Ý nghĩa ngày Tết

Lạp Chúc Nguyễn Huy

Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn,
Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông
(Đoàn Văn Cừ )

Mỗi năm Tết đến là Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Montreal tổ chức Hội Tết tụ hợp cả chục ngàn người có nghi thức cúng lễ tổ tiên, múa lân, văn nghệ, các gian hàng tết… . Các thân hữu bạn bè, các hội đoàn nhỏ như hội Rồng Vàng, nhóm Sa Long Cương, CLB SAIM tổ chức Tất Niên ở nhà hàng, phát hành tập san Tết… Đúng ngày Tết thì đến chùa, nhà thờ Việt, thánh thất Cao Đài cùng nhau ăn Tết và chúc tụng nhau.

Tại những vùng đông người tỵ nạn cộng sản như Little Saigon, Cabramatta Sydney, San Jose… Tết được tổ chức rất là hoành tráng (diễn hành của các hội đoàn, đốt pháo, chợ hoa, ca nhạc…) với cả trăm ngàn người tham dự.

Đi đâu mặc kệ đi đâu
Đến ngày giỗ tết phải mau mà về.

Các nhà Hán học thường nói về chữ Tết và Tiết, cả hai chữ  đều được phát âm bắt nguồn từ âm đọc (tset) chữ Hán trung cổ của chữ Tiết  節. Điều này cũng nêu lên câu hỏi là các nhà Hán học có cưỡng từ đoạt lý không vì Tết là tiếng Việt, tiết là chữ Hán? Người Việt chúng ta thường nghĩ Tết là của người Trung Hoa nên những người quá khích chống Trung Cộng chống luôn hội Tết. Đây là vài điều để chúng ta suy nghĩ về nguồn gốc Tết qua 2 giải thích  chung quanh chữ tiết (tiếng Hán) và tết (tiếng Việt).

Tết trong vùng Đông Nam Á

Theo nghiên cứu về sinh thái kinh tế, thời cổ đại, lãnh thổ Trung Hoa có hai sắc tộc chính sanh sống : người Hán ở lưu vực Hoàng Hà chuyên về chăn nuôi, du mục, ở phương Nam sông Dương Tử thì có người Bách Việt (trong đó có Lạc Việt) trồng lúa nước. Tết là lễ hội nông nghiệp nên xuất xứ từ giống Bách Việt chịu ảnh hưởng văn hóa miền Đông Nam Á. Vì vậy chúng ta có những câu hỏi sau.

Trước thời đô hộ, người Việt ăn Tết như thế nào? Theo sách Giao Chỉ Chí, Tết của người Việt là ăn mừng một mùa cấy trồng mới :« Bọn người Giao Quận thường tập trung lại thành phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan Lang, Chúa Động cũng đều tham gia lễ hội này »[1].

Có từ Tết trong chữ Hán không? Trong kinh Lễ Ký, Khổng Tử nói: « Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó. Họ gọi tên cho ngày đó là Tế Sạ”. 

Nước nào có từ Tết như của người Việt? Theo khảo cứu của BS Nguyễn Hy Vọng, Tết là danh từ (nom commun) gọi ngày lễ mừng đầu năm mới của nhiều dân tộc vùng Đông Nam Á khi gió Mùa từ Ấn Độ Dương mang mưa đến khởi đầu nông vụ trồng lúa. Cho nên, lễ mừng năm Mới của người Thái gọi là Thêts, của người Ấn Độ và người Khmer là Chêtr vào tháng tư tháng năm theo cổ lịch, người Mường là Thết, người Chàm là Tit vào tháng năm của lịch xưa Chàm… Như vậy Tết là cái ngày ăn mừng đầu mùa mưa và sau này trở thành ngày ăn mừng đầu năm âm lịch.

Từ ba câu hỏi trên, chúng ta có những suy nghĩ sau.

Lãnh thổ Việt nằm trên vùng Đông Nam Á nên Việt Nam có nhiều sắc thái văn minh, văn hóa giống như nhiều nước vùng Đông Nam Á : Trồng lúa trông cậy vào mùa mưa, ăn trầu cau, trống đồng, mặc váy, nhà sàn … Từ những điểm chung này, chúng ta có thể nêu lên các giả thuyết sau.

– Giả thuyết thời cổ xưa, dân Việt cũng như dân vùng Đông Nam Á ăn Tết là ăn mừng khởi đầu nông vụ do gió Mùa mang mưa đến.

–  Có phải là sau một thời gian dài bị đồng hóa, dân Việt phải theo tập tục ăn Tết theo người Hán nên các nhà Hán học coi chữ Tết có âm Hán Việt là tiết, Tết và Tiết đều bắt nguồn từ âm đọc (tset) chữ Hán trung cổ của chữ Tiết 節 ? Từ đó mà có suy luận Tết cổ truyền của người Việt có xuất xứ từ Trung Hoa.

Theo sử Trung Hoa, Xuân Tiết hay Tân Niên  có từ thời Tam Hoàng và ngày Tiết thay đổi theo mỗi triều đại, nhà Hạ chọn tháng Giêng, nhà Thương tháng Sửu (tháng chạp)… đời Tần chọn tháng Hợi (tháng 11), nhà Hán chọn tháng Giêng (tháng Dần)… Nếu tra từ  nguyên  của chữ Tết thì chẳng có liên quan gì đến chữ  Tiết trong tiết nguyên đán của lịch Trung Hoa. Nguyên Đán chỉ là buổi sáng đầu tiên của tiết lập xuân thôi.

Ngày nay, nhiều tư tưởng, tôn giáo, tập tục đã vượt qua ranh giới quốc gia dân tộc để thuộc về gia tài của nhân loại như Thiên Chúa Giáo, Kinh Dịch, Phật Giáo… . Vậy nếu Tết Nguyên Đán theo âm lịch Trung Hoa được coi là thuộc về gia tài văn hóa tập tục của nhân loại thì chúng ta cứ tiếp tục vui chơi ngày Tết và chấp nhận giải thích Tết theo chữ Tiết 節.

Tết theo Kinh Dịch

Để giải thích Tiết Xuân, người Trung Hoa dựa vào Kinh Dịch. Tiết dùng để chỉ  « tiết trời » (khí hậu) trong một khoảng thời gian thí dụ như tiết xuân, tiết hạ v.v. diễn tả ảnh hưởng khí của trời đất cảm nhận được qua nhiệt độ nóng, lạnh, ấm… Tết Trung Thu, Thanh Minh, Đoan Ngọ…

Từ “nguyên” 元 trong Nguyên Đán 元旦 có nghĩa là đầu, đầu tiên, còn “đán” 旦 có nghĩa là ngày sớm mai. Nghĩa gốc của từ Nguyên Đán 元旦 là chỉ “Ngày đầu tiên » (tức ngày mồng một) của một năm Nông lịch. Vậy Tết  Nguyên Đán  là buổi sớm mai đầu tiên của tiết xuân, và cũng là sớm mai đầu tiên trong năm gọi là  Chánh Đán. Ngày mồng Một tháng Giêng là thời điểm qui tụ ba sớm mai quan trọng nhất của chu kỳ KHÍ[2] một năm nên còn gọi là ngày Tam Chiêu, Tam Thủy hay Tam Nguyên : Sớm mai đầu tháng Giêng, Sớm mai đầu mùa xuân, Sớm mai đầu năm (mới).

Ai đã quan sát thấy khí âm dương ?

Cách đây khoảng 5000 năm, các cao nhân quan sát vũ trụ bao quanh mà nhận xét thấy có hiện tượng khí từ trên trời đi xuống như ánh sáng, gió… và khí từ đất bốc lên như hơi nước. Hai luồng khí lên xuống giao nhau không ngừng nghỉ mà sanh ra các hiện tượng vật chất hữu hình trên thế giới. Các cao nhân vẽ một gạch thẳng  tượng trưng cho khí dương từ trời đáp xuống, một gạch đứt đoạn  biểu tượng khí âm đi lên từ đất. Hai gạch âm dương tác động lên nhau mà sanh ra các hiện tượng mà ta quan sát được trong vũ trụ.

Từ hai gạch biểu tượng âm dương mà các cao nhân đã viết nên quyển Kinh Dịch không chữ viết diễn tả luật âm dương làm động cơ cấu tạo thế giới và tiến trình của đời người trong đại vũ trụ.

Tiếp theo, các cao nhân quan sát hậu quả tác động khí âm dương lên xuống mà sanh ra các « tiết của khí » trong trời đất như : hàn, nhiệt, hỏa, ẩm, phong, khô hạn. Và tiếp theo các cao nhân cũng quan sát thấy hiện tượng Khí lên xuống không ngừng nghỉ trong chính cơ thể của mình mà sanh ra  các « tiết » hàn, nhiệt, ẩm… trong cơ thể. Từ quan sát này mà con người cảm nhận một sự tương thông giữa khí đại vũ trụ và khí tiểu vũ trụ (con người) và tầm quan trọng ảnh hưởng của khí vũ trụ lên con người đã khiến con người mở hội ăn mừng ngày khởi đầu  (ngày Tết Nguyên Đán) của chu kỳ biến chuyển khí trong vũ trụ mỗi năm.

Chu kỳ vận chuyển của khí

Trong thời tiền sử, các cao nhân quan sát những chuyển động của khí trong vũ trụ và nhận thấy sự biến đổi của khí theo 4 mùa xuân, hạ, thu, đông cũng giống như 4 giai đoạn trong mỗi ngày (12 giờ đêm đến 6 giờ sáng, 6 giờ sáng đên 12 giờ trưa, 12 giờ trưa đên 6 giờ chiều, 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm). Khí của mỗi giai đoạn biến động được cao nhân gọi là Thiếu dương (xuân), Thái dương (hạ), Thiếu âm (thu), Thái âm (đông). Để diễn tả 4 giai đoạn đó của khí các cao nhân đã xếp chồng gạch dương  (tượng trưng cho trời) và gạch âm  (tượng trưng cho đất) thành hình ảnh chuyển đổi của 4 khí trong vũ trụ  như sau.


Chu kỳ vận chuyển của khí trong vũ trụ qua 4 giai đoạn Thiếu dương, thái dương, thiếu âm, thái âm tương ứng với:

– 4 mùa trong năm: Xuân, hạ, thu, đông;

– 4 biến chuyển của thể xác: Sanh, lão, bệnh, tử,

– 4 trạng thái của vạn vật: Thành, trụ, hoại, không;

Ngày mồng Một tháng Giêng được coi là ngày bắt đầu chu kỳ vận chuyển một năm của khí trong vũ trụ vì ngày đó đánh dấu sự hồi sanh của vũ trụ, của sức sống, do đó mà con người mở hội ăn mừng và gọi là Tết Nguyên Đán.

 Ngày lập xuân?

Tại sao ngày Nguyên đán lại đôi khi không trùng với ngày Lập Xuân ? Ngày mồng một tháng giêng nông lịch gọi là “Xuân tiết” (chữ Hán春節, pinyin: chūnjié nghĩa là lễ hội mùa xuân) nhưng hai ngày (Nguyên đán và Lập xuân) lại không trùng một ngày trong âm lịch như bảng đối chiếu dưới đây.

Năm Tết Nguyên đán Lập xuân
Kỷ Dậu (1968-1969) 16/2/1969 14/2/1969
Canh Tuất (1969-1970) 06/2/1970 04/2/1970
Tân Hợi (1970-1971) 27/1/1971 04/2/1971
Nhâm Tí (1971-1972) 15/2/1972 05/2/1972

 

Lý do là việc xử dụng múi giờ. Hai miền Nam Bắc Việt Nam từ sau năm 1975 đều cùng sử dụng múi giờ GMT+7 (trước đó Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sử dụng múi giờ GMT+7, còn Việt Nam Cộng hoà sử dụng múi giờ GMT+8 giống như Trung Quốc (múi giờ GMT+8). Hiện nay hai nước Việt, Trung sử dụng hai múi giờ khác nhau khi biên soạn lịch nên nông lịch của Việt Nam và Trung Quốc bị lệch thời gian so với nhau, có lúc thì chỉ lệch có một giờ, có lúc thì lệch đến một tháng. Vì vậy mà có năm Việt Nam đón tết cùng ngày với Trung Quốc, có năm lại đón tết trước Trung Quốc.

Khi đề cập đến văn hóa Trung Hoa, chúng ta nên tránh thái độ quá khích chống văn hóa Trung Hoa hiện nay như tại Ca Li Hoa Kỳ đã có một nhóm nhỏ hô hào không ăn Tết vì lễ Tết là của Trung Hoa. Một điều chúng ta nên nhớ là có những tư tưởng triết lý (âm dương, ngũ hành của Kinh Dịch), tôn giáo (Phật gióa, Công giáo, Lão giáo…), tập tục (lễ Tết, lễ Giáng Sinh)  đã vượt qua ranh giới quốc gia để thuộc về gia tài văn hóa chung của thế giới.

Tín ngưỡng, kiêng kỵ

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om thòm trên vách bức tranh gà (Tú Xương)

Trong dịp đi chợ hoa trước Tết tại sảnh đường của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montreal, vài bạn trẻ đã đặt câu hỏi với chúng tôi về Tết. Các câu trả lời được ghi lại dưới đây.

Xông đất và vía

Đầu năm chọn người có vía tốt đến xông nhà, tại sao? Trước nhất chúng ta nên hiểu ý niệm hồn và vía trong vùng Viễn  Đông..

Hồn là phần tinh thần của con người, rất linh thiêng nên gọi là linh hồn, hồn ngụ trong tâm 心 tức tim (Tâm hồn: 心). Sau khi chết hồn bay lên trời.

Vía là tiếng Việt (tiếng nôm) đồng nghĩa với phách tiếng Hán Việt[3]. Vía là mặt tối của hồn tức mặt âm nên hồn vía hay đi đôi với nhau như cặp âm dương. Lúc sống vía ngụ trong phế (phổi), có thể đi ra ngoài qua 7 lỗ của đàn ông (tai, mắt, mũi miệng) và 9 lỗ âm của đàn bà (thêm âm hộ và hậu môn). Vì có thể xuất ra khỏi cơ thể nên vía người xấu (người nghèo khổ, gian ác, thất đức…) làm tổn thương đến vía người khác. Đó là nguồn gốc tục lệ xông nhà, xông đất, xuất hành cần gặp người có vía tốt là thế.

Ăn Tết ba ngày?

Ba ngày Tết biểu tượng cho triết lý Tam Tài Thiên, Địa, Nhân. Ngày mồng Một là Giờ tý có Trời, mồng Hai là giờ Sửu có Đất, mồng Ba giờ Dần có loài người.  Mùng Bốn làm lễ tạ hay lễ tiễn gia tiên; Mùng Bảy Khai Hạ tức hạ nêu.

Mồng một thì ở nhà cha,
Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy.
Mồng một chơi cửa, chơi nhà,
Mồng hai chơi xóm, Mùng ba chơi dình.

Mua hoa trưng Tết?

Vì quan niệm « hoa khai phú quí » (hoa nở tượng trưng cho phú quí) đã hướng dẫn cách chọn hoa cũng phải theo một số tiêu chuẩn của tập tục, tín ngưỡng về màu sắc, phát âm tốt lành, đồng âm với điều may mắn.

Hoa mai 5 cánh?

Bông mai[4] có 5 cánh (mai ngự hay mai Huế) gọi là « Mai khai ngũ phúc » tượng trưng cho 5 phúc : Trường thọ, Phú quí, An khang (mạnh khỏe), Hảo đức (được tiếng tốt), Thiện chung (chết an lành)[5]. Bày mâm ngũ quả cũng mang ý nghĩa “Ngũ phúc lâm môn”.

Hoa cúc vàng nở rộ tại chợ hoa Tết?

Theo thuyết ngũ hành, hoa cúc màu vàng (thổ) ở trung cung thuộc về vua lại có rất  nhiều cánh biểu tượng con cháu đầy đàn. Còn theo nho giáo,  hoa cúc vàng là biểu tượng người quân tử trong bộ tranh tứ quí (mai, cúc, trúc, tùng) vì có đặc điểm « Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa » (Lá không lìa cành, hoa không rơi xuống đất). Ngoài ra, còn trưng chậu hoa có tên gọi như ước nguyện cho Năm Mới.

Hình 5 con dơi?

Chúc Tết nhau bằng hình con dơi là vì : 1) chữ nho chỉ con dơi đọc là fu có âm đẹp dọc như âm phúc, 2) Vẽ 5 con dơi để chúc nhau với ý nghĩa tượng trưng cho « Ngũ phúc lâm môn », 5 điều phước tới cửa nhà : Thọ, Phú, Khang ninh (mạnh khỏe, an vui), du hảo đức (yêu chuộng cái đức), Khảo chung mệnh (chết già, trọn đời).  Nếu thấy nhà nào cố ý treo ngược chữ phúc để mang ý nghĩa đảo, mà âm « phúc » và âm « đảo » đọc liền nhau có nghĩa « phúc đáo » tức là “phúc đến nhà”. Nghịch mà hóa thuận, ngược mà lại tốt.

Chậu ớt?

Ước vọng đầu năm là có nhiều con cháu. Với quan niệm hột và trái tượng trưng cho con cháu, đó là lý do tại sao ngày Tết trưng bày các trái cây có nhiều hột, nhiều màu đỏ như cây lựu (Lựu khai bách tử), dưa hấu, cây quất, cây ớt đầy trái….

 Văn nhân đón xuân?

Tam dương khai thái 三 陽 開 泰 là câu của các văn nhân thường chúc nhau Ngày Tết,

Đầu xuân dán câu đối trước nhà :

Tam dương khai thái,
Ngũ phúc lâm môn
(Ngũ phúc : Thọ, phú, khang ninh, du hiếu đức, khảo chung mệnh[6])

Nguyễn Công Trứ (1778-1858) trong bài hát nói với giọng tự trào:

Bầu một chiếc lăn chiêng, mặc sức tam dương khai thái,
Nhà hai gian bỏ trống, tha hồ ngũ phúc lâm môn.

Ca dao chúc Tết:

Nay mừng tứ hải đồng xuân,
Tam dương khai thái, muôn dân hòa bình.

Thiền sư Hương Hải (1628-1715) sống vào thời Hậu Lê, có lần xúc cảm sáng tác bài thơ xuân thất ngôn bát cú mà hai câu đề là:

Tam dương khai thái chuyển hồng quân,
Cửu thập thiều quang sắc sắc tân.
(Tiết xuân thông mở chuyển muôn phương,
Ba tháng thiều quang sắc sắc xuân.)

Dũ Lan Lê Anh Dũng có nhắc đến trong số mấy bài thơ trên điện Thái Hòa (Hoàng thành Huế) tương truyền có bài ngũ ngôn như sau:

Hà xứ xuân sinh tảo,
Xuân sinh chấn thì phong,
Tam dương khai thái tịnh,
Tứ hải lý tường đồng.
(Nơi nào xuân đến sớm,
Gió đông xuân về nhanh,
Vận thái bình xuân mở,
Dân cùng vui điềm lành).

Tam dương khai thái?

Trong Kinh Dịch, Thái là tốt lành nên thường nói Thái giả thông dã (Thái là thông suốt). Vì vậy quẻ Thái là quẻ tốt lành nhất vì “thiên địa giao Thái, hậu dĩ tài thành thiên địa chi đạo…” có nghĩa là nhìn vào hình dáng của quẻ Thái, thấy ý nghĩa tốt lành của Thái là do 3 hào dương nội quái Càn (trời, tượng trưng bởi 3 vạch liền) nằm bên dưới hợp với 3 hào âm ngoại quái Khôn (đất, tượng trưng bởi 3 vạch đứt)  nằm bên trên. Hình dáng quẻ Thái diễn tả khí trời giáng xuống dưới (hướng âm), khí đất xông lên trên (hướng dương), khí âm dương trong vũ trụ được giao hòa khiến cho vạn vật sanh hóa tốt đẹp.

Tại sao lại có ý nghĩa Tết Nguyên Đán vào quẻ Thái? Là vì sang tháng Giêng (mùa Tết) là quẻ Địa Thiên Thái « Theo kinh Dịch, tháng 11 âm lịch (tiết đông chí) ứng với quẻ Địa Lôi Phục (chỉ có một hào dương, một vạch liền, ở hào 1 dưới cùng). Sang tháng 12 thì tăng thêm một hào dương ở hào 2 thành quẻ Địa Trạch Lâm. Sang tháng Giêng (đầu mùa xuân) thì đủ ba hào dương thành quẻ Địa Thiên Thái. Do đó, người xưa nói đến xuân thường không quên nhắc tới Thái».

Mùa Xuân là mùa vạn vật chuyển mình sống động lại. Vì thế, nói về tháng giêng, ta thấy các cụ xưa thường dùng chữ «Tam Dương khai Thái»

Còn về mùa xuân, chữ Xuân 春 có nghĩa là động, sống động, cho nên trong ngày Xuân thuở xưa, vua và quần thần phải ra đồng cày mỗi người một hay vài ba luống (tịch điền), chẳng những là để làm gương cho dân nên bắt tay ngay vào công việc đồng áng, mà còn là để làm một động tác tượng trưng: phá vỡ mặt đất để giúp cho muôn vật sớm vươn lên[7].

Đó là lý do vào ngày Tết thân ái gởi 3 con dê đến chúc độc giả báo Hưng Việt với câu chúc Tam Dương Khai Thái,  Tam dương là 3 hào dương của nội quái càn nằm ở dưới và thường được biểu tượng bởi hình 3 con dê (3 hào dương).

Mùa xuân ngày Tết đượm quê nhà,
Kẻ tới, người về ở phương xa.
Khắp nơi lớn, nhỏ đều vui thú,
Mùa xuân ngày Tết rộn nhà ta.

Lạp Chúc Nguyễn Huy

 

[1] Theo sách An Nam chí lược của tác giả Lê Tắc viết vào thế kỷ XIII, người Việt có phong tục khác biệt với Trung Quốc, dân thường hay vẽ mình, ưa uống rượu, dùng trầu cau đãi khách, hay ăn dưa mắm, những vật dưới biển và đã tổ chức lễ Tết.

[2] Chữ Khí 氣 chỉ chất hơi gồm: chữ 气 chỉ hình ảnh hơi nước bốc lên và biến thành vô hình trong không khí, -chữ mễ 米 chỉ bó ngũ cốc. Ý nghĩa chữ Khí là : chữ mễ 米 ý nói nếu đốt ngũ cốc sẽ cho Tinh, Tinh này sẽ hóa thành Khí vô hình diễn tả bởi chữ 气 chỉ hình ảnh hơi nước bốc lên . Chữ Khí 氣 là hình ảnh khí âm dương lên xuống: Khí âm xuất phát từ Tinh hữu hình (米, mễ cốc) và trở thành  Khí dương vô hình 气 bay lên.

[3] Theo từ điển Thừa Chửu, Vía là tinh khí của con người. Phàm vật gì tinh khí hết kiệt, chỉ còn hình chất lại gọi là phách

[4] Các loại mai : Mai núi mọc hoang dã hoa có từ 5 đến 18 cánh. Mai chùm gởi nhiều hoa nở ra trên chỗ u. Mai hương có mùi thơm (Bến Tre), mai rừng Cà Ná, mai ngự xứ Huế …

[5] Ngũ phúc” là: 富 (phú), 貴 (quý), 壽 (thọ), 康 (khang), 寧 (ninh).

Kinh Thi nói về “ngũ phúc” (năm điều phúc) là: (1) 富 [giàu], (2) 安 寧 [yên lành], (3) 壽 [thọ] (4) 攸 好 德 [có đức tốt], (5) 考 終 命 [vui hết tuổi trời].

[6] Ngũ phúc : Trường thọ, phú quí, an khang, hảo đức (lòng nhân hậu), thiện chung ( đoán được ngày chết). Phúc là một ân huệ do chính mình tạo ra bằng hành động tố đẹp tích đức. Chữ nho Phúc treo ngược vi phát âm đảo và đáo (đến) gần giống nhau.

[7] Năm 1827, vua Minh Mạng đặt tịch điền tại hai phường Hòa Thái và Ngưỡng Trị. Bốn mặt tịch điền có xây tường gạch, giữa là « cung canh ». Trước mặt tich điền có cửa Phương Môn ghi hàng chữ : Đế mệnh xuất dục, Vi Thiên hạ tiêu.

Lạp Chúc Nguyễn Huy
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Cựu Giảng sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

183FansLike
0FollowersFollow
20SubscribersSubscribe

X