân tộc.

Nhớ lại những đêm hai anh em ngồi tâm sự về văn nghệ dưới chân rặng núi Pyrénées ở miền nam nước Pháp trong một chuyến lưu diễn dài cả tháng trời với đoàn văn nghệ Hồng Lạc vào năm 1996 mà ông là người hướng dẫn về vũ, tôi vừa thương vừa cảm phục ông. Suốt mấy đêm, Lưu Bình miên man và say sưa nói về giấc mơ của mình là thành lập một đội múa hoàn toàn dân tộc. Thương vì biết chắc chắn ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm như vậy do nhiều yếu tố. Thứ nhất đa số giới trẻ ở hải ngoại đã không ít thì nhiều thấm nhập nền văn hóa Âu Mỹ. Thứ nhì, thành phần của một đội múa sẽ phải luôn luôn thay đổi vì một số thành viên phải bận rộn với việc học vấn, thi cử. Một số khác không thể theo đuổi lâu dài do vấn đề lập gia đình, tạo sự nghiệp, thay đổi chỗ ở v.v.. Như thế việc tập dượt luôn phải bị quay trở lại từ đầu với những thành viên mới. Thật sự tôi không mấy tin tưởng những gì ông nói về giấc mơ của mình. Đối với tôi đây sẽ mãi mãi là một giấc mơ không bao giờ thành sự thật. nhưng dù thế nào, tôi cũng phải cảm phục Lưu Bình về tính kiên trì, lòng đam mê và tấm lòng thiết tha đối với văn hóa và dân tộc Việt Nam. Tất cả mọi dự tính, ước mơ đều nằm trong tinh thần bảo tồn nền văn hóa Việt Nam tuy chỉ có một nửa dòng máu Việt chảy trong huyết quản!

Tuy là một người gốc Hoa, nhưng Lưu Bình từng khẳng định:”Tôi sinh ra và trưởng thành tại nước Việt Nam, ăn gạo Việt Nam, thở không khí Việt Nam, uống dòng nước Việt Nam cho nên tôi thích tìm hiểu về văn hóa Việt Nam” Từ quan niệm như thế, Lưu Bình còn quan tâm rất nhiều đến bộ môn trống dân tộc. Rất có năng khiếu và gặt hái nhiều thành công trong ngành vũ, nhưng Lưu Bình cũng là một tay trống cự phách. Lưu Bình học nhạc lý với nhạc sĩ dương cầm Nguyễn Văn Dung và được sự hướng dẫn của 2 tay trống lừng danh Huỳnh Anh và Huỳnh Hiếu. Chịu ảnh hưởng sâu xa bộ môn trống tây nhưng mang nặng tâm hồn Việt Nam, NS Lưu Bình luôn chú tâm đến ngành trống dân tộc nên dốc tâm nghiên cứu cặn kẻ về lãnh vực này trong nhiều năm . Ông từng là tay trống lão luyện trong ban nhạc The Shotguns từ năm 1968 đến 1975 sau khi từng là cây trống kỳ tài của một ban nhạc tại vũ trường Moulin Rouge.

Niềm đam mê vũ dân tộc cộng với sự say mê trống cổ truyền đã gieo trong tim của NS Lưu Bình một giấc mơ lớn đầy ý nghĩa.

Giấc mơ của ông không phải chỉ dành riêng cho ông niềm vui đơn thuần một khi thành tựu một cách cụ thể là việc xây dựng thành công một đội trống và một đoàn vũ dân tộc. Niềm vui đó bao hàm một ý nghĩa  vô cùng sâu xa vì như ông từng nói, nguyện vọng của ông là hướng dẫn được những lớp trẻ thuộc các thế hệ sau này các bộ môn trống và vũ trong mục đích bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc.

Lưu Bình: niềm đam mê nghệ thuật và ý chí bảo tồn văn hóa Việt Nam

Trường Kỳ

Lần nào gặp Lưu Bình cũng thấy  nét mặt ông rạng rỡ nụ cười. Trong đó hằn in lòng đam mê, tự tin và lạc quan của ông dù tuổi đã cao.

Lần gặp gỡ trước, lúc đó ông được 76 tuổi, sự rạng rỡ đó có phần…rạng rỡ hơn. Lần này, người nghệ sĩ cho biết niềm mơ ước của ông từ lâu có nhiều dấu hiệu thành hình tốt đẹp. Liền đó, Lưu Bình miên man nói về việc chính thức xây dựng Hội Trống và Vũ Dân tộc. Đội trống mang tên là Tây Sơn, và đội vũ lấy tên là Lạc Việt. Một ban vận động đã được thành hình với một số thân hữu cùng ý hướng với ông: đặt nặng vấn đề bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam lên trên hết, với mục đích truyền đạt cho thế hệ sau nghệ thuật của hai bộ môn trống và vũ. Việc xây dựng Hội Trống và Vũ dân Tộc Lạc Việt, một tổ chức văn hóa bất vụ lợi, phi chính trị và không phân biệt tôn giáo như vậy, thật khó thành công nếu không được sự tiếp tay của những người quan tâm đến nền văn hóa dân tộc. Khó khăn thực tế nhất là tình hình tài chánh rất eo hẹp. Mọi sự đóng góp sẽ giúp cho niềm mơ ước của Lưu Bình đến gần sự hình thành, cũng như giúp cho những thân hữu trong ban quản trị của Hội Trống  và Vũ Dân tộc có phương tiện duy trì những hoạt động của họ. Người viết sổ tay này tin tưởng rất nhiều nơi tinh thần yêu mến văn hóa dân tộc của quý vị…

Riêng về bộ môn trống, Lưu Bình cho biết sở dĩ ông đặt tên Hội Trống là Tây Sơn vì thời kỳ  nhà Tây Sơn khởi nghĩa là một thời kỳ rất quan trọng của lịch sử Việt Nam, bao hàm nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần dân tộc. Ngoài việc hướng dẫn cho hội trống Tây Sơn, Lưu Bình còn phụ trách một số lớp dạy trống trong tuần cho khoảng 20 người, trong đó có một số người cao tuổi.

Trong bước đầu thành lập, Hội Trống và Vũ Dân Tộc đã may mắn được Hội Tự Tế của người Đài Loan cho sử dụng miễn phí “sous sol”tại nhà thờ của họ. Tuy nhiên, tiền nguyệt liễm của các học sinh lớp trống với giá rất tượng trưng, đều được sung vào quỹ từ thiện của Hội Tự Tế.

Việc làm cụ thể của Ban Xây Dựng Hội Trống và Vũ Lạc Việt là đã đứng ra tổ chức các chương trình dạ tiệc gây quỹ, điển hình là chương trình dạ tiệc. văn nghệ và khiêu vũ Tiếng trống Lạc Việt tối chủ nhật ngày 12 tháng 10 năm 2008 vừa qua tại Centre Socioculturel de Brossard. Như tên gọi, chương trình này đặc biệt chú trọng đến những tiết mục trống của đội trống Tây Sơn. Những nhạc cảnh và hoạt cảnh, trong đó trống giữ vai trò chính yếu, đã để lại những cảm giác hân hoan khó quên trong tâm hồn khán gỉa. Đặc biệt là ba hoạt cảnh trống “Lý Kéo Chài””và “Hồ Trên Núi”” “Trưởng Thành”do Lưu Bình sáng tác đã được toàn thể khán giả nhiệt liệt hoan nghênh khi chứng kiến thủ pháp của những tay trống trẻ đã tỏ ra khá đều đặn và cứng cỏi sau một thời gian được huấn luyện bởi thầy trống lão thành Lưu Bình.

Sự nghiệp và ước mơ của Lưu Bình thành công được nơi hải ngoại, một môi trường khó khăn cho sinh hoạt bảo tồn văn hóa dân tộc,  nhờ vào sự hợp tác và khuyến khích của người bạn đời của ông, cố ca sĩ Mỹ Dung. Đây là một yếu tố chính đã thôi thúc ông theo đuổi niềm mơ ước của mình.

Lưu Bình có vẻ mãn nguyện với ước mơ thành tựu của mình qua sự thành lập và sinh hoat của Hội Trống và Vũ Lạc Việt. Lưu Bình tâm sự: “Tôi không dám nói là mình mãn nguyện. Nhưng cái ước mơ này tôi cho là một ước mơ đẹp, là một việc làm lý tưởng…Tôi thiết tưởng như thế này chưa thể nói là đủ rồi, tại vì sự sáng tạo của loài người và của nghệ thuật không ngừng tiến lên. Vì thế tôi tạm gọi là hài lòng với giấc mơ đẹp này. Khi nào tôi không có sức để mà mơ nữa, tôi hy vọng sẽ có nhiều người, nhiều học trò, nhiều bạn bè có chung một niềm đam mê, tiếp tục thực hiện giấc mơ đó. Theo tôi, giấc mơ này luôn có mãi trong tiếng trống và điệu vũ dân tộc của Việt Nam. Hy vọng là khắp nơi có người Việt Nam sẽ vang lên tiếng trống dân tộc, sẽ diễn ra nhiều điệu vũ thắm đượm mầu sắc quê hương. Tôi muốn giấc mơ của tôi là giấc mơ lâu dài và thật đẹp. Nếu cho là tôi mãn nguyện thì không phải. Phải để cho những người khác tiếp tục ước mơ chứ. Nhưng dù sao, tôi rất hài lòng đã đi được một bước tiến tốt”

Lưu Bình đã nỗ lực để giấc mơ của ông được thành hiện thực. Nguyện vọng bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam đã là động lực chính để thôi thúc giấc mơ này. Cũng vì thế mà ông đã không ngần ngại hỗ trợ một cách tích cực cho bất cứ hội đoàn, tổ chức nào cần đến sự đóng góp của hai bộ môn trống và vũ một cách hoàn toàn miễn phí. Lưu Bình  và cô cháu Lưu Mỹ Vân đã từng  đóng góp cho những sinh hoạt của Trung Tâm Hồng Đức, Trung Tâm Người Việt tại Canada, Hội Phụ Nữ, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia và nhiều hội đoàn khác tại Montréal. Thêm vào đó là đoàn Dân Ca Dân Nhạc Hồng Lạc, vũ đoàn Tiếng Nói Trẻ, vũ đoàn Hòn Ngọc Viễn Đông, và một số hội đoàn ở Toronto v.v..

Như Lưu Bình đã nói, giấc mơ của ông sẽ chẳng bao giờ có thể gọi là chấm dứt, vì nó sẽ còn tiếp tục được theo đuổi bởi những thế hệ sau ông trong mục đích bảo tồn nền văn hóa cổ truyền của dân tộc…May mà còn có những người còn sống trong mơ như Lưu Bình. Ông biết cách mơ, một giấc mơ rất sống động, thực tế và trong sáng.

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

MỚI NHẤT

183FansLike
0FollowersFollow
20SubscribersSubscribe

X