Khóc Thầy

Không bao giờ tôi nghĩ là tôi sẽ có cơ duyên học trống, và lại được học với thầy Lưu Bình, người nghệ sĩ trống lừng danh của Sài Gòn hoa lệ ngày xưa.

Từ Đại Hội Gia Long 2015 ở Washington DC, chúng tôi đã gồng minh nhận lá cờ luân lưu, đồng ý tổ chức Đại Hội Gia Long Thế Giới kế tiếp tại Montreal vào năm 2017.

Trở về Montreal, hội cựu nữ sinh Gia Long bắt đầu soạn thảo chương trình cho Đại Hội Gia Long Thế Giới kỳ VIII.

Với thành phần Ban Tổ Chức ít ỏi, chúng tôi suy nghĩ tìm cách” chuyển yếu thành mạnh” với ước vọng sẽ “độc đáo” hơn những đại hội trước. May mắn thay ở Montréal có thầy Lưu Bình, một nghệ sĩ lão thành chuyên nghiệp về cả hai bộ môn vũ và trống, chương trình văn nghệ nào có sự tham dự của Thầy luôn nổi bật và lôi cuốn. Chúng tôi tưởng tượng: buổi lễ khai mạc Đại Hội sẽ thật long trọng với ba hồi trống chào cờ của Thầy và phần văn nghệ sẽ vô cùng hào hứng với màn trình diễn trống dân tộc.!

Nhưng làm sao để gặp và xin thầy Lưu Bình trong khi mình không thuộc thành phần văn nghệ đây?

Tình cờ trong một buổi tiệc tân niên năm 2016, có sự hiện diện của thầy Lưu Bình, tôi liền đến gặp thầy và ca bài “con cá sống vì nước” để xin thầy giúp đỡ.

Thật là một bất ngờ, Thầy vui vẻ nhận lời cho đến học ngay để thầy thẩm định khà năng. Tôi bèn rủ thêm các Gia Long khác cùng đi học như chị Kim Thủy, Huệ, Ngọc Trang, Bích Thụy. Đặc biệt là Bích Thụy tuy đã dọn nhà sang Mỹ nhưng những dịp về thăm các con ở Montréal đều đến học dù chỉ vài tuần hay một tháng. Thật đáng khen! Trong lớp trống đã có một chị Gia Long là Kim Phương, từng theo học với thầy từ vài năm trước.

Nhóm Gia Long nhập học cùng với nhóm môn sinh cao niên vào tối thứ tư ở Centre des Loisirs du Parc rue St-Roch. Thời gian đó thầy dạy nhóm trẻ vào tối chủ nhật.

Để huấn luyện cho nhóm học viên cao tuổi này, những bộ óc cùn mằn theo năm tháng, không còn bén nhạy để thu thập kiến thức nhanh chóng, Thầy Lưu Bình đã kiên nhẫn chỉ dẫn từ nhạc lý đến kỹ thuật đánh trống. Có khi Thầy phải mất hàng giờ để chỉ dẫn từng người cách cầm dùi trống, cách đánh theo âm sắc và thủ pháp riêng tùy theo bản nhạc. Thầy tận tâm chỉ từng chi tiết, cách cầm dùi, tay giờ lên, đánh xuống, chân đứng, chân nhịp như thế nào. Bắt đầu học Thủ Pháp căn bản của trống, Thầy kiên nhẫn đếm nhịp cho học trò tập suốt cả buổi đến khô cổ. Anh Thọ người rất quan hoài, mang micro đến để thầy đỡ phải nói to khan tiếng.

Kể chuyện xin học trống, anh chị Ngô Anh Võ, tuy đã lớn tuổi nhưng đam mê muốn học trống nên gọi điện thoại nói dối là xin ghi danh học cho cháu nội 10 tuổi. Đến khi tới gặp thầy mới nói sự thật thì thấy bảo học thử 3 lần nếu không được thì thôi! Nhưng sau này anh chị Võ được ở trong số người thầy chọn đi trình diễn riêng với thầy. Bravo Anh Chị Võ!

Những tối tuyết rơi mọi người đều lo lắng khi thầy đến lớp trễ, luôn ngóng nghe điện thoại của thầy để ra đón thầy ở métro. Sự hy sinh của thầy thật là đáng kính phục vì thầy luôn sốt sắng không quản ngại trời đông giá tuyết đi dạy trống dân tộc miễn phí. Chúng tôi chỉ đóng góp chút đỉnh để trả tiền thuê phòng.

Là người gốc Hoa , nhưng Thầy rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa cổ truyền Việt Nam.

Ngày Đại Hội Gia Long Thế Giới 30/9/ 2017, cả hội trường gồm hơn 800 cựu nữ sinh Gia Long và gia đình cùng các Thầy Cô Gia Long khắp thế giới cùng quy tụ về tham dự Đại Hội Gia Long kỳ 8 này. Mọi người vô cùng xúc động khi nghe Thầy gióng ba hồi trống uy nghiêm, hào hùng, long trọng khai mạc buổi lễ với màn rước cờ và chào cờ. Chúng tôi, đám cựu nữ sinh Gia Long được thầy hướng dẫn biểu diễn hai màn trống dân tộc, tình tự quê hương: Hát hội trăng rằm và Hồ trên núi. Đây là lần đầu tiên tiết mục trống được trình diễn ở Đại Hội Gia Long Thế Giới nên màn trống được nhiệt liệt tán thưởng.

Cám ơn Thầy Lưu Bình, người Nghệ sĩ đa tài.

Đồng hương Việt Nam tị nạn cộng sản ở thành phố Montréal của xứ lạnh Canada được nồng ấm qua tiếng trống cự phách của Nghệ sĩ Lưu Bình trong các buổi lễ : Tết Cổ truyền Việt Nam, Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày kỷ niệm Hai bà Trưng, Khánh thành Tượng đài chiến sĩ, Tượng đài cố tổng thống Ngô Đình Diệm. Đặc biệt trong các buổi Giỗ tổ Hùng Vương và các buổi lễ chào quốc kỳ, tiếng trống cổ truyền dân tộc vang lên trang nghiêm gây nhiều xúc cảm cho khách tham dự.

Tiến xa hơn nữa, Hội Trống và Vũ dân tộc Lạc Việt của Thầy Lưu Bình đã góp mặt thi thố tài năng cùng các quốc gia Á Châu  trong các Lễ hội Orientalys mỗi mùa hè tại Vieux Port de Montréal và tại Forum des aînés.

Không chỉ ở Montreal, thầy không quản ngại tuổi cao, đường xa, đóng góp cho các buổi lễ, văn nghệ tổ chức tại Toronto và Ottawa.

Mỗi lần đi trình diễn, từ sáng sớm, thầy trò đã phải có mặt ở Centre des Loisirs du Parc để khiêng vác trống ra xe bus chở đi. Đến nơi lại phải khiêng vác trống lên sân khấu trình diễn. Rồi lại khiêng về. Chúng tôi không quên ơn anh Võ và anh Thọ là hai người luôn khiêng vác nhiều nhất, cũng như chị Võ luôn làm bánh mì, lo thức ăn nước uống cho các em. Lần nào cũng mệt nghỉ! nhưng thầy trò đều vui vì bao giờ cũng được khán giả hoan nghênh, vỗ tay quá xá!

Ngoài bộ môn trống dân tộc, Thầy cũng là tay trống tây thiện nghệ, tôi may mắn học được thêm trống tây với Thầy, nên được nghe nhiều tâm sự riêng về cuộc đời của thầy. Thầy nói ngày xưa sư phụ thầy dạy một bài rồi bảo thầy phải tự tập chừng nào đánh được , xong mới cho học tiếp chứ đâu được gò, chỉ từng ly từng tý như thầy dạy chúng tôi bây giờ.

Với tâm huyết trao truyền lại cho thế hệ trẻ một di sản văn hóa cổ truyền Việt Nam, hòa nhập vào nền đa văn hóa Canada, Thầy hết lòng thương yêu truyền dạy và kỳ vọng nơi các tài năng trẻ như Vân, Thiên An, Kiều và các môn sinh trẻ khác. Thầy sáng tác và hướng dẫn nhiều thế hệ học viên với một chương trình đào tạo chuyên nghiệp.

Thầy đã sống với niềm say mê nghệ thuật suốt cả cuộc đời . Hơn bảy thập niên qua, Thầy đã cống hiến tài năng trọn vẹn cho hai bộ môn vũ và trống cổ truyền dân tộc. Với số tuổi 87 Thầy vẫn lặn lội đi dạy trống cho chúng tôi và các cháu thanh thiếu niên. Đại dịch Covid xảy ra trên toàn cầu đã ngăn chận sinh hoạt ý nghĩa này của Thầy

Chúng tôi ai cũng kính thương Thầy, mỗi tháng 7 đều tổ chức mừng sinh nhật của Thầy. Cả nhóm đang dự liệu tổ chức lễ sinh nhật tới cho Thầy. Nhưng vô thường đã đến gây bao sự thương tiếc cho toàn thể mọi người. Khi thầy yếu nhiều phải vào nhà thương, anh Võ ngày hai buổi, sáng và chiều đều vào thăm. Thầy cảm động nói “chắc anh Võ với tui kiếp trước là anh em”.

Ngày 24 tháng 4 năm 2021, Thầy đã giã từ gia đình Hội Trống Lạc Việt đi về thế giới bình an. Tôi nhớ mãi tiếng nhạc, tiếng trống dập dìu mà Thầy đã hướng dẫn tôi với La Cumparsita, Espacanani, Romano. Rock & Roll với Love Me Tonight, Let’s Twist again, Hip Hop với Down và những bài Cha Cha. Nhớ bài cuối cùng “ Sẽ không bao giờ hết “, nhịp điệu nhanh quá phải tập mãi mới được và thầy lúc nào cũng kiên nhẫn sửa dạy

Như chị Võ nói tiếng trống là tiếng lòng, nhịp trống là nhịp đập của trái tim tạo niềm vui cho lớp tuổi cao niên cũng như lớp trẻ.

Từ nay, trong những hồi trống của nhóm Lạc Việt sẽ thiếu tiếng trống của Thầy. Nhưng trong mỗi người chúng tôi, tiếng trống của Thầy Lưu Bình sẽ là bất tử. Thầy đã biết gieo sự đam mê vào tâm hồn chúng tôi, những người học trò thuộc nhiều lớp tuổi. Trong tim chúng tôi sẽ luôn nhớ về một người Thầy vóc dáng mảnh khảnh, tuổi đời chồng chất , nhưng vẫn còn khả năng đưa sức sống mãnh liệt vào những hồi trống dân tộc.

Vô cùng biết ơn và thương tiếc thầy Lưu Bình.

Phương Dung

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

183FansLike
0FollowersFollow
20SubscribersSubscribe

MỚI NHẤT

X